" 50 chân dung văn nghệ nổi tiếng dưới góc nhìn Thanh Thảo " Huỳnh Như Phương 1955- / tphcm i ] -- trích " vanhocsaigon- Chủ nhật 25/08/ 2022.
50 chân dung văn nghệ nổi tiếng dưới góc nhìn Thanh Thảo
“Những chân dung muôn màu” vẽ lên 50 khuôn mặt văn nghệ quen biết, hầu hết những bài viết đều ngắn nhưng tập hợp lại thì thành một bức tranh muôn màu của đời sống.
Giữa miên man một giòng sông lúc cuộn trào sôi nổi, khi thong dong trầm mặc của nửa thế kỷ thơ Thanh Thảo, xuất hiện những bãi cồn văn xuôi như dấu tích của một đời sống đa diện và những chân dung đa dạng. Đó là Ngón thứ sáu của bàn tay (1985), Mãi mãi là bí mật (2004), Trò chuyện với dòng sông (2009) nói bằng ngôn ngữ tiểu luận phê bình; là Lang thang qua chiến tranh (2017) và Cơ nhỡ trong hoà bình (2017) qua ngôn ngữ hồi ký.
Lần này, Những chân dung muôn màu (NXB Văn Học, 2022) là một phức hợp của ngôn ngữ tản văn, tùy bút, hòa quyện với giọng hồi ức, đôi khi văn bản có cốt cách của một truyện ngắn, và không loại trừ yếu tố chính luận; tất cả nhằm vẽ lên 50 khuôn mặt văn nghệ quen biết. Hầu hết những bài viết đều ngắn, có khi chỉ là những nét phác họa cho vừa khuôn khổ trang báo, nhưng tập hợp lại thì thành một bức tranh muôn màu của đời sống.
Hiện diện ở đây, trong phòng triển lãm này của Thanh Thảo, đông đảo những nghệ sĩ lớp trước: Vũ Đình Liên, Văn Cao, Xuân Diệu, Tế Hanh, Yến Lan, Khương Hữu Dụng, Hữu Loan, Quang Dũng; cho đến những người cùng thế hệ với tác giả: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ý Nhi, Trúc Thông, Ngô Thế Oanh, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo… Đặc biệt, Thanh Thảo đã viết những bài đầy thấu cảm về những nhà thơ miền Nam: Tô Thùy Yên, Du Tử Lê, Ngô Kha, Trần Quang Long, Vũ Hữu Định, Hữu Đạo.
Viết văn xuôi, cái “chất ngoài xã hội” (tr.11) giúp Thanh Thảo hiệp thông được với những phận người lang thang, cơ nhỡ; “bữa đói bữa no áo quần lấm láp”, những dáng dấp “lầm lũi đi con đường đất lầy lội dọc bờ mương”. Điều đó không trái nghịch mà hòa điệu với chất thơ tinh ròng để tác giả khám phá ra nét độc đáo của một con người. Thanh Thảo phát hiện ra ở Văn Cao “một người gió thổi bay như thế lại là người bão quật không đổ” (tr.8). Ngồi bên cạnh Hữu Loan, Thanh Thảo thấy “ông xa xôi như hình bóng một tiên ông, lại gần gũi như một người nông dân vừa xong buổi cày”. (tr.93). Thanh Thảo nhận ra “cảm giác bơ vơ” trong thơ Tế Hanh từ tính thuần phác của người dân quê Quảng Ngãi: “Tâm hồn ấy có thể mãnh liệt, có thể cực đoan, và đôi khi có thể tinh tế, nhưng cái nổi bật của nó là sự thuần phác, ngây thơ, nghiêng hẳn về nội cảm, một nội cảm nhiều khi cô đơn, nhiều khi tủi thân, và cũng nhiều khi đầy một cảm giác bơ vơ”. (tr.19).
Thuần thục chuyện bếp núc của nghề, Thanh Thảo dễ dàng chọn ra những trang văn xuôi trữ tình tuyệt bút của Nguyên Ngọc, những câu thơ tinh tế đầy ám gợi của Trinh Đường (“Đêm dài như giấy trắng”), của Đỗ Nam Cao (“Một cuộc đời nữa làm sao kham nổi”). Chọn và bình thơ của những tài năng lớn dẫu khó cũng không khó bằng nhặt ra và nâng niu những câu thơ hay của những nhà thơ vốn không có nhiều thành tựu.
Khi những phát hiện của Thanh Thảo được nâng lên và triển khai thì nó mang màu sắc triết luận. Tác giả so sánh thơ siêu thực Ngô Kha với Lorca: “Thơ siêu thực không dễ làm, và dĩ nhiên, khó hay, nhưng khi đã thành công, thì nó vụt sáng. Đó cũng là phần không thể thiếu được trong thơ ca hiện đại. Khi chọn hình thức thơ siêu thực, một trí thức tranh đấu can trường như Ngô Kha đã chọn cho mình một phương thức biểu đạt không trực tiếp. […]. Anh chính là một F. G. Lorca của Việt Nam, với cây đàn lyre và bài ca lãng đãng trên con đường đơn độc về một miền xa thẳm nào”. (tr.115).
Khi đọc những bình luận của Nguyễn Đức Tùng về thơ Bắc Mỹ, Thanh Thảo mở rộng cảnh giới của sự tiếp nhận, lưu chuyển và tái sinh của văn học: “Văn học trong sáng và sòng phẳng. Trong lĩnh vực này, anh tới đâu thì là tới đó. Không ít hơn. Cũng không nhiều hơn. Vì thế, phải hết sức bình tĩnh. Tôi đã học sự bình tĩnh trong nhiều năm, nhưng tôi biết, đây là bài học không dễ dàng. Có những bài thơ khi mới viết, mình cảm thấy hay. Rồi qua nhiều tháng năm đọc lại, hình như không còn hay nữa. Ngược lại, có những bài thơ ban đầu mình không để ý nhiều, thậm chí mình vứt đâu đó trong những cuốn sổ tay nhỏ. Bao năm sau, chợt lấy ra đọc lại, như có gì hút mình vào nó, hay một va đập mới từ nó khiến mình bồn chồn. Bài thơ như tự lột xác trước mắt mình. Nó đòi mình phải nhìn nó bằng ánh nhìn khác, chấp nhận nó bằng cảm giác khác”. (tr.124).
Và như vậy, trong khi họa chân dung của các văn hữu mà ông yêu mến, Thanh Thảo cũng đồng thời tự họa chính mình. Đó là một nhà thơ phá cách bẩm sinh, có chút ngang tàng nhưng yếu đuối tự sâu thẳm, người chịu đi suốt những cuộc rượu từ đầu đến cuối trang sách, nhưng không đánh mất sự tỉnh thức của lương tri nghệ sĩ. Ông tự bạch: “Ai cũng nói thơ tôi mạnh mẽ, nhưng một nhà thơ bạn tôi nhận xét, tận bên trong, tôi là người yếu đuối”. (tr.120); “Với tôi, thơ cứ vung lên như người câu cá, được thì được, không được thì thôi” (tr.156). Kết nối với những văn bản tự sự là những văn bản thơ của chính tác giả, như những lời đồng cảm với số phận bạn bè và số phận chính mình: “ba mươi năm rồi bạn ơi/ tôi bong tróc hệt bức tường từng ở/ những di dân đâu thảnh thơi như gió/ đâu tươi vui như cuộc đổi đời// đời lặng lẽ trôi/ tuổi già vụt đến một sớm mai mùa hạ/ nghe chim hót ngỡ trời còn trong quá/ nhìn lên, xám xịt một màu…. (tr.121).
Nhà thơ hồn nhiên thường cũng là người yếu lòng, dễ tính, dẫn đến dễ dãi, đôi khi trở thành nông nổi. Dễ tính như Trinh Đường vì say thơ mà ban phát những lời khen tặng “thiên tài” cho đồng nghiệp. Như Thanh Thảo tả cảnh Xuân Diệu “ăn thật no…” (tr.16), rồi cho đó là “một cách hành xử nghệ thuật”, “một thái độ, một quan niệm sống rất nhân bản và là một tư tưởng thẩm mỹ” (?!) thì phải nói là một lời khen tặng quá hào phóng! Dân Việt nghèo, lo miếng ăn là nỗi lo suốt đời, nhưng văn hóa bình dân vẫn giữ những nét đẹp tinh tế, lịch lãm trong cách hành xử với cái ăn.
Một lần khác, trong sách này, Thanh Thảo ngợi ca “một nhân vật có công rất lớn” với một thành phố miền Trung chỉ với vài dẫn chứng bề ngoài. Đánh giá một nhân vật có liên quan đến số phận cả triệu “con người ngoài xã hội” đâu có thể kết luận một sớm một chiều như vậy được. Thời gian rồi sẽ xác nhận niềm tin của người nghệ sĩ là có căn cứ hay chỉ là sự cả tin dễ dãi. Tuy nhiên, ai mà chẳng có lúc cả tin, nhất là những người thật thà. Nhà thơ có đẳng cấp thường cũng là người thật thà và cả tin có đẳng cấp.
Bây giờ tuổi cao, Thanh Thảo ít viết những bài báo thế sự như thế. Nhưng ông vẫn luôn hiệp thông với những “anh em ngoài xã hội”, vẫn chịu nghe Hoàng Trang hát Trịnh Công Sơn, thì chắc ông còn khối chuyện làm chất liệu để vẽ lên những sắc màu của đời sống.
Nhắc chuyện “Cái đêm hôm ấy… đêm gì?”
Có lần tôi nói với Thanh Thảo rằng trong những bài tản văn ông viết mấy chục năm nay, tôi thích và nhớ lâu nhất là bài “Cơ chế mới chết trước cơ chế cũ”. Bài viết nhắc lại câu chuyện thời kỳ đầu Đổi mới: sau khi Báo Văn Nghệ đăng ký sự “Cái đêm hôm ấy… đêm gì?” của Phùng Gia Lộc, một độc giả ở quê hương Quảng Ngãi của chúng tôi là ông Đặng Bửu viết thư cáo buộc tác giả đã “bôi đen” xã hội và rồi ông này bị bổn báo đả kích một trận tơi bời. Bây giờ nghĩ lại, thấy tội nghiệp ông Đặng Bửu, chẳng qua ông là người thật thà, cả tin, như biết bao người thật thà cả tin khác, mà thôi. Bài báo của Thanh Thảo viết khi Đặng Bửu từ trần sau Phùng Gia Lộc rất lâu, có cái tứ rất hay, rằng cuối cùng thì điển hình của “cơ chế cũ” (Đặng Bửu) cũng sống lâu hơn điển hình của “cơ chế mới” (Phùng Gia Lộc).\
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Người Lao Động 8.2022
-----------------------
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ