đọc thêm (3) : " văn học Miền Nam: Thanh Tâm Tuyền "/ Nhị Linh ( Hà Nội) -- trích: nhilinh.blogspot.com>
Mar 24, 2015
Văn học miền Nam: Thanh Tâm Tuyền
Trong thế kỷ XX của văn chương Việt Nam, có ba người ngoài mang tài năng xuất chúng còn gánh trên vai trách nhiệm của một thủ lĩnh. Trách nhiệm ấy vô cùng lớn lao, đến mức gần như không thể tưởng tượng được.
Như ta mới thấy lại (ở đây và ở đây), đến một lúc (không phải ngay lập tức vào năm 1945), văn chương tiền chiến Việt Nam bắt đầu như thể bốc hơi, ngoài Vũ Trọng Phụng may mắn mất sớm và Khái Hưng, Nguyễn Tuân đã nhanh chân hoàn thành sự nghiệp đời mình, không còn ngại bất kỳ thay đổi nào nữa vì đã ghi danh xong vào lịch sử, chỉ còn lại cặp Đinh Hùng-Vũ Hoàng Chương tiếp tục được con đường, giờ đã thành độc đạo và nghi ngút khói sương huyền ảo.
Còn lại câu chuyện của kết thúc và bắt đầu. Nhân vật thủ lĩnh của sự kết thúc là Nhất Linh, còn hai thủ lĩnh của sự bắt đầu là Trần Dần và Thanh Tâm Tuyền.
Về ba con người ấy có rất nhiều điều để nói, kích thước của họ còn lâu mới có thể nhìn nhận chính xác, thậm chí là không thể, ở đây chỉ nói đến tư cách thủ lĩnh: cả ba người, vào thời điểm riêng của mình, đều nhận ra gánh nặng trên vai, và đều có hành xử rất đặc biệt.
Nhất Linh, sau những cố gắng ở Sài Gòn, biết rằng thời của ông đã qua, không thể níu kéo, những người cũ vẫn còn không ít nhưng chẳng ăn nhập gì vào với thời đại mới. Cú tự sát của Nhất Linh cần được hiểu là sự tự nguyện chấm dứt cả một thời đại.
Trần Dần, nhân vật trung tâm của cuộc náo động văn chương miền Bắc thập niên 50, cuộc náo động mang bản chất của một sự giao tranh thế hệ khốc liệt, trở thành con hổ ngồi trong bóng tối. Cái "mặc như lôi" của Trần Dần ấy vang động và nâng đỡ cả mấy thập niên đen tối.
Thanh Tâm Tuyền còn đặc biệt hơn. Năm 1956 then chốt với cả Trần Dần lẫn Thanh Tâm Tuyền, và then chốt với toàn bộ lịch sử văn chương Việt Nam. Khi tập thơ này xuất hiện, vào ngày 15 tháng Mười năm 1956, cả một thời đại mới đã mở ra, thời đại ấy có thủ lĩnh là Thanh Tâm Tuyền:
1975 cũng mang nhiều ý nghĩa tương đồng với 1945. Thanh Tâm Tuyền sau 1975 cũng có những tương đồng với Nhất Linh sau 1945. Với tư cách nhà thơ, Thanh Tâm Tuyền hoàn toàn có thể viết tiếp, nhưng với tư cách thủ lĩnh, thì không thể được. Cách hành xử của Thanh Tâm Tuyền đã làm cho trọn vẹn tư cách thủ lĩnh ở ông: Thơ ở đâu xa không phải là một tác phẩm văn chương đơn thuần, mà đó là lời bia mộ cho cả một thời.
được đăng bởi khedo@outlook.com @ 14:30 0 Nhận xét
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ