' các bài thơ viết trong tủ "/ Nguyên Lạc " -- trích: T.VẤN & Bạn Hữu -- (12/ 7/ 2022 )
Nguyên Lạc: CÁC BÀI THƠ VIẾT TRONG TÙ
THƠ THANH TÂM TUYỀN
.
1. Bài không tựa đề
Mời các bạn đọc trích đoạn sau đây của văn họa sĩ Tạ Tỵ- viết trong hồi ký “Đáy địa ngục”, chương IV- có ghi việc thi sĩ Thanh Tâm Tuyền tặng ông một bài thơ khi hai ông đang học “cải tạo” ở trại tù Yên Bái, Bắc Việt.
(Trích đoạn)
[ … tôi qua buồng bên thăm Thanh Tâm Tuyền. Chúng tôi mới gặp nhau cách đây ít hôm, tuy ở sát vách. Trước đó, tôi nghe nói có Tuyền ở đây, không tìm ra, tuy đội tôi và đội Tuyền ngồi sát bên nhau. Từ ngày đi cải tạo, thân xác mỗi người đều đổi thay và áo quần lao động tơi tả, rách rưới, nhơ nhớp. Người nào cũng chụp mũ xuống gần nửa mặt để không muốn nhìn ai, và cũng chẳng muốn ai nhìn mình. Một buổi chúng tôi nhận ra nhau. Tuyền mở to mắt nhìn hỏi:
– Ông đó hả?
– Còn ông đó ư?
Chúng tôi cùng phá lên cười. Anh em xung quanh không hiểu gì, sững nhìn. Đội tôi bị gọi đi lao động. Tôi đứng lên, nói với Tuyền, mai sẽ ngồi đúng chỗ này để nói chuyện. Từ đó, chúng tôi mới đỡ cô đơn vì còn có nhau để tâm sự. Tuyền vốn ít nói, nhưng mỗi lời nói rất chắc, cũng như anh viết văn hay làm thơ. Tuyền dặn nhỏ tôi:
– Cậu ạ! đừng gọi biệt hiệu, sợ tụi nó biết, gọi mình là Tâm nhé!
Tôi cười dí dỏm:
– Cậu đánh giá tụi nó kém quá thế sao?
Tuyền vốn có bệnh trĩ, nên thường được nghỉ ở nhà làm việc nhẹ. Còn tôi, đã chán việc khai bệnh vì quá nhục nhã, nên thà lao động còn hơn, bởi vậy vấn đề gặp nhau cũng thất thường.
Sáng nay, tôi sang thăm Tuyền vì thấy cửa mở.
Vừa sang đến nơi, Tuyền đã cười khà khà:
– Chiều qua, nhớ cậu, làm được mấy câu thơ đây.
– Đâu, đọc lên nghe. Nhưng còn thuốc lào không?
– Để đi xin.
Tuyền định đi thì Trung, Đội Trưởng của Tuyền nhanh nhẹn đứng lên, đi xin thuốc giùm. Trung mang về một dúm thuốc “3 số 8” thơm phức. Tuyền nói với Trung
– Ông xin đâu hay thế?
– Ô thiếu gì, anh em mới nhận được quà mà!
Tôi vê thuốc cho vào nõ, châm lửa rít một hơi dài, thở khói xanh um, cả người bần thần ngây ngất vì đã lâu mới được điếu thuốc ngon. Tôi đưa điếu cho Tuyền. Nhồi thuốc xong, Tuyền cũng kéo hơi dài, thật dài nuốt luôn khói. Đôi mắt Tuyền lờ đờ như đắm chìm vào chuyến viễn mơ! Sau khi hả cơn say, Tuyền đọc:
Chờ cơm ôm bụng lép trên giường
Muốn sang thăm bạn cửa gài then
Chiều đổ cơn mưa, trời sập tối
Buông sách ngồi lên, ngó trống không!
Tôi nói với Tuyền:
– Đời chúng mình lúc này chẳng có gì để nhìn ngắm. Sau hơn hai năm bị đầy ải, miệng lưỡi đã tê mùi tân khổ, còn gì để ngóng đợi? Ba chữ “ngó trống không” nó cho tôi nhìn thấy hư vô, nhìn thấy cái cõi “Bất khả tư nghị” của Chân Như. Nó thâu tóm được biết bao nhiêu hình ảnh của kiếp sống phù du, công danh và sự nghiệp nào đó, mũ mãng cân đai nào đó, cũng chỉ là hư ảnh, có đúng vậy không cậu?] – Đáyđịa ngục, Tạ Tỵ.
(Ngưng trích)
.
2. Bài thơ ngã trên núi
Đây cũng là bài thơ Thanh Tâm Tuyền làm trong “trại tù cải tạo” Yên Bái. Trong trại, làm thơ phải làm trong trí, nếu ghi ra giấy cán bộ phát hiện được thì sẽ bị cùm.
.
Ngã trên núi Việt Hồng Yên Báy khi đi lấy nứa
.
Tuột dốc té nhào trên hẻm núi
Chết điếng toàn thân trong giây lâu
Mưa rơi đều hạt mưa phơi phới
Ngày đang tàn hiu quạnh rừng sâu
.
Duỗi soải chân tay gối trên nứa
Ngó trời nhá nhem nghe mưa mau
Tưởng chừng thi thể ai thối rữa
Hồn viễn vông chẳng chút oán sầu
.
Mưa giăng tấm lưới trắng dầy khít
Làng xóm dưới núi ở phương nào?
Gió lạnh tái tê bó liệm chặt
Lả thiếp người quên bẵng sướt đau
.
Ðầm mình trong hạnh ngộ ẩn mật
Mắt hoen nhòa hứng giọt thiên thâu
Dò dẫm lối về đêm tối mịt
Sông xa núi thẳm quê nhà đâu?
(Yên Báy, 9-1979)
………….
Phụ lục:
.
Tiểu sử Thanh Tâm Tuyền
Thanh Tâm Tuyền sinh ngày 1/3/1936, tại Vinh, tên thật là Dzư Văn Tâm, bút hiệu khác: Đỗ Thạch Liên.
Năm 1952 (16 tuổi), dạy học tại trường Minh Tân (Hà Đông) và đăng những truyện ngắn đầu tiên trên tuần báo Thanh niên, Hà Nội. 1954, hoạt động trong Tổng hội sinh viên Hà Nội, cùng với Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, chủ trương nguyệt san Lửa Việt. Vào Sàigòn, 1955, cùng các bạn làm làm tờ Dân Chủ mà Thanh Tâm Tuyền và Trần Thanh Hiệp phụ trách phần văn nghệ. Mai Thảo gửi đến đoản văn “Đêm giã từ Hà Nội”. Thanh Tâm Tuyền “kinh ngạc”, mời tác giả đến toà soạn. Từ đó, “nhóm” có thêm Mai thảo, chủ trương tuần báo Người Việt (tiền thân của tờ Sáng tạo), với sự cộng tác của Lữ Hồ, Ngọc Dũng, Duy Thanh, Quách Thoại. Tháng 10/1956, Sáng tạo ra đời. 1956 đến 1960, do Mai Thảo làm chủ bút. Hai mươi tuổi, Thanh Tâm Tuyền cho in cuốn sách đầu tay Tôi không còn cô độc (thơ, 1956), và năm sau Bếp lửa (văn, 1957), hai tác phẩm đánh dấu sự thay đổi diện mạo văn học, đến thời đó vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề của lãng mạn tiền chiến. 1962, Thanh Tâm Tuyền nhập ngũ, 1966, giải ngũ, 1969, tái ngũ, ở trong quân đội cho đến 75. Sau 75, bị đi tù cải tạo. Tháng 4/1990, sang Hoa Kỳ theo diện HO, sống ở tiểu bang Minesota, giữ thái độ gần như ẩn dật, ông mất hồi 11giờ 30 ngày 23/3/2006 vì bệnh ung thư phổi. (Theo Thụy Khê)
.
Đây là một trong những bài thơ nổi tiếng của Thanh Tâm Tuyền:
.
Lệ đá xanh
.
tôi biết những người khóc lẻ loi
không nguôi một phút
những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình
em biết không
lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi
.
đôi khi anh muốn tin
ngoài đời chỉ còn trời sao là đáng kể
mà bên những vì sao lấp lánh đôi mắt em
đến ngày cuối
.
đôi khi anh muốn tin
ngoài đời thơm phức những trái cây của thượng đế
mà bên những trái cây ngọt ngào đôi môi em
nguồn sữa mật khởi đầu
.
đôi khi anh muốn tin
ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết
mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em
vòng ân ái
.
đôi khi anh muốn tin
ôi những người khóc lẻ loi một mình
đau đớn lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi
(Thanh Tâm Tuyền, Tôi không còn cô độc, 1956)
.
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Cung Tiến phổ nhạc với tựa cùng tên và nhạc sĩ Phạm Đình Chương lấy 2 câu kết phổ nhạc thành bài hát Nửa hồn thương đau.
.
Viết về Thanh Tâm Tuyền
– Đặng Tiến viết về Thanh Tâm Tuyền:
Thanh Tâm Tuyền phá vỡ cái vỏ ngữ âm của câu, hay bài thơ: loại trừ vần, không theo nhịp của ngôn ngữ, xáo trộn thanh điệu bằng trắc; muốn như thế, ông phải sắp xếp lại ý tưởng, hình ảnh, để làm mới ngôn ngữ. Thơ xưa đem tư tưởng ra «diễn ca», còn Thanh Tâm Tuyền tháo gỡ guồng máy ngôn ngữ ra từng bộ phận rồi lắp ghép lại thành những chức năng mới, trong văn bản mới.
…
Nhưng không có lũy tre, con đò, bờ dâu, nương sắn. Thơ Thanh Tâm Tuyền là thơ thành phố.
Tuy nhiên cũng phải ghi nhận với ít nhiều tiếc rẻ là lối thơ Thanh Tâm Tuyền không có người thừa kế. Bản thân Thanh Tâm Tuyền về sau, trong tập “Thơ Ở Đâu Xa” cũng trở về với những thể thơ truyền thống.
.
– Lê Hữu Khóa phỏng vấn Thanh Tâm Tuyền
Lời của Thanh Tâm Tuyền:
. Làm thơ trong trại tù cải tạo, cũng là trở về với thi ca truyền thống dân gian/ la poésie de tradition populaire.
. Tuy nhiên, trong tiếng Việt, người ta nói “làm thơ” chứ không ai nói “viết thơ”. Như vậy, người ta có thể làm thơ khắp nơi, trong bất cứ vị trí nào: khi đang đi, đứng, nằm, ngồi, khi tỉnh thức… Thi ca tới với bạn không hẹn trước, không định ngày, định giờ. Người ta không thể tìm vì không biết nó ở đâu. Chỉ còn là một công việc đơn giản: đón nhận và trao đổi với nó. Thơ đòi hỏi ở bạn một điều duy nhất: giữ cho được tiếng nói thuần khiết/ parole pure và sau đó tiếng nói ấy sẽ quyết định đời sống của chính nó.
. Trong lúc bạn “lao động vì mục tiêu cách mạng”, thơ tới với bạn. Bất ngờ, giữa cánh đồng, giữa rừng rậm… Thơ tới, thơ bắt bạn dừng lại. Bạn bắt đầu thấy bầu trời và rồi quên đi những cử động máy móc. Thơ sớm đưa bạn tới một trạng thái nội tâm thanh tịnh. Sự tự-hiện-sinh/ autoexistence ấy đem tới niềm vui. Bởi vì khi thi ca buông anh ra, anh trở lại cuộc sống mà anh đã dám chối bỏ. Anh thấy cuộc sống này tự chuyển đổi thành tiết điệu của các câu thơ. Chỉ làm việc với đôi cánh tay, trong khi đôi tai đuổi theo những tiết điệu, nhạc tính của bài thơ. Sự hoà điệu này đem lại cân bằng cần thiết giữa giới hạn lao động trong những động tác và ký ức đang tích luỹ/ stocke.
.
@. Ý kiến riêng tôi
Tôi chú ý 2 điều này:
– Làm thơ trong trại tù cải tạo, cũng là trở về với thi ca truyền thống dân gian/ la poésie de tradition populaire (Thanh Tâm Tuyền).
– Bản thân Thanh Tâm Tuyền về sau, trong tập “Thơ Ở Đâu Xa” đã trở về với những thể thơ truyền thống. (Đặng Tiến)
Sau khi ra khỏi “tù”, sang Mỹ sống, hình như Thanh Tâm Tuyền không có làm bài thơ nào gọi là “hiện đại” nữa. Theo tôi, chính những dòng thơ truyền thống nầy mới diễn tả đúng cảm xúc thật của tâm hồn, diễn tả đúng hồn thơ mà ông luận bàn trên
NGUYÊN LẠC
============
được đăng bởi khedo@outlook.com @ 14:08 0 Nhận xét
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ