bài viết thứ 2 của TRẦN THỊ BÔNG GIẤY /San Jose gửi TP ở Sài Gòn : "TRI ÂM GẶP BẠN HIỀN KHÓ QUÊN "/ TTBG -- Fwd. by TRAN THI BONG GIAY tới tôi, ohuc ... ( 2/ 7/ 2022 )
Hangouts
TRI ÂM KHÓ GẶP BẠN HIỀN KHÓ QUEN.Hộp thư đến
TRI ÂM KHÓ GẶP BẠN HIỀN KHÓ QUEN. (Tâm Bút TTBG) -- [ TRẦN THỊ BÔNG GIẤY ]
San Jose, thứ Sáu, July 1, 2022.
MỘT. Đã vào tháng 7 rồi! Thời gian trôi, nhanh quá! Nhớ câu thơ cổ đâu đó “Một ngày không đọc sách cũng bằng như ba năm không rửa mặt!” (Nếu nhớ sai, xin bạn đừng cười.) May mà, mỗi ngày tôi đều đọc sách, những cuốn sách cuộc đời không hoa mỹ, nên mỗi ngày đều thấy bộ mặt của mình vẫn “sạch”!
Tuổi thơ say mê nỗi đau khổ theo buổi chiều Jean Valjean bị xua đuổi khỏi các quán trọ bởi cái giấy thông hành 19 năm khổ sai lao động nặng; tuổi trẻ ngưỡng mộ án lưu đày 10 năm Tây Bá Lợi Á lạnh giá quanh năm của Dostoievski… những hình ảnh dẫu vẫn còn khắc sâu trí nhớ thì cũng không xua tan hết những ê chề chán ngán nhìn thấy từ cuộc sống bây giờ. Tôi cứ tự nhủ: “Không được nhìn ngang ngó ngửa gì ngoài cây đàn và cái bàn viết”, nhưng, đành chịu. Bộ não không còn trong sáng để tiếp nhận cái đẹp cuộc đời nằm ngay phía sau những đau khổ (như ở thời tuổi nhỏ.) Cái đầu bây giờ đặc quánh buồn phiền, dẫu muốn ngó lơ tất cả (từ miếng ăn giấc ngủ cá nhân đến những con người và sinh hoạt thiên hạ) thì mọi mặt trái xấu xa chung quanh vẫn cứ chình ình phơi tỏ cho thấy. * * *
HAI. Hôm kia, Phan Diên từ Nam Cali gọi. Bắt phone, nghe anh nói liền: “BG ơi, vừa mới đọc xong bài Tới Đâu Hay Đó nên gọi ngay cho BG. Tinh thần BG còn mạnh quá!” Tôi chưng hửng: “Anh nói giỡn? BG tự thấy mình suy sụp hẳn đi.” Phan Diên: “Có thể sức khỏe hao mòn, nhưng đọc BG, thấy những con chữ vẫn còn năng lực.”
Tôi thở dài: “Khi viết, BG chỉ biết phóng tâm tư, chẳng cân nhắc suy nghĩ; không giống như độc giả đọc, có được nhận định khách quan.” Phan Diên la: “Chính vậy mới gọi chân thật, một giá trị lớn nhất của cây viết BG. Văn chương còn ưu ái BG lắm. Không phải ai cũng được như thế đâu.”
(Tiếp): “Ngày trước Thế Phong và Hoàng Vũ Đông Sơn vẫn gọi BG là người đàn bà thép. Mấy chục năm qua rồi, từ ngữ đó thấy còn hiệu lực qua những giòng BG ghi xuống.”
Tôi bật hỏi: “Xin nói thật cho biết, đọc BG, anh có nhận ra tính cách trầm cảm?” Phan Diên dứt khoát: “Không! Buồn thì bao giờ cũng buồn, dạo về sau giọng văn thêm da diết nhói tim người đọc. Biết BG, chưa bao giờ thấy BG gặp điều suông sẻ, vậy mà tính cách suy yếu bạc nhược trên cây viết vẫn không có. Càng lúc chữ nghĩa càng cô đọng, ý tưởng thêm xúc tích. Trầm cảm mang tính cách buông xuôi. Còn BG, lúc nào cũng cố thoát ra khỏi lưới chụp Định Mệnh cách này cách khác. Bài viết Đến Đâu Hay Đó hôm qua là một chứng minh rất rõ.”
Tôi bật cười: “Còn BG, đó là lời thú nhận sự giơ tay đầu hàng Định Mệnh!”
Phan Diên: “Đọc đoạn phân tích về Dostoievski và Jean Valjean, tôi bỗng nghĩ, so với hai sự lưu đày của hai người đàn ông thì những khúc quanh nghiệt ngã trong đời BG có gì khác? Nhất nữa, BG là người phụ nữ yếu đuối, nghệ sĩ, một lần tan nát trái tim là thêm một lần đau đớn chồng chất...” Tôi tiếp: “... đến làm cho tâm hồn chai đá!” Phan Diên: “Lạ rằng, chẳng những không chai, mà sự lai láng còn thể hiện sâu dầy qua những hàng chữ. (Nói thêm) Đôi khi tôi cũng nghĩ, sự cô đơn miệt mài trên cây viết của BG có nhiều điểm đồng dạng với Van Gogh ở cả hai khía cạnh tâm tư và nghệ thuật.” (Tiếp): “Như thể, trong đời BG, bao giờ cũng có một cái bóng đè chụp và bao giờ BG cũng vùng vẫy để thoát ra ngoài sự đè chụp ấy. Ngày xưa phản kháng mạnh mẽ, tích cực; ngày sau, dịu hẳn, nhưng vẫn không đầu hàng. Chính Văn chương đã giúp BG điều ấy.”
Tôi bật hiểu: “Trong bài viết vừa rồi, BG kể, mỗi ngày vừa làm việc vừa xem phim Máu Nhuộm Bãi Thượng Hải, thì qua bộ phim, BG tìm ra kết luận thế này, anh à: -Mỗi người mỗi nghiệp. Cái nghiệp du đãng đã đeo vào người anh chàng nhân vật chính thì dẫu muốn hoàn lương, sống đời lặng lẽ, nghiệp cũng quay lại buộc anh ta đeo tiếp. -Còn với BG, như đôi lần nói với anh: ‘BG bỏ Văn chương Âm nhạc chứ hai vị thần ấy không bỏ BG.’ Thật anh à. Bây giờ không còn sức kéo violon hay ngồi vào dương cầm hàng nhiều giờ mỗi ngày nhưng Âm nhạc đã thấm vào máu, Âm nhạc LÀ BG, chuyển động qua những giòng BG viết. Có nghĩa, hai vị thần vẫn giang tay ôm BG vào lòng NẾU BG còn muốn cho họ làm điều ấy.”
(Kể): “Tuần trước, đóng xong hai tập Những Con Chữ Dịu Dàng số 25 & 26, BG tưởng sẽ ngừng viết. Nhưng rồi, sau đôi ngày, đột nhiên nhớ Văn chương quá, ngồi xuống bàn, tự dưng chữ nghĩa tuôn trào ào ạt. Lạ lắm!” Phan Diên la: “Đó là Nghiệp, mà lại là nghiệp Lành đeo đẳng chứ không phải nghiệp Dữ như cái nghiệp làm du đãng của nhân vật trong phim BG vừa xem.”
Tôi thở dài. * * * BA. Phan Diên là người bạn văn duy nhất HIỂU TẬN TƯỜNG và CHIA XẺ HẾT LÒNG cái hiểu theo những bài viết của tôi. Mấy chục năm cầm bút, nhiều người đọc tôi, cũng hiểu; nhưng để nói ra bằng lời những nhận định chân thật thì gần như không có người thứ nhì (ngay cả TNH, ngay cả anh Phùng Kim Ngọc). (Cái gì đó, ví dụ lòng đố kỵ, đã ngăn chận sự phơi bày ngưỡng mộ trong họ).
Lòng chợt buồn theo ý nghĩ, mai này không còn Phan Diên, chắc chắn tôi sẽ hụt hẫng không kém gì chuyện mất Âu Cơ.
Nói đến Âu Cơ, lại nghĩ, nó KHÔNG chỉ là đứa con MÀ CÒN LÀ người bạn tri kỷ, hiểu được cặn kẽ những điều từ con người, chữ nghĩa, đến lời nói và cách sống tôi nó từng nhìn tận mắt. Nó sẽ không bao giờ tự ý đi kiếm những bộ phim Tàu cho tôi xem, nhưng hễ đọc được một cuốn sách hay là giới thiệu ngay cho tôi đọc. Một lần đưa tôi cuốn One Hundred Years of Solitude của Gabriel Garcia, nó gần như van xin tôi: “Người như mẹ phải đọc cuốn này. Không phải tác giả viết cho chỉ gia đình ông ta mà vô tình đã viết về gia đình bên ngoại của mình. Từ Bà đến Mẹ, từ các Cậu đến các Dì, ngay cả hàng con cháu như anh Nô, con, Trầm Bách, con Pouf, anh Pâques, ai cũng mang sự cô đơn đồng dạng cha truyền con nối với các nhân vật trong truyện.”
Hoặc, nó hay sẵn sàng chia xẻ với tôi trên suốt chặng đường xe lửa dài hai tiếng San Francisco - San Jose chỉ một chữ “tím.”
[Bữa đó, hai vợ chồng nó lên nhà Văn Thanh đón tôi về bằng xe lửa. Trước mặt thằng chồng ngồi im, nó phân bày không ngớt cho tôi nghe về tác phẩm đang sáng tác. Nhắc đến màu tím diễn tả trong bản văn, nó chợt nói: “Con tin rằng mẹ rất hiểu điều con muốn viết. Cái màu tím không như mắt nhìn thiên hạ, mà là màu Van Gogh vẽ trong tranh, có thể màu xanh, màu đỏ, màu vàng... nhưng mang đầy chất tím của một nỗi buồn tuyệt vọng toát ra từ một nhà tang lễ, một mảng chiều tà buồn thiu, một đêm tối thui trong nghĩa địa...”
Bữa đó, suốt hai tiếng đồng hồ, nó nói huyên thiên, chỉ riêng với tôi, như thể trong cuộc sống vợ chồng, nó chưa bao giờ được nói với ai như thế. Tôi thấy thật thương. Nhìn cái miệng xinh đẹp phát ra lưu loát những câu chuyện, tôi chợt rung động trong ý nghĩ: “Mất mẹ, có nghĩa là Âu Cơ cũng đã mất đi rồi một kẻ tri âm!”] []
Trần Thị Bông Giấy. (Những lời ghi vội sáng thứ Sáu July 1, 2022 11;44 AM) ================ |
được đăng bởi khedo@outlook.com @ 15:24 0 Nhận xét
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ