' bài viết mới nhất TRẦN THỊ BÔNG GIẤY( San José) : " TỚI ĐÂU HAY ĐÓ ! ... / TTBG -- forwarded by TTBG tới phục, tôi .... -- June , 29/ 2022 >
TỚI ĐÂU HAY ĐÓ!... (Tâm bút TTBG) []
San Jose, thứ Tư, June 29, 2022.
MỘT. Hai tuần lễ, học trò xin nghỉ đưa gia đình đi chơi xa mùa lễ độc lập July 4. Hai tuần không đặt tay lên phím dương cầm tìm các notes nhạc đủ làm tôi “chới với”! Một thói quen thân yêu (vô tình) chào thua trước sự rã rời thân xác và tâm hồn tan nát. (Bây giờ, hơn bao giờ từ khi 10 tuổi, tôi thật thấm tâm trạng Jean Valjean đoạn cuối tác phẩm Les Misérables, không ăn, không ngủ, không cả đi bộ đến con đường có ngôi nhà Cosette, để rồi lịm dần từ từ như ngọn đèn từ từ cạn dầu).
Đứa con trai đề nghị đặt vé cho tôi đi VN. Lại thêm một tuần chới với trong sự tranh đấu với ý muốn, khác hẳn cá chất mau mắn lẹ làng thuở trước! Hóa ra tôi không còn hứng thú gì ngoài cái bàn viết và một đống khổng lồ những tấm ảnh, những trang chữ cần phải sắp xếp (như một bổn phận bắt buộc)? Hóa ra, sự sống lây lất bấy lâu chỉ phát sinh từ đó? Vậy thì, mai này chết đi, có đem theo được chúng không?
Hỏi và tự đáp, xong bằng lòng cho San đặt vé vào giữa tháng 11, 2022. Hai năm, buồn đã quá buồn, ê chề đã quá ê chề, nước mắt (quý hơn kim cương!) đã khô mặt gối... bây giờ phải vứt toang hết trong một chuyến đi, lần cuối! * * * HAI. Tôi nói ra ý định; gặp ngay nhiều hưởng ứng. -Chung, đang ở Berlin, bảo: “Căn nhà ở Phú Mỹ Hưng quận 7, em mua chỉ để cho bạn bè về thăm quê hương tạm trú. Chị là chị thằng Trọng, bạn thân nhất của em. Bao giờ chị lấy vé, em bảo người nhà đưa chìa khóa?”
-Chị Hoàng Vũ Đông Sơn bảo: “Đi đón cô là chuyện đương nhiên, nhưng trước hết cô nên đến nhà tôi (quận 12) ở ít hôm rồi có đi đâu thì mình tính sau.”
-Một độc giả Sàigòn gửi tôi xem những tấm ảnh chụp một căn trong chung cư Tara ở quận 8, “mời cô đến ở, tự do, thoải mái”.
Messenger của Cự & Châu Nha Trang: “Con người chị đi tới đâu có người chào đón tới đó!”
Lời Hoàng Hà Giang: “Con sẽ sắp xếp mọi việc, về phi trường đón Mẹ. Mẹ thích đi xe lửa thì con book vé xe lửa đưa Mẹ ra Nha Trang ngay. Căn hộ, con đặt cọc 100 dollars, đã sẵn sàng cho Mẹ.”
Tôi không nghĩ đến điều trở về Dalat. Sao vậy? Tôi chạy trốn chính mình? Có lẽ? Nhưng trốn đâu cho thoát với trái tim mình? Vì vậy mà đối diện.
-Phạm Gia Cẩn viết: “Cô cho em biết ngày về chính xác, em sẽ book khách sạn theo ý cô muốn.”
-Minh Thu: “Con rất hãnh diện được cô nhờ liếc liếc giá cả khách sạn”. (Liếc liếc là từ ngữ thuở xưa tôi và Âu Cơ hay dùng mỗi khi “trốn” bà ngoại, đi phố liếc liếc áo quần!)
-Lộ: “Con sẽ đi đón và đưa cô về Dassar. Vợ thích lắm nhưng không đi được vì bận con nhỏ.”
-Mỹ Vân: “Phi Nôm xa Dalat quá, sợ cô buồn, chứ căn nhà em lúc nào cũng chờ đón cô.”
Mà thật! Tôi buồn thật! Có cái gì cứ mãi đè nặng trái tim từ hai năm qua. Một lần đã lâu, cậu học trò Chris chợt nói: “Hay là cô nên đi VN một chuyến!” (Bữa đó, tôi thật chưng hửng, không nghĩ rằng Chris lưu tâm mà “thấy ra” nỗi buồn của tôi qua các dòng nhạc hát lên giữa đám họ.)
Đêm qua, tôi đâm sợ. Giấc ngủ vốn không đều, càng trằn trọc hơn nữa. Tôi sợ, nỗi sợ y hệt của nàng con gái (trong Le Grand Meaulnes) trốn biệt khỏi buổi hội huy hoàng Franz de Galais tổ chức chào đón nàng (cô dâu mới), điều, không những khiến một đời Franz đau đớn, mà còn làm tan nát hạnh phúc người chị Yvoinne de Galais và anh chồng mới cưới Augustin Meaulnes.
Tôi sợ, thật sợ. Mà, từ đâu lại sợ? Xin đáp: “Từ đủ thứ!” -Nỗi sợ của một đứa con nít bơ vơ không người đưa tay cho nắm nơi xứ lạ. (Từ đâu để phải gọi quê hương là “xứ lạ”?) -Nỗi sợ của một người lớn đã quen đắm chìm trong bóng tối âm u, giờ thấy ánh sáng chói lòa, mắt càng nhắm kín.
-Trên hết là nỗi sợ xa rời cây đàn, cây viết. Tự hỏi, phải đến bao lâu cái bàn phím laptop mới quen được nắng Sàigòn, mưa Dalat, gió Nha Trang để tư tưởng tuôn trào trở lại? Chắc rằng không dễ. -Ngày xưa nổi tiếng “con người sẵn sàng để ra đi” thì ngày nay, chính cái tiếng ấy là một thứ “Trời trả quả” cho tôi.
Tôi tự cười mình! Suy đi ngẫm lại mới thấy rõ sự bỏ đi của Âu Cơ đã để lại một lỗ trống quá sâu và rộng trong con người tôi, khó lòng lấp nổi. Nên chi, một chuyến bay, hai tháng xa rời Những-Người-Trăm-Năm-Cũ đủ làm tôi mất thăng bằng toàn thể tâm trí và thân hình.
Nhưng, lao đã phóng rồi, phải đưa tay mà chụp. Tấm lòng của San (và vợ) là nguyên nhân lớn nhất tôi cần đáp trả. Cho San có dịp (tưởng là) mẹ vui. Cho San có dịp làm chữ Hiếu. Hoặc (biết đâu?!) là cơ hội cho San cảm nhận trước nỗi đau mất mẹ một ngày rất gần?
Ôm mặt khóc rưng rứt Ra đi là hết rồi!
Điều hết rồi xảy ra từ lâu trong tôi, chứ không phải mới hai năm, sau trận đại dịch Covid, Âu Cơ bỏ đi.
Trong trí bỗng hiện lại lời thư Dostoievski gửi người anh Mikhail trước lúc lên đường lưu đày Tây Bá Lợi Á:
“Anh thân yêu, Em không tuyệt vọng đâu. Em sẽ không để mất nghị lực. Đâu đâu cũng là cuộc sống. Cuộc sống ở ngay trong chính tâm hồn chúng ta mà không phải là ở cõi đời đời. Và dù nơi xa kia, vùng trời Tây Bá Lợi Á, sự ghê rợn đang chờ đợi, em sẽ vẫn được bao quanh bởi những con người. Giữa đám họ, em vẫn luôn luôn là một con người, nên không tự cho phép mình ngã gục. Sẽ không việc gì bất hạnh xảy ra. Cũng chẳng có gì phải nản lòng dao động. Đây là mục đích và ý nghĩa của cuộc sống. Em đã hiểu điều đó. Ý tưởng này trở thành một phần của thân thể máu huyết em. Thật thế anh à. Điều ấy dẫn dắt đến sự sáng tạo, khởi nguồn cho nghệ thuật đẹp đẽ và trở nên quen thuộc cho tinh thần cao thượng. Nó cũng là điều đã từng đè nặng trái tim em.
Những gì còn lại chỉ là kỷ niệm cùng hình ảnh, những tác phẩm đã viết ra và những ý tưởng chưa thực hiện. Giá em nhận 15 năm tù với một cây viết trong tay còn hơn chỉ 4 năm mà không được tự do viết lách! Mọi nỗi này chắc sẽ là nguyên nhân tạo nên đau khổ lớn cho em. Nhìn lại quá khứ, em tự hỏi, cớ sao mình đã bỏ phí quá nhiều thì giờ vô ích, cớ sao lại để trôi tâm trí trong ảo tưởng, lỗi lầm? Cớ sao đắm chìm năng lực trong vẩn vơ uổng phí và cớ sao em đã không biết cách sống trong khi đời sống là một món quà, mỗi phút qua đi đều có thể là từng hạnh phúc bất tận cho em!
Giá như đám trẻ hiểu rõ điều này, anh nhỉ!” (…)
Đó là sự lưu đày Tây Bá Lợi Á, xa khỏi xứ sở Nga, của Dostoievski. Còn tôi, đang sắp được nhìn lại quê hương, sao lại đeo vào hồn tâm trạng của Jean Valjean trong Les Misérables?
Chỉ khác một điều (xin bạn đừng quên), khi viết lá thư này, Dostoievski mới 29 tuổi, cuộc đời chưa ê chề đau khổ. Còn Jean Valjean, (lê lết từng bước tuyệt vọng mỗi chiều đến gần căn nhà Cosette thì dừng lại, quay về) trải qua 19 năm lao động nặng, cuộc đời quá nhiều cay đắng, bấy giờ đã ở vào tuổi bảy mươi. Hai tâm trạng, hai con người của hai câu chuyện tiểu thuyết và ngoài đời luôn luôn làm tôi ngưỡng mộ. Ở cả hai kinh nghiệm, tôi từng và đang còn trải qua. Vậy thì, tôi chẳng là kẻ đáng bị trách móc, phải không?
Tóm lại, cái tâm tôi bệnh quá làm cái đầu chao đảo. Những lời cổ động của bạn hữu và độc giả toàn là lời phấn khích, cũng kéo lại chút nào cho tôi nỗi vui. Vậy thì, lên đường!
“Cô muốn gì, cứ làm, tới đâu hay đó, nha cô?” như lời Minh Thu ở Dalat gửi tối hôm qua. * * *
BA. Mấy bữa nay, tình cờ nghe trên Youtube bản nhạc Máu Nhuộm Bãi Thượng Hải nên vừa làm việc, vừa lắng tai theo câu chuyện của giới gangster Tàu những năm cuối thập kỷ 1880. Dáng dấp sang mà lì, cứng mà thanh của Châu Nhuận Phát làm tôi nhớ đến Nguyễn. Thêm cách diễn xuất linh động cứ cuốn tôi theo (cho đến khi anh này ngã gục dưới một tràng tiểu liên bắn xối xả vào người, thì tôi chấm dứt, không xem nữa).
Điều đáng nói ở đây chính là đứa con dâu. Đây là lần thứ nhất (sau bốn năm vào gia đình tôi), nó mới thấy tôi xem phim Tàu, nên tự động kiếm thêm những bộ khác, giới thiệu với tôi. Tôi ghi nhận tấm lòng đơn giản của nó (đồng thời tự trách mình “xa” con cái quá trong những sở thích cá nhân!)
Chuyện kể ở trên cũng thật lạ với con người không bao giờ chịu mất thì giờ vì những giải trí bình thường như tôi. Rõ là tôi quá khắc nghiệt với chính mình (lời Đoàn Kiệt). Có lúc cũng cần phải thay đổi. Chẳng hạn chuyện xem phim Tàu; chẳng hạn chuyện đi VN; chẳng hạn chuyện “nên bằng mặt (mà giấu béng) cái (không bằng) lòng” của mình; chẳng hạn chuyện “có ngày bất thần đột quỵ, đứng tim”. Chấp nhận tuốt!
Thêm điều khác làm tôi suy nghĩ: -Năm nay đã là giữa 2022 mà thiên hạ còn trình bày trên YouTube những mẫu người của cuối thế kỷ 18 nước Tàu bị bát quốc liên quân phân hóa. Vẫn còn những Bao Công mặt sắt xử án nghiêm minh (bộ phim tôi đang xem). Vẫn còn vô số kẻ bấm Like theo các phim Dillinger, Jesse James, Robin Hood… của Mỹ.
Vậy thì, phải chăng thiên hạ cũng có nhiều người “như tôi”, hoài vọng cái đẹp cũ kỹ?
Có lẽ đúng. Nhiều lắm! Giữa thời đại công nghệ đốt đuốc đi giữa ban ngày tìm hoài không ra chân thiện mỹ mà vẫn còn người xem các cuộn phim mang tinh thần mã thượng (không cần đọc sách) thì hẳn đúng là điều “tôi có đồng minh!”
Thế thôi! Tôi đã phấn chấn lại rồi. Giờ đi đóng sách và xem phim Bao Công tiếp. []
Trần Thị Bông Giấy (Những lời ghi vội chiều thứ Ba, June 29, 2022 5:29 PM). ================ |
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ