Thứ Tư, 8 tháng 6, 2022

đọc thêm: " Từ Hoài Tấn [ i.e. Hồ Văn Hiền 1950- /tphcm) -- trích: Phan Nguyên Blog ( Paris)

 


Saturday, 15 June 2019

Từ Hoài Tấn
























Từ Hoài Tấn

Tên thật: Hồ Văn Hiền
(1950 Huế - .....) 
Nhà thơ






Từ Hoài Tấn tên thật là Hồ văn Hiền.
Sinh năm Dần (1950) tại làng An Truyền (Chuồn ), quận Phú Vang, Tỉnh Thừa Thiên - Huế

Hiện sống và làm việc tại Sài Gòn
Sáng tác từ 1964
Thời niên thiếu cùng vài người bạn chủ trương các tập san thơ văn “ Cuồng Biển”, nhà xuất bản “Nội Dung” ở Huế.

Thơ văn đã xuât hiện từ những năm 1960, 1970 trên các tạp chí Văn, Nghệ Thuật, Vấn Đề, Trình Bày, Khởi Hành, Ý Thức, Tuổi Ngọc …(trước 1975) và Văn, Thanh Niên, Văn Nghệ TPHCM, Sông Hương, …và một số diễn đàn mạng (sau 1975)

Mười lăm năm giang hồ vùng sông nước và bưng biền của vùng Đức Hòa Đức Huệ Tỉnh Long An trước khi định cư cùng gia đinh tại Sài Gòn năm 1994


















Hai bài thơ mới năm 2019






Trong những ga tạm của ngày giang hồ
Gởi tặng Ph.


Khi trở về
Vào những năm 60 thế kỷ hai mươi
Cô gái nhỏ mười lăm tuổi
Áo lụa ngà
Những con đường xuôi về Vỹ Dạ
Mối tình thầm kín dài theo tháng năm
Về một ánh mắt chờ đợi
Về một ước ao cầm tay
Và nụ cười như thánh nữ

Hơn nửa thê kỷ trôi qua
Con đường của gã giang hồ
Không bến trạm
Con đường của gian truân
Bước theo cùng lịch sử
Cô gái mười lăm tuổi
Con mắt của quá khứ
Vẫn dõi theo
Như nỗi ám thị xuyên suốt thời gian

Trong những ga tạm của ngày giang hồ
Khúc ca của phế tich
Một ngày mùa đông âm u
Mưa dầm trên con đường dẫn ra bờ sông
Người đứng đợi
Đó là khi nàng mười sáu tuổi
Tình gởi theo ánh mắt nhìn
Chỉ là nỗi hoang vu đáp lại
Ai đã bỏ đi
Năm mười năm không dấu vết
Chỉ là ánh mắt nhìn
Qua hơn nửa thế kỷ nằm khuất ở một góc nhỏ nào đó

Để khi gã trở về
Trong ga tạm của ngày giang hồ
Nàng vẫn chờ nơi bến cũ

Tạm biệt ngày giang hồ
Dừng đây, ga cuối








Từ biệt quá khứ

Ngày tháng dỗi hờn đem em đi cùng với những đám mây ngày mưa giông
Anh ước nỗi buồn anh cũng qua như thế
Chiều nay – Sài Gòn của tháng tư, nắng thiêu đốt như những lò nướng thịt
Nếu em biết rằng có gì vui hơn khi ra ngoài bờ kênh thở tự do cùng hơi nước bốc lên cùng không khí
Từ biệt quá khứ
Tháng Tư rồi sẽ qua
Mùa nắng nóng sẽ qua
Cơn mưa rào sẽ tới
Anh ước tình ta mát ngọt như cơn mưa đầu mùa
Ngày em lên thuyền về xứ khác

Này mùa hè
Trần trụi và tàn bạo
Bởi những năm tháng qua ta sống giả danh một người khác
Va yêu một người khác
Lấy một người khác
Con của một người khác
Ta sống nhiều năm nơi hoang dã
Giả tạo một sự bình yên
Cay đắng một niềm hạnh phúc
Mỗi người đều phải sống, đúng vậy
Và phải tự tồn tại
Vì đó là ân sũng của tạo hóa – được làm người

Ví dụ ta dầu có giả danh
Thì cũng là một con người
Phải sống như mọi người

Từ biệt quá khứ
Quá khứ - chỉ là tên gọi về những năm dã qua – cũng như phân biệt một thời gian đã chết trong trí nhớ
Nhiều tháng Tư đã qua Sài Gòn vẫn nắng nóng vẫn phải có những cơn giông để bắt đầu một mùa mưa
Vẫn phải thương nhớ em, một tinh yêu chia cách
Thì phải tội gì phải từ biệt quá khứ
Vì quá khứ là gì, hình như không có, thiệt


2019
TỪ HOÀI TẤN


















Tác phẩm đã xuất bản:














1
Hành Tinh Phiêu Lạc

(thơ 2003 – NXB Thuận Hóa)










2

Ði, Ðứng Và Chạy … Với Thời Gian
(thơ – NXB Hội Nhà Văn 2012)








3
Phục Hưng Tôi & Em
(thơ – NXB Hội Nhà Văn 2013)







4
Mấy Khúc Ðoạn Giang Hồ
(Thơ lục bát – Cuồng Biển thực hiện 2016).









5

Bản Tình Ca Của Gió Bụi

(Cuồng Biển Bản Thảo 2018)










6
Đạp xe ra ngoại ô
Nxb Hội nhà văn














Các tuyên tập thơ in chung:







5
Tự tình với Huế
(NXB Trẻ 2004)








6
1000 Nhà thơ Huế đương thời
(NXB Hội Nhà Văn 2006)








7
700 năm thơ Huế
(2006)








8
Những dòng sông đêm
(cùng Viêm Tịnh, Nguyễn Miên Thảo, Lê Ngọc Thuận – NXB Thuận Hóa 2007)








9
Bông và Giấy – 30 tác giả hôm nay
(NXB Lao Động 2010)















Từ Hoài Tấn 

trên văn học & nghệ thuật












PH. (thơ)


















THƠ TỪ HOÀI TẤN






Tình duyên tôi
Yêu em một ngày
Trong hầm than cũ thời niên thiếu
Một ngày của ngày xưa
Bằng cả quãng đời sau đó
Yêu em một ngày
Sớm mai rồi em biến mất
Tôi trơ đôi tay không
Những năm còn lại làm sao tìm được

Một hôm tôi gặp em
Trong quán rượu tháng năm
Tôi nói yêu em
Như ngày xưa yêu em một ngày
Em nhìn tôi lạ lùng
Rồi quay lưng đi thẳng
Tôi lầm bầm ôi yêu em có một ngày
Dẫu một ngày mà bằng cả quãng đời sau đó

Những ngày sau cùng tôi gặp em luôn
Trên khắp nẻo đường trên khắp ngõ hẻm
Gặp em giữa đêm khuya
Hay gặp em giữa trưa nồng
Hoặc chiều vừa xế bóng
Tôi cố nhìn hoài không nhận được ra em
Như ngày xưa đã yêu em một ngày
Ôi dẫu yêu em có một ngày
Mà bằng cả quãng đời sau đó
(Huế 1967)





Tặng phẩm người cô đơn
Những nhịp mùa trở đổi như lời hẹn xa xăm vừa mới trở về.
Trên tất cả những chung vui đã sống những hiền hòa đã tan đi,
trong những bóng tối ngả nghiêng mọi con đường, ngàn khoắt
khuya đã ngủ và những tiếng chim đã nghe. Sao trong tối mù
mịt còn lóe lên đốm lửa cuối ngày xanh xuân cháy tận
Mùa mưa cũ em còn nhớ không
Đôi guốc mòn lẹp xẹp đi theo dòng nước nhỏ. Ơi những chiếc lá
khô tội tình trong một buổi chiều buồn
Hàng cây nghe không
Lời gọi đêm trùng
Và ai hát cô đơn dưới trời mưa lũ
Mùa mưa cũ thôi em còn nhớ gì nữa
Những sáng tay ôm những chiều trong mắt
Nắng khơi cho ta mối hy vọng đã nhạt nhòa
Em đốt cho ta những tình tự ngủ lâu đời dưới lớp tro thạch lạnh
Đêm cũng vui như phút chia xa

Hãy nhớ một ngày mai ấy
Đường mưa em bước nhỏ qua sông
Vai cầu buồn trong mùa giá rét
Thôi đã qua rồi những tình mộng cũ
Sao nhịp mùa vẫn trở về hò hẹn trăm năm
Sao những bầy chim không ngừng bay tới
Còn nhớ chi
Tóc dài suối biếc
Mắt thiên thu nở đóa mỵ kiều
Thôi đã qua hết những mùa những năm những tháng những gì
còn vương mãi trong lòng
Con chim đường sớm mai mới hót
Và cây ngu ngơ đứng bên đường mãi mãi dửng dưng làm sao
biết một người suốt đời đi trong trời tăm tối.
(1972)





Ca ngợi mây trắng
Những ngày nghe tiếng chim hồng rộn rã
trên nền trời
Đường ai qua ngập ngừng bước
Lệ sao se thắt trái tim
Mùa không tiếng người xôn xao
Vẫy bàn tay đêm héo úa
Bài hát cũ thì thầm
Ôi không
Không

Giờ đợi mong đã nhạt
Dòng sông xưa ai còn trông
Màu áo trắng thơm ngát chiều gió nổi
Lướt qua đời
Loài mây hoang dạt
Giấc mơ tan đi những mối tình
Lời sao không chết đi
Cười sao không ngạt thở
Lệ sao không chảy buồn trên mắt tượng
Ôi còn chi bóng hình
Cõi đau xưa
Không
Loài chim vẫn hót
Bài ca thiên cổ ấy
(1974)

(SDB12/03-14)


Khi mùa mưa bắt đầu
Cơn mưa đi qua ánh sáng của ngày
Khúc hát ru chiều sẩm tối
Người thanh niên đứng trong ngõ hẻm cụt nói rằng
Môi hôn trên cây và nụ cười trên gió

Cuối tháng này có một cuộc dạo chơi
Của hai người không hẹn gặp
Những cây vẫn đứng trên đỉnh đồi
Mùa hạ hanh nồng nỗi mong đợi ai đó

Tại sao không là em những ngày ngồi cùng nhau dưới mái hiên quán vỉa hè
Là những cuộc trò chuyện mùa thu êm dịu
Gió và nắng – đi và đứng – bên ngày dài
Không bắt đầu và không kết thúc

Tại sao không là ta có không ngày và đêm của tháng và năm
i quẩn quanh bên bờ vực của hồi ức
Ở đó có không mùi ánh sáng của vị giác bốc hơi
Một thời tuổi trẻ không có gì đáng nhớ

Em thân yêu – những giọt nước trong veo hứng vào lòng bàn tay
Chiều không xanh trên đại lộ
Chiều thẳng tắp hai hàng me cao tuổi bên đường
Chiều môi hôn hờ hững cuộc tình thấy lạ

Ta cùng em – đứng bên lề năm tháng nghĩ ngợi gì
Đôi con mắt dõi theo một khoảng xanh trong chiều xám
Còn lại âm hưởng xa vẳng bài tình ca
Khi mùa mưa bắt đầu trở lại





Sài Gòn, mùa Xuân
năm tháng sẽ làm đẹp cho mùa màng
những ngày đông sắp hết
hoa lá trở lại
mới tinh khôi
như tình em
vừa được tân trang lại
ấy là nụ hôn vào buổi sáng gặp nhau ở một lề đường vắng
(không thể hôn nhau giữa chốn đông người)

có một vài chiếc lá không muốn rời đi
vẫn đu đưa bài hát muộn màng với gió
tôi sẽ về đâu sẽ về đâu
hoá vàng bay hoá vàng bay
vực thẳm đời tan nát

có một vài búp hoa nghẹn nở
vẫn nuối thời sơ sinh
tôi không muốn đâu không muốn đâu
và một sớm rực rỡ
để rồi đêm tăm tối tàn phai

có một tấm lòng ước vọng trinh nguyên
như tuổi xanh như chồi biếc
tôi sẽ không dậy lớn với thời gian
sẽ không thành lá xanh trên ngọn
để cuối con đường vật vã biệt tăm

có một vài ngày trong một tháng
một vài tháng trong một năm
là mùa Xuân
ở lại cùng cỏ cây hoa lá
cùng sự bất diệt
của niềm vui





Những ngày tháng chạp
cơn gió lắt lay
ngày se se hơi thở của mùa màng cuối năm
đi trên đường hay ghé vào vỉa hè
tìm hơi ấm nóng của ly cà-phê đầu ngày
nghĩ ngợi gì đó

cuối năm lỡ một cuộc hẹn về
những năm tuổi trẻ ngoài ấy
dòng sông, cây cầu và giấc mộng lãng mạn ở cố cung
thiếu nữ khuôn mặt trầm buồn thiên cổ

ta sống với quá khứ như lời tưởng niệm về một thời hối tiếc
ví dụ không kịp một lời tỏ tình khi em ra đi
như không kịp yêu một lần đã qua thời tuổi trẻ
ví dụ như không kịp được nhờ hơi ấm của người mẹ sớm ra đi
không nghe được lời di ngôn của người cha sắp mất
khi tháng chạp về mỗi năm lại đi qua
cuộc sống vẫn không ngừng
mà lòng ta chưa nguôi nỗi ngậm ngùi tìm thời gian đã mất

những ngày tháng chạp
có ai đi qua không ngoái lại nhìn





Kỷ niệm
Gió mát như một lần em đi ngang qua đây
Trong tầm nhìn của dĩ vãng
Sự chia tay ngọt lịm và đau đớn như vết dao cắt trên ngực

Tháng mười hai năm ấy
Mưa trở lại
Trong hẻm nhỏ có quán cà phê
Bà chủ bốn mươi tuổi
Em trở lại ngồi bên ta
Lời tình ái dài và đều như mưa ngoài cửa

Ta kiệt sức trên lối mòn
Cuộc sống như những vòng kẽm gai buộc
Tìm cơn mộng hằng đêm
Cười trong cõi khác

Gió mát như một lần em đi ngang qua đây
Chỉ một lần trong cuộc đời
Gió mát
Cuộc hội ngộ trí tưởng
Êm ái như một nỗi buồn





THƠ CUỐI NĂM
Buổi chiều mưa bất chợt trái mùa
Khúc trầm bên chén trà
Người phụ nữ bước qua bên kia đường đón xe búyt
Dưới tàng cây che phủ vệ đường núp mưa những cô gái nhỏ xì xầm
Cảnh tượng chiều xám
Một vì sao trên cao và con mắt dõi tìm
Ngày cuối tháng, tháng cuối năm
Những chiếc xe vội vã
Lời nói gửi theo nụ hôn gió
Giã từ giã từ
Cơn mưa cuối của ngày
Cơn mưa cuối cùng năm
Bên người em gái gặp lại sau một thời gian dài
Đốt lên ngọn lửa ấm
Tình bắt đầu một năm



TÌNH XUÂN
ngày đến cuối một năm
tháng mười hai dập dồn những lễ hội
em đã đi theo những lời dối trá kia
cũng như đám mây phụ bạc trên trời
không bao giờ hợp lại

chiều vàng như một lần trễ hẹn
nhìn mọi người qua đây
không ai biết ta đang chờ mong ai
bữa tiệc đã tàn
người phục vụ cuối cùng cũng nhẹ nhàng nói lời từ giã

những ngọn đèn đêm nay trên bầu trời là những ánh sao lấp lánh tình chúng ta
vẫn muôn đời như thế hỡi em
cho dù trái đất sẽ tan đi chúng ta rồi cũng sẽ tan đi
nhưng hạt bụi vẫn còn
và cuộc sống vẫn tái hiện
như tình yêu còn mãi sự bất diệt
cho những người yêu nhau

cho dẫu ngày hôm nay sự cô đơn cũa một người là hạnh phúc của tình yêu
được nhớ nhau trong xa lìa
được tha thiết trong ngăn cách
cho dẫu ngày hôm nay là dấu chấm của một năm
cũng là bước khởi đầu của muôn trùng mới lạ

ngày đến cuối một năm
trên mọi ngã đường và trên các góc phố
những nụ cười là cành hoa xuân mời gọi
hãy yêu nhau khi ta còn tuổi trẻ
hãy thương mến nhau khi ta còn hiện hữu giữa cuộc đời
và em, hãy quay về với tình yêu tôi chờ đợi
ta sẽ vẽ một trang tình
mừng mùa xuân nhân loại



NÚI NON CA
Khi bóng tàn trăng người ngậm tù và
Ở bên dốc núi vài cô em mọi nhỏ
Rừng sắp qua thu chiều sắp qua ngày
Ngồi uống cốc nước mát bên khe suối

Không em lời chim hót nghe thành quen
Một bài ca nhịp đều qua năm tháng
Không em đời cũng không thể gọi tên
Nguời khuất nẻo xa xa trầm khúc lắng

Chiều nay một thoáng nhìn theo bóng mây
Thu hết rồi vương vài giọt nắng vàng
Em phía bình nguyên đường về tít tắp
Mong chờ theo ngọn gió lướt bay ngang

Núi xa đèo dốc mỏi bàn chân đi
Người một thời xuân qua ngày tháng tới
Chiều nay ngậm ngùi vài chiếc lá rơi
Tạm biệt thu khúc hát vang dưới núi



NHỮNG NGÀY CHỜ CÙNG TIẾNG SÓNG
DỘI VÀO BỜ ĐÁ BẠC


Không ai biết nơi đó những gì đang xảy ra
Dưới móng vuốt của loài cú vọ
Đêm mà mọi người nuôi nấng
Trong ngày tháng thở than
Là đêm bời bời cơn rượu bão

Không ai biết nơi đó chim chóc lũ lượt lìa đời
Dưới dập vùi của giông tố
Cơn mưa đi qua
Cơn mưa đi qua
Cơn mưa đi qua
Cơn mưa đi qua
Những cơn mưa qua di
Buồn thảm

Và đã qua hết rồi, những hy vọng
Trái tim chôn dưới đáy bùn lầy
Ngày sẽ sống ở cuối tăm hơi
Sẽ ra đi trong giờ cùng tận
Cuộc đời bào mòn bao nhiêu sức sống
Không ngừng đón lấy tai ương
Có ai biết được
Tiếng nói của một loài cỏ khô
Trong giờ địa chấn
Địa ngục vẫn mở ra rất nhiều cánh cửa
Và đêm vẫn mù tối quanh quanh
Tiếng nổ, tiếng gào la
Ở chặng sau cùng của tuyệt vọng

Tình yêu có hình thù gì kỳ quặc
Xui ta tìm kiếm mấy mươi năm
Có khuôn mặt nào lạ lẫm
Ở giữa đám đông nhầy nhụa kia
Mọi người đã yêu trong đời một lần
Sao ta chưa bao giờ được

Đã không còn gì sao mũi dao
Lệ chảy hay máu
Trên đời và dòng sông
Những dòng sông cho loài người
Lìa đời và chôn dấu
Người thân yêu ở chuyến xe chạy về nam
Sấm sét vẫn nổ trên đầu không ngưng nghỉ



ĐIỆP KHÚC MỘT NHỊP
Ngày mới bắt đầu với chiếc xe lô
Chở người thiếu phụ về quê quán
Con đường cũ ôi con đường cũ
Những cánh cây khô mùa đông
Điếu thuốc đốt lên trong sương mật
Người hỡi người và người hỡi người
Khi tang thương đã thôi xuống những cơn mưa rạc rào
Các em hãy cầm tay ta, cùng trở lại
Trên quê hương tàn tạ còn được mấy cây khô và lệ nồng của ai còn vướng đọng trên cành lá lẻ loi vàng úa ven đường – một ngày mùa đã cũ
Bao nhiêu đời vui qua đi
Dưới cơn giông dữ dằn của triều đại
Mọi người ước mơ có thời bình yên
Khăn gói về đất cũ
Nhưng cái chết thường đến trước
Vội vàng hơn một mũi tên buông
Trên tay người thợ săn gỗ đá

Sóng vẫn xô vào bờ đá bạc
Vở trăm năm một bóng tàn hơi
Ta ngồi thơm ngát mùa mong đợi




NĂM HAI MƯƠI TUỔI
ĐẤT NƯỚC
TRONG MỘT NGÀY TRỞ VỀ

Chúng ta vừa trở về
Ngoài sân nhà tiếng rú
Lũ ngựa hoang bỏ rừng
Đêm thâu cành rơm ngậm
Hát
Ngày về
Ruộng lúa ngập nương dâu
Những thanh xuân cỏ non
Mọc tràn lối đi
Sỏi ngậm tiếng khóc
Cây chào lời ru
Một phương nào đã trễ hẹn

Chúng ta vừa trở về
Mai xinh
Không đội mũ rộng vành
Nhìn tháng ngày ngập nắng
Vứt chiếc nón phủ chụp hận thù bao lâu xuống dòng chảy xiết
Vỗ tay
Ca một khúc hoài hình
Bao năm xa biệt
Môi vốn để cười
Miệng vốn để nói
Thân thể vốn để ươm mầm hạnh phúc
Bây giờ
Hãy tự do
Hát
Ngày trở về
Lũ chim rừng vừa họp dưới hiên
Tiếng vui chào những năm tất thở
Những đêm hò reo bên xác người
Những ngày nằm sâu dưới cơn bão lở
Bây giờ
Hãy gióng trống thức dậy một tương lai
Đầy đủ tay chân mặt mày rực rỡ
Sự thật gần được khươi lên
Thắp một ánh đuốc hồng
Soi con đường sáng lóa
Là bình minh muộn mới dài lâu
Là mơ ước cuối đời mới vô tận
Ôâi đất nưóc ơi
Ân sủng cuối giờ tuyệt vọng
Đập nát hồn chúng ta thành những đóa mê say
Ôi xứ sở ơi
Chào một cơn mưa mật
Những ban mai không tắt chờ người
Các em áo lụa là
Điểm trang ngày nắng lụt
Chúng ta vừa trở về
Rừng mai rực sáng trời xuân
Những bước chân lang thang bèo nước trôi
Không còn dập dềnh trên thác máu
Những cánh tay vơ vất cơn mê điên
Trong những ngày lùng bùng loạn lạc
Không còn nữa nỗi hư không
Trên đầu chúng ta ngọn tóc mới mọc
Trên thân thể vừa thay da
Tóc đã đen da đã vàng
Tóc thêm đen da thêm vàng
Chứa chan hồn mới lớn
Lớn để thấy rộn ràng yêu các em
Các em xinh đẹp
Phơ phất áo lụa nồng
Tay vẫy bên sông
Những cánh diều đong đưa trên đồng nội
Ngậm ngùi thương biết mấy quê nhà
Hôm nay
Mới được trở về
Gõ bàn chân trên đường nhung thơm
Mùa bình yên cũ kỹ
Trong hoang mộng cầm tay
Các em
Hỡi các em xinh đẹp
Khởi diễn một đời người
Bên trần gian vừa đượm chín
Những trái xuân xanh

(1969)



MÙA MƯA 2009
Những giọt mưa rơi mãi vào quá khứ
Nơi ấy, tuổi trẻ của tôi
Nơi ấy, tình yêu của tôi
Dịu dàng và rực rỡ
Bao nhiêu năm cuộc đời tôi
Mềm dịu vẻ đắng cay
Đằm thắm nỗi đau sự sống

Chiều mưa mãi như những ngày ở quá khứ
Con đường trắng xóa cùng những vài cầu
Mùa đông của tuổi trẻ tôi ngoài ấy
Nơi của những đền đài lăng miếu cũ
Nơi ấy, tuổi trẻ của tôi
Nơi ấy, tình yêu của tôi
Nỗi thương nhớ sắc nhọn
Cứa nát những đêm dài chốn xa xôi

Chiều mưa những giọt mưa của mùa
Chảy tràn vào quá khứ
Tôi ngồi câm lặng với tàn phai
Không dứt

T.H.T










Tham khảo thêm về nhà thơ Từ Hoài Tấn












CAO THOẠI CHÂU

Đọc thơ Từ Hoài Tấn, nghĩ đến cây cầu dây văng!*






Tôi còn giữ nguyên bút danh Từ Hoài Tấn trong trí nhớ của mình sau năm 1975, coi đó như một chút hiểu biết về thơ ca thời kỳ trước đó. Cùng với đó là mấy cuốn tập chép thơ của một số tác giả trên các tạp chí Sài Gòn trước khi thành phố này đổi tên thành như bây giờ. Trong số những cái tên ấy có Từ Hoài Tấn mà cho đến khi gặp anh ngoài đời gần đây tôi vẫn nghĩ tuổi anh cũng tầm tôi, không ngờ hai người chênh tuổi nhau khá nhiều.

Những cuốn vở ghi chép nhiều năm đó đã thành tro khi tôi khăn gói vào trại cải tạo, có thể là do lệnh ở địa phương tôi ở phải nộp sách báo cũ và chúng bị đốt là như vậy.

Không còn nhớ chính xác mình ghi gì về người tôi đang nói đây, nhưng đại loại là thơ anh không vần điệu nhưng không phải thứ không vần điệu theo thời. Đơn giản chỉ là một cách trang trải của riêng anh như người ta chọn người để gặp, chọn quán để ngồi… Bây giờ, tôi mới vừa đọc tập thơ mà cái tên ngợi cảm giác động “ Đi, đứng và chạy…với thời gian” nghe động đậy tay chân theo một tốc độ nào đó, và là cảm giác trước và bây giờ vẫn một cách viết của cùng một con người dù nhiều dâu bể đã đi qua.

Dâu bể trong thơ Từ Hoài Tấn ở tuyển tập này không nhiều dấu vết thời sự, theo tôi cái dâu bể của anh là việc đến và ra đi của một cặp người, đàn ông và đàn bà. Không hiểu sao tôi lại không nghĩ đó là một cuộc tình, chắc có lẽ do hai người ấy yêu nhau nhưng không nghĩ gì đến những lời hò hẹn, không có những ước mơ như nhiều cặp khác. “Nỗi cô đơn tình yêu đã đưa anh đến tìm em/ Liều lĩnh và sợ hãi/ Bởi mỗi chúng ta đều có cuộc sống riêng/ Với nhiều ràng buộc chưa chấm dứt”. Một tình yêu như thế là một tình yêu “vượt ngục” khỏi những ước hẹn, bóc tách hết những lớp vỏ mà cặp nào yêu nhau cũng thường có. Đó, nó là một tình yêu chỉ gồm có hai chữ, chấm và hết!

Thật “sạch sẽ” như những gì Từ Hoài Tấn viết trong những câu này về chuyện tình đó “Như cuộc chia tay giữa chúng ta/ Như không bao giờ xảy ra/ Đó là cuộc tạm biệt của những màu sắc/ Vẻ huê dạng của cuộc sống/ Đó là cuộc tạm biệt của sự bình thường/ Của hai người khác giống/ Hãy chia tay để còn có nhau/ Những vì sao trên trời chưa hề bất tử…”. Không đớn đau, không sụp đổ, thơ Từ Hoài Tấn nhẹ nhàng thanh thoát như vậy.

Tôi nghĩ rằng thơ Từ Hoài Tấn không phải là thơ tự sự, đó chỉ là tâm sự cốt nói cho mình nghe như một hoài niệm của chính mình. Trong tập có một “cụm” thơ nhan đề chung là “Những khúc thơ tình ngày, tháng và năm” gồm những bài mang tựa ghi ngày tháng thuộc về năm 2002 trở về sau. Chạy theo với thời gian? Nói cho mình nghe thay vì giãi bày mong chia sẻ, có in ra cũng là in thôi, không phải lời gửi gắm cho ai. Tôi rất thích thơ như vậy, nó là trò chơi thanh nhã của người cô đơn, cô độc ý thức thật rõ ra khỏi cô đơn là…hết! Như thế thì buồn nhưng không mở tung cửa mời khách vào nhà làm gì!

Khi đọc những bài trang nhã in ấn một cách trang nhã có phần kín đáo như ngôi nhà ẩn sau những cây xanh này, tự nhiên tôi nghĩ đến một cây cầu, cầu Mỹ Thuận ở cửa ngõ miền Tây. Đó là một cầu dây văng nhìn từ xa thấy những sợi dây thanh bình tua tủa trong những buổi chiều chưa nguôi, chưa phai. Loại cầu dây văng này có những cây cột đứng hai chiếc nhìn mặt nhau, thành cặp, khoảng cách thật gần nhưng nếu chúng nhập vào nhau thì cầu thành cầu…văng mạng!. Và chúng cao, rất cao. Ước gì leo lên được đỉnh cột đó. Từ đỉnh nhìn xuống sông thấy không gian lớn ra nhiều. Ngồi trên cao đó tức là thoát xa mặt nước để nhìn trở lại sẽ thấy sông êm đềm hơn nhiều. Thoát ra khỏi quá khứ, một mối tình càng xa càng nhìn được cái êm ả khi hai người còn có nhau những ngày tháng đắm đuối nhưng thao thức một cách không đau đáu mà thật dịu dàng. Tình đi qua như nước sông, như ngày tháng dưới cầu, càng ở cao hơn mặt cầu càng thấy mặt sông như dải lụa, hay đại loại một thứ gì mềm mại, dịu dàng…

Nếu phải chọn những câu nào mình thích trong tập này, tôi sẽ nói “Cuối tháng này có một cuộc dạo chơi/ Của hai người không hẹn gặp/ Những cây vẫn đứng trên đỉnh đồi/ Mùa hạ hanh nồng nỗi mong đợi ai đó”. Là người cũng có những chờ đợi mà thói quen mách bảo là không nên “mong” bởi vậy tôi muốn đựợc thay chữ “mong” trong câu thơ bằng một chữ khác nghe buồn hơn: “chờ”. Cứ chờ thôi, không mong hết!

Cao Thoại Châu




















KHỔNG ĐỨC

ĐỌC THƠ TỪ HOÀI TẤN






Sự liên hệ giữa nhà thơ, bài thơ và người đọc không phải như một thực tại tĩnh lặng mà đó là sự hoạt động triển khai. Một hiện tượng mang tính thần thánh, một hiện tượng giữa Anh và Em, một quá trình tương giao …

( Edward Hirsh)



Tôi là người ít giao du - nhất là đối với giới văn nghệ sĩ - do đó với Từ Hoài Tấn tôi chỉ biết anh từ khi lui tới quán cafe vỉa hè “Bông Giấy”, hình như chỉ trong năm sáu năm trở lại đây. Biết Tấn là người làm thơ, nhưng tánh tôi vốn lười nên ít khi đọc thơ Anh, mãi đến 3-11-2012, được anh tặng cho tập thơ “ Đi, đứng và chạy… với thời gian ” vừa mới ra lò. Có lẽ do tên tập thơ đã đánh mạnh vào thị giác, tôi phải cầu cứu đến các nhà thơ lớn: Baudelaire từng viết về hội họa hiện đại : “ Nó đi, nó chạy, nó tìm kiếm. Nó tìm cái gì vậy? Nó tìm thi ca. Bài thơ là công việc của bước đi có tính toán, chiếc dép co giãn tàn tạ và chiếc giầy đau thương rách nát. Nó đi bằng cái đầu, hay đi trên dây…” J. Maulpoix.

Holderlin lại viết: “ Làm thơ là hoạt động thuần chân nhất trong tất cả các hoạt động. Vì thơ là trò chơi tự do của sức tưởng tượng, chân chính đạt đến sự siêu thoát vô lợi hại.”

Cao Hành Kiện, người nghệ sĩ lưu vong này từng được giải Nobel văn chương thì viết : “Tả tác là một thứ chạy trốn, từ thực tại thiếu thốn chạy trốn vào cõi tưởng tượng để tìm lấy sự đầy đủ.”

Tôi mới bắt đầu đọc thơ THT, và vừa đọc qua là mê ngay, tuy rằng thơ Tấn không phải là thơ dễ đọc, mà như J.J. Maulpoix. nhận xét: Thơ là thứ đối tượng của ngôn ngữ khó khăn, một sự dũng cảm, một công việc vĩ đại và biến hóa, đề xuất hay bắt buộc, là sự cô đọng tối đa của sự kiện ngôn ngữ tập trung trong một không gian thu hẹp.

Tôi nhập vào thơ Tấn quá dễ, phải chăng chỉ vì đồng cảnh ngộ, cùng là những con người mang nỗi đau lìa bỏ quê hương. Nên khi đọc đến bài “Mùa mưa 2009” nước mắt tôi cũng tuôn ra dầm dề như:

Những giọt mưa rơi mãi vào quá khứ
Nơi ấy tuổi trẻ của tôi
Nơi ấy tình yêu của tôi
Mềm diu và đắng cay
Đằm thắm nỗi đau sự sống
Nỗi thương nhớ sắc nhọn
Cứa nát những đêm dài chốn xa xôi.

Đúng như lời của Heidegger: “ Thi ý là năng lực cơ bản - nơi con người cư trú. Thơ là hình ảnh nhắm vào ký ức, cũng như tia sáng của nó…” Và càng thấm thía câu thơ của Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở / khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”.

Tôi vốn nghèo nàn dốt nát nên phải mượn ý của các vĩ nhân để diễn tả ý tưởng của mình, đó là những lời của Merleau-Ponty, của J. Maulpoix, như sau: “ sự tối tăm của chân tướng sự vật là để bảo trì trạng thái thần thánh của nó, hay tác phẩm là cội nguồn của một hình thức và ý nghĩa tiếp xúc với vô nghĩa”. Hay nói như Maulpoix: Từ của thơ không phải nhắm vào ngữ nghĩa hẹp hòi của từ điển mà tìm đến cái tiềm năng và phản xạ hỗ tương của nó. Làm mới và phân phối ngôn ngữ thành hình ảnh, nó nhắm vào ký ức cũng như tia sáng của nó. Sự "ngần ngại kéo dài giữa âm thanh và ý nghĩa mà bài thơ cũng ở giữa sự tước đoạt và khống chế “ J. Maulpoix.

Có như thế chúng ta mới hiểu được bài thơ “Thơ rời tháng năm” của Từ Hoài Tấn :

Những hàng sao đứng vút cao cùng năm tháng

Ở đây tác giả đã lợi dụng tính đồng âm của ngôn từ sao, cây sao …

Thường xuyên ngồi dưới vệ đường nhìn xe cộ, người qua lại
Nhiều người ở bên nhau không nói năng

Ngôn ngữ thơ của Từ Hoài Tấn mới đọc qua có vẻ nhạt nhạt nhưng nghiền ngẫm kỹ mới thấm thía, những cây sao cao vút được nhắc đi nhắc đến ba lần, thân phận con người ngồi dưới vệ đường quá nhỏ nhoi tồi tệ, chỉ lấy mắt nhìn xe cộ, người qua lại, không nói năng không biết làm gì …

Thời kinh tế khủng hoảng … thì chính trị cũng khốn đốn, con người vẫn thường xuyên ngôi bên vệ đường lặng lẽ.

Phải là con người của tuổi đời đã ngã về chiều, đã vỡ mộng. Sống trong tầm nhìn của dĩ vãng. Sự chia tay ngọt lim và đau đớn như vết dao cắt trên ngực.

Đã kiệt sức trên những lối mòn, cuộc sống như giam hãm trong những vòng kẻm gai buộc / Tìm cơn mộng hàng đêm / Chỉ có thể cười trong cõi khác …/ Ngày đi và đêm xuống mối tình em mang rơi theo / Hình như ta không còn nữa / Như chiều xuống và lòng em rơi theo / Hạt bụi muốn bay theo cùng gió (Khúc ban chiều).

Hiểu lời thơ không phải như sự biểu hiện mà phải tìm về từ nguyên của tình cảm. Như mối tình em mang … ngày đi đêm xuống …, phải hiểu là tình em là lý tưởng ta mang ở trong lòng cũng rơi theo với thời gian. Và đời ta kể như không còn nữa. Thân như hạt bụi này muốn bay theo gió. Để rồi một chiều có tiếng hát ai đó:

Có lời lệ của em xưa / Có ấm hơi tình cũ kỹ / Có buồn thổi mộng thành thơ (Khúc hát chiều)

Thơ của THT mang đầy bản chất thi tính “Piotique”., nhưng cái hay của bài thơ không phải ở đó mà chính là ở bản chất tồn tại. Tính tồn tại đó ẩn kín sau ngôn từ, theo Heidegger chính đó là chân lý nguyên thủy.

Khi có một thời đại mới hiện ra thì người ta phát hiện cái tối sơ hiển hiện ra tinh thần tân thời đại và nguyên tắc của nó chính là nghệ thuật. Nghệ thuật dùng cái thực tiễn phát hiện của nó là tinh thần mới và cái nguyên tắc mới.

Cái đạo lý ấy là phạm vi to lớn của dân tộc và của con người, mà chúng ta không thể nào cản được một cách chân thiết. Mỗi cá nhân của con người chúng ta tự mình đều mang một vận mệnh. Nhưng vận mệnh là một thứ tồn tại siêu việt tính, không giống như cảm tính sự vật bình thường hàng ngày, chúng ta chỉ có thể trực tiếp biết được. Tự mình biết được phải xử trí với vận mệnh ra sao? Đó là khi bị đau khổ chúng ta mới biết đến vận mệnh. Thống khổ phát sinh không thể không đấu tranh. Chúng ta xác thực cần đến một thứ nổ lực, thống khổ là một thứ thể nghiệm tình cảm sâu sắc, nó khiến chúng ta phải chụp bắt lấy tâm linh của mình, bắt buộc phải quyết đoán, phải làm gì? Thật ra không có một thứ lý luận có thể giúp chúng ta giải quyết được sự thống khổ, cùng quyết đoán bước ngoặc quan trọng của đạo lộ nhân sinh. Thực tế chỉ có thể giải quyết qua con đường nghệ thuật. Vận dụng tất cả các phương tiện công cụ: ca hát, nhảy múa, viết, vẽ, điêu khắc, kể lể, than vãn, nói lên cái điều không nói được nghẹn ngào ...

“ Trả lại cho tình em không còn cách nào giữ lại em giữa hai bờ sống chết / ... trả lại cho tình em vì không còn cách nào giữ lại em / Khi em đã là người khác / Khi đôi mắt em là ngọn lửa khác/ Khi lời tình yêu đã là tiếng vang vọng và khi ngày đã trở qua đêm …"(Chỗ không cùng)

Rõ là “niềm cô quạnh không nguôi”

Những con đường ôi những con đường / Không gặp một con đường nào cả /
Cũng như nỗi cô đơn: Những con đường ôi những con đường giống nhau / Mỗi ngày đi qua ôi mỗi ngày thường giống nhau., phải hiểu đó là hình ảnh nhất nguyên nhàm chán, khắc nghiệt.

Sao chỉ có tình yêu không giống em - nhỏ nhẹ âm thầm …

Đến đây tôi cũng như mạch suối khô cạn, đúng hơn viết không ra chữ nữa mà phải mượn chữ của các danh nhân: “Có lắm điều bí mật trong vũ trụ đã bị che dấu bằng cái áo khoác của ánh thái dương” “Maulnier” hay như “Shakespeare” từng nói : Ngôn ngữ có thể biến đổi những qui luật mà ở đó có nhiệm vụ trong vòng chức năng của nó “ Đổi xanh ra đỏ, đổi trắng ra đen” như:

Tôi về qua đại lộ / Buổi trưa / Con ngựa sắt khò khè

Hay: Tháng giêng treo mình trên ngọn cây / ngoài trời nắng nóng 37 độ C / Bạn bè bốc hơi tứ tán / núi và biển gọi…ngôn ngữ mang tính lơ lững … không phải bất lực - mà như Foucault nói: Nó nắm vững những quyền lực mới. Nhưng mơ hồ quá, nói về oi bức hạn hán thì lớp thơ trẻ Sài Gòn cũng thông thạo., tôi cầu cứu đến Nguyễn thị Ánh Huỳnh: Bầu trời hạn hán có tiếng chim đang nứt nẻ cười /…cứu em với con chim thời gian / Bắt em làm tỳ thiếp … anh ơi!

Thơ là thông qua ngôn ngữ đạt đến sự tồn tại. Thơ của THT trong tập đi đứng này…có đến 77 bài, tôi đã đọc hết và nghiền ngẫm khá lâu cả năm trời. Tôi cũng không đủ thẩm quyền để nói rằng đó là tập thơ toàn bích, nhưng sau khi phân tích và tìm hiểu phải mạnh dạn nói tập thơ đã đạt được phẩm chất tồn tại, nôm na là đọc được“ Song trùng ngữ cảnh” hay ngữ cảnh nước đôi. Nói theo người xưa thì thơ đã đượm màu thần bí, nó có cái “ vị ngoại vị” hay “huyền ngoại huyền” “ tức là ăn hay uống đã qua khỏi cổ còn nghe có hương vị đậm đà hay tiếng đàn đã dứt mà con có âm vang êm diu…” sự sáng tác của Từ Hoài Tấn đã theo đúng nghĩa của nó, là có liên quan đến ý thức thời đại, và ý thức thẩm mỹ của dân tộc, xã hội. hay nói như Maulpoix, nhà thơ không bao giờ xa lánh hoàn cảnh của con người. Nó vừa tự tìm thấy nằm trong lòng của thế giới và có thể duy trì thành vòng tròn bao quanh từ ngữ. Trong cảnh ngộ đó, nó nhấn mạnh và đào sâu sự nghịch lý bằng cách dùng ngôn ngữ không phải đột xuất mà là để ghi khắc đến nơi đến chốn. Làm một bài thơ là tự đối diện và tự nhận chìm mình.

Tiếc rằng tôi không còn sức lực để viết về thơ Từ Hoài Tấn nhiều hơn, nhưng vẫn mong rằng với những phân tích thô sơ, tôi cũng hèn nhát như tác giả: “không thể mở miệng nói yêu em, …bởi lời nói bay ra khỏi miệng bờ môi - sẽ là lời kết tội … cũng đủ đưa các bạn vào vườn thơ u ám nhưng đầy thích thú. Nó là sự hiện hữu, là một lộ trình, nó là tác phẩm của sự sáng tạo định vị, hiện hữu thâm nhập trong thời gian ghi khắc vào lịch sử, tùy thuộc vào xã hội và là một phẩm loại có thể biểu hiện theo cấp số nhân làm mới lại những kết nối, cải trang và sáng tạo cái điều nó chưa có và tự hồi tưởng lại cái nó không còn nữa.


Khổng Đức
Tháng 3 năm 2014




GHI CHÚ:
• Những chữ in nghiêng là thơ trích trong tập thơ của Từ Hoài Tấn

• Đi, đứng và chạy … với thời gian – Thơ Từ Hoài Tấn – NXB Hội Nhà Văn tháng 11 năm 2012 – Bìa và phụ bản Lê Thánh Thư.

• Mời đọc toàn bộ tác phẩm tại đường link:

http://art2all.net/chantran/chantran_tho/tuhoaitan/didung/ddcvtg.html






Từ Hoài Tấn & Phan Nguyên












Trở về 
















MDTG là một webblog "mở" để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả. 

MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ