Thứ Tư, 8 tháng 6, 2022

đọc thêm (2) : " có một Hậu "khảo" mà không cổ"/ Trần Nguyên Anh -- trích: tienphong.vn>

 

Có một Hậu 'khảo' mà không cổ


TRẦN NGUYÊN ANH
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu.
TP - Người ta thường hình dung những người làm khảo cổ là người chìm đắm trong cổ vật, trong quá khứ và hiện tại với họ chẳng khác gì một bảo tàng để chứa đựng dĩ vãng, nhưng với tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu thì khác, cô luôn tìm thấy những nét tươi mới trong công việc của mình và khiến những tác phẩm của mình rất gần gũi với bạn đọc hôm nay với vô số câu chuyện thời sự.


i vào Sài Gòn năm 2007 và tình cờ gặp ngay tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu ở quán cà phê Bông Giấy, một quán cà phê cóc có nhiều anh em văn nghệ trẻ đủ mọi trường phái. Tôi khá tò mò khi thấy một nữ tiến sĩ người dong dỏng cao, khuôn mặt trái xoan rất Nam bộ và giọng nói thì lại đặc sệt Hà Nội khá là sắc sảo như thể “lạc” giữa các nhà thơ, nhà văn ăn nói “bạt mạng” thậm chí “nói trước quên sau”. Tôi không hiểu tiến sĩ lịch sử chuyên khảo cổ này tìm kiếm gì ở giữa những ông bạn văn thơ cách tân kia. Nhưng sau một năm, suy nghĩ của tôi đã thay đổi. Đó là khi tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu ra mắt cuốn sách đầu tay “Đi và tìm trong đất” (2008). Cuốn sách của tiến sĩ không nặng về khảo cổ như tôi hình dung mà nó pha trộn giữa những câu chuyện hôm nay với các kiến thức sử học, một cách viết rất thông minh và không dễ làm. Những người làm sử học dĩ nhiên tìm được những kiến thức mình cần, nhưng những bạn bè của cô, những người không chuyên về sử học cũng thấy những thông tin, những kiến thức thú vị quanh cuốn sách ấy.

“Ngồi với mọi người một tí, rồi mình phải đi dạy học đây” - Tiến sĩ nói với bạn bè. Quả thật chúng tôi không biết tiến sĩ này làm gì. Vì cô có quá nhiều việc mà đôi khi chúng lại khác nhau. Cô làm việc như thiêu thân, bởi lịch làm việc kín suốt tuần, suốt năm. Nguyễn Thị Hậu giảng dạy tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM và là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, Phó Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam và Tổng Thư ký Hội Sử học TPHCM. Vừa thấy cô giới thiệu sách tản văn buổi sáng thì chiều đã họp về vấn đề xã hội hiện đại của thành phố, buổi tối lại đi dạy, sớm hôm sau dự hội thảo lịch sử…

Bạn bè cô phần nhiều là nhà văn, nhà thơ, nên rất ngạc nhiên trước sức làm việc của tiến sĩ Hậu, nhưng tôi là một nhà báo, dự nhiều hội nghị về các vấn đề khác nhau, nghe các bài tham luận và phát biểu của tiến sĩ này, càng thêm ngạc nhiên trước kiến thức rộng và chắc chắn của cô. Ấy vậy mà khi viết lách, những trang viết của Nguyễn Thị Hậu lại đậm chất văn chương, không khoe khoang kiến thức, không lên gân với các đồng nghiệp. nhà văn Nguyễn Đông Thức viết: “Những bài viết thật bình dị, nhẹ nhàng [...] với những nhận xét và suy nghĩ vừa tinh tế lại vừa mộc mạc. [...] Có cảm giác tác giả là một người thông minh tới mức biết cách không làm người ta phải sợ hãi về sự thông minh đó”.

Có một Hậu 'khảo' mà không cổ ảnh 1Tranh: Nguyễn Văn Hổ.

Tác giả “trẻ” khỏe

Trò chuyện với tôi, tiến sĩ Hậu cho biết: “Quê tôi ở miền Nam, nhưng gia đình tập kết ra Bắc, ông cụ làm trong lĩnh vực cải lương. Năm 1975 chúng tôi trở lại miền Nam và lúc đó tôi mới biết quê mình như thế nào”.

Quê hương cô không chỉ có những hàng dừa, phong trào Đồng Khởi, cải lương mà còn nhiều thứ khác nữa. Cô rất ấn tượng với nhạc Trịnh Công Sơn. Cô viết: “Tôi biết nhạc Trịnh từ năm 17 tuổi. Đó là vào tháng 5 năm 1975, tôi từ Hà Nội theo gia đình về quê, về Sài Gòn. Gia đình tôi ở tạm trong một căn phòng tại trụ sở Ban tiếp quản khối văn nghệ tại 5B Trần Quý Cáp (bây giờ là Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần). Chỉ là một phòng trong ngôi biệt thự nhưng so với căn nhà tập thể 16m2 của gia đình tôi ở Hà Nội thì quá rộng rãi và đầy đủ tiện nghi. Đặc biệt là một kệ sách lớn suốt chiều dài bức tường, ngăn kệ dưới là một dàn AKAI và hai chồng băng nhạc bên cạnh. Trong máy một cuộn băng đang nghe dở… Sơn Ca 7. “Chiều nay em ra phố về, thấy đời là những chuyến xe…, thấy đời là những quán không…”. Câu hát đầu tiên của Trịnh tôi nghe, và thuộc, và cho đến bây giờ luôn trở về với tôi”.

“Nhà sử học nào cũng chỉ sống ở một thời, nhưng công trình sẽ ở lại với nhiều đời khi nhà sử học nhìn và viết về quá khứ không từ sự thiên kiến của ngày hôm nay”. 

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu

Rất nhiều năm sau, mãi năm 2008 Nguyễn Thị Hậu mới in cuốn sách đầu tiên từ những ký ức dấu kín ấy. Rồi như dòng sông tìm thấy biển rộng, người ta thấy tên cô xuất hiện liên tục trên các giá sách trong các hiệu sách. Cô viết nhiều, viết khỏe nhất trong số các tác giả vẫn cà phê ở quán cóc Bông Giấy ấy. Đấy là chưa kể sách của cô nhiều cuốn vừa in ra đã tái bản khiến tác giả ký tặng mỏi cả tay. Thậm chí nhà báo Văn Bảy đã thống kê Nguyễn Thị Hậu là tác giả “1 tháng 3 cuốn sách” đó là thời điểm cô in cuốn “Khảo cổ học bình dân vùng Nam bộ - Việt Nam, từ thực nghiệm đến lý thuyết” (NXB Tổng hợp TPHCM); “Quay qua quay lại” (Tản văn),  “Ngắn và rất ngắn”, in chung với TS Nguyễn Thị Minh Thái.

Trong hàng chục cuốn sách đã in, Nguyễn Thị Hậu cho thấy chị vẫn dành cho sử một vị trí “đền thiêng” với những cuốn như “Văn hóa khảo cổ huyện Cần Giờ TPHCM”, “Đi và tìm trong đất”… tác giả này còn viết nhiều tản văn như “Buổi trưa trong quán cà phê”, “Thế giới mạng và tôi”… Có lẽ chỉ có thể ví von sức viết của tiến sĩ Hậu với sự hồi sinh của TPHCM những năm vừa qua, sau một thời kỳ “ngủ yên” sau đổi mới, giờ đây TPHCM đang phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc trong nhiều lĩnh vực mà người tiến sĩ khảo cổ đã dùng chính nó làm cảm hứng cho các tác phẩm đa dạng của mình.

Có một Hậu 'khảo' mà không cổ ảnh 2Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu.

Sống trong sự đổi thay

Nguyễn Thị Hậu vào TPHCM  năm 1975, đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển của thành phố, nhưng có lẽ đây chính là thời điểm thành phố có nhiều thay đổi nhất, trong đó việc quy hoạch phát triển một thành phố cho tương lai. Bên cạnh sự xáo trộn ký ức về một thành phố năm xưa, những giá trị khảo cổ cũng khiến cô phải suy ngẫm và phản biện.

Cô đã tỏ sự lo lắng trước việc nhiều khu vực khảo cổ và có giá trị lịch sử quan trọng của thành phố đang nằm trong “tầm ngắm” của ngành bất động sản và ngành xây dựng. Chẳng hạn, khu vực  bến Bạch Đằng nơi bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, với sự cổ kính vốn có của nó, giờ đây đang chịu sức ép lớn của các công trình hiện đại. Cô viết: “Dưới lòng đất đường Tôn Đức Thắng còn ẩn chứa nhiều di tích khảo cổ học của cảng thị Bến Nghé. Những năm 1990 - 2000 khi một số công trình bắt đầu xây dựng trên đoạn đường này, Bảo tàng lịch sử TPHCM đã khảo sát tại đây và thu tập được những sưu tập gốm sứ độc đáo, có nguồn gốc từ nhiều nơi, nhiều loại hình kiểu dáng, từ lò quan đến lò bình dân… Với lịch sử hình thành lâu đời và những di sản văn hóa trên mặt đất, dưới lòng đất như vậy, đường Tôn Đức Thắng mang đặc thù của cảnh quan trung tâm đô thị Sài Gòn, cần thiết phải được bảo tồn và hết sức cân nhắc khi “can thiệp” vào khu vực này”.

Những tản văn, những dòng viết tâm huyết của Nguyễn Thị Hậu được các nhà xuất bản in sớm, được bạn đọc tâm huyết, là bởi chúng luôn gắn với việc bảo tồn và xây dựng một thành phố hiện đại, nhưng phải là thành phố “có hồn”, chúng không thể chỉ là những mô hình vô cảm mà trước hết là những ký ức đã khiến người ta yêu. Trả lời báo chí, chị nói:  “Ký ức thị dân là một tài sản văn hóa rất lớn. Nếu như thị dân không yêu thành phố nơi mình sống thì không có cách gì gìn giữ được yếu tố bản sắc”. 

Đâu là chỗ đứng của lịch sử?

Nguyễn Thị Hậu - trên cương vị Phó Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam và Tổng Thư ký Hội Sử học TPHCM đã từng viết rằng: “Phải thừa nhận là hiện nay không có nhiều gia đình, các bậc cha mẹ khuyến khích con em yêu thích lịch sử và tạo điều kiện cho con em học tốt, học giỏi môn này, vì một tâm lý khá “thực dụng”: học lịch sử / làm ngành sử để làm gì? Có kiếm việc kiếm tiền được đâu?”.

Con người cả đời gắn bó với lịch sử, yêu lịch sử, nhưng đến lúc phải trả lời câu hỏi cho bạn đọc rằng giữa kiếm tiền và khảo cổ thì liên quan gì đến nhau quả thật không dễ dàng. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu giải thích rằng: “Sau khi tốt nghiệp phổ thông các em có thể không theo học ngành sử ở đại học nhưng tình yêu và kiến thức lịch sử giúp các em có thái độ và phương pháp đúng đắn trong việc nhìn nhận, đánh giá các hiện tượng xã hội trong quá khứ cũng như hiện nay. Mặt khác, lịch sử là một dòng chảy quan trọng của văn hóa Việt Nam, thông qua những nhân vật, sự kiện lịch sử truyền thống văn hóa dân tộc sẽ trở thành hành trang không thể thiếu được trong quá trình các em trưởng thành”.

Chính nhờ kiến thức về khảo cổ và sử học mà những bài viết và tác phẩm của tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu trở nên hấp dẫn, thuyết phục và gần gũi với bạn đọc. Chính những bậc thầy của cô như cố giáo sư Trần Quốc Vượng và các giáo sư khác đã giúp các bạn trẻ yêu quê hương đất nước hơn qua các trang viết vừa khoa học vừa sinh động của họ. ?Tờ Thể thao Văn hóa đã nhận xét về tác phẩm của tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu đó là “kết hợp lối viết chuẩn xác, cẩn thận của một nhà khoa học với một tâm hồn đau lòng trước thời cuộc, thực trạng xã hội. Người đọc nhận về, không chỉ là những băn khoăn vốn dĩ chẳng của riêng ai, nhưng còn là tinh thần và tình yêu với mảnh đất Sài Gòn và những trải nghiệm thú vị của tác giả”.

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ