đọc thêm: nhà văn TRẦM HƯƠNG: " Tôi hay gặp gỡ định mệnh với ... phụ nữ"/ Lê Công Sơn -- trích: thanhnien.vn>
Nhà văn Trầm Hương: 'Tôi hay gặp gỡ định mệnh với… phụ nữ'
Sáng 18.5, nữ nhà văn Trầm Hương ra mắt cuốn tiểu thuyết Trong cơn lốc xoáy dày hơn 1.000 trang, được chị viết công phu trong vòng 10 năm.
Giáo sư Hoàng Chương chia vui với nữ nhà văn Trầm Hương trong buổi ra mắt sách |
Hiện nay, trong số các nữ nhà văn viết hồi ký về các nhân vật khó có ai so bì kịp Trầm Hương. Với lợi thế đang công tác tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (TP.HCM), chị có cả “kho” tư liệu quý báu và điều kiện gặp gỡ những người thật việc thật gắn liền với nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm của đất nước. Trong cơn lốc xoáy là bộ tiểu thuyết mới nhất của chị vừa được Hội Nhà văn TP.HCM và NXB Phụ nữ ra mắt sáng nay 18.5 cùng những chia sẻ rất thật của chị.
Nhà văn Trầm Hương tên thật là Bùi Thị Thủy, sinh ra tại xã Lộc Thuận, huyện Bình Đại (Bến Tre). Chị từng tâm sự về "sứ mệnh" viết lách của mình: “Tôi sinh ra không được đào tạo nghề viết văn, cũng chưa qua trường ngữ văn. Viết văn, làm thơ, sáng tác kịch bản, viết lịch sử do lòng say mê, không ngừng học hỏi, đọc sách. Môi trường công tác tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ giúp tôi có nhiều chất liệu từ những nhân chứng sống động của lịch sử. Góc nhìn báo chí giúp tôi có được những bài viết được độc giả yêu mến. Lòng tôi vẫn không nguôi tự hỏi: Hiện thực có quá nhiều những con người bình thường làm nên những điều phi thường. Sứ mệnh của mình là ghi lại, viết lại mà không làm nổi, làm không xứng với tầm vóc thì mình thật vô dụng, thật có lỗi. Vì vậy mà tôi miệt mài đi và viết”.
Với gia tài đồ sộ gần 10 tiểu thuyết, bốn tập truyện ngắn, một tập thơ và hàng chục phim tài liệu, nhân vật chính trong các tác phẩm của chị đa phần là phụ nữ. Trong cơn lốc xoáy, bộ tiểu thuyết mới nhất dày hơn 1.000 trang được chị viết công phu trong vòng 10 năm. Đó là cuộc gặp gỡ định mệnh giữa nhà văn và bà Jeanne Anna Villarialle, một Việt kiều Mỹ, con gái nuôi ngài giám đốc Tổng thuế ba miền Đông Dương với một người cộng sản đấu tranh cho độc lập dân tộc, gắn liền với hiện thực xã hội Nam bộ suốt những năm đầu thế kỷ 20. Người phụ nữ giàu có và quyền lực chấp nhận tai tiếng, dư luận để yêu một Việt Minh thứ thiệt.
Một cây bút và cuốn sổ luôn bên cạnh để khi đêm về, người phụ nữ 80 tuổi cách nửa vòng trái đất gọi điện về bất chợt lúc nào cũng kịp ghi lại, ròng rã trong vòng 10 năm mà đôi khi có nhiều chi tiết, nhân vật lịch sử phải kiểm chứng, chị phải vào thư viện tìm đọc cả 1.000 trang tư liệu. Rồi hàng loạt các chuyến đi về, hàng trăm cuộc gặp gỡ ở đủ các địa danh giữa nhân vật và nhà văn để bộ tiểu thuyết hoàn thành đúng như sự kỳ vọng của mọi người, được trao giải A cuộc thi sáng tác về đề tài Cách mạng và kháng chiến năm 2015 của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, đã chứng minh cho nghị lực và sức làm việc không biết mệt mỏi của Trầm Hương.
“Tôi ấn tượng mãi hình ảnh người phụ nữ nhỏ bé ở độ tuổi gần đất xa trời với chiếc vali cao ra sân bay, đối mặt với bao thủ tục rắc rối, như con thoi qua lại giữa hai bờ đại dương chỉ với mong ước nhỏ bé làm chiếc cầu nối giữa quá khứ và thực tại, để thế hệ mai sau luôn tự hào về một thời cha ông đã sống hào hùng, xóa bỏ hận thù hướng đến tương lai đất nước mạnh giàu”, nhà văn Trầm Hương nhớ lại.
Có mặt tại buổi lễ ra mắt sách Trong cơn lốc xoáy, bà Jeanne Anna Villarialle rơm rớm nước mắt, ôm chầm lấy nhà văn Trầm Hương cám ơn khiến cho cuộc gặp gỡ, giới thiệu sách thật cảm động. Nhà văn Trầm Hương bộc bạch: “Tôi cũng là một phụ nữ, từng yêu, đổ vỡ và lặng lẽ một mình muôi con. Có lẽ so với nhà văn nam giới, tôi có sự đồng cảm, thấu hiểu đến tận cùng nỗi đau sâu thẳm của người đàn bà bất hạnh. Vì vậy, tôi hay gặp gỡ định mệnh với… phụ nữ. Mọi người thường tìm đến tôi để giãi bày, chuyện trò. Và chỉ cần trái tim nhà văn trong con người tôi lên tiếng, tôi sẽ cho ra đời những cuốn sách mới, như Trong cơn lốc xoáy lần này cũng là một định mệnh như thế…”.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ