Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2022

" nhà thơ TÔN NỮ HỶ KHƯƠNG qua đời ở tuổi 86 "/ Lam Điền -- trích: https://tuoitre.vn> --24/ 12/ 2021 )

 

Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương qua đời ở tuổi 86


LAM ĐIỀN

24/12/2021 09:52 GMT+7

TTO - Theo tin từ gia đình, nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương vừa trút hơi thở cuối cùng lúc 4h sáng nay (24-12) vì tuổi cao sức yếu, nhiều bệnh nền và sau hơn một tháng nằm viện do xuất huyết dạ dày.



Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương qua đời ở tuổi 86 - Ảnh 1.

Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương tại tư gia - Ảnh: tư liệu

Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương tên đầy đủ là Công Tằng Tôn Nữ Hỷ Khương, sinh năm 1935 tại Vỹ Dạ - Huế, là ái nữ của nhà thơ nổi tiếng Ưng Bình Thúc Giạ Thị.

Nối dòng thi thư, bà Tôn Nữ Hỷ Khương từ trước 1975 đã nổi tiếng trên văn đàn miền Nam với giọng thơ hoài cổ và tinh thần nhân ái phương Đông.

Cùng với những thăng trầm của thời cuộc và trải nghiệm bản thân, thơ Tôn Nữ Hỷ Khương mang màu sắc triết lý vừa thâm thúy tinh tế vừa như một sẻ chia và kết nối với khách tri âm.

Nhiều người yêu thích và thuộc lòng bài thơ Còn gặp nhau của bà, với những câu đi vào lòng người như một lời tâm niệm: Còn gặp nhau thì hãy cứ vui/ Chuyện đời như nước chảy hoa trôi/ Lợi danh như bóng mây chìm nổi/ Chỉ có tình thương để lại đời...

Tâm huyết của bà dành hết cho thơ, cũng là nối chí gia phụ, tiếp tục mạch nguồn của dòng thơ Hương Bình thi xã khởi từ hai nhà thơ lão luyện xứ Thần kinh là Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương, với nhiều thi phẩm để lại cho đời.

Năm 1960, khi cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị bước vào tuổi 84, cô Tôn Nữ Hỷ Khương thực hiện tập thơ Đời Thúc Giạ tập hợp các tác phẩm của người cha đáng kính. Tập thơ này được Nhà xuất bản Bốn Phương của thi sĩ Đông Hồ bấy giờ ấn hành năm 1961. Sau này, Tôn Nữ Hỷ Khương còn một quyển hồi ký về cha nữa là Hồi ức về cha tôi Ưng Bình Thúc Giạ Thị (NXB Trẻ, 1996).

Khi rời quê hương định cư ở Sài Gòn, Tôn Nữ Hỷ Khương tham gia Tao Đàn Bạch Nga, Thi đàn Quỳnh Dao và cộng tác với nhiều tờ báo danh tiếng thời bấy giờ, trong đó tạp chí Phổ Thông là nơi Tôn Nữ Hỷ Khương in thơ nhiều nhất.

Sau ngày đất nước thống nhất, nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương nhiều lần cùng giáo sư Trần Văn Khê trò chuyện với công chúng về thơ, ẩm thực và văn hóa dân tộc. Bà vẫn sáng tác và sinh hoạt cùng Hội Nhà văn TP.HCM.

Trong nhiều cuộc trò chuyện, khi hỏi đến quan niệm về thơ hay một số vấn đề có tính chất "lý luận", bà Hỷ Khương đều cười xòa và dẫn lại câu thơ của cụ Ưng Bình như một quan niệm khiến bà tâm đắc: Rượu có mùi hương nên uống mãi/ Thi là thuốc bổ cứ ngâm chơi.

Bà vốn không ưa lý luận, thơ với bà như máu thịt như tâm hồn. Nay nhà thơ giã biệt thi đàn để về với cõi thơ vĩnh hằng, sẽ còn nhiều người nhớ bà và những "lời cho nhau" thật thấm thía.

Tác phẩm của Tôn Nữ Hỷ Khương có thể kể đến các tập thơ: Đợi mùa trăng (1964), Mộng thanh bình (1970), Còn gặp nhau (1999), Bâng khuâng tình khúc (2001), Hãy cho nhau (2004), Nước vẫn xanh dòng (2004).

Hiện linh cữu nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đang được quàn tại nhà (339/10 Lê Văn Sỹ, P.13, Q.3, TP.HCM), sáng nay 24-12 nhập quan, lễ viếng bắt đầu từ chiều 24-12; 8h sáng ngày chủ nhật 26-12 sẽ di quan đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa, TP.HCM.

Lẽ vô thườnG

Biến thiên là lẽ vô thường

Cuộc đời như giấc mộng trường đó thôi!

Quên buồn, đổi lấy niềm vui

Cho non sông ấm nụ cười tao nhân (*)


Hãy cho nhau

Một cơn gió nhẹ thoảng qua

Dễ đưa ta đến lìa xa cõi đời

Để kết thúc một kiếp người,

Mong manh như hạt sương rơi đầu cành!

Thế mà cứ mãi quẩn quanh,

Ghét ghen, sân hận, tranh giành, hơn thua.

Đang là bạn, hóa ra thù,

Đang thân thiết, bỗng thờ ơ lạnh lùng.

Cùng trong cõi tạm sống chung

Chơi vơi bể khổ - mênh mông đất trời.

Hãy cho nhau những nụ cười.

Hãy cho nhau trọn tình người - niềm vui

Hãy cho nhau vị ngọt bùi,

Hãy cho nhau vạn ngàn lời yêu thương,

Tròn câu hiếu đạo, cương thường.(*)

Tôn Nữ Hỷ Khương


----------------

(*)  Bt cho in chữ nghiêng.

Ngai vàng chót vót năm đời trước/Tiếng ngọc bâng khuâng một kiếp này, hai câu thơ Vũ Hoàng Chương đề tặng đã hé lộ thân phận của Tôn Nữ Hỷ Khương. Xét theo trực hệ, bà là thế hệ thứ năm liên tiếp, kể từ vua Minh Mạng, mà con cháu cùng làm thơ, cùng nổi tiếng, dẫu mức độ có khác nhau. Một trường hợp hy hữu trong lịch sử triều Nguyễn.
LAM ĐIỀN

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ