Thứ Hai, 6 tháng 6, 2022

đọc thêm (1) : " những kỷ niệm với nhà văn BĂNG SƠN "/ Thanh Hà " - trích : Gia đình. NET -- (06/09/ 2010)

 

Những kỷ niệm với nhà văn Băng Sơn

THANH HÀ


Thứ hai, 8:12 AM 06/09/2010Giải trí

GiadinhNet - Đầu năm 2010, khi phải nhập viện vì tai biến mạch máu não, nhà văn Băng Sơn tha thiết mong muốn được chứng kiến ngày Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

 
Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến ngày lễ trọng, nhưng ông đã không đủ sức để chờ nữa. 30 ngày đã trở nên quá dài cho một nghiệp viết 60 năm đầy tình yêu mến với Hà Nội...
 
Nhà văn Băng Sơn (18/12/1932 - 3/9/2010)
 
1. Sau Tết, biết tin nhà văn Băng Sơn lâm bệnh nặng, tôi đã đến thăm ông tại căn hộ tập thể ở phố Lê Văn Hưu (Hà Nội). Chỉ mới hơn 2 tháng chống chọi với bệnh tật, cơ thể ông chỉ còn da bọc xương. Nhà văn không thể ăn uống được gì, tất cả phải truyền qua ống xông. Ngoài vợ ông, bà Mai Phương, còn có cô con gái đã xin nghỉ việc để ngày ngày chăm sóc cho bố, để ông cảm nhận được không khí gia đình, tiếng nói cười và cả những giọt nước mắt.

Bà Mai Phương ngậm ngùi kể: “Sức khỏe ông ấy xuống nhanh quá, không ăn được nên càng yếu hơn. Chứng bệnh khó thở đã cản trở ông ấy ăn uống, nói chuyện... nhưng được cái vẫn tỉnh táo lắm. Ai đến thăm ông ấy cũng đều nhận ra cả”. Tôi khẽ nắm lấy bàn tay gầy guộc của ông và hỏi: “Bác có nhớ cháu không?”. Thấy ánh mắt ông vẫn bất động, bà Mai Phương bảo: “Cô xem, ông ấy đang động đậy bàn tay tức là có nhận ra cô, chỉ có điều nhớ được tên hay không thôi”.

Hà Nội đổi thay nhiều hơn so với những gì ông được biết, được viết qua 10 tập tùy bút, nhưng con người và ngôi nhà của ông thì vẫn vậy. Khi lập gia đình, vợ chồng ông được chia ngôi nhà tập thể ở phố Lê Văn Hưu và từ đó đến giờ, nó vẫn chưa hề có “sổ đỏ”.

Ấn tượng của tôi về nhà văn Băng Sơn, đó là hình ảnh “ông già” gầy gò với mái tóc màu sương khói, phong thái rất nghệ sĩ. Nụ cười hiền luôn thường trực trên môi ông. Còn nhớ lần đầu gặp ông, thật không may là tôi đã khiến ông phật ý về một chi tiết trong bài báo.

Lần ấy, tôi đến gặp ông để viết bài cho chuyên mục “Giai thoại và sự thật”. Một người trong giới văn chương “mớm” trước với tôi rằng, nghe đồn, có năm Băng Sơn nhận nhuận bút Tết tới 60 triệu chả biết có thật không? Mang “lời đồn” này hỏi ông, ông cười và bảo: “Cái đáng nói ở đây là tôi viết có nhiều không và có được độc giả chấp nhận không. Tôi viết không phải vì tiền nhuận bút mà vì lòng mình ứ tràn. Thứ hai là tôi viết vì được nhiều tờ báo ưu ái muốn có tên tôi ở trên tờ báo của họ. Tôi không bao giờ tổng kết xem mình viết được bao nhiêu tiền cả”.

Lúc báo ra, ông gọi điện cho tôi có ý “trách” rằng, cháu viết như thế chả hóa ra bác là người trốn thuế à? Hơn nữa, người ta sẽ nghĩ bác viết được nhiều tiền như thế mà luôn kêu nghèo kể khổ, không hay... Cứ nghĩ rằng, sau lần ấy tôi gặp ông sẽ khó lắm, vậy nhưng, mỗi khi có chuyện cần xin ý kiến ông lại vui vẻ nhận lời.
 
Vợ chồng nhà văn Băng Sơn.
 
2. Thời trẻ, ông nghiện thuốc lá nặng, có ngày ông hút đến gần hai bao. Sau này bị bệnh ho và khó thở, ông đã đoạn tuyệt với sở thích đó. Ông cũng không bao giờ uống bia rượu mà chỉ có hứng thú với trà mạn, trà xanh do vợ ông tự tay pha cho. Những bạn văn của ông kể rằng, rất hiếm khi thấy Băng Sơn ngồi lâu ở hàng quán, dù sang trọng hay vỉa hè.
 
Nhà văn Băng Sơn tên thật là Trần Quang Bốn, sinh ngày 18/12/1932, quê ở Bình Lục (Hà Nam). Cho đến nay, tùy bút và đoản văn của nhà văn Băng Sơn tính ra phải tới gần 3.000 tác phẩm được in thành sách: “Thú ăn chơi người Hà Nội” (4 tập), “Đường vào Hà Nội”, “Dòng sông Hà Nội”, “Phập phồng Hà Nội”, “Hà Nội 36 phố phường”…

Tác giả của những tản văn, tùy bút giàu chất thơ và đậm tình yêu Hà Nội đã trút hơi thở cuối cùng vào 8h15 sáng 3/9, sau nhiều tháng nằm viện vì tai biến mạch máu não.
Những cái gì không “sạch” mắt, ông đều không dám ăn, nên dù rất yêu món phở Hà Nội, viết rất hay về nó, nhưng đó là cảm xúc được ông lưu giữ từ thời trai trẻ, chứ không phải ở thời ngồn ngộn những nguy cơ mất an toàn thực phẩm của thức ăn đường phố.
 
Những món ăn như thịt chó, mắm tôm, các đồ tanh như lươn, ếch... ông đều kiêng khem. Ông bảo, mình ăn cũng được nhưng chỉ không thích thôi. Mình sinh ra ở nhà quê, sống khổ quen rồi nên chỉ thích rau quả, vài miếng đậu phụ là ngon miệng rồi.

Đơn giản trong cách sống, nhưng trong công việc, chưa bao giờ ông qua quýt. Những ai từng có dịp tiếp xúc với ông đều thuộc lòng tác phong làm việc của ông, như một cụ đồ nho, cẩn thận và rất khoa học. Có lần, nghe ông kể, mỗi năm viết vài trăm bài tản văn, tôi hỏi: “Bác viết như thế thì có khi nào gửi nhầm hay bị trùng với các báo không?”. Ông chìa cho tôi xem cuốn sổ được ông ghi chép cẩn thận theo từng năm. Tên bài, gửi báo nào, ngày tháng đăng, nhuận bút bao nhiêu, ngày trả...đều được ông ghi lại.
 
Ông nói: “Vừa theo dõi, vừa kiểm soát được nội dung để không bị trùng với các báo khác. Ở dưới mỗi bài viết là cái tên của mình, “thương hiệu” của mình thì không thể cẩu thả, qua loa được”. Đặc biệt trong văn của ông chẳng khi nào người ta thấy ông "lên gân, lên cốt", dù đó là bàn về vấn đề đạo đức. Văn của Băng Sơn nhẹ nhàng, tinh tế, hệt như con người ông vậy.
 
3. Những lần gọi điện xin gặp ông để phỏng vấn, ở đầu dây bên kia bao giờ cũng là  một giọng nói nhẹ nhàng trìu mến: “Anh ơi, có điện thoại này”. Vậy nhưng, khi nói chuyện với phóng viên, ông bao giờ cũng xưng “bà ấy”.
 
Hỏi có phải ông ngượng mà “nói lái” từ “em” sang “bà” không, ông cười sảng khoái: “Hơn 50 năm nay, vợ chồng tôi chưa bao giờ cãi nhau cả. Lần bà ấy “nặng lời” nhất với tôi là trong lúc cãi nhau, bà ấy xưng “tôi” với chồng. Tôi bảo: “Ơ, sao em lại xưng “tôi” với anh?”. Thế là cười, hết cả cãi nhau. Mỗi khi bà ấy giận, chỉ cần nghiêm mặt là tôi nhịn ngay và ngược lại, nếu tôi giận thì bà ấy sẽ hiểu ý không nói thêm gì nữa”.

Rất hiếm người biết rằng, mấy chục năm gắn bó với nghiệp viết, cho đến khi bị bệnh, chưa bao giờ ông đi ngủ trước 3 giờ sáng cả. Lúc trước, nếu chưa viết xong thì ông không thể ra khỏi bàn vì sợ làm mất đi mạch văn. Giờ không viết được nhiều nhưng cũng không thể ngủ sớm hơn nên ông lại lấy máy chữ ra kỳ cạch viết. Khi ông đi ngủ thì cũng là lúc bà Mai Phương thức dậy đi chợ, nấu bữa sáng cho chồng. Bây giờ, trong căn nhà nhỏ ấy, đã vắng ông, những người thân yêu của nhà văn không biết đến bao giờ mới quen được sự trống vắng ấy. Còn với độc giả, họ cũng mất đi một cây viết tài hoa, mượt mà, đậm đà chất Hà Nội.

Kỷ niệm Đại Lễ ngàn năm, GĐ&XH những muốn gặp riêng nhà văn Băng Sơn, để nghe ông kể những kỷ niệm của ông với Hà Nội... Nhưng nay chậm mất rồi... Xin vĩnh biệt nhà văn Băng Sơn - một tâm hồn tinh tế và nhân hậu!
 
Thanh Hà
nguyenquyen

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét