đọc thêm (6) " Trạng Sư & Nhà Phê Bình " / Gs Nguyễn Đăng Mạnh [ 1930- 2008 ] -- trích : http://nico-paris.com/view/pro... >
Nico-paris.com hỏi - GS Nguyễn Đăng Mạnh trả lời
TRẠNG SƯ VÀ NHÀ PHÊ BÌNH
Thứ ba ngày 7 tháng 8 năm 2012 9:29 AMNico-paris.com: Năm 2012, nhà giáo nhân dân, giáo sư, nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh bước vào tuổi 83. Hơn 50 năm gắn bó với nghề dạy học và nghiên cứu-phê bình, ông đã từng là chủ biên của nhiều tập giáo trình đại học, nhiều bộ sách giáo khoa Ngữ văn, nhiều bài phê bình văn học sắc sảo và không ít công trình nghiên cứu công phu, có giá trị về các nhà văn Việt Nam hiện đại, đặc biệt là các nhà văn trong giai đoạn 1930-1975. Trên hành trình từ bục giảng đến văn đàn, ông đã để lại dấu ấn đáng nhớ trong tâm khảm của nhiều thế hệ học trò cũng như trong lòng độc giả.
Bạn đọc trong và ngoài nước đã có dịp làm quen với nhiều bài phê bình văn học đặc sắc của ông, nhưng những chuyện “bếp núc” xung quanh các bài phê bình ấy thì ông vẫn ủ kín trong lòng như những kỷ niệm khó quên.
Nico-paris.com hân hạnh được khai thác và trân trọng giới thiệu với bạn đọc những tâm sự của GS Nguyễn Đăng Mạnh qua những cuộc phỏng vấn xung quanh một số bài phê bình nổi tiếng của ông.
PHẦN III
Nico: Thưa GS, một trạng sư giỏi có thể bào chữa cho tội phạm trắng án. Liệu một nhà phê bình giỏi có biến một tác phẩm “tầm tầm” thành một tác phẩm xuất sắc trong con mắt người đọc được không ?
GS Nguyễn Đăng Mạnh: So sánh nhà phê bình văn học với ông trạng sư cãi trắng án cho phạm nhân, xét ở một số trường hợp nào đấy, cũng có lý.
Nhưng trước hết cần phân biệt hai loại trạng sư (trạng sư ngành tư pháp cũng như trạng sư văn học). Một là loại có tài và có tâm cãi trắng án cho những phạm nhân (hay nhà văn) bị gán cho những tội mà ông ta không hề mắc phải. Hai là loại trạng sư bất tài và bất lương, bênh vực cho những phạm nhân có tội thật (hay đề cao những cây bút, những tác phẩm tư tưởng thấp kém, nghệ thuật tầm thường đồng thời trù dập những tài năng chân chính).
Tôi xin lấy bản thân mình ra làm dẫn chứng. Tất nhiên tôi tự xếp mình vào loại “trạng sư” tử tế.
Dưới đây tôi xin lần lượt trình bày mấy vụ án văn học người ta đã đưa ra xét xử, và tôi là “trạng sư” cho bị cáo.
- 1. Vụ hạ thấp tầm cỡ nhà văn Nam Cao
Trong cuốn“Chân dung và đối thoại”[1], Trần Đăng Khoa đưa ra ý kiến đánh giá tài năng và tầm cỡ của nhà văn Nam Cao như sau: Anh so sánh nhà văn Việt Nam này với hai nhà văn nước ngoài: Sêkhốp (Nga) và Lỗ Tấn (Trung Quốc). Anh cho rằng, “xét về tài ông Nam Cao nhà mình cũng chẳng thua kém gì ông Sêkhốp và Lỗ Tấn”. Nhưng về “tầm cỡ” thì anh cho rằng “khoảng cách còn xa lắm”. “Sở dĩ có cái khoảng cách ấy, cũng vì ở chỗ, Lỗ Tấn và Sêkhốp quan tâm đến nỗi đau ở cõi tinh thần, còn Nam Cao lại phải để tâm trí nhiều đến cái bụng. Đọc ông ấy, trang nào cũng thấy đói. Mà văn học chỉ luẩn quẩn xung quanh miếng ăn, cũng khó mà lớn được”[2].
Ôi, như thế là Khoa hiểu Nam Cao rất hời hợt. Đã thế lại rất chủ quan, kiêu ngạo, nên phát biểu không chút dè dặt.
Nếu anh so sánh tầm cỡ ba nhà văn nọ căn cứ vào sự hơn kém nhau về khối lượng và sự phong phú của nội dung các tác phẩm thì còn nghe được. Nhưng nói, một bên quan tâm đến nỗi đau tinh thần, còn một bên chỉ nghĩ đến cái đói, cái bụng, thì quả là chẳng hiểu gì cả.
Mà nói cho hết nhẽ, ở hoàn cảnh một nước Việt Nam thuộc địa vô cùng khốn khổ ngày trước, năm nào cũng có hàng loạt người chết đói, nhất là cái trận đói khủng khiếp năm Ất Dậu (1945) khiến Nam Cao phải thốt lên trong truyện “Đôi mắt”: “Có lẽ đến năm 2000, con cháu chúng ta còn kể lại cho nhau nghe để rùng mình”, thì viết về cái đói, băn khoăn, đau đớn về nạn đói của nhân dân mình, đâu hẳn đã là thấp kém về tầm cỡ. Như cụ Ngô Tất Tố, tác phẩm nào cũng xoáy vào cái đói của người nông dân. Mỗi tác phẩm của cụ là một tiếng kêu khẩn thiết: Hãy cứu đói cho người nông dân! Hãy cứu đói cho người nông dân! Vậy có nên căn cứ vào đấy mà đánh giá tầm cỡ của cụ là thấp kém không?
Nhưng Nam Cao thì khác với Ngô Tất Tố. Ông đâu phải chỉ nói về cái đói, cái bụng. Ông nói về cái nhục, về vấn đề nhân phẩm, nhân tính của con người đấy chứ! Đọc văn phải biết phân biệt đề tài và tư tưởng của tác phẩm. Có nhiều trường hợp đề tài nhỏ mà tư tưởng rất lớn. Có đề tài nhiều nhà văn cùng viết, nhưng tư tưởng mỗi người thể hiện qua đề tài ấy lại rất khác nhau. Ở một đất nước nghèo đói như đất nước ta, cái đói và miếng ăn là đề tài rất ám ảnh của văn học hiện thực. Nhưng nếu Ngô Tất Tố xoáy sâu vào cái đói của người nông dân, thì Nam Cao luôn day dứt vẽ cái nhục của họ - “miếng ăn là miếng nhục”. Tư tưởng xuyên suốt các tác phẩm của Nam Cao là nỗi đau đớn trước tình trạng con người không giữ nổi nhân tính, nhân phẩm vì miếng ăn, vì cái đói. Trong nhiều bằng chứng, hãy lấy truyện “Một bữa no” làm ví dụ: Bà cái Tý, chuyên làm thuê làm mướn, đến lúc già yếu quá, không ai thuê mướn nữa. Nhịn đói mấy ngày không chịu được, bà cụ bèn nghĩ ra một kế: đến thăm đứa cháu đi ở cho một bà nhà giàu tên là Phó Thụ. Tuy là khách không mời, nhưng bà cụ cứ ở lì nhà người ta, vì chỉ cố đợi đến bữa, người ta dọn cơm ra là sà vào ăn, bất chấp sự đay nghiến, lườm nguýt của chủ nhà và sự xấu hổ của đứa cháu vốn vẫn quý trọng bà nó. Lúc ấy bà cụ không còn biết nhục là gì nữa. Đói lâu ngày lại ăn vội, ăn tham quá, bà cụ bị bội thực mà chết. Nhưng trước cái chết sinh vật ấy, bà cụ đã chết hẳn về tinh thần rồi – mà đấy mới thực là chủ đề của tác phẩm.
Nam Cao có một quan điểm nghệ thuật rất sâu sắc: “Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những gì chưa có” (Đời thừa).
Hãy vận dụng quan điểm ấy vào việc tìm hiểu truyện “Chí Phèo”. Ở truyện này, tác giả đã tìm ra được điều gì mới, đã sáng tạo ra được “cái gì chưa có”? Xin trích ra đây một đoạn trong một bài viết của tôi về Nam Cao: “Khi “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố và “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan ra đời, tôi chắc ít ai nghĩ rằng thân phận người nông dân dưới ách đế quốc, phong kiến lại có thể có một nỗi khổ nào hơn nỗi khổ của chị Dậu, anh Pha. Nhưng khi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ những trang sách của Nam Cao, thì người ta liền nhận ra rằng, đây mới là hiện thân đầy đủ những gì gọi là khốn khổ, tủi nhục nhất của người dân cùng ở một nước thuộc địa: bị giày đạp, bị cào xé, bị hủy hoại từ nhân tính đến nhân hình. Chị Dậu bán chó, bán con, bán sữa…, nhưng chị còn được gọi là người. Chí Phèo phải bán cả diện mạo và linh hồn của mình đi để trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại”. (Nhớ Nam Cao và những bài học của ông).[3]
Như thế, truyện “Chí Phèo” cũng đâu phải là chuyện cái đói, chuyện cái bụng, cũng là chuyện linh hồn, chuyện nhân tính, nhân phẩm đấy chứ! Cho nên Nam Cao đã cho thằng Chí Phèo lần cuối cùng xách dao đến nhà Bá Kiến, không phải để đòi tiền, đòi rượu, mà để đòi lại bộ mặt người và linh hồn lương thiện đã bị lão ác bá hủy hoại: “Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này?”. Hắn đã đâm chết Bá Kiến rồi tự sát. Hắn đã chết như một con quỷ muốn được hóa kiếp làm người.
Nhân đọc Nam Cao, xin bàn rộng thêm điều này: Cần phân biệt hai khái niệm cái đói và miếng ăn. Miếng ăn suy ra có nghĩa rất rộng. Trên đất nước ta hiện nay, cái đói về cơ bản đã được giải quyết, nhưng chuyện miếng ăn thì còn lâu, không biết đến bao giờ. Nạn tham nhũng tràn lan mọi nơi, nạn mua quan bán chức ở cấp nào cũng có, rồi nạn tranh ghế nhau, lừa nhau, vu cáo nhau, hất cẳng nhau trong đám quan chức cách mạng…, tất cả xét ra đều cũng vì miếng ăn cả thôi – miếng ăn hiểu theo nghĩa rộng. Vì miếng ăn hiểu theo nghĩa đó mà nhiều vị to đầu, ngồi trên ghế rất cao, cũng sẵn sàng vứt bỏ lương tâm, vứt bỏ nhân tính, nhân phẩm – “miếng ăn đúng là miếng nhục”.
- 2. Vụ chị Dậu (Truyện “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố) bị kết tội bán con
Cũng vẫn là Trần Đăng Khoa. Trong tập “Chân dung và đối thoại”, Khoa hư cấu ra một cuộc đối thoại giữa Người và Ma để phát biểu ý kiến của mình. Anh viết: “Trong cuốn truyện vừa rất xuất sắc này của cụ Tố (cuốn “Tắt đèn”), có một chỗ rất tệ hại. Ai lại dành nhiều công phu và tâm huyết như thế để viết về một bà mẹ đi bán con chuộc chồng (…) một việc làm không bình thường. Ngay ở dưới âm phủ cũng chẳng có bà mẹ nào làm một việc quái đản như thế” (trang 107).
Ơ hay! Thế Khoa thực sự không biết “bán vợ đợ con” đã thành một câu thành ngữ rất quen thuộc của dân gian ta sao? Đúng là một chú nông dân sinh ra sau cách mạng tháng Tám, sau cả cuộc kháng chiến chín năm đầy gian khổ (1958) nên chẳng hiểu gì về tình cảnh người nông dân thời trước. Nhưng viết phê bình thì phải nghiên cứu hoàn cảnh lịch sử cụ thể khi tác phẩm ra đời chứ! “Bán vợ đợ con” đã là một thành ngữ thì có nghĩa là chuyện ấy rất phổ biến ngày trước, sao lại gọi là chuyện “không bình thường”, thậm chí “quái đản”?
Khoa lại so sánh chị Dậu với nhân vật Făngtin của nhà văn Pháp Victor Hugo (tác giả “Những người khốn khổ”). Făngtin bán tóc, bán răng chứ không phải bán con. “Người đàn bà ấy đẹp biết bao, cao thượng biết bao” (trang 108).
Rõ vớ vẩn, ở cái nước thuộc địa hết sức nghèo nàn khốn khổ này, nhất lại ở những vùng nông thôn tăm tối và lạc hậu ngày xưa, bán tóc, bán răng cho ai?
Khoa là một anh nông dân thuần túy mà sao đọc truyện về người nông dân nước mình, cứ như là bằng con mắt của người Tây, người Mỹ vậy. Đi nước ngoài nhiều quá, ở nước ngoài lâu quá, có khi gần chục năm, quen mùi nước hoa của những ông tây, bà đầm quá rồi, nên quên hẳn mùi mồ hồi của người nông dân Việt Nam chứ gì!
Khoa lại liên hệ đến những người mẹ ở những phiên tòa xử ly hôn, “Tôi chả thấy có người mẹ nào bằng lòng bỏ con. Họ có thể bỏ chồng chứ không thể bỏ con, quyết giành con cho bằng được”[4].
Đúng là so sánh khập khiễng. Những người mẹ ấy ly dị chồng chứ có phải nghèo khổ sắp chết đói đâu. Ở hoàn cảnh chị Dậu, bán con cho nhà giàu, con mình khổ nhục thật đấy, nhưng dù sao nó còn được sống làm người. Không bán nó đi để mẹ con ôm nhau cùng chết đói cả sao!
Lập luận như Khoa trước sau đều xoáy vào tình mẫu tử thiêng liêng của những người mẹ. Anh không chấp nhận có chuyện mẹ bán con, càng không chấp nhận cụ Tố tả thái độ của chị Dậu khi chứng kiến con mình bị đánh và bắt ăn cơm thừa của chó. Theo anh, lẽ ra phải tả chị uất lên, rồi “có thế có một phút nghi ngờ quyết định của mình, định thay đổi, vì tình mẫu tử bỗng trào lên”. Nhưng tác giả “chỉ viết sơ sơ có một dòng mà lại thiên về ngoại hình”. Chị Dậu chỉ gục đầu vào cột, nức nở khóc thầm.[5]
Đúng là tả ngoại hình, nhưng tả ngoại hình như cụ Tố, ở đây không phải cũng là một cách tả nội tâm sao?
“Bán vợ đợ con” đã là chuyện phổ biến, nên không phải chỉ có cụ Tố mới viết chuyện bán con. Chắc Khoa chưa đọc truyện “Hai thằng khốn nạn” của Nguyễn Công Hoan. Cũng là chuyện bán con, người nông dân bán con ở truyện này còn thảm hại hơn nhiều. Chị Dậu còn bán được một đồng bạc, chứ người nông dân của cụ Hoan chỉ bán được có ba hào. Chị Dậu còn được đứng nhìn con mà khóc, còn được nói với con lời từ biệt đau đớn đến thắt lòng “thôi phải tội với trời mẹ chịu. Cảnh nhà đã thế, mẹ đành dứt tình với con”. Chứ người nông dân của cụ Hoan, thì phải co cẳng chạy thục mạng vì sợ lão nhà giàu nghĩ lại, cho là mua hớ, đuổi theo trả lại đứa bé hay đòi bớt tiền.
Tóm lại, Trần Đăng Khoa cho chị Dậu của cụ Tố là thiếu tình mẫu tử, là nhẫn tâm. Nhưng do không hiểu tình cảnh của người nông dân ngày trước, Khoa đã lên án chị Dậu. Như thế tôi cho cũng là nhẫn tâm đấy.
Nhân ý kiến của Khoa chê cụ Tố tả chị Dậu nhìn con bị hành hạ chỉ bằng một dòng mà lại “thiên về ngoại hình”, tôi thấy cần lưu ý điều này về nghệ thuật “Tắt đèn”. Cụ Tố chưa phải là một nhà tiểu thuyết thực sự hiện đại, như Nam Cao. Dấu vết lối viết truyện cũ ở cụ là chưa biết mô tả trực tiếp nội tâm nhân vật mà chỉ diễn tả tâm lý của các vai truyện bằng hành vi ngoại hiện. Cho nên nếu nhân vật của Nam Cao hầu hết chẳng đi đâu cả, chẳng làm gì cả, chỉ ngồi một mình trong nhà, tự mình trò chuyện với mình, độc thoại nội tâm triền miên, thì chị Dậu của Ngô Tất Tố luôn luôn hoạt động: khi thì chạy ra đình gào khóc về nỗi oan của chồng, khi thì đánh nhau với tên cai lệ và thằng người nhà lý trưởng, khi thì lại lẵng nhẵng dắt con dắt chó đến nhà Nghị Quế… Cho nên muốn tìm chỗ đặc sắc của nghệ thuật “Tắt đèn” thì phải tìm ở những chỗ ấy. Cụ Tố tả nhân vật hoạt động cũng “bợm” lắm đấy!
3. Vụ Nguyễn Tuân bị kết tội tư tưởng trong truyện “Chém treo ngành”
Vẫn là ý kiến của Trần Đăng Khoa. Anh chàng nhà quê này thế mà rất thích gây sự. Trong “Chân dung và đối thoại”, anh kết tội cụ Nguyễn đã “tả một cách nhấm nháp với đầy vẻ khoái cảm một lão đồ tể có tên là Bát Lê” có tài chém treo ngành. “Đưa việc chém người lên thành nghệ thuật và tả đường đao, mỗi đao với vẻ khoái cảm như một dạng thưởng thức nghệ thuật thì (…) con xin vái cụ! Ngay cả kẻ bị chém là lũ tà đạo (…) tả thế cũng không ổn, huống hồ đó lại là quân khởi nghĩa, những người xả thân vì nghĩa cả. Nhà văn lớn ai lại viết thế.[6]
Thực ra ý kiến trên không phải là của riêng Trần Đăng Khoa. Trước anh, đã có người phát biểu như thế rồi, như Hoàng Trung Thông chẳng hạn.
Bác bỏ ý kiến này, trước hết phải tìm về văn bản gốc của tác phẩm, có tên là “Bữa rượu máu”. “Bữa rượu máu” đăng trên tờ “Tao đàn tạp chí” năm 1939. Lúc ấy thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương chưa chấm dứt. Thời kỳ này, ở Pháp một chính phủ cấp tiến (thuộc đảng Xã hội) lên cầm quyền, vì thế ở các thuộc địa của Pháp, phong trào đấu tranh dân chủ cũng được phát động sôi nổi và dành được nhiều thắng lợi: chế độ kiểm duyệt sách báo phải bãi bỏ, sách báo yêu nước và cách mạng được phát hành công khai, nhân dân được tự do biểu tình, mít tinh, bãi công, bãi thị… nhiều chiến sĩ cộng sản bị tù được trả lại tự do… “Bữa rượu máu” vì thế được in toàn vẹn, không bị cắt xén gì cả. Về sau Nguyễn Tuân đưa tác phẩm này vào tập truyện “Vang bóng một thời”. Nhưng “Vang bóng một thời” ra đời khi thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương đã chấm dứt, chế độ kiểm duyệt sách báo lại trở lại mà còn khắt khe hơn trước vì giờ đây bọn cầm quyền Pháp ở chính quốc cũng như ở các thuộc địa đã phát xít hóa. “Bữa rượu máu” vì thế không còn được in nguyên vẹn nữa. Truyện ngắn là một thể văn rất hàm súc, từ các chi tiết, tình tiết, đến lời văn đều hết sức chọn lọc. Có những chi tiết rất quan trọng, có vai trò như những thi nhãn hay nhãn tự trong một bài thơ tuyệt cú cổ điển. “Bữa rượu máu” đã bị cắt đi những chi tiết như vậy. Một là tên truyện từ “Bữa rượu máu” bị đổi thành “Chém treo ngành” cùng với sự cắt bỏ chi tiết: thằng công sứ Tây và thằng tổng đốc An Nam chuốc cho nhau hai tuần rượu chúc mừng nhau đã dẹp được quân Bãi Sậy, trước khi ra lệnh cho đao phủ thi hành án. Vậy ai uống rượu? Ai uống máu? Và tư tưởng tác phẩm ở đấy chứ đâu. Hai là một chi tiết còn quan trọng hơn nữa: khi đao phủ thi hành xong bản án, hai tên quan tây quan ta ra về, thì ở pháp trường bỗng nổi lên một cơn lốc dữ dội. Cơn lốc chạy giữa hai hàng tử tù, đuổi theo hai tên thực dân và tay sai, cuốn cái mũ trên đầu thằng công sứ, quăng xuống cho lăn lộn mấy vòng trên bãi cỏ pháp trường. Rõ ràng là một đòn đánh thẳng vào thằng thực dân: hồn oan của các nghĩa quân, đầy căm hờn, quyết đuổi theo thằng tây đòi nợ máu phải trả bằng máu. Các tác phẩm hiện thực phê phán đương thời có cuốn nào dám đánh thẳng vào thẳng thực dân cỡ công sứ một cách mạnh mẽ và táo bạo như thế đâu?[7]
“Bữa rượu máu” thể hiện rất rõ một nét phong cách cơ bản của Nguyễn Tuân: nhìn sự vật nghiêng về phương diện văn hóa, nghệ thuật, phương diện thẩm mỹ, và nhìn con người nghiêng về phía tài hoa nghệ sỹ. Tài hoa nghệ sỹ được ông hiểu theo nghĩa rất rộng: không phải chỉ là những người làm nghề nghệ thuật như đào nương, kép hát, nhà văn, nhà thơ, mà bất cứ ai có tâm hồn nghệ sỹ và nâng nghề nghiệp hay công việc của mình đến trình độ nghệ thuật cao siêu. Cho nên trong các tác phẩm của Nguyễn Tuân có đủ loại nghệ sĩ: chơi hoa, chơi chữ nghệ sỹ, uống trà, nhắm rượu nghệ sỹ, tướng cướp nghệ sỹ, con bạc nghệ sỹ (“Vang bóng một thời”), rồi dân quân, tự vệ, bộ đội nghệ sỹ (“Đường vui”, “Tình chiến dịch”, “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”), lái đò nghệ sỹ (“Người lái đò sông Đà”), tù cộng sản nghệ sỹ (“Đào cộng sản”), rồi ăn phở nghệ sỹ (“Phở”), giã cốm nghệ sỹ (“Cốm”), giã giò nghệ sỹ (“Giò lụa”), lại có cả hồn ma nghệ sỹ nữa (“Xác Ngọc Lam”, “Đới Roi”)… cho nên trong “Bữa rượu máu” có một ông đao phủ nghệ sỹ thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên đối với văn Nguyễn Tuân.
Nhân chuyện ông đao phủ nghệ sỹ của Nguyễn Tuân, xin kể chuyện này chắc ít người biết. Nguyễn Tuân chủ yếu là một nhà bút ký, nên ông viết văn thường dựa vào chuyện thật, người thật. Không biết khi xây dựng nhân vật đao phủ Bát Lê, ông có biết ngày xưa ở Huế, có một ông đao phủ có tài chém treo ngành thật. Khi ông ta chết, gia đình những tử tù bị ông ta chém đã lập đền thờ ông. Họ biết ơn ông, vì nhờ ông mà người thân của họ dù sao cũng được chết toàn thây, không đến nỗi thành ra cụt đầu, quỷ không đầu.
Ở đời có những chuyện bất ngờ thú vị như thế đấy: làm nghề đao phủ mà các gia đình tử tù không oán ghét, trái lại còn biết ơn và thờ cúng nữa.
Cho nên thử bình tâm mà nghĩ lại xem, Nguyễn Tuân say sưa tả nghệ thuật chém treo ngành của Bát Lê có nên coi là hoàn toàn tiêu cực, là chỉ đáng bị phê phán không? [8]
Năm 1980, tôi được giao làm “Tuyển tập Nguyễn Tuân”. Anh Lê Khánh biên tập viên của NXB Văn học cùng lo với tôi chuyện này. Anh nói, tuyển văn Nguyễn Tuân phải cẩn trọng, thí dụ như truyện “Chém treo ngành” thì không nên tuyển. Nhưng tôi đã tìm được nguyên bản “Bữa rượu máu” và đưa vào tuyển tập. Nguyễn Tuân rất khoái. Ông mời tôi uống rượu. Ông vừa uống vừa chửi Hoàng Trung Thông: “Nó cũng làm văn mà sao nó ngu thế!”. Nay Trần Đăng Khoa lại lặp lại đúng cái ngu ấy.
4. Vụ “Phạm nhân” vị quy tội “đảo chiều” (trước “đánh” sau lại “khen” Vũ
Trọng Phụng)
Người quy tội cũng vẫn là Trần Đăng Khoa. Nhưng nếu ở những vụ đã trình bày trên kia, tôi đóng vai “trạng sư” cãi cho người này, người khác bị Khoa kết tội oan, thì trong vụ này chính tôi là người bị kết tội. Thành ra lần này, với tư cách “trạng sư”, tôi phải tự triệu mình đến tòa để cãi cho chính mình.
Trong một bài trả lời phỏng vấn trên báo Văn nghệ công an (số ra ngày 07/05/2007), Khoa viết: “Bài Nguyễn Đăng Mạnh viết về Vũ Trọng Phụng thì tôi không thích (…), trước đây trong tập “Nhà văn, tư tưởng và phong cách” được giải thưởng, ông “đánh” Vũ Trọng Phụng, bây giờ ông lại khen”.
Trần Đăng Khoa khi nhảy sang địa hạt phê bình luôn mắc phải khuyết điểm này: phát biểu không trên cơ sở nghiên cứu cẩn thận bài viết của người ta và hoàn cảnh ra đời của những bài viết ấy, đã thế lại rất chủ quan, kiêu ngạo, nên thường dẫn đến những phán xét hồ đồ.
Tôi nghiên cứu Vũ Trọng Phụng rất sớm, từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Ngay trong những năm ấy tôi đã viết luôn hai bài về Vũ cho Tạp chí văn học. Một là bài “Chủ nghĩa tự nhiên trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng” (1963), hai là bài “Mâu thuẫn cơ bản trong thế giới quan và trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng” (1968). Hai bài này về sau tôi đưa cả vào tập “Nhà văn, tư tưởng và phong cách”[9] là cuốn sách mà Khoa đã dẫn ra khi phê phán tôi.
Tình hình đời sống văn học nước ta vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước như thế nào? Lúc ấy Khoa chỉ là một chú nhi đồng làm sao mà biết được! Nhưng không biết thì phải tìm hiểu, phải nghiên cứu chứ. Ôi, đó là một thời kỳ chỉ nhớ lại đã thấy sợ. Người ta xúm lại, hò hét chửi bới nhóm Nhân văn giai phẩm. Vì nhóm này in lại sách của Vũ Trọng Phụng và đề cao ông, nên ông cũng bị đánh đập một cách có thể nói là tàn bạo. Tham gia đánh đập có cả những ông đầy uy quyền, uy thế. Như ông Hoàng Văn Hoan, ủy viên bộ Chính trị đảng Cộng sản, ông Vũ Đức Phúc, viện phó viện văn học, ông Nguyễn Đình Thi, tổng thư ký hội nhà văn… Ông Hoan viết hẳn một bài đại luận gửi cho Hội nhà văn, Viện văn học và các trường đại học, trong đó ông đổ lên đầu Vũ Trọng Phụng toàn những trọng tội: trốt kít, chống cộng, thóa mạ dân tộc, mật thám cho Pháp, sinh hoạt trụy lạc, văn chương dâm uế, tự nhiên chủ nghĩa, can tội ăn cắp văn của nhà văn Trung Quốc Tào Ngu (kịch Lôi Vũ) để viết “Giông tố”[10]… Ông Phúc thì quy kết “Vũ Trọng Phụng tiêu biểu cho các tác giả tự nhiên chủ nghĩa có một cái nhìn tàn nhẫn đối với xã hội, khinh miệt nhân dân lao động, có khi đề cao đế quốc, đề cao bọn trốt kít, chống đảng cộng sản”[11].
Những quy kết như thế của Hoàng Văn Hoan, Vũ Đức Phúc, tôi cho chẳng có gì đáng ngạc nhiên, vì xưa nay hai ông ấy vẫn suy nghĩ thô bạo như thế đối với văn học. Ông Hoan còn dám kết tội cả Nguyễn Du ăn cắp sách của Tàu để viết “Truyện Kiều” kia mà! Còn Vũ Đức Phúc thì Xuân Diệu từ lâu đã gọi là “cái xe tăng mù”. Nhưng trường hợp Nguyễn Đình Thi nói sau đây thì cho đến nay vẫn không sao hiểu nổi. Vì ông là một nhà văn, một nhà thơ, một trí thức, văn hóa cao, hiểu biết rộng. Năm 1955, ông viết “Vũ Trọng Phụng là người có một địa vị không ai tranh giành được trong văn học hiện thực trước cách mạng”, là “tiểu thuyết gia trác tuyệt của văn học Việt Nam”[12]. Vậy mà chỉ ba năm sau (1958), ông viết, tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng cũng như tiểu thuyết của Khái Hưng, Nhất Linh “chỉ là hai mặt của cùng một dòng văn học tư sản trước cách mạng. Dòng văn học đó bắt nguồn từ lối sống mục nát của những người trưởng giả bóc lột hoặc ăn bám, bóp hầu bóp cổ nhân dân lao động”[13].
Trong tình hình ấy, viết về Vũ Trọng Phụng tôi làm sao dám chống lại dư luận đầy quyền uy như thế. Mà chống lại thì báo nào dám đăng, nếu không muốn bị đánh và bị đóng cửa. Vả lại tôi cũng không phải không chịu ảnh hưởng, nhất là về thái độ của Đảng đối với Nhân văn – Giai phẩm. Tôi cũng tưởng Nhân văn – Giai phẩm đúng là một bè lũ phản động.
Vì thế viết về Vũ Trọng Phụng, tôi cũng phải nói đến những mặt tiêu cực của nhà văn này. Ngay từ hồi ấy tôi đã không tán thành kết tội Vũ chống cộng, là trốt kít, là mật thám, là phản động, là ăn cắp văn, là trụy lạc hay lưu manh. Nhưng tôi phải nói Vũ có mắc vào chủ nghĩa tự nhiên khá nặng nề và viết không đúng về người cộng sản, cũng như có thái độ miệt thị nhân dân lao động. Vì những mặt tiêu cực ấy, Vũ quả là có mắc phải thật. Nhưng tôi đâu có quy kết một chiều, bao giờ nói đi rồi lại nói lại để đỡ “tội” phần nào cho Vũ. Khoa thử đọc lại mà xem.
Ở bài thứ nhất “Chủ nghĩa tự nhiên trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng” tuy có vạch ra những yếu tố tự nhiên chủ nghĩa của Vũ Trọng Phụng trong các tác phẩm của ông, nhất là trong “Làm đĩ”, “Lục xì”, nhưng tôi vẫn khẳng định, “nhìn toàn bộ sáng tác của Vũ Trọng Phụng không thể nói ông ta hoàn toàn là một nhà văn tự nhiên chủ nghĩa”[14] và “khi phản ánh cuộc sống của những bọn giàu có, quyền thế thời thực dân phong kiến, dù vướng mắc nhiều lệch lạc nghiêm trọng, ngòi bút của Vũ Trọng Phụng căn bản là ngòi bút hiện thực, phê phán”[15]. Tôi quả có dẫn ra một số đoạn văn thể hiện thái độ miệt thị của Vũ đối với nhân dân lao động mà ông cho là do vô học mà ra (Vũ cho rằng “sự hiểu biết văn hóa (…) có thể làm cho người ta vượt được lên trên cái tầm thường, đê tiện của loài người”)[16] nhưng đồng thời có khẳng định “nhìn một cách toàn diện, phải nói rằng, khi mô tả đời sống nhân dân lao động, Vũ Trọng Phụng có nói lên được bằng một số hình ảnh khá đậm nét cuộc sống cực khổ, đói khát thê thảm của họ vì sự áp bức bóc lột của bọn tư sản, quan lại, vì sưu thuế, phu phen, vì nạn bã rượu lậu, vì lụt lội… Những hình ảnh đó có giá trị hiện thực[17] .
Bài thứ hai (“Mâu thuẫn cơ bản trong thế giới quan và trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng”), tôi viết toàn diện hơn.
Ở bài này, tôi thể nghiệm những nguyên tắc phương pháp luận nghiên cứu tác gia văn học do tôi nghiền ngẫm và đề xuất từ năm 1968 (sau tôi đưa vào cuốn “Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn”)[18]
Những nguyên tắc phương pháp luận nói trên được xác lập, tuy có dựa trên sự tham khảo về lý thuyết của một số nhà triết học, mỹ học, nhà lý luận, phê bình văn học trong và ngoài nước, nhưng chủ yếu dựa trên những kinh nghiệm của bản thân tôi khi nghiên cứu các nhà văn hiện đại Việt Nam như Hồ Chí Minh, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Hoài Thanh, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc…
Vũ Trọng Phụng là một cây bút rất phức tạp. Trong mớ mâu thuẫn phức tạp về tư tưởng của ông, tôi thấy trước hết cần nhận ra mối mâu thuẫn cơ bản chi phối một cách có hệ thống thế giới quan và sáng tác của nhà văn. Dựa trên sự khái quát của các yếu tố nghệ thuật lặp đi lặp lại như một nỗi ám ảnh nhà văn trong thế giới hình tượng của ông, tôi xác định mâu thuẫn cơ bản nói trên là mối liên hệ biện chứng giữa tư tưởng bi quan định mệnh chủ nghĩa và tâm trạng phẫn uất mãnh liệt đối với xã hội mà Vũ gọi là “chó đểu”, “vô nghĩa lý”. Yếu tố tư tưởng thứ nhất coi tình trạng “vô nghĩa lý” của xã hội là có tính định mệnh, chẳng làm gì được, nên dẫn đến thái độ mà Vũ gọi là “thản nhiên sự đời” hay “mũ ni che tai” (kịch “Tết cụ cố”). Nhưng yếu tố thứ hai thì, trước tình trạng xã hội nói trên, có phản ứng khác: căm thù nó, đả kích nó, muốn đập phá nó cho tan tành.
Mâu thuẫn tư tưởng cơ bản nói trên luôn vận động, biến chuyển trong quá trình sáng tác của Vũ Trọng Phụng. Đặc biệt năm 1936, do chịu ảnh hưởng tích cực của phong trào đấu tranh dân chủ sôi nổi lúc bấy giờ, niềm căm phẫn của Vũ Trọng Phụng phần nào thoát ra khỏi tính chất mù quáng, vô chính phủ, trở nên có phương hướng tiến bộ đã phát huy mạnh mẽ tài năng sáng tạo của ông. Cùng một năm ông đã cho ra đời liên tiếp mấy tác phẩm xuất sắc nhất, tiến bộ nhất và cũng tiêu biểu nhất của mình: ba cuốn tiểu thuyết “Giông tố”, “Số đỏ”, “Vỡ đê”. Tôi sẽ lần lượt phân tích, đánh giá ba tác phẩm này.
Bài viết này của tôi, có người đánh giá là “bài đầu tiên sau vụ Nhân văn – Giai phẩm đã mạnh dạn khôi phục giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm Vũ Trọng Phụng”[19].
Thú thực, đọc lại bài viết của mình, tôi không dám nhận hai chữ “mạnh dạn”, vì thấy mình vẫn còn hèn nhát lắm. Viết một câu khẳng định mặt tích cực của Vũ, lại phải kèm theo đến ba câu nhấn mạnh đến mặt tiêu cực của ông. Tuy không tán thành lời quy kết chụp mũ của những ông Hoàng Văn Hoan, Vũ Đức Phúc, Nguyễn Đình Thi… nhưng lời lẽ bác bỏ lại cứ ấp úng, rào đón quanh co để tỏ rằng “em” không dám đối lập hẳn với các vị “đàn anh” đâu ạ! Vậy mà nào có được yên thân! Bài đã được đăng báo rồi, nhưng vẫn chưa làm hài lòng các nhà chính trị và các ông phê bình quan phương chính thống. Vì thế vẫn bị phê phán, bị uốn nắn. Khổ thế!
Phân tích, đánh giá ba tác phẩm nói trên của Vũ Trọng Phụng, như đã nói, trong tình hình dư luận lúc đó đối với Vũ, tôi không thể không nêu ra mọi biểu hiện tiêu cực trong các tác phẩm ấy. Mặt khác tôi cũng có chủ định dùng những “cú đấm” làm ra vẻ nặng tay đối với Vũ như thế để tạo cho mình một tấm khiên thật chắc, che chắn cho những lí lẽ, những bằng chứng đưa ra nhằm thanh minh cho ông, giải oan cho ông:
Về tiểu thuyết “Giông tố”, trước hết tôi bác bỏ ý kiến Hoàng Văn Hoan cho rằng tác giả đã đánh cắp “Lôi vũ” của Tào Ngu. Tôi viết “cho đến nay chưa có một căn cứ nào về mối quan hệ giữa hai tác phẩm”[20].
Tôi không phủ nhận trong “Giông tố” còn có nhiều biểu hiện chủ nghĩa tự nhiên, nhưng tôi khẳng định ở tác phẩm này, Vũ Trọng Phụng đã sáng tạo ra được nhân vật “Nghị Hách bằng xương bằng thịt, một điển hình hiện thực chủ nghĩa xuất sắc về tầng lớp địa chủ, tư sản phản động nhất thời Pháp thuộc”[21].
Tôi công nhận, với nhân vật Hải Vân, Vũ Trọng Phụng đã vẽ ra hình ảnh một người cộng sản không đúng với sự thật (giỏi tướng số, giỏi địa lý, lắm thủ đoạn). Nhưng tôi phân tích để thấy, tác giả không hề có ý định xuyên tạc để đả kích người cộng sản, trái lại đó là cách Vũ ca ngợi người cộng sản theo quan niệm của ông: một đại trí thức tài ba lỗi lạc “thượng thông thiên văn, hạ tri địa lý, trung tri nhân sự”. Vũ Trọng Phụng không những không chống cộng mà trái lại rất có cảm tình với người cộng sản khi mô tả Hải Vân mà Vũ gọi là “nhà cách mạng quốc tế”, có tư thế oai phong lẫm liệt như “đại bàng cất cánh”[22] bay ra biển khơi giữa cơn giông tố để từ Móng Cái đáp thuyền đi họp hội nghị quốc tế Macao. Để tránh bị hiểu là suy diễn chủ quan, tôi dẫn ra nhận xét đầy cảm phục đối với nhân vật Hải Vân của một nhà phê bình văn học đương thời – ông Trương Chính, tác giả “Dưới mắt tôi”. Trương Chính cho rằng Hải Vân là “một người phong trần, có chí lớn, hoài bão lớn”[23]
Ở tác phẩm “Số đỏ”, tôi không phủ nhận thái độ giễu cợt không nên có của tác giả đối với người bình dân vô học, nhưng tôi đã ca ngợi tác phẩm này như một cuốn tiểu thuyết trào phúng có tư tưởng tiến bộ và đáng gọi là một kiệt tác về nghệ thuật: “Tác phẩm đã phát huy đến cao độ tài năng trào phúng sắc sảo (…) đọc “Số đỏ”, ta như được lôi cuốn vào một cuộc tả xung hữu đột của Vũ Trọng Phụng, đánh vào đủ loại quái thai của xã hội thực dân tư sản (…). Từ đầu đến cuối tác phẩm, toàn là những phóng đại đến vô lý, toàn những điều bịa đặt đến kỳ quặc, vậy mà không có hình ảnh nào, chi tiết nào không có hạt nhân khách quan của nó. Bởi vậy nhiều nhân vật trong “Số đỏ” đã đạt tới giá trị những điển hình hiện thực chủ nghĩa xuất sắc”[24].
Tôi không đánh giá cao tiểu thuyết “Vỡ đê” về mặt nghệ thuật và cũng nêu ra mặt hạn chế về tư tưởng của tác giả là hiểu biết rất mơ hồ về người cộng sản. Nhưng tôi khẳng định đây là cuốn tiểu thuyết thể hiện tư tưởng rất tiến bộ của tác giả thể hiện qua Phú, nhân vật chính của tác phẩm: “Một thanh niên tiểu tư sản trí thức xuất thân từ một gia đình nghèo, có truyền thống cách mạng (…), nhiệt tình, khẳng khái, có tinh thần yêu nước và lòng thương người. Thức tỉnh trước những thắng lợi dồn dập của phong trào Mặt trận nhân dân Pháp và những hứa hẹn của nó đối với tình hình Đông Dương, anh muốn hành động thực sự để góp phần cải tạo xã hội (…). Nêu lên vấn đề này, Vũ Trọng Phụng đã chứng tỏ một bước tiến của mình về tư tưởng. Bởi vì đó là thái độ hưởng ứng phong trào Mặt trận dân chủ, đó còn là ý thức trách nhiệm đối với lịch sử, đối với nhân dân ở một chừng mực nhất định”[25].
Bài tiểu luận trên tôi viết xong vào đầu tháng 8/1968. Tôi gửi đăng Tạp chí văn học. Ông Hoài Thanh lúc ấy làm thư ký tòa soạn đã ký duyệt để lên khuôn. Nhưng bài chưa kịp in thì người ta điều ông sang làm tổng biên tập Tuần báo Văn nghệ. Anh Vũ Đức Phúc lên thay. Anh Phúc lập tức gạt luôn bài viết của tôi. Anh sai Phong Lê gọi tôi đến gặp anh ở Viện văn học. Anh nói, bài Nguyễn Tuân của tôi vừa đăng số trước (“Con đường Nguyễn Tuân đi đến Bút ký chống Mỹ”) có thể làm mất huân chương của tạp chí, nay lại đến bài Vũ Trọng Phụng còn tệ hại hơn không thể đăng được. Lúc đầu tôi có tranh luận với anh, nhưng sau thấy không thể nói lại với anh được. Vì anh cứ nói chuyện nọ xọ chuyện kia, và khăng khăng quyết liệt sùi cả bọt mép. Anh phê phán Nguyễn Tuân: “Nguyễn Tuân là absence d’ humanisme, sao lại nói thiếu quê hương? Nguyễn Tuân không nhân đạo, không yêu nước gì cả…”. Còn Vũ Trọng Phụng thì anh cho là “loại dân nghèo lưu manh hóa. Vũ Trọng Phụng viết cho Hà Nội báo là loại báo chống Hải Triều, lại ca tụng Quỳnh, Vĩnh như là trí thức hạng nhất. Nhưng quan trọng là tư tưởng chính trị. Vũ Trọng Phụng là chống cộng, là phản động, duy vật của Vũ Trọng Phụng là duy vật hưởng lạc, là Freud…”
Đúng là “cái xe tăng mù”, Xuân Diệu nói chẳng ngoa chút nào. Thế là bài viết của tôi, tuy đã rào đón, che chắn kỹ như thế mà vẫn không được chấp nhận.
Mãi đến năm 1971, gặp tôi trong một buổi nghe Nguyễn Đình Thi nói về tiểu thuyết “Vỡ bờ” ở trụ sở Báo Văn nghệ, không hiểu sao Vũ Đức Phúc lại bảo tôi đưa bài Vũ Trọng Phụng cho anh đăng. Nhưng anh đặt điều kiện: sẽ có bài nói lại. Tôi chấp nhận. Thế là bài của tôi đăng số trước thì số sau có bài uốn nắn lại của Nguyễn Đức Đàn.
Năm 1987 tôi được giao làm Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, đến năm 1999 lại được giao làm Toàn tập Vũ Trọng Phụng. Vì thế tôi đã viết thêm nhiều bài nữa về nhà văn này. Không khí của đời sống văn học lúc này đã đổi khác, gọi là thời kỳ đổi mới, cởi trói, mở cửa. Vũ Trọng Phụng không những không bị vùi dập nữa mà còn được tôn vinh. Người ta gọi ông là thiên tài không cần dè dặt. Tên ông còn được đặt cho một đường phố Hà Nội. Các nhà văn trong nhóm Nhân văn – giai phẩm cũng được minh oan. Nhiều ông được nhận giải thưởng Nhà nước… Trong tình hình ấy, viết về Vũ Trọng Phụng, tất nhiên tôi không cần phải quá nhấn mạnh về những mặt tiêu cực của nhà văn nữa, cũng không cần phải rào đón, che chắn gì nữa, có thể khẳng định giá trị tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đúng như nó có.
Nhưng như thế không có nghĩa là tôi đã “đổi chiều”, “đã quay 180 độ”. Từ những bài viết trong “Nhà văn, tư tưởng và phong cách” đến những bài viết sau này về Vũ, tôi vẫn đi theo một phương hướng nhất quán, những luận điểm cơ bản không hề thay đổi, nghĩa là cứ từng bước tiến lên theo đường thẳng.
5. Vụ đánh giá truyện “Sống mòn” của Nam Cao là một cuốn tiểu thuyết viết hỏng
Trong một cuộc hội thảo về cuốn “Chân dung và đối thoại” của Trần Đăng Khoa ở trụ sở báo Văn nghệ mà tôi có tham dự, anh Ma Văn Kháng đặc biệt đề cao ý kiến của giới sáng tác thỉnh thoảng tạt sang địa hạt phê bình. Anh cho rằng những ý kiến ấy thường rất sắc sảo và độc đáo nên thường gây xôn xao dư luận.
Ngoài dẫn chứng là những ý kiến của Trần Đăng Khoa trong “Chân dung và đối thoại”, anh còn đưa ra một thông tin về ý kiến của Nguyễn Khải đánh giá tác phẩm “Sống mòn” của Nam Cao. Anh cho biết, Nguyễn Khải đã đánh giá “Sống mòn” là một cuốn tiểu thuyết viết hỏng, vì viết về thày giáo và nhà trường mà không có đối tượng học trò. Anh Kháng cho rằng, ý kiến này cũng làm cho dư luận xôn xao.
Đúng, ý kiến của Nguyễn Khải có thể gây xôn xao dư luận thật. Nhưng dư luận xôn xao như thế nào? Người ta thấy ông Nguyễn Khải vốn được coi là một nhà văn rất thông minh, tài trí, vậy mà sao lại có một ý kiến hồ đồ thế chứ! Nghĩa là chẳng hiểu gì về chủ đề của tác phẩm. Trong cuốn tiểu thuyết ấy, Nam Cao có định nói về chuyện dạy học, chuyện nhà trường đâu, tuy nhân vật là những thầy cô giáo. Ông ấy nói về thân phận người trí thức nghèo trong xã hội cũ đấy chứ! Họ phải sống mòn sống mỏi vì bị “áo cơm ghì sát đất”. Ôi! “Sống mòn” là một tấn bi kịch không lối thoát của mấy anh chị trí thức tiểu tư sản, một bãi lầy mênh mông đến ghê sợ của những thói phàm tục tiểu tư sản đủ loại, một thế giới những con người sống không linh hồn, không tư tưởng, mỗi người tự bằng lòng với một “vũ trụ” riêng chật hẹp với những thói tật tồi tệ, những định kiến đần độn để tự chôn sống mình trong những tính toán vặt vãnh dẫn đến những đố kỵ nhỏ nhen, những gầm ghè ti tiện xiết bao căng thẳng khiến cho tinh thần tê liệt, cằn cỗi. Mà tất cả cũng chỉ vì bị trói buộc bởi miếng cơm manh áo, chứ thật tâm họ có muốn thế đâu.
Trong nền văn học nước ta giai đoạn 1930-1945, tôi cho rằng có hai cuốn tiểu thuyết đáng gọi là không tiền khoáng hậu được viết với hai bút pháp rất khác nhau: “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng và “Sống mòn” của Nam Cao.
Nguyễn Khải đã không hiểu “Sống mòn”. Anh vào hàng phở mà lại cứ đòi ăn cơm, không có cơm thì chê là hỏng, một quán ăn tồi.
Trong giới phê bình đúng là có những người thẩm văn rất kém. Trong số đó có người đã viết cả một đống sách. Nhưng giới sáng tác cũng nhiều người thẩm văn không chính xác, như ý kiến của Trần Đăng Khoa, của Nguyễn Khải dẫn ra trên kia. Có điều này cũng rất nên lưu ý: ông Hoài Thanh cả đời chẳng làm được một câu thơ nào, nhưng người đọc thơ, thẩm thơ được như ông hiếm vậy thay!
- Láng Hạ, 29-06-2012
- Còn tiếp)
[1] Bản in lần thứ 9, có chỉnh lý và bổ sung. NXB Thanh niên, 1999.
[2] Chân dung và đối thoại, trang 225.
[3] Văn học Việt Nam hiện đại- những gương mặt tiêu biểu- NXB Phụ nữ, 2012, tr 243
[4] Chân dung và đối thoại (Sđd) trang 109
[5] Chân dung và đối thoại (Sđd) trang 108
[6] Chân dung và đối thoại ( tr 190)
[7] Trong cuốn “Chân dung và đối thoại” (đã chỉnh lý và bổ sung) Trần Đăng Khoa nói anh có biết chi tiết này, nhưng anh cho rằng: “nhưng đó vẫn là một đoạn tả cảnh, và là tả ngoại hình. Những câu văn gió mây, mang đầy chất thơ ấy, làm sao xóa được cái ấn tượng ghê rợn mà truyện đã mang đến cho độc giả” (trang 118). Đúng là Khoa chưa đọc thực sự văn bản nên mới viết bừa như thế.
[9] NXB Tác phẩm mới 1979
[10] Bài này được viết năm 1960
[11] Bàn về những cuộc đấu tranh tư tưởng trong lịch sử văn học hiện đại – NXB Khoa học xã hội - 1971
[12] Coup d’oeil sur la Littérature Vietnamienne –Littérature Sovietique 9/1055
[13] Nhà văn với quần chúng lao động – Báo Nhân dân – 01/05/1958
[14] Nhà văn, tư tưởng và phong cách (sđd), trang 166
[15] Nhà văn, tư tưởng và phong cách (sđd), trang 168
[16] Nhà văn, tư tưởng và phong cách (sđd), trang 170
[17] Nhà văn, tư tưởng và phong cách (sđd), trang 171
[18] NXB Giáo dục, 1994).
[19] Hồ Đình Lư – Người và nghề - NXB Hội nhà văn, 2010, trang 122.
[20] Nhà văn tư tưởng và phong cách ( tr 186)
[21] Nhà văn tư tưởng và phong cách ( tr 187)
[22] Nhà văn tư tưởng và phong cách ( tr 189)
[23] Nhà văn tư tưởng và phong cách ( tr 189)
[24] Nhà văn tư tưởng và phong cách ( tr 190)
[25] Nhà văn tư tưởng và phong cách ( tr 192)
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ