Thứ Ba, 17 tháng 5, 2022

đọc thêm (3): " Sainte Beuve ( Pháp ) = Biélinski ( Nga ) = Vũ Ngọc Phan ( Việt Nam ) " / Xuân Vũ ( Mỹ ) - trích: https://hocxa.com/Tieu/Su... >

 


15-01-2018 | VĂN HỌC

Sainte Beuve: Pháp, Biélinski: Nga, Vũ Ngọc Phan: Việt Nam


 XUÂN VŨ


 
  Nhà văn Vũ Ngọc Phan

Một trong những nhà văn tiền chiến không nói gì, không viết gì mà tôi biết ở Hà Nội là Vũ Ngọc Phan. Thảng như anh có viết ở đâu đấy mà tôi không được đọc thì chắc chắn là không phải Vũ Ngọc Phan trong Nhà Văn Hiện Đại mà tôi vừa đọc lại năm nay, 1998.


Các nghệ sĩ lớn tiền chiến có thái độ lạnh lùng với chế độ Cộng Sản, hiện hẳn ra trên nét mặt, như tôi thấy là Thế Lữ, Tú Mỡ, Nguyễn Xuân Khoát... Còn ai nữa thì tôi không biết. Quyển Nhà Văn Hiện Đại xuất bản năm 1942 là một quyển sách có giá trị vĩnh cửu đối với những người đã hoặc sẽ du nhập vào làng văn trận bút. Trong quyển này Vũ Ngọc Phan đã phê phán mộtcách công bằng và không nhân nhượng những khuyết điểm, vạch ra những chỗ yếu của các nhà văn từ lớp trẻ đến lớp già nổi tiếng thời đó. Những ai không đọc tác phẩm của họ, đọc Vũ Ngọc Phan cũng biết được họ và yêu mến họ.


Có thể nói Vũ Ngọc Phan là một nhà phê bình hiếm có, hoặc độc nhất của văn học Việt Nam từ thời Pháp thuộc cho đến ngày nay ở trong nước cũng như ở ngoài nước hiện nay.


Vũ Ngọc Phan có kiến thức rộng, và có tấm lòng yêu nhà văn mà ca ngợi hoặc chỉ cho họ những chỗ yếu chỗ mạnh chứ không do một chỉ thị nào. Phê bình đúng đắn giúp cho nhà văn tiến mạnh, phê bình tư vị, tâng bốc hoặc ve vuốt sẽ chẳng giúp gì cho nhà văn trái lại còn làm hại họ.


Qua trên một ngàn trang phê bình văn học, tôi nhận thấy Vũ Ngọc Phan là một người đọc nhiều và hiểu biết rộng về mặt xã hội cũng như về mặt nghệ thuật. Tôi xin trân trọng ông ngang hàng với các nhà phê bình trứ danh pháp và Nga: Sainte Beuve và Biélinski.


Khi soạn quyển sách này cho nhà xuất bản Xuân Thu, tôi chưa có ý định viết về Vũ Ngọc Phan nhưng khi sắp xếp các bài vở thì tôi tự hỏi: "Sao mình không viết về Vũ Ngọc Phan một nhà văn kỳ cựu cùng thời với Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng và là một người rất mực thước mà mình có quen, như một người lớn, chớ không phải một người bạn?"


Tôi xin nói về Vũ Ngọc Phan, nhà phê bình văn học Việt Nam, bằng hồi ức và qua bộ sách Nhà Văn Hiện Đại.

Trước nhất về con người Vũ Ngọc Phan.


Anh Phan người cao gầy, nước da trắng. Lúc tôi gặp thì anh đã ngoài năm mươi nhưng còn khỏe mạnh và phong độ. Có điều là anh cũng như Thế Lữ, Nguyễn Xuân Khoát, không bao giờ tôi thấy anh cười, hoặc nói trước đám đông. Gương mặt lạnh như tiền, như Nguyễn Bính mô tả người chị trong Lỡ Bước Sang Ngang:

Mười năm lòng lạnh như tiền

Máu tim đi hết cái duyên không về

Mười năm lòng những ủ ê.


Hay trong Kiều. "Ai tri âm đó mặn mà với ai."


Trong khi lũ trẻ hăng hái đi thực tế, tìm đề tài thì Thế Lữ dửng dưng; trong khi lũ trẻ in sách này truyện nọ thì Tú Mỡ vẫn ngày ngày tháng tháng làm công chức văn nghệ. "Sáng vác ô đi tối vác về.


Tôi có hỏi xin bài cho báo Văn Nghệ, các cụ hứa cho qua và không bao giờ cho một chữ nào. Riêng cụ Thế Lữ thì bảo: "Tôi còn đang chỉnh cái đầu!"


Chỉnh gì lâu vậy. Những mười năm ở Việt Bắc. Rồi mười năm ở Hà Nội mà chỉnh chưa xong rồi cho tới chết cũng chưa xong. Nói tóm lại cụ Thế Lữ không có làm một bài thơ đăng báo từ 1945 cho tới ngày cụ mãn phần.



    (Nguồn: Kệ sách Học Xá)

Bây giờ xin trở lại Nhà Văn Hiện Đại của Vũ Ngọc Phan. Bộ sách này gồm ba quyển 1266 trang, ông viết xong tại Vũ gia trang, ấp Thái Hà năm 1941. Tôi (XV) có đến ấp Thái Hà nhiều lần. Ở đây có Gò Đống Đa, đền thờ Sầm Nghi Đống và thái ấp của Phó Vương Hoàng Cao Khái. Không rõ Vũ gia trang là ở đâu. Tôi hiểu đó là tư thất của Vũ Tiên Sinh.


Trong bộ sách vĩ đại này, Vũ Ngọc Phan phê phán hầu hết tất cả các nhà văn đương thời. Gồm có các nhà biên khảo, tiểu thuyết gia, thi sĩ, các nhà văn viết bút ký, các tiểu thuyết gia tả chân, các tiểu thuyết gia xã hội, tiểu thuyết gia trinh thám. - Mở đầu quyển I, ông nói về Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh... Cuối sách: Ngọc Giao, Thụy An, Phạm Cao Cũng - Tất cả trên một trăm nhà văn nhà thơ. Một công trình đồ sộ trong đó ông đổ không biết bao nhiêu tâm lực.


Đọc lại từng nhà văn, tôi tưởng như sống lại thời thơ ấu khi mới nghe đến uy danh của các nhà văn nhà thơ chớ chưa thấy chữ để đọc.


Nói về tác phẩm đồ sộ này, tôi không có khả năng, còn thuật lại từng trang một là một mission impossible đối với tôi. Cho nên ở đây tôi chỉ nói qua một nét về ngòi bút phê bình của Vũ Ngọc Phan. Đây là một ngòi bút độc lập hoàn toàn, không thiên vị, cố nhiên là không nịnh hót - (Trần Văn Giàu cho là Bợ tức là nịnh bợ). Từ khi có cái gọi là văn học cách mạng do đảng Cộng Sản lãnh đạo các nhà "phê bình" mới viết bài theo chánh sách (Trần Văn Giàu gọi là Định đề, tức là nói lòng vòng một hồi rồi cũng kết luận là đảng đúng, không có sai lầm).


Văn học thời Pháp thuộc nở như hoa là nhờ độc lập cá nhân, không có sự lãnh đạo tức là sự gò bó bắt ép vào khuôn khổ của một tổ chức nào cả.


Nhà văn Vũ Ngọc Phan đi theo kháng chiến khi về Hà Nội được giao cho phụ trách tổ Văn Học Dân Gian của Viện Văn Học của Đặng Thai (*) Mai trụ sở ở đường Phan Thanh Giản. Văn học dân gian có nghĩa là sưu tầm biên soạn lại, chỉnh lý theo tinh thần đảng lãnh đạo ấy mà. Như chuyện Trê Cóc, chuyện Nghêu Sò Ốc Hến, chuyện Gau Dự Nùng Phay... làm thế nào cho qua các truyện ấy người xem phải thấy vai trò của đảng mặc dù thời đó đảng là cái quái gì chưa ai biết. Và từ khi làm tổ trưởng cái tổ này, Vũ Ngọc Phan không có viết một bài nào. Trên những tờ báo Hà Nội mà tờ Văn Nghệ do Xuân Diệu phụ trách là tờ lãnh đạo, cũng ở chung số nhà kể trên. (Xuân Diệu cương lập trường mút mùa nên được Tố Hữu cho làm xếp).


Viện Văn Học còn có tên là Viện Mạ Kền. Tức là tác phẩm của nhà văn nào in ra đều được đánh giá bởi cái Viện này. Từ sự đánh giá đó, Viện này mới phân công cho cán bộ trong Viện viết bài phê bình. Hễ thơ Tố Hữu thì phải do một nhóm nghiên cứu và đá lên tới mây xanh không tiếc lời. Ba quyển của Tố Hữu là Việt Bắc, Từ Ấy và Gió Lộng thì trở thành thánh kinh. Chỉ dưới thơ của Hồ Chủ Tiệm thôi. Bạn đọc nào có tập thơ của Hồ hãy lật ra đọc thì sẽ thấy một đặc điểm nổi bật là trật vần. Thơ lục bát trật luôn cả ba vần. Thế mà những bài thơ này phải được diễn ngâm trên đài, đăng báo và dạy trong các trường từ tiểu đến đại.


Một nhà thơ màn thơ như thế mà bắt Vũ Ngọc Phan cho vô quyển Nhà Văn Hiện Đại xếp chung với Nguyễn Nhược Pháp được ư? Cho nên thơ Hồ chỉ có các vị sau đây bợ: Hoài Thanh viện phó Viện Mạ Kền, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Đặng Thai Mai, Thanh Tịnh thợ mạ chuyện môn. Đồ cũ, đồ sét mạ y như mới. Họ làm công việc văn học y như việc phát phiếu đi mua hàng mậu dịch và cướp cả quyền cầm bút của nhà văn. Hồ Chủ Tịch: Nhà thơ nhớn dân tộc phiếu biệt hạng muốn gì có nấy, muốn nhiêu có nhiêu, đi mậu dịch nào cũng lọt, - Tố Hữu: phiếu A1 được quyền mua các đặc sản của các nước anh em: Dái dê, bòi cừu Mông Cổ, sâm Cao Ly, hổ cốt Trung Quốc, bơ sữa Liên Xô v.v... trong văn học thì chỉ ca và bợ không được nói đến khuyết điểm! Có một lần Hoàng Yến và Hoàng Cầm viết trên báo Nhân Văn chê thơ Tố Hữu là "một chật nước loãng, trong khi ta chỉ cần uống một cốc sữa đặc" (nguyên văn) thì ôi thôi đám thợ mạ nổi lên kên lập trường bợ làm cho Tố đến phát ngượng yêu cầu ngưng bợ dùm chút. Tui thấy đủ rồi.


Bạn đọc Nhà Văn Hiện Đại, thì dù bạn không biết Vũ Ngọc Phan, bạn cũng sẽ tin rằng một cây bút như Vũ Ngọc Phan không thể nào viết được những bài bợ như thế. Đây, tôi xin thí dụ:


Ai giỏi tiếng Tây bằng cụ Nguyễn Văn Vĩnh? Cụ Vĩnh đã dịch rất nhiều tác phẩm nổi tiếng Pháp sang tiếng ta và in ra từ khi tiếng nước ta mới phôi thai năm 1921. Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch và in Ba Người Ngự Lâm Pháo Thủ, Miếng Da Lừa, Những Kẻ Khốn Nạn v.v. và v.v... Nhưng bị Vũ Ngọc Phan đã kê như sau:

"Hai bộ Miếng Da Lừa và Những Kẻ Khốn Nạn là hai bộ cần phải dịch thận trọng hơn vì trong cả hai quyển có nhiều đoạn diễn giải về thuyết lý và tính con người ta nhưng dịch giả cũng dịch phóng bút như dịch truyện Gil Blas hay Les Trois Mousquetaires nên có nhiều câu rất sống sượng, nhiều chữ dịch sai hẳn mà chỉ cẩn thận một chút thì không đến nỗi như thế... Những chữ rất thường ông cho một nghĩa sai hẵn, mà chỉ vì cẩu thả, chứ còn ai lạ cái học vững vàng của dịch giả nữa... Une noix có phải là một hạt hạnh nhân đâu! Cygne có phải là con hạc đâu... La noix là quả hạt dẻ, còn cygne là con thiên nga!

Lại trong Miếng Da Lừa, ông hay dùng mấy chữ thượng đẳng lưu nhân để chỉ hạng người sang trọng thượng lưu. Nhưng lưu nhân tức là người lưu vong, người không nhà không cửa, chứ có phải là người thượng lưu như ông định dùng đâu!...

Nhiều câu của Nguyễn Văn Vĩnh đem so với bản chính thì người ta thấy những câu dịch không còn của tác giả nữa v.v... và v.v...

Nếu những khuyết điểm trên là của Hồ Chủ Tịch nhà thơ số một dân tộc, hoặc của Tố Hữu nhà thơ chỉ đứng sau đít Hồ Chủ Tịch thì Viện Mạ Kền của Hoài Thanh sẽ chẻ sợi tóc ra làm tám tức là tìm những chữ hết sức nhẹ nhàng để độc giả không thấy khuyết điểm mà lại thấy đó là ưu điểm. Vì (thí dụ như) đêm đó Bác không ngủ vì uống quá nhiều rượu ngâm dái dê... rồi sau đó bận tiếp khách quốc tế đến bốn giờ sáng... Còn nếu khuyết điểm của Tố Hữu thì xịt một mớ dầu thơm rẻ tiền bán ở hàng Đào: "Đồng chí Trưởng ban Tuyên Huấn là một nhà tư tưởng, một nhà... nhà... và nhà...". Cụ Tiên Điền cũng còn có khuyết điểm nữa là! - Đem Nguyễn Du ra xếp ngang Tố Hữu (sau Hồ Chủ Tiệm) thì ai còn coi đó 1à khuyết điểm.


Điều này Viện Mạ Kền của Hoài Thanh không ngần ngại làm. Làm dăm bảy lần sẽ thấy hiệu quả trong văn học ngay: Các mạ sĩ sẽ có thêm phiếu mua gạo!


Thời 1920-30-40, thử hỏi ai giỏi tiếng Pháp bằng Nguyễn Văn Vĩnh? Chính Vũ Ngọc Phan cũng phải công nhận. Nhưng sự phê bình chân chính có nghĩa là nói rõ ưu điểm và khuyết điểm, xa hơn, chỉ cho người được phê bình, cái hướng đi của ngòi bút, chớ còn chơi kiểu Viện Mạ Kền thì có hai lối: một là nịnh mấy ông lãnh chúa, hai 1à ba phải đối với các người khác. Lắm khi đọc xong một bài điểm sách người đọc không rõ người viết muốn nói gì. Tác giả quyển sách có lẽ phải đốt đèn lên mà soi từng chữ một thì mới hiểu được chăng?


Vũ Ngọc Phan nói rõ những chỗ sai của Nguyễn Văn Vĩnh. Đây chẳng cần can đảm hay đảng tính đảng tình gì cả, chỉ cần sự lương thiện và chân tình của người phê bình đối với tác giả và với văn học nước nhà mà thôi.


Khổ một nỗi là đảng Cộng Sản không hiểu văn chương nghệ thuật nhưng lại ôm đồm cả vì sợ người ta chê đảng không hiểu. Rồi nói bừa, làm bừa. Mà càng nói bừa làm bừa thì có bao giờ đúng được, thì có ai nghe.


Phạm Văn Đồng có lần đến huấn từ văn nghệ sĩ ở đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ hai ở Hà Nội đã kể một chuyện về Balzac và kết luận:


Nếu anh không viết văn dược thì nên về mà đi buôn, tốt hơn!

Câu đó hay lắm. Nhưng đâu có hay bằng câu của Thạch Lam nói trước ông ấy hai mươi năm:


Nghệ sĩ là một sản phẩm kỳ dị của Hóa công. Người ta sinh ra đã là nghệ sĩ hay không rồi, không phải học mà nên, muốn mà được!


Phê bình như Vũ Ngọc Phan mới là phê bình văn học. Định nghĩa nghệ sĩ như Thạch Lam mới là định nghĩa. Một người như Đỗ Mười, Hoàng Văn Hoan, Lê Đức Thọ, Lê Khả Phiêu, làm sao hiểu văn học nghệ thuật mà lãnh đạo nó kia chứ?


Đây tôi xin nêu tiếp vài nét phê bình của Vũ Tiên Sinh đối với một số nhà văn, như Nguyễn Tuân - Ông là một nhà văn đứng hẳn ra một phái riêng. Cả về lối văn lẫn về tư tưởng. Chỉ từ năm 1938 người ta mới biết tiếng ông rồi từ đó ông dần dần xây dựng cho mình một địa vị vững vàng trong văn giới.


... Đọc Vang Bóng Một Thời của ông, người ta có cảm tưởng đứng trước một bức cổ họa...

... Tác giả Vang Bóng Một Thời là người khơi lại đống tro tàn của dĩ vãng để bày lại trước mắt ta những cái ta đã biết qua hay cái ta chưa hiểu rõ.

... Muốn thưởng thức lối văn tả cảnh tuyệt khéo của Nguyễn Tuân, phải đọc Những Ngọn Đèn Xanh trong Tùy Bút. Còn muốn biết cái giọng khinh bạc của ông hãy đọc Những Ngày Thanh Hóa.


Sau khi khen ngợi Nguyễn Tuân hết lời, Vũ Tiên Sinh hạ bút về quyển Thiếu Quê Hương của Nguyễn Tuân như sau: Thiếu Quê Hương là một tập truyện không gọi được sự ham mê của người đọc, nó chỉ là một tiểu thuyết ngắn dài dòng không đủ cốt cách để là một truyện dài vững chãi.


... Người ta thường hay nói đến cái lôi thôi cái dài dòng của Nguyễn Tuân, nhưng người ta không nhớ rằng Marcel Prévost và Tourguéneff còn dài dòng hơn nhiều mà đó chính là những sự diễn tả thành thực của tâm hồn.


Sau đây là những dòng của Vũ Ngọc Phan viết về Hồ Biểu Chánh và Hoàng Ngọc Phách, hai tiểu thuyết gia tiên phong của Miền Nam và đất Bắc vào khoảng 1920-30:

Về đường lý tưởng tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh cũng như tiểu thuyết Hoàng Ngọc Phách nghĩa là cả hai nhà văn này đều lấy luân lý làm gốc, lấy cổ gia đình làm khuôn mẫu, lấy sự trọng hậu làm điều cốt yếu trong mọi việc ở đời. Nhưng tiểu thuyết họ Hồ khác tiểu thuyết họ Hoàng về mấy phương diện. Tiểu thuyết họ Hoàng thiên về tả tình và giọng văn nhiều chỗ ủy mị, cầu kỳ, không tự nhiên, còn tiểu thuyết của họ Hồ thì thiên về tả việc và lời văn mạnh mẽ, giản dị, nhiều chỗ như lời nói thường.


Thật thế, tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh là những tiểu thuyết đầy động tác, việc nọ việc kia dồn dập, gây cho người đọc những cảm tưởng kỳ thú. Nếu đọc tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh mà lại chê kém mặt tả tình và về tưởng tượng không được dồi dào thì thật là không biết xét nhận (không phải nhận xét). Tính tình của người ta biểu lộ ở lời nói đã đành, nhưng nó còn biểu lộ ra ở cả mọi sự hành động nữa, mà biểu lộ ra hành động mới thật đầy đủ, mới thật là những tính tình đã trải qua những thời kỳ tranh đấu và chọn lọc trong tâm trí. Về đường tâm lý, nếu tính tình cùng tư tưởng chỉ ở trong tâm trí và chỉ diễn ra được đến lời nói là cùng, tức là có bệnh về đường ý chí.


Bởi vậy qua một thời kỳ chọn lọc ý kiến cùng tư tưởng qua một thời kỳ suy nghĩ, qua một thời kỳ dự định, phải đến một thời kỳ quyết định và hành động mới được. Một thiên tiểu thuyết mà động tác dồn dập bao giờ cũng là một thiên tiểu thuyết kỳ thú. Chỉ khó một điều và tác giả phải biết "khiến việc" cũng như một viên tướng phải biết cầm quân, trong khi số quân có hàng vạn hàng triệu, đừng để đến nỗi có sự rối loạn.


Muốn có nhiều động tác mà vẫn giữ được trật tự, điều cốt yếu là tác giả cần phải là một nhà văn rất giàu tưởng tượng. Vậy một nhà văn nghĩ ra được nhiều động tác không bao giờ lại có thể là một nhà văn nghèo về tưởng tượng được.

Những tiểu thuyết của Alexandre Dumas là những tiểu thuyết rất nhiều động tác mà ai đọc cũng phải khen nhà văn rất giàu tưởng tượng.

Trên đây tôi chép nguyên văn trên một trang giấy.

Đoạn này giúp tôi hiểu tôi hơn khi viết và mạnh dạn đi con đường mà tôi đã đi.


Đêm khuya, chong một ngọn đèn, ngồi trước trang sách, đọc từng trang, thấy những dòng chữ, những đoạn ngời lên như có linh hồn. Thấy mình đang nói chuyện với Vũ tiên sinh lẫn Hồ đại nhân. Hai vị đã trao lại cho mình một ngọn đuốc chứ không phải một con đường mòn bắt mình phải theo.


Khi mới viết, tôi thấy văn chương quá dễ, có gì đâu, cứ thấy sao viết vậy lên giấy là thành truyện thành ký. Chẳng khác nào hồi đầu kháng chiến 45 đánh Tây chiến sĩ cầm cây mút-cơ-tông chưa biết lắp đạn thế nào, khi đã nằm phục kích rồi mà vị chỉ huy phải bò tới chỉ cho cách ngắm, cách bóp cò. Nhưng chiến thắng cứ ròn tan!


Nhưng đâu có thể nào thắng giặc, nếu chỉ có một quân đội như thế. Viết văn cũng thế. Hồn nhiên chỉ là một yếu tố. Nghề văn cũng có technique như những nghề khác tuy nó không có trường dạy đó thôi. Chớ nó vẫn có kỹ thuật của nó. Tôi đọc bộ Nhà Văn Hiện Đại này rất nhiều lần. Nhưng đến năm nay tôi mới thấy cái giá trị của trang sách trên. Đó là một bí quyết của tiểu thuyết gia Hồ Biểu Chánh mà phê bình gia Vũ Ngọc Phan nhặt ra tặng cho chúng ta.


Có khi nào bạn viết nữa chừng rồi giựt mình nhớ ra mình thiếu một cái gì. Đó là tả tâm lý. Tình cảm? Rồi phát lên tả tâm lý tình cảm?


Nhung nay thì hết giựt mình rồi. Vì tâm lý tình cảm nằm trong những hành động kia rồi. Trong lúc cho nhân vật hành động là ta đã mô tả tâm lý và tình cảm ở trong đó rồi! Tôi hiểu ra rằng: Hành động chính là biểu hiện cao nhất của tâm lý lẫn tình cảm. Vậy nên Vũ Ngọc Phan viết:


"Một tiểu thuyết có những hành động dồn dập bao giờ cũng là một tiểu thuyết kỳ thú."


Viết đến đây tôi ngưng lại, giở sách xem ảnh Vũ Ngọc Phan. Anh còn trẻ lắm. Năm 1941 không rõ anh bao nhiêu niên kỷ. Nhưng nhìn gương mặt, tôi cho anh chỉ 28-30. Vậy mà sao anh đọc nhiều thế. Cả trăm nhà văn nhà thơ đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi xu hướng, bút pháp và thể loại, mà đối với từng người một anh đều có nhận xét chính xác trong năm ba dòng làm cho tấc giả tự hiểu mình mà không thể chối cãi được (như đã kể ở trên) còn độc giả thì hiểu tác giả một cách dễ dàng. Anh phải là người đọc rất nhiều mới có thể viết về nữ sĩ Tương Phố, người đàn bà Việt Nam có thơ đăng báo Nam Phong từ năm 1928 (lúc tôi chưa ra đời!) như sau:

"Hồi xưa, thơ mà âm điệu du dương thì phải liệt thơ Thanh Quan vào bậc nhất. Nhưng thơ Thanh Quan có cái giọng đài các nghiêm trang quá, nên tuy người ta cảm được về âm điệu mà không cảm được về tính tình... Cây đàn của bà là cây đàn cao điệu, nên không mấy người họa kịp mà phần đông cũng không hiểu được hết tiếng tơ.


Gần đây thơ mà âm điệu cũng du dương nhưng tính tình lại thấm thía và gần gũi với người đời, trước hết phải kể thơ Tương Phố... Nhưng Tương Phố không được tốt số như tập Werther của Goethe, tập truyện đã gây phong trào lãngg mạn ở Âu Châu.

Tôi không được dịp may đọc Tương Phố, chắc các bạn trẻ bây giờ cũng như tôi. Vậy xin trích những dòng nói về các nhà thơ trong phong trào thơ mới.

Lưu Trọng Lư đem xáo trộn mộng với thực, thổ lộ nên những lời thơ huyền ảo vô cùng. Không nên tìm trong thơ Luu Trọng Lư những sự cân đối, những cảnh và những tình rõ ràng như trong thơ Quách Tấn hay Nguyễn Giang.


Thơ của Vũ Hoàng Chương rất gần với thơ Lưu Trọng Lư nhưng có một điều trái hẳn với Lưu Trọng Lư là Vũ Hoàng Chương rất chú trọng đến sự gọt giũa của lời thơ. Thế Lữ chính là người có công xây dưng thơ mới. Thơ ông chẳng những mới ở lời mà còn mới ở cả ý nữa. Thế Lữ còn là một tiểu thuyết gia có biệt tài.


Hàn Mặc Tử từ trần đến nay mới có hai năm mà người ta đã nói và viết rất nhiều về Hàn Mặc Từ.

... Hàn Mặc Tử đã đem vào thi ca Việt Nam Lòng tin tưởng ở Đạo Gia Tô với một giọng say sưa đầm ấm. Thụy An cũng xây dựng cho tiểu thuyết của bà những nhân vật tin cậy ở Đấng Cứu Thế, Đức Mẹ Đồng Trinh và sẵn lòng nhẫn nhục hi sinh.

Tập truyện Một Linh Hồn của Thụy An cũng đáng kể là một tiểu thuyết xuất sắc nhất của phụ nữ Việt Nam từ trước tới nay. Tác giả đã giàu tưởng tượng, truyện lại xây dựng một cách vững vàng, chắc chắn trong văn học.

Những lời khen tặng trên đây chỉ là điều tốt lành cho tác giả Một Linh Hồn nhưng khổ thay, tác giả lại là một kẻ bị kết án là gián điệp của Pháp cài lại, bị bắt giam. Nghe đâu bà đã tự móc hai mắt để "không nhìn thấy cuộc đời trước mặt nữa".


Không rõ những dòng chữ này có ảnh hưởng gì cho vị tổ trưởng tổ Văn Học Dân Gian Vũ Ngọc Phan đặt dưới quyền ông Viện Phó Viện Mạ Kền Hoài Thanh hay không? Ngoài ra Vũ Ngọc Phan còn viết những lời này đối với tác giả Thi Nhân Việt Nam.

Hoài Thanh không nhận "Thi Nhân Việt Nam" là một quyển phê bình thơ cũng phải vì nếu là phê bình thì chỉ phê bình có một mặt, phê bình rặt những cái hay, cái đẹp, trái với lời phê bìnth của Nguyễn Văn Tố... mà nó chỉ là một quyển hợp tuyển.


... Đọc Thi Nhân Việt Nam người ta thấy Hoài Thanh lựa chọn còn dễ dàng, rộng rãi quá, người ta thấy ông thiên về lượng hơn là phẩm. Vì sự lựa chọn dễ dàng ấy nên người ta thấy trong Thi Nhân Việt Nam những bài thơ non nớt, tác giả còn phải luyện tập hơn nữa mới có thể đến họp mặt trên thi đàn..."

Tôi đọc cả ngàn trang sách của Vũ Ngọc Phan, tôi thấy lập luận của ông đều xác đáng, vững chắc, ông đưa ra ví dụ để so sánh để chứng minh lời ông nói khiến cho người đọc phải nhận ngay cái lý của ông là rất có lý - là đúng. Ông phê bình cả những nhà phê bình như Hoài Thanh, Trần Thanh Mại, và Trương Chính (không phải Trường Chinh). Tôi đọc thấy quả Vũ Tiên Sinh là một người cầm bút phê bình rất uyên bác, rất duyên dáng và đôi khi trào phúng nữa. Sách của ông rất bổ ích cho những nhà văn. Nó chẳng khác nào như một tấm gương to, trong sáng mà nhìn vào đó nhà văn thấy rõ chính mình hơn để rồi sửa sang lại diện mạo của mình cho đẹp hơn.


*


Sau đây là nhũng điểm mạnh, điểm yếu và những điểm mạnh Tô Hoài, Thạch Lam, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng và Ngọc Giao.


Trong bốn nhà văn thuộc phái tả chân Vũ quân xếp Nguyễn Công Hoan đứng đầu. Tất cả tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan dù truyện ngắn hay truyện dài đều là tiểu thuyết tả thực về phong tục Việt Nam về hạng trung lưu và hạng nghèo.


Cô Giáo Mình là một tiểu thuyết tả những phong tục cổ hủ ở một nhà quan, ông đặt một gái tân tiến vào để những cổ tục ấy nổi bật lên.


Trong các truyện của Nguyễn Công Hoan, Lá Ngọc Cành Vàng là cuốn tiểu thuyết hay nhất. Nhiều chương tả rất tài tình, thật cảm động. (Phần cuối). Người ta thấy ông sở trường về truyện ngắn hơn truyện dài. Ở truyện dài nhiều chỗ lúng túng rồi kết thúc quá giản dị không xứng với một truyện to tát mà ông đã dựng. Trái lại ở truyện ngắn ông là người kể chuyện rất có duyên. Phần nhiều truyện ngắn cửa ông linh động, bất ngờ làm cho người đọc khoái trá vô cùng cùng.


Truyện ngắn của ông tiểu biểu cho một thứ văn rất vui, một thứ văn mà có lẽ từ ngày nước Việt Nam có tiểu thuyết viết theo lối mới, người ta chỉ thấy ở ngòi bút của ông thôi. Truyện Thằng ăn Cắp ông tả khéo quá, đến đỗi người đọc tưởng thấy ngay trước mắt cái cảnh tả trên giấy. Nhưng đôi khi sự quá đáng của ngòi bút ông hóa ra khôi hài không còn thuộc phạm vi tả chân nữa. Hầu hết truyện của ông đều thuộc loại tả chân và rặt tả những cái chướng tai gai mắt, đồi phong bại tục mà phần nhiều ngả về hoạt kê.


Trong số những nhà tiểu thuyết về phong tục, ông đứng riêng hẳn một phái: phái tả chân khuynh hướng về hoạt kê, nhưng ông không hoạt kê như Vũ Trọng Phụng khi viết Số Đỏ hay như Đỗ Phồn khi viết Một Chuỗi Cười. Cái cười của ông là cái cái sặc sụa, cái cười hể hả sung sướng của người ngoài cuộc. Ông tả đủ hạng người trong xã hội, nhưng ít khi ông tả tâm lý của họ, nhất là những điều uẩn của họ thì ông không bao giờ động đến. Ông có nụ cười riêng mà chỉ ông mới có và chỉ ông mới diễn ra một cách đều đặn trong mười năm nay. Vì thế văn ông không giống văn một người nào. Ông viết rất đều tay. Đọc ông không bao giờ người ta phải phàn nàn rằng ông chỉ quanh quẩn trong mấy đầu đề như nhiều nhà văn khác. Tương lai sẽ cho ta biết ông có thay đổi không nhưng tôi tin rằng chỉ trong phạm vi tả chân và trào lộng cây bút Nguyễn Công Hoan mới có thể vững vàng, còn ngoài phạm vi ấy tôi e rằng nó sẽ lung lay.


Tô Hoài cũng thuộc phái tả chân, nhưng không ngả về hoạt kê như Nguyễn Công Hoan. Tô Hoài có khuynh hướng xã hội. Trong hầu hết các truyện của ông, Tô Hoài đều tả hạng dân quê nghèo nàn mà hạng người này cũng chỉ là những người ở một miền, một vùng, vùng Nghĩa Đô, quê hương tác giả (nhận định này cũng giống như lời của anh Nguyễn Huy Tưởng: "Hãy viết cái gì các cậu thuộc. Đừng viết cái gì không thuộc"). Trong Quê Người (1941) ông tỏ ra là một người quan sát rất sâu sắc. Những tính tình u ẩn diễn ra ở những cử chỉ rất nhỏ của người dân quê, những thói tục hủ bại, những ngôn ngữ kỳ quặc của những người dân quê, cả những cảnh sống cùng cực rất đáng thương của họ đều được ông tả cặn kẽ. Nhưng trong những cảnh ấy, không phải chỉ rặt những màu đen tối mà còn có những màu tươi tắn ở cái tính chất phác của người dân quê. Trong tình yêu thôn dã, Tô Hoài là một cây bút đầy thơ mộng, một cây bút đã tiểu thuyết hóa cao độ những cặp tình nhân ở bên giếng nước hay những hội hè đình đám thôn quê.


Tô Hoài nhận xét nhân vật rất tỉ mỉ. Mỗi khi ông đẩy một người nào ra sân khấu thì ông cho biết tính tình và căn cước của họ. Người ta thấy ông yêu nhân vật của ông quá, ông không muốn cho một nhân vật nào chết cả. (Ngược lại với Ngọc Giao). Khi ông tả thì ông tả cụ thể tối đa từ anh phu trạm có cái xe đạp quái gỡ, đến các ông Lý, lão Nhiêu.


Quê Người là một pho tài liệu chân xác cho những nhà xã hội học ta muốn quan sát phong tục và sự tiến hóa của dân tộc Việt Nam. Nào đám hội, cưới, hỏi, đám ma, đám chay, cách nuôi trẻ, nuôi người ốm, dạy con, chũa bệnh, đuổi tà ma, đòi nợ, những lề lối chửi rao, đánh nhau, nằm vạ, cho vay nặng lãi, đặt vè nói xấu người, tục ăn uống, chè chén, cỗ bàn, kiêng kỵ chia phe, kết bè đánh nhau v.v... Không một cảnh nào ở nông thôn mà thoát khỏi cặp mắt của Tô Hoài.


Ông sở trường truyện ngắn. Truyện của ông không những đặc biệt về lời văn, cách quan sát về lối cấu kết mà còn đặc biệt về đề tài nữa. Tô Hoài không giống một nhà văn nào trước ông cũng không giống một nhà văn nào mới vào làng văn như ông. Nghệ thuật của ông là tả chân, tức là để cho sự việc tự nó nói lên. (Nghĩa là không dùng ngòi bút của mình thọc vào bình luận).


Theo Maupassant, một tay cự phách trong làng tả chân Pháp, thì khi đã gọi là tả chân thì tác giả không nên xen vào bình luận. Mà trong sự vật, cái gì hiển nhiên, mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, tay sờ được mới là thực và mới là đáng tả, còn ra, cái người ta cho là cao là sâu thì không cần quan tâm đến. Không cần phải đi tới những lý tưởng cao sâu. Tả một cảnh nghèo với tất cả mọi sự cùng khổ phô bày ra trước mắt, những vật nghèo nàn, sờ tới còn phải ghê tay, thì còn cái gì làm cho người ta cảm động bằng? Hà tất phải đưa những lời nghị luận giảng giải dông dài. Hãy để cho sự việc Tự Nó Nói Lên. (Chứ đừng nói thay cho nó).


(Đoạn trên đây có khác gì Tô Hoài đã nói: "Muốn nói cái đẹp đừng dùng tiếng đẹp mà phải tả sao cho người ta thấy đẹp, muốn nói ngon đừng dùng tiếng ngon mà phải viết làm sao cho người ta thèm, muốn nói dã man thì làm sao cho người ta thấy dã man chớ đừng dùng tiếng "dã man").


Thạch Lam ngay trong tác phẩm đầu tay của ông, người ta cũng nhận thấy ông đứng vào một phái riêng biệt về tiểu thuyết. Ông có một ngòi bút lặng lẽ, điềm tĩnh vô cùng, ngòi bút chuyên tả tỉ mỉ những cái rất nhỏ và rất đẹp, những cảm tình cảm giác con con nảy nở và biểu lộ ở đủ các hạng người mà ông tả một cách tinh vi. Phải là người giàu tình cảm lắm mới viết câu này: "Một cơn gió hay một mầm cỏ non đối với chàng đều có ý nghĩ riêng." Ý nghĩ đây là những ý nghĩ gây nên bởi cảm giác dối với ngoại vật và cảm tình của người ta đối với một hoàn cảnh thích hợp với mình. Những cảm giác con con, Thạch Lam tả rất khéo.


Người ta đọc Cô Hàng Xén, phải thấy Thạch Lam ghi các cảm giác rất tài tình... Thật là buồn nhưng cũng thật là đẹp sự đơn giản ở đây thật hay thật thấm thía đoạn mô tả sau đây:


Tâm (cô hàng xén) buồn rầu nhìn suốt cả cuộc đời nàng, từ tuổi trẻ đến già, toàn khó nhọc và lo sợ ngày nọ hệt ngày kia như tấm vải thô. Nàng cúi đầu đi mau vào ngõ tối..."


Trong những cảnh nghèo, cảnh đồng ruộng, nét bút ông ngượng ngập tỏ ra nhà văn chuyên tả tình còn chưa quen với lối tả cảnh. Ông tả đồng quê thật nhạt nhẽo và rời rạc.


Thạch Lam có những đoạn tỉ mỉ vô ích, nhân vật nào cũng giống nhân vật nào. Sở dĩ các nhân vật của ông giống nhau là vì ông đã đem tính tình riêng của mình để tạo nên các nhân vật. Tất cả các nhân vật trong truyện của Thạch Lam đều có những cái phảng phất của tâm hồn Thạch Lam.


Thạch Lam là một nhà văn đã trút cả những tính tình của mình sang các nhân vật do ông sáng tạo nên các vai không mấy khác nhau mấy tí. (Lạ lùng thay, trong một gia đình đàn con giống cha mẹ là một điều vui vẻ, còn trong văn chương nhà văn đẻ ra nhân vật giống nhau lại là điều tối kỵ! - XV). Nhưng ông có tài của một tiểu thuyết gia kể những chuyện tâm tình tuyệt diệu.


Dưới ngòi bút ông, những cô gái thuộc hạng trung lưu được tả bằng những nét mỹ miều và những cảnh êm dịu thường trở nên những cảnh rất nên thơ.


Nguyên Hồng, khác với Trương Tửu. Trong Nguyên Hồng, người ta không thấy cái giọng kêu gọi cổ võ như trong Trương Tửu. Ông tả cảnh nghèo của những người sống ngoài rìa xã hội một cách bình tĩnh, không xen vào một lời bình phẩm, để mặc cho những việc ông tả gây cho người đọc những cảm tưởng vui buồn.


Quyển Bỉ Vỏ, ngoài ít khuyết điểm là một truyện hay vô cùng, thật hay. Các việc xảy ra đều có mạch lạc, mà đi đến kết một cách tự nhiên. Cái thâm trầm bao quát các truyện của Nguyên Hồng là cái tư tưởng: Tuy đã sa chân vào vòng trụy lạc, người ta vẫn có thể mang một tâm hồn trong sạch được. Thật vậy, Tám Bính là một gái điếm rồi theo chồng ăn cắp. Ở gần chồng giúp đỡ chồng ăn cắp nhưng luôn luôn nàng khuyên chồng trở lại lương thiện. Bỉ Vỏ là một quyển cho nhà xã hội học những tài liệu quí.


Trong Cảnh Khốn Cùng và Đây, Bóng Tối là hai truyện hay tuyệt. Những truyện của Nguyên Hồng phần nhiều pha một giọng chua cay kín đáo, phần nhiều dùng việc thay lời, nên cái nghệ thuật của ông thật sâu sắc.


Ở tập văn nào của Nguyên Hồng cũng vậy, tư tưởng nhân từ Bác Ái của tác giả bao giờ cũng tràn lan.


*


Ngọc Giao là một nhà văn chuyên viết có một loại truyện: Truyện ngắn! Và hầu hết trong các truyện ngắn của ông đều trùm phủ một thứ tình uất, tình sầu. Những truyện hay hơn cả của Ngọc Giao là những truyện gợi mối thương tâm cho người đọc. Ngọc Giao thật là một nhà văn sở trường về lối văn đạo tình.


Nhưng truyện của ông nói toàn cái chết, không chết thì cũng gần chết, chết nhiều đến đỗi như có một dãy xe tang đen ngòm lặng lẽ đi vào sương mù, không kèn không trống.


Về đường nghệ thuật, lối văn ấy không phải là không đặc sắc. Hồi xưa nó đã dựng cho Âu Châu một nền văn học lãng mạn. Nhưng ở nước ta, văn chương còn ở vào thời kỳ quá độ thì lối văn ấy có thể đưa ta đến sự ủy mị, nhu nhược có hại cho chí tự cường.


Người ta bảo Ngọc Giao là một nhà văn thuộc phái hay thương tiếc cái đã qua (un passéiste) như người Âu Tây thường nói. Chỉ đối với cái đã qua, ông mới thiết tha cảm động. Ông không thuộc phái văn sĩ lo việc xây dựng tương lai cho thế hệ mới.


Người ta thường khen văn Ngọc Giao điêu luyện, nhưng theo ý tôi (VNP) cũng không nên gọt đẽo quá làm cho nhiều đoạn mất tự nhiên, hóa ra cổ lỗ, không nên quá chú trọng vào lời, làm cho ý hóa ra tầm thường, nhiều câu như sáo ngữ. Tôi tin chắc có một số thiếu nữ ưa văn Ngọc Giao. Các cô thích vì nó êm ái, nhẹ nhàng. Ngọc Giao là người giàu tình cảm. Ông thường xúc động trước cảnh điêu tàn, thê lương, những cái mai một, chết chóc.


*


Trên đây là những đoạn của một nhà phê bình nổi tiếng nhận định về bốn nhà văn nổi tiếng. Trong văn chương cũng như trong võ nghiệp, biết mình biết địch trăm trận trăm thắng. Rất tiếc là tôi (Xuân Vũ) không thể trích những đoạn văn để chứng minh. Vì nó dài quá. Xin chúc các bạn đại thắng mùa... văn.

Xuân Vũ

Văn Nghệ Sĩ Miền Bắc Như Tôi Biết, tập thứ ba
Nxb Xuân Thu, 1998

(*) Thường in sai là THÁI mà đúng ra là THAI.

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ