Thứ Năm, 5 tháng 5, 2022

" nhà văn nữ LÝ LAN, [ 1957- ] môt cây viết có sức sáng tác đa dạng ... " / Mặc Lâm -- nguồn : RFA/ Đài Á Châu Tự Do >

 

Nhà văn nữ Lý Lan,

 một cây viết có sức sáng tác đa dạng (phần 1)


2007.06.17
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp

Mặc Lâm,

 phóng viên đài RFA


Chương trình Văn Học Nghệ Thuật tuần này Mặc Lâm xin giới thiệu nhà văn nữ Lý Lan, một cây viết có sức sáng tác đa dạng và đang được độc giả trong nước ái mộ qua nhiều tác phẩm. Từ truyện ngắn đến tiểu thuyết, từ những ghi chép rất duyên dáng đến những câu thơ xúc tích và mang nhiều hình ảnh đậm nét văn học miền nam.



LyLan150.jpg
Nhà văn Lý Lan--. hình của Thanh Nien Online.

Nhưng có lẽ trên hết vẫn là tác phẩm dịch thuật đồ sộ của chị qua bảy quyển tiểu thuyết nổi tiếng thế giới Harry Potter của nhà văn nữ người Anh, JK Rowling

Lý Lan chào đời năm 1957 tại Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Quê mẹ ở xứ vườn trái cây Lái Thiêu, quê cha ở huyện Triều Dương, tỉnh Quảng Đông, Trung quốc. Tám năm đầu đời Lý Lan sống ở quê mẹ, sau khi mẹ mất thì gia đình về Chợ Lớn định cư cho đến ngày theo chồng sang Mỹ sống tại Vancouver tiểu bang Washington.

Theo tự bạch, Lý Lan học khoảng một năm ở trường làng, nửa năm ở trường Trung Chánh, và học hết tiểu học ở trường Chợ Quán, trung học ở trường Gia Long, đại học ở trường Sư Phạm thành phố Hồ Chí Minh, và cao học (M.A.) Anh văn ở đại học Wake Forest (Mỹ).

Suốt thời gian từ năm 1980 cho đến năm 1997 nhà văn Lý Lan liên tiếp dạy ở nhiều trường bắt đầu từ trung học Cần Giuộc (Long An) đến trừơng trung học Lê Hồng Phong, rồi sau cùng là đại học Văn Lang.

Truyện ngắn đầu tay của Lý Lan là ‘Chàng Nghệ Sĩ’ in trên báo Tuổi Trẻ và được giải thưởng (năm 1978). Lan tiếp tục viết và đăng truyện trên nhiều tờ báo trong nước và có lẽ nổi bật nhất là công trình dịch thuật toàn bộ tiểu thuyết Harry Potter dành cho thiếu nhi của tác giả J.K Rowling.

Cùng với 62 thứ ngôn ngữ khác trên thế giới, Harry Potter tiếng Việt do nhà văn Lý Lan chuyển dịch đã được độc giả thiếu nhi Việt Nam nồng hậu chào đón ngay từ ngày xuất bản đầu tiên. Năm 2006 Tập thơ Là Mình (NXB Văn Nghệ, TP HCM, 2005) của Lý Lan được giải thưởng thơ hội Nhà Văn TP HCM.

Mang hai giòng máu Việt Hoa

Là người mang hai giòng máu Việt Hoa, Lý Lan có cái lợi thế hưởng được hai nền văn hóa ngang nhau từ khi còn nhỏ. Cầm bút trong tâm thế của một con người có hai quê hương, nhà văn đã khai thác thành công những khía cạnh mà chị quan sát bởi một con mắt của người vừa ở trong lại vừa ở ngoài. Ở trong quê hương chị đang sống là Việt Nam luôn luôn ẩn chứa những tình cảm sâu sắc chị dành cho quê nội mà có thể chị chưa hề biết đến.

Lý Lan đặc biệt thích thú với những hình ảnh của những di dân từ phương Bắc. Có lẽ chị tìm thấy trong đó hình ảnh thật của gia đình chị cùng những sinh hoạt bình thường trong đời sống. Qua nhiều tác phẩm, Lý Lan có khuynh hướng miêu tả đời thường dưới cái nhìn của một nhà báo hơn là một nhà văn.

Chị ghi nhận sự kiện và sắp xếp chúng bằng những trình tự mà sự kiện liên tục xảy ra và không hoa mỹ hay hư cấu. Vậy mà văn chương của Lý Lan vẫn lôi cuốn người đọc một cách mạnh mẽ. Kết cấu của câu chuyện dù dài hay ngắn Lý Lan đều dùng thủ thuật đơn giản của một người ghi chép và những ghi chép này được chị cẩn trọng bình dân hóa hay chính xác hơn là quần chúng hóa trong văn phong của mình khiến cho một lượng rất lớn độc giả thưởng thức những bài viết này trong tâm trạng của một người bạn với tác giả.

Trong nhiều tác phẩm, Lý Lan lấy bối cảnh của đồng bằng Nam bộ làm nền cho câu chuyện của mình, vì vậy văn phong miệt vườn không khỏi không ảnh hưởng đến lối viết của chị. Sơn Nam có lẽ ảnh hưởng đến chị nhiều nhất nhưng khác với Sơn Nam, Lý Lan đằm thắm hơn trong diển tả nội tại và cũng chi ly hơn khi nhìn những chi tiết xem ra rất nhỏ trong cuộc sống đời thường.

Trong bài viết ngắn Ăn Cháo Tiều chị đã nói về một món ăn rất thông thường của người Việt lẫn người Hoa nhưng dưới ngòi bút của chị, món cháo này như được thổi vào một đời sống mới, mặc dù đã xuất hiện hàng trăm năm qua.

Ăn cháo Tiều

Tôi có một ông bác họ buôn bán ở chợ Biên Hòa. Hồi tôi còn nhỏ xíu ba tôi có dẫn tôi đến chơi nhà bác mấy ngày. Buổi sáng bác gái kêu tôi dậy “ăn cháo”. Người Việt buổi sáng nói “ăn sáng” nhưng người ta ăn khoai, ăn bắp, có khi ăn cơm hay bánh đúc, bánh tằm…chứ không ai ăn “sáng” cả.

Nên tôi nghĩ nhà bác giàu như vầy, nói ăn cháo nhưng chắc là ăn hủ tíu, xíu mại….Ai dè đâu bác tôi múc ra đúng là cháo trắng với mấy hột đậu gì đen thui mặn chát. Nhìn quanh thấy cả nhà đều ăn như vậy một cách ngon lành. Tôi hơi thất vọng là tiếng Tiều nói “ăn cháo” thì chỉ ăn cháo mà thôi.

Người Quảng Đông gọi ăn sáng là điểm tâm. Thực đơn điểm tâm rất phong phú, cũng có món cháo, nhưng không phải cháo trắng. Cháo của người Quảng nấu nhừ nhuyễn như bột, lõng bõng nước, có hột vịt bắc thảo xắt nhỏ và thịt muối giã nhuyễn, rắc chút tiêu hành. Nhưng nói chung người Quảng không thích ăn cháo. Nói người nào sáng dậy ăn cháo, người ta biết ngay đó là người Tiều.

Khác xa với Vũ Bằng, người nổi tiếng với tác phẩm Thương Nhớ Mười Hai mượn món ăn để nhớ người vợ chân quê của mình còn kẹt lại miền Bắc sau khi nhà văn di cư vào Nam, nỗi nhớ thương làm văn chương của Vũ Bằng mang một niềm tê tái và đâu đó thoáng nhiều nỗi ngậm ngùi.

Lý Lan thuật lại chuyện ăn cháo của gia đình mình thật đơn giản, vì ăn cháo buổi sáng thì có gì là lớn? chị hỏi ông cụ thân sinh:

Tôi hỏi ba tôi ăn cháo hoài không ngán sao? Ba nói ăn cháo nhẹ bụng, dễ tiêu. Từ khi tôi có trí nhớ đến nay, hình như sáng nào nhà tôi cũng có một nồi cháo trắng, nấu vừa chín, hột gạo còn nguyên, chỉ hơi mềm hơn hột cơm một chút, nước xâm xấp.

Kèm theo món cháo kinh niên trong nhà cũng thường có những món mặn kinh niên như củ cải muối, đậu muối, hột vịt muối , thịt muối, cá muối. Tôi nghĩ là đối với ba tôi, thức ăn không chỉ là thức ăn.

Củ cải muối phải là củ cải muối nguyên củ của một ông già Tiều quảy từ Sóc Trăng lên bán, cá muối cũng là cá muối nguyên con của một bà già Tiều đem từ Rạch Giá lên. Riêng món đậu muối là đồ nhập cảng , ngày trước có lẽ nhập qua Hồng Kông hay từ Đài Loan, bây giờ thì mua từ Trung Quốc.

Ba không ép chúng tôi ăn cháo. hồi chúng tôi còn nhỏ mỗi sáng được ba phát cho tiền để ra đầu xóm ăn điểm tâm. Xóm tôi ở trong Chợ Lớn đông người Quảng hơn người Tiều. Đầu xóm bày bán nào xôi mặn, nào hủ tíu, mì xào, nào hoành thánh, há cảo…

Nên tôi quen thói sáng sớm lại lê la tiệm nước, rồi mới đi đâu đó, làm gì đó. Thỉnh thoảng có buổi sáng mưa dầm hiếm hoi của đất Sài gòn, khí trời ẩm ướt lành lạnh, tự nhiên làm biếng không muốn đi đâu làm gì hết, tôi cứ ngồi trong nhà thò đầu ra cửa gọi, chỉ một chút sau là có người mang vào tận trong nhà bất cứ món gì mình thích. Lúc đó,cắc cớ sao, tôi lại thích ăn cháo trắng với hột vịt muối”

Ông cụ không nói gì nhiều để cho nhà văn ghi nhớ như đọc Quốc Văn Giáo Khoa Thư, chỉ một câu ngắn ngủi: ăn cháo nhẹ bụng, dễ tiêu. Vậy mà cái câu ngắn củn này mãi đến hơn ba mươi năm sau nhà văn mới thấm thía cái hồn, cái tinh tế và cả cái triết lý sống của người cha.

Bây giờ tôi bắt đầu thích ăn cháo như ba tôi. Không phải để tự làm công tác tư tưởng cho mình về một quê hương vất vả tiện tặn. Năm ngoái ba tôi về thăm quê, nói thôn cũ bây giờ giàu rồi, bà con ai cũng khá. Tôi có thể nói tôi thích ăn cháo vì nó ngon.

Nhưng nếu phải nói rõ nó ngon như thế nào, thì tôi không thể nói được. Tôi phải mất hơn ba mươi năm mới thấm thía được cái ngon của một chén cháo ăn với củ cải muối vào buổi sáng tinh mơ, làm sao có thể trong vài dòng trên giấy mà truyền đạt hết được hương vị đậm đà ấy?

Những hình ảnh sống động của cuộc sống

Từ chỗ món cháo tại nhà Lý Lan dẫn người đọc đi thăm thú một buổi sáng tại Sài Gòn, đặc biệt là vùng Chợ Lớn.

Theo chỗ chúng tôi được biết thì không nhiều lắm những tác phẩm viết về vùng đất này. Tuy nằm sát Saigon hàng trăm năm, nhưng Chợ Lớn hình như vẫn xa cách với người Việt, ít nhất là trong văn chương.

Lý Lan dẫn người đọc đến một sinh hoạt mà ít người được nghe nói đến, đó là những quán điểm tâm của người Hoa có phục vụ kiểu mà người Việt ngày nay thường dùng là Hát Cho Nhau Nghe! Hình ảnh những người Hoa vùa ăn sáng vừa rủ nhau lên sân khấu để hát có lẽ là một hình ảnh hiếm có. Hãy nghe tác giả bắt đầu bằng hai tiếng mà người ta thường dùng để kể chuyện cổ tích: Ngày xưa....

Saigon về sáng

Ngày xưa ở mỗi ngã tư đường Chợ Lớn đều có một tiệm nước, được coi như một trạm thông tin liên lạc hàng ngày của giới làm ăn. Dân làm ăn ở Chợ Lớn,và Sài Gòn nói chung, ít ăn sáng ở nhà, nên tiệm nước, quán “điểm tâm” phát đạt như một loại câu lạc bộ, một điểm hẹn tri âm.

Cái quán mà tôi mời bạn đến tên là Phùng Nguyên, có đầy đủ nét đặc thù của một tiệm nước Chợ Lớn: nằm ngã tư, không sang trọng kiểu “nhà hàng máy lạnh”, không bình dân đến mức mất vệ sinh, chỗ nấu nướng pha chế thực phẩm bày ngay tại cửa, sàn nhà lát gạch bông nhưng khăn trải bàn lem nhem vết xì dầu, chủ quán và bồi bàn đều có phong cách thân mật thoải mái như người trong gia đình.

Mời bạn lên lầu, trên ấy vào sáng chủ nhật có sinh hoạt của câu lạc bộ ca kịch tiếng Quảng. Ban nhạc ngồi cuối phòng trên một cái bục thấp không thể gọi là sân khấu, có cả nhạc cụ dân tộc cổ truyền và nhạc cụ Tây Phương hiện đại. Phòng đủ rộng để bày năm bảy cái bàn tròn mười hai người, trên bày đủ xì dầu, tương ớt, đũa muỗng, khăn giấy và tăm.

Thực khách có thể bước lên “sân khấu” hát vài bài nếu cao hứng. Bạn sẽ thấy sáng sớm điểm tâm bánh bao xíu mại mà nhiều người cao hứng lắm. Có khi người này hát rồi rủ người kia, có khi thấy người ta hát một mình, mình lên hát chung cho vui.

Trước “sân khấu” có một cái giàn nhỏ giắt nhiều cái kẹp giấy, để cho khán giả thưởng ca sĩ và nhạc công. Ai thích thì cứ móc túi mình cầm tiền lên kẹp vô đó. Người hát không lấy tiền này, mà tặng lại cho nhạc công, sung vào quỹ câu lạc bộ, hay làm từ thiện. Người hát, hay dở miễn bàn, cứ hát; người ăn cứ ăn, vừa ăn vừa nói vừa cười, không khí rôm rả nhất định giúp sự tiêu hóa tốt.

Lý Lan hình như rất thích đem những hình ảnh sống động của cuộc sống vào văn chương. Bằng trực giác của một người nữ, chị lặng lẽ quan sát những gánh hàng rong đang ngày ngày sinh hoạt mà chị gọi chung là những cái chợ hàng rong...

Gánh Hàng Rong

Có một cái chợ chưa từng có tên gọi, chưa từng có địa chỉ cụ thể, cũng chưa ai hình dung được vóc dáng nó ra sao. Tính chất nó giống như nước: không có hình dạng nhất định, cần thiết cho sinh hoạt thường ngày, và có ở mọi nơi có người Việt Nam sinh sống. Đó là cái chợ di động của những người buôn gánh bán bưng, những người bán hàng rong, những người phục vụ ở khâu cuối cùng trong hệ thống đưa hàng hóa đến người tiêu dùng.

Có bao nhiêu người trong đoàn quân bán lẻ này? Không ai biết chính xác, nhưng chắc là đông lắm: những chiếc xe đạp chở hoa và rau trên các ngã đường hà Nội, những chiếc xe đẩy tay chở trái cây và thực phẩm chế biến trên các ngã đường thành phố Hồ Chí Minh, những gánh hàng tạp hóa, hàng thủ công nghệ trên những nẻo đường quê.

Họ chèo những chiếc xuồng con vô tận hang động Tam Cốc để bán cho du khách chai nước khoáng và xấp khăn giấy; họ neo chiếc ghe con nơi ngã năm ngã bảy của hệ thống sông Cưu Long để bán ly cà phê hay tô hủ tíu cho khách thương hồ. Họ leo lên tuốt trên đỉnh núi Sam, núi Ngũ Hành, phục vụ khách hành hương nhang đèn; họ lang thang bên bờ biển đông để chào hàng những nhánh san hô, vỏ ốc; họ chen lấn ở các bến xe, bến phà đưa tận tay hành khách tờ báo, chai dầu gió; họ len lỏi vô sâu những con hẻm ngoằn ngoèo với gánh chè thưng bốc khói hay tấm vé số xổ chiều nay.

Họ tiếp thị bằng tiếng rao lanh lảnh hay giọng khàn khàn, bằng tiếng gõ cốc cốc đặc trưng của mì gõ, hay tiếng nhạc ông ổng của kẹo kéo, tiếng ồ ồ của chiếc loa cũ chạy điện bình, hay tiếng nói lặng lẽ của làn hương tỏa ra từ món cháo khuya. Họ rong ruổi khắp nơi từ khuya đến sáng, từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, từ chiều tối đến nửa đêm.

Dịch tác phẩm Harry Potter

Tuy là nhà văn nhưng được độc giả biết đến nhiều và nổi tiếng có lẽ do tài dịch thuật của chị một phần. Khi tác phẩm lừng danh nhất trong thời hiện đại là tiểu thuyết Harry Potter của J.K Rowling được xuất bản tập 1 thì Lý Lan là người dịch tác phẩm này ra tiếng Việt lần đầu trong nước. Khi được hỏi nguyên nhân nào dẫn đến quyết định dịch tác phẩm này ra tiếng Việt, chị kể lại:

“Cái lý do là tôi rất thích câu chuyện này, tôi muốn chia sẻ với những đứa học trò hay em cháu của mình, chúng không biết đọc tiếng Anh nên tốt nhất mình dịch sang tiếng Việt cho chúng đọc....”

Lý Lan không những có khả năng viết và dịch thuật mà một bất ngờ nữa khiến người đọc trong nước rất thích thú khi năm ngoái một thể loại văn chương khác của chị được lãnh giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam, đó là tập thơ Là Mình của chị do nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành vào năm 2005. Chúng tôi trân trọng mời quý thính giả đón theo dõi đề tài này vào tuần tới cũng trên chương trình Văn Học Nghệ Thuật của đài Á Châu Tự Do.

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ