Thứ Tư, 4 tháng 5, 2022

" trở thành một nhà phê bình văn học, Nguyễn Tà Cúc " / phỏng vấn bởi Lê Thị Huệ " / nguồn: www.gio-o. com> ( Mỹ )

 Trở Thành Một Nhà Phê Bình Văn Học

 

Nguyễn Tà Cúc

 

 

phỏng vấn bởi Lê Thị Huệ

 

 

kỳ 6 (cuối)

 

bấm vào đây đọc kỳ 1, kỳ 2, kỳ 3, kỳ 4, kỳ 5, kỳ 6

 

 

 


Nguyễn Tà Cúc, Thư ký Tòa soạn Khởi Hành
Ngày Kỷ niệm 20 Năm Khởi Hành, Nhật báo Người Việt, California

  



 

Nguyễn Tà Cúc là một cây viết nữ phiêu lưu vào phê bình văn học, gây khá nhiều đấu đá giữa chị và những tên tuổi lẫy lừng khác của văn chương Miền Nam và Văn Chương Hải Ngoại. Cuộc phỏng vấn là một cuộc đối thoại giữa hai người đàn bà tham gia sinh hoạt viết ở hải ngoại, như một cách mò mẫm tìm hiểu nhau, mà đôi khi độc giả có thể thấy ẩn bên dưới những câu chữ dao búa ấy, là một giao thông hào cố gắng đả thông hay tô màu những khác biệt bất khả kháng của một sinh hoạt viết vốn đầy cá tính. (lê thị huệ 18.02.2018)

 

 

Lê Thị Huệ: Chị có nghĩ là vì chị sống bằng nghề làm báo nên đã đẩy chị vào một lối viết phê bình “tấn công” như thế ?

 

Nguyễn Tà Cúc:  Tôi không sống về nghề làm báo ở cái nghĩa "tài chính" vì tôi không phụ trách chi thu của Khởi Hành hay tiếp tục viết bài cho các báo lấy nhuận bút như trong khoảng 1996-1998. Nhưng nếu nói "sống về nghề làm báo" ở cái nghĩa một nhà báo hoạt động theo đúng nghề nghiệp đòi hỏi thì chấp nhận được.

 

          Mới thoạt nghe hai chữ "tấn công", tôi hơi dội lại, nhưng nghĩ cho cùng cũng không đáng ngạc nhiên. Tại sao tôi lại có tiếng như thế dù, như đã nói, tôi đã học một bài học về lòng trắc ẩn từ khi phải chịu trách nhiệm về mạng chú tắc-kè kia?  Thật ra, tôi vẫn còn nương tay với hai anh em nhà họ Võ và, sau này, cả với "những ải những ai". Có lẽ chị hay độc giả có cảm tưởng đó là vì văn phong và cách sử dụng/dẫn chứng tài liệu cho thấy tôi sẽ không màng trở lại vấn đề đó lần thứ hai nếu không muốn. Văn phong đó cũng cho thấy tôi sẽ không dung thứ một sự cố tình im lặng: Họ đã cố tình "gieo tiếng dữ" cho tác gia khác hay cộng đồng này thì họ phải chịu trách nhiệm đương đầu với một phần tử của giới văn nghệ hay cộng đồng ấy, là tôi. Một sự "tấn công" như thế chỉ đồng nghĩa với một sự tự vệ chính đáng. Có điều, chị nhận xét khá đúng về một khía cạnh của ngành báo chí: Sự nhậy bén của người làm báo. Được tiếp xúc với độc giả và phải theo dõi thời sự chính trị văn học ngay khi những sự kiện ấy xẩy ra, người làm báo lúc nào cũng sẵn sàng "tấn công", à quên, sẵn sàng biểu tỏ thái độ một cách mãnh liệt. Như đã nói, tôi hướng theo trường phái Thibaudet nên các nghiên cứu, tuy đều cho thấy một sự nghiêm chỉnh và chặt chẽ-- kết quả của một sự huấn luyện trong môi trường đại học-- nhưng đồng thời không có nghĩa là không có sự bén nhậy và dấn thân của giới báo chí.

 

 

Lê Thị Huệ: Chị khai thác sự bất khả tín của các tác phẩm/tác giả trong các nghiên cứu của chị, điều này có cái giá trị của nó. Ở vị thế rất khiêm tốn từ thế giới viết lách của tôi, tôi đã thấy sừng sững trước mặt mình bao nhiêu chuyện gian xảo tào lao chả ra gì cả trong nền văn chương hải ngoại. Lấy một ví dụ mà tôi biết rất rõ về một người không có khả năng viết những tác phẩm ấy. Người này toa rập với những người đàn ông khác sửa sọt này nọ rồi tung ra những tác phẩm chuyên trị sex. Vấn đề "thuê" hay "dùng" người khác viết là chuyện chả có gì lạ dưới ánh mặt trời. Nhưng trong trường hợp này một người đàn bà viết sex lại để cho mấy tay đực rựa biến chế, khai thác, tấn công các đề tài sex và tôn giáo (cũng do một tay đàn ông ma nớp tôn giáo thọc vào). Trình độ của người này tôi hiểu rất rõ là không đủ khả năng nhận thức và lượng định các vấn đề tuy đời thường nhưng rất gai góc và vĩ đại nói trên. Nên khi thấy tác phẩm được các tay đàn ông giỏi giang làm anh hùng núp viết giúp thì mừng bạt vía. Cứ thế mà vô tư mua danh. Các tác phẩm này viết sex do đàn ông đốc vốn nên phục vụ men dâm đàn ông, không tôn trọng tri thức người nữ, xem thân xác phụ nữ là hàng dâm chơi (sex toy). Tuy đứng tên đàn bà, nhưng do đàn ông toa rập viết loại sex phục vụ đàn ông, nên đàn ông đọc thì thấy khoái thấy đã. Thế là nổi lên sự rùm beng từ trong nước ra đến ngoài nước, (cũng là cả đống đàn ông nhảy vào) kêu đây là loại đàn bà tân thời giải phóng tình dục phụ nữ cái con mẹ gì đấy. Tác giả vì dốt nên khi nghe bọn đàn ông bơm bóng, “Phóng lao thì phải theo lao”, thế là cứ gồng mình lên liên tiếp viết sex cung ứng cho đàn ông đọc. Điều quan trọng tôi nói ra đây là, trong đánh giá của tôi, một người đàn bà biết quý trọng và tôn vinh thân xác phái nữ, có ý thức và trình độ tri thức sâu sắc nào đó về giá trị thân xác của phái nữ lâu nay vốn bị nô-lệ-tổn-thương, bị giết-tiếng-nói bởi loài thú ham hố hưởng lạc đã hãm hiếp thân xác người nữ từ giới cai trị thế giới là đàn ông; thì họ không bao giờ  xuất viết loại tác phẩm dùng sex để phục vụ và mua vui cho cái taste của nam giới như cũ. Cá nhân tôi, từng ký bút hiệu, viết một article ngắn năm vừa chớm 20 tuổi, trình bày tại sao tôi nghĩ các món sex thơ của Hồ Xuân Hương là do một người nam, một ông đồ nho viết, chứ không thể do đàn bà viết. Tôi dùng ngay lý thuyết Psychoanalysis của Freud để lập luận.  Và tôi cũng đục luôn Freud với cái móng Psychoanalysis "Đực Rựa" của ông là xem mọi chuyện trên đời bắt nguồn từ sex.  Tôi vẫn nghĩ đàn bà con gái với tâm sinh lý bén nhạy và thể cách được sinh ra như chúng tôi, không xử sex theo lối đàn ông xử. Dĩ nhiên là khi đề xướng những cái tựa khủng như: Thơ Hồ Xuân Hương Được Viết Bởi Một Người Đàn Ông, hoặc Nhiều Khúc Bạo Dâm Trong Những Tác Phẩm Bạo Dâm Của Đỗ Hoàng Diệu Của Lê Thị Thấm Vân Của Lynh Barcadi (và có thể còn dăm ba cô bà khác nữa) Được Viết Bởi Trần Vũ, thì đương nhiên tôi phải dẫn giải chứng minh, lý luận rành mạch, đưa hỗ trợ.   Tiếc đấy không phải là các loại hạng viết ưu tiên đối với tôi nên tôi đã không làm. Những hiện tượng nghiên cứu lội ngược dòng đám đông kiểu này đòi hỏi tinh mắt, đủ khả năng và trình độ lý luận, dám thách thức các lối mòn của đám đông, viết theo tinh thần và phương pháp khoa học của một nhà nghiên cứu chuyên môn, mới nhìn ra được vấn đề để lượng giá và thuyết phục các hiện tượng giả trá ở các tác phẩm. Thành ra cái cách chị dám xé lẻ "tấn công" vào những vấn đề gây đụng chạm, cũng đáng được khích lệ. Chị có cảm thấy mình nhận được những khích lệ đáng ghi nhận không ?

 

Nguyễn Tà Cúc:  Đúng là tôi "xé lẻ" thật đấy nhỉ?! Đúng là "đường đời thẳng thế cứ đi ngang"(Hà Huyền Chi) đấy nhỉ?!  Mai kia, có ai hỏi, tôi sẽ xin phép được thêm nhận xét của chị bên cạnh Mặc Đỗ, Thanh Lãng, Lô-răng Phan Lạc Phúc vv.  Tôi được "khích lệ" quá đi chứ! Hồi đó, hầu như tất cả quần hùng quần tà đều tham dự giúp tôi. Có những người không ưa gì tôi (và cả Viên Linh) nhưng cũng có phản ứng. Độc giả Khởi Hành "khích lệ" bằng cách tiếp tục mua báo. Thân chủ quảng cáo cũng không nao núng gì. Nhiều chị em viết thư cho tôi, tỏ sự bất bình và mong tôi vững vàng. Trong giang hồ ấy mà, thường thì nhật báo đấu với nhật báo, tuần báo đấu với tuần báo. Như đã nói, tôi không đưa Khởi Hành và Viên Linh vào, tôi cũng can Đỗ Tiến Đức đứng ngoài cùng tuần báo Thời Luận, hầu báo hiệu cho quần hùng quần tà biết đây là một cuộc tỷ thí giữa một nữ phê bình gia và 2 anh đàn ông nhà văn rồi để cho giới nhà văn Miền Nam và công luận xét đoán. Công luận không bao giờ chấp nhận những chuyện "gian xảo tào lao" như đã thấy.

 

          Trong cuộc phỏng vấn này, như đã nói, tôi sẽ chỉ nhắc đến thái độ của giới nhà văn (Miền Nam) tại hải ngoại. Qua việc này, tôi nhận ra một điều nữa. Tuy họ không lên tiếng chính thức nhưng không phải là họ không bất bình, thậm chí, phẫn nộ. Tôi thật sự bất ngờ, rồi rất vui mừng, khi khám phá được họ đã hành xử thế nào suốt thời gian mà ngưởi đọc và cả tôi nữa, có cảm tưởng rằng họ đã không can dự. Họ cho tôi một sự "khích lệ" đúng nghĩa khi cho tôi thêm tin tưởng vào tinh thần chính trực của Văn Học Miền Nam, lãnh vực tôi nghiên cứu. Lấy thí dụ Nguyễn Xuân Hoàng. Nhà văn này đã qua đời, tôi có thể e "khẩu chứng vô bằng" mà không bàn đến, nhưng ông xứng đáng được nói tới trong cuộc can qua này. Tôi đã chỉ trích Nguyễn Xuân Hoàng trước đó, nhưng khi Võ Phiến ngỏ ý muốn có một bài "đàm thoại"  về bộ Văn học Miền Nam, Nguyễn Xuân Hoàng từ chối.

 

          Ông kể lại cho tôi nghe, nhiều năm sau, rằng ông không thể chấp nhận lối vận động phi văn nghệ sau lưng độc giả khi một loạt bài khác đã chứng tỏ cuộc vận động này khởi đi hết sức tồi tệ. Từng là Thư ký Tòa soạn tạp chí Văn trước 1975 và Chủ nhiệm & chủ bút sau 1975 (được Mai Thảo giao cho), ông phải hành xử cho khỏi làm xấu hổ lây đến nền văn học đó. Ông nhắc cho Võ Phiến nhớ rằng một người đã từng ở vào vị trí như ông (NXH)  thì phải đối xử với một nhà phê bình (như tôi) và một Thư ký Tòa soạn/Chủ nhiệm& Chủ bút (như Viên Linh) cho xứng đáng với vị trí của họ. Ông lại càng không thể tự hạ mình xuống thành một thứ võ khí của ai. Đó là một quyết định rất khó khăn cho Nguyễn Xuân Hoàng khi ông từng coi trọng Võ Phiến đến nỗi viết một bài có tên "Võ Phiến, ông anh-Võ Phiến, người thầy" góp vào Số đặc biệt Nhà văn Võ Phiến, Thế Kỷ 21. Độc giả và chị có thể nghĩ rằng tôi bịa đặt về đề nghị của Võ Phiến với Nguyễn Xuân Hoàng, nhưng trong quá khứ, họ từng có một cuộc đàm thoại mà Võ Phiến nắm phần dàn dựng và chủ động. Không tin à?! Lần này, người chứng là một người rất khả kính của Thế Kỷ 21: Phạm Xuân Đài.

 

          Phạm Xuân Đài không phải là nhà báo chuyên nghiệp, nhưng thiện ý của ông thì không bao giờ có thể nghi ngờ được. Tạp chí Thế Kỷ 21 nguyên là do Lê Đình Điểu và Nguyễn Xuân Hoàng--cùng Quản trị Phan Mỹ Sương, một cựu nữ sinh Áo tím--dựng  một nền tảng vững chắc với sự hỗ trợ tài chánh đầu tiên của Đỗ Ngọc Yến cùng Nhật báo Người Việt. Bên cạnh nhà báo Đỗ Ngọc Yến, phải kể tới nhà thơ Đỗ Quý Toàn, người đã xác nhận với tôi trong 1 lá thư rằng ông đã đề nghị và góp ý nhắm thành lập Thế Kỷ 21. Nguyễn Xuân Hoàng chính là người được Đỗ Ngọc Yến cử sang Pháp, vận động lấy bài trong những ngày đầu tiên vì Lê Đình Điểu không phải là người trong giới văn nghệ báo chí Sài gòn. Điều này do Đỗ Ngọc Yến thuật lại và Nguyễn Xuân Hoàng xác nhận với tôi. Tôi quen ông Yến khoảng 20 tuổi, do Đinh Quang Anh Thái giới thiệu phụ trách phần Báo Chí của "Chương Trình Liên lạc Sinh viên và Kiều bào hải ngoại". Nói tới đây thì tôi phải mở ngoặc, rằng nếu có đùa mà đặt câu hỏi  "Ai -khám- phá -Nguyễn Tà Cúc về khả năng can qua?" và "khả năng thơ"  thì phải trả lời cũng đùa: Đinh Quang Anh Thái, Lê Xuân Phước và Dương Thanh Liêm (2 anh này thuộc nhà thờ Tin Lành Nguyễn Tri Phương).  Nhà báo Đinh Quang Anh Thái  đã đưa tôi vào phần vụ Báo Chí, hầu như đại diện cho Sinh viên Quốc nội trong chương trình 1973, thay vì rất nhiều chị xuất thân từ trường Trưng Vương rất tài năng, rất yêu kiều và rất hoạt bát hơn. Sở dĩ Đinh Quang Anh Thái đề nghị tôi giữ phần vụ (tình nguyện) này vì có lẽ biết tôi sẽ phải "đối thoại" với nhiều sinh viên hay trí thức Việt Nam Khuynh Tả về thăm Miền Nam. Tôi ở trong chương trình này 1 năm.

 

          Còn Luật sư Lê Xuân Phước (1954-2015, một nhà tranh đấu cho nhân quyền thuộc nhóm thân hữu của ban chủ trương Diễn đàn trên Mạng DCVOnline ) và Dương Thanh Liêm đã đăng bài thơ Chào những người yêu còn ở lại Sài gòn từ cuối thập niên 1970, trên một nội san Tin Lành tại Hoa Kỳ. Dương Thanh Liêm vẫn định cư tại Nam California và là nhiếp ảnh gia tình nguyện của Khởi Hành. Nhiều hình ảnh về tôi, Viên Linh và sinh hoạt của Khởi Hành hiện lưu hành trên Internet chính là do Liêm chụp.  Sau này, Việt Zdũng sẽ phổ nhạc bài thơ đó sau khi tình cờ đọc được trên một nội san của Hội Ái Hữu Học sinh Gia Long tại Hoa Kỳ do các chị Cựu Áo Tím thực hiện . Tôi đã không giữ được tape nhạc Việt Dzũng tặng, cho tới khi anh Nguyễn Trường Trung Huy (Huy Vespa) gửi sang cho tôi nghe lại trên https://www.youtube.com/watch?v=aO15TbJeKxU. (Website nảy không trưng tên tôi là tác giả. Việt Zdũng sử dụng nguyên bản thơ của tôi tuy có đổi đi một vài chữ.) 

 

          Tôi sẽ nói về Đỗ Ngọc Yến sau, một người mà cho tới nay, với cả một cuốn sách cùng bao nhiêu tác giả, vẫn chưa ai "giải mã" được. Một số ước vọng của ông nằm ngoài sự hiểu biết của thân hữu. Ông là một con "cáo già" trong cách đối xử với anh em và mỗi người chỉ nhìn thấy phần ông muốn họ nhìn thấy. Nhưng nói tới Thế Kỷ 21 mà không nhắc tới công lao sáng lập rồi điều khiển cùng ảnh hưởng mạnh mẽ cộng với  khuynh hướng báo chí của ông khi còn sống thì rất không công bằng.

 

          Từ đó, Phạm Xuân Đài đóng góp vào một công việc đã được xây dựng chung của Đỗ Ngọc Yến, Lê Đình Điểu, Nguyễn Xuân Hoàng, Đỗ Quý Toàn và nhóm chủ trương Thế Kỷ 21. Bởi thế, là người "ở trỏng", ông đã vô tình cống hiến một bí mật mà Võ Phiến tưởng rằng sẽ không bao giờ bị bại lộ. Đó là việc Võ Phiến "thêm thắt ý tình, tạo ra những câu trao đổi thật là duyên dáng và dí dỏm" giữa ông và Nguyễn Xuân Hoàng trong một loạt bài, sau in thành sách. Phạm Xuân Đài bộc bạch như sau:

 

          "[...] Tôi hỏi tiếp: 'Năm 1993, từ tháng Tư cho đến tháng 12, tạp chí Thế Kỷ 21 có đăng một loạt bài chín kỳ có tên gọi là 'Một hoàn cảnh mới cho sáng tác văn nghệ', ký tên hai người: Võ Phiến và Nguyễn Xuân Hoàng. Các bài đều dưới hình thức đàm thoại. Vậy cách thức hình thành của loạt bài này như thế nào?' Sở dĩ tôi đặt câu hỏi này là vì gần đây tôi tìm những bài cũ có giá trị của Thế Kỷ 21 để đăng lại trên báo mạng Diễn Đàn Thế Kỷ, và đã đăng gần trọn loạt bài này. Hai nhà văn này đã nhìn ra lắm cái hoàn cảnh mới cho sáng tác văn nghệ [...] Câu chuyện đối thoại nào cũng hấp dẫn, cũng thấu tình đạt lý. Và một hôm tôi bỗng nhận ra điều này: dù là dưới dạng đàm thoại, văn phong tất cả các bài này là của Võ Phiến, vậy cuộc chuyện trò đã diễn ra như thế nào giữa hai nhà văn? Tôi định đến thăm nhà văn Võ Phiến để hỏi vấn đề này, nhưng sực nhớ ra từ mấy năm nay trí nhớ của nhà văn lão thành này đã lãng đãng lắm, chắc là khó có được câu trả lời chính xác. [...] May quá, Hoàng đã trả lời một cách rõ ràng.

 

'Hồi đó ông Võ Phiến và tôi có trao đổi với nhau về tình hình văn nghệ, tình hình viết lách. Và nhận ra mình đang ở trong một thời đại có quá nhiều đổi thay. Chúng tôi quyết định sẽ quan sát về các đổi thay ấy, trao đổi cùng nhau, rồi ông Võ Phiến sẽ là người chấp bút viết lại các trao đổi của chúng tôi. Trong thực tế, chúng tôi không có mấy dịp chuyện trò trực tiếp, mà tôi viết xuống các ý tưởng hay quan sát của tôi về một vấn đề nào đấy rồi gửi cho ông Võ Phiến, từ đó ông nghiên cứu thêm và viết nên một bài đàm thoại."

Tôi nói: 'Đó là những bài đọc rất thú vị, chắc hẳn nhà văn Võ Phiến đã thêm thắt ý tình, tạo ra những câu trao đổi thật là duyên dáng và dí dỏm giữa hai người...' 'Đó là cái tài của ông ấy,' Hoàng cười nói...." [Phạm Phú Minh - Ði thăm Nguyễn Xuân Hoàng, Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013-


 http://www.diendantheky.net/2013/08/pham-phu-minh-i-tham-nguyen-xuan-hoang.html]

         

          Đoạn này hoàn toàn bầy tỏ sự...bịa của Võ Phiến dù là "duyên dáng và dí dỏm" tới đâu. Cứ tưởng tượng Nguyễn Xuân Hoàng bằng lòng với đề nghị của Võ Phiến, chịu cho có một cuộc đàm thoại ngư tiều vấn đáp về loạt bài của tôi thì không hiểu còn duyên dáng và dí dỏm kiểu "V. bà Triệu Ẩu dài mấy thước" và "Cứ 'Ấy' vào mồm nó cho nó gẫy hết răng" tới đâu?!!! Hồi đó, tôi có trêu Nguyễn Xuân Hoàng "Ơ kìa, sao anh không nhận lời? Đằng nào cũng là ông anh, người thầy của anh cơ mà!" Anh cười:

 

          - "Thôi đi cô ơi. Tôi còn lạ gì cô nữa. Tôi không sợ ông anh người thầy bằng sợ bà La Sát với hàng tấn tài liệu. Thật ra thì nếu anh Võ Phiến tìm đến tôi trước khi anh Điều viết loạt đó, tôi cũng chẳng sợ cô đến nỗi mà không làm. Nhưng anh ấy đặt tôi vào tình thế khó xử quá. Khởi Hành không xuất hiện. Trong khi đó, tôi, anh Võ Phiến và anh Điều lại dùng Văn và báo chợ thì khó coi lắm. Chúng tôi lại lớn tuổi hơn cô. Việc gì mà 3 ông anh phải đến nỗi? Thế là tự nhận thua rồi. Nhất là lại kéo Viên Linh vào. Không chấp nhận được. Muốn phê bình Viên Linh thì cũng được nhưng phải cao tay lắm. Cái bài Chí Mén không ai dám đăng, trừ Viên Linh. Tôi còn nhớ hồi đó khi dúi vào tay Viên Linh ở một quán cóc trước tòa soạn, hối hả vì đến giờ đi, Viên Linh đọc ngay và cười ha hả: 'Anh nói tới X,Y, Z...chứ gì. Chúng nó sẽ không đập anh mà đập tôi. Không ai dám đăng à? Không sao, tôi sẽ đăng.'  Bài thơ của Tô Thùy Yên, cũng không ai dám đăng, trừ Viên Linh. Thơ Nguyễn Bắc Sơn, Viên Linh dám cho ra bìa tờ báo quân đội Khởi Hành. Viên Linh còn đăng bài "Mặc cảm Ka-ki" của Mặc Đỗ cũng trên Khởi Hành."

 

          Đó là một trong những chuyện thâm cung bí sử đã khiến tôi thêm tinh thần làm việc. Ngoài Nguyễn Xuân Hoàng, tôi sẽ trích ra một đoạn thơ của Mặc Đỗ vào năm 2005. Tôi không dẫn ra đây để khoe. Nhưng tôi nghĩ cần tới lúc biểu tỏ cho giới văn nghệ trong và ngoài nước (nhất là những kẻ vẫn dè bỉu các tác giả của Văn học Miền Nam) biết rõ hơn về tình hình sinh hoạt của họ ngoài này:

 

[...] Chữ nghĩa lưu vong lạc hướng rồi

Bút tham tự tại vói cao ngồi

Bàn tay La Sát phanh tâm địa

Hèn mọn hè nhau vác bút bôi ...

 

(Mặc Đỗ, Bài thơ số ba, 11 tháng 10. 2005)

 

          Đúng thế, chúng ta đã có phản ứng, như Nguyễn Xuân Hoàng, như Mặc Đỗ. Hay ngay đây, như chị, chị nói về một thứ "thâm cung bí sử"  mà chỉ có người trong cuộc mới biết về hiện tượng một thời giăng ngang trong nước và hải ngoại, của một loạt tác phẩm rất "sex" nhưng không "sexy", rất trần trụi nhưng không cảm xúc. Tôi viết dài giòng về một kinh nghiệm của tôi để cho thấy, so với kinh nghiệm của chị, khi "sừng sững trước mặt những chuyện gian xảo tào lao", những người cầm bút như tôi và chị không có cách nào khác là làm được chút nào hay chút đó để bạch hóa mà cũng để cho thấy ngành phê bình tại hải ngoại quả vẫn có những người làm việc trong thầm lặng nhưng hữu hiệu. Chị cũng là  một thí dụ của sự hữu hiệu đó. Cuộc phỏng vấn này là một chứng cớ. Chưa chắc có ai hỏi và cho tôi trả lời như thế.

 

          Tôi, như chị, đã thấy quá nhiều chuyện "gian xảo tào lao" từ những tác giả mà mình không ngờ nhất, cả từ tác giả ngoại quốc tới tác giả nhà ta.  Tôi rất kinh ngạc ở chỗ tự tin của họ: Họ không nghĩ rằng có một ngày nào đó, tôi sẽ công bố sự nghiên cứu của tôi hay sao?  Nhưng kinh nhất vẫn là cái thói viết hộ. Nếu đàn bà viết về tình dục mà nhờ đàn ông viết hộ thì càng hỏng quá. Phần tôi, tôi vẫn luôn nghĩ rằng đàn bà viết văn cần phải tự bảo vệ để khỏi bị lợi dụng từ thân xác đến linh hồn, khiến chị suýt nữa phải ...chửi thề "cái con mẹ gì đó". Tôi nghĩ rằng nữ quyền không biểu lộ bằng "tự do tình dục", nhất là phụ nữ viết văn, cách dở nhất để chứng minh một nhà văn cấp tiến. Sự đó đáng gì? Sáng tác tuy có thể không cần học hỏi nhưng cũng không thể bỗng nhiên tự phát. Không có thiên tài đâu, tôi tin như thế. Trong văn chương, dù là thiên tài, vẫn phải có một chỗ khởi nghiệp. Ngoài ra, còn kinh nghiệm sống. Không có thì không thể viết được. "Viết" mà có "Hành" được không đấy? Có dám sống như thế hay chỉ nhờ người khác tưởng tượng hộ thôi?

 

          Tôi còn nhớ Virginia Woolf  đã phát biểu rất rõ về trách nhiệm của phụ nữ cầm bút ngay từ năm 1931. Bà đã bầy tỏ như sau khi được "The National Society for Women’s Servic", Anh quốc mời phát biểu vào ngày 21 tháng giêng. Đoạn trích dẫn sau đây từ bài phát biều "Professions for Women” của Virginia Woolf:

 

          -"Bạn đã giành được căn phòng của riêng bạn trong một ngôi nhà mà, cho đến giờ đây, vẫn được làm chủ bằng độc quyền của nam giới [...] Nhưng sự tự do này chỉ mới  khởi đầu-căn phòng của riêng bạn, nó vẫn còn trống trải. Nó phải được trang bị bằng đồ đạc; nó phải được trang trí; nó phải được chia sẻ. Bạn sẽ trang bị bằng thứ đồ đạc, sẽ trang trí bằng cách nào? Bạn sẽ chia sẻ căn phòng này với những ai và theo điều kiện gì? Đấy, tôi nghĩ những câu hỏi này vô cùng quan trọng và cần chú tâm. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử bạn có thể hỏi những câu hỏi ấy; đây cũng là lần đầu tiên bạn có thể quyết định cho mình những câu phải trả lời.../ You have won rooms of your own in the house hitherto exclusively owned by men. [...] But this freedom is only a beginning--the room is your own, but it is still bare. It has to be furnished; it has to be decorated; it has to be shared. How are you going to furnish it, how are you going to decorate it? With whom are you going to share it, and upon what terms? These, I think are questions of the utmost importance and interest. For the first time in history you are able to ask them; for the first time you are able to decide for yourselves what the answers should be..." [Virginia Woolf, "Professions for Women", đăng lại trong Essays in Context, Biên tập: Sandra Fehl Tropp & Ann Pierson D'Angelo, Nhà xuất bản Oxford University Press, 2001]

 

          Vâng, chúng ta đã tranh đấu được một căn phòng của chúng ta nhưng đồ đạc trong đó do chúng ta tậu lấy, do chúng ta trang hoàng và chúng ta ...rước ai về ở chung hay chúng ta chỉ tốn tiền xây dựng một căn phòng trống để tặng không cho  đàn ông "tu hú đẻ nhờ" hầu họ có thêm một chỗ tung hoành, có thêm một chỗ bầy hàng nhân danh chính chúng ta?!

 

          Tôi tin rằng nếu một số nhà văn nữ ta hay tây chịu học hỏi một chút thì sẽ hiểu rằng cuộc đời một nhà văn không chỉ đại diện bằng những mặt nổi rất tầm thường mà là một tiến trình cực nhọc, có khi đau thương. Tôi muốn bầy tỏ rõ hơn rằng, không ai cấm chúng ta phụ nữ làm đẹp nhưng sự làm đẹp, và cả ý muốn phơi phóng ấy, nếu có, phải từ và cho chúng ta trước hơn hết thảy. Nhưng rồi, không hiểu chị có cảm tưởng như tôi không: Độc giả và văn hữu sẽ nhận ra những đồng bạc giả. Có ồn ào một thời gian, có tung hứng cẩn thận nhưng không thể ồn ào tung hứng mãi -- cũng phải ...già, phải mệt mỏi đi chứ, đâu có tụ họp được mà báo thì đóng cửa vì thiếu độc giả, "văn đàn" thì có hạn, sách thì ế dài-- nên cuối cùng vẫn là một sự chìm đắm khi văn sử chính thức bước vào cuộc đánh giá khắc nghiệt của nó.

 

 

Lê Thị Huệ : Nếu hỏi chị đã cống hiến những gì để làm cho ngành phê bình văn học Việt Nam khá hơn, thì chị sẽ trả lời  như thế nào ?

 

Nguyễn Tà Cúc:  Trước hết, tôi đã cống hiến được cho ngành phê bình văn học Việt Nam một thái độ. Thái độ ấy bầy tỏ phản ứng phải có trước những sai lầm cố tình khi một tác gia muốn viết lại văn học sử, dù nhân danh chủ nghĩa hay chính nghĩa  nào. Tệ hơn nữa, họ còn coi thường phụ nữ đến nỗi dám công khai hóa lối viết lách ấy. Tôi nói không ngoa đâu: Nếu họ phỉ báng một nữ tác gia khác, chắc chắn tôi cũng sẽ phản ứng như đã xẩy ra cho tôi. Thái độ ấy càng cần thiết hơn khi chúng ta không còn nhiều thời giờ. Thế hệ nhà văn thứ nhất đã lắm người  không còn; rồi ra thế hệ của chị và tôi, một thế hệ tương đối có khả năng và kinh nghiệm trực tiếp về Văn học Miền Nam, cũng sẽ theo gót họ. Đã đành việc phổ biến nghiên cứu bằng một ngoại ngữ, nhất là Anh ngữ, rất là cần thiết để lịch sử không bị sai lạc quá nhiều; nhưng tình trạng thất thoát tài liệu và người phê bình cũng có giá trị như 1 nhân chứng là 2 lý do khiến các tác phẩm bằng Việt ngữ trở nên quan trọng một cách cấp bách hơn.

          Ngoài ra, tuy không tin đã làm được công trạng gì kinh thiên động địa đáng làm phiền độc giả ghé mắt, nhưng tôi rất hài lòng với những nghiên cứu điển hình sau đây:

 


- bích chương trong buổi ra mắt sách Văn Học Miền Nam: Nhóm * Tạp chí văn học * Tác giả

 

          - Sự  đóng góp của Hội Thánh trong lịch sử in ấn và báo chí Việt Nam/ Về Phan Khôi và sự hợp tác với Hội Thánh Tin Lành Đông Pháp  trong vấn đề phiên dịch Kinh thánh Tin Lành sang Việt ngữ.

          Như đã nói, tôi dành mọi nỗ lực cho Văn học Miền Nam và vài tác gia đã chọn nên không chủ tâm nghiên cứu về Phan Khôi. Tôi chỉ chú ý nhiều tới Khái Hưng và Nhượng Tống trong quãng này, nhưng nếu xác  định được Phan Khôi đã đóng góp thế nào vào một bản Kinh Thánh Việt ngữ rất thơ do Hội Thánh Tin Lành Đông Pháp đảm nhận trực tiếp, là một vấn đề có thể cần thiết cho những ai muốn nghiên cứu đặc biệt về ông. Sự nghiên cứu ấy đã được hỗ trợ bằng những bài sưu tập trên báo do Thanh Lãng, trước 1975 và đầy đủ hơn, do Lại Nguyên Ân, sau 1975; nhưng tôi nghĩ vẫn còn vài góc tối chính trị hay văn học cần được mở ra với nhiều nghiên cứu khác nếu có người tham dự.

          -Về Mặc Đỗ

Cho tới nay, tôi là người duy nhất có thể viết về Mặc Đỗ cùng nhóm Quan Điểm một cách chính xác và đầy đủ nhất. Thảo luận về Văn học Miền Nam không thể tránh khỏi đề cập đến Mặc Đỗ cùng nhóm Quan Điểm

          -Về Võ Phiến

San định những sai lầm của Võ Phiến trong bộ sách về Văn học Miền Nam. Xác định vị trí của Võ Phiến (và những người thuộc gia đình văn nghệ của ông) trong nền văn học này.

          -Về tạp chí Bách Khoa và Sáng Tạo

Bạch hóa về nhân sự cùng tổ chức của tạp chí Bách Khoa với sự tham dự của chủ nhiệm sáng lập Huỳnh Văn Lang và giáo sư Nguyễn Văn Trung. Dẫn giải về hoàn cảnh ra đời của Sáng Tạo với sự xác nhận của họa sĩ Duy Thanh.

          -Về Trung Tâm Văn bút Việt Nam, trước 1975 và Ủy ban Văn nghệ sĩ-Bị Cầm tù, Văn bút Việt Nam Lưu vong, sau 1975

          Nếu nói về nhu cầu văn học sử, TT Văn Bút Việt Nam là một thí dụ toàn hảo. Tuy không có nhiều tác gia danh tiếng tham dự, đây là một tổ chức đại diện cho nhà văn Miền Nam ở cái nghĩa được cấp ngân khoản và phó hội tại ngoại quốc. Từ một hội mà những người chủ tịch trong giai đoạn đầu chủ trương chống Cộng sản rõ ràng, nó đã bị cán bộ Cộng sản xâm nhập vào thời gian cuối. Khi Chủ tịch Linh mục Thanh Lãng quyết định ở lại, không di tản Trung TâmVBVN, ông cũng đã ký án tử cho tổ chức này. Tổng Thư ký sáng lập Hiếu Chân Nguyễn Hoạt qua đời trong trại giam. Cựu Chủ tịch Vũ Hoàng  Chương và cựu Phó Chủ tịch Hồ Hữu Tường được thả để chờ chết. Nhiều văn nghệ sĩ Miền Nam vào tù. Ủy ban Văn nghệ sĩ-Bị Cầm tù ra đời tại Hải ngoại, ghi lại một trang sử khác với một lớp hội viên khác, hoàn toàn chống người Cộng sản. Trang sử Hải ngoại không thể thiếu một đoạn về sự sáng lập (với Nguyên Sa và Trần Tam Tiệp) và hoạt động của một Ủy ban tự biết rất rõ sứ mạng của nó.

          - Cùng Viên Linh, được trao cho xuất bản Đoàn Kết! , tác phẩm cuối cùng của Khái Hưng, từ một bộ sưu tập trong nước. Tác phẩm này đã đăng trọn trên Khởi Hành số 225-226, Tháng 10-tháng 11.2015

          -Phê bình một số nghiên cứu liên quan đến dự án văn học về người Việt tỵ nạn như dự án của The William Joiner Institute for the Study of War and Social Consequences , thuộc đại học University of Massachusetts, Boston.

          -Dùng phương pháp văn bản và văn học sử, xét lại những vấn đề còn chưa sáng tỏ và/ hay nhầm lẫn trong vài  tác phẩm nghiên cứu về Văn học Miền Nam của các tác giả ngoại quốc như Olga Dror/dịch giả với  Mourning headband for Hue và John C. Schafer với Vo Phien and the Sadness of Exile.-

 

           

Hết./.

 

http://www.gio-o.com/NguyenTaCuc.html

 

 

© gio-o.com 2018



=================

 

 

 

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ