' văn nhân, thi sĩ, nhạc sĩ NGUYỄN ĐÌNH TOÀN [ 1936- / Mỹ ] Ra Mắt Sách THƠ & CA TỪ Tại Quân Cam "/ Phan Tấn Hải / Mỹ ] -- nguồn : webblog T.VẤN & Bạn Hữu ( Mỹ )
Phan Tấn Hải: Nguyễn Đình Toàn ra mắt sách “Thơ & Ca Từ” tại Quận Cam
Buổi ra mắt tác phẩm “Thơ & Ca Từ”của nhà văn, nhà thơ, người viết nhạc Nguyễn Đình Toàn đã thực hiện chiều Thứ Bảy 23/4/2022 tại nhà sách Tự Lực ở Garden Grove, Quận Cam, trong tình văn nghệ đầm ấm, thân mật.
Từ trái: MC Đinh Quang Anh Thái, nữ tài tử Kiều Chinh, tác giả Nguyễn Đình Toàn, nhà văn Doãn Quốc Sỹ.
Buổi ra mắt sách của tác giả Nguyễn Đình Toàn có sự tham dự của nhiều văn nghệ sĩ của một Miền Nam VN trước 1975, trong đó vị cao niên nhất là nhà văn Doãn Quốc Sỹ, người chỉ vài tháng nữa là tròn 100 tuổi. Cả hai nhà văn là bạn văn từ những năm trước 1975. Con trai của nhà văn Doãn Quốc Sỹ là nhà báo Doãn Hưng đã đưa cụ Doãn tới dự buổi ra mắt sách, và gợi ý để mời nhà văn Doãn Quốc Sỹ đọc bài thơ nhiều thập niên trước đã sáng tác chung với tác giả Nguyễn Đình Toàn.
Tham dự buổi ra mắt sách còn có nhiều người thế hệ trẻ, trong đó có lẽ trẻ nhất là Jimmy Nhựt Hà, một MC nổi tiếng trong giới hoạt động âm nhạc. Khi được mời phát biểu đã nói rằng anh ưa thích âm nhạc nên quan tâm nhất về tác giả Nguyễn Đình Toàn là các ca khúc mà Jimmy Nhựt Hà gọi là sâu lắng và phong phú — trong đó, anh thích nhất là ca khúc “Quê Hương Thu Nhỏ.” Độc giả có thể nghe Khánh Ly trình diễn ca khúc “Quê Hương Thu Nhỏ” trên YouTube. Riêng phần ca từ của ca khúc này, được đầy đủ ghi lại trong tác phẩm “Thơ & Ca Từ Nguyễn Đình Toàn” nơi các trang 170-173.
Người giữ nhiệm vụ MC trong buổi ra mắt sách là Đinh Quang Anh Thái, người có khả năng làm sôi nổi các sinh hoạt văn nghệ. Cũng chính Đinh Quang Anh Thái đã dìu nhà văn Nguyễn Đình Toàn vào nhà sách Tự Lực: sức khỏe tác giả họ Nguyễn đã yếu, vì năm nay là 86 tuổi, và khi xuống xe đã được 2 người dìu hai bên vào nơi ra mắt sách, cũng là nơi gặp nhiều bạn cũ hôm Thứ Bảy.
Điều ghi nhận rằng nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã có một phần lãng trí, nhưng khi được nhà báo Doãn Hưng nhắc về bài thơ làm chung với Nguyễn Đình Toàn và được nhắc câu đầu, thế là nhà văn trăm tuổi này đã đọc luôn 10 câu thơ lục bát. Nguyên ủy bài thơ này là khoảng năm 1984, khi hai nhà văn Nguyễn Đình Toàn và Doãn Quốc Sỹ nghe tin nhau là đã ra tù cải tạo nên đi xe đạp thăm nhau. Nguyễn Đình Toàn ở Làng Báo Chí Thủ Đức, trong khi Doãn Quốc Sỹ trong nội đô Sài Gòn. Thế rồi, hai nhà văn gặp nhau ngay giữa Cầu Thủ Thiêm, thế là cùng đứng lại thở cho đỡ mệt và rồi hàn huyên. Nhà văn Nguyễn Đình Toàn làm 4 câu thơ đầu, và rồi một thời gian sau nhà văn Doãn Quốc Sỹ nhớ rằng hồi 1980 cụ Doãn cũng có 6 câu thơ lục bát cùng chủ đề bạn văn chia ly. Nên cụ Doãn ráp lại thành bài thơ làm chung để kỷ niệm.
Hình trái: Sau lưng nhà văn Doãn Quốc Sỹ là nhà báo Trịnh Thanh Thủy, ngồi bên cụ Doãn là chị Kim Ngân (Giám đốc Viện Việt Học). Hình phải: nữ tài từ Kiều Chinh và ca sĩ Thu Vàng.
Bài thơ ghi lại sau đây, trong đó 4 câu đầu là của Nguyễn Đình Toàn và 6 câu sau là của Doãn Quốc Sỹ — và trong buổi ra mắt sách, cụ Doãn đọc lại đầy đủ với giọng rõ ràng, không sai một chữ:
Lúa Thủ Thiêm ngọn chìm ngọn nổi
Gió xa lộ lúc thổi lúc ngừng
Gặp nhau tay bắt mặt mừng
Vui thì vui vậy biết chừng nào xa
.
Đỉnh trời vằng vặc gương nga
Long lanh soi tỏ lòng ta lòng mình
Gương trong mình lại soi mình
Thấy tình thăm thẳm thấy hình phù du
Nẻo đời gió buị kỳ khu
Biết ai còn mất tình thu võ vàng.
Tài tử Kiều Chinh trong buổi ra mắt sách cũng kể về một kỷ niệm: tiểu thuyết “Ngày Tháng” của Nguyễn Đình Toàn. Bà kể rằng hãng phim Giao Chỉ của bà đã mua bản quyền cuốn “Ngày Tháng” để làm phim, nhưng rồi 1975 tới là phải đứt phim. Tài tử Kiều Chinh cũng chúc mừng tác giả Nguyễn Đình Toàn, cảm ơn nhà sách Tự Lực đã giúp hoàn tất buổi ra mắt sách chu đáo.
Nhà thơ Đỗ Quý Toàn được mời nói chuyện đã nhận định rằng ở tuổi của tác giả Nguyễn Đình Toàn còn ra mắt sách được là hy hữu, là vui mừng rồi. Thi sĩ họ Đỗ nói rằng sinh hoạt văn nghệ đã tê liệt hơn 2 năm đại dịch bây giờ vui mừng là còn nhà sách Tự Lực duy trì sinh hoạt văn nghệ. Đỗ Quý Toàn cũng đùa giỡn với “trí nhớ lãng đãng” của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, khi nhắc tới nhà thơ quá cố Tú Mỡ (bố vợ của nhà văn Doãn Quốc Sỹ) và cách cụ Tú Mỡ đặt tên con: không ngờ nhà văn Doãn Quốc Sỹ cao hứng, đã đọc liền mấy câu lục bát về cách đặt tên của cụ Tú.
Từ trái: MC Jimmy Nhựt Hà, hai nhà thơ Đỗ Quý Toàn, Thành Tôn.
Tác giả Nguyễn Đình Toàn rất hiền lành, nhìn bề ngoài là thế. Tuy nhiên MC Đinh Quang Anh Thái nói rằng thực tế, Nguyễn Đình Toàn cũng có một kiểu văn nói “đanh đá”; thí dụ, Đinh Quang Anh Thái kể, khi dự tang lễ nhạc sĩ Nhật Ngân, khi trở về Nguyễn Đình Toàn nói với ĐQAT là tới đưa tang một người chết thì gặp cả trăm người sắp chết. Hiển nhiên, thực tế là, những người trong thế hệ của tác giả Nguyễn Đình Toàn hễ ai còn có mặt trên đời này đều là hy hữu (nếu chúng ta nhớ câu “thất thập cổ lai hy”).
Đinh Quang Anh Thái thay mặt nhà văn Nguyễn Đình Toàn đã cảm ơn anh Đông Đào, chủ nhà sách Tự Lực, người đã giúp hình thành chu đáo buổi ra mắt sách, với bánh ngọt, rượu vang, trà, cà phê… Ông chủ nhà sách Tự Lực đã khiêm tốn nói lời cảm ơn tác giả Nguyễn Đình Toàn và tất cả các văn nghệ sĩ đã tới tham dự, và gửi lời chúc lành tới tất cả mọi người.
Điều ghi nhận: trà ở nhà sách Tự Lực rất mực tuyệt vời, đây là loại trà do nhà sách này phân phối.
Một người không thể quên là nhà thơ Thành Tôn, khi được mời lên nói chuyện đã kể rằng anh làm 3 bản thảo viết tay “Thơ & Ca Từ Nguyễn Đình Toàn”: khi tác giả Nguyễn Đình Toàn ra hải ngoại, Thành Tôn mới có cơ duyên trao tặng trực tiếp môt bản cho nhà văn, nhà thơ, người viết nhạc này, và rồi bản thảo đó bây giờ trở thành tác phẩm ra mắt hôm Chủ Nhật.
Một điều cũng ghi nhận: buổi ra mắt sách “Thơ & Ca Từ Nguyễn Đình Toàn” cũng đồng thời ra mắt bản CD “Nhạc Chủ Đề Nguyễn Đình Toàn 1970: Tình Ca Việt Nam” với nhiều ca khúc của Phạm Duy, Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Nguyễn Thiện Tơ, Nguyễn Mỹ Ca, Nhật Bằng, Lê Uyên Phương, Ngọc Bích, Lâm Tuyền Hoàng Vĩnh Lộc, Trịnh Công Sơn, Hoàng Trọng Quách Đàm, Cung Tiến, Hoàng Dương, Đặng Thế Phong… qua các lời giới thiệu của Nguyễn Đình Toàn, và các giọng ca Duy Trác, Khánh Ly, Sĩ Phú, Thái Thanh, Võ Anh Tuấn, Lệ Thu… Độc giả có thể mua cả sách và CD tại nhà sách Tự Lực.
Tác giả Nguyễn Đình Toàn (phải) ngồi lắng nghe tài tử Kiều Chinh kể chuyện làm phim thời Sài Gòn trước 1975.
Tham dự buổi ra mắt sách hôm Thứ Bảy của Nguyễn Đình Toàn có nhiều văn nghệ sĩ và trí thức quen tên tới đứng trong và ngoài nhà sách Tự Lực, trong đó có Thu Vàng (ca sĩ), Nguyễn Đình Thuần, Phan Chánh Khánh, Phạm Quốc Bảo, Trịnh Thanh Thủy, Phạm Phú Minh (Phạm Xuân Đài), Đinh Sinh Long, Kim Ngân (Giám đốc Viện Việt Học), Đặng Phú Phong…
.
Nghĩ gì về Nguyễn Đình Toàn? Nhà báo Trịnh Thanh Thủy trong bài viết “Nguyễn Đình Toàn, người gõ cửa ký ức” hồi tháng 1/2022 ghi nhận về tác giả họ Nguyễn, trích như sau:
“Là một người Việt ly hương, hình như ai cũng có đôi lúc nhớ quê, hình dung lại nơi mình từng sinh ra, quay quắt thương cái chốn mình đã đi về trong tháng ngày quá khứ. Chỉ cần một hình ảnh, một cơn mưa, một vạt nắng, một nhành hoa thơm ngái hương vị quê nhà là lòng người lại bồi hồi tưởng tiếc. Nhất là khi đọc một bài thơ, nghe một khúc nhạc, hát lên một ca từ sóng sánh những âm vang kỷ niệm xưa, ai mà không tự dưng nhè nhẹ mở toang cánh cửa ký ức của lòng mình. Tôi đã làm điều đó khi đọc các bài thơ trong tuyển tập “Thơ và ca từ” của tác giả Nguyễn Đình Toàn.
Là một nhà văn, ông viết dưới nhiều dạng, tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch nói, bút ký. Tác phẩm Áo mơ phai của ông đoạt Giải Văn học Nghệ thuật của Việt Nam Cộng hòa năm 1973. Ngoài ra ông còn là một thi sĩ kiêm xướng ngôn viên của đài phát thanh VTVN trước năm 1975. Chính ông đã phổ những bài thơ của mình thành những bài nhạc được nhiều người yêu thích. Người bạn rất thân lâu năm của ông là Thi sĩ Thành Tôn đã gom góp những bài thơ của ông thành một tập thơ in riêng tặng ông. Gần đây, bạn bè thương mến ông, đã chung lưng giúp ông thiết kế và xuất bản để đứa con tinh thần, tuyển tập “Thơ và Ca từ” được ra đời.”
.
Nhà văn Lưu Na trong tác phẩm “Nguyễn Đình Toàn, Chữ & Người” nơi trang 27 ghi nhận về Nguyễn Đình Toàn: “Với mình, ông là người lãng mạn. Mình nhìn ông, nhiều lúc ngạc nhiên thấy những mầm lá xanh non trổ ra trên thân cây già cỗi. Đó là những lúc ông ngồi ôm đàn, một trong những phút hiếm hoi, mắt nhìn ra khung cửa tay riết rung trên phím, ở cái vóc hững hờ vang ra tiếng đàn và giọng hát mỏng manh tha thiết. Như ông yêu đàn đến nỗi phải ngăn mình không chạm đến đàn, sợ rồi không buông được. Hay khi ông bảo buổi chiều là tiếng nhạc reo của xe kem dưới lòng đường, là những chiếc áo đỏ vàng lăn tròn trên sân cỏ trường tiểu học bên đường.”
Từ trái: Hai họa sĩ Nguyễn Đình Thuần, Phan Chánh Khánh, nhạc sĩ Đinh Sinh Long, nhà thơ Đỗ Quý Toàn.
Đối với nhà thơ Trần Yên Hòa, trong bài viết “Nhớ Những Lần Nghe Nhạc, Đọc Thơ, Đọc Truyện Của Nguyễn Đình Toàn” trong một bài viết hồi tháng 2/2020 đã đối chiếu các ca khúc về Sài Gòn của nhiều nhạc sĩ, và rồi viết:
“Từ lâu, nghĩa là từ trước năm bảy lăm, tôi nghĩ là Nguyễn Đình Toàn chỉ làm thơ và viết văn thôi, nếu cùng lắm thì ông đặt lời cho nhạc như bài Tình Khúc Thứ Nhất. Nhưng sau này tôi biết ông còn sáng tác nhạc, ông viết rất nhiều ca khúc. Trong những ca khúc của ông tôi thích đâu 3, 4 bài, như bài Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên, mà nhiều người biết đến, sau đây:
“Sài Gòn ơi, ta mất người như người đã mất tên – như dòng sông nước quẩn quanh buồn – như người đi cách mặt xa lòng ta hỏi thầm em có nhớ không… Sài Gòn ơi, đến những ngày ôi thành phố xôn xao – trong niềm vui tiếng hỏi câu chào – sáng đời tươi thắm vạn sắc màu – còn gì đâu…”
Theo tôi, bản nhạc này là bản nhạc hay nhất của nhạc Việt Nam viết về Sài Gòn sau khi mất nước và lúc Sài Gòn đã thay đổi tên…”
.
Đối với nhà văn Phan Tấn Hải, các tác phẩm của Nguyễn Đình Toàn đã trở thành một tượng đài nghệ thuật. Trong bài viết nhan đề “Nguyễn Đình Toàn, Chữ & Người: Như Một Tượng Đài Nghệ Thuật” vào tháng 7/2021, họ Phan ghi nhận:
“Bản thân tôi, trong cương vị của một người cầm bút nhiều thập niên, tôi vẫn tự nghĩ rằng tôi không thể viết nổi về nhà văn Nguyễn Đình Toàn cho đầy đủ. Nơi Nguyễn Đình Toàn gần như cái gì cũng tuyệt bích. Truyện họ Nguyễn tưởng như viết một cách thờ ơ, hờ hững, nhưng khi gấp sách lại vẫn thấy phảng phất trong trí nhớ của những áo mơ phai nhiều thập niên sau. Thơ Nguyễn Đình Toàn tưởng như rất mực cổ kính của những đêm ba mươi tìm đến thăm nhau, nhưng rồi không thể nào quên được những hương đêm cận Tết và của những mùi hương cải vàng khi tóc mình đã bạc trắng. Thế rồi nhạc Nguyễn Đình Toàn đi một cõi rất riêng, nơi kẻ hậu sinh như tôi chỉ có thể mượn lời người xưa để ví rằng họ Nguyễn y hệt như một cành hoa mai rất hiếm và rồi mình chỉ có thể tự dặn là “một đời chỉ cúi đầu chào hoa mai” — Nhất sinh đê thủ bái mai hoa.”
Hình phải: Nhà văn, nhà báo lão thành Phạm Quốc Bảo và nhà báo Trịnh Thanh Thủy. Hình trái: Sách và CD nhạc.
Sơ lược Tiểu sử Nguyễn Đình Toàn, theo Wikipedia như sau:
Nguyễn Đình Toàn (sinh 6 tháng 9 năm 1936) là nhà văn và nhạc sĩ người Việt định cư ở Mỹ. Ông còn có bút hiệu là Tô Hà Vân khi viết văn và Hồng Ngọc khi viết nhạc. Ông sinh tại huyện Gia Lâm thuộc tỉnh Bắc Ninh (về sau đổi thành quận Gia Lâm thuộc tỉnh Gia Lâm) và di cư vào Nam năm 1954. Ông đóng góp nhiều sáng tác văn học nghệ thuật dưới nhiều dạng: tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch nói, bút ký. Tác phẩm Áo mơ phai đoạt Giải Văn học Nghệ thuật của Việt Nam Cộng hòa năm 1973.
Nguyễn Đình Toàn viết nhiều truyện dài đăng thành nhiều kỳ trên các báo chí Việt Nam Cộng hoà như tạp chí Văn, Văn Học và các nhật báo như Tự Do, Chính Luận, Xây dựng, và Tiền Tuyến. Ông cũng có tay trong việc phát triển tân nhạc Miền Nam qua chương trình phát thanh Nhạc chủ đề trên đài phát thanh quốc gia VTVN mỗi tối Thứ Năm. Sau năm 1975, ông bị bắt và giam học tập cải tạo 10 năm mới được thả. Năm 1998 ông cùng vợ được xuất cảnh sang Mỹ và định cư ở California nơi ông tiếp tục viết cho báo Viet Tide.
Một số bản nhạc của ông được nhiều người biết đến là “Sài gòn niềm nhớ không tên” (Đúng ra tên là “Nước mắt cho Sài Gòn”) và “Tình khúc thứ nhất” do Vũ Thành An phổ nhạc. Ca sĩ Khánh Ly đã thâu âm và phát hành 2 đĩa nhạc với những sáng tác của ông.
Nguyễn Đình Toàn có khoảng 20 ấn phẩm sách giấy, hầu hết là truyện dài, một số là thơ và kịch thơ. Nguyễn Đình Toàn có khoảng 5 tập nhạc (album).
Các câu hỏi về sách và CD nhạc Nguyễn Đình Toàn, có thể liên lạc:
Nhà sách Tự Lực
14318 Brookhurst St.
Garden Grove, CA 92843
Phone: 714-531-5290
nguồn: T.VẤN & Bạn Hữu
====================
được đăng bởi khedo@outlook.com @ 15:18 0 Nhận xét
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ