Thứ Tư, 27 tháng 4, 2022

' khi nhà văn bước qua cánh cửa / NGUYỄN PHAN QUẾ MAI ' -- trích: tuổi trẻ online (tphcm)

 

Được biết đến là một nhà thơ, thời gian qua Nguyễn Phan Quế Mai trở nên nổi tiếng trong làng văn chương thế giới với cuốn tiểu thuyết đầu tay viết bằng tiếng Anh - The Mountains Sing (tạm dịch: Những ngọn núi ngân vang).

Tác phẩm được trao giải nhì ở hạng mục hư cấu Giải thưởng văn học Dayton vì hòa bình năm 2021, đến nay cuốn sách đã được xuất bản ở 12 nước.

Tuổi Trẻ trao đổi với nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai nhân dịp chị trở về thăm quê hương và có nhiều buổi trò chuyện văn chương tại các trường đại học ở Việt Nam sau hơn một năm đi khắp thế giới giao lưu với bạn đọc.

Nguyễn Phan Quế Mai: Khi nhà văn bước qua cánh cửa - Ảnh 1.

* Thưa chị, lâu nay bạn đọc biết đến chị là nhà thơ (trong đó có bài thơ Tổ quốc gọi tên được phổ nhạc), nay chị trở thành nhà văn thành công và được ghi nhận ở quốc tế. Chị đã chuyển qua viết văn từ khi nào?

- Trước đây khi tôi viết thơ, chị Bích Ngân lúc đó là phó tổng biên tập Nhà xuất bản Văn Hóa - Văn Nghệ đã khích lệ và "đặt hàng" tác phẩm văn xuôi của tôi, thế là tôi viết du ký, rồi viết quyển Mun ơi, chạy đi cùng với con gái.

Tôi rất thích viết văn vì viết văn cho tôi một không gian diễn đạt câu chuyện. Nhưng thơ vẫn là hồn cốt của tôi. Tôi đang hoàn thành một tập thơ đầu tiên bằng tiếng Anh mang tên Màu của hòa bình. Một trong những lý do tôi viết văn là đưa thơ của tôi vào đó để thơ của tôi có nhiều bạn đọc hơn. Cho nên cuốn The Mountains Sing có khá nhiều câu thơ.

Nhưng thực ra nếu tôi không cùng chồng tôi làm công tác ngoại giao đi qua nhiều nước thì chưa chắc tôi trở thành nhà văn. Tôi rất yêu chồng và chúng tôi rất hạnh phúc, nhưng tôi không chấp nhận được vai một người vợ đi theo chồng qua nhiều quốc gia, khó kiếm việc làm.

Có công việc viết văn, tôi có thể mang công việc của mình đi bất cứ đâu theo chồng, có thể xây dựng lâu đài cho chính mình trên đôi chân đi khắp thế giới.

Nguyễn Phan Quế Mai: Khi nhà văn bước qua cánh cửa - Ảnh 2.

* Về Việt Nam giao lưu với bạn đọc, chị có nói với các sinh viên rằng chị viết cuốn sách này với tinh thần phản kháng sự đô hộ trong văn học?

- Tôi viết cuốn The Mountains Sing bằng tiếng Anh nhưng bảo tồn tiếng Việt trong đó, với tâm thế phản kháng sự đô hộ của phương Tây trong văn học vì có hàng chục ngàn cuốn sách viết bằng tiếng Anh đã được xuất bản nhưng ít câu chuyện được chính người Việt kể.

Những câu chuyện đó thường được các nhà văn phương Tây viết về chiến tranh Việt Nam. Họ chỉ xoáy vào chiến tranh Việt Nam mà không viết về đất nước Việt Nam như một nền văn hóa. Và họ đặt người Mỹ làm trung tâm, người Việt chỉ đóng vai trò thứ yếu, không có tiếng nói. Trong cuốn sách của mình, tôi đặt người Việt làm trung tâm.

Tâm thế phản kháng còn thể hiện trong việc tôi muốn bảo tồn tiếng Việt trong cuốn sách này. Các tên tiếng Việt được viết theo quy tắc tiếng Việt, có đầy đủ dấu. Tôi nói với biên tập viên tôi muốn hy sinh giá trị thương mại của cuốn sách để vẫn được giữ tiếng Việt đủ dấu.

Tôi vẫn để tên tôi trên bìa sách được viết theo đúng tiếng Việt. Tôi muốn kêu gọi bạn bè thế giới tôn trọng chiều sâu văn hóa và lịch sử Việt Nam bằng việc chấp nhận ngôn ngữ Việt Nam mà không có sự thay đổi. Khi mình tôn trọng bản sắc của mình thì mình mới có thể yêu cầu người khác tôn trọng dân tộc mình.

Nguyễn Phan Quế Mai: Khi nhà văn bước qua cánh cửa - Ảnh 3.

Cuốn sách The Mountains Sing của Nguyễn Phan Quế Mai - Ảnh: T.ĐIỂU

* Chị có nghĩ chính điều đó là lý do khiến cuốn sách của chị rất thành công ở nước ngoài hiện nay?

- Đó là một lý do. Các học sinh ở Mỹ nói rằng họ muốn hiểu về Việt Nam qua tiếng nói của người Việt. Nói về chiến tranh Việt Nam, ở Mỹ họ được học rất ít và họ không biết những gì mà người Việt đã thực sự trải qua. Xu hướng thịnh hành trên thế giới hiện nay là họ muốn nghe được tiếng nói của chính người bản địa.

Thực ra tôi rất bất ngờ về thành công của cuốn sách này. Tôi đã mất 7 năm trời cho cuốn sách. Ông xã tôi từng nói với tôi: "Quyển sách này sẽ giết em".

Vì khi chồng và các con đi ngủ tôi vẫn viết và khi họ thức dậy tôi vẫn ngồi bàn viết. Có những buổi tối khi đi ngủ tôi nghe thấy tiếng nhân vật nói: Hãy thức dậy và viết. Những câu chuyện của chúng tôi không thể ngủ được, trừ khi bạn viết chúng ra.

Nguyễn Phan Quế Mai: Khi nhà văn bước qua cánh cửa - Ảnh 4.

* Chị kể gì với bạn đọc trong cuốn tiểu thuyết đầu tay?

The Mountains Sing viết về những trải nghiệm của một gia đình người Việt qua bốn thế hệ. Bắt đầu tiểu thuyết là chuyện quân đội Mỹ rải những trận bom xuống Hà Nội năm 1972. Để sống sót qua những trận bom đó, cô bé Hương được bà ngoại của mình - bà Diệu Lan - che chở.

Bà đã tiếp thêm sức mạnh cho cháu của mình bằng việc kể cho cháu mình nghe những gì xảy ra với gia đình mình trước đó. Và cô bé Hương tiếp tục truyền thống kể chuyện của người bà bằng việc viết một cuốn sách kể lại cho bà những gì tiếp tục xảy ra sau năm 1972, sau đó đốt để dâng lên hương hồn bà. Cô muốn kế tục vòng tròn kể chuyện...

Cuốn tiểu thuyết thứ hai của tôi sắp xuất bản vào năm sau có tên Dust child (Bụi đời), là cuốn viết về trẻ lai Mỹ ở Việt Nam.

Nguyễn Phan Quế Mai: Khi nhà văn bước qua cánh cửa - Ảnh 5.

* Hai cuốn sách của chị đều viết về đề tài chiến tranh. Có phải chị vẫn chưa thoát ra đề tài quen thuộc các nhà văn Việt Nam muốn giới thiệu ra thế giới?

- Tôi không đồng ý The Mountains Sing là cuốn sách viết về chiến tranh, đó là sách về chiều dài lịch sử Việt Nam.

Trong cuốn sách này tôi mời bạn đọc đến với thế giới giàu bản sắc của văn hóa Việt Nam bằng việc dùng những từ Việt Nam mà không dịch ra tiếng Anh. Tôi muốn bạn đọc đến với Việt Nam không những bằng lý trí mà bằng cả trái tim. Tôi muốn họ cảm được vẻ đẹp của mùa thu Hà Nội qua màu sắc của các loài hoa mà không cần biết tên của các loài hoa ấy là gì.

Tôi muốn họ thưởng thức các món ăn Việt Nam đa dạng không chỉ phở, nem, mà còn có những món ăn dân dã như khế rang tép, bánh cuốn, đậu phụ nấu với cà chua.

Tôi mời bạn đọc thế giới đến với Việt Nam qua ẩm thực, ngôn ngữ, qua những câu tục ngữ, ca dao, qua những mối quan hệ trong gia đình... Đó là một Việt Nam giàu văn hóa chứ không chỉ có chiến tranh.

Nhưng đúng là có một lý do tôi viết về chiến tranh, đó là có nhiều nỗi đau, vết thương bởi chiến tranh chưa được hàn gắn hoàn toàn. Có những nạn nhân chiến tranh vẫn bị bỏ quên. Nhưng có lẽ tiểu thuyết thứ ba của tôi sẽ không có bóng dáng của chiến tranh nữa, hoặc nếu có sẽ rất ít.

Văn học không có biên giới

* Chị định vị mình là nhà văn trong nước hay nhà văn hải ngoại?

- Tôi chỉ có quốc tịch Việt Nam, luôn tự hào là người Việt Nam và luôn viết với tâm thế của một nhà văn trong nước kể về người Việt trong nước.

Nhưng tất nhiên tôi phải có mong muốn bước ra với quốc tế để hấp thụ những tinh hoa của văn học thế giới.

Văn học không có biên giới. Tôi chỉ là một nhà văn, viết là để học về chính mình và thế giới.

* Kinh nghiệm của chị để nhà văn Việt bước ra thế giới là gì?

- Chúng ta cần phải học mỗi ngày. Các nhà văn gốc Việt thành danh trên thế giới như Việt Thanh Nguyễn, Ocean Vương đều là những giáo sư văn học. Bản thân tôi chỉ có thể viết được cuốn sách này sau khi tôi đã học hai chương trình nghiên cứu thạc sĩ và tiến sĩ.

Tôi học được không chỉ các phương pháp sáng tác, mà còn về tư duy lý luận phê bình, cách dùng văn chương để tiếp cận với các vấn đề xã hội. Hiện tôi vẫn dùng từ điển và tôi vẫn học tiếng Anh hằng ngày, vẫn chép ra những từ tiếng Anh cần học.

Mỗi tháng tôi đọc 2 - 3 cuốn sách tiếng Việt, tiếng Anh. Tôi cố gắng đọc thật nhiều các tác phẩm văn học thế giới mới ra đời. Mắt mỏi thì tôi nghe sách nói. Tôi nghĩ muốn viết được cho độc giả quốc tế thì phải bắt kịp xu hướng văn học trên thế giới.

Nguyễn Phan Quế Mai: Khi nhà văn bước qua cánh cửa - Ảnh 7.

Nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai nói chuyện với học sinh Trường quốc tế Wellspring ngày 25-4 - Ảnh: NVCC

Trau dồi ngoại ngữ cũng là việc cần thiết. Hiện nay các liên hoan văn học quốc tế đang tìm các nhà văn Việt Nam có thể trực tiếp giao lưu với độc giả mà không cần phiên dịch. Chúng ta cũng cần đội ngũ dịch giả giỏi.

Việt Nam nói quá nhiều về chiến lược phát triển quảng bá văn học Việt ra thế giới, nhưng một điều cần làm là có một chương trình đào tạo dịch văn học bậc đại học và trên đại học và trả đãi ngộ cho dịch giả một cách xứng đáng thì chưa làm được.

Và một việc quan trọng khác là nhà văn Việt phải giúp nhau. Giáo sư Việt Thanh Nguyễn từng nói với tôi rằng: "Một người Việt thành công cần mở cánh cửa cho những người khác".

Khi chúng ta bước qua cánh cửa rồi thì chúng ta cần mở cánh cửa cho những người Việt khác. Văn học cần có một cộng đồng những nhà văn Việt Nam giúp nhau thì khu vườn văn học Việt sẽ sum sê, nhiều hoa trái và chim đến làm tổ.


 source: MegaStory


===============


\

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ