đọc thêm: "về thi nhân CAO THOẠI CHÂU, tác giả ' Bản Thảo Một Đời' / bài viết: Trần Dzạ Lữ (tphcm ) -- Virgil Gheorghiu( 17/ 10/ 2018 )
THỨ SÁU, 12 THÁNG 10, 2018
về thi nhân Cao Thoại Châu, tác giả thi tập 'Bản thảo một đời' '... -- / bài viết: Trần Dzạ Lữ --
nguồn: blog LÊ NGỌC TRÁC)
lời giới thiệu: - một bài viết nhỏ về nhà giáo, thi nhân Cao Thoại Châu của Trần Dzạ Lữ [ i.e. Trần văn Duận 1949- ] -- ấy là ; sau khi anh mua được tập thơ 'Bản thảo một đời/ Cao Thoại Châu], từ một bà bán ve chai (Hà Nội gọi là ' đồng nát' ): "... từ đó, tôi càng thêm sự đồng cảm đến lạnh lùng của thi nhân . Tập thơ 'Bản thảo một đời' in năm 1992. ( nxb Long An). Không biết có bao nhiêu trang; va, có bài 'Mời em uống rượu' của anh -- mà tôi đã đọc và thích thú trước đó không? Bởi vì tập thơ đã bị xé mất bìa, chỉ còn lại 78 trang thôi..." mời bạn cùng đọc 'lời giới thiệu ' về Cao Thoại Châu[ i.e. Cao đình Vưu 1939- ] của Trần Dzạ Lữ . [ Thế Phong Saigon, thứ 7: Oct. 14/ 2018. CAO THOẠI CHÂU : NHÀ THƠ , NHÀ GIÁO VỚI THI PHẨM 'BẢN THẢO MỘT ĐỜI' TRẦN DZẠ LỮ Anh Cao Thoại Châu là một trong số những người viết đất Bắc (54 ) mà tôi quý trọng.Biết anh trên các tạp chí văn chương nổi tiếng của SG trước 75. Sau năm 75 nghe anh ở Tân An-Long An dạy học( có thời anh dạy học tận Pleiku) tôi cũng chưa có dịp diện kiến.Đến gần năm 2000 anh về SG tôi mới có cơ hội gặp gỡ.Một người luôn mang cặp kính đen và trong giao tiếp thì chẳng niềm nở là mấy.Sau đó cũng gặp vài lần.Tuy không thân tình tôi vẫn mến anh-nhất là khi tôi phát hiện tập thơ: BẢN THẢO MỘT ĐỜI của anh trong gánh ve dọc đường( Tôi hỏi chị ve chai và mua lại đem về tủ sách của tôi ). Từ đó,tôi càng thêm đồng cảm sự cô đơn đến lạnh lùng của thi nhân.Tập thơ Bản Thảo Một Đời in năm 1992.Nhà xuất bản LONG AN.Không biết có bao nhiêu trang và có bài thơ Mời Em Uống Rượu của anh mà tôi đã đọc và thích thú trước đó không. Bởi vì tập thơ bị xé mất bìa, chỉ còn lại 78 trang thôi.Thơ in trên giấy Tân Mai màu ngà không được sang trọng như bây giờ.Nhưng ở đó là chữ nghĩa, là hồn cốt của một nhà thơ nổi tiếng.Là tim óc và trí tuệ của tác giả đã, đang trò chuyện cùng thơ.Ngay trang 7, bài thơ đầu là : THƠ TẶNG VỢ. Tôi đọc một mạch và đọc đi đọc lại nhiều lần dù bài thơ dài đến 23 khổ.Người vợ thế nào mà “ông quan nửa đời ăn lương vợ”? và tôi đã cay xè đôi mắt, nuốt ngược buồn vào trong cùng anh để nhớ câu thơ của thi bá Vũ Hoàng Chương: ”..Lũ chúng ta đầu thai nhằm thế kỷ” Thời mà vật chất đang gặm nhấm tâm hồn nếu ai không biết giữ...Tôi rất đau lòng khi thấy thơ anh ra gánh ve chai, thơ tôi cũng như bạn bè, chắc cũng cùng chung số phận khi vào tay kẻ ( không quý thơ như nhà nông quý lúa-Vũ Hữu Định) không đáng để ký tặng.Tôi vốn xuề xòa nên càng hiểu tính cách của anh hơn đó anh Cao Thoại Châu.Thơ là trái tim, là chất xám của mình hãy gìn giữ báu -vật -tinh thần ấy trong ngôi đền thi ca. Những lời tâm huyết với anh cũng chính là tự dặn tôi: Cẩn trọng trong giao tiếp bởi vì một cú nhấp chuột là kẻ xấu có thể biến mình thành nhà thơ, thi sĩ trên FB, chỉ cần xào nấu lại là có bài thơ của “thiên tài tự phong “ ngay.Kinh quá ! Kinh quá ! Do vậy mà tôi hạn chế bạn bè trên FB( xin quý vị đừng trách ) Có lần tôi bị chôm tới 10 bài thơ trong hai thi phẩm tôi đã xuất bản mà không thay đổi một từ nào.Vào nhà kẻ chôm chỉa,tôi chỉ đích danh thì hắn ta xóa ngay những bài đã ăn cắp để phi tang...Ui chao ơi! Trời ơi! Đất ơi! Mạ ơi! Nhớ câu ai đó nói: Thời chi mà lạ quá! Người hiền chết sớm.Kẻ ác sống lâu...mà thắt ruột gan... Lâu nay không thấy anh lên SG, tôi nghĩ cái tuổi hoàng hôn rất khó xê dịch.Thôi yên lòng hủ hỉ với người trăm năm.Một đời thơ anh thế là tuyệt rồi vì nhân gian không phải tất cả là kẻ xấu để chận đường thi nhân đi đến đích cuối cùng CHÂN- THIỆN –MỸ . Tôi biết vẫn có người yêu thơ anh da diết và cũng đã tạo điều kiện để anh có thời gian vui sống.Đó chính là cái tình quý hiếm nên lưu giữ mãi mãi.Đó là chất “xúc tác” như suối nguồn để thi sĩ tiếp bước hành trình , phải không anh ? Thơ anh mới chính là THƠ bởi tiếng dội của nó thấu suốt ngàn trùng và tôi không quên giới thiệu tiểu sử và 3 bài thơ của anh với bạn đọc mà tôi tâm đắc(có thể sau này anh viết nhiều hơn,hay hơn ?) Tiểu sử: Cao Thoại Châu Nhà thơ Cao Thoại Châu tên thật là Cao Ðình Vưu, sinh năm 1939 tại Giao Thủy, Nam Ðịnh, di cư vào Nam năm 1954. Ông tốt nghiệp Ðại học Sư phạm Sài Gòn năm 1962. Nhiệm sở đầu tiên của ông là Trường Trung học Thủ khoa Nghĩa ở tỉnh Châu Đốc. Sau năm 1968 ông bị động viên vào quân ngũ .Năm 1970 ông được biệt phái về Bộ Quốc gia Giáo dục và thuyên chuyển về Trường Nữ Trung học Pleime của tỉnh Pleiku. Cao Thoại Châu dạy học tại đây cho đến ngày 30.4.75.Sau 1975, ông vào trại cải tạo 3 năm và cũng như nhiều nhà giáo khác, Cao Thoại Châu phải nghỉ dạy trong một thời gian khá lâu. Trong thời gian này ông làm thợ hồ sau đấy mới được gọi đi dạy lại tại trường Trung học Phổ thông Long An. Trước năm 1975 Thơ Cao Thoại Châu xuất hiện thường xuyên trên các tạp chí văn học: Văn, Văn Học, Khởi Hành, Thời Tập… Sau 1975 ông nghỉ viết trong 15 năm. Từ 1990 thơ ông mới xuất hiện trở lại trên các báo Thanh Niên, Kiến Thức Ngày Nay, Long An Cuối Tuần… Tác phẩm đã xuất bản: • Bản thảo một đời (thơ, 1992) • Rạng đông một ngày vô định (thơ, 2006) • Ngựa hồng (thơ, 2009) • Vớt lá trên sông (tạp bút, 2010) • Vách đá cheo leo (tạp bút, 2012) (trích tiểu sử CTC) Trần Dzạ Lữ trích thơ CAO THOẠI CHÂU LÝ NGỰA Ô Vừa chấm bài vừa hát lý ngựa ô giọng phu nhân khác gì ca sĩ hai mươi năm nàng lìa xa đất Huế bắt ta làm con ngựa lý trăm năm Đêm mịt mùng con ngựa rớt dây cương tiếng sắt-đá hóa thành điệu lý bỏ lại sau lưng thành quách cũ lệ lưng tròng tôn nữ lên yên Ta gửi phu nhân lòng ngưỡng mộ trăm năm một điệu lý theo chồng nàng đi trong cõi đời dâu bể Một mình một ngựa-rớt-dây-cương MỜI EM UỐNG RƯỢU Có những đêm trường gợi tiếc thương Có ta lấy tóc đếm ưu phiền Có ta nâng trái sầu chín rã Có lệ ta hoà chung hơi men Có mắt ta là ly rượu nhỏ Có đời ta là quán cô hồn Và có ta đang ngồi trong quán Uống cho tàn cho mạt kiếp nhân sinh Cũng có đau thương làm vui bạn nhỏ Có hoang đàng tìm thấy giữa cơn say Có tuyệt vọng trên vành ly rực sáng Và có em buồn ta cõng trên vai Có nắng chiều đang rơi ngoài bãi Bãi vắng chiều xa không bóng người Chứng kiến giờ ta lên cơn hấp hối Ta đội nón đi mời em uống rượu Cuộc tình sầu thôi hãy gác qua bên Ta đâu có giận hờn chi cuộc sống Dù thật tình buồn lắm phải không em Ta là ly vậy mà em biết không Ta là rượu vậy mà em biết không Uống đi em bởi ly đã kề Bởi ta buồn như câu chuyện kể Câu chuyện buồn kể giữa cơn say Bởi lát nữa đây mặt trời sẽ chết Mùa đông về không chỗ dung thân Ta sẽ đứng run trong giá lạnh Dáng bơ vơ như kẻ thất tình Và thấy em như bờ dốc đứng Ta chiếc xe đò nổ bánh bơ vơ Mặt trời chết ở nơi nào trong ta Ta đã say làm sao biết được Em không uống nên có ta lẻ bạn Vòng tay ôm hồ rượu thấy mênh mông Rượu đã hết hay mắt ta vừa cạn Em chối từ ta biết nói sao hơn Thôi giã tiệc và xin chào bạn nhỏ Ta tủi hờn bóp nát chiếc ly không Và ta tưởng chính mình đang vỡ Mùa đông dài ta lại rất cô đơn Có ta trong một toa tàu trắng Tỉnh rượu nằm nô giỡn một mình Có em còn đứng sau khung kính Có nỗi buồn gửi một toa riêng. Sài Gòn, 26-12-68 THƠ TẶNG VỢ (bài thơ dài 23 khổ , nên tôi chỉ trích một số khổ yêu thích.) ... Không phải vợ ông Trần Tế Xương nhà thơ có hai bàn tay trắng có bãi xa thân cò cánh mỏng tiếng eo sèo như sóng dậy trên sông Không phải vợ nhà thơ để hiểu nỗi lòng của ông quan nửa đời ăn lương vợ nửa đời leo lét ngọn đèn xanh người tự thắp trên nấm mồ yên nghỉ Chiều lang thang trên bến Vị Hoàng để biết thói đời ăn ở bạc chút sương nắng luồn trong giá rét cỏ cây buồn vội khép quanh thân Bà sống mãi trong đời thơ Tú Xương Giữa thời buổi có nhiều ông phỗng đêm cô đơn lặng đi từng tiếng trống gió đông tàn nghe rít lạnh trên thang ... Không phải vợ nhà thơ đất Tiên Điền hiểu vì sao đời ông khánh tận giữa chiều vàng mà vó câu Kim Trọng chàng bù nhìn làm hỏng một tình yêu ... Là vợ nhà thơ để hiểu tiếng đàn tiếng cuộc sống rơi trên vàng trên đá tiếng hương bay vào lòng hoa lặng lẽ tiếng lòng người bị xé lúc sang đông Tiếng mười năm gửi lại trăm năm người ra đi tiếp lời dâu bể áo vẫn xanh trên thân người kỹ nữ đời vẫn buồn trên vó ngựa Lâm Truy Ba trăm năm nước sông còn nổi sóng mặt người thu vẫn nhuộm quan san cánh hồng gieo trên đời người chết đứng thi sĩ buồn máu đọng trong tim ... Không phải vợ nhà- thơ-của-nhiều-thời đại đốt đuốc cho chồng viết Cáo Bình Ngô một trái tim một thanh gươm mở nước một mái đầu gửi lại đất Đông Đô ... Không phải vợ ông-đồ-của-vũ-đình-liên nghe tiếng lá đào rơi trên giấy lá vẫn rơi, lá còn rơi mãi khi bóng chiều thời đại đã ra đi ... Là tượng Xi-Va trong cổ viện Chàm Người đàn bà trong Lệ Chi viên úp xuống đời tôi án tru di tam tộc đường gươm ngọt ngào đi rất sắc Là giọt đắng trong hồn tôi tí tách tiếng ngựa thồ lóc cóc trong đêm kinh Sáng thế đọc thành lời hủy diệt là ảnh một người tôi yêu suốt trăm năm. Cao Thoại Châu ( Tân An tháng 1 năm 1990 ) Thật lạ lùng! Thơ Cao Thoại Châu viết thật tự nhiên như là đang thở,đang trò chuyện, mà trò chuyện có lớp có lang, có hồn vía, có vần điệu, rất gợi hình, gợi cảm khi dụng ngữ tài tình và lắm so sánh, ẩn dụ tài hoa.Những bài thơ như thế, thường đánh động và đi thẳng vào trái tim người đọc và sẽ vượt không gian, thời gian để bất tử.Tôi rất tin điều này anh Cao Thoại Châu ạ. Trần Dza Lữ ( SàiGòn, tháng 10.2018) ---------------------------------- trích : blog LÊ NGỌC TRÁC ---------------------------------- |
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ