đọc thêm (1) : " Văn Quang với " Những Người Muôn năm Cũ " / Nguyễn Mạnh Trinh [ 1949- 2019 / Mỹ ] -- source: https://sites.google.com>vhnt-98-1 >
VĂN QUANG VỚI “NHỮNG NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ”
Nguyễn Mạnh Trinh
Những người muôn năm cũ. Hai mươi năm văn học miền Nam 1954-1975 đã có bao nhiêu khuôn mặt đã thành người của muôn năm cũ? Những khuôn mặt ấy dần vắng đi trong đời thường nhưng vẫn còn hiện hữu trong văn chương.
Nhà văn Văn Quang thời còn trong quân ngũ
Với tôi, không biết tại sao lại có một liên tưởng nào đó, từ những chuyện kể về các chân dung văn học lừng lẫy một thời làm tôi nhớ đến Sài Gòn, thành phố mà tôi có quá nhiều kỷ niệm. Từ người nhớ đến cảnh, để gợi lại một thời đã qua. Cho dù, lúc ấy tôi chỉ là một người mê đọc sách và không có sinh hoạt văn chương nào. Nhắc đến những người xưa, lại nao nao buồn, lại nhớ về những kỷ niệm mà có lẽ khó quên trong đời mình. Những kỷ niệm riêng tư, sống mãi trong tâm thức mình không phai…
Có một lần tôi đọc bài viết của Văn Quang trong loạt bài “Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự” viết về tang lễ họa sĩ nhà văn Thái Tuấn có những cụm từ làm tôi chạnh lòng. Những “người anh em cũ”. Chữ “cũ“ của ngày xưa, dù chỉ mấy chục năm mà sao nghe xa xăm lắm:
“Tang lễ cố họa sĩ Thái Tuấn chắc chắn sẽ có rất nhiều “anh em cũ” đến tiễn đưa “lão“ về nơi an nghỉ cuối cùng. Nguyễn Nghiệp Nhượng nói với tôi như thế trước khi tôi từ Lộc Ninh về Sài Gòn. Tôi hiểu “anh em cũ” có nghĩa là những anh em hoạt động trong lãnh vực văn học nghệ thuật trước năm 1975 ở miền Nam, chứ chẳng riêng gì ở Sài Gòn. Họa sĩ Thái Tuấn đã trở thành một trong số vài nghệ sĩ nhiều tuổi nhất còn sống ở thành phố này. Ông trở thành “cây đại thụ” cũng như những hàng cây đại thụ mà từ khi những người Bắc di cư vào Nam năm 1954 đã nhìn thấy trên những con đướng đẹp nhất đô thành thời bấy giờ..”
Tôi có ý nghĩ như đọc một bài viết của một người “lưu lạc” trong chính đất nước của mình, viết chuyện hiện tại mà nghe vương vất những chập chờn của qúa khứ. Chiến tuyến hai bên hình như là đường hào quá sâu, cà mấy chục năm mà vẫn chưa san bằng được. Đọc bài viết, tưởng như thấy những người bị gạt bỏ ra những sinh hoạt mà họ yêu mến trân trọng. Và, dù có muốn nối tiếp cũng chỉ là những công trình rời rạc mà thôi.
Văn Quang viết ”… Trong lúc chờ đợi linh cữu ra ngoài xe, tôi có dịp nói chuyện với Dương Nghiễm Mậu. Hồi này anh cắt tóc ngắn, kiểu cắt “bốc” của những cậu học sinh khi còn nhỏ. Anh vẫn trẻ trung như thanh niên. Tôi chưa kịp cười anh đã giải thích ngay ”Ấy cắt tóc như thế để chúng nó không nắm được tóc mình”
Nguyễn Nghiệp Nhượng nhún vai, phê một câu ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa ”hơi muộn”. Một anh bạn nào đó hùa theo “Không những nó bắm tóc ông mà còn bị nó ghè cho gãy xương”. Tôi hỏi lảng ”Cuốn sách của ông ra sao rồi? Hết bán được rồi phải không?” Dương Nghiễm Mậu cười tỉnh như không ”Chỉ không bán được ở Sài Gòn thôi. Còn các nơi vẫn bán như thường. Mình chỉ ngại cho nhà xuất bản, họ bỏ vốn ra in khá nhiều. Mình thì cứ bình an vô sự. - “Té ra thành phố Sài Gòn lại không cởi mở bằng những nơi khác”. “ở đó mà cởi,,”.
Một chút chua chát. Một chút bất cần. Những người cầm bút thuở xưa hình như vẫn chưa “thỏa hiệp” được. Không giống như những Từ Kế Tường, Đoàn Thạch Biền, Mường Mán,.. để có chức tước, có nhà cửa…!!!
Văn Quang đã viết trong “Sài Gòn – Cali 25 năm gặp lại“ về hiện tượng ấy:
“… Có lẽ tình hình ấy cũng giống như ở Sài Gòn thôi. Chỉ khác là ở Sài Gòn lóp người hoạt động văn nghệ trước năm 1975 hầu hết đã yên lặng thậm chí có một số nhiều, độc giả ở đây không còn biết đến tên tuổi họ nhưng ở nước ngoài thì lại có nhiều người biết đến tên tuổi họ. Đó là một sự thật. Nhưng có những tên tuổi vẫn còn sống được giữa hai thời kỳ, đó là những người vì lẽ này hay lẽ khác vẫn còn đất dụng võ, dù là sống vất vưởng chứ cũng chẳng làm nên trò trống gì. Hay nói cách khác là những người cần kiếm cơm ăn áo mặc hàng ngày. Còn những vị sống được giữa hai thời kỳ mà vẫn cơm no rượu say thì có thể đếm trên đầu ngón tay.
Nhưng với những anh em đã từ xưa cùng sống với nhau ở Sài Gòn thì với người ở nước ngoài về, tinh thần vẫn còn đó, sự gần gũi vẫn như xưa nếu không muốn nói là hơn xưa. Hồi đó có những người chưa từng gặp nhau chỉ biết tên nhau nhưng bây giờ trở về người ta đi tìm nhau, đôi khi là sự tương trợ rất đầm thắm. Đó là sự thông cảm ngày càng sâu sắc càng thấy thương nhau yêu quý nhau hơn. Anh Thái Tuấn hỏi về tình hình những anh em còn ở lại đây. Tôi kể:
- Không nhiều lắm nhưng cũng đủ để vui chơi những lúc nhàn rỗi. Bây giờ có tuổi cả rồi nên nhiều lúc ngại di chuyển.Thỉnh thoảng có dịp nào đó gặp nhau, cái đám ma như đám ma Trần Lê Nguyễn thì đông đủ cả, đám giỗ như giỗ anh Chu Tử thì cũng vài ba chục người do gia chủ Chu Vị Thủy và Đằng Giao chọn lựa, tiễn người ra đi như tiễn Uyên Thao, Thanh Thương Hoàng có đến trên 40 người. Lâu lâu có một ông về chơi như ông Phan Diên thì lại cơm gà ngồi túm tụm trong một căn phòng nhỏ. Sinh hoạt chẳng có nơi chốn nào nhất định và làm thế nào có nơi chốn nhất định được ! tuy nhiên những hoạt động của anh em ở hải ngoại thường được anh em ở đây rất chú ý. Nhưng báo chí sách vở thì khó lòng về được đến nơi. Đến ngay mấy số báo Kịch Ảnh vô thưởng vô phạt gửi qua bưu điện năm lần đều mất tăm cả năm. Vài anh em có computer, chơi e-mail nói chuyện cà kê dê ngỗng với nhau hàng ngày nên hầu như những sinh hoạt lặt vặt thì chuyện gì cũng biết ngoại trừ những chuyện mà anh em ở bên đó cho rằng có hại cho những người ở đây thì họ không gửi. Tuy vậy đôi khi cũng lạc lõng một vài cái e-mail lạ hoắc vừa đọc vừa lo chẳng biết có chuyện gì xảy ra hay không..”
Văn Quang đã viết Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự trong một tình cảnh tế nhị của những người không có tự do cầm bút. Bài phỏng vấn của nhà văn Lê Thị Huệ bày tỏ một vài điều.
“Lê Thị Huệ; Tại sao ông lại chọn đề tài ấy. Giữa cách viết này ông viết rất sung sức, rất khỏe, rất bén nhạy. Tại sao ông không chọn lối sáng tác tiểu thuyết như trước năm 1975?
Văn Quang: Về câu hỏi thứ hai tôi chọn lối viết “Lẩm cẩm Sài Gòn thiên hạ sự” bởi mỗi đề tài, tôi chọn một lối viết khác để độc giả dễ dàng chia sẻ những cảm xúc, những ý tưởng của mình. Trước đây tôi cũng thường viết nhiều loại. Tiểu thuyết, tiểu thuyết phóng sự, phóng sự, truyện ngắn. Tiểu thuyết để diễn tả những đề tài về nội tâm sâu sắc hơn, và tính thời đại chứ không phải thời sự. Tính thời đại có thể nói về những sự việc, những tâm trạng, những hình ảnh cách đó 5, 10 năm. Nhưng thời sự thì chỉ diễn tả những sự kiện xảy ra gần nhất trong tuần hoặc trong tháng.
“Lẩm cẩm” là lối viết có tính cách thời sự. Bởi tính cácch đặc thù của thời hiện tại nơi tôi đang sống nên buộc phaỉ viết theo một cách nào đó để không bị gây phiền lụy. Tôi xông vào những đề tài xã hội nóng nhất có tính điển hình nhất mà người dân đang chú ý. Một nhu cầu khác nữa là hướng đến độc giả hải ngoại đang quan tâm tới điều gì? Nói cho rõ hơn, Việt kiều của chúng ta đang muốn biết điều gì đang xảy ra tại quê hương mình. Chắc ai cũng muốn có những thông tin chính xác không bị vo tròn bóp méo bởi bất cứ lý do nào, đôi khi chỉ là sự “tam sao thất bản” nên thông tin thiếu độ trung thực. Tôi chọn lọc những sự kiện ấy, tìm kiếm thông tin chi tiết và làm thế nào càng chính xác được càng tốt. Nó không phải là một bản tin thuần túy mà đưa vào những nhận định quan điểm của riêng mình như một lời bàn bạc, nói chuyện với độc giả một cách bình thường chứ không phải là lý luận. Từ đó bạn đọc có thể hiểu rõ được vấn đề hơn và có thể suy luận nhận định riêng. Do đó, người ở xa quê hương vẫn có thể biết rõ những sự việc xảy ra ở quê nhà.
Tuy nhiên như chị đã thấy ”lẩm cẩm Sài Gòn” không chỉ là những chuyện lẩm cẩm. Nó có cả những mặt trái mặt phải của xã hội, chuyện khôi hài và chuyện đau thương những bản tường trình thẳng thắn vượt qua mọi áp lực. Miễn là chuyện xảy ra có thật. Cái nhìn xoáy vào phía sau những sự việc đã và đang xảy ra chứ không phải chỉ có bề mặt sự việc, tôi nghĩ đó mới thực sự cần thiết cho bạn đọc ở nước ngoài vốn không có nhiều thì giờ theo dõi.
Tóm lại, “Lẩm cẩm Sài Gòn thiên hạ sự” nếu tổng kết lại nó sẽ là một bức tranh toàn cảnh của xã hội tôi đang sống. Nó phản ảnh được trung thực mọi vấn đề ở bế mặt đời sống của người dân thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội. Từ một anh nông dân ”lừa được cả nước“ đếm một đại gia lương thiện và bất lương từ lớp thanh niên đến các quan chức từ cô gái tỉnh lẻ đến các cô gái chân dài thành thị. Từ nỗi đau thương cơ cực của “những người bị bỏ quên” như anh em thương phế binh VNCH đến những cảnh trác táng cùng cực hoang phí vô cùng của lớp người ăn trên ngồi trước… cái khoảng cách giữa thành thị và nông thôn những điều phi lý bất công những điều cần nói mà người dân không nói được.
Tất nhiên trong hoàn cảnh của tôi có những hạn chế mà ai cũng hiểu được. Cho nên viết và lách vẫn là điều phải nghĩ tới. Tôi làm cái gì mà luật không cho phép mà cũng không cấm. Tôi làm với lương tâm của người cầm bút. Dù ở đây chẳng có ai công nhận tôi vẫn là người cầm bút. Người làm báo có thẻ làm báo nhưng tôi chẳng có gì ngoài những tìm tòi của mình, tự mình lựa chọn thông tin. Còn những “rủi ro” bao giờ tới và tới lúc nào, đành chấp nhận như một số phận an bài. Nếu cứ nghĩ tới những thứ đó thì chẳng làm được việc gì đáng làm. Tôi không tham gia bất kỳ tổ chức nào, tôi không thích làm “chính trị” như bản tính tôi từ xưa tới nay. Tôi chỉ biết cầm bút, độc lập và hành xử theo tiếng gọi của lương tri…”
Hay câu trả lời Lê Thị Huệ về những ngày tù của ông:
“Có những điều đáng nói về những ngày tháng trong nhà tù. Và cũng đã có rất nhiều những cuốn sách nói về chuyện này rồi. Nhiều chi tiết đã được trình bày cụ thể. Vì thế lúc này tôi nghĩ vào vị trí của tôi nên chuyên tâm vào những vấn đề xã hội hiện tại mà tôi đang có điều kiện tìm hiểu tường tận hơn các bạn khác. Tôi chỉ có thể nói nhà tù vẫn là nhà tù, không có chuyện cải tạo ở đây. Điều này tôi cũng đã viết trong “Ngã Tư Hoàng Hôn”. Một lúc nào đó, nếu còn thì giờ có thể tôi sẽ viết lại toàn bộ những sự thật mà tôi đã được chứng kiến”
Riêng với cá nhân tôi, một người đọc tôi đã nhìn Văn Quang qua con mắt của một người rất tò mò về đời sống ở một nơi chốn mà mình rất thân quen nhưng bây giờ xa lạ. Đọc những bài viết của ông, tôi mường tượng thấy một cuộc sống linh động diễn ra, phản ánh cho một thời thế thật nhiều biến động. Ở thời điểm này, khi cả thế giới như một ngôi làng trong kỹ nghệ truyền thông thì con người dù ở những không gian khác nhau gần gũi nhau hơn. Đọc Văn Quang để nhớ lại, để hồi tưởng và thấy cả một đại dương xa cách ngàn trùng có lúc như thu nhỏ lại để gần tới một vài bước chân đi đến…
Tôi đã đọc tiểu thuyết Văn Quang từ khi còn lâu lắm lúc còn ngồi ở ghế nhà trường. Tôi biết ông là một nhà văn có nhiều tác phẩm được in và rất nhiều độc giả. Thêm nữa, ông là một người viết tiểu thuyết từng kỳ cho các nhật báo ở Sài Gòn có những tác phẩm được chuyển thể thành phim ảnh. Ngoài ra ông còn làm Quản Đốc đài phát thanh Quân Đội và là một sĩ quan cấp tá trong tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị của quân lực VNCH. Nhưng khi tuổi trẻ tôi ít quan tâm tới những tiểu thuyết như Chân Trời Tím, hay Người Yêu Của Lính, dù những cuốn sách này đã gây ra những dư luận một thời. Lúc ấy, tuổi trẻ nên say mê theo những “thời thượng”, một chút triết học, một chút làm dáng của sự chưa trưởng thành. Lúc ấy vừa bắt đầu những khốc liệt của chiến tranh nên đời sống đã nhuốm nhiều những hoài nghi, những vấn nạn của những người vừa đi vào cuộc.
Khi sang định cư ở đây, bắt đầu gia nhập sinh hoạt văn chương, quen biết người này người kia, tôi biết thêm nhiều chi tiết về nhà văn Văn Quang. Người hay nhắc tới ông nhiều nhất là nhà văn Mai Thảo. Trong những cuộc trà dư tửu hậu ông hay nhắc đến những bạn hữu của ông, những người đã cùng nhau cầm bút làm thơ viết văn trong thời kỳ hai mươi năm văn học miền Nam. Ông nhắc đến một người bạn đã chia sẻ với ông những nỗi buồn, những niềm vui của nghiệp cầm bút với tâm cảm xót thương những người còn kẹt lại ở quê nhà.
Khi Văn Quang gửi bản thảo tiểu thuyết đầu tiên ông viết sau khi bị tù cải tạo trở về “Soi Bóng Cuộc Tình”, nhà xuất bản Hồng Lĩnh in và nhà văn Mai Thảo đã viết một bài vào tập vừa trân trọng vừa thân ái. Ông nhắc đến những kỷ niệm, những lúc vui trong sum họp bạn bè, những lúc buồn khi cùng chung những ngày đen tối sau năm 1975. Nhà văn Mai Thảo viết:
“... Để khép lại bài viết này, một vài dòng về cõi văn chương tiểu thuyết của Văn Quang. Ta có nhiều nhà văn quân đội là những tài viết xuất sắc. Như Phạm Huấn, Thảo Trường, Y Uyên, Diên Nghị và nổi bật nhất là Phan Nhật Nam. Nhưng ở mấy nhà văn vừa kể, thường chỉ là những bút ký và hồi ký chiến trường, về đời sống quân ngũ, về những tuyến đầu và những trận đánh, với hình ảnh người lính chiến trực diện với kẻ thù trên cái toàn cảnh của chiến trường 20 năm khốc liệt. Văn Quang khác. Là một tiểu thuyết gia trong cái nghĩa trọn vẹn và toàn phần của một tiểu thuyết gia ông đã đẩy cõi viết ông tới những cõi bờ rộng lớn và nhiều mặt hơn, ở đó không chỉ có tiền tuyến mà còn có hậu phương, những cõi bờ mênh mang ấy từ muôn đời đã có một cái tên gọi rất giản dị là xã hội, là đời sống. Và từ một vị trí tiểu thuyết gia như Văn Quang, xã hội không phải là một đồng bằng phẳng lặng và đời sống một con đường một chiều. Mà là những đỉnh cao kế liền những vực thẳm. Mà là những ngày đẹp trời còn có ngày mưa gió. Mà là những giọt lệ bên cạnh những tiếng cười, máu đang chảy ở một phía này lại hoa nở ở phía kia. Tất cả tạo thành một địa hình nhân thế cực kỳ phức tạp, với tình yêu, hạnh phúc và những vui buồn, lúc là sự thật lúc là ảo tưởng với những tỏ hiện lúc là mặt phải lúc là mặt trái, ở đó mỗi con người sống và chết với những vấn nạn, những mộng tưởng, những thảm kịch tạo nên phần số và định mệnh của một đời người. Những trạng thái trăm vẻ nghìn hình vừa kể chính là những chất liệu cho một thể văn phổ biến nhất và đang được đọc nhiều nhất ở thế kỷ này là thể văn tiểu thuyết, và người xử dụng tốt đẹp thể văn này là một tiểu thuyết gia.
Văn Quang là người của thể văn tôi vừa nói tới. Cho nên, bằng nhận thức trên và qua những tác phẩm chủ yếu của Văn Quang tuy ông cũng có một số phóng sự vui như Nguyễn Đình Thiều, như Hoàng Hải Thủy, trước sau tôi chỉ thấy ông là một tiểu thuyết gia, một tiểu thuyết gia trước hết. Một tiểu thuyết gia đã hiểu được rất rõ điều này ; là những tiểu thuyết hay của một thời – điều này cũng cắt nghĩa cho những cuốn best- sellers- phải có hiệu năng hấp dẫn và lôi cuốn người đọc. Không có là thất bại. Và lôi cuốn và hấp dẫn chính là hai điều đáng ghi nhận nhất ở cách viết văn Quang, ở tiểu thuyết Văn Quang. Tiểu thuyết Văn Quang có một số người đọc mọi giới rộng lớn vì thế. Một thời gian dài, ông là một trong những tác giả đắt giá, có sách đạt tới những số bán cao nhất của văn chương tiểu thuyết ở miền Nam vì thế..
Cho nên tôi nghĩ, dẫu sau 17 năm im lặng và vắng bóng, Văn Quang không hề trở thành xa lạ với người đọc mà vẫn là một tác giả được nhiều người yêu mến. Và tiểu thuyết ông cũng vậy, viết lại 17 năm sau mà truyện dài do Hồng Lĩnh xuất bản ở ngoài nước là tác phẩm đầu tiên.
Theo nhà phê bình Uyên Thao thì các tác phẩm của Văn Quang có thể chia làm bốn thành phần chính. Thứ nhất là mô tả cuộc sống của tuổi trẻ với những Nguyệt Áo Đỏ, Đời Chưa Trang Điểm, Tiếng Hát Học Trò, Nét Môi Cuồng Vọng, Từ Biệt Bóng Đêm… Phần thứ hai là phản ánh đời sống quân ngũ với Chân Trời Tím, Vì Sao Cô Độc, Người Lính Hào Hoa, Người Yêu Của Lính, Ngàn Năm Mây Bay., Phần thứ ba là phản ánh xã hội thực tại thời chiến như Xuôi Dòng, Tiếng Gọi Của Đêm Tối,, và thành phần sau cùng là châm biếm những lề lối thời thượng lố lăng thuộc nhiều lãnh vực sinh hoạt, đặc biệt là các giới làm văn học nghệ thuật như Những Ngày Hoa Mộng, Sài Gòn Tốc.
Về tác phẩm Ngã Tư Hoàng Hôn được in ở hải ngoại trong thể loại phóng sự tiểu thuyết, là một trong những sở trường của Văn Quang. Có người nói rằng so với những tác phẩm được viết từ trước thì Ngã tư Hoàng Hôn có khá hơn nhưng chưa đủ sức vuột trôi khi sa sánh với những cây bút như Vũ Trọng Phụng thời tiền chiến chẳng hạn. Theo tôi, khó mà so sánh giữa hai người cầm bút ở hai thế hệ khác nhau có tâm tư khác nhau và cả đời sống cũng khác biệt nhau một cách sâu xa. Vũ Trọng Phụng có cái nhìn của một người tuy sống dưới chế độ thực dân nhưng đời sống tương đối bình yên và ít có những biến động đời sống tác đông đến nhân vật. Cái hiện thực của ông vẫn pha trộn hư cấu nhiều hơn. Còn ở Văn Quang, đời sống của chính tác giả và cả một xã hội mà ông sống là một cuộc sống bế tắc và tất cả mọi giá trị bị đảo lộn vì những biến cố thời thế. Con người ở trong những cơn lốc xoáy, dù ở bên này hay bên kia, dù trẻ tuổi hay già lão, dù là cán bộ viên chức của chế độ mới hay là những người của chế độ cũ vừa được thả khỏi trại tù, và hình như bị chìm đắm vào trong một bầu khí quyển tối tăm của một thế giam bị xuống cấp tới tận cùng đầy đọa. Những người đã từng sống ở trong nước chắc hiểu rõ những cảnh tình này. Trong diễn tả cuả Văn Quang, hình như chất hiện thực nhiều hơn so với những hư cấu và một xã hội có thực được phác họa lại bằng những chấm phá độc đáo và sâu sắc.
Sau năm 1975, tình trạng xã hội ở Việt Nam càng ngày càng có nhiều vấn đề trầm trọng từ kinh tế đến sự phá sản của đạo đức. Chế độ chính trị độc tài toàn trị đã gây ra bao nhiêu nỗi thống khổ cho dân chúng. Và, con người trong hoàn cảnh ấy cũng bị ảnh hưởng nặng nề theo. Nhà văn Uyên Thao đã viết về “Ngã Tư Hoàng Hôn”:
“qua Ngã Tư Hoàng Hôn, Văn Quang đã phác họa những hậu quả não nề do các chế độ chính trị tạo ra in hằn từ tâm lý cá nhân đến thực tế xã hội để hình thành bức chân dung toàn cảnh về sự dậy dụa trong ngột ngạt tối tăm nhớp nhúa của con người Việt nam sau những biến động lịch sử nối tiếp hơn nửa thế kỷ và cuộc đổi đời 1975. Hậu quả của tất cả những sự kiện đó không chỉ phá nát đời sống về kinh tế của một xã hội mà đã thọc sâu những mũi dao nhọn vào tận tim óc con người gây nên những vết thương tâm tư nhức nhối cho từng cá nhân nhỏ bé không dễ hàn gắn theo năm tháng.
Với Ngã Tư Hoàng Hôn, Văn Quang gần như đã khẳng định tương lai đất nước chỉ là một khoảng trống đen ngòm sau hơn nửa thế kỷ dân tộc phải cắn răng chịu nỗi đọa đày chấp nhận mọi nỗ lực hy sinh và đổ ra không biết bao nhiêu là xương máu.
Từ đây, Ngã Tư Hoàng Hôn cũng là tiếng kêu báo nguy về một xã hội hoàn toàn lạc hướng trong đó con người không còn biết và thê thảm hơn là không thèm biết đâu là Tà đâu là Chính, đâu là phải đâu là trái trong lúc miệt mài lao theo những dẫn dắt của bản năng..”
Văn Quang là một sĩ quan cấp tá của QLVNCH, bị đi tù hơn 12 năm, nhưng không đi mỹ theo diện HO và tình nguyện làm một người ở lại để quan sát và viết về một xã hội mà đối với người Việt hải ngoại còn nhiều bí ẩn gợi óc tò mò. Sự lưa chọn của ông, tới bây giờ ông vẫn thấy không có gì hối tiếc mà còn trái lại nữa. Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi sự lựa chọn trong cuộc đời có số phận riêng mà ông trời đã định. Số phận của Văn Quang là làm một nhân chứng để viết về một xã hội đang tan rã, khi mà tiền bạc trở nên một cứu cánh cho cuộc đời và tất cả các giá trị khác đều trở thành không nghĩa lý và có thể mua bán đổi chác bằng tiền bạc.
Văn Quang viết “Soi bóng Cuộc Tình”, viết ”Sài Gòn-Cali 25 năm gặp lại”, viết “Ngã Tư Hoàng Hôn”, viết “Đỗi Đời“, viết “Lẩm cẩm Sài gòn thiên hạ sự”, Tất cả chỉ với một chủ đích của một người viết lại những biến chuyển của một xã hội mà ông đang sống. Ông tâm sự :
“Ở đây cũng có một số anh em sĩ quan cũ sau khi ở tù ra rồi cũng không đi theo diện HO. Dường như vấn đề kinh tế quyết định tất cả. Hầu hết những người ở lại đều có một cuộc sống tương đối ổn định hoặc có những trở ngại về gia đình, như con cái đã có vợ có chồng rồi không được đi theo… mỗi người một hoàn cảnh.
Mặt khác tôi nghĩ anh em ra đi nhiều rồi tôi muốn ở lại để chứng kiến cho hết, cho đầy đủ những đổi thay. Đời sống lúc đó ở đây bấp bênh rồi chao đảo vì Liên Xô tan rã, vì Đông Âu lập lờ. Cuộc sống “lên voi xuống chó“ quay quắt nếu nhìn như một kẻ ngoài cuộc nó sinh động hơn một sân khấu với đầy đủ bi hài kịch thú vị. Có quá nhiều đề tài mới lạ cho mình ghi nhận. Làm một nhân chứng sống có lẽ hay hơn. Và cũng vì sự “gậm nhấm” của tôi về “người bạn đồng minh” nên tôi quyết định ở lại..”
Tôi đọc Văn Quang, từ những tác phẩm đã xuất bản đến những bài viết đăng tải hàng tuần trên các “web-site”, với sự thích thú của một người trở lại với nơi chốn mà mình đã rời xa hơn 20 năm. Có người hay đi về Việt Nam thường nói rằng thành phố cũ đã thay đổi toàn diện đến nỗi không ngờ và nếu đi về để thơ thẩn tìm kiếm những điều xưa cũ thì thật là khó khăn. Tôi là người hay trân trọng với quá khứ dù mình chỉ là một người bình thường nhưng cũng nếm đủ mùi phong trần từ sau ngày tang thương tháng tư năm 1975. Đọc Văn Quang, như đã về thăm quê hương, một nơi chốn mà mình luôn nhớ về. và từ cảnh, lại chạnh nghĩ đến người, những người của “muôn năm cũ”. Ruộng dâu thành bể xanh, nhưng con người có lúc vẫn cảm khái để ngưỡng vọng về một thời kỳ đã thành một phần cuộc sống mình. Mấy ai, khi nhắc về nơi chốn cũ, về những người đã xa xăm mà không thấy nao lòng. Ở Văn Quang, tôi đọc ông qua tâm cảm ấy…
NGUYỄN MẠNH TRINH
nguồn : Phù Sa Online
===============
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ