Thứ Năm, 21 tháng 4, 2022

đọc thêm (3) : " Làng Báo Chí Việt Nam [ Việt Nam Cộng Hoà ] " / Thanh Thương Hoàng / Mỹ -- source : Thanh Thương Hoàng Blog >

 thanhthuonghoang@thanhthuonghoang.com

LÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM

Phu Nhân TT Nguyễn Văn Thiệu đặt viên đá đầu tiên xây cất LÀNG BÁO CHÍTrước khi vào bài tác giả xin có đôi lời

Cách nay hơn tháng tôi được một cô cháu ở Saigon gửi cho mấy bản photo trong cuốn sách "Địa Chí Văn Hóa Thành Phố Hồ Chí Minh tập 2: "văn học, báo chí, giáo dục" do Nhà xuất bản Thành phố HCM xuất bản năm 1985. Trên đầu bìa sách có hàng chữ "Kỷ niệm 300 năm Saigon - Thành phố Hồ Chí Minh". Cuốn sách này do Trần Bạch Đằng và vài người nữa "biên khảo". Nhận thấy đây là một cuốn sách viết nhiều điều bịa đặt, xuyên tạc báo chí VNCH trong đó có đề cập tới Làng Báo Chí của chúng tôi. Là người sáng lập Làng Báo Chí Việt Nam nên tôi chỉ đề cập tới những gì họ viết liên quan tới việc xây dựng Làng Báo Chí Việt Nam - mà Nhà Văn Hoàng Hải Thủy trong một bài viết mới đây đăng trên tuần báo SAIGON NHỎ số 1238 ngày 14.8. 2015 đã viết: " Trên thế giới không quốc gia nào có cái làng riêng của những người làm báo. Làng Báo Chí có được là công của ký giả Thanh Thương Hoàng, nguyên chủ tịch Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam".

Trong cuốn sách của CS có 2 trang đề cập tới Làng Báo Chí (trang 608 và 609). Sau khi bịa đặt những việc không hề có như những hoạt động (tưởng tượng) lũng đoạn phá rối làng báo Saigon và nêu cao "thành tích" chống VNCH của bọn văn nô hạng bét. Họ huênh hoang phét lác là có gần 20 tờ báo của họ hoạt động (công khai) chống chính quyền VNCH. Khôi hài nhất là trong việc kê tên những tờ báo (mà họ tự nhận của họ) lại ghi luôn cả tên những tờ báo chống cộng của chính phủ VNCH (Bộ Thông Tin) xuất bản như tờ VĂN HỮU và những tờ như Đời Mới, Văn Đàn, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Tiểu Thuyết Thứ Bẩy,(2 tờ này tôi cộng tác thường xuyên)... do những người chống cộng chủ trương. Theo tôi biết thì chủ nhiệm chủ bút tờ Văn Đàn nguyên là công chức Phủ thủ tướng CP Trần Thiện Khiêm. Còn tờ Đời Mới của cụ Trần Văn Ân đóng cửa từ thời TT Ngô Đình Diệm. Tôi xin trích một đoạn bọn bồi bút viết vế Làng Báo Chí nguyên văn như sau: "Trần Thiện Khiêm thấy thua (thua CS về "mặt trận báo chí - TTH chú thích) vội vàng cho thành lập Nghiệp Đoàn Ký Giả VN nhằm gây chia rẽ hàng ngũ báo giới giao cho bọn Thanh Thương Hoàng và cấp đất lập Làng Báo Chí ở xa lộ Saigon - Biên Hòa. Ký giả nào gia nhập NĐKGVN đều đươc cấp nền nhà...... Nhưng chỉ có ký giả các báo Chính Luận , Tự Do, Ngôn Luận, (2 báo này chết từ khi NĐKGVN chưa thành lập) phóng viên Đài phát thanh, Việt Tấn Xã mà mọi người đều biết đó là loại ký giả Nhà Nước, các ký giả chuyên nghiệp không ai bị mua chuộc...". Và đám bồi bút này còn dựng đứng việc CIA cho tiền xây cất Làng Báo Chí nhằm tập trung giới báo chí văn nghệ sỹ vào một nơi (như ấp chiến lược) để dễ dàng mua chuộc, chỉ đạo cũng như đàn áp . Để tránh những hiểu lầm tệ hại trong việc thành lập Làng Báo Chí do bọn bồi bút CS xuyên tạc bịa đặt, tôi không ngần ngại khi nói từ ý tưởng khởi đầu đến việc thực hiện xây dựng Làng Báo Chí hoàn toàn là do cá nhân tôi. Vậy tôi xin đăng tải bài Làng Báo Chí Việt Nam dưới đây từ khởi thủy đến khi hoàn thành để làm sáng tỏ sự việc.

1

Trong nỗi đau chung mất nước, anh em Nhà Báo chúng tôi có thêm nỗi đau riêng mất Làng! Làng của chúng tôi tuy không có "cây đa cao ngất từng mây" ở đầu Làng, cũng không có lũy tre xanh hay hàng Dừa vây quanh nhưng đó là những ngôi nhà xinh xắn thân thương do tim óc, công sức chúng tôi tạo ra trong mấy năm trời với bao gian nan vất vả. Chúng tôi rất hãnh diện về Làng của mình vì ít ra những người cùng hành một nghề như chúng tôi được quây quần chung sống bên nhau để nương tựa đùm bọc và bảo vệ nhau trong nghề nghiệp cũng như cuộc sống. Làng cuả chúng tôi cứ thế theo thời gian, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước đưa con thuyền Báo Chí Việt Nam tiến bước cùng thời đại để dẫn dắt dư luận phục vụ đất nước. Nhưng quả trời chẳng chiều lòng người, Ngày 30 tháng Tư năm 1975 như một trận đại hồng thủy quét đi tất cả những gì tốt đẹp của hiện tại và mộng ước của tương lai. Làng Báo Chí chúng tôi tan tác theo vận nước. Tuy nhiên trải qua một cuộc bể dâu, chìm đắm trong cơn bão tố thời đại, Làng Báo Chí bị thay đổi chủ nhưng cái tên "Làng Báo Chí" vẫn còn. Và có lẽ Làng của chúng tôi vẫn còn tồn tại mãi cùng thời gian. Đó phải chăng là niềm an ủi cho người viết những dòng chữ này? Mới đấy mà nửa thế kỷ đã trôi qua...

Sau khi tôi được bầu làm Chủ Tịch Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam vào năm 1969, (trước đó tôi làm Tổng Thư Ký) có một anh bạn tuy mang danh ký giả nhưng thực sự là dân "áp phe" trà trộn trong làng báo kiếm ăn, quen biết rất nhiều giới chức chính quyền đương thời, đến nhà thăm tôi. Thấy căn nhà tôi ở khiêm tốn trong một hẻm nhỏ Khu Trương Minh Giảng, anh nói: " Xin lỗi anh, với địa vị Chủ tịch báo chí khi cần tổ chức tiếp tân thì chỗ này hơi chật chội, bất tiện!". Tôi gật đầu đồng ý với anh: "Nhưng biết làm sao hơn với số lương hàng tháng của tôi chỉ đủ nuôi sống gia đình. Có được căn nhà thế này là ổn rồi". Anh ta cười to: "Tại anh không biết khai thác chỗ ngồi của mình thôi… Anh đang ngồi trên đống bạc đấy!". Tưởng anh bạn mồi chài tôi vào một "áp phe" - mà tôi vốn không ưa trò này - định kiếm cách thối thác thì anh nói tiếp: "Anh muốn có một căn nhà của Tổng Cục Gia Cư dành cho viên chức cao cấp Nhà Nước không?". Tôi dè dặt: " Muốn thì rất muốn, nhưng tôi không phải viên chức Nhà Nước". Trước khi ra về anh bạn bắt tay tôi hứa hẹn: "Tôi hy vọng có thể vận động giúp anh được mua một căn nhà tốt đẹp". Tôi cho rằng anh bạn chỉ nói câu chuyện làm quà hoặc đang có ý định nhờ cậy việc gì đó nên tôi chỉ ừ hử cho qua, không hề có chút quan tâm hay hy vọng về căn nhà dành cho công chức cao cấp. Bất ngờ, khoảng một tuần sau, anh bạn trở lại với một tập hồ sơ bảo tôi điền tên và ký đơn xin vì "Ông Sếp Gia Cư đã đồng ý dành cho anh một căn biệt thự song lập đang xây cất bên đường Trương Minh Ký". Tôi nghe mà sửng sốt. Không thể tin việc xin một căn nhà dành cho viên chức cao cấp Nhà Nước đối với tôi lại dễ dàng và nhanh chóng như vậy. Tôi hỏi: "Này chỗ anh em tôi hỏi thật, anh không đùa đấy chứ?". Tức thì anh ta trợn mắt, làm nghiêm: "Đàn anh coi khinh tôi quá. Bộ tôi tới số rồi hay sao mà lại đi đùa với lửa! Tôi đã nói là anh đang ngồi trên đống bạc mà! Bây giờ anh điền đầy đủ hồ sơ, ngày mai tôi tới lấy đem nộp cho họ". Với tâm trạng phấn khởi, chiều Thứ Bảy tuần đó tôi lái xe đưa vợ con đến các khu biệt thự song lập mới cũ trong Thành phố dành cho viên chức cao cấp Nhà Nước để coi và ... bàn tán mơ ước!

Buổi chiều hôm sau, Chủ Nhật, Saigon trời rất nóng nực, tôi đưa vợ con ra xa lộ tìm chút gió mát. Khi qua bên kia dốc cầu Saigon nhìn thấy phía bên trái, sâu vào trong khoảng sáu bẩy trăm thước, có rất nhiều căn biệt thự mái đỏ hình như đã có từ lâu mà tôi không biết. Tôi liền cho xe rẽ vào. Hỏi thăm mới biết đó là cư xá Ngân Hàng quốc gia dành cho các Sếp. Mỗi nhà một kiểu kiến trúc khác nhau rất đẹp và sang trọng. Vườn hoa quanh mỗi nhà rộng khoảng mấy trăm thước vuông và lối đi xinh xắn trải sỏi trắng có cỏ mọc hai bên. Vợ con tôi tỏ ra mê những căn biệt thự này lắm. Tôi chợt nhớ tới "Làng Đại Học" Thủ Đức, nơi tôi được người bạn Giáo sư đại học cho ở nhờ một thời gian. Lập tức trong đầu tôi nẩy ra một ý tưởng "Tại sao ta không lập một Làng Báo Chí?". Tôi cho xe chạy vòng vòng trên các con đường nhỏ trải nhựa, thăm khắp các khu cư xá Ngân Hàng quốc gia. Có đến dăm bẩy chục căn biệt thự "mọc" hai bên đường.

Thế là việc lập Làng Báo Chí cứ ám ảnh tôi suốt buổi chiều hôm đó. Trời đổ tối, trên đường trở về thành phố tôi ghé lại nhà anh bạn Thái Linh (cũng làm chung tòa báo Chính Luận với tôi). Anh Thái Linh hơn tôi cả tuổi đời lẫn tuổi nghề. Anh là một nhà báo có tài, đọc rộng biết nhiều. Tôi thường hỏi ý kiến anh những việc quan trọng. Anh rất vô tư và thẳng thắn khi phát biểu quan điểm. Nghe tôi nói ý định lập Làng Báo Chí, anh cười nói ngay: "Với cá nhân, tôi rất tán thành và tôi nghĩ sẽ có rất nhiều anh em khác cũng vỗ tay hoan nghênh việc làm của ông, vì chúng ta là dân ABC, đều mơ ước được làm chủ một căn nhà khang trang mà cả chục năm nay chưa có được. Nhưng….riêng về phiá ông, tôi phải nói trước để ông chuẩn bị tinh thần. Ông phải có đủ can đảm chiụ đựng và quyết tâm mới được. Thiên hạ sẽ xúm lại "chơi" ông, "đánh đấm" ông tơi bời! Vinh thì ít mà đau và có thể cả nhục nữa thì nhiều lắm đấy!". Tôi nói tôi đã biết rõ sự đời như vậy, nhất là khi làm một việc gì có tính cách chung lợi ích cho xã hội sẽ lãnh rất nhiều sấm sét búa rìu dư luận (xuyên tạc,bôi nhọ). Tôi sẵn sàng chấp nhận những điều tệ hại nhất, miễn sao có một cái Làng cho anh em cầm bút sống quây quần bên nhau. Thấy tôi cương quyết, anh Thái Linh nói: "Vậy thì ông cứ mạnh dạn tiến bước. Tôi sẽ là người ủng hộ ông hết mình"! Và tiếp đó là anh Tô Ngọc, cũng trong toà soạn Chính Luận, hết lời bàn vào. Hai anh đã cho tôi thêm ý chí và quyết tâm.

2

Tôi mời anh bạn "ký giả áp phe" tới trụ sở Nghiệp Đoàn Ký Giả V. N. Anh ta thông báo với tôi là Tổng Cục Gia Cư đã chấp thuận cho tôi được mua trả góp một ngôi nhà thuộc loại biệt thự song lập mới xây ở khu vực đường Trương Minh Ký, và anh ngỏ lời chúc mừng tôi. Tôi cám ơn anh bạn tốt bụng và nói rằng tôi không mua nhà trả góp nữa mà muốn lập Làng Báo Chí nhờ anh ta giúp. Anh ta lúc đầu có vẻ ngạc nhiên, nhưng sau vì nể nang tôi nên hứa hẹn sẽ tiếp xúc với ông Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Gia Cư lúc đó là kiến trúc sư Tôn Thất Đỗng để hỏi. Mấy ngày sau Tổng Cục Trưởng TCGC mời tôi đến gặp ông tại văn phòng và cho biết Chính Phủ không có quy chế cho các Đoàn thể, Hiệp hội hay tư nhân vay tiền. Số tiền cho mỗi gia đình công chức vay là 300.000 đồng trích từ quỹ tiền bán vé số kiến thiết quốc gia. Công chức vay tiền sẽ được khấu trừ dần vào lương hàng tháng trong vòng 12 năm. Đó là kiểu nhắm người có thóc mới cho mượn gạo. Phải nắm "thằng có tóc" chứ cho tư nhân vay thì coi như vớ phải "thằng trọc đầu" làm sao đòi được nợ! Thực tế rất ít người được vay tiền mặt, nên Tổng Cục Gia Cư dùng số tiền này xây cất các cư xá kiến thiết rồi bán trả góp cho các công chức, trả hàng tháng trong 12 năm (tất nhiên chúng tôi cũng phải theo điều lệ này). Tôi chưa kịp thất vọng thì ông Đỗng nói ngay: "Tuy nhiên với thế lực báo chí cuả các ông, tôi nghĩ các ông có thể xin Thủ Tướng hay Tổng Thống chấp thuận". Ông chỉ dẫn tôi làm thủ tục đầu tiên là phải thành lập Hợp Tác Xã Kiến Ốc rồi xin Tòa Đô Chánh cấp giấp phép. Tôi đến tiếp xúc với ông Chánh Sở Hợp Tác Xã Kiến Ốc Tòa Đô Chánh. Ông này người Nam tính tình cởi mở vui vẻ. Nghe tôi trình bày ý định, ông cất tiếng cười lớn: "Ông Chủ Tịch Báo Chí ơi, nếu ông cho phép khuyên ông một điều thì tôi sẽ nói với ông là hãy dẹp bỏ ý định này đi!". Tôi ngạc nhiên đến sửng sốt nhìn ông. Ông hiểu ý nói tiếp: "Hiện nay trong cái tủ ở góc phòng kia kìa, có chứa hơn 100 hồ sơ Hợp Tác Xã Kiến Ốc đã được cấp giấy phép từ 10 năm nay rồi nhưng đều còn nằm yên trên giấy!". Chừng như để tôi tin hơn, ông tiếp: "Ngay như Hợp Tác Xã Kiến Ốc của Tòa Đô Chánh đây, đã có đất, đã được Nhà Nước cho vay hơn 100 triệu đồng mà sáu năm rồi vẫn chưa xây cất nổi cái nhà!". Nhưng trước sự quyết tâm cuả tôi, ông không ngăn cản nữa. Ông đưa tôi cả xấp hồ sơ dầy để làm thủ tục thành lập Hợp Tác Xã Kiến Ốc. Ông nói mát: "Nếu ông xây dựng được Làng Báo Chí tôi sẽ tôn ông làm sư phụ".

Với tư cách Ban sáng lập, từ lúc mở đại hội bầu Ban Quản Trị, nộp đơn xin phép cho đến khi nhận được giấp phép do Toà Đô Chánh cấp phải mất 7, 8 tháng. Sau đó tới việc mua đất thế chấp cho Nhà Nước để mượn tiền của Tổng Cục Gia Cư. Đây là điều kiện bắt buộc. Việc mua đất này đã làm tôi điên đầu mấy tháng liền mất ăn ngủ muốn bỏ cuộc, dẹp luôn rồi muốn ra sao thì ra. Chủ đất bắt đặt cọc 10% để làm giấy hứa bán. Tôi yêu cầu anh em ký giả mỗi người đóng khoảng mươi ngàn đồng để có đủ số tiền trên 3 triệu (thửa đất trị giá hơn 30 triệu). Vì số tiền không lớn nên anh em sốt sắng đóng ngay. Giao tiền cọc cho chủ đất xong, hai bên ký kết hợp đồng mua bán đất. Trong thời hạn 3 tháng chúng tôi phải trả hết tiền để chủ đất làm giấy đoạn mãi. Tôi yên chí trong thời gian 3 tháng anh em ký giả thừa sức xoay sở để có đủ số tiền trên 100.000 đồng. Nhưng đa số anh em ký giả lương tháng chỉ đủ ăn hoặc dư chút đỉnh dẫn vợ con đi chơi. Thông cáo đăng báo cả tháng trời chỉ có hai, ba mươi người tới đóng tiền. Sau 3 tháng hết thời hạn cam kết với chủ đất cũng chưa được trăm người đóng, tức mới được hơn 10 triệu. Nài nỉ mãi chủ đất mới chịu gia hạn thêm tháng nữa. Lại một tháng nhanh chóng trôi qua cũng chỉ có thêm một vài người đóng. Lần này nếu chúng tôi không có đủ tiền coi như vi phạm hợp đồng sẽ mất luôn tiền đặt cọc! Đến ngày thứ 29, lại nhằm vào ngày Thứ Bẩy, các cơ sở công tư chỉ làm việc tới 4 giờ chiều, trong lúc vùng vẫy trên bước đường tuyệt vọng, tôi chợt nhớ tới một ông bạn quen thân làm chủ Ngân Hàng. Lúc đó đã gần trưa, tôi cùng anh bạn Thủ qũy Nghiệp Đoàn đến văn phòng ông ta gõ cửa. Ngân hàng này mới khai trương được ít lâu nên đang cần nhiều thân chủ. Sau khi đưa giấy tờ và trình bầy dài dòng ý muốn cũng như nài nỉ ông ta giúp đỡ, ông ta lừng khừng nói: "Các anh cứ về đi, tôi sẽ cho nghiên cứu và trả lời sau". Tôi túm lấy áo ông ta như ăn vạ và nằng nặc đòi phải giải quyết ngay. Vì tôi chỉ còn mấy tiếng đồng hồ phù du, nếu không giải quyết xong coi như mất hơn 3 triệu đồng, tôi lấy đâu ra tiền trả anh em ký gỉa. Tất nhiên địa vị tên tuổi tôi cũng xụp đổ theo sự việc này. Có lẽ ông chủ Ngân Hàng cũng xúc động trước những lời lẽ thống thiết của tôi. Nhất là đã nhìn thấy giấy quyết định của Nhà Nước chấp thuận cho vay tiền sau khi hoàn tất thủ tục, ông hứa gặp lại 3 giờ chiều cùng ngày để giải quyết và tôi (theo điều kiện) phải dẫn theo ông Quản lý Nhật Báo Chính Luận Đỗ Văn Nguyện ký giấy bảo đảm. Chưa đến 3 giờ chiều, tôi, anh bạn Thủ qũy và ông Quản lý Nhật Báo Chính Luận đã có mặt tại trụ sở Ngân Hàng X. Ông chủ Ngân Hàng lại trở chứng một lần nữa. Tôi chỉ còn thiếu điều qùy lạy ông ta và phải chấp nhận rất nhiều điều kiện ông ta đưa ra mới xong. Khi hoàn tất thủ tục và ký kết giấy tờ vay tiền vừa đúng hết giờ làm việc nhưng ông Tổng giám đốc Ngân hàng Á châu (bảo lãnh) vẫn chờ tôi. Thật hú vía! Bây giờ nghĩ lại giây phút đó tôi vẫn còn rùng mình. Ông Ngô Khắc Tỉnh, Tổng Trưởng Thông Tin lúc ấy, mặc dù việc này không nằm trong phạm vi quyền hạn của ông, ông vẫn sốt sắng giúp đỡ, tự tay cầm hồ sơ của chúng tôi lên xin Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm phê chuẩn. Chúng tôi dự trừ nếu Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm không cho, sẽ lên Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Rất may, chỉ vừa đến cửa ải Thủ Tướng, chúng tôi đã đạt kết qủa như ý. Nhưng từ lúc được Thủ Tướng phê chuẩn cho tới khi nắm được tấm chi phiếu 875.000.000 đồng tiền vay trong tay, (mỗi người được vay 300.000đ như mọi người) chúng tôi còn phải qua nhiều cửa ải khác từ cấp Sở tới cấp Bộ như Bộ Công Chánh. Đến bất cứ cửa ải nào cũng đều gần như bị sứt đầu mẻ trán, vô cùng khốn đốn và căng thẳng tới nỗi nhiều phen tôi phẫn chí muốn phát điên! Chưa bao giờ tôi hay nổi nóng như thời điểm này!

3

Khu đất xây cất Làng Báo Chí nằm bên cạnh cư xá Ngân Hàng Quốc Gia, ở phía trong sát bờ sông Saigon. Theo quy định Nhà Nước, vùng này chỉ dành xây cất biệt thự. Với 300.000 đồng Nhà Nước cho vay, không đủ xây một căn nhà trệt thường, anh em ký giả đa số đều không giầu lấy đâu ra tiền để xây biệt thự?!. Khu đất, đúng ra là khu ruộng nước đang cấy lúa sâu gần 2 mét, chỉ rộng khoảng 6 hecta mà có đến hơn 500 người (đoàn viên) nộp đơn xin cấp nhà, quả là một bài toán nan giải. Sau khi lọc bớt những ký giả có "máu mặt" (họ có tiền bạc khá hơn số đông một chút) danh sách còn lại trên 300 gia đình (có thể vì việc lọc bớt này mà sau đó tôi đã bị một số đồng nghiệp (đoàn viên) không được nhà "đánh" tơi bời trên báo?). Ngoài bạn đánh, lại còn bị nông dân địa phương trồng lúa trên khu đất tự chiếm "đấm" bằng cách vác gậy gộc dao búa canh giữ ruộng và vác đơn đi kiện cáo thưa gởi "phá" chúng tôi mấy tháng liền với Tổng Liên Đoàn Lao Công. Tôi phải điều đình và nộp tiền bồi thường bạc triệu cho ba mùa lúa họ mới chịu ngưng. Rồi cũng chính những nông dân này sau đó xin tôi làm phu hồ xây cất Làng Báo Chí (tất nhiên họ tỏ ý hối hận và xin lỗi tôi). Không thể xây cất những căn biệt thự như tôi mong muốn và mơ ước tưởng tượng, tôi đành làm từng dẫy nhà trệt. Để qua mặt ông Nhà Nước cấp giấp phép xây cất, chúng tôi phải thiết lập các sơ đồ kiến trúc giả với những căn nhà tứ lập, gồm hai căn phía trước đâu lưng với hai căn phía sau. Khi xây cất xong, nếu ông Nhà Nước có phát giác thì cũng huề. May mà chính quyền địa phương nể báo chí nên họ không xâm soi làm khó dễ hay trình báo thượng cấp gì cả. Thực hiện việc đổ đất và san lấp mặt bằng xong, tôi mời phu nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đỡ đầu Làng Báo Chí. Bà Thiệu đến chủ tọa lễ đặt viên đá đầu tiên xây cất Làng. Cùng đi với Bà Thiệu có phu nhân Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm và khá nhiều các bà lớn khác. Ngoài một số Tướng Tá, tôi còn nhớ có ông Đại Sứ Đại Hàn, các tùy viên Văn Hóa, Báo Chí Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nhật, Đài Loan cùng tới dự. Sau buổi lễ, chúng tôi bày ra việc ký sổ vàng. Bà Thiệu cho một triệu đồng, bà Khiêm nửa triệu, còn những bà khác đều cho một vài trăm ngàn đồng. Khi tiễn Bà Thiệu ra trực thăng, bà có vẽ thích thú nói với tôi chưa bao giờ bà dự một buổi lễ vui vẻ và thân mật như thế nầy.

4

Vì mải mê thực hiện để sớm hoàn tất Làng, đồng thời phải chạy đua vì vật giá ngày một leo thang làm cho đồng tiền mất giá, chúng tôi đã quên mất một điều căn bản vô cùng quan trọng là phải thực hiện hạ tầng cơ sở trước khi khởi sự xây cất nhà cửa! Hạ tầng cơ sở nói ở đây là đường sá, cống rãnh thoát nước. Lại thêm một khó khăn nữa là toàn bộ hơn 300 căn nhà đều không có điện nước thì làm sao sống! Tôi phải "chạy" đến gõ cửa Bộ Công Chánh, Công ty điện lực, Sài Gòn Thủy cục. Những cơ quan này đều niềm nở tiếp đón chúng tôi và sẳn sàng giúp đỡ hết mình. Nhưng khi nhìn bản thiết kế cơ sở hạ tầng, số tiền thực hiện còn lớn hơn tiền xây cất Làng nên chúng tôi đều nhìn nhau thở dài! Tôi triệu tập ban Quản Trị họp tìm phương cách để "đối phó với tình thế". Một vài kế hoạch táo bạo được đề ra: trộm điện và nước cuả Nhà Nước! Thật chẳng đặng đừng nhưng biết làm sao hơn! Chúng tôi đã liều lĩnh làm những việc phi pháp ít ai dám làm: nửa đêm kéo nhau ra đào (lề) đường (phía bên hông cư xá Ngân Hàng Quốc Gia) rồi đục ống dẫn nước lớn của Sài Gòn Thủy Cục để bắt vào ống dẫn nước nhỏ vào Làng, cung cấp nước miễn phí cho toàn dân Làng trong cả năm trời mới bị phát giác! Khi bể chuyện, tôi phải chạy vạy năn nỉ vất vả lắm với "ông cấp nước" mới thoát cảnh vác chiếu hầu Tòa.

Về điện cũng vậy, chúng tôi cũng tự động mua và dựng lên những hàng cột điện cao nghều nghệu rồi thuê ngay chính công nhân "nhà đèn" bắt điện xài chùa. Và khi bị phát giác lại đi năn nỉ "ông nhà đèn" tha tào! Sau đó còn chuyện nửa đêm anh em ký giả "hành quân" lấn chiếm đất đai bằng cách rỡ rào kẽm gai và cắm lại cọc mốc ranh giới, cướp không hàng trăm thước đất của cư xá Ngân Hàng quốc gia làm con đường chính cho Làng Báo Chí! (Vì đất dành làm đường của chúng tôi qúa nhỏ không đủ để xe hơi qua lại). Tôi không hiểu sao những việc làm phi pháp như thế mà chúng tôi vẫn được các quan nhà giầu (ông bạn láng giềng bất đắc dĩ của chúng tôi - cư xá Ngân Hàng quốc gia) bỏ qua rồi lại còn mời tôi đến trụ sở Ngân Hàng ở Bến Chương Dương gặp ông Sếp lớn làm thủ tục đúng lệ bộ và ký kết để hợp thức hóa chỗ đất (chúng tôi) ăn cướp. Thế là chúng tôi không mất đồng nào mà có được con đường rộng 5 mét. Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy bàng hoàng về cái sự liều lĩnh bạt mạng của anh em ký giả trong Làng Báo Chí. Toàn những "tội" tầy đình! Xin cám ơn ông bạn láng giềng Ngân hàng quốc gia tốt bụng rộng lượng.

5

Anh em ký giả rất muốn đem gia đình về Làng an cư nhưng họ lại lo ngại vấn đề an ninh. Họ sợ đêm hôm bọn du kích mò tới hãm hại, bắt cóc, vì lúc ấy ngoài xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa còn hoang vắng lắm. Để trấn an thiên hạ, tôi phải bán căn nhà trong thành phố và tiên phong dọn về Làng ở. Có một vài anh bạn làm theo tôi. Rồi dần dần thấy chẳng có gì xẩy ra, anh em ký giả lần lượt dọn về Làng. Tôi phải nói thêm là ngoài anh em ký giả làm báo Việt ngữ (hầu như tất cả ký giả của các báo không phân biệt Bắc Nam ở Saigon và các tỉnh nữa) Làng còn có các Nhà Văn, Nhà Thơ, Họa sĩ, Phóng viên Đài phát thanh, Truyền hình, các ký giả làm cho các Báo và các Hãng Thông tấn ngoại quốc.

Trong Làng có một chợ nhỏ bán đủ các thứ thực phẩm, vài ba cửa hàng tạp hóa, lại còn có cả một hai quán cà phê nhạc nho nhỏ. Mọi sinh hoạt trong Làng rất thân thương, đầm ấm tình anh em đồng nghiệp. Mỗi tất niên, tân niên đều có tổ chức lễ lạc và liên hoan văn nghệ, ăn uống tiệc tùng rất xôm tụ. Có cả đội múa lân trống chiêng ầm ĩ đến chúc mừng từng nhà. Ngoài ra Làng cũng lập một Trường tiểu học công mang tên "Hàn Thuyên" gồm 5 phòng dạy từ lớp 1 đến lớp 5. Ông Tổng Trưởng Văn Hóa Giáo Dục Ngô Khắc Tỉnh tới cắt băng khai mạc năm học đầu tiên và trồng cây phượng lưu niệm trước cổng trường. Cây đó sau này lớn lắm. Khi tôi đi tù cải tạo về người ta đã chặt làm củi. Trong lúc tôi đang lo xây dựng một Câu Lạc Bộ Văn Hóa có cả sân khấu trình diễn ca nhạc kịch và đã được nhiều nhà hảo tâm trong chính quyền cũng như tư nhân hứa giúp đỡ. Công việc đang tiến hành tốt đẹp thì ngày 30 tháng 4 năm 1975 ập xuống...!

6

Vào những ngày giữa tháng 4 năm 1975, khi Long Khánh rơi vào tay Cộng Sản rồi, tôi cho lập đội Nhân dân tự vệ Làng. Súng gồm 50 khẩu loại carbin M1 do Tòa Tỉnh Gia Định cấp. Số súng này từ lâu bỏ trong kho đã bị sét rỉ, còn đạn thì đến hơn 2/3 bị ngấm nước. Đội Nhân dân tự vệ Làng gồm toàn học sinh trai trẻ từ 16, 17 tuổi là con em ký giả trong Làng. Các em được một hai binh sĩ địa phương quân do Phường cung cấp, huấn luyện cấp tốc cách sử dụng súng. Làng cũng cho làm chòi canh, đắp ụ đất và chia phiên canh gác tuần phòng suốt ngày đêm. Bọn trẻ tỏ ra thích thú làm công việc "ăn cơm nhà vác súng M1" của quan đầu Tỉnh cấp cho lắm. Chúng đâu biết là đang đùa giỡn với tử thần!

Ngày 28.4.1975 các trận đánh nhau tràn vào khu xa lộ, đám nhí Nhân dân tự vệ Làng bỏ súng đạn để theo gia đình chạy vào Thành phố. Tôi phải thuê anh đổ rác trong Làng cùng tôi đi thu nhặt súng đạn lại. Trong lúc cuống cuồng không biết giấu súng đạn vào chỗ nào, tôi cho cất lên trần nhà của mình. Thật là một việc làm dại dột, tự rước hoạ vào thân! May mà buổi tối hôm đó, anh đổ rác - có lẽ cảm cái ân tình của tôi dành cho anh trước đây - đã tự động đến nhà cùng tôi lén chuyển tất cả số súng đạn kia đem vứt xuống sông. Nhà tôi ở sát bờ sông Sài Gòn, chỉ qua cái sân cỏ là tới bờ sông, thế mà việc khiêng súng đi vất sao thấy xa vời vợi! Cả nhà tôi, kể cả đứa con gái út mới 6 tuổi cũng phải tham gia công việc "giải trừ vũ khí" nầy. Phải mất gần hai tiếng đồng hồ chúng tôi mới hoàn tất.

7

Buổi sáng 29.4.1975 tôi và vài anh em ký giả ở lại Làng còn kéo nhau đi mua thuốc lá, nước ngọt, bánh mì tiếp tế cho anh em binh sĩ Nhảy Dù đóng quân phía ngoài Làng. Bất ngờ Cộng Sản nã vài quả đạn súng cối vào Làng làm mấy người bị thương. Trong số nầy có cụ bà thân mẫu Nhà văn Lý Hoàng Phong (Chủ nhiệm Tạp chí Thế Kỷ 20) bị thương nặng. Tôi đưa xe của tôi nhờ anh bạn giáo sư, ký giả Nhật Báo Chính Luận Nguyễn Sỹ Yên lái tải thưong đến Bệnh viện Bình Dân cấp cứu nhưng tới nơi cụ bà đã từ trần. Thế là cả Làng nhốn nháo hẳn lên. Một số nhà có sẵn xe hơi chở gia đình chạy vào Sài Gòn. Số còn lại không hiểu sao lại kéo tới tập trung tại nhà tôi. Có lẽ họ nghĩ rằng nhà tôi ở cuối Làng, cạnh bờ sông Sài Gòn nên an toàn hơn chăng! Đến buổi trưa thì chính dân Làng khuyến cáo tôi nên đưa gia đình vào Sài Gòn vì lúc đó các binh sĩ Dù đã rút lui và đám du kích Việt Cộng đã xuất hiện trên nhiều đường bên khu cư xá Ngân Hàng quốc gia. Chắc chắn nếu tôi ở lại sẽ gặp nguy hiểm hơn những cư dân khác trong Làng. Tôi và gia đình rời Làng vào khoảng hơn 1 giờ trưa. Trên đường di tản, có một Thiếu Úy Dù rất trẻ còn mang súng lục nơi thắt lưng vẫy tay xin quá giang vào Thành phố.

Ngày 30.4.1975, có hai gã mặc đồ bộ đội mang dép râu đội nón cối tới "tiếp quản" Làng Báo Chí. Họ tập trung số dân Làng còn lại để "giải thích đường lối chủ trương của cách mạng". Việc đầu tiên, một gã bộ đội mở sổ tay coi rồi gọi lớn tên tôi. Dân Làng bảo "đi mất tiêu rồi!". Lúc đó không khí hoang mang, sợ hãi, bắt bớ, trả thù bao trùm cả Thành phố nên ai được "cách mạng" ưa ái hỏi thăm thì coi như "sổ đoạn trường" đã có tên! Công việc của hai gã bộ đội nầy là kiểm tra dân số trong Làng và thành lập "Ban đại diện lâm thời" của Làng. Ký giả nằm vùng Nguyễn Vạn Hồng bút hiệu Cung Văn đứng ra thành lập "Ban Hội Tề" - theo cách gọi lén của anh em Làng Báo Chí.

Nguyễn Vạn Hồng là phóng viên Việt Tấn Xã của VNCH có nhiệm vụ đi theo sát cánh để viết tin tức về Tổng Thống Thiệu, và còn làm phóng viên cho nhật báo Dân Luận, phụ trách mục "Thơ Chua" trên báo "Điện Tín" (sau nầy nghe nói y là một Thiếu Tá thuộc ngành an ninh của Tổng Cục An Ninh Hà Nội). Nguyễn Vạn Hồng đã dựng Phạm Ngọc Lễ, nhân viên phát hành báo Saigon Post, lên làm Trưởng Ban. Dân Làng sợ Lễ và Nguyễn Vạn Hồng còn hơn sợ hai gã bộ đội bám trụ tại Làng Báo Chí để phụ trách an ninh và "thực thi đường lối chính sách của đảng và nhà nước". Trong việc "thực thi đường lối chính sách của đảng và nhà nước", hai gã bộ đội đã "thực thi" luôn cả việc gạ gẫm tán tỉnh rồi cưỡng hiếp đàn bà con gái trong Làng, làm cho một số gia đình tan nát! Còn Phạm Ngọc Lễ chạy theo voi hít bã mía rốt cuộc cũng chẳng được gì lại suýt bị tống giam nên mấy năm sau đã tìm cách vượt biên. Nghe đâu hiện nay Lễ đang sống tại Úc.

8

Một thời gian sau khi mọi sinh hoạt cuả Thành phố gần như trở lại bình thường dưới sự cai trị của lớp người mới, tôi được dân làng nhắn về Làng vì có việc "cần gấp quan trọng". Lúc đó, vợ con tôi đã trở lại Làng, chỉ riêng mình tôi là còn ẩn náu nơi nhà ông bạn thân ở trong Thành phố. Để tôi được yên tâm về Làng. Ban Hội Tề còn yêu cầu vợ tôi đi "đem" tôi về và nói là "đừng có lo sợ gì hết" vì "các anh ấy đã bảo đảm như vậy". Thì ra Ban Hội Tề đã nhận được một văn thư của Nhạc sĩ Việt Cộng Lưu Hữu Phước lúc bấy giờ là Bộ Trưởng Thông Tin Văn Hóa trong Chính phủ Lâm Thời Miền Nam, gởi cho tôi với tư cách Chủ Tịch Hợc Tác Xã Kiến Ốc Làng Báo Chí. Nội dung văn thư lời lẽ khá lịch sự thưa gởi đàng hoàng, muốn tôi cho biết về tình trạng nhà cửa trong Làng hiện nay ra sao, nhất là còn bao nhiêu căn bỏ trống chưa có người ở hoặc đã di tản ra nước ngoài. Qua nội dung văn thư, tôi biết ông Lưu Hữu Phước muốn chiếm đoạt nhà trong Làng Báo Chí để cho nhân viên cuả Bộ ông ta về ở.

Trên đường về lại Làng xưa, tôi đạp chiếc xe cũ rích mới xin được của một người bạn. Lòng tôi vẫn còn ngần ngại phấp phỏng lo âu hồi hộp trên mỗi vòng quay cuả bánh xe đạp lăn đến gần Làng. Tới gần cổng Làng thì có mấy cậu nhỏ khoảng 17, 18 tuổi tay cầm súng dài đứng bên chòi canh cũ cuả tôi dựng cho Nhân dân tự vệ Làng truớc đây, đã chặn tôi lại, yêu cầu xuống xe để "làm việc". Mấy cậu này hoàn toàn xa lạ đối với tôi, có lẽ họ là người nơi khác đưa đến. Họ hỏi tôi "Anh vào Làng gặp ai? Có chuyện gì?". Thì ra bây giờ tôi đã trở thành người xa lạ đối với ngay chính Làng cuả mình! Khi tôi nói rằng nhà tôi ở cuối Làng, họ hỏi ngay "có gần nhà tên ác ôn phản động Chủ tịch Báo chí không?" Trước câu hỏi này, tôi biết số phận của mình đã được định đoạt ra sao rồi...

Trên những con đường Làng thân yêu nay vắng vẻ điù hiu không còn sinh khí, thỉnh thoảng tôi gặp một hai dân làng cũ. Họ thấy tôi vội quay mặt nhìn qua hướng khác, coi như không hề quen biết. Âu đó cũng là sự thường tình vì họ sợ bị liên hệ với một "tên ác ôn phản động". Tất cả sự sợ hãi, mặc cảm, cầu an đang "đánh vật" nơi họ. Mặc dầu họ vẫn quý trọng tôi nhưng sự an ninh cuả cá nhân họ vẫn là trên hết.

9

Thấy không khí trong Làng ngộp thở quá, nhất là bị Ban Hội Tề thường xuyên khủng bố áp đảo tinh thần. Tôi đã rời Làng về vùng Hố Nai sống, lấy cớ là đi tăng gia sản xuất. Được chừng một hai tháng, tôi bị chính quyền địa phương gọi lên gọi xuống điều tra lý lịch. Giữa lúc muốn di chuyển đi nơi khác thì tôi nhận được "kiến nghị" cuả "toàn dân Làng Báo Chí", do Ban Hội Tề Làng gởi cho tôi "yêu cầu" tôi về Làng "giải quyết vài việc cho biết sau". Tôi đành phải miễn cưỡng trở về Làng, mặc dầu biết rằng nhiều dữ hơn lành!.

Một buổi tối không trăng sao, Ban hội tề tập họp dân Làng dưới hình thức "Tòa Án Nhân Dân" để đấu tố, kể tội tôi. Trên bàn chủ tọa có ký giả nằm vùng Nguyễn Vạn Hồng, anh phát báo Phạm Ngọc Lễ và một người nữa mà tôi không biết tên (cũng thuộc loại nằm vùng hoặc cách mạng 30). Còn toàn dân Làng thì ngồi xổm dưới nền nhà kể các cụ già. Tôi không ngồi, tôi đứng nơi góc phòng nhìn toàn dân Làng. Đã mấy chục năm rồi, từ ngày ở vùng kháng chiến chống Pháp thuộc Liên Khu Việt Bắc tới bây giờ tôi mới lại được "hưởng" lại mùi vị cuả sự xách động nhân dân đấu tố. Rất may dân Làng Báo Chí là những người cầm bút miền Nam, vẫn còn giữ được liêm sỉ và tình người, hoặc vì họ chưa quen với các trò đấu tố dã man, ngậm máu phun người. Và trước sự liều và lỳ, coi như mình đã chết rồi, tôi không nhìn nhận bất kỳ tội danh gì do Nguyễn Vạn Hồng và Phạm Ngọc Lễ cố ý vu khống áp đặt gán ghép cho tôi, nhất là về "tội" lập Làng Báo Chí - một thứ ấp chiến lược tập trung giới cầm bút cuả Mỹ Ngụy. Tôi không hiểu sao lúc đó tôi lại "anh hùng" đến thế khi dõng dạc tuyên bố: "Tôi nhận tội chống Cộng. Tất cả mọi người trong 20 năm qua đều biết rõ như thế, nhưng còn với Làng Báo Chí này thì tôi không có tội gì hết nếu không nói là có công đã làm ra nơi an cư cho anh em ký giả được lạc nghiệp". Cuối cùng vì không xách động nổi dân Làng đấu tố kết tội tôi nên đám chủ tọa phiên Tòa đành tuyên bố bế mạc, sau khi Nguyễn Vạn Hồng lớn tiếng khuyến cáo rằng "Ông Thanh Thương Hoàng cần phải được cách mạng giáo dục cải hoá lâu dài!".

10

Sau ngót 10 năm bị giam và đày ải trong trại tù Gia Trung vùng rừng núi Pleiku – mà cộng sản gọi là học tập cải tạo - được tha, tôi với bộ quần áo tù màu xám tro cũ bạc mầu vá chằng chịt, bước ngắn bước dài, chân thấp chân cao thất thểu trở về Làng cũ. Tất cả nay đều đã khác xưa!. Tuy nhà cửa vẫn còn đó nhưng xác xơ tiêu điều nghèo nàn thê thảm. Đường xá thì ổ gà nay đã thành ổ trâu, bùn lầy nước đọng, cống rãnh lộ thiên muỗi mòng xúm xít. Vài con chó già trụi lông đầy ghẻ gầy trơ xương tha thẩn bên đường thấy người không muốn nhìn. Lũ chó cũng bị cải tạo theo cung cách một cuộc sống mới như con người lúc bấy giờ! Làng Báo Chí nay chỉ còn dăm mười gia đình "người cũ", đa số đã di tản, vượt biên hoặc bỏ Làng vào thành phố, đi nơi khác làm ăn. Những "người mới" cuả Làng bây giờ là dân Hà Nội và các tỉnh miền Bắc vào. Họ là giáo chức hoặc cán bộ Văn nghệ Văn hóa cuả Thành phố. Chỉ có mấy bà "người cũ" trong Làng nghe tin tôi ở tù được thả về ghé thăm, còn cánh đàn ông vẫn tỏ ra ngại ngần không dám gặp. Khoảng vài tháng sau, có một hai giáo sư dân mới nhập cư trong Làng là gốc từ Hà Nội đang dạy tại "Trường Đại Học Văn Hóa" (trường sở đặt trong Làng Báo Chí), đã lân la tới làm quen với tôi. Khi đã có sự quen biết, có thể hé đôi chút tâm sự, tôi mới biết rõ thân phận cuả họ cũng bi đát chẳng khác gì Nàng Kiều gặp phải tên Sở Khanh nên "cũng đành nhắm mắt đưa chân"...

Một buổi tối, một Giáo sư trường Đại Học Văn Hóa tới nhà tôi uống trà. Nhân vui câu chuyện ông ta nói: "Tôi đã đọc những truyện của ông viết, nhất là những bài viết trên Nhật báo Chính Luận cuả các ông. Tôi nghĩ rằng với cái tội "chống Cộng" quyết liệt ở thượng tầng kiến trúc nầy nếu tôi là Nhà Nước, tôi sẽ nhốt tù ông suốt đời!"

Khi Cộng Sản hô hào đổi mới (dưới thời Nguyễn Văn Linh) thì bộ mặt Làng Báo Chí cũng thay đổi khá nhiều. Người ta thi nhau phá bỏ những ngôi nhà cũ, xây lên 3, 4 tầng lầu đúc rất "tối tân hiện đại". Đường sá trong Làng cũng được "nhân dân và nhà nước cùng làm", cho đặt ống cống ngầm, tráng nhựa láng bóng. Riêng vài căn nhà của "người cũ" trong Làng thì vẫn nghèo xơ xác và có lẽ một ngày nào đó họ cũng sẽ bán đi cho những "người mới" để... ăn!

Hôm từ giã Làng Báo Chí, một buổi tối cuối tháng Năm, (18.5.1999) một mình một túi xách ra đi định cư tại Hoa Kỳ theo chương trình HO, tôi đã không cầm được nước mắt. Trong lòng tôi một cảm xúc dâng lên làm tôi nghẹn ngào, y hệt như buổi tối khi tôi bị công an cộng sản ập vào nhà đọc lệnh xét nhà và lệnh bắt giam rồi còng tay đưa đi tù sau ngày quốc nạn 30.4.1975. Cuộc đời tôi lại bắt đầu rẽ sang một ngã khác. Nhưng lần nầy chắc không phải là ngục tù khổ sai!


THANH THƯƠNG HOÀNG


========================


0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ