Thứ Hai, 18 tháng 4, 2022

đọc thêm (1) :" Nguyễn Sỹ Tế, người tù kiên giam "/ Viên Linh [ i.e. Nguyễn Nam 1938- / Mỹ ] -- trích : http://www.hocxa.com>

 

Nguyễn Sỹ Tế, người tù kiên giam


  VIÊN LINH

 

 


    
Giáo sư Nguyễn Sỹ Tế
   (1922 - 16.11.2005)

Các tác phẩm Nguyễn Sỹ Tế đã được xuất bản: - Luận Đề Về Nguyễn Du Và Đoạn Trường Tân Thanh, Thăng Long, Hà Nội 1953. - Hồ Xuân Hương, Người Việt Tự Do, Sài Gòn 1956. – Việt Nam Văn Học Nghị Luận, Trường Sơn 1962. – Chờ Sáng, tập truyện, Sáng Tạo 1962. Khoảng trên 20 cuốn luận đề khác về văn học Việt Nam thế kỷ XIX, về nhóm Nam Phong Tạp Chí và các tác giả cổ điển Việt Nam. Một số giảng thuyết và luận thuyết đại học về Văn Học luận, Thi Ca luận, Phê Bình luận, Văn Thể luận, các trào lưu văn học Tây phương hiện đại. Về kịch có Mưa, Trắng Chiều (...)

 

Nguyễn Sỹ Tế nhà giáo, nhà văn, nhà thơ, xa rời chúng ta cho đến tháng này là vừa trọn 5 năm (bài viết nhân ngày giỗ thứ 5 của ông). Ông mất lúc 12 giờ 10 trưa thứ tư 16.11.2005 tại bệnh viện Coastal Communities thuộc hạt Santa Ana, California, sau nhiều tháng hôn mê vì những biến chứng khi mổ tim. Không một ngày cầm súng, nhưng ông đã ở tù cộng sản hơn 12 năm. Trả lời cuộc phỏng vấn của Tạp chí Khởi Hành "ông nghĩ vì sao ông bị cộng sản giam giữ lâu thế?” tác giả “Chờ Sáng" cho biết: "Sau khi cộng sản kiểm soát được miền Nam, tôi có viết một bài nhan đề là “Để tiến tới chủ nghĩa xã hội với bộ mặt người,” vào năm 1976...


Ngay sau đó ông bị bắt.


Ông Nguyễn Sỹ Tế sinh năm 1922 tại Nam Định, trong một gia đình Nho giáo khoa bảng. Khai tâm chữ Hán, học tiếng Pháp; ông làm thơ| bằng những ngôn ngữ này trước khi viết bằng tiếng Việt. Sau bậc Thành Chung ở quê nhà, ông lên Hà Nội học tại trường Bưởi và sau đó tại Đại Học Luật Khoa. Ông viết văn, soạn sách và dạy học liên tục từ 1945, phần lớn dùng tên thật, đôi khi ký là Người Sông Thương khi làm thơ. Là hiệu trưởng trường tư thục Trường Sơn từ 1958, chuyên dạy đệ nhị cấp, giáo sư Nguyễn Sỹ Tế còn dạy văn học tại Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, và các Đại Học Văn khoa Vạn Hạnh, Đà Lạt, Cần Thơ. Có một thời gian ông làm phụ khảo Luật cho Khoa trưởng Luật khoa Vũ Văn Mẫu và chánh văn phòng Bộ Ngoại Giao cho Ngoại Trưởng Phan Huy Quát.


Trước 1975, giáo sư, nhà văn nhà thơ Nguyễn Sỹ Tế đã cộng tác với các tạp chí Phổ Thông (Hà Nội), Dân Chủ, Sáng Tạo, Vạn Hạnh, Vấn Đề, Văn, Thời Tập. Vào Nam năm 1954, ông cùng nhóm sinh viên Hà Nội làm tờ Lửa Việt đặt tòa soạn tại một túp lều trên nền đất Khám Lớn Sài Gòn. Lửa Việt là tiền thân Sáng Tạo sau này, ba người chủ trương Lửa Việt sau là ba người trong số bảy người trong Ban Chủ trương Sáng Tạo: Nguyễn Sỹ Tế, Trần Thanh Hiệp, Thanh Tâm Tuyền. (Chủ nhiệm Mai Thảo của Sáng Tạo không thuộc nhóm sinh viên di cư, đến với Lửa Việt như một người gửi bài tới.)


Ra hải ngoại ông viết cho Khởi Hành, tờ tạp chí do nguyên chủ nhiệm Thời Tập trước kia điều hành. Ông là hội viên liên kết của Trung Tâm Văn Bút Pháp. Hội viên danh dự Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại. Ông tới Hoa kỳ năm 1992, cư ngụ với gia đình tại California.


Ngoài các tác phẩm và giảng thuyết nói trên, ông còn tập truyện dài Gió Cây Trút Lá. Đang xuất bản truyện dài Bốn Phương Mây Trắng thì từ trần. Nhà văn Nguyễn Sỹ Tế đã ngồi tù cộng sản từ 1976 tới 1987. Ông từng bị kiên giam hơn một năm; ít ai có thể sống sót khi bị cùm riêng lâu như thế, một mình trong một cái cũi nhỏ xíu để giữa trời, ngày qua ngày, đêm qua đêm, trong nắng lửa và mưa bão... Ông cho biết nhờ một học trò vẫn ném vào cho ông những viên vitamin, nếu không ông đã không thể tồn tại. Lúc được rời cũi kiên giam, ông không thể đi được, vì hai chân đã cứng lại. Năm 1992, ông tới Hoa Kỳ và đã có thời làm Trưởng ban Văn Học Viện Việt Học ở Quận Cam.


Tác phẩm đầu tay của ông tại hải ngoại là Khúc Hát Gia Trung do nhóm LMN in tại Đức năm 1994, thi tập này là một phần trong dự án năm thi phẩm cùng phát hành một ngày tại Đức: bốn thi phẩm kia là Hóa Thân của Viên Linh, Lời Viết Hai Tay (hai tay đều bị còng số 8, có nghĩa là tập thơ viết trong tù) của Cung Trầm Tưởng, Thơ Tô Thùy Yên của Tô Thùy Yên, Viết Từ Phương Đông của Mai Vi Phúc. Mỗi thi sĩ có thi tập in lúc đó đều được trả nhuận bút US 1,000 ngay hôm ra mắt ở Đức quốc. Dự án này do Mai Vi Phúc chủ nhà xuất bản LMN ở Đức và Viên Linh, chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại thực hiện. [LMN là chữ viết tắt tên họ của ba người chủ trương nhà xuất bản: Lê Trọng Phương, Mai Vi Phúc, Nguyễn Nam]. Hơn ba trăm người đã tham dự ngày thơ nói trên tại Dormund cũng như mấy ngày sau tại Berlin.


Để viết về người bạn vong niên, những ngày đáng nhớ nhất của chúng tôi là thời gian đi dự Đại Hội Văn Bút Quốc Tế năm 1994 tại Prague, Tiệp Khắc. Trong lịch sử Văn Bút Việt Nam, chưa bao giờ phái đoàn Việt Nam đi dự hội nghị Quốc tế đông như thế, 9 người, khi điểm danh chỉ thua phái đoàn 11 người của Đại Hàn. Chúng tôi còn có Cung Trầm Tưởng, Phạm Việt Tuyền, Cao Mỵ Nhân, Minh Nguyệt, Nguyễn Ngọc Nhuận (cựu thượng nghị sĩ, cựu đại tá VNCH), Đỗ Kh., Lê Đô, và trưởng phái đoàn Viên Linh. Đó là năm thứ hai trong nhiệm kỳ của tôi. Chính trong Đại Hội này, Nghị quyết tranh đấu cho các nhà văn bị cầm tù của Việt Nam – danh sách dẫn đầu bởi Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát -- đã được thông qua với tuyệt đại đa số, nghĩa là không có một phiếu trắng hay phiếu chống. Nghị quyết viết bằng tiếng Pháp, qua ngòi bút của anh Nguyễn Sỹ Tế. Tôi cũng nhờ anh làm phát ngôn viên tiếng Pháp.


 

Trong dinh Tổng thống Tiệp Khắc, nhân Đại hội Văn Bút Quốc Tế 1994 tại Prague,
hàng đầu từ bên phải qua: Nguyễn Sỹ Tế, Viên Linh đang hỏi chuyện Taslima Nasreen,
nhà văn Bangladesh bị kết án tử hình lưu vong tại Thụy Điển. Photo LEDO.

Theo thông lệ của PEN International, (Văn Bút Quốc Tế), cho dù phái đoàn đi đông bao nhiêu người, chỉ có hai người là đại biểu chính thức, được bỏ phiếu, tức là chỉ có anh Tế và tôi. Thế nhưng tới một lúc sắp bỏ phiếu để ủng hộ nghị quyết của phái đoàn Hung Gia Lợi (đòi dạy tiếng Hung ở Pays Basse, mà tôi đã hứa bỏ phiếu thuận, để đổi lấy phiếu của Hung cho Nghị quyết Việt Nam lưu vong), thì vì nhịn đã quá lâu, anh Tế bảo tôi anh phải chạy ra ngoài hiên hút một hơi thuốc lá! Khi anh chưa kịp vào, tôi gọi anh Phạm Việt Tuyền vào thay chỗ anh Nguyễn Sỹ Tế, dự phòng lỡ ra... Quả nhiên, khi tác giả Bốn Phương Mây Trắng còn mơ màng với một đám mây do mình tạo ra ở ngoài hiên, thì ông Tổng thư ký Alexandre Block, dùng tiếng Anh, kêu bỏ phiếu cho nghị quyết tiếng Hung. Ông không hỏi Ai thuận bỏ phiếu cho phái đoàn Hung, mà lại hỏi Những ai chống lại Nghị quyết của phái đoàn Hung? Anh Tuyền vì bất ngờ, dơ tay lên. Tôi buồn cười giật tay anh xuống. Lúc ấy thì anh Tế còn đang chạy vào... Anh cứ tiếc mãi. Hỏng quá! Hỏng quá! Trong cuộc sống, có nhiều chuyện không đáng xảy ra đã xảy ra, vì một vài giây ta vắng mặt đúng lúc phải có mặt.


Hơn 12 năm ở tù cộng sản chỉ vì một bài tiểu luận, chữ nghĩa đanh thép của Nguyễn Sỹ Tế, và của bất cứ kẻ sĩ nào quyết định “trí thức thì phải nói,” (nói sự thật, và nói thật).


Một vài bài thơ chọn lọc của Nguyễn Sỹ Tế, chọn trong tập bản thảo trong tủ sách Viên Linh.

NHÌN KHÁI HƯNG


Tôi vẫn ưa nhìn một Khái Hưng:

Mắt thâu trời thẳm, bước xuyên rừng,

Tai nghe chim hót bên bờ suối,

Gác bỏ kinh kỳ chuyện đấu thưng,


Ai bảo Khái Hưng làm cách mạng

Hay làm văn hóa buổi giao thời

Anh em có việc thì ông giúp

Ông chỉ đi tìm cái đẹp thôi!


Tôi vẫn ưa nhìn một Khánh Giư:

Một trang tân học cốt nhà nho,

Đã không thiên kiến đường kim cổ,

Chẳng để Đông Tây lỗi hẹn hò.

 

Một bước vương chân vào chính trị,

Nát tan hồn bướm giấc mơ tiên.

Tài danh riêng để thơm tình bạn,

Mà hổ muôn đời lũ đảo điên!

Garden Grove 5.12.97


KHÔNG XUÂN


Đông cắt thịt trại tù buổi sớm

Lên sườn đồi. Trưa, hạ như thiêu.

Chiềucu, thu lại điệu tù về trại

Tù thiếu mùa xuân, thiếu đủ điều.


HẠNH PHÚC NHỎ NHOI


Tên cán bộ hợm mình đấm bạo,

Chú vụng cơm lảo đảo lăn quay.

Cán đi, chú mở bàn tay,

Cười trông thấy nắm cơm nay vẫn còn.


CƠ HỘI CUỐI


Rừng núi bao la toàn khối nặng

Lạnh lùng che khuất cả trời xa,

Sườn non bỗng thấy trên màu lá,

Ngói đỏ nhô lên một mái chùa.

Viên Linh


Nguồn: Lịch Sách Chân Dung Nhà Văn Việt Nam
Nxb Khởi Hành, Hoa Kỳ, 2017


=====================

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ