Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2022

đọc thêm (2) " tưởng nhớ nhà thơ Nam Kỳ Lục Tỉnh TRẦN TUẤN KIỆT '/ Vương Trùng Dương ( Mỹ ) -- trích : Văn Nghệ BOSTON ( Mỹ )

 

Feeds:
 
Posts
 
Comments

PHÂN ƯU

PhanUu

 

Tưởng nhớ nhà thơ Nam Kỳ Lục Tỉnh Trần Tuấn Kiệt

 

 

Vương Trùng Dương


October 11, 2019


Nhà thơ Trần Tuấn Kiệt. (Hình: Người Việt Bốn Phương)



“Thơ Trần Tuấn Kiệt đã đạt tới cõi nguồn trường mộng tinh anh nên gợi dậy rất nhiều chân trời hoài niệm. Dựng lên những câu hỏi huyền hoặc. Lời thơ pha đủ mọi dư vang của triều rộng. Con cháu Nguyễn Du đã gặp Hoelderlin Nerval – và đón suy tư hướng vọng vĩnh thể của thiên tài Tây phương. Niềm chiêm nghiệm bát ngát vô song…” (Nhà thơ Đức Friedrich Hölderlin, 1770-1843, nhà thơ Pháp Gérard de Nerval 1808-1855 – Bùi Giáng).

“Chỉ riêng với thơ, Trần Tuấn Kiệt đã dấn thân vào những cuộc phiêu lưu đến những xứ sở chỉ có những tâm hồn như anh mới khám phá ra được” (Trần Áng Sơn: Trần Tuấn Kiệt – từ nhà thơ, nhà văn đến võ sĩ, 2007).

“Nếu có ai hỏi tôi, hãy chọn một thi sĩ miền Nam đáng trọng đáng quý nhất, và thi sĩ nhất, tôi chọn Sa Giang Trần Tuấn Kiệt” (Viên Linh: Bằng hữu cuối trời: Thi sĩ Trần Tuấn Kiệt, 2012).

“Trần Tuấn Kiệt là thi sĩ suốt đời mang nghiệp thi ca. Dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, dường như ông song hành giữa lãng mạn thi ca và hiện thực đời sống. Ðọc thơ ông, là chia sẻ với những mẫu đời của một thời đại đặc biệt với những tâm cảm đặc biệt và của những người có trái tim nhạy cảm. Trần Tuấn Kiệt làm thơ rất dễ dàng, viết cả năm ngàn bài thơ với cả nét lãng mạn và thực tế trộn lẫn” (Nguyễn Mạnh Trinh: Trần Tuấn Kiệt, Thi Ca & Cuộc Đời, 2016).

“Thơ Trần Tuấn Kiệt đã đi vào khung trời riêng, của hơn 50 năm hòa nhập với thi ca, chất chứa đầy khí lực tạo dựng một vũ trụ thơ của anh” (Ngô Nguyên Nghiễm: Chân Dung Văn Nghệ Sĩ 2018).

***

Trần Tuấn Kiệt qua đời vào chiều ngày 8 Tháng Mười, 2019, tại Sài Gòn, thọ 80 tuổi. Mồ côi mẹ lúc 8 tuổi nên thuở bé ông sống với bà ngoại tại vùng tản cư ở Đồng Tháp Mười. Năm 1950, lúc 11 tuổi lên Sài Gòn, theo học ở trường Tân Thanh với các giáo sư như Tam Ích, Thiên Giang, Bùi Giáng, Đồng Tân… và sau học tại trường Quốc Gia Âm Nhạc về bộ môn thổi sáo và đàn tranh, theo học một năm rồi bỏ ngang.

Với năng khiểu bẩm sinh, khởi đầu nghiệp cầm bút, thơ xuất hiện trong mục Hoa Hàm Tiếu, giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh; gia nhập Văn Ðàn Bạch Nga và cộng tác tờ bán nguyệt san Phổ Thông (1958-1971) của Nguyễn Vỹ… Tam Ích giới thiệu vào làng báo ở Sài Gòn. Từ cuối thập niên 1950 ông đã cộng tác với nhiều tờ báo và tạp chí cho đến Tháng Tư, 1975.

Bút hiệu Sa Giang ghép từ quê nhà Sa Đéc và Nam Kỳ Lục Tỉnh, vùng đất có nhiều dòng sông với Cửu Long Giang. Với thơ ông ký Sa Giang Trần Tuấn Kiệt, với văn ông ghi Trần Tuấn Kiệt. Ngoài ra ông còn nhiều bút hiệu khác như: Việt Thần, Việt Long, Việt Hoàng, Duy Thức, Lan Sơ Khai, Xuân Thu, Hồng Lĩnh,… tùy theo lãnh vực sáng tác. Sau năm 1975, trải qua thời gian lao tù, ông dùng nhiều bút hiệu viết từ võ hiệp đến gia chánh, vô thưởng vô phạt, in sách để mưu sinh.

Trần Tuấn Kiệt viết đủ các thể loại, như thơ, biên khảo, truyện dài, võ thuật, dã sử kiếm hiệp, tín ngưỡng thần đạo Việt Nam… nhưng gọi ông là thi sĩ bởi vì từ thi phẩm đầu tay “Thơ Trần Tuấn Kiệt” (1963), kế tiếp với 26 tập thơ, trong đó tập thơ “Lời Gởi Cây Bông Vải” (1969) được Giải Nhất Văn Học Nghệ Thuật năm 1970, bộ môn Thơ của Tổng Thống VNCH tTập thơ chừng 70 trang, gồm những bài thơ 5 chữ và lục bát). Hơn nữa, trong thi ca là tiếng lòng, tâm sự và nguồn cảm hứng của cuộc đời để trang trải với tha nhân.

Ông đã xuất bản khoảng hai trăm tác phẩm trong nhiều thể loại trong lãnh vực từ Văn Học Nghệ Thuật đến Võ Thuật. Ngoài 27 tập thơ (sau năm 1975 ông tự in một số tập thơ phổ biến hạn chế để tiếp tục cuộc hành trình từ thuở ban đầu) còn có:

Truyện dài: “Sa Mạc Lan Dần,” “Tiếng Đồng Nội,” “Hồng Cẩu Quẩy”…

Dã sử: “Quật Mộ Tào Tháo,” “Quật Mộ Tần Thủy Hoàng,” “Linh Sơn Nghĩa Sĩ.”

Biên khảo: “Thi Ca Việt Nam Hiện Đại,” Khai Trí xuất bản 1965, Trần Tuấn Kiệt mới 26 tuổi. Gồm hai phần: Phần I – Thi Ca Tiền Chiến có 43 nhà thơ; Phần II – Thời Chiến Tranh có 26 nhà thơ. Sau này ông viết thêm “Thi Ca Việt Nam Hiện Đại (1880-1965),” dày gần 1,200 trang, rất công phu, tài liệu về thi ca ngắn gọn để tìm hiểu. (Cuốn “Thi Nhân Việt Nam” của Hoài Thanh-Hoài Chân chỉ dày 394 trang từ Tản Đà đến Trần Huyền Trân). “Tác Giả Tác Phẩm trước 1975” và “Tác Giả Tác Phẩm sau 1975” dày hơn 5,000 trang gồm năm quyển, tự in còn dang dở.

Võ thuật: “Dịch Cân Kinh,” “Thái Cực Quyền,” “La Hán Quyền,” “Quyền Thuật Thiếu Lâm Tự”…

Tôn giáo tín ngưỡng: “Tín Ngưỡng Thần Đạo Việt Nam” còn gọi là Đại Việt Thần Đạo viết tay 15,000 trang với sự cộng tác và sưu tầm của nhiều người bạn và các tác giả khác. Chỉ in được vài tập ở Luân Đôn năm 2010.

Quyển “Thi Ca Việt Nam Hiện Đại, 1880-1965” của Trần Tuấn Kiệt. (Hình: quansachmuathu.vn)

Cuộc đời Trần Tuấn Kiệt sống chết với nghiệp cầm bút nhưng số phận không thoát khỏi lao tù.

Năm 1970, Trần Tuấn Kiệt được giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật. Vài nguồn tin cho rằng ông bị kẻ khác đố kỵ đả kích “trao thân lầm trốn lính.” Năm 1971 khi ông đang ở tù, với mức án 10 năm lao công đào binh vì không chịu đi lính, vợ ông cùng với họa sĩ Nghiêu Đề xin chữ ký của 100 vị nhân sĩ, trong đó người đứng đầu ký tên Bản Kiến Nghị do Linh Mục Thanh Lãng (chủ tịch Trung Tâm Văn Bút Việt Nam 1963-1975), ông đã được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ân xá còn một năm tù treo và được cho về nhà vào ngày Ba Mươi Tết năm 1971.

Sau 1975, ông cũng bị đi tù cải tạo gần 10 năm, ở trại giam Phan Đăng Lưu, Chí Hòa, Sài Gòn rồi đổi lên trại tù Gia Trung ở Gia Lai, Kon Tum đến Tháng Mười, 1985, mới được về. Sách vở của ông rất nhiều nhưng ông đã đốt vào thời điểm Tháng Tư, 1975, cho nên thơ và truyện của ông trước kia, hiện nay rất khó tìm. Ông chia sẻ: “Lúc Kiệt đi tù gần 10 năm ở trại Gia Trung về ở nhà, các bạn thường giúp đỡ: Trần Lam Giang, Bùi Ngọc Tô, Bùi Ngọc Tuấn, Phương Triều, Thái Dương, Đào Trường Phúc… gởi về.” Bản án dành cho ông mười năm từ Chí Hòa đến Gia Lai thật là phi lý, đó cũng là thảm kịch cho văn nghệ sĩ miền Nam Việt Nam trước năm 1975!

Trần Tuấn Kiệt sống rất giản dị, đầu tóc rối bù, ăn mặc xuềnh xoàng. Tuy sáng thật nhiều, sống với nghề cầm bút nhưng vẫn nghèo. Cư ngụ căn nhà trong hẻm, vợ bán bắp nướng và chuối chiên để nuôi cả gia đình. Khi được giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật năm 1970 với số tiền khá lớn nhưng bản tính hào sảng, có cơ hội chén tạc chén thù với bạn bè. (Giải thưởng khoảng 400,000 đồng thời bấy giờ (vàng khoảng 25,000 đồng một lượng). Ông đích thực là chàng lãng tử sống với thơ, văn, suốt một đời. Thích đá gà và cũng là đệ tử của Lưu Linh. (Lưu Linh 221-300, trong nhóm Trúc Lâm Thất Hiền, trọng lễ nghĩa, không bao giờ làm phật lòng ai. Ông suốt đời chỉ lấy bạn và rượu làm niềm vui. Để ca ngợi rượu, Lưu Linh đã viết bài Tửu Đức Tụng (ca ngợi đức hạnh của rượu) coi như một tuyên ngôn. Sau này những tửu đồ coi như một áng danh văn về rượu).

Về chuyện đá gà, Trần Tuấn Kiệt viết lại: “Khi không có đề tài gì cho mục Nói Chuyện Với Đầu Gối thì Chu Tử thường đem Kiệt ra làm đề tài. Cho nên mới có chuyện Trấn Tuấn Kiệt nổi tiếng nhất nước là đá gà, còn người thật thứ nhì mới đến Nguyễn Cao Kỳ. Sở dĩ có chuyện đó là vì mỗi chiều Thứ Bảy đi đá gà về, Kiệt đều mua mấy con gà chết trận về cho bà xã nấu cà-ri đãi anh em ăn no nê sảng khoái. Nhằm lúc không có gà chết mà bạn bè tới nhà đông quá, Kiệt phải làm luôn con gà cưng nhất của mình đãi anh em nhậu…”.

Những năm cuối đời, sức khỏe yếu kém, răng rụng gần hết, không còn sáng tác!

Hầu như mọi người đã “Trải qua một cuộc bể đâu. Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” (Nguyễn Du – Truyện Kiều), trong đó Trần Tuấn Kiệt “Hễ đến mùa Xuân thì tôi lại nhớ tới những người tình xưa và nhất là những người bạn thân mà đời mình không thể nào quên.” Trong tùy bút của ông, “Một Mùa Xuân Trở Lại Cho Đời Nghệ Sĩ,” ông bày tỏ kỷ niệm trước năm 1975 và sau này:

“Sau biến cố 75, mọi sự đều thay đổi. Bạn tôi Trầm Tử Thiêng qua Mỹ viết bản trường ca Áo Dài Việt Nam tôi được nghe một lần. Rồi anh mất bên đó.

Mùa xuân này tôi chợt có dịp trở về con đường hẻm Bàn Cờ cũ gần nhà cụ Nguyễn Đức Quỳnh nơi cư xá Đô Thành có trường Tân Thanh xưa nay đã biến thành khách sạn…

…Ngày đó trong khuôn viên đại học Văn Khoa có dựng một gian nhà gỗ nhỏ của nhóm họa sĩ trẻ gồm Mai Chửng điêu khắc, Nguyễn Trung, Nghiêu Đề, Hồ Thành Đức… Căn nhà gỗ này do Nguyễn Trung và Hồ Thành Đức xin được trong không quân đem về dựng lại. Hằng ngày Nguyên Khai và Nguyễn Thành Nhơn đến điêu khắc chơi và thoạt tiên cũng là chỗ ngủ của Nguyễn Nghiệp Nhượng và Cù Nguyễn. Sau 75, khi qua đường Lê Thánh Tôn, tôi nhớ lại cái quán cà phê cũ đã thay mới, các cây điệp (phượng đỏ) cội rất lớn, thân cây bị cưa cụt đã đâm ra thêm nhiều cành nhánh mới, có nhánh đã ra hoa. Tôi đứng lặng nhớ về bạn bè hay gặp nhau ở đấy. Trần Lam Giang, Lê Tài Tấn, Phạm Quốc Bảo, Bùi Ngọc Tuấn và Bùi Ngọc Tô, nhớ tới các bạn họa sĩ, Khánh Ly, Nguyễn Thụy Long, Lam Thiên Hương thuở còn xuân sắc tươi đẹp. Bây giờ Lam Thiên Hương trở thành bà ngoại già thường dắt cháu ngoại đến Cung Văn Hóa Lao Động chơi…

…Cả mấy chục năm ở Sài Gòn mà tôi cứ quanh quẩn mãi Thị Nghè như một thằng Mán không biết gì nhiều sự đổi thay.”

Những bài tùy bút sau này của Trần Tuấn Kiệt viết rất chân tình và cảm động, ông nhớ lại một thời đã sống bạt mạng, lãng tử trong giới cầm bút với nhiều khuôn mặt đã in sâu vào ký ức.

Người con của Nam Kỳ Lục Tỉnh đã trở về với cát bụi. Và, hình ảnh Trần Tuấn Kiệt với tha nhân như hai câu thơ của ông:

“Người thi sĩ đã một ngày gặp gỡ
Thì ngàn năm bóng sáng vẫn chưa tan”

Bên kia bờ Thái Bình Dương, nhà thơ Trần Tuấn Kiệt vừa vĩnh biệt cố hương. Bên này bờ Thái Bình Dương, nhà thơ Du Tử Lê qua đời lúc 8 giờ 6 phút tối Thứ Hai, 7 Tháng Mười (10 giờ 6 phút sáng ngày 8 Tháng Mười, giờ Việt Nam), tại tư gia ở Garden Grove, hưởng thọ 77 tuổi. Năm 1973, Du Tử Lê được trao giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc, bộ môn thơ với thi phẩm “Thơ Du Tử Lê 1967-1972.”

Trong cùng một ngày, hai nhà thơ được giải Văn Học Nghệ Thuật đã vĩnh viễn ra đi! (Vương Trùng Dương)

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ