đọc thêm (1) : "nhà văn Lê Văn Nghĩa qua đời"/ Hà Thi -- nguồn: https://congan.com.vn>
Thứ Năm, Ngày 17 Tháng 3, 2022
Ông Nguyễn Minh Nhựt, cựu giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, đau buồn chia sẻ lại bức ảnh cùng nhà văn ra mắt sách cho kiều bào Pháp. “Lúc 22g25, Anh Hai Cù Nèo yêu quý đã rời cõi tạm. Tạm biệt một ông anh”, Nguyễn Minh Nhựt bày tỏ.
Nhà thơ Trần Hoàng Nhân bần thần không ngủ được đêm qua, nói từ nay anh không còn chiều chiều nghe được cuộc gọi điện thoại của nhà văn Lê Văn Nghĩa, hỏi thăm anh “Đang ở đâu vậy mậy”.
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, chia sẻ lần cuối được gặp anh Lê Văn Nghĩa, là hôm ra mắt các Hội đồng chuyên môn của Hội Nhà văn TP.HCM, vào sáng 8/4/2021.
“Rồi ai cũng về nơi ấy, chỉ tiếc là nhà văn Lê Văn Nghĩa còn bỏ dở nhiều dự định góp phần cho văn chương, không chỉ là những tác phẩm của riêng mình. Và tiếc Sài Gòn mất đi một người Sài Gòn, một di sản trái tim...”, Bích Ngân viết.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa sinh ngày 20-5-1953 tại quận 6 (TPHCM). Ông làm việc tại Báo Tuổi Trẻ từ năm 1975 cho tới lúc về hưu. Ông có thời gian dài phụ trách tòa soạn báo Tuổi Trẻ Cười và là người lấy bút danh 'Anh Hai Cù Nèo' nổi tiếng trên tờ báo trào phúng này.
Ông là tác giả của nhiều cuốn tạp bút, truyện dài về Sài Gòn: Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian (tạp bút, 2008), Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ (truyện dài, 2008), Mùa hè năm Petrus (truyện dài, 2012), Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy (truyện dài, 2014), Sài Gòn năm ấy (truyện dài, 2014), Sài Gòn dòng sông tuổi thơ (tạp bút, 2016), Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ (2019)…
Trong đó, Mùa hè năm Petrus là tác phẩm được nhiều thế hệ học trò yêu thích. "Mùa hè năm Petrus" kể về cuộc sống trên ghế nhà trường giai đoạn cuối thập niên 60 của thế kỷ trước ở Sài Gòn. Bối cảnh truyện là lớp Trung học đệ nhất cấp – lớp Tứ Bảy tương đương với năm cuối trung học cơ sở ngày nay của trường Petrus Trương Vĩnh Ký toàn nam sinh (nay là trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM).
Cuốn sách làm sống lại những năm tháng tuổi trẻ của các cậu trai mới lớn; sống lại những năm tháng trung học qua hàng loạt những sinh hoạt hiệu đoàn sôi nổi thời bấy giờ..
.Hà Thi
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ