Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2022

Chúa Nhật , 13/ 02/ 2022 " các mục sư : Phan Văn Tranh & Nguyễn Văn Trinh & Nguyễn Văn Thìn & Nguyễn Văn Quan ..." mục sư Trần Thái Sơn ( hết) -- source: Vietnamese Theological Reviews

 MỤC SƯ PHAN VĂN TRANH


 
Nếu đặc điểm của Cụ Mục sư Trần Xuân Hỉ để nhận ra Cụ qua vóc dáng là mái tóc bạc trắng rất đẹp, thì đặc điểm nhận ra Cụ Mục sư Phan văn Tranh là mái đầu hói tóc, vầng trán đã cao càng cao thêm.
Mục sư Phan văn Tranh xuất thân từ Trà-ôn, một vùng quê kề cận sông Hậu, nhưng là nơi Tin Lành in dấu sớm ở miền Nam. Dáng người của Mục sư nhìn vào tự nhiên người đối diện sẽ cảm nhận vẻ nhàn nhã, ngay cả cách nói chuyện khoan hòa, cử chỉ không thấy có lúc nào phải vội vã. Chính những nét đặc sắc nầy thể hiện qua chức vụ lãnh đạo và giảng dạy của Mục sư Phan văn Tranh.
Một lần tôi đến Văn phòng Địa Hạt Đông Nam Bộ có việc cần của Hội thánh, đang lúc có một Truyền đạo ngồi bên cạnh chiếc bàn làm việc của Mục sư Tranh trình bày một việc gì đó với vẻ không vui, nói hơi lớn tiếng. Mục sư Phan văn Tranh là Chủ Nhiệm Địa Hạt. Có thể nói Địa Hạt Miền Đông Nam Bộ là Địa Hạt lớn nhất trong 7 Hạt của Hội thánh Tin Lành Việt Nam trước năm 1975:
1.      Địa Hạt Trung Trung Bộ là từ Quảng Trị xuống đến Qui Nhơn.
2.      Địa Hạt Nam Trung Bộ là từ Phú Yên vào đến Bình Tuy (BìnhThuận ngày nay).
3.      Địa Hạt Đông Nam Bộ là từ Biên Hòa đến Long An.
4.      Địa Hạt Trung Nam Bộ còn gọi là Địa Hạt Tiền Giang từ Mỹ tho đến Vĩnh Long.
5.      Địa Hạt Tây Nam Bộ còn gọi là Địa Hạt Hậu Giang từ Cần Thơ xuống đến Cà-mau.
6.      Nam Thượng Hạt với Đà-lạt làm Trung Tâm dành cho các Hội thánh người Dân tộc nói và hiểu được tiếng Kơ Ho.
7.      Trung Thượng Hạt với Ban-mê-thuột là Trung Tâm dành cho các Hội thánh người Dân tộc nói và hiểu tiếng Ra-đê.
Sở dĩ tôi nói Địa Hạt Đông Nam Bộ được xem là Hạt lớn nhất vì Sàigòn nằm trong Hạt nầy, có nhiều Mục sư Truyền đạo và đa số các Hội thánh có nền tài chánh mạnh. Thêm nữa, Mục sư Phan văn Tranh là một trong những Vị Mục sư được Hội thánh chung dành cho sự kính trọng cao.
Tôi ghi lại một trường hợp để thấy uy tín của Mục sư Phan văn Tranh giữa Hội thánh chung. Hội Đồng Tổng Liên Hội họp tại nhà thờ Thánh Kinh Thần Học Viện, trong giờ xét sổ trước giờ Bầu cử Ban Trị Tổng Liên Hội, hai Soát sổ viên của Hội Đồng sau khi trình bày sổ sách, đã chất vấn một vị Mục sư lãnh đạo một Hạt việc tài chánh không minh bạch, dù số tiền thất thoát không nhiều lắm. Trong lúc bầu không khí chất vấn căng thẳng vì hai Soát sổ viên từng nổi tiếng xưa rày là khó tánh, còn người bị chất vấn thì có vẻ lúng túng, Hội Đồng biết người bị chất vấn lúng túng không phải vì thâm lạm mà vì làm sai nguyên tắc khiến gây hiểu lầm, ngay khi đó, Mục sư Phan văn Tranh đã đứng lên nói vài lời đề nghị cách giải quyết cho Hội Đồng. Cảm ơn Chúa, với tiếng nói ngắn gọn của Mục sư Tranh, hai Soát sổ viên dù khó tánh cũng đồng ý và người bị chất vấn cũng thấy được lỗi của chính mình để hứa chấn chỉnh.
Lý do tôi dài dòng nói đến các Địa Hạt và sự kính trọng của Hội thánh chung dành cho Mục sư Phan văn Tranh là vì đang lúc ngồi đợi, tôi để ý thấy vẻ mặt của Mục sư Tranh không có gì thay đổi, vẫn khoan hòa, nụ cười nhẹ nhàng vốn có xưa nay vẫn nở, dù Mục sư Chủ Nhiệm đang nghe những lời không vui của một Truyền đạo người và chức vụ vẫn còn quá trẻ. Tôi chỉ nghe tiếng của Mục sư Tranh lúc thì ậm ừ, lúc thì hỏi lại vài lời, còn lại đều lắng nghe. Sau cùng, khi Thầy Truyền đạo nói xong, Mục sư Chủ Nhiệm Phan văn Tranh nhìn Thầy và nhẹ nhàng nói:”Thầy nhờ ơn Chúa bỏ qua đi”, tiếp theo là những lời cầu nguyện ngắn. Thầy Truyền đạo bước ra, Mục sư Tranh lại tiếp tôi, Cụ Mục sư hoàn toàn không nhắc tiếng nào về chuyện vừa rồi, và tôi cũng không nghe Thầy Truyền đạo đó bị trù dập hoặc gặp rắc rối nào từ lãnh đạo.
Bây giờ đến cách giảng dạy của Mục sư Phan văn Tranh. Với quan niệm Đông phương, người nghe muốn tìm một Người Giảng Đạo phải ở thế tĩnh, đạo mạo, trầm tư theo Đạo Gia Lão Trang, thì đó là Mục sư Phan văn Tranh. Qua Cụ Mục sư Tranh, người nghe sẽ nhìn thấy một Diễn giả với:
·         Dáng đứng thẳng, không hò hét, không đập bàn, không chạy qua chạy lại, hoàn toàn đứng yên một chỗ.
·         Mặt luôn hướng về phía trước, chỉ thỉnh thoảng xoay qua lại nhẹ.
·         Tay trái cầm quyển Kinh thánh khép lại cặp sát người – cá nhân tôi chưa từng thấy Mục sư Tranh mở ra lúc giảng.
·         Giọng nói như đang nói chuyện tâm tình với một vài cá nhân hơn là giảng cho một hội chúng đông người.
·         Âm lượng cũng không lớn lắm, chỉ vừa cho một phòng nhóm hơn là một nhà thờ lớn.
Tuy nhiên, đặc điểm là Mục sư Tranh dùng từ ngữ rất thân mật, hiền hòa. Mục sư Trần Xuân Hỉ thì dùng từ “các bạn”, còn Mục sư Phan văn Tranh thì dùng từ “chúng mình”. Nhưng đừng nghỉ rằng dễ ngủ khi nghe Mục sư Tranh giảng, ngoài việc được ơn Chúa, người nghe còn tìm thấy sự thân mật ngọt ngào của một người thân, nói như Phaolô là một người Vú Nuôi hơn là một người vị Sư quở trách; sự nhẹ nhàng an ủi của một Điều Dưỡng viên chuyên môn hơn là một Bác sĩ. Nét mặt Mục sư Tranh khi giảng luôn biểu lộ niềm vui, cảm thông. Có lẽ do từ ngữ quá gần gũi, nghe giọng nói ngọt ngào không quở trách, nên người nghe khó ngủ khi Mục sư Tranh giảng.
Dù dáng vẻ và tư cách hiền hòa, nhưng Mục sư Tranh có những ý tưởng thâm trầm khi lãnh đạo.
(1)   Câu nói của Mục sư Tranh làm tôi nhớ mãi đến giờ mỗi lần cầm một phong bì thư lên: “Muốn làm người phải học dán tem”, Cụ Mục sư nói phải tập dán tem bên góc phải để Bưu điện đóng dấu. Thật là chí lý trong một việc làm tưởng rằng quá nhỏ.
(2)   Có một vị ngang hàng tuổi tác với Mục sư Tranh đã phàn nàn với Mục sư Tranh việc con trai của vị nầy ra Trường không được bổ nhiệm phục vụ ở Sàigòn, dù vị đó đã vận động nhiều cách. Sau khi phàn nàn, trách móc do vị nầy cho rằng Mục sư Tranh đã không giúp đỡ, vị nầy nói: “Tôi biết trong mắt của Anh (Mục sư Tranh) không bao giờ có tôi”. Thật bất ngờ, Mục sư Tranh trả lời ngay: “Đúng rồi, trong mắt tôi làm sao có Anh. Trong mắt tôi chỉ có Nhà Tôi thôi”.
(3)   Sau năm 1975, một người tên Nguyễn Thành Long dựa vào sự thân quen với một người bà con bên vợ giữ chức vụ cao cấp trong Chánh quyền mới, đã xướng lên việc lập Tin Lành Thống Nhất, lấy thế lực đời nầy muốn ép các hệ phái Tin Lành nhập lại và điều quan trọng là y sẽ đứng đầu tổ chức nầy. Đã có những hệ phái Tin Lành rải rác đó đây ủng hộ. Nhân một dịp, Hội thánh tại Túc trưng chúng tôi mời Cụ Mục sư Tranh từ Sàigòn lên giảng bồi linh cho Hội thánh, lúc đang đứng nơi cửa nhà thờ, tôi hỏi Cụ Mục sư về việc ông Nguyễn Thành Long đòi sáp nhập các hệ phái Tin Lành? Cụ Mục sư Tranh cười nói: “Nhập chớ. Nhưng họ nhập với mình, chứ mình làm sao nhập với họ?”. Thật bản lãnh khi đối đầu thế lực đời nầy trong tay những Giu-đa! Không dễ đâu bạn, nhất là thời kỳ đó, mắt tôi đã thấy có nhà thờ treo bảng Tin Lành Thống Nhất và dành nơi làm Văn Phòng cho Nguyễn Thành Long.
Cụ Mục sư Phan văn Tranh là một người lãnh đạo theo tình của người cha, không phải một người cầm quyền. Cá nhân tôi trải nghiệm cái tình đó.
Năm 1972, tôi rời Bến Cát về Sàigòn chờ bổ nhiệm, khi đến Văn Phòng Địa Hạt gặp Mục sư Chủ Nhiệm Phan văn Tranh. Mục sư Tranh nói: “Vì sức khỏe của Thầy, tôi muốn Thầy ở lại Sàigòn, không cho Thầy đi xa nữa” Vì lúc đó tôi ốm yếu lắm, nghe mà ấm lòng làm sao, thì ra Lãnh đạo vẫn quan tâm sức khỏe của mình.
Ngày 22 tháng 6 năm 1972, tôi được Địa Hạt bổ nhiệm đến Túc trưng lo công việc Chúa. Tôi chưa biết Túc trưng là ở đâu và cũng chưa biết sẽ đến đó bằng cách nào. Buổi sáng, tôi ra Văn Phòng xin ý kiến Mục sư Chủ Nhiệm Phan văn Tranh. Cụ Mục sư bảo tôi đến nhà thờ Sàigòn nói với một vị mục sư hiện có xe hơi của Giáo hội, nói là Cụ Mục sư Tranh nhờ giúp chở giúp đồ đạc của tôi đến Túc trưng. Vị mục sư đó vô cùng ngạc nhiên và nói: “Cái nầy lạ à nghen, xưa nay Địa Hạt đâu có giúp ai chở đồ đến nhiệm sở. Thầy nói lại với Mục sư Tranh Chủ Nhiệm là tôi bận không giúp được”. Khi nghe tôi trình lại, Cụ Mục sư Tranh lắc đầu buồn, nghĩ một chút, Cụ nói: "Thầy ra bến xe Petrus Ký, thuê một xe chở, hỏi bao nhiêu tiền, TÔI TRẢ!” Nhờ đó Chúa cho tôi đến Túc trưng hầu việc Chúa 9 năm.
Một điều không hiểu được là vào cuối đời của Cụ Mục sư Phan văn Tranh, đồng lúc với tình trạng của Cụ Mục sư Hội Trưởng Ông văn Huyên bị mù sau nhiều lần giải phẫu cũng không khỏi; còn Cụ Mục sư Phó Hội Trưởng Đoàn văn Miêng lại bị lãng tai hầu như không còn nghe được; thì Cụ Mục sư Phan văn Tranh bị lãng trí không nhớ gì cả. Câu hỏi được trình lên cho Đức Chúa Trời và Chúa Jêsus Christ là Chủ của Hội thánh Chúa tại Việt Nam: Tại sao Những Người Đi Trước Tôi được Chúa cho kết thúc thế hệ của họ bằng ba cái khóa khó hiểu như vậy: Không Thấy – Không Nghe – Không Biết? Kết thúc một Thế Hệ công việc Đức Chúa Trời trên Đất Nước Việt Nam trong tình thế mới mẻ quá, không ai trả lời cho tôi. Tôi đành mượn lời của Phaolô nói: "Ngày nay tôi biết chưa hết; đến bấy giờ tôi sẽ biết như Chúa đã biết tôi vậy” (I Côr. 13:12).


 
 
 
GHI THÊM MỘT CHÚT
*********

 
 
 
1.    MỤC SƯ NGUYỄN VĂN TRÌNH

 
Cụ Mục sư Nguyễn văn Trình kể rằng, tại vùng ‘xôi đậu’, tức là nơi ban ngày thì người Quốc gia kiểm soát, còn ban đêm là do người Cộng sản kiểm soát. Vị Mục sư chủ tọa một Hội thánh mời một Truyền đạo đến giảng cho đêm Truyền giảng của Hội thánh.
Khi giờ buổi nhóm khởi sự, trong nhà thờ có nhiều người lạ hiện diện, không khí buổi nhóm bình thường. Bất ngờ sau khi vị Truyền đạo diễn giả  đứng lên đọc Thi thiên 14:1-7, thì rất nhiều cánh tay đưa lên muốn có ý kiến. Vị Mục sư chủ tọa Hội thánh địa phương tức thì đứng lên nói: “Vì đây là buổi nhóm thờ phượng Đức Chúa Trời, để không trở ngại, nếu anh em có ý kiến vui lòng ra phía sau gặp tôi”. Rồi Mục sư bước ra phía sau là tư thất, cũng có một số người đã đưa tay bước ra theo. Sau khi ngồi xuống, vị Mục sư chủ tọa hỏi những người ngồi đó có ý kiến gì? Một đại diện nói: ‘Chúng tôi không đồng ý vị Truyền đạo kia gọi chúng tôi là Kẻ Ngu Dại’. Mục sư chủ tọa đáp ngay: “Rõ ràng vị Truyền đạo kia không có nói, Thầy ấy chỉ đọc Lời của Đức Chúa Trời là Kinh thánh phán những người nào trong lòng cho rằng không có Đức Chúa Trời mới là ngu dại, trong khi lòng anh em đâu có nói như vậy”. Cảm ơn Chúa cho thế là qua cơn sóng gió!
Cảm ơn Chúa ban cho Những Người Đi Trước sự khôn ngoan!


 
2.    MỤC SƯ NGUYỄN VĂN THÌN
 
 
Hè năm 1968, một số anh em chúng tôi nhân dịp nghỉ hè của Thánh Kinh Thần Học Viện, đã cùng nhau đến Cô Nhi Viện Tin Lành Bến Cát tổ chức dạy Thánh Kinh Mùa Hè cho 80 cô nhi tại đó.
Bữa cơm trưa hôm ấy đặc biệt có vị Mục sư Trí sự Nguyễn văn Thìn cùng ăn, nhân dịp Cụ Mục sư đến thăm Cô Nhi Viện. Bữa ăn thật vui và cũng khá ồn ào với sự vui tính của vị Mục sư Trí sự. Bất chợt Cụ Mục sư lên tiến hỏi: “Tôi hỏi Quý Thầy, sau khi Tiên tri Giô-na ở trong bụng cá cầu nguyện ăn năn thì điều gì xảy ra?” Quá dễ nên vài anh em chúng tôi trả lời nhanh: "Thưa Cụ, Chúa bảo con cá nhả Giô-na ra”. Không ngờ Cụ Mục sư đáp: “Sai. Kinh thánh ghi: Đức Chúa Trời bảo con cá ‘mửa’ Giô-na ra. Và tôi (Mục sư Trí sự) nói với các Thầy, một người hầu việc Chúa, đã được Chúa kêu gọi như Giô-na nếu không tuyệt đối vâng lời, thì bị Chúa phạt. Dù có ăn năn, Chúa tha, nhưng từ đó về sau đi đâu Giô-na cũng bốc mùi tanh của con cá”. Chí lý thay một lời cảnh cáo của Những Người Đi Trước!

 
 
3.      MỤC SƯ NGUYỄN VĂN QUAN

 
Những năm tập sự hầu việc Chúa tại Hội thánh ở Bến Gỗ, mỗi sáng thứ bảy, tôi được Chúa cho có dịp cùng đi với Mục sư Nguyễn văn Quan, chủ tọa Hội thánh tại Biên Hòa vào Nhà Giam Tỉnh Biên Hòa để giảng Tin Lành cho các phạm nhân bị giam trong đó.
Một hôm, sau giờ đi giảng ở Nhà Giam về, ngồi uống nước với Mục sư Quan nơi phía trước tư thất mục sư chủ tọa Hội thánh tại Biên Hòa, có một người khách đến tìm Mục sư Quan. Người khách tự giới thiệu là một mục sư của giáo phái Hội thánh Đấng Christ. Sau vài câu chào thăm lịch sự, vị mục sư khách hỏi Mục sư Quan: “Theo như Mục sư nói thì Kinh thánh ghi lại tất cả mọi việc. Nếu nói như vậy, Kinh thánh có ghi lại việc Chúa Jêsus có đi tiêu không (nguyên văn lời của vị khách thuộc giáo phái Hội thánh Đấng Christ – TTS)?” Tôi chỉ là đàn hậu bối ngồi đó thật bất ngờ trước một câu hỏi có một không hai của một người tự xưng là ‘mục sư’ của một giáo phái hỏi về Kinh thánh, và tôi cũng thật không ngờ Chúa cho Mục sư Nguyễn văn Quan đầy khôn ngoan trả lời bảo vệ Kinh thánh là Lời Đức Chúa Trời, bịt mồm sư tử - Mục sư Quan rất bình tỉnh nói: “Thưa ông, tôi quả quyết nếu việc Chúa Jêsus ‘đi tiêu’ cần thiết cho sự cứu rỗi của ông thì chắc chắn Đức Chúa Trời đã cho phép ghi lại rồi”. Ha-lê-lu-gia! Cảm ơn Chúa đã cho tôi thấy sự ứng nghiệm của Lời Chúa phán trong Math. 10:20 trên một trong Những Người Đi Trườc Tôi.

 
 
LỜI KẾT

Dĩ nhiên, lịch sử Hội thánh Tin Lành Việt Nam không phải chỉ có bấy nhiêu Người Đi Trước đó, mà lịch sử là sự góp công góp sức của toàn thể tôi con của Chúa. Có những người tôi biết, có những người tôi không biết, nhưng tôi ghi lại Những Người Đi Trước nầy để nói với Những Người Đi Sau rằng:
·         Những Người Đi Trước đó họ không có được những phương tiện công nghệ cao như chúng ta có ngày nay, như internet, phone, những nguồn thông tin thế giới, những sự hỗ trợ đầy sức mạnh về tài chánh, kể cả chính trị bên ngoài, nhưng họ đã được Chúa dùng khả năng họ có để kiến tạo một Hội thánh của Chúa tại Việt Nam.
·         Những Người Đi Trước đó chịu cực khổ để làm người giảng Tin Lành cho dân tộc mình, ngay cả một đôi giày cũng không có, một cái khăn choàng cho người vợ cũng không, nhưng họ vẫn đánh trận tốt lành, vẫn xong sự chạy, đã giữ được đức tin. Họ đã sống bởi Tin Lành làm người giảng Tin Lành không vì tiền bạc. Từ những cái không có họ được Đức Chúa Trời dùng để làm nên những ngôi nhà thờ, những người tin Chúa vững vàng trong chiến tranh, trong khó nguy, trong bắt bớ, trong đó có chúng ta được hưởng.
·         Những Người Đi Trước đó không có trình độ học vấn cao, họ thấp lắm, nhưng Chúa đã dùng những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những kẻ khôn; Đức Chúa Trời đã dùng sự hèn hạ của họ để xây dựng Vương quốc của Chúa tại Việt Nam mà chúng ta đã thấy đó.
Chúa phán: “Hãy nhớ những người dắt dẫn mình, đã truyền đạo Đức Chúa Trời cho mình, hãy nghĩ xem sự cuối cùng đời họ là thế nào, và HỌC ĐÒI ĐỨC TIN HỌ” (Hêb. 13:7)
Họ không xây lên những lâu đài, Họ không xây lên những cung điện, nhưng Đức Chúa Trời đã dùng Những Người Đi Trước Tôi xây lên một ngôi nhà khang trang, ấm áp cho gia đình Hội thánh Tin Lành Việt Nam.
Tôi nhớ người Việt Nam cho bài hát:
Cái nhà nhà của ta,
Ông Cố, Ông Cha lập ra,
Cháu con phải gìn giữ lấy,
Muôn năm với nước non nhà.
“Ấy, anh em cũng nhờ Ngài mà được dự phần vào nhà đó, đặng trở nên nhà ở của Đức Chúa Trời trong Thánh Linh” (Êph. 2:22).

Vào Xuân 2015
Winston-Salem, North Carolina.

 
Mục sư Trần Thái Sơn.


( hết )

================

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ