đọc thêm (3) : " về nhà văn nữ NGUYỄN THỊ HOÀNG [ 1939 - ] -- Virgil Gheorghiu ( 29/ 08/ 2017 )
THỨ BA, 29 THÁNG 8, 2017
về nhà văn nữ nguyễn thị hoàng [ 1939- ] -- blog phan nguyên
TUESDAY, 8 SEPTEMBER 2015
Nguyễn Thị Hoàng [1939- ]
Nguyễn Thị Hoàng
(11/12/1939) Thừa Thiên, Huế
-bút danh khác: Hoàng Đông Phương
-nhà thơ, nhà văn
Nguyễn Thị Hoàng sinh ngày 11 tháng 12 năm 1939 tại Huế.
Năm 1957, bà chuyển vào sinh sống ở Nha Trang, đến năm 1960 vào Sài Gòn học Đại học Văn khoa và Luật nhưng học dở dang, rồi lên Đà Lạt dậy học
Đến năm 1966, Nguyễn Thị Hoàng bắt đầu viết tiểu thuyết, và nổi danh ngay với tác phẩm đầu tiên Vòng tay học trò khi mới 27 tuổi
Bà là một trong những nhà văn nữ tài năng và tên tuổi đã được khẳng định với những tiểu thuyết với giọng văn trau chuốt bóng bẩy và là một trong vài tác giả có sách bán chạy nhất tại miền Nam Việt Nam trước 1975.
Tác phẩm đầu tay Vòng tay học trò với bút danh Hoàng Đông Phương là một tiểu thuyết "hiện sinh" mô tả vấn đề tình yêu, tình dục giữa một cô giáo tên Tôn Nữ Quỳnh Trâm và học trò Nguyễn Duy Minh, được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa. Một tác phẩm gây tranh cãi nhiều nhất thời kỳ đó tại miền Nam, và về sau được tái bản nhiều lần.
Sau 30/4/1975, Nguyễn Thị Hoàng ít sáng tác và sống âm thầm đến tận 1990, khi bà cho ra đời Nhật ký của im lặng.
Năm 2007, bà lại xuất hiện qua một tùy bút nhan đề Nghĩ từ thơ Thái Kim Lan đăng trên Tạp chí Văn hoá Phật giáo (số xuân Mậu Tí, 12.2007).
Năm 2007, bà lại xuất hiện qua một tùy bút nhan đề Nghĩ từ thơ Thái Kim Lan đăng trên Tạp chí Văn hoá Phật giáo (số xuân Mậu Tí, 12.2007).
Ngoài "Vòng tay học trò" (1966), Nguyễn Thị Hoàng còn sáng tác thơ và nhiều tác phẩm khác.
Các tác phẩm:
1
(truyện dài - Kim Anh, 1966)
2
(truyện dài - Kim Anh, 1967)
3
Ngày Qua Bóng Tối
(truyện dài - Văn, 1967; Hoàng Đông Phương, 1968)
4
Trên Thiên Đường Ký Ức
(tập truyện - Hoàng Đông Phương, 1967)
5
Vào Nơi Gió Cát
(truyện dài - Hoàng Đông Phương, 1967)
6
Mảnh Trời Cuối Cùng
(truyện ngắn - Hoàng Đông Phương, 1968)
7
(tập truyện - Văn Uyển, 1968)
8
Về Trong Sương Mù
(truyện dài - Thái Phương, 1968; Mây Hồng, 1968)
9
(truyện dài - Gió, 1969)
10
Đất Hứa
(truyện dài - Hoàng Đông Phương, 1969)
11
(truyện dài - Sống Mới, 1969; Mây Hồng, 1970)
12
(truyện dài - Gió, 1969; Mây Hồng tái bản, 1970)
13
Một Ngày Rồi Thôi
(1969)
14
(truyện dài - Hoàng Đông Phương, 1970)
15
Tiếng Hát Lên Trời
(truyện dài - Xuân Hương, 1970)
16
Trời Xanh Trên Mái Cao
(truyện dài - Tân Văn, 1970)
17
Bóng Người Thiên Thu
(truyện dài - Hoàng Đông Phương, 1971; Nguyễn Đình Vượng, 1971)
18
Bóng Tối Cuối Cùng
(truyện dài - Giao Điểm, 1971)
19
Tình Yêu, Địa Ngục
(truyện dài - Nguyễn Đình Vượng, 1971)
20
(truyện dài - Đồng Nai, 1972)
21
Bây Giờ Và Mãi Mãi
(truyện dài - Đời Mới, 1973)
22
(tập truyện - Văn, 1973)
23
Năm Tháng Đìu Hiu
(truyện dài - Đời Mới, 1973)
24
Trời Xanh Không Còn Nữa
(truyện dài - Đời Mới, 1973)
25
Tuần Trăng Mật Màu Xanh
(truyện dài - Đồng Nai, 1973; Tinh Hoa Miền Nam-USA, 1980)
26
Buồn Như Đời Người
(Truyện dài - Đời Mới, 1974)
27
Chút Tình Xin Lãng Quên
(truyện dài - Trương Vĩnh Ký, 1974)
28
(truyện dài - Nguyễn Đình Vượng, 1974)
29
Dưới Vầng Hoa Trắng
(Tập truyện - Sống Mới, 1980)
30
Ngày Qua Bóng Tối
(1980)
31
Cho Đến Khi Chiều Xuống
(Trường thiên tiểu thuyết – 1980)
32
(Đồng Nai, 1990)
33
Người yêu của đấng trời
(chưa xuất bản)Thơ
Sầu riêng
tập thơ (1960)
Kiếp đam mê
tập thơ (1961)
Lời rêu
Ai đi qua xa vắng,
bỏ chiều run một mình
Giọt cà phê máu mặn,
nỗi nhớ đầy quyên sinh
Mười hai năm tỉnh giấc,
trắng đôi bờ tóc đen
Dáng tinh cầu vỡ nát,
đôi tay nào ru đêm
Uống cùng nhau một giọt,
đắng cay nào chia đôi
Chung một niềm đơn độc,
riêng môi đời pha phôi.
Say dùm nhau một giọt,
chút nồng thơm cuối đời.
Vướng dùm nhau sợi tóc,
ràng buộc trời sinh đôi.
Cơn mưa chìm nước mắt,
phủ kín đời chia hai
Thời gian chung đã mất,
tháng ngày riêng cũng phai
Ngày mai ta bỏ đi,
trần gian xin trả lại
Đá tảng nào vô tri,
chết một đời rêu dại
Chỉ còn trong bóng tối,
dấu tay nào trên tay
Tiếng im trong lời nói,
mây quên trời tóc bay
Tham khảo thêm về tác giả Nguyễn Thị Hoàng
phỏng vấn Nguyễn Thị Hoàng, Người Yêu Của Đấng Trời.
Trong các nhà văn nổi tiếng của miền Nam trước 75, Nguyễn Thị Hoàng mang trên thân định mệnh một cuốn tiểu thuyết. Chưa một nhà văn Việt nào được các thế hệ thanh niên say mê và tác phẩm đầu tay đem đến tiếng tăm lẫn sóng gió nhiều như Nguyễn Thị Hoàng. Vòng Tay Học Trò, thập niên 60, đã biểu trưng tâm tình nổi loạn của cả một thế hệ trẻ trong một thời đại bắt đầu làm quen với văn chương ‘‘hiện sinh’’, trong tình yêu và trước xã hội, với khao khát một cách sống độc lập. Từ Vòng Tay Học Trò đến nay đã gần 40 năm, Nguyễn Thị Hoàng trở lại tiểu thuyết với tác phẩm Người Yêu Của Đấng Trời. Bài phỏng vấn dưới đây, thực hiện qua điện thư, sẽ giúp bạn đọc phần nào biết thêm mối tương quan được tác giả xem như một ánh chớp của tâm thức, trong cuộc đi tìm và bắt gặp, giữa Nguyễn Thị Hoàng và Người Yêu Của Đấng Trời.
1.
MN: Từ nhiều năm nay, ngoài Nhật Ký Của Im Lặng, ít hoặc hầu như không thấy xuất hiện tác phẩm của Nguyễn Thị Hoàng trên văn đàn Việt Nam trong lẫn ngoài nước, xin chị cho độc giả Hợp Lưu biết lí do của sự vắng mặt này.
NTH: Rất cám ơn câu hỏi đã minh định được tình thế của NTH: không thấy xuất hiện tác phẩm của NTH trên văn đàn VN Trong lẫn Ngoài nước. Một tác phẩm có mặt từ ba yếu tố: nghĩ (hay cảm), viết, và in. Nghĩ thì như thở, càng bị rượt đuổi vây khổn, càng dập dồn, chồng chất. Viết ra thì khó liên tục nếu ăn ở không yên và chèo chống không ngừng với mọi vấn đề. Nếu vượt hai điều trên được, lại phải đứng dừng trước bức tường thứ ba: in ra, ngoài khả năng của một tác giả tận cùng đơn độc, trong mọi nghĩa. Khi qua đi một khúc đoạn ở cuộc đời hay nỗi niềm riêng, NTH vẫn ngạc nhiên là mình vẫn còn sống và câu hỏi duy nhất là làm sao để in ra, cũ và mới những gì đã ứa ra từ quá trình sống… chín này.
2.
MN: Cho đến nay tác giả Nguyễn Thị Hoàng đã cho ra đời bao nhiêu tiểu thuyết? kể cả tác phẩm đã hoặc chưa xuất bản. Chị quan niệm thế nào về một tiểu thuyết hay? Nó chỉ cần quyến rũ người đọc, hay nhất thiết phải chuyên chở một tư tưởng?
Cũng xin chị cho biết, những nguyên tắc cùng cảm nhận khác biệt nào đã có khi chị viết tiểu thuyết thay vì các thể loại khác, chẳng hạn như truyện ngắn, tùy bút, ký.
NTH: Chỉ mới cho đến hôm nay thôi, trên 30 cuốn đã xuất bản, khoảng 10 thì chưa (gồm những thể loại khác tiểu thuyết). Chỉ là những dấu chân đã qua, dù vẫn trên đường. Nhiều để làm gì, chỉ cần ba, vẫn chưa có mặt.
Thế nào là một tiểu thuyết hay thì có thể đáp gọn trong vài chữ, có thể thuyết trình trong một lần nói huyên thuyên, ở đây vẫn chỉ góp ý chìu theo câu hỏi:
Hiếm có một tiểu thuyết nào đáp ứng được mọi thể loại và đẳng cấp độc giả. Tính quyến rũ, nếu có, chỉ cho một phần nào trong tất cả độc giả. Yếu tố quyến rũ chỉ là một phần trong toàn thể những yếu tố khác quyết định giá trị tác phẩm; còn tùy cái gì làm nên sự quyến rũ.
Tiểu thuyết chuyên chở tư tưởng, chất liệu cần thiết để đắp xây hay phá hủy; nhưng tư tưởng lại không chuyên chở được tiểu thuyết - đương nhiên không thể là yếu tố chính để “làm hay” mà động lực tồn tại qua không gian và thời gian. Một cuốn sách hay do tư tưởng thì không là tiểu thuyết mà luận thuyết. Một tiểu thuyết hay hội tụ nhiều yếu tố, cách thế cảm nhận suy nghĩ trước tự thân và ngoại giới của tác giả, được thể hiện trình bày nó chân thực hồn nhiên như hít thở. Nên nếu phải hít thở theo nhịp điệu nào đó thì chỉ là bài tập thể thao không còn tự do sáng tạo. Nếu người viết có xúc động để sáng tạo thì người đọc mới xúc động được sáng tạo ấy.
Là một tác phẩm văn chương, nên văn chương vẫn là yếu tố tiên quyết. Ngôn ngữ âm điệu, cách sử dụng, như kiếm báu, dẫu rèn đúc hay lưu truyền thì hiệu lực không do chính nó mà từ kiếm khí, cách khác, là cung cách thể hiện một hiện thể.
Tiểu thuyết hay khi người đọc mỗi một và tất cả dẫu khác xa nhau, đều tìm thấy một phần mình muốn, thích, cần sống không có được trong đời sống. Qua tiểu thuyết, người đọc sống lấymình bằng xúc động và đồng cảm với tác giả.
Sự quyến rũ, ở vật thể hay phi vật thể là hiệu quả của chất chứa và phóng tỏa một nội thể đã sống lấy tận cùng nó.
Về nguyên tắc và cảm nhận khi viết tiểu thuyết thì, một dàn dựng không công phu nhưng phức tạp uyển chuyển theo chủ ý hay chủ đích riêng, giữa các sự kiện nhân vật bối cảnh có thực cùng mức độ và khả năng (hoặc tài năng) phóng hóa nó để mỗi sinh vật thể được là như thế khi nó chưa là hoặc không bao giờ là như thế. Chỉ có xúc động của mỗi nhân vật mà tác giả hóa thân hay nhập vai tùy lúc là có thật. Riêng đối thoại và diễn tả về những trạng thái ấy thì hay hay dở tùy theo khả năng vận dụng tính đạo diễn của tác giả. Cách của NTH, chỉ khi cảm nhận được tận cùng (xúc động hay chấn động tận đáy thẳm linh hồn) đến rơi vỡ nước mắt (đôi khi nước mắt trên môi và nụ cười trong mắt) về một vẻ đẹp (không phải chỉ beauté esthétique1!), lòng đau hay niềm yêu thì khởi sinh sáng tạo như một ứa tràn hồn nhiên không ngăn cấm, không hạn chế.
Tiểu thuyết là thế giới tác giả sống lấy mình nơi mỗi một nhân vật, hoặc ít ra là sống với, một thể hiện hoàn toàn tự do về mọi nỗi niềm và cách thế, vô điều kiện, hoặc điều kiện duy nhất: mình có đáng là như thế hay không.
Truyện ngắn lại khác, cần súc tích, bao gồm, trọn vẹn và bắt buộc hạn chế, vì kiến trúc sự kiện lẫn nhân vật, vì ý tưởng xoay quanh một trục thèse2 nào đó cho một lãnh vực của nhân sinh. Nó cần chuyên chở; nhắn gửi một thái độ, một quan niệm, tối thiểu là một ý kiến, xao xuyến nào đó của tác giả về một vấn đề hay một hiện tượng, một tình trạng.
Thời này, tự do được tuyên dương nên người ta cứ viết gì tùy thích, xong gọi là ngắn vì không dài, tùy bút vì không chủ đề, ký vì chỉ muốn nhận mà không phải tốn hao gì cả.
3.
MN: Hợp Lưu số này được hân hạnh giới thiệu một chương trích từ tiểu thuyết ‘‘Người Yêu Của Đấng Trời’’ chưa đăng báo cũng chưa xuất bản của chị, và theo ghi chú ở Lời Ngỏ thì chị đã khởi đầu cách đây 13 năm. Đây là một tác phẩm mà trong đó chị đã luận giải những tương quan giữa Tôn giáo, Con người và Tình yêu. MN đọc thấy hai đoạn như sau :
‘‘Tất cả đều in bóng lên nền xanh bát ngát của lòng trời, và những đôi mắt linh hồn mãi mãi tìm nhau, vẫn dồn trút niềm yêu và nỗi đau trong cái nhìn đáy thẳm tuyệt vời của im lặng và bóng tối.’’
…..
‘‘Khoác lên trái tim chưa yêu của Chúa một vầng hoa nguyệt quế nghìn thu. Và trái tim nào đã yêu đến tan nát cả chân như thể tánh mình, hãy lấy búa kim cương đóng lên một chiếc đinh vàng, để dưới bóng Chúa lung linh nến hồng thuở trước, trên tình yêu không bao giờ có thực của chúng ta, một giọt máu trường sinh nhỏ xuống.’’
Như thế, phải chăng có sự mâu thuẫn? : Linh hồn tình yêu tìm nhau trong đáy thẳm của im lặng và bóng tối, vậy là đã tin có tình yêu, rồi sau đó lại hoài nghi, hơn cả hoài nghi nữa, một xác tín, là nó không bao giờ có thực.
Theo chị Hoàng, Chúa chưa từng yêu? Vì sao lại phong quang cho ‘‘Trái tim chưa yêu’’ này bằng một vòng nguyệt quế ?
NTH: Nếu đọc hết toàn bộ gồm những chương khi chưa cắt xén trong sách lẫn những đoạn đã tháo gỡ bớt thì NYCĐT không luận giải gì, lại càng không có ý thiết lập tương quan giữa Tôn giáo, Con người và Tình yêu. Tình yêu nơi đây, dẫu thế nào, chỉ là ngọn lửa sưởi ấm soi sáng, phản chiếu tính cách của một siêu thể trên đường đi và đến. Cũng không luận giải một tôn giáo mà chỉ là cách thế nhìn ngắm, xao xuyến đối với một biểu tượng, một hiệu lực, của một kẻ (tác giả) không phải tín đồ Thiên chúa giáo, lại càng không đọc, hiểu gì về tôn giáo này. Còn Con Người thì không phải con người nói chung, mà Con Người viết hoa nào đó trên hành trình chuyển hóa và thắng vượt để trở thành.
Mâu thuẫn, nếu có thì từ phía nhìn khách quan. Thuần túy chủ quan của tác giả (chép lại cảm nhận mình hơn là luận giải một vấn đề), trên những dòng này của Lời Ngỏ, mỗi câu đều có định ý riêng. “Trên tình yêu không bao giờ có thật của chúng ta”, ý nghĩ của người viết khi nói với một con người. Có thể chỉ là với một cái bóng, nguồn cơn của đối thoại. Một ý niệm trừu tượng, một đối thể không có thật, tình yêu vì vậy cũng không bao giờ có thật trong trạng huống này. Nhưng nếu mà yêu, người viết hay nhân vật hay bất kỳ ai, nếu đã yêu đến mức tan nát cả chân như thể tánh mình thì xứng đáng với một khổ hình trừu tượng tuyệt vời: búa kim cương đóng đinh vàng (MN này, đinh vàng thì vô khối, nhưng biết tìm đâu ra búa kim cương?), chỉ là một giọt máu từ vết thương vĩnh cửu này sẽ nối truyền đời đời sự sống. Trong phạm vi lời này, chuyện này là như thế. Còn tình yêu có thật hay không bao giờ có thật, như một định lý phổ quát, thì là một chủ đề khác. (Khi nào HL hay diễn đàn nào cần, xin cứ gọi, sẽ thưa sau). Tất cả đều là trừu tượng, chỉ niềm đau không cùng tận là có thật. Niềm đau hơn cả sự chết. Sự chết chỉ là một hơi thở, niềm đau thì không cùng tận. Chẳng phải thế giới cũng đang đau không cùng tận bằng chính tay con người đóng gõ đó sao?
Chúa chưa từng yêu? Chúa, Jésus thật, đã từng yêu hay chưa làm sao một con người trong khoảng cách không gian thời gian và mọi điều kiện khác lại có thể biết được Chúa đã từng yêu chưa? Điều ấy ngoài Chúa ra không một ai được biết đúng, đôi khi kể cả trời.
Nhưng hai điều cần được nói ra: nhân vật (vì là trong tiểu thuyết) Chúa trong cảm niệm của người viết, giữ mình trọn vẹn thánh tính trên hành trình đi và đến, không tiếp nhận ở mình với mình, mình với người khác cái gọi là tình yêu hạ giới, dẫu đến như thế nào, dành mình cho tình- yêu- tuyệt- đối-không- cùng- tận đối với trần gian. Một vòng hoa nguyệt quế ( chiến thắng, thắng vươt) cho một thánh tính, vầng hương nơi một bông hoa, hay bông hoa cho một vầng hương, sao lại không?
4.
MN:Tin rằng Chúa chưa yêu, hay giả là Chúa có yêu nhưng đó là tình yêu biển trời bao la, tình yêu cho mọi nhân loài, và dựa theo cả cốt truyện, nếu bây giờ độc giả cho rằng tựa cuốn tiểu thuyết này nên là ‘‘Người Yêu Đấng Trời’’, như thế sẽ thích hợp hơn ‘‘Người Yêu Của Đấng Trời’’ thì tác giả Nguyễn Thị Hoàng nghĩ sao ?
NTH: Sách chưa được in lại phải giải thích một điều trong sách thì thật… chưa từng có. Đành vậy, biết sao hơn trong tình thế cũng chưa từng có này.
Theo lẽ, thì NYCĐT phải là nhân vật chính của câu chuyện. Nhưng theo bố cục tổng quát một dàn dựng gồm ba bộ: Ông Chúa, Ông Phật, Ông Người, thì vấn đề (hay tương quan giữa nhân vật và Đấng Trời) không phải ở chính mỗi bậc vị này mà nơi đáp số hay hiệu lực của họ đối với nhân loại. Trong NYCĐT giai đoạn trước có ba nhân vật Jésus, Maria, Madeleine, vai phụ hay doublure3 của J., Angel. Giai đoạn sau là Dominico, Thérèse. Ai làm nên và đem lại hiệu quả nơi trần thế đúng ý Trời thì đó là NYCĐT. (Xin hiểu Trời theo nghĩa là Đại Huyền Lực Vũ Trụ vận hành cuộc Tiến Hóa muôn loài).
Vậy nên, NYCĐT không phải Jésus. Thế thì ai?
5.
MN: ‘‘Không phải Chúa chịu khổ hình, như một biểu tượng cứu chuộc thương đau như cũ, vì con người không còn biết xúc động trước cái đẹp siêu linh hay những giá trị tinh thần tột đỉnh mà bằng một vóc dáng, một thể hiện mới, trên biểu tượng lẫn hành vi, đáp ứng được cơn đói khát đương thời mà con người đang gào la khắp cùng thế giới thì quả thật đó là Chúa trở lại, một Chúa mới của con người đương đại.’’
Đây là tư duy của Bà Nhất, người sơ trưởng trong tu viện, về sự trở lại của Chúa với con người mới. Con người đương đại khác với con người thời Chúa chịu khổ hình ra sao? Con người thời nay không còn những xúc động siêu linh mà chỉ muốn Chúa đáp ứng đòi hỏi của họ? Chị quan niệm như thế?
NTH: Chỉ khi xuyên suốt một tác phẩm (không cắt xén một phần, một chương hoặc dẫu một khúc đoạn nào) mới nắm bắt trọn vẹn được ý định tác giả. Lời của Bà Nhất chỉ là ý kiến dẫn khởi cho hàng loạt những biến chuyển về sau sẽ giải trình ý định ấy. Thời này, thời ấy khác nhau, nhưng con người thời nào cũng đều có xúc động và đức tin, phóng tỏa hay giới hạn tùy thuộc vấn đề và nhu cầu sống từ môi trường quanh đời. Con người đi dạo trong thiên nhiên phóng khoáng sẽ cảm ứng nhanh những quyền phép siêu linh, con người trong thang máy chỉ trông cậy vào cái nút bấm để xuống lên và đôi khi sống chết vì.
Vấn đề là thời này Ý Chúa có được thể hiện nối truyền đúng và do đó hiệu lực có còn trọn vẹn không. Đức tin và khát vọng về cái đẹp mãi mãi tồn lưu nơi con người, nhưng với những nhu cầu khẩn cấp và cay nghiệt hiện thời, con người mong muốn và đợi chờ cái hiệu quả tức thì và hiển nhiên như một công thức hay đáp số giải được mọi bài toán khó. Không phải là một Chúa mới hay Chúa trở lại mà một con người có vóc dáng và tính cách Chúa, nhận ra toàn bộ vấn đề xưa sau, xoay vần và phục sinh lại Ý Chúa.
6.
MN: Vẫn nói về ‘‘xúc động’’, trong chương cuối của tiểu thuyết, Chúa của tác giả Nguyễn Thị Hoàng đề cập và phân biệt tách bạch ‘‘Con người trên trái đất’’ và ‘‘Giống dân trên các hành tinh khác’’ của giải ngân hà. Chúa ở đây, còn cho rằng con người trái đất có thể thua các sắc dân ấy về trí tuệ và nhiều cơ năng khác nhưng hơn hẳn họ ở khả năng kỳ diệu là biết cảm xúc.
Dựa trên căn bản nào, khoa học, thần học hay cũng là do trí tuệ siêu phàm mà Chúa đưa ra luận thuyết ấy? Chúa nói ra những điều đó trên cương vị một con người trái đất hay Đấng Trời bao trùm cả vũ trụ?
NTH: Câu hỏi đã phân định rõ, Chúa của tác giả NTH. Vậy những lời nói ra của Chúa trong tiểu thuyết này không phải là của Chúa Thánh Kinh mà chỉ là những suy nghiệm của người viết. Nếu là nghiên cứu biên khảo thì lời Chúa biên khảo phải đúng là lời Chúa. Trong phạm vi tiểu thuyết, một sáng tạo, hoặc phóng tác, mô phỏng thì cũng như trang phục, vóc dáng, chuyển động, hành xử, lời lẽ một personnage4 có được phép là, của, do, từ, bởi chính người viết không? Dựa trên căn bản nào, khoa học, thần học, trí tuệ siêu phàm. Chủ từ chữ “ dựa” trong câu hỏi hẳn là người viết. NTH khởi viết, trước tiểu thuyết, bằng thơ (Tạp chí Bách Khoa 1960), và căn chất mãi mãi cũng chỉ là thơ, rất “dốt“ và sợ cái gì liên quan đến khoa học. Còn thần học thì lại càng thất thần… học. Về trí tuệ siêu phàm, tắt là siêu trí, hiểu biết vượt trên mức độ và giới hạn trí tuệ bình thường? Nếu chỉ là cách suy nghĩ của người viết thì không trên cương vị nào ngoại trừ một Cõi Không vô cùng tận. Nơi đó có Trời, Đại Huyền Lực vũ trụ.
Bằng cách nào mà như thế? Điều này thuộc về tác giả và không liên quan đến tác phẩm.
7.
MN:Trong Thánh Kinh, Marie-Madeleine trước là một gái làng chơi bị người ném đá. May có Chúa đi qua và nói với đám đông : Ai thấy mình không là kẻ có tội thì được tha hồ ném. Thế là mọi người bỏ đi. Đây là một câu chuyện hay và thuyết phục. Không thấy chị Hoàng đem vào tiểu thuyết?
NTH: Có nghe nói về “ Madeleine bị ném đá”. Vì không đọc thánh kinh (lại dốt!), nên không lấy chuyện này và có thể còn nhiều chuyện hay khác nữa đem vào tiểu thuyết. Điều chính yếu trong NYCĐT là tâm mạch mà không là sự kiện, đúng hơn là giả thuyết về tâm mạch. Mỗi tâm mạch lại phản chiếu tâm mạch khác trong tương quan, theo hướng đích của hành trình chuyển hóa.
8.
MN: MN xin có câu hỏi cuối về tác phẩm, có thể nói là một công trình này của chị. Trong lời ngỏ, chị viết: ‘‘Cái trống rỗng hao hụt hiện lên thay thế vị trí đường nét tuyệt vời của một tác phẩm thành hình.… Để được là tặng phẩm đầu tiên và cuối cùng cho một niềm yêu, cho một nỗi đau, một sự sống khởi đầu từ cái chết.’’
Đó là ý nghĩ trước ánh chớp loé, trước khi viết. Vậy khi tác phẩm đã thành hình, đã viết xong, chị cảm giác ra sao? Đã được hồi sinh? Và có được ở trong tay Chúa?
NTH: Công trình nào cũng đòi hỏi nỗ lực và thời gian thực hiện. Dẫu hiệu lực thế nào, tác phẩm này vì thế, không phải là một công trình, mà chỉ như một đoản khúc viết nhanh từ ánh chớp tâm linh. Chỉ khi nghe lắng được Mình, một Mình vắng lặng, riêng tư mà chan chứa, NTH mới viết, đúng hơn là chép ra những lắng nghe ấy. Nếu hiểu chết trong nghĩa lớn, thì mỗi đời trong Cõi Khổ này đã phải chết đi và sống lại biết bao lần, mỗi thể loại vì một nguyên nhân hay động lực khác nhau. Trận hồi sinh ở NTH không phải từ viết hoặc viết xong, mà từ bắt gặp nguồn cơn phát sinh xúc động sáng tạo (tạm gọi là như thế), đôi khi là thực thể, đôi khi trừu tượng, hoặc những phóng hóa trừu tượng đến chỉ là ảo giác phủ trùm long lanh trên thực thể vốn chẳng là gì. Đó là bi kịch lớn của một loài mãi hoài đơn độc, như sơn dương đầu ngàn uống bóng mình dưới suối trăng tan!
Trong tay Chúa ư? Không trong tay mà đối diện, với khoảng cách giữa mặt đất và vòm trời. Không trong tay Chúa. Không trong tay người. Không trong tay một ai, trừ một thứ hình như là Định Mệnh.
9.
MN: Xem như đã hỏi xong về tác phẩm, bây giờ MN xin được phép dấn sang chuyện đời thường. Bằng hữu trong nước hẳn luôn tới chơi với chị, riêng bạn bè từ nước ngoài về, MN biết nhiều người thích đến uống một ly rượu, trò chuyện với Nguyễn Thị Hoàng. MN vẫn còn nhớ vài buổi sáng Saigòn dìu dịu trong không khí những ngày cận Giáng Sinh, ngồi trước cốc cà-phê, thảnh thơi nghe chị nói về những hạt bụi lung linh trong nắng và trong cả con người. Rồi từ con người chung chung đó, chị nói đến con người riêng trong MN, qua cái nhìn của chị. Thú thật, ngoài những phân tích nhằm xem phản ứng người đối diện ra sao ấy của chị, thì cử chỉ, lời nói và cả nét mặt của một nhà văn đã làm cho MN, của một thời mới lớn mê mẩn với’‘Vòng Tay Học Trò’’, vừa bị lôi cuốn vừa ngỡ ngàng, trước một Nguyễn Thị Hoàng ngày nay toát ra một thứ gì tạm gọi là ma lực. Chị Hoàng có thể cho biết cái lực đó đến tự nhiên hay là do luyện tập mới có, được chăng?
NTH: MN đã “nhận ra” được NTH nhưng lại hiểu oan một tính cách (toát ra một thứ gì tạm gọi là ma lực). Tuy nhiên, không biết rõ chữ ma lực dùng trong ý tứ nào của MN. Thông thường thì Ma lực đối nghịch với Phật lực. Nhưng ma lực theo nghĩa một sức cuốn hút kỳ bí thì lại khác. Hoặc hiểu theo kiểu phù thủy yêu tinh thì tình thế trở nên rùng rợn hẳn. Nghĩa nào thì tùy theo ngắm nhìn và cảm nhận mỗi phía, NTH tự hiểu. Mình không nhìn thấy mình được để biết ra sao trong tương quan. Nhưng chỉ trong những tấm gương soi là một đối diện tương đương và tương thông, cái LÀ sâu thẳm và chân thật mới hiện ra hồn nhiên không… diễn xuất.
Cái được gọi là ma lực ấy, tự hiểu chỉ là chút hắt bóng lung linh từ ngọn lửa nén của nội thể âm u một con người tưởng là tung hoành mà kỳ thực đã trọn đời nín sống, nói cách khác, đã chưa và không bao giờ tìm thấy vóc dáng cuộc đời đúng như tính cách và tầm cỡ mình.
10.
MN: Để kết thúc, MN muốn biết, ‘‘Vòng Tay Học Trò’’ bây giờ là gì, với Ngưyễn Thị Hoàng?
Chị có thể kể lại cuốn tiểu thuyết này đã ra đời ra sao, do đâu, đã được đón nhận và chống đối thế nào trên các diễn đàn văn chương Saigòn thời đó?
MN nhớ, sau buổi ấy, khoảng năm 1970, bên Pháp ra cuốn phim ‘‘Mourir d’Aimer’’ (Chết vì Yêu) với Annie Girardot, cùng một đề tài: Một nữ giáo sư yêu cậu học trò trẻ tuổi và bị sự phản kháng mãnh liệt của bố mẹ cậu ta nên đi đến tự vận, cuốn phim rút từ một câu chuyện thật đã gây ra lắm xôn xao, báo động, trong các gia đình và học đường. Ở Việt Nam, có những phản ứng tương tự của phụ huynh học sinh hay không, với cuốn truyện của chị?
Tấm ảnh chị cho đăng trên Hợp Lưu số này có phải là hình cô giáo Hoàng thuở ấy?
NTH: Đành phải nhắc nhở vài hàng về sự tích VTHT ngày xưa. Chán chương trình, không khí ở Văn khoa, Luật, bỏ học, đi làm không lâu lại bỏ việc này (thư ký riêng của một tỉ phú) 1960, tìm việc khác 1961. Được bổ nhiệm về Nha-Trang dạy học, trường nơi đây từ chối; chuyển lên Đà-Lạt. Trường nữ dư giáo sư, trường nam thiếu nên xảy chuyện “hoa lạc giữa rừng gươm”, 1962. Năm sau bỏ Đà-Lạt. Mùa hè 1964, một xấp pelure5 ố vàng, một cây bút gì đó, viết một hơi một tháng, VTHT. Bách khoa in mấy kỳ, thiên hạ xôn xao. Nhưng sau đó chuyển cảnh qua chồng con, bản thảo VTHT xếp lại. Đến 66, một nhóm tìm kiếm VTHT, xuất bản. Tái bản 4 lần trong vòng mấy tháng. Sóng gió nổi lên từ mọi phía, vì những lý do và động lực khác nhau. 5 tờ báo, cùng nhất loạt lên tiếng phê phán, chỉ trích, tóm lại là chửi bới. Rất tiếc cuộc biển dâu cuốn trôi không còn một mảnh tài liệu nào, còn trí nhớ NTH thì chỉ gạn lọc lưu trữ những gì tốt đẹp. Hình như nhân danh hay đại diện phụ huynh học sinh, nhà trường gì đó có lên tiếng trong một bài báo. Không có những phản ứng trực tiếp tương tự như trong phim đối với cuốn truyện, còn gián tiếp thì không biết.
Khi viết, với không phải viết cái gì đã sống, mà trên khung cảnh, sự kiện, nhân vật của khoảnh khắc thoáng qua “trong vai” cô giáo ấy, tăng giảm biến đổi để đúng vóc dáng một câu chuyện. Đã không tính đến chuyện viết tiểu thuyết hay hình thành một tác phẩm với dụng ý, mục đích nào mà chỉ góp nhặt lại những mảnh vụn của một khúc đời đã vỡ.
Thế mà nó trở thành tác phẩm, tác giả với hàng loạt những hệ quả sinh khắc liên hồi từ ấy.
Được lồng bóng trong một giai đoạn thời sự bất an, những ngộ nhận phê phán không thuần túy qua lăng kính văn học nghệ thuật mà nhiều vấn đề ngoài nó. Cái nhãn hiệu độc dược hiển nhiên dễ dán là vô luân lý đạo đức, hay một chữ gì đó tương đương hoặc nặng nề hơn.
Nhưng nó là như thế nào so với hàng loạt những tác phẩm đã dịch và in ra, những câu chuyện có thật trong đời thật. Trong VTHT hay bất cứ đâu, nếu cô giáo yêu một học trò ngoài lớp mình dạy bị kết án thì những mối tình hay hôn nhân giữa thầy giáo với học trò(chuyện thường thấy), lớp mình hay lớp khác trong trường, thì được phép, tại sao?
Nên hình như chủ đề chỉ là cái khiên, những mũi tên nhắm phần sau là một trường hợp, của một giai đoạn.
Nó là cái chìa khóa mở cửa vào một thế giới, nhưng hơn mười năm sau, cũng là thứ chìa khóa đóng kín thế giới ấy lại để có mặt bỗng nhiên vắng mặt.
Nó là cái khởi đầu muốn chấm dứt tất cả những gì trước và sau nó, nhưng thật phản tác dụng, nó lại là cái tín hiệu, là mối nối của những tương giao, hiệu ứng hai mặt của một tính cách định mệnh. Bởi, nó gián đoạn, chôn vùi gần kín thời gian một đời người hay một đời viết, nhưng bù đắp, cái gián đoạn chôn vùi này lại lắng đọng và tích lũy một tố chất cuồn cuộn khác trong hồn nhiên tự tính.
Trên tất cả, nó đem đến những kiếm tìm gặp gỡ và bù đắp cái không là gì cả mà là tất cả của hôm nay, như giọt lửa sau cùng dưới đám tro vùi, thắp lại được một phần còn mong manh mà kỳ thực là cái khởi đầu chờ mong của SỐNG và VIẾT.
Khoảng 71, 72 gì đó, Kiều Chinh và Đặng Trần Thức có tìm gặp NTH định làm phim VTHT. Về sau lại thôi, hình như vì sợ đọ sức với Mourir d’aimer của Pháp. Sau đó (sách hay phim) ai làm gì liên quan đến VTHT, NTH hoàn toàn không hay biết, cho đến nay. NTH vẫn vấp phải những thứ tương tự oan khiên như vậy. Sự thật, những thứ kia là thuần túy phim ảnh, tiểu thuyết, phía mình thì trích dẫn và phóng tác bằng chính những mảnh vỡ đời mình. Ví dụ, một thời gian sau cuốn Ngày Qua Bóng Tối, NTH xem Un Certain Sourire của F. Sagan. Những nhân vật trong NQBT của NTH lại giống như Luc (với Rossano Brazzi Ý), Bertrand, Dominique và Francoise, chỉ khác ở F.S thì phá phách, ở NTH thì rã rời (trong truyện này).
Tấm ảnh nào trên HL? Có người về khi đi mang theo mấy tấm hình NTH trong thời gian viết VTHT, sau khi ra khỏi vai trò cô giáo thoáng qua. Có phải trên trận biến hóa liên hồi của những vai trò và tính cách, con người (hoặc NTH) không thể khoác áo sai lúc và nhầm vai? Chỉ mỗi một điều ngàn muôn năm không thay đổi, cái là tự tính bất biến, hoặc “luyện tập” (không phải luyện tập để có ma lực!), để trở thành bất biến hoại, để có ai còn tìm kiếm kiếp nào sau, còn nhận ra và gặp lại.
NTH xin lỗi về những lời đáp lại không vừa ý những câu hỏi; trong phạm vi bài này và từ mọi phía thắc mắc chưa gặp được nhau. Bởi vì NTH đã không thu nhỏ hoặc phóng lớn mình theo thói thường của một phỏng vấn xưa kia. Chỉ vì những câu hỏi trên đã “chạm mối thương tâm”, nhức nhối mấy mươi năm trời nên đành phóng tỏa không đắn đo suy nghĩ gì hậu quả những lời mình. Cám ơn, MN và “ai đó” (biết có chữ nào qua giới hạn chữ nghĩa?) đã giúp người câm- câm thời khí, không phải bẩm sinh- bỗng được nói “sau ngần ấy năm trời”. Còn gì nữa không? Còn. Vẫn còn. Vẫn còn những gì không bao giờ có thể hết.
Mai Ninh chân thành cám ơn chị Nguyễn Thị Hoàng đã chấp nhận trả lời phỏng vấn này, với những “phóng toả không đắn đo” dù tác phẩm NYCDT chưa được in ra (điều chưa từng có, như lời tác giả); nhất là chị đã cho phép MN được ‘‘chạm đến mối thương tâm’’ không những của một nhà văn mà của một con người, trong nghĩa tròn vẹn nhất.
Caen – Saigòn
(mùa xuân, 2003)
MAI NINH
MAI NINH
1: cái đẹp thẩm mỹ
2: luận đề
3: đóng thay vai trò
4: nhân vật
5: giấy mỏng
Vòng Tay Học Trò
CHƯƠNG 1
Trang điểm xong, Trâm ngắm khuôn mặt mình trong gương và mỉm cười với bóng. Hai con mắt đen trong sáng long lanh như hòa điệu với đôi môi phơn phớt một lượt son hồng nhạt hé hàng răng trắng đều như bắp non. Mái tóc chải rối, vén cao, làm nhưng nét dịu dàng trên mặt Trâm có vẻ già dặn và kiêu sạ Trâm bàng hoàng sung sướng thấy mình lạ và đẹp hẳn lên như lâu ngày gặp lại một người tình lòng chưa nguôi yêu dấu. Khuôn mặt này chỉ lạ đối với những ngày tháng hiện tại, nhưng quen thuộc vô cùng với chuỗi dài quá khứ của Trâm. Đã hơn một tháng từ ngày đi dạy học, Trâm không bao giờ đánh phấn và trang điểm thế. Hàng ngày đến trường hoặc đi ra phố chợ, thăm viếng bạn bè bà con, Trâm chỉ tô một lượt phấn hồng thật mỏng đến không ai biết là nàng dùng phấn để che lớp da trắng xanh chưa quen khí hậu của thành phố sương mù này. Ngòi bút chì đen kẻ đuôi mắt để lâu không dùng nay đem gọt lại, Trâm làm mòn mất một nửa. Cái bút lông nhỏ tô môi cuốn lại vì lâu không bám hơi son phải ngâm vào nước hoa hồng một lúc mới dùng được. Đến những ngón tay của nàng khi trang điểm cũng trở nên lúng túng, vụng về. Bây giờ giở lại những “đồ nghề” thuở trước, nhìn khuôn mặt rực rỡ trở về trong bóng gương xưa, bỗng nhiên lòng Trâm chùng hẳn xuống trong một nỗi buồn man mác, một thống xót đau gờn gợn như có ai cấu vào vết thương đã lành khô máu từ lâu.
Vẻ đẹp ngày xưa còn đó. Tâm hồn dạt dào khao khát yêu đương còn đó. Nhưng những ngày vui, những phút đắm say huyên náo, những bước đường phiêu lưu liều lĩnh đã qua rồi. Trâm như con tàu phải chạy qua đường sắt cuộc đời, bỏ lại sau mình những núi đồi, khe suối, bỏ lại những cảnh thiên nhiên chung thủy đời đời. Bây giờ, đối bóng soi gương, nàng nhớ lại, nhớ lại chính bóng dáng mình chói sáng những đêm vui không bao giờ còn nữa. Sàigòn. Nhưng dạ hội. Những cocktail. Những buổi tiếp tân. Những lần đi chơi không chương trình, không mục đích đầu hôm suốt sáng. Thời gian không có mức ngăn chia phân biệt. Một tuần như có cả bảy ngày chủ nhật. Một năm vui chơi chỉ như một mùa hè. Nàng thấp thoáng khắp nơi, từ những đám phong lưu phá sản bằng ăn chơi đủ điệu cho đến những bọn nhỏ tuổi bất chấp cuộc đời, hối hả sống, vội vàng yêu, hăng hái nhập cuộc mê cuồng theo kẻ lớn. Ở đâu nàng cũng hình như là trung tâm điểm của những cái nhìn mê thích giao nối, đón chào, của những nụ cười trao gởi, cởi mở thân yêu. Hay ít ra nàng cũng đã là một đầu đề cho những câu chuyện, khen có, chê có. Dù có bị chê bai, chỉ trích chửi rủa, cũng được, hơn là một kẻ suốt đời không ai chú ý, không ai nhắc tới, bị quên lãng, bị nhận chìm trong một vũ trụ lạc long cô đơn khép kín. Thế mà ở một cuộc tiếp tân, Trâm đã là bà hoàng không ngôi vị, ở một chuyến đi chơi đêm, nàng là thứ ánh sáng của kim cương. Và giữa bao nhiêu khuôn mặt chán chường, buồn nản của những kẻ bê tha mỏi mệt, nàng cũng vẫn là một nốt nhạc trầm rung động người nghe nhất trong những điệu buồn. Ở thế giới tưng bừng đó, Trâm luôn luôn là kẻ bị yêu mệ Những mối tình kỳ dị khác thường, liều lĩnh bất chấp. Những người đàn ông, những gả con trai. Nàng nhớ lại những tên người trong ký ức như người lính thắng trận kiểm điểm xá chết của phe địch bỏ lại ở chiến trường. Văn tỉ phú. Marc giáo sư đại học, John sĩ quan Mỹ. Tuấn phi công. Francois ký giả. Hồng nha văn. Linh con nhà giàu phá sản. Và một khối thằng sinh viên. Một khối thằng học trò choai choai mới lớn say mê của cấm như khoái làm chuyện siêu phàm. Bây giờ họ là những xác chết. Mỗi tình yêu là một bông hoa đã úa tàn. Mỗi ngày vui là một chiếc lá vàng rơi rụng. Vì Trâm đã chán ngán, đã mệt mỏi, đã lìa xa một nửa con đường lan bạt đó. Đã bỏ cái thành phố hai mặt sống và chết, mê và chán, xấu và tốt đó. Nàng bỏ đi như một từ khước. Và như một lần trốn. Từ khước đi những thú vui buông thả đưa tới lỡ lầm cay đắng, đưa tới trống không giằng đặc tủi hờn. Lẩn trốn nhung đòi hỏi xôn xao của chính mình, của một bản chất sôi nổi thèm sống, thèm yêu đến tột cùng, đến vô bờ vô bến.
Trâm bắt qua một nhịp đời khác không tìm chuyển tiếp. Đàlạt như một nơi ngơi nghỉ vùi chôn đời đời. Cuộc sống đang sôi trào bỗng dưng lắng đọng lại như những thước không gian câm nín dày đặc sương mù. Lẽ ra sau khi giã từ Sàigòn ồ ạt, Trâm phải tập dần quen với cuộc đời yên ổn trầm lặng đã rồi mới lên đây. Mà không. Hai nhịp sống tương phản nối liền nhau, và tâm hồn nàng đột ngột chịu đựng sự giao động mãnh liệt của hai thế giới, hai nhịp đàn khác điệu. Như giữa khí hậu nóng bức khô khan của Sàigòn và lạnh lẽo ẩm ướt của Đàlạt không có miền trung gian.
Nhưng lần đầu tiên lên đây Trâm tưởng mình có thể nguôi quên. Vì lúc đó cái gì cũng mới lạ tốt đẹp. Như những bài làm đầu tiên của học trò nàng chấm đêm đêm. Như con đường viền quanh lũng thấp đồi cao dẫn đến trường học. Như vầng mặt trời sáng chói xé nát màn sương mai tưng bừng nhuộm hồng hoa cỏ, như những bạn đồng nghiệp mới quen. Những khuôn mặt học trò còn xa lạ nhìn lên ngơ ngác. Cho nên Trâm đã nguôi quên chặng đường đua cũ, dừng lại bằng lòng chính mình, bằng lòng xung quanh và định tâm sửa đổi lại đời mình, hàn gắn những đỏ vỡ, nối tiếp những dự định chưa thành. Trâm ngầm giao ước với cuộc đời là nàng sẽ phải sống xứng đáng, từ lúc bước vào ngưỡng cửa mới còn lạnh lùng và xa lạ của nghề dạy học. Một tháng rồi, Trâm dứt hẳn mọi liên lạc với quãng đời cũ. Bạn bè ở Sàigòn tự nhiên thấy Trâm mất tích, lần lượt hết bọn này đến bọn kia dò la tìm theo lên Đàlạt. Trâm giấu nhưng không hiểu vì sao chúng nó biết được chỗ ở. May mà chỗ ở đó chỉ tạm thời. Căn gác nhỏ bít bùng như phòng giam của một gia đình bà con đông đúc đó, Trâm chỉ ở hai tuần mà bao nhiêu người kéo đến hỏi thăm làm chủ nhà cũng sinh ra ngờ vực lối sống của nàng. Trâm không cắt nghĩa. Nàng tìm một chỗ yên lặng, kín đáo, quạnh hiu và xa thành phố hơn. Nhờ dịp may, Trâm thuê được tòa lầu cũ của một linh mục người Pháp. Tòa nhà hư nát đến nỗi không ai nghĩ đến chuyện thuê và sửa chữa lại. Nhưng hôm đến xem nhà, bị mê hoặc bởi vẻ hoang vu và bí mật của tòa nhà với những đám cỏ dầy cao quá đầu, với những cánh cửa hư nát, tường loang lỗ, mái sụp nhiều nơi làm nước mưa dội xuống ào ào như thác, Trâm bằng lòng làm ngay tờ giao kèo bỏ tiền ra sửa chữa lại tòa lầu và giá tiền thuê sẽ được trừ dần vào số tiền phí tổn đó. Một mình Trâm tìm thầu khoán, đứng ra điều khiển, sắp đặt mọi việc. Rồi nàng dọn về đó cũng một mình. Điều ấy làm nàng tự tin ở mình hơn. Lòng kiêu hãnh và tính tự lập cũng tăng lên một bực. Trong những bước đầu hăng hái đó, Trâm tin mình sẽ vượt qua, sẽ phấn đấu đến cùng. Ở Sàigòn là nỗi kiêu hãnh liều lĩnh bất chấp thiên hạ để dám sống, để phá đời, để hưởng đời. Ở đây là sự kiêu hãnh liều lĩnh bất chấp để gây dựng cho mình, để vạch lối riêng không cần đến những đường mòn của thiên hạ. Sự thách đố đó làm ngạc nhiên người xung quanh, những kẻ quen nhẩm tích cuộc đời kiểu hai với hai là bốn. Họ tò mò, đổ xô đến, tìm hiểu, khám phá, khen chệ Ảnh hưởng thiết thực hơn cả là người ta bắt đầu nghĩ đến việc bỏ tiền ra thuê và sửa chữa những ngôi nhà bên cạnh, như nàng đã làm. Họ đến hỏi cách thức, cũng có kẻ đòi chia bớt một tầng khi thấy nàng ở một mình trong tòa lầu quá rộng. Như vợ chồng Tuyến, vợ chồng Duy, và mấy gia đình nữa Trâm chưa biết rõ. Nàng từ chối, bởi không muốn người ngoại cuộc chen vào cuộc sống của riêng mình. Vả lại, nàng chờ mẹ lên, hoặc một vài người nào trong gia đình có thể ở với nàng. Nhưng mẹ Trâm chưa lên được vì bận cháu dại, vì sắp cưới dâu, vì sợ bỏ việc nhà. Ông bà cụ giục Trâm phải cho thuê ngay bớt tầng dưới, hoặc rủ ai về ở với “cho có bạn”. Lẽ cố nhiên “ai” phải là một bà cụ già, vài cô bạn gái cũng xa gia đình như nàng, hay vài đứa học trò bé choate nào đó. Sự bướng bỉnh muốn “một mình” chùng xuống dần dần. Trâm nghĩ nên nghe lời hai cụ và bắt đầu lựa chọn khách trọ. Vừa ngỏ ý với người bạn nhà bên là mấy hôm sau thiên hạ đến đầu đơn xin chia nhà ngaỵ Đủ loại. Đủ cỡ. Nhưng Trâm bỗng nhiên lại từ chối. Nàng tiếc. Vì cũng chưa vội gì. Nàng muốn sự tình cờ đưa lại một người khách trọ vừa ý còn hơn vội vàng tiếp đón để sau này khó xua đuổi người ta.
Hơn nữa, tuy một mình nhưng xung quanh hàng xóm gần gũi qua lại luôn luôn. Bên cạnh là vợ chồng Chu, Loan, trước mặt là Khoa. Yến, đều là bạn đồng nghiệp, cùng trẻ cùng vui sống và bắt đầu cuộc đời như nàng. Loan với Yến tuy chồng là giáo sư bạn đồng nghiệp Trâm nhưng hai cô trước là học trò của chồng nên giờ quen gọi Trâm bằng cộ Trong cuộc giao thiệp đối xử, hai nàng cũng có vẻ kính nể và trọng đãi Trâm hơn hàng bà bạn. Điều đó làm cho Trâm thấy mình lớn và già hơn họ, tuy rằng cả ba cùng suýt soát tuổi nhau. Thỉnh thoảng Yến, Loan rủ Trâm đi chơi phố, đi thăm bè bạn, hay bày nấu nướng mời nhau qua ăn. Trâm yên lòng đóng vai kẻ cả, nhận chịu nếp sống đó. Có lúc nàng khó chịu thấy mình như đang đóng kịch, nhận một vai trò bất đắc dĩ trên sân khấu. Nhưng cũng có lúc lòng Trâm dịu xuống, thanh thản theo nhịp sống bình yên khuôn khổ, như khuôn mặt không điểm trang lắng chìm những tháng ngày huyên náo xưa kia.
Chiều nay, tự nhiên Trâm thấy vui vui trong lòng và ngồi trang điểm tỉ mĩ. Khuôn mặt xưa hiện về. Trâm chợt tiếc quãng đời cũ, và lần đầu tiên từ một tháng nay, nàng băn khoăn tự hỏi liệu có thể sống mãi như thế này không.
-- Mình chịu như thế này để làm gì?
Trâm tô phấn hồng thêm lên má và tự hỏi hai con mắt đăm đăm của mình trong gương. Rồi sực nhớ ra, nàng nhìn lại mảnh giấy chặn dưới đồng hồ tay đặt trên hộp phấn: “Kính mời cô bốn giờ chiều đi với em đến thăm mẹ chị Loan …”. Mẹ Loan đau nằm ở nhà thương. Nàng bàn với Yến đi thăm. Hai người sẽ qua chờ Loan cùng đi vào chiều nay.
Trâm vuốt đường cổ thuôn trắng thẳng xuống nét ngực nổi bậc bên màu áo len đen rồi đứng dậy đến phía tủ áo. Đi với Yến, Loan, giữ đúng vai trò thì phải già hơn họ. Phải đẹp hơn họ. Và ăn mặc phải đúng điệu hơn họ. Nàng chọn cái áo dài kim tuyến màu tím nhạt, và chiếc áo choàng lông trắng.
Thấy chưa đến bốn giờ, Trâm ngồi xuống chỗ cũ ngắm bóng mình trong gương. Đẹp, nhưng già dặn quá, Trâm tự phê bình và mỉm cười nhạo mình. Bỗng Trâm có ý muốn bất ngờ là xõa tóc dài như xưa, và đi lang thang một mình trên hè phố. Mái tóc dài che kín nửa khuôn mặt im lìm u uẩn như một ngăn cách với kẻ khác. Mái tóc trễ tràng khuya muộn, lười biếng, buông theo dòng nước chảy. Như đám cây rừng chằng chịt rối loạn trong cơn bão táp mùa đông. Mái tóc đó giờ phải quấn gọn, phải che dấu, như bản tính của Trâm, như những khát khao thầm kín thỉnh thoảng vùng lên đốt cháy tâm hồn. Hay mình qua rủ Yến, Loan đi. Vừa tính vậy, Trâm lại nghĩ khác, không, chờ tụi nó đến “trước” mình đi chứ.
Có tiếng gõ cửa dưới lầu. Đoán là Yến đã đến sớm nói chuyện trước khi đi, Trâm tươi cười thoăn thoắt xuống thang lầu.
Nhìn qua cửa kính phòng khách không thấy ai bên ngoài, Trâm rón rén bước bằng đầu mũi giày ra lò sưởi cúi nhìn qua khe cửa. Có tiếng xì xào to nhỏ của hai người. Trâm nhận ra giọng Bắc âm ấm của Thức, tên học trò đệ nhất ở nhà đầu kia đường thường đến chơi và mượn sách:
-- Gì mà sợ. Cứ tỉnh lên. Tớ nói cho, cậu cứ việc ngồi im.
Giọng kẻ lạ:
-- Nếu cô không bằng lòng thì sao?
-- Đã biết đâu ma đoán trước.
-- Moa ngại làm sao ấy. Cậu có thân với cô không đã?
-- Suya mà. Nào, moa gõ cửa lần nữa đây.
Trâm, đứng thẳng lên và đi trở lại phía thang lầu rồi nhìn ra, vờ như mới ở trên lầu đi xuống. Tiếng gõ cửa lại vang lên, mạnh dạn hơn lần trước. Trâm lên giọng:
-- Ai đấy!
Khuôn mặt hí hửng của Thức ló ra trên cửa kính.
Trâm xoay nhẹ chiếc chìa khóa. Cửa mở. Thức sắp vào vội rụt ran gay:
-- Cô sửa soạn đi đâu. Thôi tụi em về đã.
Trâm đẩy rộng cánh cửa, hơi lạnh bên ngoài lùa vào một lúc với hai người con trai.
-- Vào đây. Em có việc gì nào?
Thức chỉ người con trai lúng túng đi sau lưng mình.
-- Thưa cô, anh bạn của em…
Trâm chỉ ghế:
-- Có việc gì à? Các em ngồi xuống đây. Chiều chủ nhật sao không kéo nhau ra phố mà lại lạc vào… nghĩa địa thế này?
Thức hóm hỉnh:
-- Cô cứ bảo thế… Thiên Đường đấy chứ không phải nghĩa địa đâu.
Tram thoáng thấy thằng con trai mỉm cười và đứng buông thõng hai tay có vẻ luống cuống, mất bình tĩnh, không chịu ngồi theo Thức. Nàng “ra lệnh”:
-- Em ngồi xuống.
Nó kéo cái ghế ra xa bàn khuất sau lưng Thức và chậm chạp ngồi xuống. Trâm cũng kéo ghế ngồi đối diện hai chàng học trò.
Thức nhìn Trâm chăm chú:
-- Cô làm tóc tiệm nào đẹp quá, như là…
Thức định tiếp như tài tử nhưng nó chợt ngưng lại khi thấy cô giáo có vẻ nghiêm trang nhìn người khách mới như muốn khám phá những ý nghĩ để biết trước điều nó sắp nói.
-- Tôi chải lấy. Chẵng lẽ đi mấy cây số chờ xe hàng giờ để xuống phố chải tóc lên đây cho… mấy cây thông sau rừng ngắm à.
Lần nữa tên học trò lạ mỉm cười. Trông nó có vể bạo dạn quen thuộc với không khí phòng khách và lối nói chuyện vui vẻ của cô giáo. Nhưng hai bàn tay nó cứ hết đặt lên nhau lại để duỗi trên mặt bàn rồi buông xuống. Có lúc Trâm chợt thấy ngón tay cái và ngón giữa của nó chụm lại, như sắp sửa búng tróc một cái. Nhưng khi nó nhìn lên Trâm, hai ngón tay nó rời nhau ran gaỵ Trâm nghĩ, lỏi con này thuộc loại nghịch đây. Nhưng nét mặt nó có vể dại khờ, non choẹt và ngơ ngẩn thế nào. Thỉnh thoảng nó lại lắc mạnh đầu để hất mấy vệt tóc lòa xòa xuống như vừa dưỡng rẽ. Chiếc áo chemise màu xanh nhạt hơi ngắn, trên túi áo có thêu tên trường bằng chữ đỏ. Những dấu hiệu đó làm nó có vẻ trẻ con hơn trước mắt Trâm. Nó thuộc loại mới bỏ thời thơ ấu để bắt đầu làm con trai vừa lớn, Trâm nghĩ.
Chờ Trâm quan sát xong ngường khách mình định giới thiệu, Thức mới hỏi dò:
-- Thưa cô, nghe nói cô định chia bới nhà cho người khác ở. Đã có ai “được” chưa cô?
Trâm đoán ngay chuyện hắn sắp nói qua nhập đề dài dòng đó. Nàng “gạch đỏ” ngay:
-- Em muốn xin cho ai ở trọ phải không. Nói ngay đi nào, miễn nhập đề quanh quẩn.
Thức cười, lắc đầu:
-- Em chịu thua cộ Sao cô biết:
-- Đoán.
Thức chỉ tên con trai đang giương đôi mặt nhỏ đêm lây nhìn bà chủ nhà:
-- Minh đây là bạn thân của em, nó nhờ em đến xin cô…
-- Ở nhà tôi à? Minh học đâu?
Minh đáp nhỏ:
-- Thưa cô, trên trường.
-- Lớp nào?
-- Đệ nhất như Thức, khác ban.
Nó trả lời nhát gừng như không tìm được chữ để chắp nối câu cho dài ra. Hình như nó cũng thấy mình ăn nói không được xã giao, lễ phép nên cầu cứu Thức bằng mắt.
Trâm “hỏi bài” liên tiếp:
-- Sao không ở ngoài phố. Đất này buồn lắm. Các cậu ham chơi không ở đây nổi đâu.
Trâm nói như mình là bà cụ gì dưỡng lão ở nơi hiu quạnh tĩnh mịch nói với con cháu về thăm.
Lần này Minh đặt câu khá dài:
-- Thưa cô ngoài đó có nhà bà con nhưng ồn ào quá em không học được. Vả lại đi xa quá, mất cả thì giờ. Nếu xin cô được ở đây gần trường, yên tĩnh thì…
Đừng kiếm lời dối quanh nghe con. Tướng con lấc cấc ham chơi chứ không phải cây gạo đâu mà bảo tìm chỗ tu luyện. Hai bàn tay trắng trẻo, thuôn thuôn từng ngón như thế là điệu con nhà giàu quen thói ăn chơi rồi. Lại khuôn mặt nữa. Cặp mắt nhanh như chớp, đôi môi hồng cứ nghếch nghếch chực cười chực nói ấy là cây đấu chuyện, gây lộn và ăn quà đấy nhé. Như thế có có chăm học đi. Nhưng đây cũng khá khen cho cái tướng thông minh đó. Thông minh nhưng thong manh. Mày không thấy bà cô trước mặt là kẻ từng trải hay sao mà dối quanh. Chắc có vụ gì rắc rối con mới biệt chốn phồn hoa tìm vào rừng núi như vậy, một là để quên đi, hai là để thoát nợ. Nhưng nhìn lại nó. Trâm thấy mình chỉ đúng phần nhận xét, còn lập luận để hiểu lý do nó vào đây ở thì không. Vì trông nó còn nhỏ choate và trẻ con thật, không thể, chưa thể có chuyện gì được.
Tên con trai ấp úng:
-- Thưa cô, nếu có thể cho em ở trong nhà…
Một tiếng chim hót lên đầu cành thông gần mái nhà. Trâm nhìn ra. Vòm trời xanh mênh mông in hình nét đồi cong thoai thoải, sáng rực nắng chiều. Một đám mây trắng sắp sửa nhô lên sau ngọn đồi thấp nhất. Hình ảnh của những buổi chiều yên tĩnh, cuộc đời cô quạnh, buồn lãng mạn và nên thơ thoáng qua trong trí Trâm. Nàng chợt vừa sợ vừa thích nỗi cô đơn hiện tại. Có lẽ mình không nên trả lời vội cho chúng nó, phải suy nghĩ đã. Thấy chủ nhà nhìn ra, trầm ngâm mơ mộng, hai người khách yên lặng đợi chờ.
Trâm đứng lên mở rộng cánh cửa kính. Mùi thơm quen thuộc của cỏ khô và đất mới xới, lẫn với mùi dâu chín dưới thung lũng thoảng theo gió bay lên làm Trâm tự nhiên ấm áp trong lòng, tưởng như đang đời đời yên ổn sống trên đất quê hương. Thế mà từ nay có người lạ về sinh sống với nàng trên thế giới nhỏ bé và biệt lập này.
Để hai tên học trò bồn chồn chờ đợi một lúc, Trâm mới nói:
-- Nhà rộng quá nên trước tôi có ý định chia bớt một tầng cho một gia đình nào đó. Nhưng những chỗ đến đòi chia đều là thân thuộc cả, nhận đám nầy lại mất lòng đám kia nên thôi. Thành thử có thể cho một vài người ở trọ. Tôi cũng đang nhờ mấy người trên trường tìm và giới thiệu em nào nhà xa đến ở lại cho vui. Còn phải chọn lựa đã, không các cậu lại lôi bạn bè đến huyên náo cả lên. Tôi đã nói, chỗ này là đất học hành, tu luyện thôi.
Thức hỏi:
-- Sao những gia đình khác không thuê các nhà hoang bên cạnh sửa lại mà đến chia nhà của cô?
Trâm cười:
-- Coi sửa chữa lại một cái nhà đổ nát mệt lắm. Vả lại thiên hạ không thích phiêu lưu mạo hiểm, hoặc thích nhưng không dám.
Thừa lúc Trâm nghiêng mình sửa một cành glaieul trong bình thủy tinh, Minh ra hiệu bằng mắt với Thức. Thức trở lại vấn đề:
-- Thưa cô, xin cô cho biết cô có thể nhận anh bạn đây ở trong nhà được không…
-- Nếu chọn, có lẽ tôi sẽ chọn một người vào tuổi em đấy. Nhưng phải giáo sư nào trên trường giới thiệu và người nhà đến gửi gắm đã. Em từ xa lạ đến, biết đâu vào đâu. Phải có người lớn đến nói với tôi một tiếng, rồi sẽ liệu.
Minh hấp tấp:
-- Thưa cô, em sẽ đưa bác em lại xin cô…
-- Thế gia đình em ở đâu?
-- Dạ, ở trên Kontum kia.
-- Xa thế, mình em xuống học đây… Vậy ra…
Trâm định nói tiếp, vậy ra đồng bào thượng đấy à, nhưng nhớ ra thằng học trò chưa quen biết lắm, nàng không đùa nữa. Nàng chợt nhớ hôm đầu tiên ngỏ ý cho học trò ở trong nhà với một nhân viên trên trường, ông ta hứ sẽ giới thiệu cho mấy thằng đồng bào thượng không cơm ăn nhà ở, trường phải cung cấp lương thực nhưng chỗ ở chưa giải quyết được. Trâm bật cười và giải thích cái cười đó ngay:
-- Bữa trước ông Du định chọn mấy tên học trò đồng bào thượng xuống giữ nhà cho tôi. Tôi phải từ chối ngaỵ Vì sợ nhỡ ra đêm hôm đói bụng nó là thịt cả chủ nhà.
Thức đùa:
-- Nhưng còn anh bạn em đây thì cô không ngại vì không phải loại “cà răng căng tai” đâu…
-- Người văn minh lại càng đáng sợ hơn.
Chờ cho tiếng cười của hai tên học trờ dừng lại, Trâm phán một lời cuối:
-- Thôi được. Các em cứ về. Để tôi nghĩ lại đã. Có thể cuối tuần sẽ cho ý kiến.
Thức nháy Minh đứng lên. Trâm thẩm vấn câu chót:
-- À em có quen với giáo sư nào trên trường?
Mắt tên con trai sáng lên:
-- Thưa, thầy Hiệp biết rõ phai-mi em lắm. Cô cứ hỏi thầy ấy.
-- Hiệp à? Được, để tôi liệu.
Minh hơi cúi đầu cố lấy giọng hết sức lễ phép:
-- Xin phép cô.
Còn Thức chỉ gật đầu cười.
Một thoáng Trâm đã nghe tiếng xe chúng nó nổ máy và vút đi đầu đường. Nàng đang kéo mấy cái ghế lại chỗ cũ thì Yến vào.
-- Mời cô đi ạ! Chị Loan đang chờ đấy. Lúc nãy em sang một lần thấy cô có khách nên lại về.
Trâm đưa tay ém mái tóc lấy điệu:
-- Khách khứa nào đâu, mấy thằng học trò đấy.
Giọng Yến lãnh lót:
-- Cô giáo mới đông học trò quá. Em thấy chúng nó ra vào luôn. Mỗi lần đi ngang ngõ tắt nhà em là chúng nó bàn tán về cô giáo.
Trâm để một ngón tay lên môi:
-- Ấy chết, tụi nó đả đảo gì tôi đấy chị?
-- Đâu có. Chúng nó kháo nhau cô là… hoa khôi giáo sư, cô chấm bài kỹ, chữ cô viết bảng thật đẹp, cô giảng thơ bà huyện Thanh Quan mê lắm…
Trâm xua tay:
-- Thôi, xin chị. Đừng bịa chuyện trêu tôi.
-- Thật mà. Cô nổi tiếng từ lúc mới đến, ai cũng muốn làm quen cô cả. Em được ở gần thật phước lắm đó.
Trâm vờ phản đối lấy lệ chứ thật ra không cần Yến nói, nàng cũng biết và ngầm vui sướng một mình. Qua lời Yến, Trâm cũng nhận thấy mình vừa được mến phục vừa bị ganh tị.
-- Thôi, đi chứ, không có chị Loan chờ. Đi trễ thế này, chắc về muộn lắm.
Yến đon đả:
-- Chiều nay về mời cô qua em xơi cơm luôn. Nhà cô không người làm, đi chơi về phải xuống bếp vất vả quá. Em thành thật lắm mới dám mời, cô cũng đừng từ chối…
Trâm nói dối, để khước từ:
-- Thức ăn buổi tối tôi đã làm từ trưa. Xúp đậu Hòa-Lan đấy. Ở một mình, nấu cho một mình ăn ngày một bữa cũng xong. Để khi khác sẽ qua ăn nhờ chị.
Tuy nói thế nhưng khi trở về, Loan còn ở lại chờ Chu, nên Trâm cũng ghé vào nhà Yến. Yến đang pha trà, chợt nghe tiếng xe quen ngoài đường, đặt chén xuống bàn nhìn ra:
-- Ai như anh Lưu.
Không quay lại nhưng nghe tiếng máy xe Trâm đã biết chắc chắn là chiếc Peugeot mầu trắng của Lưu. Nàng vờ không nghe Yến, nhìn bức ảnh bán thân của một tài tử treo ở góc phòng, giữa hai tấm hình lực sĩ đẹp Trâm cố làm ra vẻ thản nhiên để Yến khỏi chú ý. Nhưng mũi giày nàng cứ xoay nhè nhẹ trên nền xi-măng như sắp sửa vụt đi. Yến đoán biết Trâm muốn về nhưng sợ ngượng nên kiếm cớ cho cô giáo rút lui. Yến xin lỗi Trâm, thoăn thoắt xuống bếp rồi vừa trở ra vừa kêu:
-- Nhanh tay lên, mày mà không có tao thì không bữa ăn nào kịp. Ông về bây giờ.
Trâm vô tình mắc bẩy Yến:
-- Ấy chết, chị bận làm cơm cho anh, ngồi nói chuyện choán cả thì giờ, thôi tôi về.
Yến cố mỉm cười thật tự nhiên, đứng lên theo Trâm nhưng còn vờ mời một câu:
-- Cô ngồi chơi đã. Chúa nhật giao cho nó một bữa thử xem.
-- Không được, chúa nhật anh nghĩ, cần phải ăn ngon hơn ngày thường chứ. Thôi hôm khác qua chơi, tôi về, chị xuống bếp nhé.
Trâm chỉ đi chậm rãi được đến ngoài thềm. Yến vừa đóng cửa lại là Trâm hấp tấp xuống những bậc thềm đá như chạy về nhà. Qua hàng rào hoa quì thưa lá, nàng thoáng thấy xe Lưu đỗ trước ngõ nhà Chụ Trâm làm như không thấy Lưu, không biết vợ chồng Chu chưa về, cứ tỉnh bơ vào nhà. Nhưng Lưu đã gọi nàng:
-- Chị Trâm đi “bát” về đó à?
Gớm cái anh chàng này lúc nào cũng nói đùa thẳng ro chẳng nể nang, sợ mếch lòng ai cả, Trâm nhìn qua tươi cười:
-- À, anh Lưu. Tôi vừa đi thăm bà cụ chị Loan về. Anh đến chơi anh Chu đấy à?
Lưu đi nhanh lại phía Trâm:
-- Đường nầy vắng, tôi cứ phóng đi cũng không định sẽ thăm ai. Thế bây giờ chị có ở nhà không đấy?
-- Có, mời anh vào.
-- Phải hỏi chủ nhân có tiếp mới dám vào. Nghe nói chị tiếp khách và chọn khách kỹ lắm.
Trâm ngạc nhiên không hiểu vì sao Lưu biết điều bí mật đó. Ở cửa phòng khách, Trâm treo một miếng bìa dày, hai mặt viết “Đi vắng” một chữ xanh, một chữ đỏ. Trâm dặn một vài người bạn thân hễ thấy chữ đỏ lật ra phía ngoài là chủ nhà đi vắng thật. Nếu chữ xanh thì đi vắng giả nghĩa là có ở nhà, cứ việc gõ cửa vào. Như vậy người lạ lúc nào cũng thấy đi vắng và Trâm khỏi phải tiếp những người không thân. Những lúc cao hứng, muốn tiếp cả khách thập phương không cần “tuyển lựa tài tử” thì Trâm dẹp luôn cái bảng đó.
Vào đến cửa, thấy Lưu nhìn lên mặt kính, Trâm hỏi:
-- Anh tìm gì đấy?
-- Bảng khẩu hiệu mật của chị. Đi vắng “thật” mà sao không treo bảng, bà chủ?
Trâm ngẫm ra một lúc:
-- Sao anh biết?
-- Hôm trước chị tiết lộ với tôi mà.
Trâm cười bật lên:
-- A, vậy ra anh là người thân, quên đi mất.
Trâm tra chì khóa vào ổ. Cánh cửa đẩy ra. Tiếng huýt sáo miệng bài Tô Châu dạ khúc của Lưu vang lên rung động bầu không khí lặng lẽ trong tòa nhà vắng.
-- Con bé tiểu đồng của chị đâu?
-- Đi chơi chưa về. Tôi đi đâu là phải thả nó ra ngoài để khóa cửa.
-- Không nấu cơm à. Định xin chị ăn đây, trời lạnh, tự nhiên thèm cá kho khô và nhớ bà cụ quá.
Trâm nhìn gian phòng trống trải chơ vơ chiếc bàn tròn với mấy cái ghế:
-- Bọn lâu la mới đến xin ở trọ đấy. Mời anh lên lầu, tôi bồi thường thức ăn khác, không có cá kho khô đâu.
Trâm thoăn thoắt lên thang lầu, mở rộng cửa phòng khách, rồi mở luôn các cửa sổ. Lúc nàng quay lại Lưu đã tự nhiên ngồi xuống ghế tự bao giờ. Nàng ngồi đối diện Lưu. Hai người thoáng nhìn nhau. Yên lặng kéo dài như trải xuống những vùng ruộng hoa dưới kia thung lũng còn thoi thóp nắng chiều. Tiếng một thằng bé con gọi chị bên kia đồi vọng sang. Trâm nhìn qua cửa sổ. Vẫn như từ bao giờ, nét đồi cong thoai thoải in hình lên vòm trời trong xanh bát ngát. Cành thông rũ nghiêng ở một góc cửa sổ nhịp nhàng uốn cong theo chiều gió. Hương thơm của buổi chiều phảng phất lan vào phòng.
-- Bà chủ trầm ngâm gì đấy?
Quay lại, thấy Lưu đang ngắm mình, Trâm ngượng nghịu rút một điếu Salem:
-- Anh hút thuốc.
-- Xin chị một điếu.
Que diêm loe sáng hai lòng bàn tay úp cong của Lưu che gió giữ đốm lửa mong manh. Lưu nhìn mái tóc của Trâm nghiêng qua làn khói thuốc mơ hồ:
-- Mỗi lần chị chải mái tóc như thế mất bao nhiêu phút?
-- Năm thôi. Có khi mười. Trước kia, tiếp tân hội hè thì phải một giờ mới xong cái đầu. Mặt mũi, áo quần một giờ nữa là hai, mới ra khỏi nhà được.
-- Ai tháp tùng chị chắc phải chờ mềm cả xương. Hồi ở Sàigòn, chị chơi dữ lắm nhỉ?
Trâm gõ nhẹ ngón tay trỏ lên điếu thuốc cho tàn rụng xuống:
-- Cũng… một cây. Giờ thì một cành, một lá cũng không.
-- Nhất định ru, phải không chị Trâm?
-- Vâng, như khó mà “đắc đạo” quá.
-- Chị mà đi tu thì mấy người tu thật quanh chị cũng không yên được.
Trâm búng cái tàn thuốc qua cửa sổ:
-- Anh làm như tôi là quỉ ấy.
Rồi nàng lảng sang chuyện khác:
-- Ấy quên, hôm trước tôi về Nha Trang có đem mực khô cho anh đây.
Lưu xoay cái gạt tàn thuốc:
-- Tôi biếu chị gì lại bây giờ?
Trâm định nói, biếu mỗi tuần một lần đến thăm nhưng nàng chỉ yên lặng nhìn Lưu. Bỗng nhiên, Trâm cúi đầu và cảm thấy sợ hãi. Mỗi lần nhìn Lưu là nàng như trong thấy cảm tình mình lớn và nặng thêm lên như một trái cây căng đầy mật ngọt. Nàng sợ, và chán những cuộc phiêu lưu, những chuyến đi tình cảm vu vơ không dẫn về đâu lắm rồi. Trâm nghĩ đến Lưu, mong Lưu như nghĩ và mong một người bạn thân. Mỗi lần thấy lòng mình dội lên những tiếng kêu khắc khoải là Trâm lại vội vàng đè nén, cố quên lãng.
Trâm loay hoay mở hộp biscuit mời:
-- Anh xơi cái bánh.
Rồi nàng đi lấy nước pha trà. Lưu nhìn chai rượu, những chiếc cốc thủy tinh lấp lánh, đĩa trái cây, lọ mứt và hộp bơ sắp ở góc bàn:
-- Chị có vẻ… tiểu tư sản nhỉ?
-- Bộ cấm ăn à?
-- Một mình mà ăn nhiều thế?
-- Thỉnh thoảng có khách.
-- Chị đông khách nhỉ?
-- Có ai đâu, anh, vợ chồng anh Khoa, anh Chu, rồi mấy bà hàng xóm. Nhứt là lũ học trò.
-- Chị đem đồ ăn dụ học trò à?
-- Ai mà thèm dụ, chúng nó thích thì tới.
Lưu có vẻ ngẫm nghĩ:
-- Học trò lớn quá, cũng hơi phiền. Chị lại ở một mình như thế này. Tôi khuyên chị điều này nhé, vì tôi coi chị như người thân. Chị không nên sống như thế giữa xả hội này. Khó mà sống hoàn toàn theo quan niệm của mình. Phải trìu dư luận một tí. Vả lại, khác thường quá cũng làm xung quanh khó chịu. Chị không sợ thiên hạ dị nghị à.
Trâm cúi đầu:
-- Tôi biết. Và nhất là lúc này tôi tập vào khuôn khổ, mong sống bình yên, lẽ tất nhiên phải trìu dư luận, sống như thiên hạ. Nhưng mà… phải một mình, biết làm sao.
-- Ông bà cụ bao giờ lên với chị?
-- Cũng sắp lên, chờ thu xếp việc nhà đã…
Nói thế, Trâm chợt buồn. Gần một tháng nay rồi, ai hỏi nàng cũng nói thế. Sắp lên, nhưng sắp là không biết đến bao giờ, hai cụ cứ bảo nàng phải cho thuê nhà bớt, không được ở một mình. Nhưng không ai nghĩ đến chuyện lên, lên ngay với Trâm. Thư nhà tuần trước, mẹ chưa lên được, xin xăm không tốt, tuần sau, để Tết xong mẹ mới lên được, thư sau nữa, chờ lo đám cưới anh Luân, đám cưới anh Luân vào tháng tư, nghĩ là Trâm phải chờ cho đến mùa hè.
Giọng Lưu thật dịu dàng, đầm ấm:
-- Không những đối với xung quanh mà với chính chị, chị cũng không thể ở một mình như vậy được. Phải có một người nhà lên ngay với chị. Ở thế này buồn chịu không nổi đâu. Vả lại, đàn bà không ai có thể sống được một mình.
Trâm rót trà ra chén cho Lưu rồi ngồi chống tay vào cằm nhìn ra khung cửa. Bóng chiều xuống vội. Sương mù che kín thung lũng bên kia. Dãy đồi chỉ còn là một nét mờ sắp lẫn vào bầu trời trắng đục. Lưu hay nói thẳng, nhưng lúc nào cũng có lý. Trâm, như người khác thì đã tưởng lầm Lưu phản đối thuyết cô đơn để dễ tấn công phá vỡ thành trì độc lập kiên cố của nàng. Nhưng nàng thì không bao giờ lầm thế, vì hiểu rõ Lưu. Lưu đối với nàng như một người bạn, một người anh không bao giờ là một người tình. Người đàn bà như nàng, Lưu chỉ có thể mến phục mà không thể yêu thương. Tuy Lưu có bề ngoài cũng một cây nếp sống tài tử đấy, nhưng người vợ của Lưu, hay người yêu của anh, phải là đàn bà, hoàn toàn. Lưu thường chẳng bảo đàn bà phải thật là đàn bà là gì. Thấy Trâm viết lách, mê văn chương, sống khác thường, vạch lối riêng để một mình tiến tới, Lưu khuyên, đàn bà muốn được hạnh phúc thật phải là đàn bà. Lẽ tất nhiên mỗi người quan niệm về hạnh phúc một cách. Nhưng cách duy nhất vẫn là có một gia đình đầm ấm, chồng con đàng hoàng và giữ những mối thân yêu đó mãi mãi. Cũng có người tìm thấy hạnh phúc ở những chuyện phi thường, muốn thoát ra lề lối cố định, nhưng những người đàn bà đó không hẳn là đàn bà nữa. Mà họ có sung sướng đâu. Đau khổ, có lẽ tại họ thích hưởng thú đau thương như vậy hơn là hạnh phúc bình thường. Với người khác, có lẽ tán dương và khuyến khích khi thấy chị viết lách. “Tôi thì không, tôi mong chị chán bỏ con đường đó. Muốn viết thành thật phải sống lăn lóc, phải có kinh nghiệm đã. Nhưng đàn bà như vậy thì còn gì. Vả lại, có làm cho hết sức cũng chẳng đi đêm đâu, chỉ là hạt bụi, không một tiếng vang nào cả. Chị xem, trong văn học Pháp, Georges Sand có nổi tiếng cũng chỉ vì phụ nữ hiếm trong làng văn, chứ thật ra sự nghiệp của bà ta có đáng gì so với những tác phẩm vĩ đại của cá văn hào nam giới. Như thế mà rồi cũng một đời thật sa đọa, tan nát… Rồi bây giờ lại Sagan…”
Trâm không nghĩ thế, không chấp nhận quan niệm của Lưu. Dù sao đó vẫn là một ý kiến về hạnh phúc của đàn bà Trâm hiểu Lưu chỉ nói một cách vô tư, không có ý níu kéo nàng trở lại cuộc đời bình thường. Níu kéo vào làm gì khi Trâm vẫn là một kẻ lạ đối với thế giới tình cảm của Lưu. Tuy Trâm không nghĩ đến chuyện có thể yêu Lưu hay không nhưng sự thản nhiên, dửng dưng của anh đối với nàng như một từ chối. Trâm biết mình vô lý, nhưng vẫn cảm thấy như bị xúc phạm, chạm tự ái của mình; chưa, chưa bao giờ một người đàn ông con trai nào quen biết nàng mà không yêu nàng, chẳng say đắm thì cũng vớ vẩn thoáng quạ Thế mà Lưu thì thờ ơ lạnh nhạt và có vẻ coi thường Trâm nữa. Có lẽ tại thái độ của Lưu vốn thế, có lẽ vì tính Lưu rắn rỏi thẳng thắng không hay bóng gió quanh quẩn để được lòng kẻ khác. Trâm cũng đón bạn bè phầm đông không thích Lưu vì thế. Và Lưu cũng có một vẻ khác thường riêng rẽ không bè phái, chạy theo đám đông hay nịnh bợ ton hót nhau. Nhất là cái vẻ bất cần xung quanh của Lưu đối với thiên hạ như một thách đố, khinh người. Cho nên giữa đám giáo sư, Lưu lúc nào cũng có vẻ kiêu hãnh và cô độc. Lần đầu tiên Trâm chú ý đến anh ví thệ Với nàng, anh cũng không rào đón, xã giao mãi mới làm quen và nói chuyện như mấy người khác. Hôm đó giờ chào cờ, mấy cô bạn không có giờ dạy, chỉ mình Trâm là đàn bà giữa nhóm giáo sự Nàng e ngại, không ra sân, đứng ở khung cửa sau văn phòng nhìn lên phía học trò sắp hàng. Lưu đi ngang, hỏi vọng lại:
-- Chị không lên chào cờ à? Ăn lương chính phủ mà… làm biếng.
Trâm dè dặt trả lời người bạn đồng nghiệp chưa quen:
-- Lên một mình, ngại lắm, thôi xin miễn…
Lưu vừa đi vừa nói, không dừng bước:
-- Ngại gì. Chị sợ học trò à. Cứ coi tụi nó như đám cỏ. Đi, lên chào cờ nào.
Bất đắc dĩ, Trâm lên sân cờ buổi đó, đứng dựa gốc thông một mình, cách xa nhóm giáo sư khác phái, giữa trăm mắt văn võ toàn trường chăn chỉ nhìn lại. Từ đó, gặp nhau Lưu thường hỏi tạt lại một câu rồi bỏ đi. Cái lối cóc cần của Lưu làm Trâm tức và chú ý đến anh. Lưu hày đến nhà Chụ Một bữa Chu đưa Lưu qua thăm “nhà mới” của Trâm, bao giờ Lưu cũng dừng xe cổng nhà Chu rồi qua nàng, làm như chỉ “nhân dịp” ghé thăm chốc lát.
-- Thôi tôi về.
Lưu đột ngột đứng lên.
Trâm muốn nói một câu gì để giữ Lưu lại. Nhưng ở lại rồi chốc nữa Lưu về, nàng vẫn còn một mình. Nàng nhìn Lưu một cái rất nhanh rồi cúi đầu đứng lên.
Khi ra ngang qua lò sưởi, Lưu đúng lại ngắm nghía mỉm cười:
-- Chị thật ngộ nghĩnh, chưa thấy nhà ai bỏ cả cành lá thông tươi vào lò sưởi thế.
-- Bày thế chứ không đốt đâu anh.
-- Nó héo đi chứ.
-- Héo thì chặt cành khác thay vào. Sau rừng thiếu gì.
-- Chị thay đổi luôn nhỉ?
Trâm không ngờ Lưu hiểu ý mình. Như những cành thông nay tươi mai úa đó, những hình bóng, những tình cảm đến rồi đi, luân phiên trong đời nàng từ bao nhiêu năm naỵ Không một ai dừng lại, nàng cũng không thể dừng lại với người nào. Tình yêu nào cũng bắt đầu bằng nụ cười và chấm dứt bằng nước mắt. Sau đó là khoảng trông không ghê rợn của những tháng ngày cô đơn dằng đặc. Lại tìm cái gì lấp đầy khoảng trống, tạm bợ, mong manh. Rồi mất, rồi lại tìm, và cứ như thế nàng vẫn là bãi cát hoang vu trải dài lạnh lẽo bên những làn sóng dào dạt trôi về để lặng lẽ kéo nhau đi, cuốn theo những dấu chân kỷ niệm, những rác bẩn nhục nhằn, những di tích tàn phai…
-- Lò sưởi trống trải có vẻ lạnh lẽo quá, tôi phải bỏ cành thông tươi vào che lấp khoảng trống. Phải thay đổi chứ biết làm sao.
Biết làm sao, ba chữ gieo xuống như một lời than làm Lưu quay lại nhìn Trâm. Giọng Lưu đầm ấm nhưng mặt anh vẫn thản nhiên, rắn rỏi đến tàn nhẫn:
-- Chị nên gọi người nhà lên gấp với chị.
-- Chắc sắp lên, giờ thì chưa. À này; anh Lưu, tôi định cho học trò ở trọ, anh nghĩ sao?
Lưu bước xuống thang lầu, nói vọng lại:
-- Sao chị lại hỏi tôi? Muốn đem thông tươi về bỏ lò sưởi để lấp đầy khoảng trống thì tùy chị chứ. Lò sưởi của chị. Khoảng trống của chị mà…
Trâm đứng tựa thành gỗ thang lầu nhìn qua khung cửa sổ. Ngoài trời mưa bay lất phất. Mùa lạnh đến rồi…
Trâm nhoài người ra ngoài vờ đưa tay kéo cánh cửa lại để nhìn chiếc xe màu trắng của Lưu trong làn mưa bụi lờ mờ như một cái bóng thoáng qua, mất hút nơi đường rừng.
Bài gia huấn ca ngắn có mấy chục hàng. Tuân học mãi gàn một giờ rồi chưa thuộc. Đêm này, tâm trí Tuân như đi vắng. Cơn mưa dữ dội kéo dài từ chiều đến tối đã làm Tuân hoang mang, sợ hãi, chăm chú theo dõi từng tiếng động bên ngoài, dù đã bịt chặt hai tai, ngồi xây lưng về phía cửa sổ. Những cây thông sau đường rừng oằn oại chuyển mình răng rắc. Gió chạy dài theo lòng thung lũng hẹp lún sâu giữa hai rặng đồi thấp, hú lên từng hồi như những loạt còi ma quái dị. Nước chảy ồ ồ từ những bật đá cao bên kia đường xuống cống thấp lẫn với tiếng phần phật của cành thông sau nhà đập xuống mái. Tất cả tạo nên những tiếng động kinh dị như tiếng yêu ma đang đánh nhau dữ dội trong bóng tối một đêm mưa lớn đầu mùa.
Tuân xếp vở rồi rón rén đi qua phía lò sưởi nhìn lên lỗ hổng trên mái đầu hè. Nước mưa ầm ầm đổ xuống đó như một cái thác nhỏ theo khung cửa trống lùa vào phòng khách từng loạt. Cả tòa lầu như rung chuyển và sắp sửa sụp xuống trong cơn gió. Ghê quá, phải gọi cộ Nhưng qua gần đến cửa phòng Trâm, nó e ngại dừng lại, dựa vào thành gỗ thang lầu lo lắng. Hôm ba Tuân dọn đồ đạc áo quần sách vở đưa Tuân về đây, một tuần trước, trời còn nắng rực rỡ, Tuân bằng lòng, và thích ngay khi thấy cô Trâm đã dọn sẵn cho mình một phòng riêng trên lầu thật đủ tiện nghị Về đây với cô, rộng thênh thang, lại đi học gần trường, ăn uống theo “kiểu Tây”, ngồi bàn phủ khăn trắng, có tráng miệng, có ăn bữa chiều, bữa khuya. Cô lại không bao giờ bắt buộc gắt gỏng về điều gì như bạ Thảo nào trước khi lên đây, ba má dỗ dành, lên ở với cô Trâm sướng như tiên.
Cánh cửa sổ bên thang lầu không có then cài, móc sắt, chỉ níu lại ở thành cửa bằng một sợi day kẽm: Gió đập mạnh quá đến nỗi dây bung ra và hai cánh cửa mở toang đánh ầm ầm vào vách. Tuân chạy vội lại cố kéo rì cánh cửa cho mưa khỏi ập vào nhà, nhưng tay ngắn quá, nó luống cuống một hồi, cả tóc tai mặt mũi ướt đẫm mà không sao giữ được. Vừa lúc đó, có tiếng động ở cửa phòng Trâm. Cô giáo hiện ra nơi khung cửa chói lòa ánh sáng.
-- Thưa cô, ướt cả rồi.
-- Em vào lấy cái ghế.
Trâm buông cái áo khoác trên người rồi trèo lên ghế, nhoài một tay ra ngoài, mò mẫm mãi mới vớ được cánh cửa. Buộc xong cửa sổ, cả hai cô cháu đều ướt cả áo quần. Trâm buông xuôi hai cánh tay áo sũng nước mỉm cười nghĩ thầm: đây là công việc đáng lẽ dành cho một đứa nào choai choai, thằng nhóc cháu này bé quá, không giúp gì mình được. Cũng may mà lúc này có nó.
-- Thưa cô, bao giờ con Bé về?
-- À, con quỉ ấy à. Chắc cô phải tìm thuê người khác giúp việc. Nó về rồi cũng lại đi thôi. Hình như chú bác gì gọi nó về nấu cơm nhà. Cháu đi thay quần áo nhanh lên, ướt rồi lại ốm. Hộc với cô không được nghỉ đấy nhé, tụi bạn noi gương cháu cô mà nghỉ hoài thì phiền…
Tuân chạy vào trong phòng, khép cửa lại. Trâm sắp quay vào phòng bỗng đứng dừng, hồi hộp lắng nghe. Phía bên kia đồi, khoảng con đường vòng sau trường có tiếng chó sủa ran từng hồi từ nhà này sang nhà khác. Rồi tiếng chó ầm ĩ mỗi lúc một gần lại đầu kia đường vào nhà Trâm.
-- Tuân ơi.
Thằng bé vừa mới kịp thay cái quần, hớt hải chạy ra.
-- Tuân, cháu có nghe gì không?
-- Chó sủa dữ quá, chuyện gì vậy cô, hay là cướp?
Cướp, cũng có thể. Nhưng lúc này Trâm không nghĩ thế. Nàng nhớ đến vẻ mặt kín đáo và giọng nói ngập ngừng của một người quen khi nàng hỏi đến an ninh vùng này, trước ngày thuê nhà. Ông ta chỉ nói mập mờ: người ta không đến thuê ở vùng đó, tuy giá rẻ, là vì vắng vẻ quá. Nàng hỏi vắng thì vắng, càng yên tĩnh càng hay chớ sao, ông ta cười thời buổi này vắng đâu phải là yên. Ngại lắm Trâm lại hỏi dò, sợ trộm cướp à? Người kia lắc đầu, trộm cướp thì thời nào chẳng có, nhưng lúc này, sợ chuyện khác. Thấy ông ta nói quanh quẩn, Trâm không hỏi nữa. Nhưng mãi sau mấy người bạn thân mới cho biết vùng này, xa phố, gần rừng thông, dạo trước thỉnh thoảng “bên kia” lại về. Một lá cờ, một tờ truyền đơn vào nhà, vô tình không biết, cũng bị tình nghi lôi thôi rồi. Rắc rối nhất là có thể thấy nhà vắng vẻ, khuya họ kép đến mượn tạm chỗ để hội hợp… Không thuận thì không yên với bên kia, thuận thì lụy với bên này. Muốn ở yên đâu phải dễ. Cho nên nhiều đêm đã khuya, nghe tiếng xe Diếp chạy qua đường rừng, Trâm lại hồi hộp đợi chờ nghe ngóng. Có lần chiếc xe nào đó hư máy, đang chạy bỗng chậm lại và dừng hẳn trước nhà nàng. Lúc đó quá khuya. Tiếng sắt chạm nhau và trong khối óc giàu tưởng tượng của Trâm xuất hiện lên những súng ống, đạn dược. Nhưng chỉ là chiếc xe hư và người ta tháo nắp xe, mở các bộ phận ra xem xét. Lâu rồi Trâm cũng quên đi, không phập phồng như những ngày mới đến. Nhưng rồi nàng lại lo lắng mỗi lần nghe tiếng chó sủa dồn, như đêm nay, vào lúc trời mưa gió. Mình không sợ lắm, thích hồi hộp thế này có vẻ ly kỳ rùng rợn nữa là khác, nhưng lỡ ra có “bên kia” ập vào bất ngờ, hoặc ăn cướp đưa dao súng ra, những trường hợp đó, liệu mình còn bình tĩnh không mà đường đầu, và đương đầu bằng cách nào với hai cánh tay yếu đuối này; những điều xảy ra ngoài đời đâu có ly kỳ một cách yên ổn như trong xi la ma, và mình sẽ phải chịu trận thật chứ không phải đang thủ một vai “liền bà” bị bắt cóc, dọa nạt như trên màn ảnh…
Trong những lúc hoang mang thế này, Trâm lại ước ao có một người đàn ông hay con trai trong nhà, không kể kẻ đó là ai, loại người nào và thân hay sợ Miễn là có sự hiện diện của nam giới cũng đủ yên tâm rồi. Đàn ông dù sao, bao giờ cũng có ưu thế hơn đàn bà. Giá trời khi sinh ra con người, cho thêm phép lạ, đàn bà có thể biến thành đan ông và đàn ông cũng có thể biến thành đàn bà những lúc cần thiết. Trâm chợt nhớ thời còn đi học ở Huế. Dạo ấy, nàng ở trọ nhà một người bà con, rất xa trường tận cuối thành nội. Con đường về nhà vắng vẻ, hai bên tre trúc um tùm, Trâm lại không có người bạn nào về cùng một xóm. Một mình trên quãng đường vắng vào lúc bóng tối đã bao trùm khắp nơi, không một ánh đèn, một đốm lửa nào, Trâm đi như chạy để thoát mau khỏi vùng bóng tối và lũ con trai đi theo phá phách chọc ghẹo. Có một lần nàng nghĩ ra cách để được yên thân và cảm thấy mạnh dạn hơn: giả làm con trai. Thế là chiếc áo mưa đen lùng thùng từ đầu xuống chân, hai cánh tay khuỳnh lại sau lưng kẹp cái cặp sách, guốc nện mạnh roan rảng trên con đường lát sỏi, Trâm thong thả vừa đi vừa huýt sáo miệng. Lũ con trai đi theo hỏi nhau, Thằng nào đi về một mình làm tàn quá ta! Một thằng trong bọn hỏi Trâm, ê, mày ở đâu đó, đi một mình hoài vậy. Trâm lẽ tất nhiên không trả lời. Đứa khác tức mình vừa làm tàng vừa câm điếc hả? Thằng lúc nãy cười hăng hắc, câm mà huýt sáo hay vậy, lại chỉ huýt Serenade de Schubert và Tristesse de Chopin. Từ đó, chiều nào Trâm cũng yên thân về và cũng quen thói hễ mở miệng là huýt sáo.
Nghĩ đến đó, Trâm chợt bật lên một điệu sáo miệng, bài Ócangaceiro của bọn ăn cướp trong phim nào đó. Thấy Trâm nãy giờ đứng yên lặng, có vẻ đăm chiêu, Tuân đinh ninh là cô đang nghĩ kế đối phó nếu có việc gì sắp xảy ra. Đang hồi hộp lo âu chở đợi bỗng nhiên nghe Trâm bật ra một điệu sáo vui vẻ, cậu bé đứng trố mắt nhìn cô giáo thường ngày vẫn hiền dịu đoan trang, lúc vào lớp cũng như khi về nhà.
Trâm vừa bắt đầu lại khúc nhạc, ngang đoạn “ohé chante l echo…” bỗng ngừng bặt. Tuân bám chặt lấy thang lầu, mặt nhợt ra. Tiếng gõ cửa mạnh và gấp vang lên một loạt dưới lầu. Trâm bình tĩnh nói nhỏ vào vai Tuân:
-- Gì mà sợ, chí làm trai cháu cất đâu? Vào lò sưởi, dưới giá vẽ, lấy cho cô cái “chùy” mau.
Đang sợ muốn cóng cả tay chân, nghe thế Tuân cũng mỉm cười đi sang phòng bên. Cậu bé trở lại với một cái dùi sắt lớn, một đầu tròn và to bằng trái banh tennis Trâm gọi là chùy ngay hôm tìm ra cục sắt này ở trong phòng tắm cũ. Không biết trước kia chùy này để làm gì, nhưng giờ thì là bửu bối của Trâm. Ai tới Trâm cũng kheo thứ khí giới nầy và đùa, cướp vào, choảng một chùy này là sọ dừa móp xọp ngay.
Trâm cầm cái “chùy” hoa lên một vòng, vớ lấy cái áo len khoác lên chiếc áo ướt không kịp thay, rồi ra dấu cho Tuân theo mình. Qua phòng khách, Trâm nhón lấy chiếc chìa khóa cửa dưới lầu rồi tắt luôn ngọn đèn chính. Hai cô cháu lần mò trong bóng tối rón rén xuống than lầu.
Tiếng gõ cửa lại vang lên lần nữa, Trâm ra dấu cho Tuân đứng lại dưới cầu thang rồi một mình men theo vách ra cửa. Tay cầm chùy giấu sau lưng, nàng nhìn qua mặt kính lờ mờ lên tiếng:
-- Ai đó?
Không có tiếng trả lời.
Nàng hỏi như hét:
-- Ai đó?
Có tiếng nhiều bàn chân xê dịch chậm chạp bên ngoài. Rồi một đầu người tóc tai bờm xờm mắt mũi ướt đầm nhô lên in hình sau khung của kính. Trâm lỏng tay cầm chùy và quay vào gọi:
-- Tuân, bật đèn trước hiên lên.
Ánh sáng tỏa ra cùng một lúc với cánh cửa mở rộng. Trâm bước hẳn ra ngoài. Bốn thằng con trai ướt sũng từ đầu đến chân, ôm cặp sách vào ngực, đầu co rút giữa hai vai, lấm lét nhìn lên. Trâm kêu:
-- Các em làm sao thế này? Tan học sáu giờ mà nửa đêm còn đây. Chuyện gì vậy?
Chưa đứa nào kịp trả lời, Trâm đã dịu dàng gọi tên từng thằng học trò của mình:
-- Phùng, Sinh, Quỳ, Trương vào cả đây nào.
Bốn đứa đưa mắt nhìn nhau rồi ngập ngừng bước qua ngưỡng cửa. Nước mưa từ áo quần chúng rũ xuống thành từng vũng loang loáng giữa nền xi-măng. Thằng Trương, lớn nhất, đặt cặp sách và mũ sũng nước lên bệ lò sưởi. Ba đứa kia bắt chước theo. Trâm đặt chùy lên bàn rồi ra khóa cửa. Lúc nàng quay vào, cả mấy đứa học trò đang nhìn chăm chú thanh sắt lớn thanh sắt lớn Trâm vừa để xuống. Trâm cười:
-- Lần khác đến, các em nghe gọi phải thưa rồi vào ngay, nhé. Cứ thập thò bên ngoài tôi tưởng kẻ gian rồi cái chùy này lên đầu đó.
Bọn nó cười, răng đánh nhau lập cập.
-- Các em sao không về nhà?
Thằng Trương đưa tay khều mái tóc ướt:
-- Thưa cô, nhà tụi em xa lắm, tận Trại Mát kia. Trời mưa to quá, không về được, chờ hết mưa thì xe đò đã hết. Tụi em qua xin cô… cho ở lại đến sáng mai đi học luôn.
-- Thế từ khi tan học đến giờ, các em ở đâu?
-- Dạ, bên trường. Tưởng tạnh mưa thì về, nhưng cơn mưa kéo dài.
-- Các em có cho ở nhà biết không về được chưa?
Trâm hỏi và nghiêm trang nhìn vào mặt từng đứa.
-- Thưa cô, đã có anh bạn cùng xóm về tin giùm rồi.
-- Thật không?
-- Dạ, tụi em không dám nói láo ạ.
-- Sao các em không qua xin ở nhà ông Tổng giám thị hay bên thầy Tri, thầy chu, thầy Khoa?
Cả bốn đứa nhìn nhau lúng túng và vẫn thằng Trương trả lời:
-- Thưa, mấy chỗ đó em em sợ lắm, thế nào cũng bị la, vả lại mấy thầy tụi em không quen lắm.
-- Sao vậy? Tôi cũng dạy các em như mấy thầy khác. Tôi lại mới dạy, lẽ ra các em đến mấy thầy phải hơn.
Bốn đứa học trò không biết trả lời ra sao hơn nữa, mà chính Trâm cũng băn khoăn nghĩ ngợi. Có một lần thằng học trò lớn nhứt trong một lớp nàng dạy bị té xe đạp xây xát cả đầu gối. Buổi chiều đó nàng không có giờ dạy, ở nhà chấm bài thấy hai ba đứa học trò kéo đến, hỏi gì cũng không nói, lúng túng yên lặng một lúc lâu. Hỏi mãi thằng đó mới khai bị thương và qua xin cô chút thuốc đỏ. Trâm hỏi, Bên trường có phòng thuốc, sao em không tới y tá săn sóc? Nó ngẫm nghĩ một lúc rồi nói. Thưa cô, em xin cô hoặc không xức thuốc cho đến khi về nhà chứ không thích đến chầu chực ở nhà thuốc trường. Sao vậy, sao lại mình mà không những giáo sư khác quanh trường? Sao phòng thuốc trường chúng nó lại chê bai và có vẻ ác cảm với nhân viên ở đó. Mà phải trèo xuống hết ngọn đồi để xin mình tí thuốc đỏ. Giá là một đứa học trò đệ nhất, đệ nhị, dáng điệu tinh quái, ranh mãnh có lẽ Trâm đã nghi ngờ nó tìm cách “phá” Trâm. Nhưng thằng học trò bé này tính nết Trâm đã biết rõ, hiền lành và lễ phép nhất trong lớp. Thế nó xin mình thuốc có lẽ vì cảm tình, vì thấy mình thân thuộc hơn những người khác và có thể làm dịu cơn đau của nó. Nó cầm chai thuốc và bông băng Trâm đưa, định vào phòng thằng Tuân băng bó lấy một mình. Trâm thấy máu thấm ra ngoài vải quần áo ka-ki màu xanh đã bạc của thằng học trò, tự nhiên thấy thương xót thế nào. Nàng bảo, Em xăn quần lên một tí, cô buộc thuốc chọ Nó e dè nhìn Trâm, Thưa cô em làm lấy được, phiền cô quá. Trâm nghiêm giọng, Không được, ngồi xuống ghế kia, đưa chân ra. Rồi nàng ngồi cong gối xuống sàn nhà, lấy alcool lodée chấm vết thương và xức thuốc, băng bó cho nó. Nó ra về, Trâm thấy vừa băn khoăn vừa lâng lâng sung sướng trong lòng. Dù việc làm nhỏ nhặt không đáng kể, nhưng ý nghĩa lại đẹp. Trâm có cảm tưởng như không phải chút thuốc, miếng bông đó ngày kia sẽ làm lành vết thương đứa học trò tội nhiệp, nhưng sự săn sóc ân cần và dịu dàng của nàng làm lành những vết thương đau. Như thế đó nàng vẫn có ích, vẫn có thể sống cho, sống vì kẻ khác và vẫn sung sướng được quên mình để đem cuộc sống còn góp vào đời. Ngày xưa thì không thế, Trâm ích kỷ, chỉ tận hưởng, chỉ cầu hạnh phúc cho mình; chỉ muốn chiếm cho bằng được những gì mê thích, muốn được mà chẳng hề cho đi. Nhưng sự sung sướng được thỏa mãn đó mong manh và ngắn ngủi vô cùng. Trong sự chiếm đoạt, không phải người khác mà chính mình là kẻ bị tàn phá. May là đời Trâm chuyển về một nhịp khác, nàng đã sáng suốt nhận định sự việc, một mình tiến tới, tìm ra một thái độ hợp lý hơn để tồn tại trong tương quan cá nhân và quần chúng. Dù những cái vui do lòng hy sinh mang lại có khi biến thành tủi buồn xót xa, vì kẻ khác, còn thân phận mình, ai thương, nhưng còn âm vang mãi mãi trong lòng như một nguồn an ủi lớn. Vậy mình tìm ra một con đường tốt, cứ việc đi, để ý làm gì những lời đàm tiếu quanh co của thiên hạ. Trâm đã thắc mắc nhiều về việc nhỏ mọn là săn sóc đứa học trò bị thương. Dù sao mình cũng là con gái, nó là con trai, mình là cô giáo nó, hơn nó rất nhiều tuổi, nhưng mình cúi người xuống nâng lấy cái chân đau của nó, săn sóc thật âu yếm, thật dịu dàng, thật yêu thương. Sự đối xử đó, cử chỉ mình lúc đó có thể bị người ngoài xuyên tạc. Nhưng chỉ mình biết đó là lòng thương giữa con người với con người. Nó hay mình, hay kẻ khác mang vết thương đều đau đớn như nhau. Kẻ lành phải san sẻ cái đau của người đau, bằng cách này hay cách khác. Mọi sự xấu hay tốt, do ý nghĩ sâu kín của mình thôi, đâu phải trong hành vi.
Bây giờ đến lượt bốn đứa học trò trong đêm mưa gió đến xin ở lại nhà một cô giáo trẻ độc thân. Bọn nó trẻ con, nhỏ tuổi. Trâm người lớn “già đời” rồi. Nhưng đôi bên khác phái. Ai biết đâu là đâu, một ngày nào đó, người ta sẽ dóng lên một hồi chuông cô giáo đó à, ở một mình m à ban đêm để học trò con trai đến ở lại. Phải cứ trìu theo thứ du luận ngu xuẩn hẹp hòi như thế đó, rồi lắc đầu xua đuổi cả bốn đứa học trò nghèo rách nát, xát xơ đói khát ra ngoài đêm mưa gió này, để được tiếng là nề nếp, đứng đắn, khuôn khổ. Không thể có nhân đạo trong thứ luân lý giả tạo đó được…
-- Các em ăn uống gì chưa?
-- Thưa cô rồi.
-- Dối nào, cơm nước đâu mà ăn. Giá các em qua sớm ăn cơm với tôi luôn. Bây giờ, để xem…
-- Thưa cô thôi, tụi em ăn rồi, không đói.
Trâm quay lại bảo thằng Tuân:
-- Cháu đưa mấy anh bạn lên phòng cháu, lấy mấy khăn lớn của cô đưa các anh lau tóc tai khô đi, rồi xuống đây nhúm lửa dùm cô, nhanh lên.
Bốn đứa theo thằng Tuân lên lầu. Trâm vào bếp, mở tủ đồ ăn. Mai mới đến ngày đi chợ, hôm này thức ăn chẳng còn gì. Chỉ còn lại một ít trứng, cà chua, khoai tây và lạp xưởng. Thằng Tuân xuống, hai cô cháu lúi húi làm bếp.
Một giờ sau, khi Trâm bưng cơm lên lầu, chúng nó đã sạch sẽ khô ráo, ngồi co ro bên lò sưởi. Thấy Trâm bưng ba bốn thứ một lúc trên tay, bốn đứa đứng bật dây. Cả sáu người loay hoay dọn thức ăn lên chiếc bàn tròn. Xong xuôi, Trâm gọi mãi, mời mãi mà không đứa nào dám đến ngồi ghế. Trâm bảo:
-- Tôi nấu nãy giờ rồi các em nhất định không ăn à. Vừa lạnh vừa đói, mai lại ốm nghỉ học cả cho xem. Nghỉ thì mỗi người hai cấm túc đấy. Nào ngồi xuống.
Nói đùa mà hiệu lực, mấy đứa ríu ríu vâng lời. Trâm bắt thằng Tuân ăn với chúng nó, rồi ngồi riêng ra một góc. Nàng mỉm cười nhận ra mỗi lần dọa cấm túc là bất cứ bảo làm gì, chúng cũng tức khắc vâng theo. Làm như cấm túc là đày ra Côn đảo không bằng. Thức ăn chỉ vỏn vẹn có hai dĩa trứng trắng, dĩa tôm không nướng, lạp xưởng chiên ăn kèm tạm với cà chua, nhưng chỉ một thoáng, cái thố thủy tinh lớn đầy cơm cũng hết sạch.
Cơm nước xong đã gần mười một giờ khuya. Trời lạnh ngắt và cơn mưa còn dai dẳng bên ngoài. Trâm bảo thằng Tuân đem tất cả củi để dành Noel chất vào lò sưởi. Bên ánh lửa bập bùng soi sáng gian phòng rộng mênh mông, một cô giáo, năm học trò quây quần trò chuyện. Một lúc, Trâm đứng lên đi lấy nệm, gối mền cho quí khách rồi về phòng mình.
Nằm thao thức trong bóng tối lạnh lẻo, Trâm lắng nghe tiếng nói chuyện thì thầm và tiếng cười khúc khích từ phòng bên vọng qua và bỗng nhiên mơ ước đến một cảnh gia đình ấm cúng không cần phải những người ruột thịc, mà xa lạ từ bốn phương về, liên kết nhau trong một tình thương rộng lớn. Lần đầu tiên, từ ngày dọn về đây ở, Trâm mới thấy trong lòng yên ổn giữa đêm khuya. Những giấc ngủ chập chờn hồi hộp, những lo âu khoắc khoải đêm ngày, bây giờ tiêu tan hết, chỉ vì một lý do rất giản dị: có người dùng chia xẻ với mình vùng bóng tối của đêm khuya. Tiếng nói chuyện phòng bên nhỏ dần và im bặt vào khoảng hai giờ sáng. Trâm trở dậy, khoác áo manteau rồi đốt một cây nến nhẹ nhàng đi qua phòng chúng nó. Trong lò sưởi lửa đã tắt, chỉ còn ánh sáng hồng yếu ớ của những vệt than cuối cùng. Trên tấm nệm lớn trước lò sưởi, lũ học trò nằm sát nhau đều đặn như mấy con cá đặt trong dĩa. Tiếng thở đều đều từ những cái đấu ló ra khỏi chiếc mền rộng. Những thân hình bé nhỏ co quắp nằm sát vào nhau tìm hơi ấm. Bên cạnh, gần lò sưởi, mấy quyển vở mở tung vất bừa bãi. Trâm đoán là chúng đã cố chống chọi với giấc ngủ để học bài học thuộc lòng ngày mai trước khi chui vào mền. Những vẻ tinh quái nghịch ngợm hằng ngày làm giáo sư phải điên đầu, phút đó biến đâu mất. Trâm chỉ còn thấy trước mắt mình lúc đó, hình ảnh đáng thương của những đứa trẻ lạc loài mồ côi, đói rét, cần yêu thương che chở và tha thứ. Nàng chợt vui sướng bằng lòng đã nhận cho chúng nó ở lại đêm nay và nghĩ rằng giá vì dư luận mà từ chối, xua đuổi chúng ra ngoài mưa gió và bóng tối, ngày mai, ngày kia, mãi mãi nàng sẽ hối hận vô cùng. Trâm đặt cây nến lên bệ cao trên lò sưởi rồi cúi nhìn chúng nó mỉm cười. Tự nhiên, Trâm thấy mình như vợ của thằng “Yêu Râu Xanh”, che chở cho bầy con nít khỏi bị chồng ăn thịt. Nàng nghĩ, nhưng mình thích cô độc lang thang mãi trong đời, từ chối hết những người muốn làm bạn đồng hành, biết bao giờ trong nhà, trong đời, trong lòng mình mới có một ông Yêu Râu Xanh đây?
Trâm khép cửa phòng rồi trở về giường mình, thức luôn cho đến sáng. Suốt đêm mình không ngủ, nhưng khỏi lo vẩn vơ như những đêm khác? Thế nào cũng phải chọn một đứa học trò cho ở trong nhà; à, để điều tra xem thằng gì đến xin hôm trước ra sao, xem có tuyển hắn được không, Trâm nhẩm tính như thế khi đi đến trường.
Vừa điểm danh xong thì văn phòng đưa giấy lên xin phép cho ba tên Quỳ, Sinh, Phùng xuống gấp. Lý do: Người nhà đến tìm. Lớp học nhao nhao bàn tán. Thằng Trường đứng dậy gãi đầu gãi tai.
-- Thưa cô, hôm qua mấy anh ấy có nhắn xin phép ở nhà rồi mà.
Biết mà, nhà chúng đi kiếm, không khéo mình làm ơn mắc oán đây, không oán gì nhưng cũng mang tiếng. Trâm kéo dài giờ trả bài, và băn khoăn chờ ba đứa học trò trở lại. Thằng Trương nhấp nha nhấp nhổm ngồi không yên. Trâm lờ mờ đoán chính nó và ba đứa kia ở lại. Một lúc lâu Phùng, Sinh, Qùy trở về, len lén đi vào lớp. Trâm gọi chúng nó lại trước bàn:
-- Người nhà đi tìm vì đêm qua các em không về phải không?
Ba đứa cúi đầu yên lặng.
-- Tôi đã hỏi, các em có tin cho ở nhà biết không. Sao các em nói dối, dối nhà, dối cả tôi nữa?
Thằng Sinh cố gỡ:
-- Thưa cô, thật có nhắn mà…
-- Nhắn ai, trong lớp này, hay lớp khác?
-- Dạ, lớp này, anh Trì đó.
Trâm nhìn xuống bàn thứ ba tay phải:
-- Trì lên đây.
Thằng học trò bước không muốn nổi.
-- Mấy người này có nhờ em nhắn ở nhà không?
-- Dạ có.
-- Em có đến nói từng nhà không?
-- Dạ, có đến nhưng… chó sủa quá, em sợ không dám vào…
Trâm cố nhịn cười làm nghiêm:
-- Nhà nào cũng có chó à?
-- Dạ.
-- Lý do cũng khá đấy, nhưng không ai làm chứng là cả ba nhà đó đêm qua chó sủa đủ cả. Có thể là em cũng làm chứng gian: không đến nhà nào mà bảo có, hoặc cả ba người kia không nhắn nhe gì cả, rồi chỉ bậy một người là Trì…
Cả lớp ồ cười. Trâm gõ thước xuống mặt bàn:
-- Thế người nhà bảo sao, thưa ba ngài?
-- Dạ em nói ở lại nhà cô và… không đứa nào bị người nhà mắng cả.
Nỗi mừng của tụi nó, chính là của Trâm, người nhà chúng nó mà làm lôi thôi cũng rắc rối cho mình. Mình chứa tụi nó có thể bị ghép vào tội dụ dỗ con nít—mình giáo sư chứ có phải mẹ mìn đâu—Thôi, lần sau chúng nó ướt, đói hay làm sao thây kệ. Mình lúc nào cũng sống bằng tình cảm, thích lý tưởng hóa bất cứ việc gì. Có ngày mang họa vì cứ sống trên mây xanh đó. Hết cho học trò ở lại, một lần tởn đến già…
-- Thôi, học thuộc lòng. Chuyện ấy có thì giờ sẽ xét lại. Các em về chỗ.
Thật ra, Trâm chỉ dùng lời dọa xuông để kết thúc câu chuyện, chứ nàng không biết bao giờ mình còn nhắc đến nữa.
Cũng tại mình ở một mình. Phải tìm gắp một người ở trọ mới được. Trâm cố nhớ lại nét mặt thằng con trai đến xin ở lần trước, nhưng không một hình ảnh nào về nó còn vọng lên trí nhớ.
Nghĩ vẩn vơ, Trâm cho trên điểm trung bình cả những đứa đọc không thuộc bài, nhưng nàng đang cố sống vượt lên trên tầm thường của cuộc đời mà không nghĩ đến những tai hại sẽ xảy ra trong ngày mai.
Đọc tiếp
nhà văn Nguyễn Thị Hoàng 2015
Trở về
Chân dung Văn nghệ sĩ
http://phannguyenartist.blogspot.com/2017/02/chan-dung-van-nghe-sy-viet-nam-336-z.html
http://phannguyenartist.blogspot.com/2017/02/chan-dung-van-nghe-sy-viet-nam-336-z.html
Emprunt Empreinte
http://phannguyenartist.blogspot.com/2011/05/phan-nguyen-oi-loi-cung-cac-tac-gia-va.html
http://phannguyenartist.blogspot.com/2011/05/phan-nguyen-oi-loi-cung-cac-tac-gia-va.html
MDTG là một webblog "mở" để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.
[]
------------------------
trích từ blog phan nguyên==================
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ