' THU TRÂN trong Thế giới Phẳng Mùa Covid "/ Dạ Ngân ( tphcm) -- trích : Blog Lê Thiếu Nhơn ( Sài Gòn )
THU TRÂN trong Thế Giới Phẳng Mùa Covid
Có cảm giác nhà văn đã phiêu, rất phiêu bằng những cú đằng vân phóng khoáng khi những nhân vật không ngồi yên và suy tư như mình. Họ là những con thoi trong thế giới kết nối hàng ngày mà họ đã sống, đang sống và đã chết trên bề phẳng ấy.
DẠ NGÂN
Cái còn thì vẫn còn nguyên
Sẽ không đủ nếu nói đây là cú sốc. Đại dịch corona covid là thời điểm bản lề u tối cho nhân loại, một bước ngoặt cho loài người, một cú rùng mình của Trái Đất viết hoa, thậm chí nó còn được ví như Thế chiến. Bàng hoàng, rơi và rơi, tâm trạng của hàng tỷ người chưa bao giờ bất lực giống nhau đến thế.
Đô thị càng lớn, không khí lockdown càng trĩu. Sài Gòn không thê lương nhưng lòng người tao tác sau lớp cửa. Cô bạn Thu Trân của tôi tuyên bố “Em viết tiểu thuyết!”. Nhà văn nào cũng chỉ yêu cầu có vài ba tuần tĩnh lặng, thì đây, tĩnh lặng tuyệt đối để người viết đối diện với cõi người và cõi lòng của chính mình. Như thể bị vấp, đau kỳ quặc, phía trước vắng lạnh, phía sau là người chết và Cái Chết, vô vàn, thôi thì ngồi xuống tại chỗ, tự trấn an, tự lý giải. Và viết.
Nhân loại không lạ gì chiến tranh. Chữ nghĩa để mô tả nó ắt cũng đã nhiều bằng cơ số đạn đã được dùng. Nhưng đại họa này không giống như những gì con người đã trải bởi chém giết. Tôi thực sự tò mò không biết cô bạn của mình sẽ làm gì với tiêu đề Cách Ly Trên Tầng Áp Mái (tên bị sửa thành Thế giới phẳng mùa Covid) trực diện như thế. Khi cô ấy post từng nhát lên Facebook tôi kiên quyết “Sẽ đọc khi đã có để đọc một lèo”. Đây không phải dạng tiểu thuyết để feuilleton, tôi biết chắc như thế. Thế rồi tôi đã dành hẳn ba ngày để sống với bản thảo của Thu Trân, thói quen phải đọc trên bản giấy, đọc, nghĩ, đánh dấu và đọc đi đọc lại những chỗ yêu thích.
Không gian tung hoành, Wuhan - Sài Gòn - Nước Mỹ. Nghiễm Hoàng, nếu bình thường, cô Việt Nam có hai mươi năm học hành và làm việc ở nơi ấy sẽ chồng vợ với người yêu là Khổng Tước. Nhưng, mãi mãi không có gì là bình thường được nữa rồi.
Bắt đầu không khí tâm điểm của Wuhan, cũng là không khí để tiểu thuyết cuốn người đọc đi. Chỉ mấy mươi ngày cách ly ở tầng áp mái của một bệnh viện, ta nghe thấy được nguồn cơn và những sự cố trái khoáy, điều đã khiến không chỉ nơi đó chìm xuống mà vì nó, cả thế giới sẽ chìm theo. Đặt chân về được Sài Gòn, Nghiễm Hoàng không thoát một mình mà đi cùng với một bóng ma: “Khẩu trang màu xanh” – một nhà khoa học oan ức vì bị đàn áp, bịt miệng. Ảo diệu và ma mị càng khiến không khí tiểu thuyết thú vị lên rất nhiều. Thế rồi cô bạn thân Bạch Tùng cương quyết đi Mỹ chỉ để “xem cái gã Việt Nam phản bội mình có hạnh phúc với người phụ nữ kia không”. Nhưng đại dịch tràn đến, không ai có thể muốn điều mình muốn được nữa. Cô bác sĩ Bạch Tùng đi làm thiện nguyện ở tâm điểm dịch của nước Mỹ và ở đây, là Jack. Bạch Tùng và Jack, cho đến những ngày cuối cùng của một nữ bác sĩ Việt Nam anh hùng vô danh trong mối tình Việt - Mỹ đẹp như một biểu tượng.
Có cảm giác nhà văn đã phiêu, rất phiêu bằng những cú đằng vân phóng khoáng khi những nhân vật không ngồi yên và suy tư như mình. Họ là những con thoi trong thế giới kết nối hàng ngày mà họ đã sống, đang sống và đã chết trên bề phẳng ấy. Những dòng sự kiện và thông tin không tránh được của một nhà báo mẫn cảm với sự kiện nóng rẫy thường trực là corona covid, khi nhà văn dừng lại với tâm tư và tình tiết của các nhân vật thì câu chữ báo chí như lớp vỏ, như sống áo để rồi chúng ta sẽ nhìn thấy niềm đau, nỗi cô đơn, trái tim và những cảm xúc trắc ẩn lớn lao bên trong mỗi con người không cần màu da không cần quốc tịch nữa, họ đã làm ta không thể không đau thắt cùng và rơi nước mắt theo.
Tôi yêu Nghiễm Hoàng kiên cường, thấu đáo, trọn vẹn. Tôi thích những giây phút gái trai đôi lứa kỳ lạ của nàng với hồn ma Khẩu Trang Màu Xanh – Ngũ Long cao cả. Tôi nhớ rất nhiều đến Bạch Tùng và Jack, một đôi thiên thần từ trang sách là là bay khiến ta phải mỉm cười và thốt lên Bình an nhé Bạch Tùng, Jack đã ở đây, với chúng ta, những người Việt mà Jack đã biết đã yêu và đã có như số phận.
Tiểu thuyết chắc chắn là thể loại thách thức nhất của văn xuôi vì nó cần dụng công nhiều nhất. Chiến tranh dù có thế nào rồi chúng thảy đều qua đi, để những tác phẩm viết về nó ra đời và còn lại. Với đại dịch này, chúng ta không thấy nó dễ dàng kết thúc và cho dù, nó sẽ kết thúc thì người ta vẫn muốn xem lại nó đã diễn ra và bi kịch của nó đã như thế nào đối với con người, từng con người và từng cộng đồng mà từ đó, suy ra, sự tàn phá qui mô của nó.
Hãy cùng Nghiễm Hoàng và Bạch Tùng, hai người phụ nữ Việt Nam vô tình gắn bó với hai quốc gia là Trung Hoa và Mỹ. Đọc đi, dám chắc các bạn sẽ như tôi, thương một bóng ma, yêu một mối tình và khâm phục những ngày, những tháng, những con người đã hành động vì nhau cho mọi thứ được ổn thỏa dần dà, cái gì mất đành đã mất và cái gì còn, rốt cùng, rốt cùng, rồi sẽ còn nguyên những cái tưởng như đã mất.
DẠ NGÂN
=============
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ