đọc thêm : " Phan Tấn Hải : ' Viết Từ Phương Xa ' ...'/ Du Tử Lê [ i.e. Lê Cự Phách 1942- 2019 ] -- source ; www.nguoi-viet.com>
Phan Tấn Hải, ‘Viết Từ Phương Xa,’ những con chữ ‘tử tế’
Nhà xuất bản Lotus Media lại mới gửi tới những người yêu văn chương, một tác phẩm mới của nhà thơ Phan Tấn Hải, tác phẩm tựa đề “Viết Từ Phương Xa” gồm 58 bài viết của ông.
Đó là những trang sách của ông viết về các tác giả, từng được ông ghi nhận qua tác phẩm của họ – từ thơ, văn tới âm nhạc, hội họa… Đặc biệt trong tác phẩm mới này, Phan Tấn Hải không chỉ nhắc tới các tác giả Việt Nam, mà ông còn đề cập tới các tác giả ngoại quốc nữa. Điển hình như ông dịch ba bài thơ của Pablo Neruda (1904-1973). Hay “Khi nhà thơ Bắc Hàn xin lỗi’…
Trước đó, cũng Lotus Media đã ấn hành tác phẩm cùng thể loại là: “Khoảnh khắc chiêm bao.” Điều đáng nói, theo tôi là, ở cả hai tác phẩm vừa kể, dù viết về những người nổi tiếng, đã mất hay còn tại thế; hoặc những người chưa nổi tiếng thì mẫu số chung của những bài viết loại đó của họ Phan, vẫn là những con chữ “tử tế” – nét đặc thù của cây bút Phan Tấn Hải.
Trong lời nói đầu, trước khi vào tác phẩm, tác giả Đào Văn Bình viết: “…Có thể Phan Tấn Hải là một nhà báo cho nên ông phải thu thập tin tức về mọi sinh hoạt của xã hội và có dịp quen biết rất nhiều. Biết nhiều nhân vật mà chúng ta không biết. Thế nhưng từ ‘quen biết’ tới sưu tập rồi giới thiệu thì phải có lòng yêu thích. Lòng yêu thích này bắt nguồn từ sự đa tài của Phan Tấn Hải. Ông vừa là một nhà báo, một nhà văn, một nhà thơ, một họa sĩ, một nhà nghiên cứu Phật học… cho nên ông ôm trọn tất cả vào lòng. Là một nhà nghiên cứu Phật Tông với pháp danh Nguyên Giác, ông đã vượt qua mọi giới hạn và lằn ranh, chỉ đặt hai chữ ‘quý mến’ lên trên. Cho nên chúng ta có thể thấy sự phong phú, đa dạng, nhất là tình cảm trong tác phẩm này. Chúng ta có thể gọi đó là một ‘tuyển tập một số tác giả’ hoặc ‘một số khuôn mặt văn nghệ sĩ lớn ở hải ngoại’ hay ‘một gợi nhớ về những gì đã qua’ hoặc chỉ là ‘một chút ở phương xa mà thời gian đã lấy đi’… như ý của tác giả”… (“Viết Từ Phương Xa,” trang 10)
Kế tiếp ở phần “Lời Thưa” họ Phan viết: “Tuyển tập này gồm các bài được viết từ cảm tính, từ các suy nghĩ rời, hoàn toàn không mang bất kỳ tính hệ thống nào, và cũng không phải là phê bình văn học nghệ thuật.
Các bài trong sách này không để theo thứ tự nào, vì trong khi vừa trình bày sơ lược, vừa tìm lại một số bài đã để lạc trong máy hay còn lưu trên mạng để đưa thêm vào. Sách này cũng không dùng hình ảnh, phần vì tác quyền ảnh, và cũng vì hình màu khi in ra đen trắng trên giấy sẽ bị mờ đi…” (“Viết Từ Phương Xa,” trang 11)
Trong số gần 60 bài viết phản ảnh tấm lòng trân trọng của tác giả ở lãnh vực văn học nghệ thuật, thì bài “Một đôi khi cầm bút” của Phan Tấn Hải nhận được khá nhiều chú ý của độc giả. Ngoài lý do nội dung bài viết, có thể còn vì nó được họ Phan giới thiệu nơi bìa #4 của tác phẩm nữa.
Đó là câu chuyện một người thầy cũ của Nguyên Giác (trước khi ông bị gọi tổng động viên đầu thập niên 1900), có lời khuyên nhắn ra hải ngoại cho họ Phan rằng “nên bỏ viết”; vì thầy sợ Nguyên Giác sẽ gây nghiệp.
Suy nghĩ về lời khuyên vừa kể của thầy, họ Phan bộc bạch rằng: “Không viết không chừng còn dễ gây nghiệp nữa chứ. Và nói cho cùng, đi đứng nằm ngồi có gì mà không gây nghiệp? Tuy nhiên từ đó về sau, mỗi lần ngồi viết thì tôi dè dặt hơn. Tự nhiên thấy mình mất tính liều mạng dần, và luôn tự xét tâm mình. Nhiều khi ngưng viết nửa chừng, tôi tự quán xét lại xem tâm mình có khởi niệm không lành chăng.” (“Viết Từ Phương Xa,” trang 16)
Đó là cảm nghiệm của họ Phan trước lời khuyên của thầy cũ.
Cá nhân, tôi thấy, việc viết lách của Phan Tấn Hải xuyên qua hai tác phẩm đã kể, chẳng những không tạo “nghiệp xấu” mà còn tạo “nghiệp lành” qua hàng trăm bài viết ân cần của ông trong mọi lãnh vực văn học nghệ thuật, đã được phổ biến từ nhiều năm qua, ở quê người.
Tôi rất thích những bài viết mang tính kỷ niệm khi tác giả viết về những người đã khuất như Võ Phiến, Mai Thảo, Nguyễn Xuân Hoàng, Lê Uyên Phương, Nguyễn Đức Quang, Phùng Nguyễn, Đinh Cường, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Tất Nhiên, Hoàng Ngọc Tuấn…
Về kỷ niệm với nhà văn Mai Thảo (1927-1998), họ Phan ghi: “Một thời, anh Mai Thảo nói với tôi, ‘tôi bảo cho em, đừng bao giờ làm báo.’ Lúc bấy giờ, khoảng các năm đầu thập niên 90, tôi đang làm tờ Giao Điểm, một tạp chí từ thiện của Phật Giáo. Tôi ngạc nhiên, nhưng không hỏi thêm. Phần vì tôi không bao giờ muốn vào những cuộc tranh cãi, phần thì khi ngồi với anh, tôi thích nghe anh nói hơn là nói.
Lời anh nói thật sự cũng đầy nghịch lý, bởi vì lúc đó anh vẫn đang làm tạp chí Văn. Tôi chỉ đoán hình như anh sợ tôi vướng vào thế giới báo chí phức tạp Quận Cam. Hiển nhiên chuyện viết văn làm thơ không phải là làm báo. Nhưng tôi cũng không suy nghĩ nhiều. Tôi chỉ thích đi chơi với anh, một người tôi kiêng nể, kính trọng. Mời anh uống rượu và ngồi nghe anh nói, đó là hạnh phúc của tôi…” (“Viết Từ Phương Xa,” trang 32)
Đúng như ghi nhận của tác giả “Viết Từ Phương Xa,” trừ những người bị tác giả “Ta thấy hình ta những miếu đền” từ chối ngồi chung bàn, thì với những người cầm bút ở thế hệ thứ hai sau ông, đều nhận được từ ông những lời khuyên chân thành từ phong cách nghiêm túc của một người anh cả trong giới.
Phan Tấn Hải cũng rất tinh tế khi nhấn mạnh tới niềm hạnh phúc khi được gặp gỡ, đi chơi, uống rượu với cựu trưởng nhóm Sáng Tạo ngày xưa.
Rất nhiều người nói với tôi rằng, khi nhà văn Mai Thảo không còn nữa, họ mới chợt nhận ra: Thật hạnh phúc khi được tiếp xúc với ông. Và, sau khi ông qua đời, chẳng bao giờ họ còn cơ hội được nghe ông nói hay đọc thơ nữa.
Họ Phan cũng cho thấy sự tinh tế của ông khi ghi nhận rằng, những người nói nhà văn Mai Thảo nổi tiếng khinh người, là không đúng. Để phản bác dư luận này, họ Phan đã dẫn chứng việc tác giả “Đêm Giã Từ Hà Nội” rất quý trọng những người cầm bút, khi họ tìm đến ông; kể cả những người ông chưa từng đọc họ bao giờ. Nhưng ông vẫn luôn trân trọng, thăm hỏi. Như thể giữa ông và những người đó đã có một tình thân đáng kể, với nhau. Theo họ Phan thì đó là bản chất của nhà văn Mai Thảo, một khi ông đã chấp nhận một người nào đó là thân hữu của ông. (“Viết Từ Phương Xa,” trang 32)
Tác giả cũng kể thêm rằng, nhà văn Mai Thảo rất quan tâm tới đời sống thường nhật của anh em cầm bút ở hải ngoại. Như việc ông thường hỏi Phan Tấn Hải trong những lần chở nhà văn Mai Thảo từ Quận Cam lên Los Angeles lấy báo Văn, về đời sống gia đình, kinh tế của Khánh Trường, Vũ Huy Quang, Lê Giang Trần; hay tình trạng bài vở, quảng cáo của nhật báo Việt Báo, do vợ chồng nhà thơ Nhã Ca-Trần Dạ Từ chủ trương… (“Viết Từ Phương Xa,” trang 33). (Du Tử Lê)
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ