Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2022

đọc thêm : " đọc thơ Nguyễn Xuân Thiệp "/ Đặng Tiến ( Paris ) --- trích ; Triệu Xuân Info >

 


ĐỌC THƠ NGUYỄN XUÂN THIỆP

Đặng Tiến

  • Chủ nhật, 06:17 Ngày 05/08/2018
  • Nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp là một tâm linh trong sáng vừa mới gởi đến trần giới trầm luân một dòng thơ thanh thoát qua tác phẩm Tới cùng gió mùa, tạp chí Văn Học xuất bản tại Mỹ (1).

    Cách đây tròn năm, trên báo Văn Học số 135 do anh Nguyễn Mộng Giác gửi tặng (tôi không có tiền mua), tôi được đọc bài Thảo nguyên ký tên Nguyễn Xuân Thiệp lạ hoắc và bị mê hoặc ngay bởi dòng thác hình ảnh - âm vang hư hư thực thực cuồn cuộn băng băng qua mấy trăm câu thơ như nước Hoàng Hà:


    Mùa hạ ta qua vùng thảo nguyên

    Bước nhẹ tênh quên thời khổ hạnh

    Mê con chuồn chuồn đỏ bay ngang

    Thương bầy dê con trên đồi vắng

    Gặp trẻ chăn bò đi hát rong

    Gọi ấu thơ ta mùa hạ sáng

    Đời trôi đi tưởng đời lặng câm

    Bỗng tiếng đàn ai trong gió thoảng

    (...) Mai mốt chị qua vùng thảo nguyên

    Như xưa một lần về quê ngoại

    Ngày reo vui vườn chim bay chim

    Lòng reo vui reo tà áo lụa

    Chị gội đầu bằng nước hoa chanh

    Hương tóc bay sang chiều vời vợi

    Chị ơi mai qua vùng thảo nguyên

    Mang cho em một chùm nhãn chín !

    Ôi tình xưa như nhãn và sen

    Dẫu tình phai khi chưa kịp hẹn

    tr. 63-69


    Nay nhận được thi phẩm, đọc nơi trang bìa sau, được biết Nguyễn Xuân Thiệp là cựu sĩ quan miền Nam, làm bài Thảo nguyên năm 1980 trong thời gian học tập tại một trại cải tạo nào đó miệt Nghệ Tĩnh miền Bắc từ 1975 đến 1982 – mãi đến năm 1995 mới sang Mỹ – thì tôi phục quá. Bài thơ lời lẽ cao khoát, tình nghĩa thâm sâu, bỗng ánh ngời thêm một ý nghĩa mới: cụ thể, lịch sử, xoáy sâu thêm, nâng cao thêm nội dung tự tại. Những chữ "thảo nguyên, khổ hạnh, chuồn chuồn, bầy dê, trẻ chăn bò, đời lặng câm" bỗng nhiên đi vào thế đối lập với những từ ngữ thư thái “bước nhẹ thênh, mùa hạ sáng, ngày reo vui, lòng reo vui, tà áo lụa” . Điều này làm tôi sực tỉnh: những phương pháp tiếp cận văn học hiện đại đang thịnh hành, chăm chú vào văn bản, ít lưu ý đến bối cảnh lịch sử, xã hội, thậm chí hoàn cảnh, tâm lý tác giả, những phương pháp này dĩ nhiên là có hiệu lực, nhưng cũng giới hạn. Và giới hạn cả giao tình giữa người đọc với tác phẩm và tác giả. Đề cao cấu trúc, có khi quên mất con người. Nhân danh độc giả, đôi khi là hù doạ độc giả bằng kiến thức, kỹ thuật – hay cái hư danh của người viết.

    Tỉnh cơn mê chữ nghĩa, tôi thán phục cái ông Nguyễn Xuân Thiệp, có thơ đăng từ 1954 mà tôi chưa hề được đọc, được nghe danh. Từ quan cảnh học tập, cải tạo mà anh đã mơ thấy, dù là “ mai mốt ” , một “ quê ngoại ” thì khoáng đạt, độ lượng quá. Tình cảm quê hương, và trần gian vượt quá Hồ Dzếnh, đã đành và dễ thôi, mà còn vượt quá cõi hoang tưởng của một Nguyễn Bá Trạc rất hiện đại ở hải ngoại, một thứ “ quê ngoại ”:


    Chao ôi cơn gió mùa đông cũ

    Còn thổi mưa lên mấy cửa thành

    Vườn nhà ông ngoại thơm hoa bưởi

    Khi tóc em vừa mới chớm xanh (2)


    Không rõ tôi cao hứng lạc đề, hay thơ Gió mùa và thơ Cỏ bồng cùng gợi chung một khí hậu ? dù rằng hai người đã đi những con đường, trên những lãnh phận rất khác nhau.

    Thơ Nguyễn Xuân Thiệp có nhiều câu, thường song đôi, xuất sắc, kết hợp chất uyên bác (nghĩa là không mới) với sức sáng tạo tân kỳ ; lưng vốn cá nhân dồi dào được đầu tư đắc thế vào nguồn sống dân tộc đông phương và tây học, tạo ra vòm ánh sáng vừa kỳ diệu vừa duy lý. Tri thức và trí thức không khuất lấp mầu nhiệm của ngôn ngữ ; giác quan và ảo mộng nương nhau nuôi nhau. Ví dụ một bài thơ dài hơn hai trăm câu được kiến trúc trên một hình ảnh duy nhất, một tứ thơ quán xuyến là Ánh trăng:


    Trăng khuya như một loài chim quý

    Bay suốt nghìn năm hót một lần.

    Dưới mái chùa tây văng tiếng kệ

    Vị sư già đã thức, chuông ngân.

    Âm thanh như một làn hương sữa

    Chảy xuống hồn ta đã lặng dần

    Hạt lệ muối rơi, giờ đọng lại

    Trăng nguyệt cầm ơi, ngọc mới đông (...)

    Giữa cuộc vui này ta có mặt

    Sao tâm xao xuyến những trời xưa

    Đếm sao, nào biết sao mờ tắt

    Trận bão mùa qua đã dứt chưa...

    (1980, tr.98)


    Không uyên bác thì không làm được thơ như vậy. Từng hình ảnh một, không có gì mới ; lối so sánh ánh trăng lưỡi liềm với cánh chim cũng đã có người dùng. Nhưng cách liên hoàn những hình ảnh thì sáng tạo và bất ngờ, vì nó phục vụ cho ý hướng riêng tập thơ: khổ nạn của lịch sử, và đời người, chỉ là cơn bão rớt, trong khi con người trong nhân loại và dân tộc, là một khoảng trời xanh miên viễn. Tư tưởng ấy, tự nó không cao siêu, nhưng sống trọn vẹn nó qua những thảm kịch lớn lao của đất nước và cá nhân, thì phải cao cường. Thơ Nguyễn Xuân Thiệp chứng tỏ con người có đủ sức mạnh tinh thần để vượt qua những trầm luân, và thi ca là một thành tố của năng lực kia. Thi ca hiểu theo nhiều lớp lang: cách nhìn đời, lối tiếp cận và lối diễn đạt, nói chung là cách sống. Ngôn ngữ, thi pháp giúp Nguyễn Xuân Thiệp sống trọn vẹn và tràn đầy ý thức và tâm cảm. Thơ Nguyễn Xuân Thiệp mới ở đó, ở chỗ không giống ai. Nó mạnh một khi đã đủ sức từng trải gian truân. Và hay nhờ tài năng cấu tứ, sử dụng từ pháp và âm pháp, trong kiến thức rộng rãi và xúc cảm sâu xa.

    Ba khổ thơ vừa trích gợi nhớ nhiều điển cố mà tôi không nhắc lại, vì sợ nặng từ chương và nhẹ phần đối thoại giữa nhà thơ và người đọc. Nhưng tưởng nên giải thích câu “ Sao tâm xao xuyến ” nghĩa là “ giữa cuộc vui ” sao lòng mình xao xuyến ; nhưng Tâm còn là tên Sao trên “ những trời xưa ”: câu thơ mang nhiều kích thước.

    Ngay bài Thảo nguyên trích từ đầu đã phức tạp từ cái tiêu đề: thảo nguyên (steppes/toundra), những đồng cỏ bao la ở Nga La Tư, sống về chăn nuôi. Cao nguyên Việt Nam – nơi tác giả bị đày – có đồng cỏ nhưng chưa gọi được là thảo nguyên. Do đó từ ngữ này tạo ra cảm giác lưu xứ tận miền Tây Bá Lợi Á, từ thời Nga hoàng. Nhà thơ vẫn nhìn lưu đày bằng thi cảm, thi giác: Mùa hạ ta qua vùng thảo nguyên / Bước nhẹ thênh... như kẻ nhàn du, tìm về nguồn suối, có nước trong và cỏ mát. Mùa hạ nắng ấm cỏ cây và người vật tươi vui sau thời tuyết tan băng rã.

    Bài thơ dài được kiến thiết trên mùa hạ ấm.Mùa hạ đồng thời là mùa lưu đày của nhiều kẻ sĩ miền Nam năm 1975. Với miền Bắc, mùa xuân là mùa Đại Thắng, mùa thu là Cách Mạng, mùa đông là Chiến Dịch..., còn lại cho miền Nam Mùa hè đỏ lửa...


    Vẫn hai câu đầu:


    Mùa hạ ta qua vùng thảo nguyên

    Gió thổi chiều xanh trôi với nắng

    (tr. 63)

    Âm điệu gợi lên hai câu xa xưa, mở đầu bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi:

    Sáng mát trong như sáng năm xưa


    Gió thổi mùa thu hương cốm mới (3)

    Những lời thơ âm hưởng giao thoa vì những sơ đồ thang âm và nhịp điệu. Nhưng không phải người sau mượn tứ thơ người đi trước, vì họ thuộc hai “ chiến tuyến ” khác nhau, mà chúng ta thấy sự đối lập rõ trong cấu tứ: ở Nguyễn Đình Thi, cơn gió mới hứa hẹn ấm no và hạnh phúc ; ở Nguyễn Xuân Thiệp là những trôi dạt phôi pha, vĩnh viễn mất mát. Tuy nhiên, giữa những đối lập hai hồn thơ vẫn có điểm gần nhau, như lối nhìn đời từ một khoảng cách. Đây là chuyện ngoài đề, nhưng không phải là không lý thú, mà mai kia, chúng ta có thể triển khai trong một hoàn cảnh văn học cởi mở hơn hiện nay.


    Bài Thảo nguyên láy lại điệp khúc, nhưng có khi biến dạng:


    Năm năm ta qua miền thảo nguyên

    Đến nay vang vang mùa hạ gọi

    (tr. 65)


    Mùa hạ tuần hoàn về cuối câu thơ, nhường đầu câu cho “ năm năm ” khơi nguồn nhiều nghĩa.

    Đầu tiên là thời gian học tập cải tạo, năm năm đời ta ngọt bùi chẳng biết (...), năm năm những chiếc roi quất ngược (tr. 77-78). Vì một chữ đồng âm láy lại, nên thời gian năm lần một năm có vẻ dài lắm. Trong Kiều, Nguyễn Du đã sử dụng bốn lần lối láy chữ này:


    Năm nay là một nữa thì năm năm

    (câu 2408)


    Thời gian như kéo dài tô tận qua cách láy từ trong câu ca dao (mà Tản Đà cho là thơ Dương Lâm):


    Năm năm tháng tháng ngày ngày

    Lần lần lữa lữa rày rày mai mai (4)


    Những “ chính sách ” lần lữa đối với “ người tù xa xứ... trên đường biệt xứ ” (tr. 55-59) không được xét xử, không có hình án, biến thời gian trở thành một khổ sai vô hạn định, mà tác giả thỉnh thoảng nhắc lại mát mẻ, qua những “ cánh trà oan khổ, bạn bè hái từ trên núi xanh ”:


    Bây giờ ta hiểu ra thiên thu

    (tr. 121)


    Năm năm còn một nghĩa khác, là mỗi năm nhắc lại quan niệm “ gió mùa ”: vì vũ trụ tuần hoàn, thường trực trong tâm thể Nguyễn Xuân Thiệp. Mỗi năm, mùa hạ làm sống lại những “ tà áo biếc... những tà áo lụa... những chùm nhãn chín...”. Tư tưởng chu kỳ đẩy nhà thơ ra khỏi thời gian ra khỏi lưu đày ; tâm tư thanh thản, không gian đơn tuyến dường như rộng rãi thêm. Từ vùng thảo nguyên thơ đã qua miền thảo nguyên. Một chữ miền thôi, đủ nấn rộng không gian, một phần nhờ giá trị ngữ âm (phonétique) và ngữ nghĩa (sémantique), đối lập với chữ vùng.


    Bài thơ kết thúc với điệp khúc:


    Ta đi năm năm qua thảo nguyên


    Câu thơ lần này nhấn mạnh ý đi qua, không dừng lại.

    Năm năm, do đó còn thêm một nghĩa thứ ba riêng biệt, là thời gian dài nói chung, năm này qua năm khác, là lịch sử biên niên. “ Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen ” trong tục ngữ.

    Con đường “ đi qua ” thảo nguyên, cụ thể vùng Nghệ Tĩnh, là: lớp lớp nhiều thế hệ lưu dân từ thế kỷ XII đã đi dần về phía Nam:


    Cha đã đi qua vùng thảo nguyên

    (...) đám lưu dân qua vùng châu thổ

    (tr. 66)


    Và trong tương lai, gần hay xa, dân tộc sẽ còn tiếp tục hành trình: mai mốt mẹ (...) chị (...) em qua vùng thảo nguyên... Nói khác đi và rộng xa, những gian truân từng cá nhân, hay tập thể, chỉ là một đoản đình, trường đình trên quá tình dân tộc – và loài người. Thấy được như thế, trong cảnh học tập cải tạo, phải là... thánh. Với một tâm hồn trùng trùng độ lượng:

    Chân sóng đẩy đưa, ta đi trên đường biệt xứ


    (...) Nghe vi vu biển gọi nguồn về

    trùng khơi ì ầm con nước động

    lưng trời lượng lượng mưa sa

    (1980, tr. 60)


    Tuy nhiên, đến với Nguyễn Xuân Thiệp, tôi không đi tìm một thánh nhân. Mà đi tìm một nhà thơ. Và tôi đã gặp người thơ, một tình người trong lời thơ mang vết chân lưu dân đời đời qua những truông những trảng:


    Hành nhân, hành nhân, đêm thu phân

    (tr. 67)


    Đêm thu phân ! Phân vân và phân thân. Câu thơ vần bằng. Câu Nam bằng: huyền trân, huyền trân, đêm thu phân...

    Đêm nào trong đời người lưu dân mà không là đêm thu phân ?


    *


    Nói rằng tư tưởng vượt đau thương, thi ca hoá giải hận thù không có nghĩa là né tránh phê phán hay thoả hiệp với cái ác, hoà giải với điều xấu. Xin đừng gán cho Nguyễn Xuân Thiệp – và tôi – cái não trạng ngớ ngẩn ấy. Nhà thơ là một nạn nhân bình tĩnh và sáng suốt phê phán:


    Hỡi ơi giữa cánh rừng săn bắt

    ta chỉ nghe rền giọng sói tru

    (...) thử ngẩng nhìn trăng đêm phán xét

    ai công, ai tội, dưới trời khuya

    ai xô trăm họ vào gai gốc

    ai hái dâng đời một đoá hoa

    hãy xét trong cơn đau lịch sử

    nỗi đau nào đau của riêng ta

    (tr. 91)


    Bàn thêm: “ chữ nào ” ngắt nhịp ở đây có ba nghĩa: nghi vấn, phiếm định và phủ định. Nhìn lại cuộc chiến đã tàn phá quê hương mà tác giả con đang tiếp tục chịu đựng hậu quả:


    trăng chiếu, thành không, hào luỹ sụp

    còn nghe sắt thép rền cỏ khâu

    tỳ bà đá dựng, hồn u khốc

    uổng ngọn cờ treo ải địa đầu

    (tr. 89)


    Tác giả lên án mọi thứ chiến tranh trong lịch sử nhân loại, và lối thơ biên tái thời Đường đã cổ động binh tướng ra “ ải địa đầu ” chống rợ Hồ: “ dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi ”... Nhưng nhà thơ vẫn tin tưởng ở tương lai, con người và cuộc sống:


    Nhưng thôi nhân loại vui vầy cả

    Yêu cuộc đời trong lẽ bất toàn

    Chút nghĩa thuỷ chung ta giữ vẹn

    Lòng ơi, trải rộng gió nhân gian

    (tr. 101)


    Nguyễn Xuân Thiệp ra tù 1982, sang Mỹ 1995. Khi cho đăng thơ trên tạp chí Văn Học (Mỹ) tháng 7-1997 và tháng 4-1998 anh không ghi thời điểm sáng tác 1980, giữa thời gian học tập cải tạo. Nói khác đi, anh không khoe công đã từng kinh qua “ đáy địa ngục ” hay “ đại học máu ”. Anh cần người đọc nhận định giá trị đích thực của thi ca, thơ hay thơ dở không cần “ con tem ”. Anh không thuộc loại người làm thơ để ném vào sứ quán. Thậm chí toà soạn Văn Học cũng không biết nên đã giới thiệu “ bài thơ dài mới nhất ” (số 135, tr.2) làm 17 năm trước đó. Tác giả “ thư toà soạn ” thường là Nguyễn Mộng Giác lại là người “ tận tri thiên ...hạ sự ”. Chúng ta cần ghi nhận ở đây sự liêm khiết kiêu hãnh của văn học – không cứ gì của riêng Nguyễn Xuân Thiệp. Nhưng trường hợp anh là tiêu biểu, là cơ may hiếm có: vì thơ anh hay. Chẳng may thơ dở thì biết đâu lại chẳng phải cần đến “ con tem ” ? Thơ Nguyễn Xuân Thiệp như muốn “ cải tạo ” trại học tập thành một kiểu tiếu ngạo giang hồ, không có ý đồ xúc phạm, chỉ nuôi tham vọng (ảo vọng ?) đánh dấu chấm dứt một giai đoạn hỗn mang trong tâm thức Việt Nam:


    hết rồi thời quỷ mị

    đời hân hoan, gió gọi ta

    hài cỏ, nón thơ, tay nải biếc,

    mai về

    dưới trăng, hái một bông trà

    (1980, tr. 61)


    Tác giả sử dụng đủ các thể thơ, trừ lục bát. Nhưng thỉnh thoảng, người đọc vẫn nghe trong tận đáy lời ca, giọng ru hời thầm lặng bằng lục bát, như ở mấy câu trên: mai về hái một bông trà dưới trăng.


    *

    Chúng ta tạm thời phân biệt: thơ chơi và thơ chuyên.

    Thơ chơi của bậc tài tử, cao hứng làm vài câu, thường một câu chợt đến, rồi nối thêm vài ba câu nữa cho thành “ tuyệt cú ” (!). Thơ chuyên là của các nhà thơ thật sự sáng tác, chuyên cần làm thơ, lao động cật lực để làm những bài thơ dài, những bài hành, trường ca...

    Nguyễn Xuân Thiệp thuộc loại làm thơ chuyên, dù không phải là “ chuyên nghiệp ” vì làm thơ không phải là một nghề, và dứt khoát là không hưởng lợi tức. Gọi là thơ chuyên, trước hết vì tập Tôi cùng gió mùa tải một nội dung duy nhất, các bài thơ hình thức khác nhau đều đồng quy về một ý hướng, không rời rạc vào chuyện ngâm vịnh, thù tạc, tửu hậu trà dư. Tác giả là bậc tài hoa, nhưng không sử dụng thơ để biểu diễn tài hoa, ngược lại có ý thức dùng tài hoa như một phương tiện để phục vụ lý tưởng nghệ thuật và nhân đạo.

    Thơ Nguyễn Xuân Thiệp không có tiểu xảo, do đó viết về anh tuy dễ mà khó. Khó khi trích dẫn: thành tâm “ trích diễm ” hoá ra vô tình xuyên tạc ; tỉa lẻ một câu thơ hay, chứng minh được đặc sắc mà không nói lên chức năng của nó trong toàn bộ bài thơ và tập thơ, thì chưa trung thực. Đem thơ trà đình tửu điếm ra tán tụng nhau thì dễ hơn, ăn chắc và ăn khách. Nhiều thí dụ rất mới, thời sự.

    Thơ chuyên Nguyễn Xuân Thiệp còn mang tính cách dài hơi (trái với hơi dài), nhắc đến những bài ca, bài hành trong thơ xưa, tự do hơn những bài hành độc vận trong thơ mới, gần đây. Bài Ánh trăng, 248 câu làm nhớ đến bài Xuân giang hoa nguyệt dạ của Trương Nhược Hư (35 câu) nhưng ý tứ dồi dào, sắc bén hơn.

    Sang Mỹ thơ Nguyễn Xuân Thiệp tình ý vẫn như xưa, nhưng ngôn từ có ..?thay đổi ; nếu:


    xa kia là hoàng hôn

    màu tường vi trong thơ cổ

    (1955, tr. 151)


    thì bây giờ hình ảnh mới lạ, trực tiếp, như một bức tranh hội hoạ hiện đại:


    Tháng chín cơn mơ nào ở Oklahoma

    thoảng mùi tử đinh hương

    quanh trời sấm dội

    con chim màu đỏ trở về

    một mình, đứng hót trong mưa

    (1997, tr.168)


    Chim màu đỏ hiếm thấy. Chim hót trong mưa cũng hiếm. Chim lạ, hót một mình. Hình tượng buồn và đẹp. Thơ cũng vậy thôi, đơn giản và đơn côi, rét mướt và ánh ỏi: con chim đỏ, nét đan thanh. Và cuối cùng Nguyễn Xuân Thiệp mới chịu công bố tuyên ngôn thơ của đời mình

    :

    tôi, áo rực tà dương, đi trong rừng Parkwoods

    như đi qua đời sấm dội

    như con chim màu đỏ vẫn hót

    tôi làm thơ

    cho bạn bè, cho những người cùng khổ

    cho sấm dội, cho đổ vỡ, cho mây xa

    tôi làm thơ

    và con chim màu đỏ

    hót, một mình, dưới trời mưa thưa.

    (1997, tr.170)


    Tôi chưa hân hạnh quen biết Nguyễn Xuân Thiệp. Nhưng mới đọc thơ anh, đã nhận ra ngay tiếng hót của loài chim xa, một loài chim lạ. Mà không xa lạ. Không phải ngứa cổ hát chơi. Mà hát cho tan sấm dội mưa thưa.

    Và xin gửi đến các bạn tôi một lời chim. Thêm một quãng trời thân mến

    .

    9.98

    Đặng Tiến



    -------------

    (1) Nguyễn Xuân Thiệp, Tôi cùng gió mùa, Nxb Văn Học, California, 1998, 180 trang, giá 15 USD. Có ghi địa chỉ liên lạc: Nguyễn Xuân Thiệp, P.O. Box 803.152, Dallas, Texas 75380.

    (2) Nguyễn Bá Trạc, bài Quê mẹ, cùng trên tạp chí Văn Học (California) số 20, tháng chín 1987, tr. 93. Không thấy in lại trong Ngọn cỏ bồng (1985) hay Ngọn cỏ bồng toàn tập, 500 trang, 1995. Sao vậy ?

    (3) Tôi mới phát hiện ấn bản cũ (1954) trên đặc san Đất nước, Paris, số Tết 1956, tr. 8

    0 Nhận xét:

    Đăng nhận xét

    Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

    << Trang chủ