đọc thêm (2) : " BĂNG SƠN -- người hiểu Hà Nội như lòng bàn tay mình "/ Mai Hồng -- nguồn : ( VOV1)
VOV.VN - Sinh ra tại Hà Nam nhưng nhà văn Băng Sơn lại có một tình yêu đặc biệt với Hà Nội và ông dùng ngôn ngữ để thể hiện tình cảm đó.
Đúng vào những ngày thu tuyệt đẹp của Hà Nội, Nhà xuất bản Kim Đồng cùng Hội Nhà văn Hà Nội đã cho ra mắt cuốn tạp văn mới của cố nhà văn Băng Sơn mang tên “Hà Nội rong ruổi quẩn quanh”
"Hà Nội rong ruổi quẩn quanh" thể hiện cách nhìn và cách yêu Hà Nội mang dấu ấn riêng của nhà văn Băng Sơn. Ngay sau khi ra mắt, tập tản văn "Hà Nội rong ruổi quẩn quanh" của nhà văn Băng Sơn đã được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt.
Sinh thời, nhà văn Băng Sơn sống gắn bó với Hà Nội. Ông từng viết “Hà Nội như máu thịt tôi, không thể tách rời ra được nữa. Tôi chưa bao giờ sống xa Hà Nội quá một tuần. Hà Nội có cái gì thì con người tôi có cái ấy, dù tôi không phải là Bách khoa thư lưu trữ toàn bộ những thứ gì liên quan đến Hà Nội, nhưng gần như một đời thâm nhập vào Hà Nội, tôi tự thấy mình quá hiểu Hà Nội lắm rồi"...
"Hà Nội rong ruổi quẩn quanh" thể hiện cách nhìn và cách yêu Hà Nội mang dấu ấn riêng của nhà văn Băng Sơn. |
Dường như những gì của Hà Nội, thuộc về Hà Nội đều được nhà văn Băng Sơn ghi nhận để rồi kể lại cho bạn đọc. Suốt cuộc đời cầm bút của mình, nhà văn Băng Sơn đã chọn viết về Hà Nội, từ tác phẩm đầu tiên đăng báo năm ông 17 tuổi, cho đến khi gác bút, một sự nghiệp viết văn dài gần 60 năm...
Cuốn tạp văn “Hà Nội rong ruổi quẩn quanh” là tuyển tập 33 tản văn viết về Hà Nội, thể hiện cách nhìn và cách yêu Hà Nội mang dấu ấn Băng Sơn. Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, trong cuốn sách này, nhà văn đã lựa chọn trở thành một “người rong ruổi”, thu vào đôi mắt mình hình ảnh một Hà Nội trong vòng quay thật chậm của thời gian, ghi lại trong kí ức và viết ra một cách tinh tế những gì ông nhìn thấy và cảm thấy.
Nhà văn Băng Sơn và vợ khi còn trẻ |
“Tản văn về Hà Nội thì rất nhiều người viết, nhưng Băng Sơn có lối viết của mình, ông viết nhẹ nhàng điểm qua. Có lẽ vì trước một đề tài vừa quen vừa lạ nên viết nó vừa dễ, vừa khó. Băng Sơn là gợi mở, điểm xuyết. Chữ "rong ruổi quẩn quanh" là ngày nào mình cũng đi, nhưng không bao giờ là chán trong mắt những người yêu Hà Nội” - ông Phạm Xuân Nguyên cho biết.
Trước khi đến với văn xuôi, Băng Sơn từng là một nhà thơ. Có lẽ vì thế mà tạp văn của ông cũng tinh tế và bàng bạc chất thơ. Đọc cuốn sách “Hà Nội rong ruổi quẩn quanh” của nhà văn Băng Sơn, chúng ta như được cùng nhà văn khám phá Hà Nội, một Hà Nội của cả quá khứ và hiện tại, một Hà Nội thanh lịch, trầm mặc và nhộn nhịp sầm uất.
Những trang viết dẫn dắt người đọc ngược dòng trở về quá khứ và cùng khám phá những chi tiết nhỏ, nhưng thuộc về Hà Nội. Theo bà Trần Mai Chi - con gái nhà văn Băng Sơn, các trang tạp văn người cha kính yêu của bà thực sự chinh phục những người yêu Hà Nội. “Cũng không hẳn là vì bố tôi mà những trang sách của ông đọc lên không chỉ tôi mà nhiều người thích giọng văn hấp dẫn của ông, nói về các món ăn, đường phố và mọi người đều có cảm nghĩ là yêu các đường phố, yêu ẩm thực của Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng hơn” - bà Chi chia sẻ.
NXB Kim Đồng đã chọn những bức họa của họa sĩ Việt Kiều Nguyễn Trường (tên Mỹ là Etcetera Nguyễn - áo đen) để minh họa cho cuốn sách “Hà Nội rong ruổi quẩn quanh” của nhà văn Băng Sơn. |
Tại cuộc hội thảo về cuốn tạp văn “Hà Nội rong ruổi quẩn quanh” của nhà văn Băng Sơn tổ chức nhân dịp "Hội sách Mùa thu 2013" tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam mới đây, người xem đã được chiêm ngưỡng những kỉ vật gần gụi với nhà văn lúc sinh thời, như chiếc máy chữ cũ kĩ, những tập bản thảo đánh máy kỳ công… Theo lời kể của nhà báo Trần Quang Phương - con trai của nhà văn Băng Sơn, căn gác nhỏ chỉ hơn 20m2 ở số nhà 66 - Lê Văn Hưu - Hà Nội đã chứng kiến những năm tháng vất vả, gian khó nhưng đầy hạnh phúc của nhà văn Băng Sơn. Căn gác nhỏ ấy thường ngày luôn vang lên tiếng máy chữ, bất cứ lúc nào cảm hứng sáng tác dâng trào, bất kể trưa, chiều, tối hay đêm khuya.
Cuộc sống của nhà văn Băng Sơn gắn chặt như hình với bóng với chiếc xe đạp Thống Nhất và chiếc máy chữ. Hình ảnh một ông già tóc bạc phơ phất trước gió, từ từ chầm chậm đạp xe trên phố Hà Nội, đến các tòa soạn... Nhà văn Băng Sơn từng nói, chính chiếc xe đạp tòng tọc hàng ngày lăn trên phố chở ông đi khắp các nẻo đường đã giúp ông hiểu sâu hơn Hà Nội. Ngồi trên chiếc xe đạp không thể đi nhanh được, ông nhìn, nghe, ngắm, chiêm ngưỡng... tất cả những gì có thể nhìn thấy được, nghe thấy được của phố phường, cây cối, nhà cửa, con người, lời ăn tiếng nói, văn hóa giao tiếp, những niềm vui, nỗi buồn... để ghi nhớ, khắc sâu vào tim và dần thể hiện bằng ngòi bút thấm đẫm tình yêu, đấy ắp tư liệu, chi tiết chính xác đến bất ngờ...
Có lẽ vì thế mà hàng nghìn tùy bút của nhà văn Băng Sơn mang đậm hơi thở cuộc sống của Hà Nội. Từ những nhỏ bé nhất, mờ ảo nhất, tưởng như không hiện hữu như tiếng đêm, hương đêm, tiếng hoa, lời của cây... đến những điều to lớn của Hà Nội vươn dậy hiện đại ngày hôm nay; từ những nét văn hóa nhỏ nhoi đời thường đến những tầng sâu, cao văn hóa Hà Nội; từ những cửa ô ảo mờ, hồn xưa phố cổ đến những đường phố rộng lớn, nhưng khu đô thị hiện đại... đều được hiện hữu trên các tác phẩm của nhà văn Băng Sơn.
Có lẽ không còn điều gì về cuộc sống, con người, văn hóa Hà Nội mà ông chưa viết. Đó cũng là sự tích lũy kiến thức, tư liệu của Hà Nội trong những năm tháng dài trên chiếc xe đạp và cũng là tình yêu sâu đậm của ông với Hà Nội.
Một trong những bức tranh của họa sĩ Việt Kiều Nguyễn Trường được sử dụng trong "Hà Nội rong ruổi quẩn quanh". |
Đọc cuốn tạp văn “Hà Nội rong ruổi quẩn quanh” của nhà văn Băng Sơn, người đọc cũng được thưởng thức các tác phẩm hội họa của họa sĩ Việt Kiều Nguyễn Trường (tên Mỹ là Etcetera Nguyễn).
Sau 25 năm xa quê, ông Nguyễn Trường chính thức trở về làm việc tại Hà Nội từ tháng 7/2013. Công việc chính của ông Nguyễn Trường là làm báo, nhưng trong những lúc gian rảnh rỗi, ông thích vẽ ký họa về Hà Nội. Khi các bức tranh của ông đăng trên trang thông tin cá nhân, NXB Kim Đồng thấy phù hợp với cuốn sách của nhà văn Băng Sơn và đề nghị ông Nguyễn Trường cho phép sử dụng những bức tranh đó để minh họa cho cuốn sách của nhà văn Băng Sơn.
Theo ông Nguyễn Trường, đây thực sự là sự gặp gỡ thú vị giữa văn và họa: “Sau khi NXB Kim Đồng quyết định chọn những minh họa của tôi thì tôi tìm đọc các cuốn sách của nhà văn Băng Sơn. Mặc dù ông mất từ năm 2010, nhưng gần như tôi bắt gặp lại một tri kỷ, một nhà văn viết ngôn ngữ giản dị như một người làm báo.
Sự gặp gỡ của tôi với ông Băng Sơn là qua các chi tiết ông mô tả về Hà Nội, cho nên sự gặp gỡ này gần như là một sự thần kỳ. Và khi đọc xong nhiều điều ông viết về Hà Nội thì tôi suy nghĩ lại cách ghi nhận của mình trong loạt tranh vẽ và tôi có nhiều cảm xúc khi đọc văn chương của ông, cũng như hình ảnh của ông đối với tranh vẽ của tôi”.
Cũng theo họa sĩ Nguyễn Trường, ông đã đọc đi đọc lại nhiều bài viết trong "Hà Nội rong ruổi quẩn quanh” của nhà văn Băng Sơn và thấy yêu cái sâu sắc của nhà văn dành cho Hà Nội. Đặc biệt là những bài viết nói từng chi tiết về những loại cây bên hồ Gươm; những di tích Đền, Chùa, phố xá hàng ngày tôi vẫn nhìn thấy khi đi quanh Hà Nội.
Những địa danh, vật thể, di tích xuất hiện trên các trang viết của Băng Sơn rõ như một lối tả chân thực của một nhà "hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp". Đọc sách Băng Sơn mô tả, người đọc có nhắm mắt cũng hình dung ra được khung cảnh, sự việc và sự vật. Có nhiều sự trùng lập trong lối mô tả của ông từ bài viết này qua bài viết khác, chứng tỏ tác giả đã "hiểu" Hà Nội như chính lòng bàn tay mình.
Ông viết về Hà Nội như đóng đinh vào trí nhớ người đọc một cách tinh tế và dạt dào yêu thương. Đọc lối viết giản dị đầy chất báo chí của Băng Sơn, người đọc được thuyết phục hoàn toàn và cũng hồi hộp theo nỗi vui, niềm âu lo của tác giả dành cho những cảnh, vật liên quan tới Hà Nội./.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ