Thứ Tư, 29 tháng 12, 2021

đọc thêm (1) : " nhà văN BĂNG SƠN qua đời [ i.e Trần Quang Bốn 1932- 2000 ] / Huy Thông- MC -- nguồn: báo thể Thao & Văn Hóa

 


Nhà văn Băng Sơn qua đời - Xong "Hà Nội dương" đến "Hà Nội âm"


HUY THÔNG -  MC


05/09/2010 14:04 GMT+7

Ở tuổi 79, nhà văn Băng Sơn đã vĩnh viễn chia tay Hà Nội của ông vào sáng 3-9-2010 sau một thời gian lâm bệnh.

Nhà văn Băng Sơn: "Viết văn là một thói quen khó bỏ"

K2LPyKbw.jpg

Nhà văn Băng Sơn (trái) và cuốn sách Thú ăn chơi người Hà Nội - tâm huyết một đời của nhà văn

Sáng nay, tiễn đưa nhà văn Băng Sơn

Nhà văn Băng Sơn tên thật là Trần Quang Bốn, sinh ngày 18-12-1932, mất ngày 3-9-2010. Ông là tác giả của nhiều tập sách như Thú ăn chơi người Hà NộiNghìn năm còn lại, Nước Việt hồn tôiĐường vào Hà Nội360 phố phường Hà Nội ...

Từng nhận được nhiều giải thưởng như: Giải Hội Nhà văn Việt Nam về thiếu nhi, giải viết về “Hà Nội nghìn năm” của báo Hà Nội Mới (2 lần), giải thưởng Văn học của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội (2 lần), giải thưởng về Bút ký của Hội Nhà báo Việt Nam...

Tang lễ của nhà văn Băng Sơn sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) vào sáng nay, 5-9-2010.

Gia đình kể, trước khi mất ông có lúc nghĩ tới việc dặn con cháu hỏa táng rồi rắc tro xuống sông Hồng. Để tiết kiệm đất cho người sống - ông bảo thế - và cũng để hồn mình được siêu thoát mát mẻ bình yên. Vậy là, tới khi đi hết cuộc đời, ông vẫn khao khát được hòa mình vào với đất đai, sông nước Thủ đô - nơi ông đã gắn bó máu thịt cả trong cuộc đời và trong những trang tùy bút.

1. Cách đây 4 hôm, sau khi “cây đại thụ” của làng văn học Việt Nam - nhà văn Tô Hoài nhận Giải thưởng Lớn, Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 3 năm 2010 xong, tôi vinh dự được ngồi cùng xe với cụ để đưa cụ về nhà riêng ở Nghĩa Tân.

Trên đường đi, cụ Tô Hoài bảo: “Cần phải làm sao đó để có nhiều hơn nữa những cây bút viết về Hà Nội. Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân... không còn nữa. Giờ đếm đi, nhẩm lại chỉ còn lại mấy người như ông Nguyễn Vinh Phúc, ông Giang Quân, ông Hoàng Quốc Hải, và người viết đoản văn, tùy bút như ông Băng Sơn... Họ cũng như tôi, già yếu hết rồi...”. Lo lắng ấy của nhà văn Tô Hoài không phải không có lý khi mà một trong số những người ông nhẩm đếm ấy đã vừa mới qua đời - nhà văn Băng Sơn.

Cuối tháng 8 năm 2009 nhà văn Băng Sơn được đề cử vào giải thưởng Bùi Xuân Phái Vì tình yêu Hà Nội. Tôi gọi điện cho cụ, xin phép được gặp, hỏi chuyện và viết bài về cụ. Đầu tiên, cụ từ chối, nhưng rồi trước khi cúp máy, cụ lại bảo: “Cậu đi cổng sau, trên đường Ngô Thì Nhậm ấy nhé. Sâu vào quãng chục mét, thấy một cửa gỗ, bên ngoài có một thùng thư báo đề trên đó “Nhà văn Băng Sơn” thì gọi cổng, sẽ có người ra đón...”

Đến nơi, gặp được tác giả của những đoản văn, tùy bút lừng lẫy về Hà Nội, tôi không tin vào mắt mình nữa. Cụ Băng Sơn gầy rộc, tóc bạc trắng, hai tay đỡ cốc nước trà gừng cứ rung lên dường như cụ có thể tuột tay bất cứ lúc nào. Câu đầu tiên cụ nói với tôi làm tôi cũng phải giật mình: “Cậu nghiện thuốc lá hả? Cố gắng bỏ đi không thì nguy hiểm. Nhìn tôi đây này...”

Rồi câu chuyện đầu tiên cụ kể cho tôi nghe là về thuốc lá và trà ngon, những thứ không thể thiếu mỗi khi cụ ngồi viết. “Ngày còn nghiện thuốc, tôi chỉ hút Thủ đô, chuyển sang loại khác là ngái cổ, hút không vào. Bây giờ muốn vào buổng phổi nó cũng không kháng được nữa nên bỏ được rồi. Còn trà ngon, cà phê và long dong xe đạp thì không có những thứ đó, chắc tôi cũng không viết được”. Cụ nói rồi lại ấn tay lên ngực ho. Ho xong cụ ngả lưng vào tựa ghế tâm sự: “Hà Nội đẹp. Cái gì cũng đẹp. Nhưng để cái đẹp của Hà Nội đi vào văn chương, tôi không rõ với tác giả khác thì thế nào, còn tôi thì quan niệm, trước tiên người viết phải có cái nhìn đẹp, tâm hồn đẹp. Nếu ý niệm về Hà Nội hiện hữu qua từng cái nhỏ nhất cũng đẹp thì câu văn, lời thơ ắt sẽ đẹp, hướng đến cái đẹp dù nhịp sống hiện đại đổi thay như thế nào đi chăng nữa”.

Nói rồi cụ khẽ xoay người, với tay lên tủ sách ngay sau gáy rút cuốn Thú ăn chơi của người Hà Nội vừa mới được tái bản. Sách dày, nặng đến cả ký nên cụ nhờ tôi “tóm gáy” vật ra bàn rồi tự tay lần dở từng trang trích đọc cho tôi nghe về thú ăn chơi của người Hà Nội xưa. Đoạn, cụ gập sách, dừng đọc bảo: “Thôi, tôi nghỉ một tý. Cậu tranh thủ ngồi đọc được ít nào thì đọc. Đừng làm gãy gáy “đứa con” tôi là được”.

Tôi đùa cụ: “Cụ cho con mượn được không?”. Cụ Băng Sơn khẽ cười, thay vì từ chối, cụ đọc 4 câu thơ: “Mất công mua sách để mà coi/ Ai mượn không cho bảo hẹp hòi/ Chữ nghĩa văn chương âu là vậy/ Mất công cho mượn, mất công đòi... Tôi có mấy cuốn NXB biếu sau khi tái bản, nhưng tặng hết cả. Cuốn này tôi phải nhờ người mua ở... chợ giời đấy. Con cháu bận bịu, tôi thì chẳng thể ra ngoài được nên mất nữa thì... xót lắm”.

Tôi hỏi cụ: “Không ra ngoài mua sách được, vậy ở nhà cụ có viết được sách không?” Cụ thở phù: “Có chứ. Đang viết dở cuốn Có một Hà Nội âm. Viết được... 1 trang rồi. Nhưng đang phải dừng lại vì bệnh tình không cho phép. Tôi tâm đắc với cuốn này lắm vì cho rằng ngoài một “Hà Nội dương” như chúng ta đang sống còn có một Hà Nội âm với một cuộc sống riêng, nét đẹp riêng và những giá trị riêng. Viết xong cuốn này, tôi sẽ nghỉ...”

2. Tôi không biết Có một Hà Nội âm cụ Băng Sơn đã viết xong chưa nhưng “cuộc tuần du” bằng văn chương của cụ với “Hà Nội dương” đã xong, để lại nỗi tiếc thương cho những ai yêu mến cụ, tác giả của những đoản văn, tùy bút giàu chất thơ, tiết tấu nhẹ nhàng như một giai điệu trữ tình sâu lắng về Hà Nội.

Cụ đã về với “Hà Nội âm” - một Hà Nội mà có lẽ chẳng ai muốn về nhưng trước sau gì cũng sẽ đến. Đó là quy luật tất yếu của cuộc sống. Nhưng, hãy tin như chưa được tin lần nào lời cụ Băng Sơn nói: Nơi đó cũng có một cuộc sống riêng, nét đẹp riêng và những giá trị riêng.

Hãy thanh thản khi về với một Hà Nội như thế, cụ Băng Sơn nhé!

 HUY THÔNG - MC
(Thể Thao & Văn Hóa)

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ