Thứ Tư, 15 tháng 12, 2021

"đọc lại " NHÀ VĂN HIỆN ĐẠI " của Vũ Ngọc Phan "/ Phan Văn Thạnh ( tphcm) -- source : Việt Văn Mới ( số ra ngày 16/ 2/ 2021)

 Việt Văn Mới





ĐỌC LẠI “NHÀ VĂN HIỆN ĐẠI” CỦA VŨ NGỌC PHAN


Đ ọc lại “Nhà Văn Hiện Đại” của Vũ Ngọc Phan (1904-1987) “Nhà Văn Hiện Đại” của Vũ Ngọc Phan được viết xong tại Vũ Gia Trang,Ấp Thái Hà,Hà Nội,ngày Trùng thập,năm Tân Tỵ(1941)- gồm 4 quyển,dày 1460 trang - không kể non 200 trang bị kiểm duyệt Pháp,Nhật xóa bỏ (tổng cộng 78 văn thi sĩ).

Trong hồi ký Những Năm Tháng Ấy(NXB Văn Học Hà Nội-1987,tr.174,175),Vũ tiên sinh đã kể lại cặn kẽ : “Tôi viết Nhà Văn Hiện Đại từ tháng 12/1938 đến cuối tháng Giêng năm 1940 thì xong lượt đầu,tất cả 1650 trang trên giấy học trò .Tư liệu dùng vào bộ sách lấy ở sổ tay – tôi có trên 50 sổ tay ghi về văn học Việt Nam,văn học nước ngoài,lịch sử Việt Nam,lịch sử mấy nước (Pháp,Đức Ý,Anh và Trung Quốc,Nhật Bản) .Về sách báo tôi tạm đủ không mất thì giờ đi lại tìm kiếm ở Thư viện trung ương(Biblothèque centrale).Tôi đề ở trang cuối sách: viết xong tháng 12 năm 1942 là viết lượt thứ hai đã sửa và bổ sung một số tác giả trẻ xuất sắc,bổ sung một số tác phẩm mà các tác giả đã có tên trong bộ sách mới hoàn thành trong thời gian ba năm(1940-1942).Mặt khác do kiểm duyệt bỏ nhiều đoạn rải rác,cần nối lại,để tránh tình trạng cộc lốc. Giấy nháp của tôi đều là đơn xin học và đơn xin nghỉ của học sinh trường Thăng Long,do anh Phan Thanh và chị Lê Thị Xuyến cho.Giấy rất tốt,các em chỉ viết có một mặt.Hồi ấy,giấy tốt 12 xu một thếp,giấy vừa 8 xu, và giấy xấu có 4 xu.Suốt đời viết văn,cho mãi đến bây giờ,tôi đều thu nhặt những tờ đã viết hoặc đã đánh máy một mặt để dùng làm giấy nháp.”

Toàn cảnh bộ sách (bốn quyển - khi trích dẫn có bổ sung năm sinh,năm mất của các tác giả)

Quyển I (3 chương) :

1/-Những nhà văn hồi mới có chữ quốc ngữ :Trương Vĩnh Ký (1837-1898)

2/-Nhóm“Đông Dương Tạp Chí”: Nguyễn Văn Vĩnh - Tân Nam Tử (1882-1936),Phan Kế Bính - Bưu Văn(1875-1921),Nguyễn Đỗ Mục(1866-1948).

3/-Nhóm “Nam Phong Tạp Chí”: Phạm Quỳnh - Thượng Chi(1892-1945),Nguyễn Bá Học (1857-1921),Phạm Duy Tốn (1883-1924), Nguyễn Hữu Tiến (1901-1941),Nguyễn Trọng Thuật - Đồ Nam Tử (1883-1940),Đông Hồ-Lâm Tấn Phác tự Trúc Chi (1906-1969),Tương Phố - Đỗ Thị Đàm (1900-1973).

Quyển II (3 chương) - những nhà văn độc lập không thuộc các nhóm trên :

Các nhà biên khảo và dịch thuật: Trần Trọng Kim – Lệ Thần (1883-1953),Bùi Kỷ - Ưu Thiên (1888-1960) ,Lê Dư-Sở Cuồng (1884-1967) ,Phan Khôi-Chương Dân (1887-1959) ,Nguyễn Văn Ngọc - Ôn Như (1890-1942) ,Nguyễn Quang Oánh (1888-1946) ,Nguyễn Văn Tố - Ứng Hòe (1889-1947) ,Đào Duy Anh (1904-1988) .

2-/Các tiểu thuyết gia : Hoàng Ngọc Phách - Song An (1896-1973) ,Hồ Biểu Chánh - Hồ Văn Trung (1884-1958) .

3-/Các thi gia : Nguyễn Khắc Hiếu - Tản Đà (1889-1939),Đoàn Như Khuê - Hải Nam (1883-1957),Dương Bá Trạc -Tuyết Huy (1884 -1944),Trần Tuấn Khải - Á Nam (1895-1983).

Quyển III (6 chương)

1/-Các nhà viết bút ký : Nguyễn Tuân - Nhất Lang (1910-1987),Phùng Tất Đắc – Lãng Nhân (1907-2008)

2/-Các nhà viết truyện ký và lịch sử ký sự: Phan Trần Chúc(1907-1946),Đào Trinh Nhất - Quán Chi(1900-1951),Trần Thanh Mại(1911 -1965),Nguyễn Triệu Luật 1903 -1946),Trúc Khê - Ngô Văn Triệu(1901-1947).

3/-Các nhà viết phóng sự : Vũ Đình Chí - Tam Lang (1901-1986),Vũ Trọng Phụng - Thiên Hư (1912-1939),Trọng Lang - Trần Tán Cửu (1905 – 1946),Ngô Tất Tố (1894 -1954).

4/-Các nhà phê bình và biên khảo: Thiếu Sơn - Lê Sĩ Quý (1907-1977),Trương Chính (1916-2004),Hoài Thanh - Nguyễn Đức Nguyên (1909-1982).

5/-Các kịch sĩ: Vũ Đình Long - Phong Di (1986 -1960),Vi Huyền Đắc - Giới Chi (1899 -1976),Đoàn Phú Tứ (1910-1989).

6/-Các thi sĩ : Nguyễn Giang (1910-1969),Quách Tấn (1910 -1992),Lưu Trọng Lư (1911 -1991),Vũ Hoàng Chương (1916 -1976),Thế Lữ - Nguyễn Thứ Lễ (1907 -1989),Hàn Mặc Tử - Nguyễn Trọng Trí (1912 -1940),Xuân Diệu (1916 -1985),Huy Cận (1919 – 2006),Tú Mỡ - Hồ Trọng Hiếu (1916 -1976),Nam Hương - Bùi Huy Cường (1899 -1960).

Quyển IV (tập thượng và tập hạ) về các tiểu thuyết gia theo các loại

1/- Phong tục: Khái Hưng - Trần Khánh Dư (1896 -1947),Trần Tiêu (1900 -1954),Mạnh Phú Tư - Phạm văn Thứ (1913 -1959),Bùi Hiển (1919 -2009),Thiết Can - Nguyễn Văn Xuân (1921-2007).

2/-Luận đề: Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam (1906-1963),Hoàng Đạo - Nguyễn Tường Long (1907-1948).

3/-Luân lý : Lê Văn Trương (1906-1964)

4/-Truyền kỳ : Lan Khai (1906 -1945),Đái Đức Tuấn – Tchya (1908 -1969)

5/-Phóng sự : Chu Thiên - Hoàng Minh Giám (1913 -1992)

6/-Hoạt kê : Đồ Phồn (1911-1990)

7/-Tả chân: Nguyễn Công Hoan (1903 -1977),Vũ Bằng (1913 -1984),Nguyễn Đình Lạp (1913-1951),Tô Hoài - Nguyễn Sen (1920-2014)

8/-Xã hội:Trương Tửu – Nguyễn Bách Khoa (1913-1999),Nguyên Hồng (1918-1982),Thạch Lam - i>Nguyễn Tường Lân (1910-1942),Đỗ Đức Thu (1909-1979),Nhượng Tống - Hoàng Phạm Trân (1904-1949),ThanhTịnh (1911-1988),Thụy An (1916-1989),Nguyễn Xuân Huy (1915-2000),Ngọc Giao - Nguyễn Huy Giao (1911-1997),Nguyễn Vỹ (1912-1971).

9/-Trinh thám : Phạm Cao Củng (1913-2012).

Vũ Ngọc Phan đã nhọc công sưu khảo tư liệu,bỏ thời gian ba năm trời(1940-1942),viết về hơn bẩy mươi nhà văn sau khi đã đọc những tác phẩm của họ.Ông quan niệm : “Người làm nghề viết mà không đọc các nhà văn đồng thời thì cũng chẳng khác nào người chèo thuyền chỉ biết cúi đầu nhìn vào khoang thuyền của mình,không biết đến giòng nước chảy quanh”.(tr29)

Thông qua tác phẩm của các nhà văn,ông đã dựng lên bức tranh phong phú của văn học VN nửa đầu TK XX.Cách nhận xét góp ý sắc sảo,tinh tế,khen chê có căn cứ,có lý,có tình - tỏ ra công bằng,vô tư - chứng tỏ người viết hiểu biết rộng và chắc với thái độ nghiêm túc, thận trọng.

Mở đầu (Quyển I), Vũ Ngọc Phan giới thiệu nền tảng : chữ Quốc Ngữ - Văn Việt.

Từ khi có vết chân người Tàu trên đất nước Nam,Hán học tràn vào nước ta,và ta đã mượn cái hình chữ Hán để đặt ra một thứ chữ của ta : chữ Nôm – thịnh hành đời Trần(TK XIII) mãi đến đầu triều Minh Mệnh(1820-1840),nhà nước mới bỏ chữ nôm…

Chữ quốc ngữ xuất hiện khoảng cuối thế kỷ XVI, là thứ chữ viết theo lối La Tinh do các cố đạo Gia Tô người Bồ Đào Nha đặt ra để tiện việc truyền giáo khi đến Bắc kỳ.Năm 1651, Alexandre de Rohodes xuất bản 2 quyển bằng quốc ngữ nhan đề là “Dictionarium annamiticum” và “Cate-chismus”– ông có nói hai quyển này soạn theo bản của hai giáo sĩ Gaspard Amiral,Antoin Barbore.


Chữ Quốc ngữ đặt ra trên nền tảng âm giọng Bắc kỳ-Bắc Trung Kỳ nhưng khi phổ biến thông dụng (học tập,in ra sách),thuộc công của đồng bào ta phia Nam kỳ - họ là những người Việt Nam đầu tiên đã dùng chữ quốc ngữ.(tr 36).

Trong số những học giả Việt Nam theo Tây học thời bấy giờ phải kể đến hai người có tiếng nhất là Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Trai (tức Paulus Của) – được xếp vào “Những nhà văn hồi mới có chữ Quốc ngữ”.

Trương Vĩnh Ký được đánh giá “là một nhà văn,một nhà viết sử,một nhà dịch thuật,mà lại còn là một người rất giỏi về khoa ngôn ngữ.Ông thật xứng đáng làm tiêu biểu cho tất cả những người sốt sắng với quốc văn lúc đầu ở Nam Kỳ;sự nghiệp của ông,chúng ta không thể nào không biết đến được”.(tr 37).

Tập du ký “Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi (1876)”– (Voyage au Tonkin en 1876) của Trương Vĩnh Ký có thể được xem là một trong những văn bản điển hình buổi đầu khai sinh nền văn chương Việt - tuy văn rườm rà,“cổ lỗ”,nhưng rất trung thực khi miêu tả hiện thực - (đặc thù của thể loại Ký phản ánh sự việc và con người có thật trong cuộc sống) :

“…Trước hết vô hoàng thành cũ.Lọt khỏi Ngũ Môn Lâu,lên đền Kính Thiên.Đền ấy nền cao lắm,có chín bậc xây đá Thanh,hai bên có hai con rồng cũng đá,lộn đầu xuống.Cột đền lớn trót ôm,tinh những là gỗ lim cả.Ngó ra đàng sau còn thấy một hai cung điện cũ chỗ vua Lê ở thuở xưa,bây giờ hư tệ còn tích lại đó mà thôi.Ra ngoài cửa Ngũ Môn Lâu,thẳng ra cửa Nam,có một cột cờ cao quá xây bằng gạch,có thang khu ốc trong ruột nó mà lên tới trên chót vót…Coi rồi mới ra đi đến xem chùa Một Cột,là cái miễu cất trên đầu cây cột đá lớn trồng giữa ao hồ.Nguyên tích ai lập ra thì người ta nói mờ ơ,không biết lấy đâu làm chắc cho mấy.Cứ sách sử ký và Đại Nam Nhất Thống Chí,thì chùa ông thánh đồng đen kêu là Trấn Võ Quan Tự,ở huyện Vĩnh Thuận,phường Đoan Chương đời nhà Lê,năm Vĩnh Tri,năm Chánh Hòa,vua Hi Tông(1675)sửa lại bức tượng đồng đen cao 8 thước 2 tấc,nặng 6.600 cân,tay hữu chống trên cây gươm,chỉ mũi trên lưng con rùa,có rắn vấn đoanh theo võ gươm…”


Luồn vào những tác phẩm của các tác giả,Vũ Ngọc Phan rải rác nhận xét :

-Đọc tất cả các văn phẩm của Trần Trọng Kim,người ta thấy tuy không nhiều,nhưng quyển nào cũng vững vàng,chắc chắn,không bao giờ có sự cẩu thả .Văn ông là một thứ văn rất hay,tuy giản dị mà không bao giờ xuống cái mực tầm thường(tr 234)

-Tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh có tính chất bình dân từ nhân vật đến lời văn .Giới tiểu công chức,tiểu phú hào,thợ thuyền,dân quê thường không sống về tư tưởng,hành vi của họ không có gì sâu sắc – có lẽ vì vậy có ý kiến phê bình chê sự quan sát của Hồ Biểu Chánh là cạn hẹp.(tr 361)


-Tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng : “… lập luận rất khéo,từ cái xã hội “xôi thịt”mục nát ở thôn quê,đến cái xã hội “sâm banh xì gà”ở thành thị ,từ cái óc bủn xỉn của một anh đồ kiết cho đến cái thói hoang toàng của một anh trọc phú,ta thấy đầy những ngu dốt,mê tín,bất công,mà vai trò nào cũng đều có mặt…Giông Tố là một tiểu thuyết đúc trong một khuôn luân lý sâu xa và xây trên một nền gia đình và xã hội thật là đầy đủ”. (tr 581)

-Lê Văn Trương viết nhiều - mỗi tháng cho ra vài quyển – Vũ Ngọc Phan chịu khó đọc,đã dành 41 trang(từ 919 đến 960), “soi” khá kỹ .Trong “Tôi là mẹ”của Lê Văn Trương,cái “triết lý sức mạnh” của ông không những tàn nhẫn mà còn vô lý nữa. Và hầu hết tiểu thuyết của ông luôn quan niệm coi “buôn lậu” là một việc“anh hùng” - Chương X (tr 165) là chương bàn luận tả rặt về nghề buôn lậu.

“Thiếu gì cách buôn,thuốc phiện đem sang Xiêm lại tải hàng hóa ở Xiêm về.Còn vốn ấy à? Khối vốn.Chỉ sợ mình không có cách kiếm tiền;có cách kiếm tiền khối người bỏ vốn…Của là của giời.Ai có gan là người ấy được.Cái luật giời là phải chiến mà thắng,phải cướp mà lấy.Thì vua chúa đời xưa chẳng qua cũng chỉ là những người liều mạng mà thôi.”(tr 936)


-Nhất Linh không theo khuynh hướng xã hội như người ta nhận lầm;ông là một tiểu thuyết gia muốn trừ bỏ những cái xấu xa trong gia đình và ngoài xã hội ở bất kỳ giai cấp nào,chứ không riêng thành phần thợ thuyền,dân quê – Ông phơi bày những tục xấu,tệ nạn với tư tưởng khuyến khích người ta sửa đổi.(tr 898)

-Khái Hưng có biệt tài nắm bắt tâm lý phụ nữ VN - để tâm đến việc cải cách những hủ tục trong gia đình – tiểu thuyết phong tục của ông rất có giá trị.(tr 850)

-Nhìn chung thể loại tiểu thuyết đã có sự tiến hóa không ngừng - từ những sự quan sát cạn hẹp, nhiều tiểu thuyết gia VN đã bắt đầu đi sâu vào tâm hồn người ta và có cái khuynh hướng cải tạo cuộc nhân sinh rất rõ rệt – theo phong trào quay hẳn về giòng VN và theo chủ nghĩa nghệ thuật vị nhân sinh. (tr 1266)

Vũ Ngọc Phan đã ví von Văn học Việt Nam hiện đại là “lũ tý hon đi hia 7 dặm” – những bước khá dài của ta đã nhờ ở “phép lạ”của các môn học ngoại lai nhiều hơn là nền VN cổ học.Chúng ta ảnh hưởng Đông phương(giàu đạo lý) – tiếp thu văn học mới tây phương - khoa học đã dắt ta vào những ngã đường mà ông cha chúng ta chưa đi tới. “Ở các nước,người ta phải suy nghĩ,phải dò từng bước,phải tìm tòi hàng bao thế kỷ - mới thấy được con đường sáng cho văn học – riêng ta,ta chỉ mất công chọn lọc,mất công đào thải,là đã có thể xây dựng một căn cứ mới để thiết lập một lâu đài khoa học theo phương pháp khoa học và có tính chất Việt Nam”.(tr 1255)

“Các nhà văn đi tiên phong đều là những người đã góp sức đặt viên đá đầu tiên cho nền quốc văn vững chãi và có cơ sở ngày nay…Những người yêu tiếng nước nhà mong mỏi tiếng nước nhà được phong phú và đã hiểu rằng tiếng nói của một nước là hồn của nước ấy,há lại không biết đến những sự hy sinh cùng tận tụy của những người phát cỏ mở đường,để đắp nền móng cho tòa lâu đài văn học Việt Nam ru ?” (tr 434)

……

Rà đọc toàn tập (4 quyển),thú thực dù là chấm phá,cưỡi ngựa xem hoa,tôi cũng thấy nhòe mắt lão - bái phục cụ Vũ Ngọc Phan - độc lực thu gom tư liệu - lội sâu vào các tác phẩm,chỉ ra “cái tôi”sinh động của từng nhà văn ẩn mình dưới những trang viết.

Không có xưa,chẳng có nay .Văn học Việt Nam khởi đi đầy sức sống ,phát triển qua các giai đoạn lịch sử phức tạp - chia cắt,phân ly,thống nhất – khiến tạo ra những góc nhìn ngược chiều xung động mâu thuẫn cực đoan.Tôi nghĩ Văn học là “tiếng lòng”- đời sống nhân dân,là số phận dân tộc.Do vậy mãi mãi còn đó giá trị hiện thực,giá trị nhân văn. Hãy đặt văn học vào bối cảnh lịch sử mà nó ra đời ta mới nhận diện đánh giá thỏa đáng.Đừng để quá khứ mờ nhạt đến xa lạ thì cái hiện tại-tương lai rất chông chênh ! Hãy nhớ lời Abutalib Gafurov (1882-1939)-nhà thơ nhân dân xứ Dagestan - Nga: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác” – (If you fire at the past from a pistol, The future will shoot back from a cannon).

Khép lại bộ sách,tôi nhìn thấy giữa năm sinh,năm mất của các nhà văn tiền bối,là cái gạch nối hai bờ sinh tử - “bóng người,bóng chữ đổ dài trên bóng thời gian”- ở đó tượng hình một nền văn học Việt đầy sức sống.

Với riêng tôi,bộ sách gợi lại chút xíu kỉ niệm “ăn năn phiền muộn”- chẳng là tôi mang “Nhà Văn Hiện Đại” về từ hiệu sách Khai Trí – 60-62 đại lộ Lê Lợi,Sg - và cố giữ suốt từ thời học Văn khoa Saigon(1970)- ra trường đi dạy .Sau 1975 ,buổi đầu tranh tối tranh sáng,đối mặt chiến dịch truy quét tàn dư văn hóa“chế độ cũ” - để cứu bộ sách(XB tại Saigon 1959)không khéo bị chết oan do sự quá khích thiếu hiểu biết,tôi đã phải xé bỏ 8 trang đầu (tr13-28) phần giới thiệu của NXB liên quan đến lai lịch số phận những nhà văn còn sống bên kia “vĩ tuyến 17” - Nghĩ lại thấy mình “nhát” quá không bảo toàn được 100% bộ sách !Nhưng thôi âu cũng đành vậy.Bây giờ dở lại từng trang vàng úa – thoảng hương trầm nghi ngút - còn đây những vàng son - kính bái tiền nhân !

(Saigon,01/12/2021)




VVM.13.12.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ