một bài' rất khác" viết về nhà văn tiền chiến NGUYỄN TUÂN, tác giả ' Vang Bóng Một Thời' - ' Thiếu Quê Hương " ... " NGUYỄN TUÂN -- NGOẮT NGOÉO ĐƯỜNG VĂN " / Vũ Thư Hiên [1933- ] ( Pháp) -- trích : https://dcvonline.net/category
NGUYỄN TUÂN – NGOẮT NGOÉO ĐƯỜNG VĂN
Vũ Thư Hiên.
Tôi coi Nguyễn Tuân là bậc thầy ngôn ngữ. Chữ nào ông dùng cũng đắt, khó thay bằng chữ khác. Trong mắt tôi cách dùng chữ của ông cực kỳ khó bắt chước. Cái duy nhất tôi không thích trong bút pháp Nguyễn Tuân chỉ có một – ấy là sự khệnh khạng.
Một hôm, Nguyễn Tuân nhắn tôi đến chơi.
Tôi đến, chắp tay chào ông:
– Thưa, bác gọi cháu?
Ông đặt tay lên vai tôi:
– Mình bây giờ cùng một làng là cái làng văn. Đừng bác bác cháu cháu cho nó xa cách ra. Rồi khi tôi có lỗi anh lại nể nang không phê phán.
– Cháu không dám. Bác là người trong họ mà. Mẹ cháu dặn rồi.
– Bà ấy cổ lắm.
– Cháu cứ theo lời mẹ cháu.
Ông phẩy tay:
– Gọi bác cũng được, ấy là tính về đường họ hàng. Nhưng thế này nhé, anh thấy tôi có cái gì không nên không phải, là tôi nói trong chuyện văn chương ấy, thì đừng có ngại, cứ nói toạc ra cho tôi biết!
– Dạ.
– Ờ – ông rẽ sang chuyện khác – Này, chai rượu Nga anh mang về cho tôi được lắm. Không ngờ đấy.
– Nó là thứ rượu quê người Nga tự nấu, bác ạ. Thứ này nhà nước cấm.
– Tức là rượu lậu. Như ở ta?
– Vâng. Tên Nga của nó là samagon. Trong tiếng Nga samagon là một từ ghép: sam nghĩa là tự mình, gon nghĩa là chưng cất.
– Thảo nào. Hơn đứt cái anh vodka có nhãn. Ngon. Anh xách nó từ vạn dặm về cho tôi là quý, tôi cảm ơn. Nhưng nói anh đừng buồn, tôi mang ra đãi bạn, chúng khẩu đồng từ: so với rượu Làng Vân hay Trương Xá của ta thì kém xa.
– Cháu muốn bác thưởng thức hương vị phương xa thôi.
– Tôi hiểu mà. Tôi không chê. Tôi nhận xét.
– Có vẻ rượu cất từ gạo ngon hơn từ bột mì, phải không bác?
– Không hẳn. Cũng là từ gạo mà ra nhưng sake, quốc tửu của Nhật, lại khác rượu ta lắm. Nhạt thếch, cho dù có hương.
Tôi đã có dịp nếm sake ở khách sạn Pekin ở Moskva. Nó nhạt thật, so với rượu quê của ta.
Nguyễn Tuân có gương mặt đặc biệt, rất riêng, thích hợp với mọi ký hoạ. Hoạ sĩ giỏi, hoạ sĩ tồi vẽ ông đều giống, y chang. Gương mặt gày, với những nét như tạc, tôi chưa gặp người nào giống ông. Nguyễn Tuân là Nguyễn Tuân, khác mọi người. Đi gần ông thấy ông có mùi hương nhu. Chẳng biết ông có tắm bằng thứ nước lá ấy không?
Cái gác nhà ông trên đường Trần Hưng Đạo cách Ga Hàng Cỏ một dãy cũng rất Nguyễn Tuân. Nó mang dấu ấn đặc biệt của ông – cổ kính, mộc mạc, đơn sơ – cái giường một, cái bàn viết, giữa nhà là một bảng gỗ chi chít những mẩu giấy được ghim vào đấy, với những chữ viết bay bướm – những ghi chú về hẹn hò, ý sáng tác sẽ viết, hoặc doạ sẽ viết.
Tôi tò mò đọc thì ông hấm hứ:
– Đừng ngó vào bí mật của tôi.
Tôi bẽn lẽn. Ông cười hiền từ, rồi bảo:
– Không sao. Tôi nói thế thôi. Anh đọc thì được. Chứ có thằng vào đây chỉ để dò xét rồi báo cáo báo cầy, tởm.
Tôi coi Nguyễn Tuân là bậc thầy ngôn ngữ. Chữ nào ông dùng cũng đắt, khó thay bằng chữ khác. Trong mắt tôi cách dùng chữ của ông cực kỳ khó bắt chước. Cái duy nhất tôi không thích trong bút pháp Nguyễn Tuân chỉ có một – ấy là sự khệnh khạng. Ông bắt người đọc phải chiêm ngưỡng các con chữ của ông, với tâm thái thưởng ngoạn, cãi không nổi.
Chùa Đàn, Thiếu Quê Hương, Vang Bóng Một Thời, Tóc Chị Hoài… là những mẫu mực về cách dùng chữ. Một chữ Nguyễn Tuân đã gieo xuống trang giấy là cả một sự lựa chọn.
Một thí dụ:
Trong những tác phẩm của ông có một cuốn nhan đề Thiếu Quê Hương. Sở Kiểm duyệt không duyệt cái tựa ấy.
Nguyễn Tuân nghĩ mưu. Mới mời ông phán Sở Kiểm duyệt đi Trô. “Đi Trô” là cách nói đi hút thuốc phiện của đệ tử tiên nữ Phù Dung ở nhà chủ tiệm hút người Tàu tên Trô.
Hút đã rồi, hai bên bàn chuyện sách. Ông phán Sở Kiểm duyệt bảo:
– Rắc rối chuyện giấy phép là ở cái nhan đề. Thống chế Pétain đề ba chữ: Cần Lao, Gia Đình , Tổ Quốc lên hàng đầu không phải để chơi, không có ý nghĩa. Quê Hương với Tổ Quốc là một, hai cái như nhau. Thiếu cái gì chứ thiếu cái ấy là không được.
Nguyễn Tuân gọi thêm cong nữa. Rồi bảo:
– Chết nỗi, đệ đã cho quảng cáo cuốn ấy với tên Thiếu Quê Hương mất rồi. Nay lại ra Quê Hương, thiên hạ sẽ nghĩ không phải của đệ mà của thằng Nguyễn Tuân nào khác.
– Cũng có lý – ông phán của Sở Kiểm duyệt gật.
Đến lúc ấy Nguyễn Tuân mới bật kế của mình:
– Thế này, quan bác ạ. Sách ra sẽ có tên Quê Hương như quan bác bằng lòng. Dưới tên ấy đệ chỉ xin thêm một dòng “Tức Thiếu Quê Hương”.
– Nhiêu khê thế?
– Là cho nó không khác với quảng cáo, vậy thôi.
Quan bác không biết có say thuốc hay không, ông ta làm điếu nữa, suy nghĩ một lát nữa, rồi gật:
– Cũng được.
Cuốn sách ra đời với tên: Quê Hương tức Thiếu Quê Hương.
Đó là Nguyễn Tuân trước Cách mạng Tháng Tám.
Sau Cách mạng Tháng Tám ông tự biến đổi mình. Không ai buộc ông phải biến đổi ông – điều này tôi biết chắc.
Thế là Nguyễn Tuân thôi là Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân giờ là Nguyễn Tuân khác, cho dù ta vẫn còn thấy ở ông một cái gì mang máng Nguyễn Tuân xưa. Đến các tập “Tuỳ bút kháng chiến và hoà bình” (1956), “Sông Đà” (1960) nhất là bài “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” thì chúng ta mất đứt Nguyễn Tuân ngày trước.
Tôi vẫn gặp ông, nhưng chỉ thỉnh thoảng.
Trong những lần gặp ấy ông không bàn chuyện văn chương với tôi nữa. Chuyện ấy trở thành nhạt nhẽo hay sao ấy, ông chán thì phải, tôi không rõ. Nhưng tôi biết ông vẫn đọc rất nhiều. Cái gì có chữ là ông đọc.
Một hôm ông đến toà soạn báo ảnh Việt Nam, nơi tôi làm việc. Ở văn phòng, ông sừng sộ hỏi chị Sơn, thư ký:
– Ai viết bài này?
Ông giở tờ báo mang theo, lấy ngón trỏ chọc chọc vào một trang:
– Ai?
Đó là một tuỳ bút về những chợ làng. Chị Sơn biết đó là bài của tôi. Nó là một bài chữa cháy. Báo đã “mi” (trình bày) xong, đã sẵn sàng đưa nhà in, nhưng có một bài bị ông tổng bí thư Trường Chinh hạ lệnh bóc. Ông này có thói quen đọc những bài của báo ảnh từ khi ông qua Bắc Kinh đọc tờ China Today và quyết định Việt Nam cũng phải ra một tờ tương tự. Có nói ông là cha đẻ của tờ báo ảnh Việt Nam cũng không ngoa.
Trong số này tôi phải cấp tốc viết một bài thay thế. May, Trường Chinh cho qua.
Hết hồn với nhà văn già nổi tiếng khó tính, chị Sơn thưa:
– Dạ, để cháu hỏi.
Chị chạy lên gác kéo thư ký toà soạn Nguyễn Thanh Địch xuống.
– Là của anh Vũ Thư Hiên, bác ạ – Nguyễn Thanh Địch ấp úng – Sao, thưa bác? Có lỗi ạ?
– Không – Nguyễn Tuân – Không có gì. Tôi chỉ muốn biết ai là người viết thôi. Bài ấy được. Tôi tưởng của ai khác.
Ông ra về, không quên cái ba-toong bất ly thân dựa góc tường.
Tôi tiếc nhà văn Nguyễn Tuân trước Cách mạng Tháng Tám lắm. Thời ấy ông là ông, với tư cách người của ngôn ngữ Việt thuần chất.
Ông đi với cách mạng là phải. Ông là người rất Việt Nam trong những người Việt Nam. Không người Việt Nam nào muốn sống trong thân phận nô lệ. Nhân dân Việt Nam đã làm nên cách mạng, xoá bỏ chế độ thuộc địa, thành quả ấy không phải của đảng cộng sản, kể cả vào thời đảng cộng sản còn là tổ chức dẫn dắt nhân dân làm cách mạng. Bất cứ cuộc cách mạng nào cũng do nhân dân làm ra. Cho dù cuộc cách mạng ấy có nổ ra trong tình thế rất thuận lợi của một khoảng trống quyền lực
Nhưng Nguyễn Tuân đã lạc lối trên đường hoà mình vào cách mạng.
Ông đã đánh mất mình.
Ông, chính ông, tự mình đánh mất cái ông có. Nó là của riêng ông.
Cách mạng không hề gây ra sự đánh mất ấy.
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Vũ Thư Hiên Facebook
===============
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ