đọc thêm (4) : " tình bạn giữa VĂN CAO & PHẠM DUY được "bật mí ... " " / Hoa Quỳnh -- nguồn : suckhoedoisong.vn>
Thứ Sáu, 05/11/2021 04:05 (GTM+7)
Tình bạn giữa Văn Cao và Phạm Duy được “bật mí” trong Giai điệu tự hào
SKĐS - Giai điệu tự hào – chương trình ca nhạc đặc sắc do VTV thực hiện sẽ đến với khán giả cả nước trên kênh VTV1 lúc 20h ngày 28/5 với chủ đề “Khởi hành” gồm những nhạc phẩm, câu chuyện về hai nhạc sĩ Văn Cao và Phạm Duy.
Giai điệu tự hào – chương trình ca nhạc đặc sắc do VTV thực hiện sẽ đến với khán giả cả nước trên kênh VTV1 lúc 20h ngày 28/5 với chủ đề “Khởi hành” gồm những nhạc phẩm, câu chuyện về hai nhạc sĩ Văn Cao và Phạm Duy.
Sau 2 năm phát sóng vừa qua, “Giai điệu tự hào” đã trở thành một dấu ấn đáng nhớ không chỉ đối với công chúng mà còn đối với đời sống nghệ thuật của Việt Nam. Ê-kip thực hiện chương trình là những nhạc sĩ, nghệ sĩ hàng đầu, tạo ra tầm vóc hoành tráng nhờ sự đầu tư về sân khấu và dàn dựng công phu. Hơn 200 ca khúc kinh điển sống mãi cùng thời gian được chọn lọc kỹ lưỡng theo từng chủ đề đã được phối lại một cách mới mẻ và mang hơi thở của thời đại, để vừa gợi lại những ký ức của các thế hệ đi trước, lại vừa chạm tới trái tim những người trẻ tuổi hôm nay.
“Giai điệu tự hào 2016” được dẫn dắt bởi nhà báo Lại Văn Sâm và Diễm Quỳnh
Do nhiều lý do khác nhau, Giai điệu tự hào thay đổi format để cho ra đời chương trình như năm nay, tuy nhiên Giai điệu tự hào 2016” vẫn kế thừa những kinh nghiệm và sáng tạo của phiên bản đầu tiên tại Việt Nam. Trong số đầu tiên của Giai điệu tự hào 2016, khán giả đã được nghe nhiều ca khúc làm nên tên tuổi của nhạc sĩ Văn Cao và Phạm Duy như Buồn tàn thu; Đàn chim Việt; Bến xuân; Tiến Quân ca, Trường ca sông Lô; Tình ca; Anh sẽ đưa em về…được hòa âm, phối nhạc lại mang hơi thở thời đại nhưng vẫn giữ được những tinh hoa của ca khúc. Hội đồng bình luận trong “Khởi hành” có nhà thơ, nhạc sĩ - nhà báo Nguyễn Thụy Kha, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, họa sĩ Văn Thao (con trai cố nhạc sĩ Văn Cao), NSƯT Việt Hương, nhà báo Quỳnh Hương, nhà báo Minh Đức, nhà văn Nguyễn Trương Quý, biên tập viên Nguyễn Hữu Chiến Thắng, ca sĩ Bảo Lan, ca sĩ Ngọc Khuê.
Đặc biệt, theo họa sĩ Văn Thao kể lại, có lần ông Văn Cao trả lời phỏng vấn hãng truyền thông quốc tế về Phạm Duy, Văn Cao nói rằng: “Đứng về phương diện nghệ thuật, Phạm Duy là một trong những nhạc sĩ có nhiều đóng góp cho tân nhạc Việt Nam. Và theo tôi, Phạm Duy thực sự là một nhà văn hóa”.
Nhạc sĩ Văn Cao và Phạm Duy là đôi bạn thân từ những năm đầu thập kỷ 40 của thế kỷ 20
Hai con người, hai tính cách khác nhau, họ gặp nhau trong âm nhạc vào năm 1944. Khi ấy, Nhạc sĩ Phạm Duy theo gánh hát Đức Huy, một gánh hát cải lương đi từ trong Nam ra Bắc, Phạm Duy đi theo gánh hát Đức Huy đó với vai trò là người dựng phong cảnh. Ông có phong thái thư sinh, vẻ ngoài đẹp trai và lịch lãm trong chiếc áo sơ mi trắng. Là người chịu trách nhiệm dựng cảnh giữa hai màn của buổi biểu diễn, ông thường mang lại một hình ảnh đẹp trên sân khấu, không chỉ bởi cách dàn dựng nghệ thuật mà còn bởi vẻ bề ngoài thư sinh với cặp kính, vừa ngồi gảy đàn vừa đệm, vừa hát.
Gánh hát Đức Huy ra Hải Phòng biểu diễn, Phạm Duy gây ấn tượng khi vừa chơi guitar, vừa hát bài Buồn tàn thu của Văn Cao. Bạn bè của Văn Cao là Trần Liễn, Doãn Tòng đi xem hát về nói ngay với Văn Cao: “Có một tay ca sĩ trẻ hát bài Buồn tàn thu của mày rất hay”. Văn Cao khá nhạc nhiên và quyết định đi nghe Phạm Duy hát.
Sau đêm hôm đó, một người bạn đã dẫn Phạm Duy đến nhà Văn Cao ở góc bến Bính, Hải Phòng. Hai người trở thành bạn thân. Nhạc sĩ Văn Cao khuyên Phạm Duy nên đi vào nghiệp sáng tác, chứ không chỉ là một ca sĩ du ca. Phạm Duy đồng ý. Những nốt nhạc đầu tiên do Phạm Duy sáng tác có sự góp ý của người bạn Văn Cao. Nhạc sĩ Phạm Duy từng viết trong cuốn hồi ký của mình: “Tôi tôn trọng và vô cùng cảm phục Văn Cao”. Ông cũng từngchia sẻ: “Tôi có vinh dự ngày hôm nay là nhờ công rất lớn của Văn Cao – một người tôi coi như thầy”.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ