Thứ Tư, 10 tháng 11, 2021

đọc thêm (2) : " Dòng từ trường -- trường hợp TRẦN VŨ "/ Thụy Khuê (Paris) [ i.e. Vũ Thị Tuệ 1944 - ] -- source: Blog Thụy Khuê >

 

Thụy Khuê

Sóng từ trường
 

Trường hợp Trần Vũ



 
 
 

Cần phải nhắc lại với người viết truyện rằng: không phải tác giả viết nên tác phẩm mà tác phẩm tự xác định qua người viết, và cho dù sáng suốt đến đâu người viết cũng trải qua một kinh nghiệm vượt quá sức mình.

Maurice Blanchot

 

 

     Một câu hỏi thường hay đến với người đọc: Truyện là gì? Viết như thế nào? Ðối với những nhà nghiên cứu văn học thì văn chương, ngoài tiểu luận, có hai thể loại chính: Hư cấu và thơ. Todorov đã có dịp trình bầy một cách khoa học những định nghĩa và phân loại này trong Les genres du discours (Thể loại văn bản). Nguyễn Công Hoan thiết thực và bình dân, tuyên bố: "Tiểu thuyết là một truyện bịa y như thật. Nhà tiểu thuyết là người biết bịa truyện"(1). Làm thế nào để bịa y như thật? Nguyễn Công Hoan cho thêm bí quyết: muốn bịa y như thật thì phải bịa bằng sự thật, nghĩa là, viết gì thì viết nhưng tất yếu phải dựa trên kinh nghiệm sống thực, kinh nghiệm đã trải qua. Dường như không chỉ một Nguyễn Công Hoan nghĩ như thế, mà hầu như nhà văn nào cũng dựng truyện xoay quanh "chân lý" đó. Trần Vũ là một trường hợp: Bịa không giống thực và phải nói ngay: anh thành công trong cái "sự bịa đặt hoàn toàn" ấy.
 
 

*



     Trần Vũ sinh ngày 2/10/1962 tại Sài Gòn. Vượt biển sang Pháp từ năm 1979, hiện sống tại Paris. Tác giả hai tập truyện ngắn: Ngôi Nhà Sau Lưng Văn Miếu do Thời Văn xuất bản năm 1990 và Cái Chết Sau Quá Khứ do Hồng Lĩnh xuất bản năm 1992, cũng tại California, Hoa Kỳ. Ngôi Nhà Sau Lưng Văn Miếu mới là bước đầu tìm kiếm. Cái Chết Sau Quá Khứ, bước thứ nhì, xác định một phong cách, một giá trị. Cái Chết Sau Quá Khứ gồm chín truyện ngắn với những thể dạng khác nhau: Mùa Mưa Gai Sắc, viết về Nguyễn Huệ và Ngọc Hân. Gia Phả: Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị và Trần Thủ Ðộ. Cả hai thuộc loại giả sử. Giả sử chứ không phải dã sử. Cánh Ðồng Mùa Gặt Khô, hồi ức, tâm ký. Những Bông Cẩm Chướng Dại: Ðời giang hồ. Pháo Thuyền Trên Dòng Yang-Tsé: loạn luân. Benhur và Messela: vấn đề hồi hương và hội nhập xứ sở. Buổi Sáng Sinh Phần: người nói chuyện với ma - đối thoại câm giữa hai miền Nam-Bắc. Phố Cổ Hội An và Cái Chết Sau Quá Khứ: ám ảnh dục tình, tội ác, ảo giác, quá khứ đè lên hiện tại.

     Trong toàn tập chỉ có Cánh Ðồng Mùa Gặt Khô dựa trên thực tại, phần còn lại hoàn toàn hư cấu. Cánh Ðồng Mùa Gặt Khô là một tâm ký rất hay, cái hay cổ điển, hay với phần đông mọi người. Các truyện khác, còn tùy quan niệm đạo đức, chưa chắc đã hay, nhưng mạo hiểm và có chất sáng tạo.
 


*



     Trần Vũ dùng kỹ thuật làm sở trường, gạt bỏ phần cảm tính, bút pháp khô, lạnh, plastique và ác. Nhịp văn nhanh và lôi cuốn. Trực tiếp đi vào tác phẩm, chúng ta có thể đọc một vài trích đoạn. Về Ngọc Hân công chúa, Trần Vũ viết:

 "Những ngón tay tỉ mỉ kẻ viền mắt, đánh thật sắc khóe mắt vốn đã sắc lịm bén như nước lam, nhìn ai thường hớp hồn người đó [...] Ngọc Hân sai thị tỳ cùng nô tài khiêng kiệu đưa nàng ra cửa Tuyên Vũ xem bêu xác Trịnh Khải [...] đầu mắc một nơi, xác phanh một góc [...] từ cặp mắt trợn ngược, nốt ruồi dư mà lúc sinh tiền Khải thường hay vân vê, đến lỗ dao sâu hoắm ở cổ họng và những sợi gân còn vướng mắc đong đưa lòng thòng bên dưới. Ngọc Hân cảm thấy hả dạ, cúi xuống lần lần khăn san cầm ở tay ra vẻ xúc động nhưng kỳ thực là để che nụ cười thỏa mãn, cực sung sướng. Lần đầu tiên nàng khám phá ra hiệu quả của những xác chết có thể giãi bày mọi uất ức trong người mình" (trang 13-17)

     Và đây là chân dung Nguyễn Huệ:

 "Huệ chỉ nghĩ tới việc giết người để lấy phần của người chết [...] Vai to bè hơn vai tê giác, mặt vuông ván gỗ. Huệ cất tiếng nói. Giọng ồ ề vỡ ra như tiếng thác đổ vào giữa khuya [...] Khạc nhổ, lầm bầm chửi rủa, đóng mạnh rương, rồi trở ra bàn gục mặt vào thau rượu. Huệ uống tới lúc ngủ quên trong thau." (trang 11-26)

     Cảnh chào đời của Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị, vợ Trần Thủ Ðộ:

 "Cuống rốn nắm trong tay mụ đỡ hiểu được số mệnh, vùng vẫy, cựa quậy, tháo thân, cuống rún như con rắn nước liều lĩnh kháng cự trước lúc bị chặt đầu. Miểng chai xắn xuống, cứa mãi, cứa mãi, thịt rách, gân đứt, máu phụt, vợ Trần Lý căng, đạp, thét la oằn oại gào trong mất mát [...] Máu tiếp tục phun. Nước mắt tôi chảy cho Trần Thị: Vào đời giữa máu mê hung bạo." (trang 118)

     Cái Chết Sau Quá Khứ không chỉ chứa chất những trang bạo lực máu mê, mà còn có những đoạn ngoạn mục như tiếng nước chảy:

 "Tiếng nước rỏ xuống sâu, nghe váng âm hắt dội giữa trưa vắng tịch mịch, chợt vang vang thành bước chân của những tên khổng lồ đuổi bắt thời gian." (trang 119)

     Quái gở như cảnh Trần Thủ Ðộ phi ngựa:

 "Chiều đó, bầu trời bẩn lắm [...] Ðộ thúc ngựa như điên như dại. Nắng ruổi theo sau, hớt hải [...] Lúc vó ngựa của Ðộ rầm rập dẫm vào trong sân thì mặt trời đã trở nên cực hung hãn, mặt trời như có đúc vàng đặc cứng chật căng trên da mặt Ðộ phừng phừng lửa giận." (trang 123)

     Trong sáng như đôi mắt của u già:

 "Ðôi mắt u buồn lắm. Ðôi mắt u nhìn kỹ trong veo như đáy sông Thao." (trang 132)

     Chúng ta có thể nhân lên những ví dụ tương tự. Những trích đoạn trên đây lạ lùng và không phản ánh hiện thực. Kể cả hình ảnh sống động như "cuống rốn vùng vẫy, cựa quậy, tháo thân" đến thơ mộng như "mắt u già trong veo như đáy sông Thao" đều không dựa trên một thực tại bình thường. Nếu nói là bịa thì đúng là bịa: Ngọc Hân công chúa làm gì biết vẽ mắt? Ai biết diện mạo tính tình Nguyễn Huệ? Nước sông Thao làm sao mà trong được?

  Sông Thao nước đục người đen
     (ca dao)
  Sông Thao nước đỏ như son
  Người đi có nhớ nước non quê mình
     (ca dao)

     Ai không biết sông Thao thì hỏi sách, sách mách: "Sông Thao, dòng trên Nhị Hà, chở nặng phù sa nên màu nước đục, đỏ như màu son" (Ðịa Chí Vĩnh Phú). Vậy thì có bịa. Biết rằng bịa nhưng những câu văn kia vẫn lôi cuốn chúng ta bởi lối viết chặt chẽ, cực đoan, có nghệ thuật, có chất thơ nhờ những ẩn dụ hung dữ phóng ra bất ngờ "thổi hồn" -chữ của Hoàng Ngọc Hiến- vào cái cuống rốn, mặt trời, tia nắng, giọt nước... bắt chúng đầu thai làm người với một tâm hồn mãnh liệt, một sức sống cuồng nhiệt. Cái mãnh liệt, cái cuồng nhiệt đó, có thực. Trần Vũ dùng chân dung giả tưởng của Ngọc Hân, Nguyễn Huệ để diễn tả một hiện thực không giả: sự bạo tàn trong chiến tranh, trong các nhân vật lịch sử, trong thiên nhiên, vạn vật và con người.
 Trần Vũ là hợp kim một thế giới giả tưởng. Văn chương Trần Vũ có bóng ma Marquez váng vất với kỹ thuật hỗn hợp sách hình, phim chưởng, khoa học giả tưởng, hoạt họa và máy vi điện toán... để sáng chế ra cái gọi là tout est possible -gì cũng làm được- kể cả việc chết sau quá khứ, nhị hóa nhân cách (dédoublement du personnage). Nhưng "cái bịa" của Trần Vũ không phải là thứ bịa đặt tầm thường mà là bịa có tâm hồn, có ý thức sáng tạo và nghệ thuật, ngoài tác dụng ảo hóa và thi hóa văn phong, còn làm tăng nồng độ ma quái trong lòng người.
 


*



     Trần Vũ rời xa đất nước lúc 17 tuổi. Ngôn ngữ của anh là tiếng Việt, nhưng tiếng mẹ đẻ ấy, Trần Vũ không được xài cho đã. Trong công việc hàng ngày, 80% sử dụng tiếng Pháp, tiếng Việt may lắm chiếm 20% thời gian còn lại nói với người thân, còn thì chỉ dùng trong giấc ngủ, trong độc thoại với chính mình. Ngôn ngữ của Trần Vũ là thứ tiếng "giả tưởng", tiếng tưởng mình nói, nhưng thật ra mình chỉ tưởng tượng đang nói.

     Trần Vũ kể: "không viết được những gì đang sống vì đi làm với Tây, có gì mà viết!" Vậy là không hội nhập.  Không hội nhập đồng nghĩa với từ chối thực tại -thực tại đời sống- để cấu tạo một thực tại khác, "thực tại bịa" của riêng mình.
     Tuổi trẻ của Trần Vũ nhìn những diễn biến trên đất nước trong hai, ba thập niên vừa qua khác với những người làm nên giai đoạn lịch sử đó, ở cả đôi bờ. Những giá trị mà thế hệ già dùng sinh mạng để mua hay chuộc, đối với thế hệ trẻ chúng vô nghĩa, giả trá, đáng ngờ. Do đó, có sự từ chối lịch sử, từ chối đạo đức rút ra từ lịch sử, để viết nên "giả sử", bộ mặt trái của sử thật và sự thật.
 


*



     Nếu hư cấu là khía cạnh thứ nhất trong văn chương Trần Vũ, thì bạo lực và dục tính là bộ mặt thứ nhì trong tác phẩm Trần Vũ. Muốn giải thể khía cạnh này, có lẽ cần phải tìm hiểu bản chất và tương quan giữa bạo lực và dục tính trong đời sống con người.
     Bạo lực và dục tính kết hợp với nhau trong thế liên hoàn: Sade là một trường hợp mà Blanchot cho là thành quả của niềm cô đơn tuyệt đối. Thống kê Kinsey cung cấp những con số: trong giới anh chị (la pègre, underworld): 49,4% cần thỏa mãn thể xác cao độ (haute fréquence), tỷ lệ này giảm hẳn đối với người lao động bình thường. Giới trí thức, mộ đạo còn giảm hơn nữa. Phân tích sâu hơn tương quan giữa dục tính, bạo lực, thế quyền, sức lao động, sự sống và sự chết, Jean Baudrillard và Georges Bataille(2) dùng hai luận điểm:

Ðiểm thứ nhất: Quyền lực xây dựng trên sức lao động của con người, tức là xây dựng trên cái chết chậm (mort lente). Làm việc là đem sinh lực của mình để đổi lấy đồng tiền, nói khác đi, đồng lương mỗi tháng chúng ta lãnh được chẳng qua chỉ là giá bán sinh lực của mình để tiến dần đến cái chết. Lao động đối lập hai khái niệm chết dần (mort lente) và chết bất đắc kỳ tử (mort violente). Từ xã hội du mục đến bây giờ, dưới hình thức này hay hình thức khác, các thế quyền luôn luôn dùng bạo lực cưỡng bách con người lao động để sinh sống: tức là ngăn chặn sự chết ngay bằng sự chết chậm. Vậy bạo lực và cái chết nằm trong sự sống.

Ðiểm thứ nhì: Dục tính được phân biệt dưới hai khía cạnh: khía cạnh tận hưởng khoái lạc và khía cạnh sinh sản. Khía cạnh sinh sản lại diễn biến trên hai đẳng độ: Sự kết hợp giữa trứng và tinh trùng tạo nên một sinh thể mới, đồng thời kéo theo sự hủy diệt hằng hà sa số tinh trùng khác.

     Vậy phần đất của dục tính cũng là địa hạt giao tranh khốc liệt giữa các tinh trùng, là lãnh vực của bạo lực (violence) và xâm lấn (violation). "Anh hùng" chẳng qua chỉ là một tinh trùng đã tiêu diệt được các tinh trùng khác để chiếm hữu đối tượng trứng và trở thành kẻ chiến thắng.

     Nguyễn Văn Trung đưa ra một luận điểm khác: Bản chất con người là chinh phục thiên nhiên để sống còn. Chinh phục cũng là sáng tạo. Bạo lực là một hình thức sáng tạo; bạo lực nằm trong sáng tạo(3)
.
     Chúng ta sinh ra là những thực thể cá biệt, chia cắt nhau, gián đoạn nhau, và chết đi trong cô đơn, không chia sẻ. Ðộng tác dục tính -cơ nguyên của sinh sản- giết chết cô đơn, gián đoạn, cho chúng ta cảm giác liên tục (trong chốc lát) qua sự hợp kết hai thể xác, hai linh hồn, gắn bó hai tế bào: tinh trùng và trứng -tự hủy- để tác thành một sinh vật mới. Con người vào đời trong bối cảnh máu me hung bạo: sinh con người mẹ phải đớn đau, xuất huyết, đôi khi phải bước qua cửa tử. Vì sự chết, và từ sự chết mà thoát thai sự sống, nhưng khát vọng giết người làm đảo lộn tất cả các hình thái xã hội dựa trên lao động và lẽ phải. Từ đó nẩy sinh những cấm kỵ (interdit) và đồng thời những vi phạm cấm kỵ (transgression): chiến tranh, săn bắn, loạn luân, cuồng ẩm (orgie), tế thần... đều thuộc vào lãnh địa vi phạm cấm điều.
     Chúa dạy "đừng giết người" (tu ne tueras point). Phật dạy "từ bi hỉ xả" nhưng xưa nay  chiến tranh tôn giáo là những chiến tranh tàn bạo nhất. Nguyên tắc "tử vì đạo" giải thích những cái chết rùng rợn nhất: Tự thiêu bên cạnh những "Phật tử" bình tâm tụng kinh chứng kiến, trợ giúp, quay phim và chụp ảnh ở những nước "có văn hóa" thật ra chỉ là hình thức biến dạng của sát sinh tế thần nơi những bộ lạc dã man "vô văn hóa".
     Thế liên kết, liên hoàn giữa bạo lực và dục tình, bạo lực và tín điều, bạo lực và cấm kỵ, bạo lực và sáng tạo, xuất hiện thường xuyên trong tác phẩm Trần Vũ. Tại sao?
 


*



     Viết lại những vi phạm cấm điều của con người, Trần Vũ là một trường hợp phức loạn tri năng (anarchiste), chống lại mọi tính cách bài bản của đạo đức xã hội. Trần Vũ bày ra những hình ảnh, ẩn dụ, chữ nghĩa "giết người":

 "Mắt chị không nhìn ai mà cũng như lấy dao lia tứ phía." (trang 63)

"Yêu nước không vụ lợi, bán mình cho tổ quốc không lấy tiền." (trang 61)

"Lửa té tát lên mặt, lửa đỏ kè hai con mắt lão, lửa phà cả vào mồm vào miệng lão, bắt lấy hơi rượu cay lão đương tợp lấy tợp để, tu uống ừng ực như con vắt thèm máu." (trang 195)

 "Ðợi cho tất cả dã man ngấm hết vào mình Loan." (trang 181)

"Thịt da lão đã mọc trở lại. Thịt mọc trên xương, mỡ bao lấy thịt, da bao lấy mỡ." (trang 211)

"Giọng cười khé khắt hăng hắc như nước sôi quá độ, tiếng cười luộc bỏng tim tôi." (trang 203)

     Những hình ảnh trên đây làm sửng sốt quần chúng bình thường, được viết bằng ngòi bút lạnh lùng ráo hoảnh, tán tậm lương tâm, bất bình thường. Có gì cắt, cứa, khiêu, khích, châm, chích, gai, sắc, hoắt, nhọn trong bút pháp ấy: bạo lực không chỉ đến qua những xen bạo tàn mô tả, qua lối sấp ngửa trinh thám, qua bố cục dồn dập xen kẽ dục tình và tội ác, biến thiên những bất ngờ cực kỳ thác loạn. Mà còn ngầm trong chữ nghĩa, thấm vào chúng ta như độc dược uống nhầm khiến "tất cả dã man ngấm hết vào mình". Khảo sát ngôn ngữ nhà văn, người đọc có thể cho rằng Trần Vũ bị bạo lực ám ảnh, nhưng không ngờ rằng chính cái văn phong bạt mạng, ma quái ấy "hớp hồn" chúng ta -phản ứng giao thoa- hai chiều.

    Bản chất hiền lành, nhút nhát, không làm nát một con ruồi, Trần Vũ chống trả những độc ác của cuộc đời bằng những fantasme, tựa như Sade, chống lại sự cô đơn tuyệt đối trong ngục tù, oan ức trọn đời bằng ý niệm bạo dâm, hoang tưởng, triệt hạ tất cả đối tượng không phải là mình, ngoài mình.
 


*



     Nhiều người cho rằng Trần Vũ bắt chước Nguyễn Huy Thiệp. Rất có thể. Mà lại không chắc đúng. Trần Vũ và Nguyễn Huy Thiệp không giống nhau, ngoại trừ việc dùng lịch sử làm tay sai cho những điều muốn nói. Ngoài sự khác nhau về tài năng, bản sắc, chỉ riêng việc dùng lịch sử họ cũng đã khác nhau. Nguyễn Huy Thiệp đánh đổ thần tượng quá khứ để duyệt y bù nhìn hiện tại, dùng chổi quá khứ để quét hiện tại và dọn tương lai. Nguyễn Huy Thiệp dùng lịch sử với chủ đích nhân bản, cải tiến xã hội. Nguyễn Huy Thiệp tin vào con người.
     Trần Vũ không có chủ đích đó và không tin vào con người. Anh dùng lịch sử vì bản năng đập phá của mình, muốn tiêu diệt những ảo tưởng tốt đẹp về con người: ảo tưởng về nhân vật lịch sử, ảo tưởng về một thứ phụ nữ nết na, hiền hậu, đẹp và sang, phục vụ tổ quốc như Ngọc Hân công chúa... Làm gì có thế? Ðằng sau bộ mặt đẹp, hẳn phải có một "thú tính" nào đó - hoặc đanh ác, chua ngoa, hoặc lừa lọc, dâm đãng - nếu không xuất đầu lộ diện trong cách xử sự, thì cũng sống ngầm trong tiềm thức, trong vô thức. Cái vô thức ấy, Trần Vũ đẩy cho nó lộ ra và tư chất của Ngọc Hân, của Nguyễn Huệ mà Trần Vũ mô tả là cái ác, bị dồn ép, cấm kỵ, nhưng vẫn nằm chờ trong vô thức của con người. Trần Vũ chỉ táy máy xì cho nó thoát thai thành nhân vật tiểu thuyết.
 


*



     Trần Vũ mô tả bộ mặt ngầm ấy để làm gì? Anh viết để đập phá cái phi nghĩa của chính nghĩa, của đạo đức, của tôn giáo... do con người đặt ra để che dấu phần ác ngầm của chính mình. Mà cũng có thể anh chỉ viết để chơi thôi. Dù sao lá bài của Trần Vũ cũng là con dao hai lưỡi: Khơi bộ mặt bạo tàn có thể quậy lên động lực thúc đẩy bạo tàn. Trong môi trường đông đặc vi trùng, một xúc tác có thể khơi động muôn vàn ô nhiễm..

     Ngoài ra, việc sử dụng lịch sử trong văn học là chuyện rất bình thường. Có nhiều thái độ sử dụng lịch sử: có thể dùng lịch sử để viết tiểu thuyết ly kỳ, có thể dùng lịch sử để tuyên truyền cho một chính nghĩa nào đó, có thể dùng lịch sử để rút tỉa bài học quá khứ cho hiện tại, và còn có thể dùng lịch sử để đập phá ảo tưởng thực tại như trường hợp Trần Vũ. Dùng cách nào chăng nữa, khi người viết đạt được trình độ nghệ thuật chín chắn, thì có thành công.

     Chuyện bôi nhọ lịch sử là một cách nói dễ, nói vội. Bởi lịch sử của một dân tộc, ở đâu, và trong thời điểm nào -không cần bôi- cũng đã nhọ nhem, phản trắc và đầy tội ác. Hamlet, Le Cid... những anh hùng ca lớn của nhân loại chỉ phản ánh sự bạo tàn của con người trong tình cha con huyết thống, trong oán thù truyền kiếp: giết nhau nhân danh tình yêu, danh dự, tổ quốc... Lịch sử nước ta: nhà Trần lấy việc loạn luân làm quốc sách, tôn thất nhà Nguyễn dùng cách giết vua làm thượng sách. Nguyễn Huệ, cha đẻ những chiến công oanh liệt và Nguyễn Ánh tác giả kỳ công thống nhất đất nước còn là thủ phạm những cực hình phanh thây xé xác (Nguyễn Hữu Chỉnh, Vũ Văn Nhậm...), xử giảo, voi dày (Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân...), đấy là những cái chết có danh, "có tội". Ngoài ra, họ còn là tác giả của bao nhiêu cái chết vô danh, vô tội?

     Diện mạo anh hùng của các nhân vật lịch sử mà người ta thần tượng hóa, tiếc rằng chỉ mới có một nửa: Phơi ra áo gấm trạng nguyên rực rỡ huy hoàng và cất đi bộ mặt sát nhân tàn ác. Lịch sử còn quên nhìn kỹ hậu trường, đến bản chất của chiến tranh: một dịch vụ giết người có tổ chức, được chính thức công nhận, tổ quốc ghi ơn. Ðiều đó đúng cho cả người chinh phục -tức kẻ ngoại xâm- lẫn người chống chinh phục - là những vị anh hùng dân tộc.

     Ai viết nên bộ mặt tàn bạo ấy, tức là đã đi xa hơn lịch sử, để xâm nhập vào lãnh vực con người.

Paris 18-10-1993

Chú thích
(1) Ðời Viết Văn Của Tôi, Nguyễn Công Hoan, NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội, 1994.
(2) Jean Baudrillard, L'Echange symbolique et la Mort, Ed. Gallimard, 1989.
Georges Bataille, L'Erotisme, Editions Minuit, 1992.
(3) Nguyễn Văn Trung, Ca Tụng Thân Xác, Nam Sơn xuất bản, Sàigòn, 1967.


© 1991-1998 Thụy Khuê\


==============

\


0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ