Thứ Tư, 10 tháng 11, 2021

Trần Vũ [ 1962- ] - Phép lạ của văn chương ( jy2 1) / Nguyễn Hữu Hồng Minh (tphcm) -- source: https://duyendangvietnam.net...

 


Trần Vũ - Phép lạ của văn chương (kỳ 1)  

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 23-07-2019 • Lượt xem: 5600
Trần Vũ - Phép lạ của văn chương (Kỳ 1)  

Truyện ngắn Việt, bạn có thích? Chắc đây là một câu hỏi khó! Để viết một cái truyện cho ra một cái truyện ngắn có lẽ nhà văn Việt Nam không mấy người biết cách viết. Rất đau khi biết đó là sự thật! Truyện ngắn Việt thiếu phương pháp dựng truyện và tính phi hư cấu (non-fiction). Những thế mạnh nhất của truyện ngắn Việt đều bị hở sườn!



Hầu hết các nhà văn đều chỉ kể. Mà kể thì đó là chuyện chứ không phải truyện. Kể lể, than khóc, rườm rà. Và kể cũng chính là dạng tùy bút, tạp văn, hồi ký, bút ký... Dụng công hơn chút là có nút thắt, có tình tiết, câu chuyện. Nhưng vẫn suồng sã và dễ dãi. Nói một cách dễ hiểu nhà văn Việt bám chặt vào hiện thực mà ít bay bổng hay xây dựng một thế giới khác của chữ nghĩa. Tầm vóc của một nhà văn lớn hay không do thế giới của riêng họ vẫy vùng hay xây dựng nên.

Vì thế, nhắc đến nhà văn Việt Nam người ta thưởng kể tên những cuốn sách đã viết chứ không phải nhớ về một phong dáng, một tính cách. Một bút pháp văn chương.   

Nhà văn Trần Vũ

Có điều lạ là ít thấy có những hội thảo nào bàn thẳng về việc này, đề tài này. Hay có cũng không ấn tượng vì đậm cái nhạt. Một lý do mà theo tôi, quan trọng cho việc phát triển văn học. Đặc biệt là truyện ngắn.

Để tôi có dịp nói sâu hơn về truyện ngắn của Trần Vũ. Tác giả của cuốn “Phép tính của một nho sĩ” (nxb Hội Nhà Văn 2019) vừa được ra mắt với bạn đọc yêu văn chương Việt Nam.

*

Sài Gòn phải chăng đang ở những ngày nóng nhất? Những ngày giữa mùa hè 2019. Tôi tự nhủ như vậy. Đường phố càng lúc càng đông người và nhiều vấn đề ngột ngạt. Và một trong những cái khiến cho nóng càng nóng đó là cuốn sách của Trần Vũ, tập truyện "Phép tính của một nho sĩ" vừa được nxb Hội Nhà Văn ấn hành. Tôi tự hỏi liệu sách của Vũ có làm một cú ngoạn mục cho xuất bản thời gian tới hay không? Có thể lắm chứ! Mà không diễn ra điều đó đâu phải văn Trần Vũ!

Tác phẩm "Phép tính của một nho sĩ" của nhà văn Trần Vũ do NXB Hội nhà văn ấn hành

Có những người có năng lực đặc biệt thu hút công chúng. Trần Vũ là một người như vậy! Thu hút đại chúng có nhiều cách. Không cứ hẳn lập thuyết hay đăng đàn giảng đạo, thò tay sờ chân mà đôi khi chỉ cần một trang viết cúi xuống. Chữ của Vũ là chữ tử. Chữ giết người. Tào Thực gọi là "Một nhát xuyên tim".

Còn nhớ lần đầu tiên đọc Trần Vũ cách đây cũng gần hai mươi năm. Đó là một dịp gặp nhau ở Hà Nội, cây bút viết phê bình Nguyễn Thanh Sơn đưa cho tôi cuốn “Ngôi nhà sau lưng Văn Miếu” bảo thử đọc xem! Và tôi bị Vũ “giết ngọt” bởi chỉ một đường kiếm “Mùa mưa gai sắc”. Văn gì mà quái đản! Vào thẳng tâm trí như một liều độc dược. Mô tả nhân vật lịch sử mà thô tháo, chữ nghĩa sỗ sàng, nhưng lại đỏ sọc như máu vì đóng gạch vào trí nhớ. Tôi có thể viết thẳng xuống những câu của Trần Vũ trong “Mùa mưa gai sắc” như một loại văn kỳ hoa dị thảo. Ở Việt Nam, ngoài Nguyễn Huy Thiệp ra chưa từng thấy:

“Huệ chỉ nghĩ tới việc giết người để lấy phần của người chết”.

“Lễ Thành Phục Huệ đưa Ngọc Hân về lãnh tang trước linh sàng Hiển Tông, Huệ nóng nảy sai Nhậm chém một viên Tả Phiên triều Lê chỉ bởi hắn dám cười cách đọc điếu văn của Huệ (...) Thủ cấp Huệ sai bỏ trên mâm bạc đặt lên áo quan vua làm kinh động khắp kinh thành. Thân nhân người có tội biết, chạy đến cửa cung kêu khóc. Huệ cũng sai chém. Tính ra lúc động quan chém cả thảy mười bảy người”.

Nhà phê bình Thụy Khuê nhận xét về Trần Vũ:  “Nổi tiếng với lối viết văn táo bạo, thách thức, kết hợp giữa bạo lực và tình dục làm sửng sốt quần chúng bình thường, được viết bằng ngòi bút lạnh lùng ráo hoảnh, táng tận lương tâm, bất bình thường".

Hai nhà văn Khánh Trường (trái) và Trần Vũ. Nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh từng nhận xét: "Trong văn Trần Vũ thường ám ảnh, chú ý đặc tả đôi tay. Tại sao?"

Thụy Khuê chỉ đánh giá được Trần Vũ trên bề mặt, còn Nguyễn Hưng Quốc hình như thấy được bề sâu hơn. Tuy trích dẫn sau, ông viết trong cuốn “Mấy vấn đề phê bình và lý thuyết văn học”, không đi thẳng vào truyện ngắn Trần Vũ nhưng để “giải thích” những trường hợp như Trần Vũ: “Không chặt đứt quá khứ, những người chủ trương đổi mới chỉ muốn tái tạo quá khứ”.

Trần Vũ hoàn toàn muốn “giải cấu” chứ không chỉ “tái tạo quá khứ”. Anh muốn chặt đứt lịch sử để tái tạo cái mới.

Được không? Khó!

Khi phê bình, chúng ta vấp phải những bức tường chắn đầy uy lực. Như từ cổ đại, kịch tác gia Agathon (Hy Lạp) đã từng nói “Ngay cả Thượng đế cũng không thể thay đổi được quá khứ”.

Tạo ra giá trị mới, giá trị khác! Nhưng như thế nào là một giá trị mới và khác?

Rousseau viết trong cuốn Confessions: “Có thể tôi không hơn ai cả, nhưng ít nhất tôi cũng khác người”.

Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc nhận định: “Nhấn mạnh và tự hào về cái khác ấy cũng tức là biểu dương cái mới như một giá trị. Giá trị của cái mới cũng đồng thời là giá trị của hiện tại: khám phá cái mới đồng nghĩa với khám phá cái hiện tại. khám phá ra bản chất của tri thức là một sự khám phá chứ không phải chỉ là một sự phục hồi như người xưa quan niệm, từ đó, từ chối thái độ phục cổ và sùng cổ, hoài nghi các quy phạm và các điển phạm…”.

*

Ở truyện "Trưa nắng Hàm Ninh" viết chung với nhà văn Mai Ninh nói chuyện làm nước mắm trên huyện Dương Đông đảo Phú Quốc. Cuộc tình tay ba giữa Minh - pá Hổi - Dưỡng chằng chéo như một mê trận để cuối cùng hai nhân vật Minh và Dưỡng đã trở thành chất liệu "chưng cất cho thành nước mắm thật sự, thứ nước mắm nhĩ có một không hai trên cõi đời này”.

Và Vũ cũng rút từ đây một kết luận “dân tộc học” bạo liệt, mới và hay dã man:

"Quê hương phải chính là ở nơi cho mình cái chất sống đang mang trong người".

 Lan man nhảy cóc. Tôi thấy Trần Vũ đã viết thêm được nhiều câu hay cho ngạn ngữ hiện đại. Ví như thân phận nghệ sĩ anh tóm tắt "Kiếp ma va kiếp đời". Nghệ sĩ không phải là ma ư khi trên trang viết âm u quẩn nhiều vong nhiều đời nhiều kiếp? 

Cái giỏi của Vũ là làm phép thử chơi rợn tóc gáy và gai trí nhớ. Và y giỏi kỹ thuật làm tình (cả địa hạt chữ nghĩa cũng như chăn gối) cũng như sự dẻo dai để có thể đưa bạn tình đi hết mê man này đến bất tỉnh khác.

Chữ nghĩa của Vũ như một trận đồ bát quái giăng mắc. Bơi lội tới nơi trong đó cũng đủ mệt.

Đã vậy thi thoảng còn bị gã quất cho tới bến những đòn ngựa hí. Không thể không lê lết theo Vũ vì sự dẫn dắt lôi cuốn, phiêu lưu, tâm lý và thông tuệ!

Nhưng có khi cũng... rất tệ!

Quá khứ chỉ là một hình thức diễn ngôn (discourse), một hình thức tự sự (narrative). Thậm chí quá khứ có thể thay đổi theo ngôn ngữ.    

Vì thế mà không thể không đọc Trần Vũ!...\

(vòn tiếp) 


==============


0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ