Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2021

" 2 . mục sư ÔNG VĂN HUYÊN / Ms Trần Thái Sơn -- source: Vietnamese Theological Reviews

 2.    MỤC SƯ ÔNG VĂN HUYÊN.

***************

 
Tôi nói đến Cố Mục sư Ông văn Huyên trước không phải vì Cụ Mục sư là người tin Chúa trước, nhưng là vị Mục sư được nhiều người trong Hội thánh của Chúa tại Việt Nam biết, đặc biệt Cụ Mục sư là Thầy của rất nhiều Mục sư Truyền đạo Việt Nam.

Khi tôi bước chân vàoThánh Kinh Thần Học Viện Tin Lành tại Nha Trang thì bóng dáng của Mục sư Viện Trưởng Ông văn Huyên loáng thoáng qua lại trên sân của Viện điều động các Sinh viên Trường ổn định với lời dặn: “Để đồ đạc vô phòng rồi xuống phòng ăn ngay”. Lý dó vì chuyến bay của chúng tôi từ Sàigòn ra Nha Trang bị trễ từ 8 giờ 45 sáng mãi đến 8 giờ 45 tối mới bay, và đáp xuống với mọi thủ tục hành lý xong, về đến Viện đã hơn 10 giờ khuya. Thế mà vào giờ đó, Cụ Mục sư Viện Trưởng vẫn còn lo cho chúng tôi.

Những ngày học tại Viện, qui định của Viện là sau 10 giờ tối, các sinh viên phải tắt đèn để ngủ nghỉ. Có người thì làm theo, có người thì do học bài (nhất là những lúc chuẩn bị thi), có người thì lý do riêng nên thắp đèn dầu sau khi đèn điện tắt. Tôi có người bạn cùng Khóa, đêm đêm thường chong đèn không phải để học bài mà để nhìn ra hướng biển khuya một mình im lặng để nhớ về người yêu ở quê nhà. Có lúc chợt đi ngang, tôi hỏi: Sao không ngủ? Anh thành thật trả lời: Nhớ quá! Những đêm khuya quá giờ như vậy, thỉnh thoảng có người chạy ngang qua các phòng báo động: Cụ đến! Ai nấy tắt đèn chờ tiếng chân Cụ xa dần, có nơi nghe tiếng Cụ Viện Trưởng gõ nhẹ cửa nhắc: “Tắt đèn ngủ đi”, rồi Cụ lại đi tiếp, chẳng rầy rà gì.

Cụ Mục sư Ông văn Huyên là người theo Nho học, được Đức Chúa Trời kêu gọi dâng mình phục vụ Chúa, đặc biệt khi Ban Trị Sự Tổng Liên Hội với tinh thần tự lập - tự truyền giáo, biểu quyết người đứng đầu Trường Kinh thánh phải là người Việt Nam thay vì một Giáo sĩ của Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp (CMA), thì Mục sư Huyên được mời về giữ vị trí Đốc học Trường Kinh thánh tại Đà Nẵng. Đến năm 1960, Trường dời vào Nha Trang đổi tên thành Thánh Kinh Thần Học Viện Tin Lành, thì Mục sư Ông văn Huyên là Viện Trưởng tiếp tục điều hành
.
Trong Viện, Cụ Mục sư vừa giữ vị trí Viện Trưởng, vừa là Giáo sư dạy vài môn như Việt văn 4, Bốn Sách Tin Lành Tham Khảo, Tuyên Đạo Pháp. Tánh của Cụ Mục sư có lẽ xuất thân từ Nho học nên rất nghiêm khi điều hành hoặc khi dạy, nổi bật là không kiêng nể ai, trong khi ai cũng kiêng nể Cụ. Năm đó, Mục sư Hội Trưởng Đoàn văn Miêng gởi điện tín từ Sàigòn báo tin sẽ đến phi trường Nha Trang lúc 3 giờ chiều, nhờ Cụ Viện Trưởng đón về Viện. Vì lý do máy bay bị trễ cũng không có điện thoại di động báo tin,trong khi Cụ Mục sư Viện Trưởng đã ra phi trường chờ từ trước 3 giờ. Chờ mãi đến hơn 4 giờ, không thấy Mục sư Hội Trưởng đến, Cụ Viện Trưởng quay về Viện. Một lúc sau, mấy anh em Ban Tốt Nghiệp chúng tôi đang ngồi trò chuyện với Bà Cụ Viện Trưởng thấy Mục sư Hội Trưởng được Mục sư Phan Sĩ Kiểm Chủ tọa Hội thánh tại Nha Trang chở vào, đứng trước cửa nhà của Mục sư Viện Trưởng, một chốc sau, Mục sư Viện Trưởng mở cửa bước ra và nói với Mục sư Hội Trưởng: “Sao ông nói 3 giờ đến mà bây giờ mới tới? [hơn 5 giờ]. Ông ngồi chờ tôi ngoài đó đi, tôi đi có việc” Cụ Mục sư Viện Trưởng bước nhanh vòng qua ngồi vào xe hơi của Cụ, nổ máy chạy đi. Mục sư Hội Trưởng im lặng quay ra băng đá ngoài sân ngồi chờ. Chúng tôi vội vàng đi ra chào Mục sư Hội Trưởng rồi trở vào nghe Bà Cụ Viện Trưởng thuật lại câu chuyện éo le nầy. Trong Viện, mỗi lần ai đó nghe nói có: “Cụ kêu”, biết 99% là bị rầy rà gì đó. Cá nhân tôi, một lần “bị” Cụ kêu. Khi tôi bước vào văn phòng của Cụ, thấy trên tay của Cụ có một bao thư. Sau khi Cụ cho ngồi, Cụ hỏi: “Thầy có quen ai tên Hương không?” Tôi trả lời: "Dạ có, đó là chị của con ở Biên hòa”. Cụ không nói gì, lẳng lặng đưa cho tôi bao thư do chị của tôi gởi từ Biên hòa. Bao nhiêu thắc mắc hiện lên trong trí, nhiều anh em đồng khóa bao quanh hỏi tôi lý do “Cụ kêu”, sau một lúc bàn tán, có người ‘À hóa ra Cụ nghi ngờ một nữ sinh viên trong Viện tên Hương mà anh em gán ghép cho tôi, đang làm Thủ quỹ Ban Thiếu Nhi của Viện mà tôi là Trưởng Ban. Chuyện chỉ có thế mà cũng ầm lên một lúc khiến Cụ Viện Trưởng nghi ngờ, còn tôi thì bị “Cụ kêu”. Khi dạy, Cụ Mục sư Viện Trưởng dường như không hề cười một lần nào, chỉ bước vào dạy và hết giờ lại đi ra sau khi một anh em cầu nguyện.

Tuy nhiên, đó là trong Viện, còn ra ngoài thì chúng tôi gặp một Mục sư Ông văn Huyên đầy cá tính, vui và nghịch. Cụ chạy qua cầu Xóm Bóng, thời đó cầu hẹp, lại dài, những người đi bộ phải đi trên lề cầu. Một phụ nữ đội nón lá đi bộ dười lòng đường xe chạy, Cụ đang lái chiếc Land Rover phía sau, Cụ nhấn kèn inh ỏi, nhưng người phụ nữ đó dường như không nghe nên cứ bình tĩnh đi – dù đi sát lề cầu. Cụ Viện Trưởng lách xe ngang qua và vói tay vỗ vào nón lá của chị phụ nữ ấy, trong lúc chúng tôi méo mặt thì Cụ cười vang có vẻ thích chí tiếp tục chạy. Một lần Cụ chở vài anh em đi cùng trong một chuyến đi xa, nửa đường ghé vào quán nước bên đường, Cụ kêu dừa tươi uống. Chúng tôi đều ngồi chờ nhà quán chặt dừa, thì Cụ đứng lên tự tay lựa dừa, tự tay giạt mặt dừa và dốc trái dừa lên uống tự nhiên, không cần ly, cả bọn chúng tôi ngỡ ngàng. Nhớ dịp Hôn Lễ của Thầy Truyền Đạo Phan Minh nghĩa, trong phần kể chuyện vui, Cụ được người dìu lên trước microphone [vì lúc ấy mắt Cụ không còn thấy đường nhưng vì lòng yêu thương Thầy Nghĩa là con của Mục sư Phan Sĩ Kiểm, nên Cụ cố gắng đi dự), Cụ kể rằng khi hầu việc Chúa tại Vĩnh Long, hai Cụ giận nhau, Cụ đạp xe chạy vòng vòng ngoài phố, quá trưa bụng đã đói, nhưng tự ái nên không về, bèn ghé tiệm bán hũ tíu kêu một tô. Trong khi chờ đợi đem tô hũ tíu ra, Cụ chợt nghĩ chốc nữa làm sao cầu nguyện tạ ơn Chúa trước khi ăn được, vì trong lòng còn giận? Ngẫm nghĩ, Cụ đứng lên trả tiền rồi ra về. Về đến nhà thấy Bà Cụ còn ngồi nơi bàn ăn chờ, Cụ không làm gì khác hơn là ngồi ngay vào bàn ăn cảm ơn Chúa và Cụ đưa ra câu triết lý: “Cơm nguội cũng ngon!’

Thật sự mỗi lần vào giờ của Cụ, chúng tôi rất lo, rất sợ, cái cảm giác tự nhiên len vào. Một phần Cụ rất nghiêm trang khi dạy, một phần ai cũng bị ‘giũa’ khi giảng thực tập, một phần Cụ dùng từ rất chính xác theo Nho học. Thí dụ, khi dạy môn Tuyên Đạo Pháp, anh em chúng tôi mỗi người được Cụ cho một đề tài để soạn bài giảng theo Phương pháp Đề tài. Đề tài được Cụ cho trước một hoặc hai tháng. Ai lên giảng cũng bị mổ tới bến, từ việc phải đúng thì giờ ấn định là 20 phút, bố cục phải phân minh để mọi người ghi lại rõ ràng… Có anh em được phân công giảng đề tài ‘Chiếc Tàu Lạ Lùng’, giảng xong, Cụ bước lên bục với câu nói: “Thầy giảng ‘Chiếc Tàu Lạ Lùng’ mà bài giảng của Thầy cũng lạ lùng, chẳng thấy chiếc tàu lạ lùng ở chỗ nào”. Một lần khác một anh em giảng đề tài mà Cụ giao cho là ‘Con Chiên của Chúa’, sau khi giảng, Cụ nói: “Thầy giảng ‘Con Chiên của Chúa’ mà tôi không hiểu Thầy giảng ‘con gì’?” Một anh em được Cụ giao đề tài: "Đạo”. Tội nghiệp, Thầy ấy đóng cửa bù đầu soạn bài viết từng lời trên quyển tập 100 trang suốt cả hai tháng, chúng tôi chỉ thấy mặt Thầy ấy vào giờ cơm hoặc những môn chính khác. Đến hẹn, Thầy lật đật chạy qua nhà của Cụ xin khất lại, một lần, hai lần, đến lần thứ ba, Cụ bắt buộc phải giảng, không cho khất nữa. Thầy ấy đứng lên trong lớp với mái tóc bù xù, gương mặt hốc hác – có lẽ vì thiếu ngủ, giảng được khoảng 10 phút, một cơn gió biển từ Hòn Chồng Nha Trang thổi vào phòng làm tập ghi bài giảng của Thầy tự động lật lật, Thầy vội cúi xuống tìm lại trang đang giảng, một chốc sau, Thầy ngước lên và nói: “Thưa Cụ, con quên hết rồi”. Thế là một cơn nín cười giữa anh em chúng tôi diễn ra không chịu được. Bởi đó từ lúc nào, trong Viện các sinh viên đi trước để lại chuyền tay nhau một tập tài liệu ghi lại bố cục những bài giảng mà Cụ Viện Trưởng thường hay ra đề cho sinh viên, những bố cục nầy đã được sửa chữa sau khi ‘bị’ Cụ phê bình. Tôi không biết trong đó ghi thế nào, chỉ thấy nhiều người có được thì tỏ ra rất tự tin, nhưng tôi để ý, người nào lên giảng thực tập cũng đều bị Cụ ‘mổ xẻ’tan nát dù có hay không có quyển bí kíp hóa giải Tuyên Đạo Pháp.

Học thì qui định giảng 20 phút, nhưng ra Trường, người nào cũng kéo dài 40 – 50 phút, nói lén mà nghe, chính Cụ là Thầy cũng dài như thế. Có một đêm giao thừa, anh em trong Viện họp lại liên hoan nơi phòng ăn, tôi bận phải vẻ sơ đồ cho Giáo sư David Douglas nên không dự. Thình lình nghe tiếng của Mục sư Kiều Toản là Giám thị của Viện nói ngoài cửa: ‘Thầy Sơn, Thầy không xuống nghe mấy thầy đó hò Cụ Viện Trưởng kìa. Họ hò: ‘dạy thời không dạy, phê bình lung tung’, hò lơ hó lơ lắng nghe tiếng ai hò lờ. Chuyện là thầy Nguyễn Thái Bình (hiện là Mục sư qưản nhiệm Hội thánh ở Mõ Cày - Bến Tre) tác giả mấy câu hò đó vì Cụ Viện Trưởng một mình gánh rất nhiều công việc Chúa, vừa là Viện Trưởng Thánh Kinh Thần Học Viện, vừa phải đi họp với Ban Trị Sự Tổng Liên Hội dù Cụ không phải nhân viên Tổng Liên Hội nhưng khi Ban Trị Sự Tổng Liên Hội có những việc không giải quyết được thì phải nhờ đến Cụ với uy tín cá nhân giúp đỡ. Điển hình như khi Ban Trị Sự Tổng Liên Hội muốn thay đổi những mục sư trong ngành Tuyên Úy Quân đội giống như Điều Lệ Hội thánh Tin Lành Việt Nam là các Mục sư Truyền đạo chủ tọa phải theo nhiệm kỳ hai năm. Trong khi đó có những vị mục sư đã ở trong ngành Tuyên Úy quá lâu vịn lý do qui chế quân đội không cho giải ngũ nên từ chối thi hành biểu quyết của Tổng Liên Hội theo Điều Lệ. Sự việc căng thẳng, Cụ Viện Trưởng được mời ra mặt để lên tiếng. Cảm ơn Chúa, cuối cùng các vị đều chấp nhận giải ngũ để thay một loạt các vị mới theo Điều Lệ Hội thánh chung. Rồi vì tuổi đã cao, nên sức khỏe của Cụ kém, thường hay bị bịnh, nhất là mùa Đông, Cụ hay bị bịnh nơi chân. Do đó, Cụ thường phải bỏ lớp. Khi Cụ nghỉ không dạy thì anh em hầu hết đều vui mừng (đời đi học không có gì vui hơn khi giáo sư nghỉ dạy!), nhưng cũng phải xin Chúa tha thứ là anh em chúng tôi cũng yêu thương Cụ lắm, cũng có lần nhờ người mua giúp ít cam rồi cử tôi với thầy (bây giờ là mục sư Trí sự rồi) Phan Chí Tâm đại diện qua thăm Cụ. Khi được Cụ cho vào gặp, chưa nói câu nào, chúng tôi nghe Cụ (đang nằm) nói: 'Cảm ơn Quý Thầy, cầu nguyện cho tôi là đủ rồi. Mấy thầy đem cam về đi’. Tôi và ‘thầy’ Tâm nói vài lời rồi ra gặp Bà Cụ ở nơi bếp, Cụ Bà nói: ‘Lúc sáng, cô Ba Liễu (nữ sinh viên lớn tuổi) đem qua một chục cam, ông nhà tôi rầy lắm, bảo để dành tiền lo học, rồi nhất định bảo đem trả lại cho người ta.’ Anh em tôi phân trần là bây giờ đem về làm sao trả lại, rốt lại Bà Cụ bảo thôi thì để đó, Bà Cụ sẽ lựa lời nói với Cụ Viện Trưởng.

Còn việc dùng từ. Trong môn Việt văn 4 của Cụ, Cụ không chịu dùng từ ‘trường hợp’ mà phải là “trường hiệp’, Cụ giải thích: ‘Trường’ là chữ Hán; ‘Hợp’ là chữ nôm, chữ Hán không thể đi với chữ nôm. Thế là chúng tôi bị trừ điểm. Khi làm bài, chúng tôi viết từ ‘Cô Đơn’ bị Cụ trừ điểm và phải viết ‘Đơn Côi’. Chính những lúc bị trừ điểm nầy khiến chúng tôi cẩn thận khi dùng từ lúc sửa soạn bài giảng. Tôi nhớ Học giả Nguyễn Duy Cần đã khuyên: ‘Dùng từ phải chính xác’. Ông so sánh người viết văn dùng từ như người thợ mộc bào gỗ, người thợ giỏi bào gỗ nhìn như không có bào; ông cũng ví với sự trang điểm của người phụ nữ, người phụ nữ trang điểm khéo nhìn như không có trang điểm. Ôi học thì thế mà thực tế anh em giảng dạy ít khi quan tâm. Có người hỏi Học giả Nguyễn Huệ Chi nên dùng ‘Tin Lành’ hay ‘Tin Mừng’? Ông Huệ Chi đã trả lời: Trong đời sống có rất nhiều ‘Tin Mừng’, nhưng ‘Tin Lành’ có tánh cách đặc biệt hơn, nên ông khuyên dùng ‘Tin Lành’ khi nói về Đạo Tin Lành. Chí lý thay!

Điều tôi luôn nhớ Người Thầy đáng kính nầy là sự sạch sẽ trong sự thờ phượng Chúa. Ban Ngũ Niên của chúng tôi theo qui định của Thánh Kinh Thần Học Viện phải chịu trách nhiệm quét dọn nhà thờ của Viện mỗi thứ bảy chuẩn bị cho buổi thờ phượng Chúa vào Chúa nhật. Điều tôi chú ý là khi vào nhà thờ, Cụ luôn luôn dùng tay vuốt nhẹ trên băng ghế kiểm tra có được quét lau sạch sẽ không. Đặc biệt là mỗi Chúa nhật đầu tháng, chúng tôi đã được chỉ dẫn là chỉ các Sinh viên nam làm Tiệc Thánh, tất cả những dụng cụ cắt bánh, vì thời đó chỉ có bánh mì được dùng làm bánh Tiệc Thánh, nên bánh mì được cắt bỏ phần da bánh, rồi cắt miếng vuông nhỏ độ một phân. Chiếc kéo hoặc dao cắt bánh phải để riêng chuyên dùng cho Tiệc Thánh. Phần nước nho Tiệc Thánh thì Cụ căn dặn đừng rót đầy, chỉ rót hơn nửa ly một chút. Nói chung, tuần Tiệc Thánh nào Cụ cũng để ý kiểm tra bánh, ly, nước nho có sạch sẽ không và có chu đáo không, nếu mâm ly không sạch sẽ, nước nho rót không đều, chắc chắn ngày thứ hai sẽ bị “Cụ kêu” – chúng tôi nói gọi là bị “Cụ ca”. Tiếc thay đó là một gương mẫu cần học và giữ lấy, nhưng khi ra Trường, lại ít được anh em hầu việc Chúa lưu tâm. Tôi nhớ có lần đến giảng tại một nhà thờ, khi dừng xe chỗ để xe, bất chợt tôi nhìn thấy hai thiếu nhi đang ngồi bên ngoài cửa đi nhà bếp của mục sư chủ tọa, có trải tờ báo và hai thiếu nhi đang làm Tiệc Thánh, tôi phải yêu cầu hai em đứng lên đem tất cả vào nhà bếp và xin để tự tôi làm. Có lần khác, khi người bưng mâm nước nho đến cho tôi, bất ngờ tôi nhìn thấy qua những cái lỗ để ly từ trong mâm có đôi mắt đen lay láy nhìn lên tôi - một con thằn lằn nằm trong mâm! Còn vài chuyện hi hữu đáng buồn từ những sự thiếu tôn trọng Lễ Tiệc Thánh. Phải chăng anh em đã quên gương của Thầy mình.
Có lẽ tại tánh của Cụ rất nghiêm, làm thầy thì tốt nhưng làm lãnh đạo thì khó, nên suốt chiều dài lịch sử của Hội thánh Chúa tại Việt Nam, Cụ chỉ giữ đến chức vụ Tổng Thơ Ký Tổng Liên Hội. Phải đợi đến sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, với áp lực của Chánh quyền mới không chịu để Mục sư Đoàn văn Miêng tái ứng cử chức vụ Hội Trưởng, nên Ban Trị Sự Tổng Liên Hội trong phiên họp kín với Cụ Viện Trưởng (theo lời Mục sư Nguyễn Hữu Thế là Nghị viên Tổng Liên Hội) đã thuyết phục Cụ để tên ứng cử và là ứng cử viên duy nhất cho chức vụ Hội Trưởng nhiệm kỳ mới. Bài diễn văn độc đáo của Cụ sau khi đắc cử trong thời điểm lịch sử của Đất Nước cũng là thời điểm lịch sử của Hội thánh Chúa tại Việt Nam, Cụ nói: “TÔI XIN LÀM NGƯỜI GÁC CỬA QUA ĐÊM, CHỜ BAN MAI ĐẾN! Chúng ta tiếp tục việc bầu cử”. Không ngờ Cụ phải giữ cương vị Gác Cửa suốt hơn 20 năm (1976-1999), trong cảnh mù lòa sau mấy lần giải phẫu mắt không thành công, đến nỗi một lần được thăm Cụ, tôi nghe Cụ thốt lời: “Tôi làm người gác cửa qua đêm, mà sao đêm dài quá!”.

Ngày Cụ về Nước Chúa, tôi viết một bài Điếu văn kính viếng Cụ như sau:

ĐIẾU VĂN
KÍNH VIẾNG CỤ HỘI TRƯỞNG
ÔNG VĂN HUYÊN

Theo Chúa chịu khổ, giá thập tự,
Làm tôi trung tín, mão triều thiên.[1]
Thương tiếc,
Đời người ngắn ngủi, ví thể hoa rơi,
Đã bảo rằng: ‘Thất thập cổ lai hi’, Môi-se bảo ‘tám mươi là bất quá’
Cụ Hội Trưởng, Mục sư tộc Ông văn, húy Huyên, lại đã gần tròn thế kỷ, chín mươi tám, đường trời vui bước.
Sinh là ký, tử là qui, trung với Chúa, nay Cụ qui về Thiên quốc, mệnh đã thọ mà danh cũng thọ.
Tưởng nhớ:
Chí nam nhi, người quân tử, chữ trung làm trọng, nghe Chúa gọi một phen buổi Tin Lành sơ khởi, Cụ dâng mình gánh vác.
Một lòng khao khát, dự học Lời Thánh Kinh, thỏa chí tôi trung, dẫu thế mấy thân cũng còn hỉ lạc.
Hết dạ ước mơ, dạy khuyên Người Truyền Đạo, trọn niềm tớ thánh, cảnh ngộ nào hồn cũng anh linh.
Trải chức vụ Chúa ban, Trung Nam chủ tọa, Đốc học, Viện Trưởng, lại họp bàn cho công việc Chúa chung. Qua mấy Hội, Thánh Kinh trường, Thánh Kinh Thần Học Viện, một đời sản sinh người hầu việc. Những ước mơ Ơn Trời đền đáp, trong ngày thử thách, tuổi bảy mươi tư, lại phải đứng lên làm người gác cửa qua đêm, chờ ban mai đến.
Nào hay đêm chưa tàn, một phần tư thế kỷ, vầng thái dương chưa mọc, mà tuổi đã đầy, đau một bịnh, Sứ Trời đón rước…
Hỡi ôi, tội lỗi hại thay, đất hoàn tro bụi!
Chúng tôi,
Tiếc người trung tín, xót nghĩa Thầy Trò,
Một Thân Đấng Christ, cùng chịu cùng vinh.
Tâm đã vui, xác tỏ dạ bùi ngùi, quyết noi gương Người Thầy-Tớ Thánh.
Nhớ Lời Thánh Kinh dạy bảo: vui mừng mãi mãi, cầu nguyện không thôi, phàm việc gì cũng tạ ơn Chúa, ngâm một khúc thay lời tiễn biệt.
Bởi yêu Chúa, đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, giữ được niềm tin. Cụ chết vẫn còn, nơi Thiên quốc vui mừng, xác tạm gởi chờ ngày Chúa đến.
PHƯỚC THAY! PHƯỚC THAY!
 
Nhớ Thầy, Kính Viếng.
Mục sư Trần Thái Sơn.

Ngày 19 tháng 7 năm 1999.

Không biết tại sao Chúa không cho hai Cụ có con, không biết có phải vì Cụ đã dự phần dịch Kinh thánh mà ra không (vì tôi để ý những người dịch Kinh thánh tiếng Việt thời của Cụ đều gặp những biến cố không bình thường: Cụ Mục sư John Drange Olsen thì bị xe tông chết tại Ngã Sáu Saigon là người không có con; nhà văn Phan Khôi đáng lẽ là người sẽ tin Chúa vì phải đọc và nghiên cứu Kinh thánh tận tường, nhưng không tin dù rất tốt trong công việc dịch và có lòng khuyến khích nhiều người đọc Kinh thánh; Mục sư Ông văn Huyên không có con; Mục sư Lê Hoàng Phu không có được gia đình… - tôi chỉ nói những lời nầy cách dè dặt, vì tôi tin rằng các vị ấy không hề có ý thêm bớt Lời Chúa, chỉ e vô tình nào đó. Nhưng bù lại Chúa cho hai Cụ có quá nhiều con trong chức vụ. Chúa phán: “Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi… Xin Ý Cha được nên…” (Êsai 55:8; Math. 6:10).

_______________


lời nói thêm:

   đã post bài thứ  1 : 

( 8) -   mục sư ĐOÀN VĂN MIÊNG 

blog Virgil Gheoghiu

=================


                               


 
 

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ