đọc thêm (2) : " NGUYỄN MẠNH TRINH phỏng vấn TRẦN MỘNG TÚ " -- source : https://diendantheky.net>
Thứ Bảy, 28 tháng 8, 2021
Như một kỷ niệm đối với cây bút phê bình văn học Nguyễn Mạnh Trinh, dưới đây chúng tôi xin trích đoạn bài Nguyễn Mạnh Trinh phỏng vấn Trần Mộng Tú về vấn đề sáng tác văn học, đã đăng trên báo Người Việt vào khoảng năm 1995
( Diễn Đàn THẾ KỶ )
NGUYỄN MẠNH TRINH PHỎNG VẤN TRẦN MỘNG TÚ
Nguyễn Mạnh Trinh: Hình như trước năm 1975 chị đã làm thơ viết văn. Chị có kỷ niệm nào về những ngày đầu tiên ấy không ?Lúc ấy, hình như chị có nhiều thân thiết với nhà văn Mai Thảo, chị có thể kể cho độc giả một vài kỷ niệm.
Trần Mộng Tú: Tôi có thân với anh Mai Thảo từ Việt Nam, không phải trên lãnh vực viết, mà là lãnh vực đọc. Tôi làm việc cho Hãng Thông Tấn The Associated Press, văn phòng ở trên lầu 4 Thương Xá Eden, Nguyễn Huệ. Thỉnh thoảng lại gặp anh Mai Thảo đi xích lô đến mua tạp chí Pháp ở mấy cái sạp báo ngay trước vỉa hè, lối vào của cầu thang máy. Tôi cũng mua báo Văn ở mấy cái sạp đó. Hai anh em làm quen với nhau. Lúc đó vào khoảng 67-69. Sau này, tôi quen và bạn với Du Tử Lê (vì hàng ngày qua bên Chiến Tranh Tâm Lý, lấy bản tin buổi sáng cho AP ). Tôi với DTL, hay một người ngồi xích lô, một người đi Honda cùng đem rượu đến tòa báo cho Mai Thảo (tôi làm ở AP, nên nhờ mấy ông nhà báo Mỹ mua rượu rất dễ). Có khi anh Mai Thảo cho cả tôi và DTL đi ăn trưa.
Khi tôi được AP thu xếp cho ra đi, tôi có nhờ một người bạn Mỹ ở UPI là ông Paul Vogel lo hộ cho anh Mai Thảo được đi. Ông Paul có nhận lời (sau này anh Mai Thảo có nói với tôi khi gặp lại ở Mỹ, là anh đến trễ quá, ông Paul đã đi rồi). Khi tôi đến trại Pendleton được ít lâu thì biết DTL đã ở đó rồi. Còn tên anh Mai Thảo thì ngày nào cũng nghe ông em Nguyễn Ðăng Khánh gọi trên máy. Tôi biết là mọi sự chẳng lành, tôi cứ ân hận mãi.
Tôi nhớ lại buổi trưa hôm đi, tôi đến tòa báo Văn đem biếu anh một chai Johnny Walker đen, và một cái chai đựng rượu cá nhân (loại chai thủy tinh dẹp, hơi cong, khi đút vào túi áo vest thì nó nằm ôm sát vào người). Anh thích lắm, anh nói. “Em cứ đi, bình an. Anh sẽ không sao đâu. Ðể làm hết cái ông Johnny Ði Bộ này đã.” Anh nói thêm “Anh sẽ không bao giờ ra bến tầu mà chen lấn với đàn bà, trẻ con.”
Anh đưa tôi xuống hết cầu thang, rồi đứng lại. Chiếc xích lô đưa tôi về Sở giữa buổi trưa hè đầy nắng. Hôm đó là ngày 21 tháng 4 năm 75. Ngay mấy tiếng sau đó tôi rời Sài Gòn. Anh Mai Thảo kẹt lại, trốn tránh một thời gian rồi vượt biển thành công. Anh em tôi gặp lại nhau ở Calif năm 1978, khi anh từ Seattle xuống chơi Cali. (gia đình tôi lúc đó ở Cali). Anh Vũ Quang Ninh đưa anh Mai Thảo đến nhà tôi vào lúc 1 giờ sáng một ngày tháng 12, năm 1998, cả hai đang trong tình trạng đầy hơi rượu. Hỏi ra thì hai anh vừa đi ăn cưới về. Tôi lúc đó mới sanh cháu thứ hai được mấy tháng, chồng tôi đang ngủ cũng dậy ra tiếp khách phụ với vợ.
Lần cuối cùng tôi gặp anh Mai Thảo ở Bệnh Viện Barlow, Los Angeles, California. Anh không nói được, phải dùng bút viết xuống. Tôi vẫn giữ tờ giấy đó. Khi anh mất, tôi không đến dự tang lễ, vì tôi sợ nhìn cảnh người ta chôn anh xuống đất.
Khi bắt đầu cầm bút, mục đích công việc ấy và đến bây giờ và có thay đổi không?
Nói là có mục đích thì e rằng không đúng. Trước tiên, tôi chỉ thấy viết là một nhu cầu cho chính mình. Bây giờ tôi vẫn nghĩ như thế. Vì nếu trong vòng vài tuần mà tôi không chạm tay vào chữ nghĩa thì trong người thấy bứt rứt, khó chịu lắm.
Làm văn chương, đối với chị để thành nhà văn có danh ? Tâm sự với chính mình qua bạn đọc? Hoặc giải tỏa những ấm ức ? Hoặc làm đời sống tươi đẹp hơn? Hay chẳng có một mục đích nào cả, thích thì viết?
Làm văn chương, làm bánh, hay cắm một cành hoa, trước tiên nó làm hài lòng mình. Tôi học cách cắm hoa của Nhật, bao giờ cũng cắm một bông hoa thật đẹp bên cạnh một cái cành khô, hay một viên đá thô nhám. Theo tôi, đó là văn chương và đời sống. Còn cái danh à ? Tôi không biết có bao nhiêu người khi cầm bút viết mà lại nghĩ là mình sẽ tạo một cái danh. Nếu có những người cố làm như vậy, thì e rằng chẳng bao giờ tạo được cả.
Chị yêu thơ hay thích văn ? Giữa hai công việc, có điều gì trái ngược nhau hoặc bổ xung nhau.
Thơ hay văn à ? Vâng, tôi yêu văn chương nói chung. Nhưng đặc biệt đối với Thơ, ngoài yêu, tôi còn rất trang trọng với Thơ. Thế cho nên mười năm trước đây, khi tạp chí Hợp Lưu đã phải để nguyên một số báo (Số 36 tháng 8 &9 năm 1997) bàn cãi về vấn đề chữ dùng trong Thơ thế nào là thanh thế nào là tục. Mà nguyên do khởi đầu là tôi đã dại dột và bị trừng phạt đích đáng (chữ của Nguyễn Mộng Giác) lên tiếng phản đối những từ dung tục trong một bài thơ của anh Ðỗ KH .
Chị có thói quen nào khi cầm bút ? Lúc nào thì làm thơ ? Và lúc nào thì viết truyện ngắn?
Làm thơ thì không có buổi sáng hay buổi chiều. Lúc nào thơ muốn đến thì đến. Thơ làm mình chứ mình không làm thơ. Vì thế cho nên tôi bị tông xe mấy lần vào cột điện thoại, có một lần nặng lắm, vừa lái xe vừa làm thơ trên tay lái, tông ngay vào chiếc truck đằng trước. Sợ đến cả mấy tháng, không dám vừa làm thơ vừa lái xe nữa. Nhưng tính vốn hay quên, lại đâu hoàn đấy. Còn viết truyện ngắn thì phải có thời giờ, thường là vào lúc chồng con đi ngủ rồi.
Khi viết truyện ngắn, cái “tôi” của chị được mô tả bao nhiêu phần trăm ?
Cái “tôi” thì không đúng. Phải nói là cái “tâm” cho vào bao nhiêu thì đúng hơn. Tôi suy nghĩ, hành xử ở đời sống thế nào thì cho nhân vật suy nghĩ, hành xử như thế. Ðó là cái vụng trong văn chương của tôi. Người viết giỏi, không viết như vậy.
Có nhiều người đã nhận xét chị nhìn đời sống quá hiền từ và trong sáng. Chị có cảm giác gì về điều ấy?
Ðời sống bao giờ cũng có nhiều điều tốt đẹp sẵn ở trong đó. Tôi không nhìn đời sống bằng mắt, tôi nhìn bằng tâm. Cái tâm của một người làm thơ, viết văn. Tôi thăng hoa cái tốt, và chấp nhận cái xấu với sự khoan dung.
Bây giờ xin hỏi về thi sĩ Trần Mộng Tú. Chắc chị yêu Thơ lắm phải không ?
Tôi yêu thơ, và thơ cũng yêu tôi. Bằng chứng là cho đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa bỏ nhau. Cuộc hôn nhân của người với thơ xem ra còn gắn bó lâu hơn giữa người với người.
Chị làm thơ khá dễ dàng và đến bây giờ vẫn còn góp mặt đều đều trên các tạp chí văn chương. Chị có nghĩ rằng nếu sáng tác nhiều như thế có thể có hiện tượng trùng lập xẩy ra một cách vô tình ?
Vâng, tôi làm thơ khá dễ dàng, cũng như là nói chuyện thôi, nói văn vẻ hơn một chút, nói nhẹ nhàng như nói với người mình yêu. Còn thơ có bị trùng lập không ? Tôi nghĩ là không. Vì chỉ khi nào tôi xúc động thì mới thành thơ, tôi không bao giờ phải nghĩ đề tài rồi đi làm thơ. Mà thú thật, có nghĩ chắc cũng không ra. Còn làm thơ do sự xúc động thì không thể trùng lập được (dù ý hay lời). Tôi lấy một thí dụ. Vào những ngày tháng cuối năm trên đường trở về nhà từ một nơi nào đó, bao giờ tôi cũng bị xúc động và sự xúc động đó sẽ viết xuống thành thơ. Lời lẽ trong những bài thơ đó không bao giờ bị trùng lập vì nỗi xúc động thay đổi mỗi năm theo thời gian.
Chị có chú ý nhiều đến việc làm mới thi ca của mình không? Và nỗ lực thế nào để tạo được từng bản sắc riêng cho từng bài thơ ?
Tôi không chú trọng đến việc làm mới thi ca. Nhưng tôi tránh dùng những chữ đã được dùng mòn từ thời còn ảnh hưởng nhiều về Hán văn, vì thế thơ của tôi rất giống như nói chuyện đời thường, và tôi muốn giữ sự trong sáng cho từng bài thơ (Có nghiã là không làm độc giả phải đặt câu hỏi “Cái này mà gọi là Thơ à ?“) Tôi chẳng có nỗ lực nào để tạo từng bài thơ có một bản sắc riêng (Làm thơ mà phải nỗ lực, nghe khủng khiếp quá !) Nhưng có một số độc giả nói là, đọc thơ của tmt biết ngay, không cần phải nhìn tên tác giả.
Hình như chị có vài bài thơ đã chuyển ngữ và in ở trong tuyển tập thi ca như “Vision of war, Dreams of Peace” Chị cho biết những bài thơ ấy được xuất hiện như thế nào ? Và chị có vui mừng vì sự góp mặt như thế ?
Tuyển tập “Vision of War, Dream of Peace” do một nhóm Nữ Y Tá phục vụ trong cuộc chiến Việt Nam thực hiện, trong đó có đăng hai bài thơ của tôi, bằng Anh ngữ, bài “Giấc Mơ Hòa Bình” và “ Quà Tặng Trong Chiến Tranh” Warner Books xuất bản năm 1991. Sách ra mắt ở Washington DC, vào ngày lễ Trận Vong Chiến Sĩ (Memorial Day). Tôi có tham dự. Thấy cảm động hơn là vui, họ khóc quá làm mình cũng khóc theo. Trong sách toàn là thơ về chiến tranh: Súng, bom và nước mắt.
Bài Quà Tặng Trong Chiến Tranh cũng đã được in vào American Literature dưới tựa The gift of war (nhà xuất bản chuyên về sách giáo khoa Glencoe Mc Graw-Hill/ tháng 9/ 1999) cho học sinh lớp 11,12 học.
Thơ của tôi cũng được dịch giả Huỳnh Sanh Thông dịch và đăng ở The Vietnam Review và trong An Anthology of Vietnamese poems /From the Eleventh through the Twentieth Centuries. (Yale University Press ấn hành).
Nhìn lại 20 năm Văn Học Hải Ngoại , có nhiều nhà văn nữ giới và đã cống hiến nhiều tác phẩm giá trị. Có người cho rằng đó là “hiện tượng văn chương nữ giới”. Theo chị, có thể phân tích một chút về hiện tượng ấy. Cũng như nguyên do của hiện tượng này?
Người nữ dễ xúc động, nhưng lại dễ thích ứng với hoàn cảnh mới. Khi không thay đổi được, thì họ phải tìm ra một lối thoát. Trong một môi trường rộng và tự do. Người có trái tim và khả năng dễ dàng bước chân vào lãnh vực Văn Học để làm phong phú đời sống cho chính họ và những người chung quanh. Cái môi trường “Sống gửi thác nhờ” đã là một xúc tác rất mạnh cho những tâm hồn nhậy cảm của phụ nữ.
source : Diễn Đàn THẾ KỶ ( Mỹ )
==========================
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ