đọc thêm (1) : " Ngọc Bái & những mạch nguồn cháy bỏng "/ báo An Ninh Thủ Đô ( 28/ 01/ 03 )
Ngọc Bái và những mạch nguồn cháy bỏng
1.
Linh cảm của tôi trước đó thật có lý. Bởi lẽ khi gặp lại anh gần đây tôi mới hay anh mồ côi mẹ từ lúc hơn hai tuổi. Dấu ấn tuổi thơ của anh lầm lũi bến sông, bãi cát, cùng những trò chơi với cây súng gỗ. Bố đi bộ đội biền biệt, cậu bé Ngọc Bái lớn lên ngay trong nôi chiến khu, kháng chiến chống thực dân Pháp, tại làng Vạn Lâu, Yên Bái, do ông bà trẻ nuôi dạy. Ngọc Bái đã có lần chứng kiến những cảnh Tây càn, người dân làng bị bắn chết và cũng đã biết tới từng đoàn dân công, bộ đội vượt sông Hồng trong các chiến dịch giải phóng Tây Bắc. Khi ở tuổi niên thiếu, Ngọc Bái đã biết ôm cây ghi ta cùng bạn bè cất lên tiếng hát những bài “Đàn chim Việt”, “Lên đàng”, “Cùng nhau đi hùng binh”…
Với những ký ức của kháng chiến 9 năm ngày ấy, chàng thanh niên Ngọc Bái xung quân ngũ khi đất nước đang vào thời kỳ quyết liệt chống giặc Mỹ xâm lược, tháng 2 năm 1965. Ngay năm sau, Ngọc Bái tham gia chiến trường Quảng Trị, nơi diễn ra cuộc chiến đấu khốc liệt, một mất một còn. Ở mặt trận Quảng Trị 5 năm trời, những thực tiễn nóng bỏng đã thôi thúc Ngọc Bái làm thơ. Vì nỗi thương đau? Hay vì đồng đội? Vì sự mất mát hay vì nghĩa cả cho đất nước, đều đúng. Ngọc Bái chỉ biết rằng cảm xúc luôn luôn trào dâng và anh muốn bày tỏ lòng mình. Từ 1972, thơ Ngọc Bái in đều đặn trên tạp chí Văn nghệ Quân đội, với những cảm xúc cháy bỏng và nhiều hình ảnh đầy bi tráng.
Đôi mắt anh trầm tư. Tôi ngồi lặng trong ánh mắt ấy. Rồi anh kể, vừa mới tháng 6-2012, anh cùng gia đình một đồng đội hi sinh vào Gio Linh tìm mộ. Theo dấu tích xưa, sau hơn 40 năm tìm lại, trong những giọt nước mắt của ký ức, nhà thơ Ngọc Bái đã thực hiện đúng như lời hứa, phải đi tìm lại những dấu võng bị bỏ quên theo thời gian. Tôi sực nhớ đến câu thơ trong bài “Sự thật” của anh- “Người vì sự thật kiên tâm không nản”. Có lẽ trải qua những vấn đề hậu chiến đã cho anh tâm trạng này. Nhất là sau khi anh được đơn vị cho đi học liền một mạch, từ Chuyên ban Âm nhạc, ở trường Đại học Văn hóa Hà Nội, đến Trường Viết văn Nguyễn Du (khoảng 1977 - 1985), thơ Ngọc Bái đã có những nét sắc sảo thâm trầm và lắng đọng hơn.
Khi trở về đơn vị, Ngọc Bái được cấp trên bố trí làm công việc tuyên huấn trực tại mặt trận Hà Giang. Vậy là thêm một lần Ngọc Bái có dịp dấn thân vào chốn trận mạc tại phía Bắc. Sự hiểm nguy luôn rình rập và xảy ra bất kể lúc nào, nhưng Ngọc Bái là thế đó, trầm lặng như một tảng đá vậy. Anh viết truyện ngắn “Đá mồ côi” cũng từ chốt biên giới này, và cũng từ chiến hào đầy khói lửa. Truyện ngắn ngay lập tức được in trên Văn nghệ Quân đội, gây dư luận tốt và được trao giải năm 1988. Rồi anh được bầu làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Hoàng Liên Sơn, trong một dịp tình cờ về dự Đại hội Văn nghệ, với tư cách là nhà văn quân đội thuộc khu vực Tây Bắc. Từ đó, Ngọc Bái đành rời xa quân ngũ, sau 24 năm lăn lộn với mùi thuốc súng.
2.
Sự trở về tình cờ này ít ai ngờ rằng Ngọc Bái được coi như “Đại bàng về núi”, và trở thành Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Yên Bái. Riêng anh, với vai trò một tác giả đã tập trung khám phá và khai thác hình tượng người anh hùng dân tộc Nguyễn Thái Học, lãnh tụ của cuộc Khởi nghĩa Yên Bái lừng lẫy và đầy bi tráng; với cảm xúc được bắt đầu từ hai câu thơ của Hồ Chí Minh: “Kìa Yên Bái, nọ Nghệ An - Hai lần khởi nghĩa tiếng vang toàn cầu”. Có lẽ ít người làm được nhiều việc như anh khi khai thác một đề tài lịch sử.
Dường như, tài năng của Ngọc Bái được bay bổng, khi anh phát huy những gì mình đã học ở quân đội. Đó là đôi cánh âm nhạc và thơ ca. Cứ 5 năm kỷ niệm Ngày khởi nghĩa Yên Bái là anh lại viết những tác phẩm ghi dấu ấn khó quên. Đặc biệt, gần đây vào ngày kỷ niệm 80 năm Khởi nghĩa Yên Bái, anh viết cuốn tiểu thuyết “Ngang trời mây đỏ”, với một tâm trạng khác lạ. Dường như, mạch văn của anh gồm cả những âm hưởng của thang âm kỳ vĩ nhất cùng những ý tưởng bi tráng của lịch sử và cảm xúc sâu sắc trong tâm hồn thi sĩ.
Cuốn tiểu thuyết được bạn đọc nhiệt thành đón nhận, cùng với việc anh được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học năm 2012. Vậy là suốt hơn 15 năm, anh ấp ủ một đề tài lịch sử để khai thác đến tận cùng hình tượng người anh hùng của quê hương, với nhiều cung bậc cảm xúc và thể loại khác nhau. Đến nay dù về hưu đã lâu, nhưng mọi sự kiện của Khởi nghĩa Yên Bái và thân phận bi hùng của Nguyễn Thái Học cùng đồng đội, vẫn còn là sự ám ảnh không bao giờ nguôi đối với anh.
nguồn: báo An Ninh Thủ Đô
=====================
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ