Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2021

' đọc thêm : " nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên [ 1979- ] : tôi là người sống hư vô " / Hồ Huy Sơn -- nguồn: https://Zingnews.vn/

 

Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên: 'Tôi là người sống hư vô'

Như một sự tiếp nối, Nguyễn Vĩnh Nguyên vừa có cuộc trở về với vùng đất mà mình từng có 5 năm gắn bó qua cuốn sách “Đà Lạt một thời hương xa”.

Đà Lạt một thời hương xa mang đến những tư liệu đầy giá trị về văn hóa của Đà Lạt giai đoạn 1954-1975. Đây là công trình khảo cứu độc lập của Nguyễn Vĩnh Nguyên trong 3 năm. Cuốn sách đem tới cho bạn đọc nhiều tư liệu mới mẻ và thú vị về thành phố sương mù.

- Trước “Đà Lạt một thời hương xa”, anh từng có “Với Đà Lạt ai cũng là lữ khách”. Điều gì thôi thúc ngòi bút của anh phải trở lại với mảnh đất này? Có hay không một món nợ phải trả, khiến anh phải vắt kiệt sức mình trong 3 năm qua? 

- Nhiều người cứ nghĩ tôi mắc nợ một vùng đất. Nhưng tôi thấy mình chẳng nợ nần gì cả. Cảm giác “nợ đời” chỉ đến khi trải qua một cuộc hôn nhân nặng nề, bất hạnh. Còn tôi với Đà Lạt, có lẽ cũng như nhiều người khác với Đà Lạt, là yêu. Vâng, một tình yêu của thời mới hẹn hò thì đúng hơn… Tôi cũng không kiệt sức vì cuốn sách này đâu, bằng chứng là 3 năm qua tôi còn làm nhiều việc khác còn tốn sức hơn.

- Còn tham vọng làm một sử gia sau danh xưng nhà văn của những tập truyện ngắn và tản văn từng xuất bản trước đây?

- Tôi là người sống hư vô, không có tham vọng. Sử gia hay nhà văn, những danh xưng đó liệu có làm cho cuộc sống một con người thấy trở nên hạnh phúc hơn?

Tôi chỉ là một người viết điều mình muốn biết và thấy cần dùng đến ngôn ngữ để trải ra trên giấy. Viết là một cuộc trong những cuộc du hành mà ở thời điểm này, tôi thấy còn có chút thú vị trong vô số những cuộc du hành khác có thể chọn lựa.

Thời bây giờ người ta dễ bị huyễn hoặc, ám thị bởi những danh xưng, tôi thấy tất cả những thứ bề mặt đó hoàn toàn vô nghĩa, chẳng liên quan gì tới đời sống thực bên trong mình.

Nguyễn Vĩnh Nguyên trong những ngày tìm kiếm tư liệu cho cuốn sách về Đà Lạt. Ảnh: NVCC.
du khao ve Da Lat anh 1
Nguyễn Vĩnh Nguyên trong những ngày tìm kiếm tư liệu cho cuốn sách về Đà Lạt. Ảnh: NVCC.

- Anh có 5 năm ở Đà Lạt, sẽ thật dễ dàng hơn nếu anh làm cuộc du khảo về một Đà Lạt đương đại. Nhưng anh lại tìm về với giai đoạn 1954-1975. Điều này dễ khiến nhiều người liên tưởng tới câu "ôm rơm nặng bụng". Anh có nghĩ như vậy?

- Tôi cũng hoàn toàn không chịu trách nhiệm với những điều người khác nghĩ về mình.

- Vấn đề gì thuộc về văn hóa của Đà Lạt trong giai đoạn 1954-1975 mà anh đặc biệt ấn tượng?

- Là yếu tố du hành văn hóa. Hãy đặt Đà Lạt trong tương quan Paris trong thời thuộc địa và trong tương quan với đô thị Sài Gòn trong thời hậu thuộc địa ở giai đoạn mà cuốn sách đề cập.

Người đọc sẽ thấy ngay những gì kiến tạo nên đời sống tinh thần hay giá trị sang cả của Đà Lạt chính là từ những cuộc du hành văn hóa, từ tính chất “hương xa” được hiểu theo một chiều kích rất riêng và “hiện đại” kiểu Đà Lạt.

- Nếu để đối chiếu Đà Lạt trong giai đoạn mà anh thực hiện du khảo với một Đà Lạt hôm nay, e là sẽ có những mất mát không nhỏ trong lòng những người yêu Đà Lạt. Lúc đó, anh sẽ nói gì với họ?

 - Trong cuốn sách, tôi cố gắng tiết chế để không bị những định kiến “hôm qua - hôm nay” chi phối. Tình cảm, nhưng vẫn giữ một độ trong trẻo khách quan là điều khó khăn. Tôi nghĩ độc giả nhận ra điều đó và họ sẽ không buộc trách nhiệm cho tôi phải nói thêm điều gì phía sau cuốn sách.

Cảm giác mất mát, nếu có, ở mức độ nào, là tùy vào từng người đọc và họ phải xử lý cảm giác đó chứ không phải tác giả. Điều đó làm nên sự thú vị của việc đọc sách.

Cuốn du khảo Đà Lạt một thời hương xa.
du khao ve Da Lat anh 2
Cuốn du khảo Đà Lạt một thời hương xa.

- “Nhấn chìm những đại thụ vào trong mù sương của hư vô, lại cũng chỉ có thể là Đạt Lạt”. Anh đã viết như vậy trong đoạn kết bài về Nguyễn Bạt Tụy. Khi tìm hiểu về nhân vật này, anh gặp phải những khó khăn gì để có thể vén lên lớp sương mù kia? Trong cảm nhận của mình, anh có gì để tiếc nuối cho Nguyễn Bạt Tụy, và cho bạn đọc hôm nay?

- Cũng như nhiều nhân vật lớn khác ở Đà Lạt, nhà dân tộc học, ngôn ngữ học Nguyễn Bạt Tụy là một huyền thoại. Đời sống cô độc, ẩn dật, khắc kỷ, những công trình đóng góp ít ai chia sẻ của ông lúc sinh thời… là những thử thách với bất kỳ ai khi viết về ông.

Tôi đã cố gắng làm phần việc của mình, tức là thông qua những tư liệu có thể tiếp cận được để đưa ra một hình dung, có thể chỉ là một phần nào đó về con người này. Một lối đi riêng tư xuyên qua một vùng sương mù mà ta không biết điều gì đang đón đợi phía trước, hẳn là nhiều thử thách và thú vị.

Mỗi con người đi qua cuộc đời, lướt qua trong đời sống một đô thị, hẳn có một lý do nào đó của tạo hóa, nhân duyên. Cũng chính trong phần kết bài viết về Nguyễn Bạt Tụy, tôi có dẫn một ý của Albert Camus nói về Sisyphus - kẻ vần đá lên núi trong vô vọng - đại ý rằng, chúng ta hãy tin Sisyphus mang một trái tim lấp đầy hạnh phúc.

- Trong nỗ lực vén màn sương huyền thoại và định kiến về Đà Lạt, những thách thức nào mà anh phải đối diện?

- Trước hết là tài liệu. Tài liệu về đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975 hiện đang nằm trong các kho lưu trữ hạn chế ở những thư viện nhà nước hoặc nằm trong giới buôn bán, sưu tầm sách cũ. Việc tìm cách tiếp cận khá mất thời gian, có những thứ tài liệu gốc là bất khả tìm kiếm.

Một điều nữa, chính người Đà Lạt, với tính cách kín đáo của họ, việc gợi chuyện làm sao để họ có thể hướng dẫn mình đi vào trong thế giới hoài niệm, lại cũng là một thử thách. Nhưng nói chung, tôi đã âm thầm với chuyến du hành của mình và cũng gặp được một vài may mắn.

Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên ký tặng bạn đọc trong buổi ra mắt sách.
du khao ve Da Lat anh 3
Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên ký tặng bạn đọc trong buổi ra mắt sách.

- Bên cạnh những nhân vật đã trở thành người thiên cổ, anh còn mang đến cho bạn đọc những bài viết về những người đang sống như nhà nhiếp ảnh Đặng Văn Thông, ca sĩ Lê Uyên. Trong quá trình làm việc với những nhân vật này, anh có những điều thú vị riêng nào có thể chia sẻ được?

- Rất nhiều điều thú vị từ những nhân vật thế này.

Chị Lê Uyên, qua những cuộc tiếp xúc, với sự nồng nhiệt, đã giúp cho tôi hình dung lại cả một phần đời tuổi trẻ thật đẹp và đầy băn khoăn của anh Lê Uyên Phương, người nhạc sĩ tài hoa, người con của đô thị cao nguyên Đà Lạt. Chị cũng giúp tôi hình dung phần nào về không khí, quang cảnh Đà Lạt trong giai đoạn cuối thập niên 1960 đầu 1970 để có thể phục dựng.

Bác Thông, bằng những bức ảnh và sự khiêm cung, nhẹ nhàng, cũng đã giúp tôi chạm vào Đà Lạt theo một cách riêng. Bức tranh đô thị thời hoàng kim quá vãng sẽ không thể có sức gợi nếu như thiếu những chứng nhân như thế.

- Sau “Đà Lạt một thời hương xa”, anh còn tiếp tục trở lại với Đà Lạt nữa không? Hay sẽ là cuộc du khảo với một vùng đất nào đó?

- Tôi đang muốn thực sự nghỉ ngơi, chơi với con và trồng cây. Vài dự định thấp thoáng, nhưng có lẽ không nên nói tới những dự định vào thời điểm này.

- Còn kế hoạch cho lĩnh vực sáng tác, nơi định danh tên tuổi của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên thì sao?

- Tôi không nghĩ là mình định danh với điều gì cả vì thế chẳng tự thấy có trách nhiệm với một phân vùng nào trong chuyện viết. Mọi thứ cứ tự nhiên thôi.

Nguyễn Vĩnh Nguyên sinh năm 1979 tại Khánh Hòa, nhưng lớn lên ở Ninh Thuận, tốt nghiệp trung học phổ thông, anh trở thành sinh viên Văn khoa Đại học Đà Lạt. 

Anh là cây bút truyện ngắn, tản văn quen thuộc của nhiều tờ báo. Nguyễn Vĩnh Nguyên đã có nhiều tập truyện ngắn như Khu vườn lưu lạc (2007), Động vật trong thành phố (2008) hay Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông (2011)... Đà Lạt một thời hương xa là tập sách thứ hai của Nguyễn Vĩnh Nguyên về thành phố mờ sương sau Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách.

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ