đọc thêm : " Hà Nội thanh lịch, mơ mộng trong tranh Thái Tuấn "/ Anh Vân -- nguồn: vnexpress.net/
Ở tuổi 88, họa sĩ Thái Tuấn sắp ra mắt bộ tranh gồm 13 tác phẩm sơn dầu mới nhất trong triển lãm "Về nguồn". Bộ tranh đánh dấu giai đoạn trở về và sáng tác của họa sĩ Việt kiều trên quê hương mình. Mỗi bức là một cuộc thưởng ngoạn, trở về với vẻ đẹp tao nhã, thanh lịch của Hà Nội thời tiền chiến.
Họa sĩ Thái Tuấn là khuôn mặt tiêu biểu cho nền văn học nghệ thuật miền Nam trước 1975. Ông tên thật là Nguyễn Xuân Công, sinh ngày 11/9/1918 tại phố Hàng Bông, Thợ Nhuộm, Hà Nội, là đồng môn với họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. Tự học là chính nhưng cây cọ này đã góp phần xây dựng nền hội họa hiện đại tại Sài Gòn. Những cuộc triển lãm cá nhân của ông luôn được dư luận đánh giá cao về nghệ thuật lẫn kinh doanh.
"Thiếu nữ". Tranh Thái Tuấn. |
Triển lãm lần này của họa sĩ Thái Tuấn là một niềm vui cho người yêu tranh Việt Nam. Tính theo thời gian và không gian, sáng tác của họa sĩ Thái Tuấn có thể chia làm 3 giai đoạn: Trước năm 1975 (tại Sài Gòn); sau năm 1975 (tại nước ngoài); và từ năm 2006 đến nay trở về sống và vẽ ở Việt Nam. Suốt chặng đường dài gần nửa đời người đó, các triển lãm của ông phần lớn diễn ra ở nước ngoài: Brazil, Mỹ, Pháp, Canada... Triển lãm lần đầu tiên của ông tại Việt Nam (từ sau 1975) là vào đầu năm 2002 với chủ đề Vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Lúc đó, ông đã 84 tuổi vẫn học vẽ bằng trình Paint trên máy vi tính để sáng tác những bức tranh mang đậm tâm hồn, cốt cách dân tộc Việt.
Ở mặt nội dung, Về nguồn không thay đổi so với triển lãm của Thái Tuấn cách đây gần 5 năm cũng tại TP HCM. Nhưng về màu sắc, nét vẽ dường như lại càng trẻ trung, tươi tắn, say mê hơn. Trong số 13 bức tranh, chỉ có 1 bức vẽ phong cảnh thôn quê, 12 bức còn lại diễn tả vẻ đẹp duyên dáng, tao nhã của thiếu nữ miền Bắc thuộc nhiều thành phần khác nhau.
"Thiếu nữ". Tranh Thái Tuấn. |
Cô gái quê chít khăn mỏ quạ, mặc xống, ngồi chõng tre, uống nước chè tươi (hay nước vối). Thiếu phụ đội thúng rau ngoài đồng, mình thắt lưng bao. Cô bé vấn tóc đuôi gà, e ấp sau cánh quạt như đang chuẩn bị đi lễ chùa cùng mẹ giống bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp. Các thiếu nữ dịu dàng, mơn mởn thanh xuân trong chiếc áo dài "tân thời" kiểu Le Mur (Cát Tường), một đặc trưng của các thiếu nữ cấp tiến Hà Nội thanh lịch trước 1975. Nét cọ của Thái Tuấn đã chắt lọc những gì tinh tế nhất ở chân dung người phụ nữ để đưa vào vải vẽ. Và mỗi chân dung được thể hiện dường như còn chất chứa cả một hồn thơ êm ái, u hoài của người thi sĩ.
Thái Tuấn từng nói về quan niệm hội họa của mình: "Tôi chú trọng đến tinh thần đơn giản, thanh đạm, muốn dùng rất ít đường nét, rất ít màu sắc và ưa để những khoảng trống lớn trong tranh". Qua bộ tranh Về nguồn, có thể thấy, nghệ thuật trong tranh Thái Tuấn là một dòng chảy liên tục kể từ thời gian ông học dự thính Cao đẳng Đông Dương (Hà Nội) đến tận hôm nay. Thời gian và không gian không thể làm phôi pha phong cách mà ông đã chọn cho mình, có chăng là sự tự tin và chín mùi hơn.
"Thiếu nữ". Tranh Thái Tuấn. |
"Nếu ai cho tôi một từ, chỉ một từ thôi trong tiếng Việt để mô tả tranh Thái Tuấn, tôi sẽ xin chữ "thơ mộng", thơ của tuổi thơ và mộng làm bươm bướm. Nếu là tiếng Hán Việt, tôi sẽ dùng chữ "hoài vọng"; hoài những bến xuân xưa và vọng về Miền Đẹp bồng đảo xa khơi". Đó là cảm xúc của nhà văn, nhà phê bình nghệ thuật Đặng Tiến khi nói về tranh họa sĩ Thái Tuấn.
Về nguồn khai mạc vào 10h, ngày 9/12 tại Gallery Tự Do, 53, Hồ Tùng Mậu, quận 1, TP HCM và kéo dài đến 21/12.
Anh Vân
==============
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ