" họa sĩ NGUYỄN TRỌNG KHÔI [1947 - ] : " Việt Nam là nơi tôi thuộc về ..."/ bài viết: Hoàng Văn Minh -- nguồn: https://laodong.vn>
Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi: “Việt Nam là nơi tôi thuộc về…”
“Vì đó (Việt Nam) là nơi tôi thuộc về, nơi có những sinh hoạt nghề nghiệp, có những con người đang cùng cuộc hành trình với tôi. Nơi có cùng một ngôn ngữ không cần phải chuyển dịch. Nơi có hơi thở từ đồng lúa ấm áp và cái nhìn mịn màng như dòng sông. Tôi phơi bày tình cảm trên tác phẩm như phơi lòng mình giữa sự thân thiện và cảm thông...” - họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi chia sẻ cảm xúc của mình trong lần trở về Việt Nam gần nhất với triển lãm “Ký ức quê nhà” ở Huế và Hội An.
Ở tuổi ngoài 70 và hiện định cư tại Boston (tiểu bang Massachussetts, Mỹ), những năm gần đây họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi thường xuyên về Việt Nam triển lãm. Và mới đây, họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi đã làm nên một “sự kiện văn hóa” khi tổ chức liên tiếp hai triển lãm cùng tên “Ký ức quê nhà” ở Huế và Hội An. Trong “Ký ức quê nhà”, họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi giới thiệu với công chúng gần 30 tranh, hầu hết được ông sáng tác trong các năm 2017, 2018, 2019 với chất liệu sơn dầu và acrylic, bằng ngôn ngữ hiện thực. Và đặc biệt là trừu tượng - một loại ngôn ngữ nghệ thuật được diễn giải rộng hơn, tự do hơn trong sáng tạo mà giới mỹ thuật hay trêu nhau là khi không vẽ được hiện thực thì cứ trừu tượng cho đỡ suy nghĩ, mà khỏi bị lời ra tiếng vào...
Không giống với nhiều họa sĩ khác khi triển lãm tranh, họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi giành khá nhiều thời gian để “giải thích” với người xem. “Tôi là họa sĩ sáng tác cả hai thể loại tranh hiện thực và trừu tượng” - ông nói: “Những năm gần đây tôi tập trung hơn cho trừu tượng - nơi họa sĩ không bị ước lệ vào hình họa mà thuần túy bằng cảm xúc mà phóng cọ. Về tranh trừu tượng, tôi chỉ trình bày một ít cảm xúc về không gian thiên nhiên, nội tâm hay rung động về khía cạnh âm nhạc, hân hoan đắm chìm trong sự sắp xếp những mảng khối màu sắc chọn lọc theo cảm quan từ những kinh nghiệm, ý thích. Những đường biểu diễn kết hợp tạo những biểu cảm cho toàn bộ không gian. Không có một cái gì tùy tiện trong tranh của tôi ngay cả cách đổ màu, loang màu, những nét cọ vòng vèo hay mảng khối... Cảm giác hướng dẫn bàn tay có rèn luyện và kinh nghiệm đến hướng chủ đích”.
Về tranh hiện thực, ông bảo “tôi thường thích có bóng dáng con người, trình bày những băn khoăn trong đời sống, yên lặng và một chút mơ hồ nơi biên cương giữa thực và ảo. Tôi luôn thích cảm giác này, một không gian có một chút huyễn hoặc, huyền ảo; có một chút hoài nghi ở thực tế, sự hiện diện của những điều cần lãng quên, giống như sự lẻ loi, cô đơn hay những nỗi buồn. Tranh của tôi bao giờ cũng thấp thoáng trừu tượng trong hiện thực... Tôi là một họa sĩ bị bứng rễ khỏi quê nhà nên không thể vịn vào hình ảnh quê hương để sáng tác mà phải tìm một mẫu số chung để hòa hợp với chung quanh. Không thể vịn vào những dòng sông uốn lượn, bóng con đò hay những mái tranh, những hoài niệm tốt đẹp khắc họa từ ấu thơ... mà luôn tìm những trăn trở, những góc khuất trong tâm hồn, nỗi cô đơn và thân phận”.
Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi tốt nghiệp trường Mỹ thuật Gia Định năm 1973 về ngành sơn dầu. Ông sinh năm 1947 tại Vĩnh Phú theo gia đình vào miền Nam sống năm 1954, định cư tại Hoa Kỳ vào năm 1988 theo chương trình đoàn tụ. Tên tuổi của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi đã được khẳng định từ trước 1975, từ năm 1988 đến bây giờ ngoài nhiều cuộc triển lãm ở Mỹ, ông đã trở về triển lãm tại Việt Nam nhiều lần. Tháng 11.2017, triển lãm “Mùa thu” của Nguyễn Trọng Khôi đã được tổ chức tại TPHCM. Sau đó không lâu là triển lãm “Sắc màu chốn quê xa” tại Hà Nội. Tháng 9.2015 là triển lãm “Cuối hè” tại Đà Nẵng; tháng 9.2014 là triển lãm “Cảm xúc đại ngàn” tại TPHCM; trước đó vào tháng 6.2005 là triển lãm chung với họa sĩ Trịnh Thanh Tùng cũng tại TPHCM.
Tại Mỹ, họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi đã có nhiều triển lãm cá nhân tại Boston và các thành phố khác của tiểu bang Massachussetts cũng như đã có các triển lãm chung với nhiều tác giả người Việt sống tại Mỹ.
Điều quan trọng nhất của người nghệ sĩ là sự sống của tác phẩm, sự sống ở đây không phải là tuổi thọ vật chất của tác phẩm mà chính là tuổi thọ của cảm xúc. Có quá nhiều văn nghệ sĩ ở mặt đất này, nhưng tác phẩm vượt thời gian thì không nhiều. Với họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi, màu sắc và hình thể trong tác phẩm của ông đã ám ảnh người xem, gây nên những trăn trở. Ở đó, người thưởng ngoạn nhận ra vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên, nét thơ mộng của tâm hồn con người, và trong đó cũng hằn lên những vết thương đang được băng bó cùng nỗi muộn phiền ngơ ngác trên từng khuôn mặt… Nhà thơ, họa sĩ Lê Huỳnh Lâm
được đăng bởi khedo@outlook.com @ 14:47 0 Nhận xét
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ