bài đọc thêm : " họa sĩ NGỌC DŨNG, [ ngôi] sao rơi vào bất tận "/ bái viết: họa sĩ ĐINH CƯỜNG [ 1939- 2016] -- source: https://www.voatiengviet.com>
Họa sĩ Ngọc Dũng, vì sao rơi vào bất tận
TƯỞNG NHỚ MƯỜI NĂM NGÀY MẤT
( 7 THÁNG 7.2.000 -7 THÁNG 7.2.010)
Trong sổ tay của tôi còn ghi:
'' Sau cơn mưa, khói mặt đường bốc lên
trưa mùa hè buồn bã
tôi trở về, sau khi đến thăm
người họa sĩ nằm bệnh
mấy ngón tay tài hoa
miết trên mặt bàn
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT ''
(5 tháng 7, 2000)
Hai ngày sau thì Ngọc Dũng mất. 7-7-2.000. Vào lúc 3 giờ 25 chiều. Thỉnh thoảng buổi chiều, tôi hay nhớ anh. Anh hay gọi tôi qua uống với anh ly Whisky, anh tự tay pha chế, vừa độ. Có chiều anh lại ghé ngang tôi rủ qua quán cà phê Starbucks ngồi. Nhà tôi và nhà anh gần nhau, chỉ cách mấy con đường. Mất anh, tôi thiếu vắng vô cùng một người bạn vong niên về nghệ thuật, nơi thành phố này.
Anh thường kể cho tôi nghe về những trái nhãn Hưng Yên, quê anh (Ngọc Dũng tên thật là Nguyễn Ngọc Dũng, sinh ngày 16-10-1931 tại Hưng Yên) Anh rất mong muốn về thăm, mà không kịp nữa...Hưng Yên mà Mai Thảo đã viết “Hưng Yên với tôi còn mãi là vùng trời đứng đầu trí nhớ. Tôi yêu lắm Hưng Yên qua tâm hồn mình như một cánh bướm, tôi gần lắm với Hưng yên thuở đó, tâm thức tôi là một dải nắng. Với rừng Hưng Yên, tôi chảy giữa rừng, tôi là một dòng suối. Với đá Hưng Yên, tôi nằm trong đá, tôi là một hạt ngọc. Với lá Hưng Yên, tôi đọng giữa cuống, tôi là một giọt sương. Hưng Yên. Hưng Yên. Đi từ Hà Nội xuống, đi từ Nam Định lên, rẽ sang từ ngã Hà Nam, xuôi về từ mạn Hải Phòng, nội địa Việt Nam, đất nước đó, nội địa đất nước nhược tiểu nghèo nàn xót xa, hờn tủi, đời sống dân tộc lầm than, hình bóng, quá khứ Việt Nam xa thẩm nhạt nhòa, cái còn lại, cái đã mất, cái cuối đường, cái xế chiều, tóm lại, quá khứ, cả một quá khứ điển hình ở đâu bằng điển hình Phố Hiến, vang bóng nơi nào bằng bóng Hưng Yên…”( Mai Thảo, Lá thư chữ đỏ, Văn số 91, 1-10-1967. Số tưởng nhớ Đinh Hùng)
Anh là bạn mày, tao với Mai Thảo là vậy, và theo Nguyễn Quốc Trụ, bạn thân của Chất, em trai anh Tâm (Thanh Tâm Tuyền) thì: trong nhóm Sáng Tạo, anh T. thân nhất với Ngọc Dũng. Đó là tôi nghe qua cụ Chất. Tôi là người thường được cụ tâm sự…Ngọc Dũng khi đó còn sống độc thân, nghèo. Và thường tới cụ Chất để xin tiếp tế gạo. Anh có chiếc ruột tượng, mỗi lần tới, cụ Chất đổ gạo vô, rồi anh đeo quanh người, phủ chiếc áo lên, ra về…” (NQT, Tưởng niệm Họa Sĩ Ngọc Dũng).
Tôi và các bạn vẽ tranh của tôi là lứa sau anh. Đã đến chơi với anh từ những năm 60 ở Sài Gòn. Nhớ là Nguyễn Trung và tôi thường đến thăm anh ở căn nhà có cây bông gòn trước sân, trong con hẻm nhỏ đường Trương Minh Giảng. Lúc anh đang chuẩn bị cho cuộc triển lãm một mình, với 50 bức tranh sơn dầu đầu tiên ở Sài Gòn (khai mạc ngày 1 tháng 5 năm 1961 tại phòng Thông Tin Đô Thành, 165 đường T ự Do, Sài Gòn) trong 10 ngày. Sau đó, anh ra triển lãm ở Huế, cũng tại phòng Thông Tin và ở nhà Quách Thoại bên bờ sông An Cựu. Thời điểm đó, một phòng tranh vẽ mới mẻ như vậy là một luồng gió lạ cho nghệ thuật của miền Nam. Chúng tôi đang ở những năm cuối cùng của Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật, nhưng cũng đã tham dự tranh trong các cuộc Triển Lãm Mùa Xuân với cách tìm tòi mới lạ đó.
Nhắc qua về anh những gì tôi đã biết:
-Năm 1953 anh cùng Duy Thanh và một người bạn triển lãm lần thứ nhất tại Hà Nội.
-Năm 1956 anh cùng với Duy Thanh triển lãm tại Saigon và thỉnh thoảng tham dự những triển lãm khác.
-Năm 1959 triển lãm chung với Thái Tuấn, Duy Thanh, Vị Ý, Lê Thị Quang, Đào Sĩ Chu, Phạm Thị Khánh tại phòng Thông Tin Đô Thành.
Anh cùng Duy Thanh học ở lớp dạy vẽ tư trên lầu Hội quán Trí Tri, phố Hàng Quạt, Hà Nội, gồm các thầy dạy vẽ giỏi và nổi tiếng đã tốt nghiệp từ trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương như Lương Xuân Nhị (1914-2006) và Nguyễn Tiến Chung (1914-1976), Các anh học nhóm do ông Chung Hướng dẫn.
Anh kể, cũng đi vẽ ngoài trời, vẽ cảnh trong Văn Miếu, chùa Láng, đềnVoi Phục, phố Hà Nội, và nhất là hí họa. Đó là phương pháp căn bản nhất. Vẽ xong, cuối tuần, có khi mời những họa sĩ giỏi khác đến xem và cho ý kiến, như Bùi Xuân Phái… nên sau này anh thường thích xem lại tranh của các ông Chung, ông Phái… Anh rất quý những người thầy. Anh thường nói, chữ Lể là quan trọng. Anh chới với bạn, dù nhỏ tuổi hơn, luôn hiền hòa đằm thấm là vậy.
Từ bước căn bản đầu tiên ấy, cộng với cách nhìn trong nghệ thuật hội họa là nhìn và nhìn thấy, chứ không là sao chép như thật. Những ý kiến chính xác của các bậc thầy cộng với tài hoa riêng và nhất là tâm hồn đã đưa những dessins, những tác phẩm hội họa của anh có một dấu ấn riêng, không nhầm lẫn được.
“Thái Tuấn, cùng Duy Thanh và Ngọc Dũng đã tạo nên dấu mốc quan trọng đối với sinh hoạt hội họa ở Miền Nam, là một chuyển tiếp giữa những xung đột, va chạm từ nghệ thuật trước và sau điểm tựa lịch sử 1954…” (Huỳnh Hữu Ủy, Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại.- trang67,VAALA xuất bản 2008)
Nói đến điểm tựa. Tôi lại nhớ anh., anh thường trang trí trên các chuồng chim (anh làm thành phố chim quanh vườn, mỗi chuồng chim nhỏ do anh tự đóng lấy, trang trí và rất nhiều chuồng chim thấy anh ghi 54-75 hoặc Phố Hiến-Hưng Yên 20-7-54 hoặc Hà Nội_Sài Gòn 30-4-75. Đúng là những dấu mốc đáng ghi nhớ nhất...
Anh thương cây cỏ và chim chóc, anh nói trồng những khóm bông như vẽ một bức tranh vậy. Và những bầy chim có hay người xây nên thành phố thơ mộng cho chim đã bỏ dở dang một công trình của Hoàng Tử Bé.Anh luôn thơ mộng như tranh anh vậy.Hãy đọc một trong rất nhiều bài thơ của anh:
TIẾNG HÁT CỦA MẶT TRỜI
Hãy gỡ đều cho sợi tóc dày
Cùng một lần với tiếng hát nhìn thấp xuốngVới giòng sông nước cuốn chảy mòn
Nước chảy cuốn mòn xô tới chân em
Từng dạ khúc
Và tiếng khóc nhỏ theo từng chút một
Từng chút em từng giọt mưa mau.
Đó là bãi cát trầm mình là tiếng động
Của một loài rêu mun
Từ đỉnh tháp
Bàn tay xòe hết không gian
Rồi úp mặt nhìn cùng xuốt thân thể
Đó là sự hủy diệt của một chiều ánh sáng
Khi mặt trời sắp mọc khi mặt trời lặn xuống
Biển xô nhanh từng lớp cỏ dài
Đó là sườn núi cô đơn và bí mật.
Ngọc Dũng (Văn Nghệ 30-4-1961)
Anh đã làm nhiều thơ, và tôi đã sưu tập cho anh vài chục bài đăng rải rác ở các báo Văn Nghệ, Thế Kỷ 20 ở Sài Gòn những năm 60. Anh còn được giao toàn quyền chăm sóc tạp chí Thế Kỷ 20 do Trần Hồng Châu (Nguyễn Khắc Hoạch) chủ biên là một tạp chí tôi cho là đẹp và sang trọng nhất thời đó, mà anh cũng nói là rất hài lòng, vì sửa từng lỗi nhỏ một.
Ngọc Dũng còn là một người vẽ biếm họa nổi tiếng với tên TUÝT trên nhật báo Chính Luận, cũng là một nét riêng, cũng là thơ mộng trong biếm họa. Mà chính trị thì khó thơ mộng. Những năm bên này, nhiều người đề nghị, anh không vẽ nữa… Anh cũng thích tranh cắt giấy dán (collage)
Trở lại hội họa và thơ của Ngọc Dũng, còn in trong trí tôi là những thiếu nữ mắt tròn to, những tranh phố màu xanh sẫm, những tĩnh vật bình hoa trên chiếc khăn ca-rô. Là thế giới riêng của anh. Không nhầm vào đâu được. Một bức tranh lớn, tôi mê và ám ảnh tôi nhất, là bức “Nu Campuchia” của anh. Bạn anh thường gọi đùa là “Khỏa thân Mọi”. Tranh này vẽ thời kỳ qua làm cố vấn Văn Hóa Thông Tin tại Campuchia. Thiếu nữ nằm dài từ hai góc chéo của tấm toile với gam màu nâu sẫm, vàng sậm và đỏ, không gian màu trắng ngà, với chiếc xà rông của cô gái Campuchia lửng lơ. Làm nhớ Gauguin với những thiếu nữ ở đảo Tahiti, nhưng với anh là một rung động gần gủi. Bức tranh này gần đây, nghe nói bán rất đắt giá cho một người sưu tập (thuộc một sưu tập khác ở Sà Gòn bán lại). Anh thích căng một tấm toile lớn để vẽ, những lần như vậy tôi thường đến phụ anh để căng. Tấm tranh lớn gần đây của anh là bố cục những thiếu nữ. Những thiếu nữ trong tranh anh vẫn thắm tươi một mùa xuân hạnh phúc. Anh thích dùng màu trong. Khi đến tôi, thấy những tranh màu xám đen,anh thường hỏi: lòng cậu không yên? Đúng là có những lúc buồn bã. Nghệ Thuật là sự cô đơn cùng tận, như Samuel Beckett đã nói. Trong tranh có những lúc tìm không ra những ý tưởng và gam màu đúng với tâm trạng. Anh đã tinh tế thấy như vậy.Trong hội họa, anh là con người nuôi nguồn sáng tạo mãnh liệt, khó tính. Anh đã từng như Rouault, đốt hết cả chục bức tranh khi một cơn không vừa ý, mà khi nói thì anh cứ cho “vẽ là bôi ấy mà!” một thứ nhị-nguyên-dualisme mà không phải ai cũng nhìn ra cái căn nguyên ấy.
Về quan niệm hội họa anh từng phát biểu:
“ Người làm hội họa như một cốc nước đầy, tự nó tràn ra, muốn thành hình thể gì không biết. Cái quyết định cuối cùng của tác giả là xác nhận những hình thể đó. Hội họa có sự tình cờ (sự tình cờ được xác định) và có những cái ngố của đường nét, màu sắc. Nếu ở một bức tranh tất cả màu sắc, đường nét đều vừa vặn, hợp lý, bức tranh sẽ biến thành công trình của một người thợ khéo tay. Tôi thù ghét sự khéo tay. Danh từ này tự nó đã loại bỏ tính chất nghệ thuật.” (Thảo luận, Ngôn Ngữ Mới trong Hội Họa, trang 49, Sáng Tạo xuất bản 1965, Sài Gòn)
Và anh ghi trong phần tiểu sử quyển Nghệ Thuật Việt Nam Hiện Đại do Nguyễn Văn Phương biên soạn năm 1962, anh thuộc trường phái Dã Thú (Fauvisme) và Biểu Hiện (Expressionisme). Trong hội họa hiện đại, nghệ thuật biểu hiện dễ đạt được nhiều chia xẻ nhất với mọi người, nói như Huỳnh Hữu Ủy, và cũng là thế giới hội họa của anh, đã định hình. không thay đổi, in đậm chứng tích Ngọc Dũng.
Bức tranh cuối cùng của anh, “Tuyết ở Virginia và Thi Sĩ” (ghi ngày 1 tháng 10-1999), là đôi tình nhân thơ mộng nép vào nhau đi dưới tuyết. Mùa tuyết cuối sau hơn 25 năm ở Mỹ. Anh đã đi làm, đã vừa mới gần 3 năm về hưu. Đang bắt đầu hưng phấn, vẽ tranh, thì lai buông tay…
Có phải hai câu thơ của bạn anh, Thanh Tâm Tuyền, mà anh yêu thích, anh đã từng đọc nhỏ, đã từng ghi ra trên tấm ván lớn để sau hiên nhà:
Sẽ chết như sao rơi vào bất tận
Sẽ yêu như giọt nước hân hoan
(Liên Đêm Mặt Trời Tìm Thấy, Sáng Tạo xuất bản năm 1964, trang 123) là một điềm báo, mà vì sao rơi vào bất tận là anh. ./.
ÐINH CƯỜNG
=============
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ