Thứ Năm, 26 tháng 8, 2021

bài đọc thêm (1) : " Tản mạn cô đơn " / Nguyễn Thị Bích Nga ( Hoa Kỳ ) -- source : http://akimi.vnblogs.com/p

 


12/28/2011

Nhà văn Nguyễn Thị Bích Nga

(12/10/2011)

Khi rời khỏi blog của chị , nụ cười của chị như có bí mật riêng , mang âm hưởng của sự yêu đời , của nét kỳ lạ , của trắng trong , của tinh khôi.....Khi rời blog của chị , những dòng rất đỗi đời thường ,những truyện ngắn mang hơi thở miền Nam Việt Nam , những cuốn sách chị dịch cho thiếu nhi , công việc , riêng tư...để lại cho tôi sự ngưỡng mộ . Nếu có điều kiện, hãy ghé thăm Blog của chị để cảm nhận nhịp sống , nỗi "cô đơn " mà chị rất đỗi hài lòng...tại đây


TẢN MẠN CÔ ĐƠN

akimi | 17 Jul, 2011, 23:07 | Nhật Ký | (126 Reads)

Cuộc sống ở đất nước này quá bận rộn khiến người ta thường xuyên quên mất bản thân mình, quên mất hôm nay mình đã ăn gì, uống gì, nói gì; quên mất mấy cái mụn trên mặt, mấy vết trầy trên chân; quên mất ngày trả tiền bill, trả tiền insurance chiếc xe; thậm chí quên mất cả niềm vui lẫn nỗi buồn.

Nhưng rồi có một buổi chiều, khi người đàn ông tóc bạc ngồi lay-out trong văn phòng bật tiếng ho sù sụ và anh nói với tôi bằng giọng buồn buồn: “Bịnh mà vẫn phải đi làm sao mà tủi thân quá, sao mà cô đơn quá…” Lúc bấy giờ tôi mới nhận ra rằng bên cạnh mình vẫn còn một nỗi cô đơn.

Đừng hiểu hai chữ “cô đơn” theo nghĩa hẹp, tức là không có một người nào (đàn ông hoặc đàn bà) ở bên cạnh mình. Hai chữ “cô đơn” nghĩa rộng mang ý nghĩa nhân bản vô cùng. Tôi nhớ khi ngồi dịch bản tin thể thao, có nói về việc tiền vệ Lionel Messi “cô đơn” giữa đồng đội. Thì ra mặc dù anh đang ở giữa hàng chục cầu thủ, thậm chí hàng chục ngàn khán giả, nhưng người ta vẫn nhận ra nỗi cô đơn của anh trong trận đấu.

Hay nói về Tổng thống Hoa Kỳ Barrack Obnama, một vị nguyên thủ quốc gia đầy quyền lực, lúc nào chung quanh ông cũng có đoàn tùy tùng hoặc cận vệ chung quanh, nhưng cũng có những tấm hình chụp ông đứng nói chuyện với người nọ người kia mà ánh mắt ông vẫn bộc lộ nỗi cô đơn thầm kín.

Hay cũng có rất nhiều người lên tiếng than thở bằng giọng nói đầy kịch tính: “Tôi cảm thấy cô đơn ngay giữa ngôi nhà của mình”. Hoặc: “Nằm bên cạnh chồng, tôi vẫn có một cảm giác vô cùng cô đơn”.

Vậy thì cô đơn không hẳn có nghĩa là “không có một người nào ở bên cạnh” mà phải hiểu theo nghĩa là “không có một ai ở chung quanh hiểu mình”. Nỗi cô đơn theo nghĩa sau còn tồi tệ hơn cả nỗi cô đơn theo nghĩa trước. Có người không được (người khác) hiểu. Có người không muốn được (người khác) hiểu. Có người chẳng cần (người khác) hiểu. Và chính những điều đó khiến trên đời này càng ngày càng có nhiều người cô đơn hơn bao giờ hết. Bởi vì mỗi người chui vào một thế giới riêng của họ, chẳng cần ai.

Nhiều người cảm thấy bất hạnh vì tâm trạng cô đơn. Riêng tôi lại thấy mình rất hạnh phúc trong thế giới quạnh quẽ của riêng tôi. Một thế giới chỉ có kiến thức, thể thao và âm nhạc. Một thế giới bình yên không còn cơm-áo-gạo-tiền quấy rầy. Một thế giới tĩnh lặng mà thỉnh thoảng trí tưởng tượng của tôi lại bay bổng, vút lên cao và lượn quanh một vòng Sài Gòn. Một thế giới chất đầy kỷ niệm của một thời làm rong rêu.

Có những buổi tối, trên đường từ nhà Má tôi về, lái xe chỉ 40 dặm một giờ nhưng gió từ hai bên cửa xe vẫn thổi tung mái tóc. Tôi ngước nhìn hàng cây hai bên đường đen thẫm dưới bầu trời nhập nhoạng. Cô đơn ơi. Ta đang gọi tên mi đây. Nhưng tôi nhớ có lần tôi đọc một bài báo có viết về nghề biên dịch (dịch thuật), trong bài báo có câu đại khái là “công việc dịch thuật là một công việc rất khổ hạnh và cô đơn". Ừ, thì đó… Nhưng khi đang cho xe lướt nhanh trên đường, khi theo dõi một vài chiếc lá vàng xoay xoay trong gió, khi sang qua lane này, hoặc khi dừng lại ở một ngả tư, tôi cảm thấy hài lòng trong nỗi cô đơn của mình. Bởi vì: "Tôi cô đơn - Tức là tôi tồn tại".


Nguyễn Thị  Bích Nga


===============


0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ