' Nói về nhà thơ, đạo diễn PHAN HUYỀN THƯ [ i.e. Phan Thị Huyền Thư 1972 - ] nguồn: https://www.gtomedia.vn>
NÓI VỀ NHÀ THƠ, ĐẠO DIỄN PHAN HUYỀN THƯ
Tên đầy đủ của cô là Phan Thị Huyền Thư, sinh năm 1972 tại Hà Nội, là con “nhà nòi” trong một gia đình nghệ thuật gốc Hà Nội, bố nhạc sĩ Phan Lạc Hoa và mẹ NSND Thanh Hoa. Sau khi tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam 1989, Phan Huyền Thư học Văn khoa Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Từ năm 07 tuổi cô đã bắt đầu học piano, 08 tuổi học thêm violon và ghita. Đạo diễn Phan Huyền Thư từng tốt nghiệp Học viện âm nhạc quốc gia và hợp tác với rất nhiều nhạc sĩ để viết giao hưởng. Cô còn có khả năng viết truyện ngắn, làm thơ. Huyền Thư thích lối viết trần trụi, gai góc của Phạm Thị Hoài, một số truyện ngắn của chị cũng được viết theo phong cách đó. Chị từng viết “Nằm nghiêng” (thơ, NXB Hội Nhà văn, 2002); “Rỗng ngực” (thơ, NXB Lao Động, 2005); “Sẹo độc lập” (thơ, NXB Hội Nhà văn, 2014).
Sự lãng mạn, khả năng cảm thụ âm nhạc, học vấn cũng như sự nổi loạn trong sáng tác đã khiến Phan Huyền Thư thành một trong những nhà thơ gây ảnh hưởng lớn đến độc giả. Chị không đoạn tuyệt với thi ca truyền thống, nhưng chị muốn thơ không còn phải lệ thuộc vào niêm luật, về quy tắc như trước nữa. Thơ với chị, còn phải góp phần giải phóng năng lượng của con người. Không phải chị không đủ tài để sáng tác những câu thơ đèm đẹp, những khổ thơ du dương êm đềm, bởi như vậy, thơ cũng không khác nhiều so với văn xuôi, chỉ khác ở mỗi vần điệu. Nhịp điệu của thơ chính là nhịp điệu của trái tim, của cảm giác.
Sau khi ra trường, chị viết báo, phê bình nghệ thuật đến năm 1999 thì về đầu quân cho Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. Phan Huyền Thư từng học đạo diễn phim tài liệu Aterlier varan, Cộng hòa Pháp và trở thành giảng viên điện ảnh trực tiếp tại Trung tâm Điện ảnh trẻ. Chị trở thành chuyên viên sáng tạo nghệ thuật và truyền thông từ năm 2011.
Xuất phát từ quay phim sẽ có lợi thế về tư duy hình, còn xuất phát từ biên kịch sẽ có lợi thế về câu chữ, cách lập ý, rồi lời bình. Chính vì thế, Phan Huyền Thư được các bậc cha chú, đàn anh mời về đầu quân cho Hãng. Tôi đã gặp Phan Huyền Thư ở đó. “Con bé này quá thông minh”, cứ nhớ mãi câu nói của đạo diễn Đào Thanh Tùng, sếp của Huyền Thư.
Một số phim tài liệu của Phan Huyền Thư đã “xuất khẩu” được, như “Quyền được học” (năm 2006, Giải Báo chí), “Cha mẹ xin lỗi con” (năm 2007, Cánh Diều Bạc),…Các phim gần đây do Huyền Thư đạo diễn là “Biển của người Việt”, năm 2013, “Ba Mùa”, năm 2016. Năm 2013, chính Phan Huyền Thư là biên kịch của bộ phim “nặng ký”: “Lịch sử Chính phủ Việt Nam” gồm 03 tập.
Thế hệ 7X nhưng Phan Huyền Thư đã có một sự nghiệp đủ để tự hào: 07 bộ phim chị biên kịch hoặc đạo diễn đạt Cánh Diều Bạc, 01 phim Cánh Diều Vàng (Chất Xám, năm 2008), một số phim đạt giải khác.
Dù ở lĩnh vực nghệ thuật nào, Phan Huyền Thư đều được đánh giá là con người cá tính, sáng tạo. Phan Huyền Thư đã sống, đang sống và vẫn sống bằng viết và sản xuất các format chương trình truyền hình, điện ảnh, sân khấu và ca nhạc. Điều đáng mừng là, Phan Huyền Thư trở lại với thơ, xuất bản tập thơ mang tên “Đạo thơ”. Được biết chị sắp công bố “Thạch sùng gỗ”, tập truyện ngắn, tuyển các tác phẩm chị đã từng viết trong quãng thời gian từ 1993 đến 2018. ./.
nguồn: GTO
==========
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ