" đọc " KHÓI BẾP KHÔNG TAN" CỦA LÊ GIANG " / P.N. Thường Đoan ( Tp. HCM ) -- nguồn: Blog Lê Thiếu Nhơn
LÊ GIANG ở miền khói bếp không tan
Lê Giang bắt người đọc không thể xếp sách lại, phải trôi cùng chị qua từng cánh đồng, từng cánh rừng, từng cụm cây, từng… và từng…; cứ thế mà đọc và để hiểu thêm cuộc sống của văn nghệ thuở theo cách mạng “ở Rờ…” như thế nào, để biết vì sao cái nhớ luôn đeo bám, bức không ra, rũ không rớt, gạt không trôi
ĐỌC “KHÓI BẾP KHÔNG TAN” CỦA LÊ GIANG
PN THƯỜNG ĐOAN
Nhà thơ Lê Giang vừa phát hành cuốn tạp văn – bút ký mới nhất của chị do NXB Trẻ cấp giấy phép. Tuổi đời cán mức 90 nhưng sức làm việc của chị vẫn hừng hực lửa 16 khiến bạn đọc khâm phục. Sách dày 221 trang chứa 31 bài viết mà bài nào cũng ngồn ngộn kỷ niệm, dấu ấn không phai trong đời của cô gái miệt Cà Mau mười lăm tuổi bỏ nhà trốn đi theo cách mạng. Chị chọn câu chuyện “Khói bếp không tan” làm tựa đề cuốn sách, và khởi đầu cuộc du hành trở lại ký ức bằng một đoạn dẫn chuyện bùi ngùi…
“Sau mấy mươi năm xa cách, tôi trở về thăm cha mẹ. Cũng là để thăm lại tuổi thơ bên dòng sông quê Gành Hào – nơi có bao nhiêu buồn vui biến động để cho tôi mang theo trên đường đời tuổi mười lăm, bắt đầu cuộc phiêu lưu đầy may mắn, luôn gợi nhớ quê nhà nơi cha mẹ sinh tôi. Càng trôi qua bao nhiêu tháng ngày càng thắm sâu từng thớ thịt làn da trong thân thể mình. Cái mà tôi mang theo ấy! Lạ thay – đó là mùi bếp núc của má. Cái mùi của người đàn bà đảm đang quán xuyến. Mùi của mẹ từ trong thơm tho mà má tôi – như một dược sĩ tài ba của rau đồng, cá ruộng, của tôm tép trên bến sông quê, của mùa rắn, cua ốc, của dưa, bắp má trồng – hái vô còn vướng vít mùi đất nồngmốc thít phấn trắng bắp chuối non, lún phún lông tơ bầu bí cuốn tươi xanh…”.
Tôi bị cuốn hút theo từng trang viết của chị, vừa đọc, vừa bái lạy khâm phục tác giả. Từ những con chữ – chỉ là những ký tự thôi mà – nhưng đã vẽ ra hàng ngàn bức tranh sống động trải dài theo bước chân bé gái mười lăm tuổi. Càng đọc càng rưng rưng, có đoạn cười một mình, có đoạn khóc cũng một mình. Chị Lê Giang bắt người đọc không thể xếp sách lại, phải trôi cùng chị qua từng cánh đồng, từng cánh rừng, từng cụm cây, từng… và từng…; cứ thế mà đọc và để hiểu thêm cuộc sống của văn nghệ thuở theo cách mạng “ở Rờ…” như thế nào, để biết vì sao cái nhớ luôn đeo bám, bức không ra, rũ không rớt, gạt không trôi. Từ 31 câu chuyện chị kể, người đọc thỏa mãn được phần nào những thắc mắc – nếu có – về cái lướng vướng không dám hỏi ai “có gì vui mà vào rừng ở hén?”.
Quay lại cái mùi khói bếp không tan của chị, thì thú thật, nếu sinh ra ở nhà quê, nếu từng tắm truồng dưới dòng sông đầy phù sa đỏ lựng hai bờ, nếu từng sải tay bơi qua dòng sông rộng, thì ai cũng có mùi khói ấy vướng trên tóc, ủ trong lòng, đi thì mang theo, ngủ thì gói lại. Chỉ khác với tác giả là không viết ra thành câu, thành bài, để được mọi người đọc, chị Lê Giang làm người ta khóc khi tả ơ cá kho. Ơ cá kho đặc sệt mùi nước mắm cá linh và tép mỡ, có cà bóng mẹ chập chờn bên ông táo, khói lá dừa cay lừng để nước mắt lã chã, rồi mặt mày tèm lem tro vì lấy tay quẹt quẹt… Chị Lê Giang làm người ta ngạc nhiên, xuýt xoa, mười lăm tuổi, gan quá hén, dám trốn nhà theo cách mạng, mà đi biền biệt không về…
Rồi bạn đọc biết thêm chuyện “săn thú theo thực đơn”, biết về rừng Tây Ninh tết mà giá rét. Chị tả “Tết năm đó, căn cừ rừng Tây Ninh sao mà giá rét thất thường. Ai đi xuống suối giặt giũ lên cũng cóng tay, cóng chân, xương sống như có điện chạy lăn tăn, phải tới nhà bếp xin phép chị nuôi hơ lửa và nhờ lực sĩ kéo mấy ngón tay ngón chân cho dãn ra, rồi xoa vuốt xương sống, chớ không cái lưng cong vòng như cần câu cắm…”.
Nếu chị không kể lại, không viết ra, thì những người ở thành thị đến bao giờ mới biết được có một “Đội săn thú theo thực đơn” chứ?
Khi đọc bài “Hương đất say mềm”,nước mắt tôi chảy dài như chưa bao giờ được chảy:
“Ngày xưa đi trên dải Trường Sơn, đói quá, khát quá, cũng có lúc đàn bà con gái lặng lẽ lén chui vô bụi ngồi khóc ngon lành. Còn đàn ông con trai thì ra rả gào lên “cuộc đời ơi, ta rất yêu người mà người đếch yêu ta”…” mới thấy quá chừng là khổ cực. Mới thấy cụm từ “vượt Trường Sơn” chứa đựng những sự kinh khủng mà người ngoài cuộc không bao giờ tưởng tượng ra được.
Chị Lê Giang sở hữu rất nhiều “nhà”, nào là nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà sưu tầm…, nhưng thân mật nhất vẫn là cách gọi tên chị, để thấy ấm áp, để thấy khâm phục một người phụ nữ dũng cảm trong tất cả mọi oan trái của cuộc đời, chỉ để viết và sống cho mọi người. Cột mốc 90 tuổi chị đang sở hữu là một tấm bằng công nhận tài đức, sức làm việc của chị. Kho tác phẩm của chị không dừng lại mà càng ngày càng thêm vào, chật chội nhưng đầy hữu ích cho thế hệ mai sau.
Tôi xếp sách lại mà vẫn còn nhìn thấy cảnh câu cá chốt qua cách diễn tả của chị:
“Giựt. Một con cá chốt giấy
Giựt. Hai con cá chốt giấy…”.
Và một hình ảnh ám ảnh tôi không rời:
“Má gói cái bếp dầu hôi các ơ kho quẹt tặng cho con làm gia tài…”. ./.
P.N. THƯỜNG ĐOAN
===================
được đăng bởi khedo@outlook.com @ 14:01 0 Nhận xét
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ