Thứ Ba, 6 tháng 7, 2021

bài đọc thêm: " Vu Gia - phù sa lắng đọng " / bài viết: Hoàng Dung -- nguồn baoquangnam.vn>

 


Vu Gia - phù sa lắng đọng

 HOÀNG DUNG
 07/02/2015 10:19 QUẢNG NAM ONLINE

Viết báo, tiểu thuyết, khảo cứu, làm thơ… với nhà văn Vu Gia đều là một cái nghiệp. Nghiệp cầm bút của người Quảng ở nơi xứ người thì nhiều lắm, nhưng để viết như cách của Vu Gia thì đó lại là câu chuyện dài của một... dòng sông. Ở ông, lấp lánh phù sa lắng đọng dưới trầm tích thời gian… Chỉ cần khơi đúng nguồn sống thôi, lớp phù sa ấy sẽ phát tiết những tinh hoa cuộc đời. Và, vẫn thích lắm cái cách “tửng tửng, chân thật đến chết người” của ông nhà văn người Quảng này…

Tôi bảo với ông, rằng tôi may mắn gặp ông giữa Sài Gòn vào những ngày giáp tết. Và rất bất ngờ khi ông buông lời, đúng điệu của những người trẻ bây giờ “Em làm như tôi khó gặp lắm! Alô một tiếng là gặp ngay thôi! Người Quảng với nhau mà khách con chim sáo quá!”. Chừng đoán tôi ngạc nhiên, ông nói ngay: Làm báo hay viết sách thì phải luôn cập nhật cái mới mà. Cái nào hay thì mình tiếp thu, giới trẻ bây giờ năng động, nhạy cảm và linh hoạt trong mọi tình huống. Mình càng lớn tuổi thì cần phải học sự tinh nhạy đó của họ, đừng nghĩ cứ lớn tuổi, từng trải là biết hết mọi sự đời. Và viết văn, viết sách cũng theo thời cuộc mà rút ruột mình để làm nên những tác phẩm.

*Và tôi có thể xem đó là lý do ông chuyển từ viết tiểu thuyết sang viết khảo cứu được không nhỉ…

Nhà văn Vu Gia:  " Tôi bắt đầu nghiệp của mình từ nghề báo. Đi nhiều, trải nghiệm nhiều thì viết tiểu thuyết. Khoảng thời gian từ năm 1988 đến khoảng năm 2000 tôi viết truyện rất nhiều. Hồi đó sức viết rất khỏe, nếu cần thì một tháng tôi có thể viết xong một cuốn sách. Cái cảm giác mới sáng thức dậy có một ông nhà xuất bản đang ngồi chờ trước cửa, không cần nói gì cũng biết có người cần tác phẩm của mình. Thế là viết ngày, viết đêm. Viết như thể muốn rút hết ruột gan mình ra để mong thấy được đứa con tinh thần của mình. Tôi viết 10 cuốn tiểu thuyết, tự cảm thấy mình cần phải dừng lại để tìm kiếm cái mới mẻ hơn. Đó cũng là lúc tôi bắt đầu tiếp cận với khảo cứu, và nhóm Tự lực văn đoàn bắt đầu là cuộc đời tiếp theo của tôi.

*Nhiều người gọi ông là nhà văn Tự lực làm Văn đoàn. Tôi thấy một số người hào hứng với cách gọi này, còn ông?

Vu Gia tên thật là Phạm Ngọc Phúc, sinh năm 1952 tại Đại Lộc, Quảng Nam. Từ năm 1982, ông đã xuất bản 30 đầu sách các thể loại văn, thơ, khảo cứu văn học… Tác phẩm đầu tay, tiểu thuyết “Vùng đất dữ” ra đời năm 1988. Tiếp theo đó là các tiểu thuyết Có những cuộc tình, Khúc dân ca cho người dưới mộ, Đời ca sĩ, Giọt nước mắt cho tình yêu, Mộng đẹp tàn phai...

Bên cạnh tiểu thuyết, đáng chú ý nhất là mảng nghiên cứu văn học. Ngoài cuốn “Hải Triều - Văn nghệ vị nhân sinh”, có 7 cuốn về các tác giả nổi tiếng của nhóm “Tự lực văn đoàn”. Ấy là “Khái Hưng – Nhà tiểu thuyết”; “Thạch Lam - Thân thế và sự nghiệp”; “Nhất Linh trong tiến trình hiện đại hóa văn học”; “Hoàng Đạo - Nhà báo, nhà văn”; “Trần Tiêu - Nhà văn độc đáo của Tự lực văn đoàn”; “Tú Mỡ - người gieo tiếng cười”   “Thế Lữ - Một khách tình si”.

Nhà văn Vu Gia: Trước tôi, có rất nhiều nhà nghiên cứu viết rất hay về Tự lực văn đoàn. Đó chính là một áp lực nhưng tôi thấy hào hứng khi viết về cái người ta đã khai thác dưới góc nhìn của chính mình. Điều đó không có nghĩa là mình đem cái tư tưởng góc nhìn của mình để áp đặt cho người khác mà là mình sẽ tìm ra nhưng cái mới lạ, độc đáo để đưa bạn đọc đến những trải nghiệm khác. Nhiều lúc nghĩ đời cũng lạ, mọi thứ cứ đẩy đưa theo số phận, và càng đi sâu vào nghiên cứu tôi càng đam mê và góc nhìn ấy cứ mở rộng ra dần thành những cuốn khảo cứu về Tự lực văn đoàn. Giờ ai hỏi nguyên cớ nào khiến tôi viết sách Tự lực văn đoàn, tôi vẫn trả lời: Cái bụng.

Người Quảng mình thiệt thà, viết sách để kiếm tiền nuôi bản thân, nuôi gia đình thì có gì là xấu? Tôi có nguyên tắc đã viết thì phải nghiêm túc, phải đào sâu chứ không làm kiểu hời hợt. Chính vì vậy mà những sách của tôi được người đọc tiếp nhận và phản hồi tốt. Mà đời cũng vui lắm, phận sách hay phận người đều có số cả. Tôi viết nhiều cuốn khảo cứu, nhưng cuốn mà đem lại cho tôi đồng tiền đều đặn là cuốn hướng dẫn cách khai thác tài liệu làm luận văn... Nói điều này cũng có nghĩa là làm nhà văn, nhà viết sách thì anh phải có cái nhìn tường tận, thực tế xem nhu cầu của người đọc như thế nào để mà viết cho nó ra hồn.

*Ông còn được biết đến là một nhà viết về văn hóa Quảng Nam rất chuyên nghiệp. Tôi cảm giác mạch nguồn quê hương cứ như dòng nham thạch cuộn chảy trong những sáng tác của ông...

Nhà văn Vu Gia: Nếu viết sách nghiên cứu hay viết tiểu thuyết cần có sự sắp xếp và làm việc khoa học thì viết về văn hóa, nhất là văn hóa Quảng Nam  - vùng đất mở hơn 500 năm có lẻ, thì càng phải có trầm tích về sự hiểu biết. Bình thường, tôi chẳng bao giờ ngồi viết ra những điều tôi hiểu về quê nhà, nhưng nếu có ai đó hỏi và đặt vấn đề thì ngay lập tức ký ức đó hiện về. Viết về quê hương thì điều đầu tiên bắt buộc mình phải từng sống tại nơi đó, hiểu được tính tình con người Quảng Nam và trên hết là phải yêu quê. Có lần, một nhà xuất bản muốn có bài viết của tôi về một vùng đất tại Quảng Nam - Đà Nẵng, tôi chần chừ mãi không viết được vì mảnh đất đó tôi chưa hề đặt chân đến. Thế là tôi quyết định bay về ngay trong ngày và một mình rong xe đến đó. Tôi chỉ cần vậy thôi là mọi thứ câu chữ lại bắt đầu tuôn ra ào ào. Nhưng, cũng đừng chủ quan, không phải cái gì bạn cũng biết hết cả, tôi muốn nhắn đến lớp trẻ bây giờ, nhất là những bạn làm nghề báo hoặc viết văn: muốn thành công ở nghiệp viết thì việc bạn nên làm chính là đọc sách, đọc càng nhiều bạn càng có cơ hội thành hình nên những tác phẩm hay.

Độc giả đang tò mò về cuốn sách mà ông sắp cho ra lò.

Nhà văn Vu Gia: Tôi vừa hoàn thành cuốn sách về thi sĩ Xuân Diệu gần 1.000 trang và sắp được xuất bản. Nói về sức viết thì tôi nghĩ tiềm lực trong mỗi con người cũng như một mảnh đất, mình càng chăm bẫm cày cuốc thì mảnh đất càng tơi xốp và màu mỡ. Nhưng, cũng không thể trồng mãi một loại cây, và thi thoảng cũng phải để cho đất nghỉ ngơi. Tôi cũng đã có tuổi rồi, giờ tôi muốn được viết nhiều hơn chính là những ký ức, văn hóa của quê hương. Và tôi sẽ làm điều đó nhiều hơn hết ở thời gian còn lại của đời mình.

Nghe ông nói, tôi chợt nhớ mấy câu thơ của ông: “Ta cả tin/Và hồn nhiên như cỏ/Bật mầm xanh ve vuốt sợi sương mềm”. Có người nói Vu Gia làm thơ không phải để trở thành nhà thơ mà để giải tỏa lòng mình. Tôi nhìn ông và thấm thía những gì ông vừa sẻ chia. ./.

HOÀNG DUNG

=============

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ