" đọc HOA CỎ BÊN ĐƯỜNG của nhà báo [ Sài gòn xưa ] KIỀU MỸ DUYÊN "/ bài viết: Phan Tấn hải ( Hoa Kỳ) -- source: https://vantholacviet.com>
Đọc ‘Hoa Cỏ Bên Đường’ của nhà báo Kiều Mỹ Duyên -PHAN TẤN HẢI
Không kể tới tuyển tập Chinh Chiến Điêu Linh, một tập bút ký xa xưa gồm nhiều bài có chủ đề một thời Chiến Tranh Việt Nam của phóng viên chiến trường Kiều Mỹ Duyên, tôi có nhiều cơ duyên đọc nhiều bài viết ở hải ngoại gần đây của người tôi quen gọi là chị An Nguyễn Kiều Mỹ Duyên, nhà báo của một thế hệ đã vào nghề phóng viên trước tôi nhiều thập niên. Những bài viết của chị gần đây thường là các đề tài bám sát đời thường. Thế rồi chị gom lại thành một tuyển tập có tên là Hoa Cỏ Bên Đường. Nơi đây, tôi chỉ viết về một số ghi nhận rời khi đọc tuyển tập này của nhà báo Kiều Mỹ Duyên, cũng là một người chị về nhiều phương diện.
Điều ghi nhận đầu tiên nơi chị là một thái độ tôn trọng các nhà tu bất kể dị biệt tôn giáo. Cái hay nơi chị là sự hồn nhiên, tôn kính rất mực thuần thành bất kể các tôn giáo khác nhau trong cộng đồng. Có thể đó là nhờ bản năng phụ nữ? Tôi không biết, nhưng hiển nhiên, chị là Phật Tử, điểm hay của chị là đã tiếp cận tất cả các tu sĩ tôn giáo khác như dường không hề dị biệt.
Điều này thực ra tôi đã học từ khi còn thơ ấu. Ba tôi dạy rằng đi qua chùa, nhà thờ, đền, miếu, thì phải cúi chào để bày tỏ lòng tôn kính, chớ có khởi tâm xúc phạm. Nhưng bản thân tôi không hoàn toàn hòa hài tự nhiên với nhiều tôn giáo khác, tuy rằng tôi luôn luôn chắp tay chào mỗi khi gặp linh mục, mục sư, giáo sĩ…
Kiều Mỹ Duyên phỏng vấn Hồng Y Francis George
Tôi đã kết thân, và đã giúp tận lực để in sách, rồi tìm người dịch sách cho Thầy Phó Tế Nguyễn Mạnh San, một người tôi rất mực tôn kính vì đã hoạt động trong cương vị luật sư hơn 2 thập niên trong hệ thống nhà tù Oklahoma. Tôi cũng đã có giao tình rất thân với Mục sư Nguyễn Quang Minh, một huynh trưởng hướng đạo và một thời là người thông dịch tòa án tại Quận Cam. Tôi vẫn còn nhớ cách Mục sư Nguyễn Quang Minh yêu cầu một thanh niên đang trong diện quản chế mỗi tuần hay mỗi hai tuần tới gặp mục sư ở một quán cà phê góc đường Bolsa/Magnolia, chỉ để uống cà phê chừng nửa giờ, rồi Mục sư bảo anh đang trong diện quản chế đó đi đâu gần đó, làm gì chút đỉnh, tới trưa thì cấp giấy là đã hoạt động cộng đồng vài giờ chi đó để tòa án sẽ tính điểm. Những lúc đó, có khi tôi chỉ ngồi nói chuyện với Mục sư Minh thôi, có khi tôi chụp hình rồi về tòa soạn Việt Báo viết một bản tin về tuổi trẻ Việt sinh hoạt cộng đồng theo quy định quản chế. Tôi cũng là nhà báo đầu tiên đăng các lời kêu gọi từ thiện của Mục sư Nguyễn Xuân Bảo, ngươi từng bị đốt nhà thờ; và trong một lần Mục sư Bảo từ Việt Nam ra, khi phi cơ ghé trạm Nam Hàn, nhằm lúc World Cup, Mục sư đã mua một quả bóng túc cầu có huy hiệu đặc biệt của sự kiện đó, về trao cho tôi, nói là Mục sư chỉ duy nhất mua 1 thứ về, và chỉ nghĩ tới tôi thôi, xem như “mua banh World Cup để tặng cho cậu con của anh Hải đấy.” Dù vậy, tôi vẫn thấy luôn luôn có một khoảng cách giữa tôi và các tu sĩ tôn giáo khác. Nhiều vị tu sĩ nói rằng lúc cầu nguyện, vẫn cầu nguyện cho tôi. Như Thầy Phó Tế Nguyễn Mạnh San nói, “Tôi luôn luôn cầu nguyện hàng ngày cho ông Phan Tấn Hải đấy. Ông Hải giúp tôi nhiều quá, nên tôi nghĩ tới ông hoài.” Tôi im lặng, lúng túng, vì bản thân mình là kiểu Phật Tử bên lề, không có thói quen cầu nguyện dù là cho mình hay cho người. Tôi chỉ khởi tâm từ để ước muốn bình an cho mọi người, nhưng không thực sự là cầu nguyện cụ thể. Có vẻ như mình ăn gian, vì họ cầu nguyện cho mình, mà mình không cầu nguyện cho họ. Nội mình lo canh giữ tâm mình cho đừng sai phạm cũng là hết ngày giờ rồi, hơi đâu mà cầu nguyện, nhưng chẳng hiểu sao chưa bao giờ tôi dám nói minh bạch. Chính những khi đó mới thấy mình với người là khác.
Kiều Mỹ Duyên phỏng vấn Hồng Y Phạm Minh Mẫn (bên trái), 2003
Nhưng chị Kiều Mỹ Duyên thì hòa đồng rất mực tự nhiên. Như trong bài Tạ Ơn đầu sách Hoa Cỏ Bên Đường, câu cuối chị viết là:
“Cầu xin Thượng Đế ban phúc lành cho quý ân nhân.”
Nghe rất tự nhiên, và sẽ làm biết bao nhiêu người hài lòng. Thực ra trong xã hội Hoa Kỳ, câu nói đó là tự nhiên, vì đi đâu cũng gặp chữ “God Bless.” Dù vậy, tôi chưa bao giờ nói được hai chữ đó. Hóa ra, tôi mới thấy rằng tự bản thân mình không tự nhiên, khi thắc mắc về chữ nghĩa phức tạp.
Nhà báo Kiều Mỹ Duyên là người có nhiều cơ duyên lớn trong đời. Nếu bạn ghé thăm văn phòng của chị ở khu thương mại nơi góc đường Westminster & Euclid, bạn sẽ thấy trên tường là một tấm hình chị đứng chụp chung với Đức Đạt Lai Lạt Ma đời 14. Đó là một hy hữu, cực kỳ hiếm có.
Rồi những cơ duyên khác của một nhà báo — đúng ra, chị còn là một người hoạt động cộng đồng, và đó là một ưu thế khi so với một nhà báo bình thường như tôi — chị Kiều Mỹ Duyên cũng từng có những cơ hội rất hiếm, như đã phỏng vấn Đức Hồng Y Francis George, khi Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ họp đại hội ở khách sạn Bilmore, Los Angeles, các ngày 15, 16 và 17 tháng 6/2006. Cũng dịp này, chị phỏng vấn Giám Mục William S. Skylstad, về những vấn đề rất trọng đại, như: Sự phát triển Thiên Chúa Giáo ở Hoa Kỳ trong những năm sắp tới, hay là Chủ tịch hội đồng giám mục Hoa Kỳ có ý định đến thăm Việt Nam hay không, và nếu có là khi nào. Để nhắc về tầm quan trọng: Đức Hồng Y Francis George là 1 trong 15 Giám Mục từng nằm trong danh sách được xem là ứng viên vào chức Giáo Hoàng trong đại hội mật nghị “2005 Papal Conclave” ở Vatican để bầu chọn tân Giáo Hoàng sau khi Đức Giáo Hoàng John Paul II băng hà tháng 4/2005.
Bản thân tôi ở trong nghề báo cũng lâu, chứng kiến nhiều sự kiện ở Orange County, nhưng kỷ niệm về phỏng vấn các lãnh tụ thì hoàn toàn thiếu vắng. Có thể, bản thân tôi ưa phỏng vấn các nhà thơ, nhà văn bên lề xã hội hơn. Trong khi đó, chị Kiều Mỹ Duyên có những cơ duyên lớn hơn.
Nhà báo Kiều Mỹ Duyên viết nơi trang 85-86 của sách Hoa Cỏ Bên Đường, trích:
“Nhờ làm nghề truyền thông mà tôi được nhiều cơ hội gặp mọi người, từ anh lính đến Đại tướng, từ người dân đến Tổng Thống, từ một người giáo dân đến Đức Cha chủ tịch Hội Đồng giám mục Hoa Kỳ, Đức Cha chủ tịch Hội Đồng giám mục Việt Nam. Đi đến đâu, tôi cũng được giúp đỡ một cách tận tình để được phỏng vấn.
Tôi phỏng vấn nhiều nhân vật quan trọng trên thế giới và tôi được cử làm phóng sự, thuyết trình, gồm có: Tổng Thống Gerald Rudolph Ford, bộ trưởng Elizabeth Dole, Tổng Thống Nga Mikhail Sergeyevich Gorbachev. Tổng Thống Nga nói sở dĩ nước Nga có tự do, nhờ ông và Tổng Thống George W. Bush làm việc ròng rã suốt 10 năm, thường họp ở Canada. Ông cho biết ông tham gia chánh trị lúc 18 tuổi nhưng chỉ một lần thất bại. Ông bị bắt giam gần bờ biển, chiều chiều nghe tiếng sóng vỗ và nhìn lên núi, ông nhất định phải trở lại chính trường và phải làm Tổng Thống. Khuôn mặt ông rất lạnh, ông có bằng Tiến sĩ toán, cô con gái đi theo ông khuôn mặt cũng rất lạnh. Tôi gặp Tổng Thống Nga hai lần, một lần ở Anaheim. Truyền thông có chỗ ngồi riêng, gần sân khấu, an ninh cho từng người truyền thông rất kỹ, cẩn thận không kém gì lúc tôi gặp Tổng Thống Ronald Reagan ở Anaheim hồi mới sang định cư ở Mỹ, mấy năm đó tôi đang làm báo cho Mỹ.”
Trong tập bút ký Hoa Cỏ Bên Đường, nhà báo Kiều Mỹ Duyên cũng ghi lại những cơ duyên phỏng vấn quý Thầy Phật Giáo VN, như ngài Đại Lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu, Thiền sư Thích Thanh Từ, Hòa Thượng Giác Nhiên, Thầy Tuệ Sỹ, Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, Hòa Thượng Thích Mãn Giác…
Trong sách này chị Kiều Mỹ Duyên cũng kể lại một vài chi tiết lịch sử, có thể gây xúc động cho Phật Tử. Thí dụ, như chị kể lại nơi trang 94:
“Học trò của Đại Lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu rất giỏi, rất giỏi và hiện nay trụ trì nhiều chùa ở khắp nơi trên thế giới. Có lần, thầy nhờ tôi gửi tiền về cho thầy Tuệ Sỹ. Thầy Tuệ Sỹ rất gầy, gầy không thể tưởng tượng được. Năm 2001, tôi cùng với phái đoàn từ thiện quốc tế dành thì giờ ghé thăm thầy Tuệ Sỹ. Chúng tôi đang ngồi quanh thầy thì một cụ bà, sau này chúng tôi biết bà cụ có người con trai làm trụ trì một ngôi chùa, cụ vừa đến quỳ xuống lạy thầy Tuệ Sỹ. Chúng tôi phải vội vội, vàng vàng tránh xa ra. Phòng khách của thầy Tuệ Sỹ nhỏ xíu, thầy ra tù về trú ngụ ở chùa Già Lam, Gò Vấp, không có hộ khẩu, không đi mua gạo được.”
Trong tuyển tập bút ký Hoa Cỏ Bên Đường, nhà báo Kiều Mỹ Duyên còn nhiều bài khác, mang chủ để sinh hoạt cộng đồng, hay khắc họa chân dung nhiều nhân vật — như viết về Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, về Giáo sư võ Aikido Đặng Thông Phong, về phóng viên Phan Trần Mai…
Nhà báo Kiều Mỹ Duyên đã trở thành một trụ cột lớn trong cộng đồng qua nhiều hoạt động, trong đó viết sách chỉ là một mảng hoạt động của chị. Gần như là chị có mặt khắp nơi trong cộng đồng. Chị xông xáo làm từ thiện, chị say mê làm đài phát thanh, chị mưu sinh bằng nghề địa ốc, chị tham dự guồng máy đại bồi thẩm đoàn của Orange County, và vân vân.
Nói theo một kiểu từng nghe được, thì nhà báo Kiều Mỹ Duyên có mặt trên từng cây số của cộng đồng Việt. Trong đó, tuyển tập bút ký Hoa Cỏ Bên Đường là một dấu mốc của nhà báo Kiều Mỹ Duyên, nơi đó độc giả sẽ nhìn rõ hơn chân dung và hoạt động của một người đã từng là phóng viên trước 1975 và bây giờ thỉnh thoảng làm phóng viên vì muốn đóng góp cho cộng đồng. Hy hữu mới có người như chị. Dễ dàng đoán được rằng tuyển tập bút ký Hoa Cỏ Bên Đường của nhà báo Kiều Mỹ Duyên hẳn là sẽ được cộng đồng đón nhận nồng nhiệt. ./.
PHAN TẤN HẢI
==================
được đăng bởi khedo@outlook.com @ 15:14 0 Nhận xét
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ