Thứ Năm, 8 tháng 7, 2021

bài đọc thêm (1) : " Mười Năm Người Cũ" / bài viết: ngọc tự. ( Hoa Kỳ) -- source : http://t-van.net/?author=24

 ngọc tự: mười năm người cũ

                                

                               Trần Tam Tiệp (11.11.1928-23.12.2009)   

 

 (để tưởng nhớ anh Trần Tam Tiệp)                     

tạp văn. ngọc tự.


Từ trung tuần tháng Mười hai, khi đi qua những khu dân cư, nhất là vào buổi tối, tôi đã cảm nhận được không khí của mùa vui Giáng Sinh đang về rộn rã, tưng bừng. Những ánh đèn trang trí trước từng khoảnh sân nhà với đủ thứ sắc mầu nhấp nháy lung linh, sinh động. Và âm hưởng bài Đêm Thánh Vô Cùng, như luôn đang vang vọng đâu đó, bồi hồi gợi nhắc trong tôi thật nhiều điều quên nhớ, những hình bóng chập chờn ẩn hiện, nơi từng biến cố đã đi qua đời mình. Trong đó, có bóng dáng một người, thật khó phai quên, mỗi khi ngày Giáng Sinh gần đến hàng năm, như thời gian này đây.

Tôi muốn nói tới anh Trần Tam Tiệp, một hiền huynh quý mến, đầy kính trọng của tôi, từ những năm tháng xa xưa, những năm tháng buồn vui phi trường cùng nhau ở Tân Sơn Nhất. Và nữa, những năm tháng nơi một biến cố tiếp theo khác, thêm vào khúc quanh mới đời tôi, có liên quan trực tiếp với anh, giữa thời đoạn đau thương của đất nước dân tộc, sau ngày ba mươi tháng Tư năm 1975.

Anh từ trần ngày 23.12.2009 tại Paris Pháp quốc, sau hơn mười lăm năm đau bệnh dai dẳng, và vừa bước qua tuổi Bát tiên. Hôm ấy ngày lễ Giáng Sinh đã cận kề. Sát ngày Giáng Sinh năm nay là đúng mười năm anh đi xa.

Ngoài gia đình thân tộc, không biết có huynh đệ Không Quân nào còn nhớ đến người chiến binh lão làng dễ mến, thật đáng yêu ấy. Và giới văn bút hải ngoại, có ai nhớ đến ông Tổng Thư Ký tiên khởi, rồi liên tiếp đảm nhận thêm mấy nhiệm kỳ nữa. Đấy là anh Trần Tam Tiệp, người đã góp công sức cùng với các tên tuổi quen thuộc như Luật sư Trần Thanh Hiệp, Thi sĩ Nguyên Sa, Nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh… hình thành Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại rất sớm ở Paris từ năm 1978, cùng những công việc thầm lặng đầy ý nghĩa nơi tháng ngày đó (không phải là đối với tất cả, nhưng ít ra cũng với nhiều người).

Dù cách biệt tuổi đời và cấp bậc quân đội, nhưng tôi và anh có nhiều duyên nợ với nhau, rồi cuối cùng kết thúc không được trọn vẹn. Tôi đâu thể nào quên những kỷ niệm với anh qua suốt năm tháng dài.

Còn nhớ mùa Giáng Sinh 2009 ấy, gia đình tôi đến Hoa Kỳ mới được đúng ba năm, và vẫn đang phải loay hoay, tất bật với đời sống cơm áo gạo tiền ở Houston. Giữ liên lạc với Paul Thảo, người con thứ của anh, mà tôi đã có dịp gặp gỡ mấy năm trước, nên tôi biết sức khỏe anh tiếp tục giảm sút nhiều, phải ngồi xe lăn và trí óc không còn minh mẫn nữa, sau tai nạn làm chấn thương não từ năm 1994.

Cũng như thường lệ, tôi gửi thiệp chúc mừng Giáng Sinh anh và gia đình rất sớm. Khoảng đâu một tuần trước ngày lễ, tôi nhận được email của Paul Thảo, có kèm theo ảnh chụp anh đang khư khư giữ chặt tấm thiệp của tôi trong tay, nét mặt lộ vẻ xúc động. Tôi được kể thêm rằng anh đã gật đầu rồi nước mắt khẽ ứa ra, khi gia đình đọc cho nghe lời chúc của tôi, và hỏi rằng có nhớ biết gì về tôi. Thật cảm động quá.

Paul nói với tôi sắp dọn về nhà mới, sẽ có chỗ rộng rãi hơn cho bố mình. Và nhất định trong năm 2010, khoảng đầu mùa hè, mong rằng sẽ được đón tôi sang Paris một lần, để bố cháu được gặp lại tôi, người mà Paul biết bố từng nhắc đến với nhiều thương mến. Paul muốn tôi cố gắng thu xếp và chuẩn bị sẵn sàng để có thể sang trước khi quá muộn, vì sợ rằng tình trạng sức khỏe của ông bố suy giảm nhanh dần và bệnh lú lẫn càng nặng thêm. Hồi chưa ngã bệnh, vẫn minh mẫn mạnh khỏe, anh đã buồn trách tôi, về việc tôi không muốn đi khỏi Việt Nam, khi chương trình H.O. được mở ra hồi đầu năm 1990, hay thời gian trước đó, ngay lúc tôi vừa ra tù lần sau năm 1988, anh từng muốn lo liệu can thiệp cho tôi và gia đình được đi ra ngoại quốc.

Hồi tôi còn ở quê nhà, trong chuyến về Việt Nam du lịch khoảng đầu năm 2005, Paul có tìm thăm tôi và trong câu chuyện, đã nói nhiều về điều này. Chú cháu biết nhau từ dạo ấy.Thời gian đó, tương đối anh vẫn còn khỏe mạnh và đầu óc còn tỏ tường đôi chút, chưa đến nỗi xấu đi quá nhanh như vài năm sau. Paul có tặng tôi mấy tấm ảnh mới nhất, chụp anh đang tươi vui quây quần bên con cháu, trong buổi tiệc gia đình. Chỉ một năm tiếp theo, anh phải sử dụng xe lăn nhiều hơn và yếu hẳn.

Trần Tam Tiệp và con cháu trong gia đình

Trong dịp sang Paris ra mắt gia đình nhà chồng vào khoảng tháng 8/2006, theo lời tôi dặn khi ghi địa chỉ, cháu Dương Mạc An, con gái anh Dương Hùng Cường, đã tìm đến nhà chào thăm bác Tiệp và chuyển lời thăm hỏi của tôi. Khi về lại Việt Nam, cháu Dương Mạc An cho tôi biết rõ hơn về tình trạng sức khỏe của anh.

Từ gợi ý của Paul, tôi cũng đã tưởng tượng loáng thoáng trong đầu về một chuyến đi và giây phút anh em trùng phùng. Nhưng rồi tất cả đều trở thành hụt hẫng, vô nghĩa.

Vô cùng ngỡ ngàng và bàng hoàng xúc động biết mấy khi nhận được tin anh từ trần. Email của Paul kể về chuyện hôm nhận thiệp chúc Giáng Sinh của tôi, mới vừa vài ngày trước đấy mà thôi.

Tôi có được anh Đỗ Việt, người bạn thân thiết của anh, gửi cho xem hình ảnh tang lễ anh. Tất cả khung cảnh cũng như mọi diễn tiến đều dung dị và đơn sơ như chính cuộc sống và con người anh.

Và luôn mãi từ đó cho đến bây giờ, cách riêng như hôm nay đây, vào những ngày sắp đến Giáng Sinh, cũng là dịp giỗ anh, nhiều điều chuyện với anh từ buổi quen biết ban đầu, cho đến những kỷ niệm cuối cùng, lại bâng khuâng xao động ùa về trong tôi, giữa tháng năm nơi đất khách quê người, buồn nhiều hơn vui này.

*

Mãn khóa 3/69 Trường Bộ Binh Thủ Đức, tôi về trình diện phục vụ tại Văn Phòng Tham Mưu Phó Chiến Tranh Chính Trị, Bộ Tư Lệnh Không Quân từ cuối năm 1969. Hơn một năm sau, tôi gặp gỡ và biết anh lần đầu tiên ở khán đài sân banh Cộng Hòa, để rồi trở nên thân quen gần gũi nhanh chóng; và mối giao tình của anh em chúng tôi ngày càng gắn bó.

Giữa một ông Thiếu tá tuổi ngoài bốn mươi, gần hai mươi năm thâm niên quân vụ  và một ông Chuẩn úy mới ngoài hai mươi, vừa tròn năm lính nơi đơn vị, chừng như không có khoảng cách, chỉ vì cùng là dân hâm mộ bóng tròn, cũng như cùng là ủng hộ viên cuồng nhiệt của đội Túc cầu Không Quân, trực thuộc Ban Thể Dục Thể Thao, Văn phòng Tham Mưu Phó Chiến Tranh Chính Trị nơi tôi phục vụ.

Anh tốt nghiệp khóa 2 Sĩ quan Trừ bị Nam Định năm 1952-1953 (bị gọi động viên khóa 1, nhưng vì bệnh nên được hoãn đến khóa 2), rồi đi thụ huấn chuyên môn về Không Quân bên Pháp. Là sĩ quan cấp tá thuộc hàng kỳ cựu trong Quân chủng, đã trải qua nhiều chức vụ chỉ huy tại các đơn vị. Tôi cũng không hiểu sao con đường binh nghiệp của anh chừng như hơi gập ghềnh, và có vẻ chậm bước so với những người xuất thân cùng khóa. Điều này chừng như không phải là nỗi bận tâm của anh. Vì vậy, dễ hiểu khi thấy anh thật bình dị, thanh thản vui vẻ hòa đồng với tất cả mọi người, dù cấp bậc dưới. Nhiều người nói tính cách con người anh đã là như vậy từ rất lâu, hồi còn phục vụ tại các đơn vị Không Quân ngoài miền Trung.

Đặc biệt, anh rất yêu thương những anh em cầu thủ và thường xuyên là mạnh thường quân giúp đỡ họ, mỗi khi gặp khó khăn. Có lần, anh đã trao tặng hết số tiền còn lại trong túi nơi kỳ lương mới nhận được vài ngày, cho một cầu thủ phải đưa con đi bệnh viện cấp cứu.

Riêng tôi, cũng trong lãnh vực quả banh da, vẫn nhớ mãi lần được anh cứu thua một bàn trông thấy.

Chẳng là hồi cuối năm 1973, như thể một nhà dìu dắt của đội banh, tôi được Văn phòng phân công làm Trưởng đoàn (ông Trưởng ban Thể dục Thể thao thì đã luông tuổi, còn mấy ông sĩ quan đàn anh khác không mấy mặn mà với bóng tròn, và cũng không tha thiết nhận một công tác trong ngày Chủ Nhật), dẫn đội banh Không Quân, sau mùa tranh giải hàng năm; xuống Mỹ Tho đá giao hữu với đội banh liên quân địa phương (dân đá banh gọi là đi đá chầu), theo lời mời và do ông Thiếu tá Ngô Văn Kim, Quận trưởng Chợ Gạo đứng ra tổ chức. Không biết cay cú trong việc cá độ thắng thua sao đó, thêm nữa do máu địa phương quá khích thường thấy, vào giữa hiệp hai, khi đội nhà đã bị dẫn hai bàn cách biệt, mà Không Quân vẫn chơi bóng nhàn nhã như biểu diễn, qua những đường banh lên xuống, giao trả gắn bó, điệu nghệ; bỗng dưng một số đông khán giả tỏ ra phản ứng. Cho là chúng tôi đá câu giờ, họ bắt đầu la ó thô tục và có những cử chỉ phi thể thao, như ném đất vào chân cầu thủ chúng tôi, mỗi khi dẫn banh xuống khung thành đội nhà. Đương nhiên, dù không đá hết sức, nhưng đội bóng liên quân tỉnh lẻ Mỹ Tho đâu phải đối thủ ngang sức với đội banh hạng Danh dự ở Sàigòn (bây giờ gọi là hạng Nhất), có nhiều tuyển thủ quốc gia như Hồ Thanh Cang, Quang Đức Vĩnh, Lê Văn Tư (Tư Lê), Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Mười, Trần Thanh Long (Long xù), Lê Văn Tám (Tám Hoa), Trần Kim Sang… Huấn luyện viên trao đổi với tôi việc có nên buông để đội bạn gỡ bớt hay cho huề luôn, hoặc cứ đá thẳng thắn bình thường giữ uy tín. Chúng tôi chọn cách sau cùng. Nhận tín hiệu từ bên ngoài, anh em cầu thủ tung lưới đối phương thêm lần nữa và chỉ cho chủ nhà gỡ lại một bàn danh dự, trước khi mãn trận ít phút.

Ngay lúc ấy, tôi giật mình khi quan sát không khí chung quanh sân, và cảm nhận sẽ có mối đe dọa thật sự nguy hiểm nào đấy vào chút nữa đây, khi tan trận đấu. Một ông Trung úy Trưởng đoàn, mặt mũi non choẹt như tôi, không hiểu có đủ uy tín và trọng lượng để yêu cầu sự can thiệp của giới chức địa phương, ngăn chận những điều đáng tiếc có thể xẩy ra.Tôi bồn chồn nhìn lên khán đài để dõi tìm Ban Tổ chức và nhẹ hẳn người khi thấy anh Trần Tam Tiệp đang ngồi với họ trên đó. Anh đi riêng xuống Mỹ Tho và đến sân lúc nào mà tôi không hay biết. Chắc cũng nhận rõ tình hình căng thẳng và như đoán được nỗi lo âu của tôi, anh bước xuống chỗ chúng tôi, mỉm cười vỗ vai trấn an và nói yên tâm.

Và rồi chúng tôi lên xe ra về với sự hộ tống của một xe GMC chở đầy anh em Địa Phương quân, trang bị đầy đủ vũ khí, cho đến khi qua khỏi địa bàn Mỹ Tho.

Một trong những lần công tác nhớ đời của tôi và có anh xuất hiện như vị cứu tinh kịp thời.

Anh cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ tận tình mỗi khi có ai cần đến anh. Vì thế, anh nhận được sự quý mến của tất cả mọi người. Các anh em trong đội banh Không Quân thân kính gọi anh là bố, và nhiều người khác cũng gọi theo như vậy.

Tôi còn nhớ vụ việc của anh Dương Hùng Cường hồi giữa năm 1972. Anh Dương Hùng Cường và tôi cũng có giao tình huynh đệ gần gũi trong đơn vị. Nơi một cuộc rượu túy lúy thường ngày vào buổi chiều ngoài phố Sàigòn, do men say bốc lên, cộng với chút ngông ngang của cây bút Dê Húc Càn viết Cà Kê Dê ngỗng hàng tuần trên báo trào phúng Con Ong, anh Dương Hùng Cường đã lời qua tiếng lại nặng nề sao đó với mấy ông Dân biểu thuộc khối thân chính quyền (chừng như cũng sẵn có nhiều va chạm nhau trên báo chí), ngồi bàn gần bên trong cùng một nhà hàng. Kết quả anh Dương Hùng Cường bị phạt chuyển ra Sư đoàn 3 Bộ Binh vì có bút phê của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trong Tờ Trình, cả năm sau mới được về lại Không Quân.

Ngay hôm anh Dương Hùng Cường bị An Ninh Không Quân mời đi, tôi đã báo tin ngay cho anh Trần Tam Tiệp. Với uy tín và mối giao thiệp rộng rãi khắp nơi, anh đã tận tình lo lắng và khéo léo vận động thu xếp mọi chuyện thật nhẹ nhàng tốt đẹp cho anh Dương Hùng Cường, từ lúc bắt đầu hồ sơ điều tra an ninh, cho đến khi được về lại Quân chủng.

Ngoài chuyện banh bóng, anh em chúng tôi cũng còn thường hay trao đổi chuyện trò về hiện tình đất nước. Bên cạnh đó, cũng không thể thiếu chuyện văn chương chữ nghĩa. Anh cộng tác thường xuyên và đều đặn cho Đặc san Lý Tưởng Không Quân, từ những ngày đầu cho tới giai đoạn cuối cùng, mà tôi được giao làm Thư ký Tòa soạn.

Qua anh, tôi cũng giao tiếp và thân quen với nhiều cây bút Không Quân thuộc giới phi hành ở các đơn vị. Mỗi lần một ai đó ghé về Sàigòn, thường nhất có anh Đào Vũ Anh Hùng, một hoa tiêu trực thăng và là cây bút quen thuộc trong sinh hoạt văn giới Không Quân, anh đều nhắn gọi để tôi tham gia buổi ăn sáng. hay uống cà phê dưới khu gia binh.

Thật buồn quá, anh Đào Vũ Anh Hùng đã đau bệnh nằm một chỗ mấy năm nay rồi. Còn nhớ ngày tôi mới đến Houston, từ Dallas, anh đã xuống thăm ngay. Anh em cũng có thêm nhiều lần gặp nhau chuyện trò

Quen biết thân tình và thường ghé nhà chơi thăm, thấy anh Trần Tam Tiệp sống một mình, nhưng không bao giờ tôi hỏi nhiều về chuyện gia đình. Tôi chỉ được biết chị đã đưa ba người con trai sang Pháp từ sau năm 1963. Binh nghiệp đã như thế, gia đình lại có một điều gì không ổn, khiến anh có cuộc sống của một người độc thân.

Tuy vậy, chẳng ảnh hưởng nhiều tới anh. Anh vẫn sống thật đạo hạnh bình thường và đơn sơ mẫu mực như một người tu tại gia. Có phòng trong cư xá sĩ quan độc thân, nhưng anh ở tại căn nhà thuê bên hông nhà thờ Tân Sa Châu là chính. Tôi đùa vui gọi anh là người chuyên chính tôn giáo giữa đám trẻ quỷ sứ, cứ luôn muốn lôi kéo, rủ rê anh sa chước cám dỗ mọi đàng, nhưng đều không thành.

Niềm vui của anh là những thân tình bằng hữu, tí chút văn nghệ và đi xem những trận banh mỗi cuối tuần. Anh giúp đỡ người khác bằng tất cả tâm lòng chân thành, không một chút nề hà. Bên cạnh đó, không thể thiếu sách báo và những trang văn chữ viết nhiều thể loại, được anh ký dưới các bút hiệu khác nhau.

Trong anh cũng luôn có những nỗi thao thức, khắc khoải của một kẻ sĩ ưu thời mẫn thế, trước tình trạng đất nước đang có chiến tranh và xã hội thì thật nhiều những vấn đề. Hai tập tiểu luận Hoa Kỳ Bốc Lửa và Đế Quốc Xanh của anh, đã bầy tỏ những suy nghĩ và phân tích, nhận định cùng là sự đánh giá về đường lối cũng như chính sách của Hoa Kỳ tại Việt Nam qua việc tham chiến, việc can thiệp quá sâu vào lãnh vực chính trị, đưa đến những hậu quả không mấy tốt đẹp cho đất nước và dân tộc Việt Nam. Vì nội dung nặng nề công kích và gay gắt lên án đồng minh Hoa Kỳ, nên hai tập sách này chỉ được in ấn và phổ biến rất hạn chế trong vòng thân hữu.

Khi anh dọn về con hẻm dọc theo đường rầy phía bên kia Cổng xe lửa số 6, gần với khu cư xá kiến thiết nhà tôi, tôi lui tới anh thường hơn.

Lúc này anh đảm nhận thêm việc biên soạn Quân sử Không Quân, ngoài sự cộng tác thêm với tờ Báo Đen, có anh Bồ Đại Kỳ, người bạn thân thiết lâu đời của anh trong nhóm chủ trương, cùng anh chị Trần Dạ Từ & Nhã Ca. Tôi có giúp anh sắp xếp. phân loại các tài liệu hình ảnh thu thập được. Giữa tài liệu chính thống, thật thú vị khi đọc những trang giai thoại trong đời sống Không Quân thuộc loại ngoại truyện, kể về thời gian những ông khóa sinh sĩ quan Không Quân đi du học bên Pháp. Hay từng mẩu chuyện thời còn tùy thuộc vào Không Quân Pháp những năm đầu thập niên 1950, khi Không Quân chưa được thành lập chính thức; như có một ông phi công tốt nghiệp khóa 1 Hoa tiêu quan sát (tôi không còn nhớ chính xác giũa tên hai vị Nguyễn Ngọc Oánh và Phạm Long Sửu), lái máy bay bà già từ Nha Trang về Tân Sơn Nhất, nhưng lại đáp xuống phi trường Nam Vang vì thời tiết xấu nên lạc đường. Cũng may thời đó, cả vùng Đông Dương còn thuộc Pháp.

Anh cũng có mối giây liên lạc mật thiết với Linh mục Trần Hữu Thanh, Đinh Bình Định trong Phong Trào Chống Tham Nhũng năm 1974. Tôi biết điều này vì vẫn giúp anh chuyển nhận các thư từ trao đổi.

Thế rồi biến cố 30 tháng Tư năm 1975 đau thương của đất nước và dân tộc ập đến trong bàng hoàng xót xa đầy cay đắng.

Anh Trần Tam Tiệp đã kịp ra đi trong những ngày cuối cùng căng thẳng và sôi động. Ở lại quê hương, tôi bước chân vào những tháng ngày lao tù, khi người Cộng sản hoàn tất việc cưỡng đoạt miền Nam.

Tất cả mọi thứ đều như vụn vỡ và chìm sâu dần trong nỗi quên lãng thinh lặng. Mối giao tình giữa anh và tôi cũng thế, cho đến khi liên lạc lại được với nhau do một bất ngờ thật ngẫu nhiên.

Từ việc ở chung trại tù ngoài Bắc với một người em bà con của anh Dương Hùng Cường, tôi được biết anh Dương Hùng Cường cũng đi tù cải tạo và đã được tha sớm. Gia đình anh dọn về đia chỉ mới chứ không còn ở bên Chánh Hưng. Khi ra tù năm 1981 về lại Sàigòn, đến thăm anh Dương Hùng Cường, tôi được nghe kể anh Trần Tam Tiệp đã liên lạc với các anh em cầu thủ đội banh Không Quân cũ, để nhờ dò hỏi, tìm tôi mấy năm rồi. Trịnh Công Trí, một trong số các anh em đó, bất ngờ gặp được anh Dương Hùng Cường và nói chuyện ấy, cùng các chi tiết cần thiết.

Tôi cứ chần chừ mãi và anh Dương Hùng Cường đã báo tin tôi về nên luôn thúc dục tôi phải thư từ ngay với anh Trần Tam Tiệp để anh mừng.

Anh Trần Tam Tiệp tâm tình là khi không có manh mối tin tức gì của tôi ở trại tạm cư đảo Guam, rồi sau đấy bên Hoa Kỳ, nên đoan chắc rằng tôi còn ở lại quê nhà sau ngày ba mươi tháng Tư. Và từ đó, anh bắt đầu tìm phương cách để có thể dò hỏi, dù không mấy hy vọng.

Sống tại Hoa Kỳ được ít năm, anh chuyển sang Pháp cho gần gũi gia đình Paul, theo ước mong của người con trai thứ hiếu thảo.

Khi chung sức hình thành Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại tại Paris năm 1978, và được tín nhiệm vai trò Tổng Thư Ký; cùng lúc với sự ra đời khi ấy của những lực lượng, tổ chức đấu tranh, anh đã nghĩ ngay đến tôi và những phác họa công việc.

Có những việc phải bỏ dở dang không thành như mong muốn của anh và tôi. Đó cũng là điều may mắn cho tôi nơi khung cảnh thời gian đó. Vì nếu thực hiện được, hẳn chắc tôi sẽ gặp nhiều hệ quả khó lường.

Tôi có được đọc những bài viết của anh trong những tờ báo Hải ngoại mà anh gửi về theo cách  riêng, kín đáo, qua cô Nguyễn Thị Nhạn, nhân viên phòng Ngoại dịch Bưu điện Sài Gòn. Tôi cũng không hỏi anh thực hiện chuyện này như thế nào để có được một người trẻ, tràn đầy nhiệt huyết và lý tưởng quốc gia như cô Nguyễn Thị Nhạn.

Anh cung cấp đều đặn cho tôi những tin tức sinh hoạt sôi nổi của các phong trào bên Hoa Kỳ cũng như bên Pháp và luôn hẹn với tôi một ngày trở về thật gần. Biết điều đó như là một viễn mơ, nhưng tôi không bầy tỏ. Có lúc tôi cũng nghĩ rằng biết đâu một điều bất khả lại trở thành sự thật.

Riêng trong phạm vi chữ nghĩa, cùng với anh Dương Hùng Cường và một vài anh chị khác như Doãn Quốc Sỹ, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Vũ Bằng, Hoàng Hải Thủy, Khuất Duy Trác, Lý Thụy Ý…, qua nhiều cách thức, chúng tôi đã liên lạc và gửi sang anh một số bài vở, sáng tác gồm các thể loại Văn, Thơ, Nhạc,Tiểu luận, phóng sự hình ảnh…,nội dung bầy tỏ những nhận định, suy tư hay cảm nhận về cuộc sống xã hội đầy khổ hạnh và khắc nghiệt dưới chế độ Cộng Sản.

Ngoài việc thỉnh thoảng gửi nguồn trợ giúp nhóm anh chị em chúng tôi bằng chính từng đồng tiền tiết kiệm từ đồng lương của một công việc tầm thường nơi xứ người, anh cũng còn vận động, tìm kiếm thêm sự yểm trợ, để gửi quà thân tình cho nhiều văn nghệ sĩ khác nữa.

Tất cả cũng là do bản tính của anh, luôn muốn giúp đỡ mọi người, cách riêng các bằng hữu.

Thế rồi đi đến việc nhóm anh em chúng tôi bị chính quyền Cộng sản bắt giữ vào đầu tháng Năm 1984 và mấy năm sau đưa ra tòa xử với nhiều mức án tù giam. Anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, anh Dương Hùng Cường đã chết trong trại giam Chí Hòa và Phan Đăng Lưu, cũng như anh Vũ Bằng, từ trần trước ngày chúng tôi bị bắt chưa đầy tháng.

Vụ án khá ồn ào và sôi nổi một dạo ở trong nước cũng như hải ngoại. Ở Hải ngoại, thường được nhắc đến nhiều lần với tên gọi “Những tên biệt kích cầm bút”, nhan đề quyển truyện viết về vụ án mà tác giả là mấy ông nhà văn Công an Cộng sản.

Tôi tin chắc anh đã rất buồn bã, lo lắng cho anh em chúng tôi và gia đình vô cùng, nhất là riêng tôi. Trong thời gian ấy, nơi các tờ báo hải ngoại, anh đã viết nhiều bài về tôi, như muốn đánh lạc hướng cơ quan an ninh điều tra Cộng sản. Sau này tôi mới hiểu ra vì sao đám an ninh ở trại giam Phan Đăng Lưu soi mói, thẩm tra tôi kỹ đến thế, và thời gian tôi phải ở biệt giam rất lâu, gần tám tháng, gấp đôi so với các anh cùng vụ án.

Tôi mãn hạn tù đầu tháng 5/1988, biết tin anh cũng thật mừng vui và đã nói chuyện ngay với bà chị cả của tôi bên Houston, về việc làm hồ sơ, để có thể lo liệu cho gia đình tôi được ra đi nhanh sớm, với sự can thiệp của Văn Bút Quốc Tế, mà anh sẽ trực tiếp vận động, vì trường hợp của tôi đã được anh nêu lên từ trước. Thật đáng tiếc, đành phụ lòng yêu thương, ân cần lo lắng và những công sức của anh, chỉ vì thời điểm đó, tôi vẫn không háo hức và tha thiết việc đi khỏi Việt Nam cho lắm, cũng như không dám cho mình là một nhân vật quan trọng trong làng văn xóm chữ.

Anh em chúng tôi bị bắt hồi giữa năm1984, năm sau 1985, anh quá mệt mỏi và chán ngán nên rút lui khỏi Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, do gặp nhiều sự chống đối của các ông nhà văn cao ngạo, nhân danh thành phần trong văn giới đã “Marque déposée” (nhãn hiệu đã cầu chứng) lâu đời, không phải tay ngang như anh.

Anh chỉ sinh hoạt với Văn Bút Quốc Tế, và là người phụ trách vấn đề Việt Nam trong Ủy Ban Bảo Vệ Các Nhà Văn Bị Cầm Tù, rất được ông Chủ tịch đương nhiệm Thomas Von Vegesack và mọi người vô cùng trọng vọng, kính nể.

Khi gia đình tôi sang đến Houston cuối năm 2006, bà chị tôi có cho đọc các thư từ mà anh trao đổi trước đây, với những nội dung tràn đầy yêu thương, luôn dành cho một đứa em trong tháng ngày nguy khổ ấy. Tôi đã xúc động biết mấy và thấy anh vẫn gần gũi bên cạnh như ngày nào.

Thủ bút của Trần Tam Tiệp

Tôi đã tự trách mình và tiếc mãi về việc đã không cố gắng để có được một lần sang Paris gặp lại anh. Nhưng thôi, dẫu sao cũng là điều bất khả kháng không mong muốn. Trong cuộc sống, nhiều khi sự dở dang chưa trọn vẹn, sẽ làm cho người ta luôn nhớ mãi và không thể nào quên điều đã dở dang ấy.

Có thể từ khi gặp tai nạn rồi ngưng mọi sinh hoạt văn chương báo chí cũng như trong Hội Văn Bút, hình ảnh và con người anh đã chìm dần vào quên lãng nơi nhiều người. Điều thực tế phũ phàng này là chuyện hiển nhiên dễ hiểu. Nhưng đâu phải hoàn toàn như thế.

Tôi cũng không dám đoan chắc mình là người duy nhất luôn nghĩ nhớ về anh. Nhưng nỗi nhớ anh của riêng tôi, ngoài những ký ức trải dài, còn có nơi góc nhỏ tâm linh thầm lặng. Tôi nhớ đến anh trong những lúc cầu nguyện với niềm tin chắc chắn rằng anh đã được về nơi vĩnh phúc.

Thánh Antoine cả, Đan Viện Phụ (251-356), vị thánh người Ai cập, đã có mười lăm năm sống cô đơn trong sa mạc, chiến đấu với những cơn cám dỗ, để chiêm niệm cuộc sống đan tu trọn vẹn của mình. Thánh nhân đã dậy các môn sinh rằng: “Hãy sống như anh em phải chết hàng ngày. Hãy cố gắng bắt chước các vị Thánh”.

Anh Antoine Trần Tam Tiệp cũng đã trải qua mười lăm năm sa mạc bệnh tật đời mình trong chân dung như một đan sĩ. Nơi tháng ngày dài vác Thập giá khổ hạnh đó, chắc hẳn anh cũng đã phải chiến đấu với biết bao nhiêu thứ vây bủa, để sống thật thanh thản trọn vẹn, với tâm tình phó thác trao dâng mọi sự cho Chúa, như suốt cả một đời đã sống trong tâm tình này. Và chính vì vậy, anh xứng đáng để được Chúa ban cho phần thưởng nước Trời. ./.

ngọctự.

Lễ Giáng Sinh 2019 ở Richmond, Texas

 

 

 

 

©T.Vấn 2020


===============

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ