Chị cho biết:

- Cách đây một thời gian, tôi bất ngờ nhận được điện thoại của anh Văn Sử. Thật sự trước đó, tôi chưa hề biết anh Sử, và cũng chưa hề đọc kịch bản hay xem một vở diễn nào của anh. Qua điện thoại, anh Sử nói rằng muốn được chuyển thể tiểu thuyết Vũ điệu tử thần của tôi sang dạng kịch bản sân khấu, đồng thời cho biết: người giới thiệu và cho anh số điện thoại của tôi là PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái. Tôi trả lời: chị Minh Thái giới thiệu thì tôi tin. Tuy nhiên, việc sử dụng tiểu thuyết phải được thể hiện bằng văn bản, và kịch bản phải được tôi và chị Minh Thái - một chuyên gia về kịch bản sân khấu, đọc và thông qua. Hai việc ấy, tôi chưa thấy thì đã biết tin kịch bản đang được thẩm định để dàn dựng tại một đoàn kịch. Như vậy là không ổn.

             

* Điều này có mâu thuẫn gì với việc anh Bùi Tuấn Dũng nói trên báo: “Sau khi biết tin ông Văn Sử viết kịch bản Vũ điệu tử thần trên cơ sở tiểu thuyết cùng tên này, tôi đã gọi điện hỏi Trần Thanh Hà và chị Hà khẳng định không có chuyện đó”?

- Tôi nói với anh Dũng rằng tôi chưa hề kí một văn bản nào về việc đồng ý cho sử dụng tác phẩm.

* Vậy, chị cho rằng bản thân mình có quyền sở hữu tới đâu với cuốn tiểu thuyết này? Bởi, anh Dũng đã khẳng định: “Chị ấy không có quyền gì ngoài việc chuyển thể kịch bản phim thành tiểu thuyết. Chị ấy có quyền tái bản cuốn tiểu thuyết , đó là quyền duy nhất của Trần Thanh Hà với Vũ điệu tử thần”.

- Cuốn tiểu thuyết được xây dựng từ ý tưởng kịch bản điện ảnh Vũ điệu tử thần, do anh Dũng là tác giả. Điều này đã được ghi rõ ràng ngay trên trang hai của cuốn sách. Tôi sử dụng ý tưởng của kịch bản chứ không phải viết thêm vào kịch bản, cũng không thể gọi là chuyển thể. Anh Dũng cũng không buộc tôi phải trung thành hay không với kịch bản. Theo luật Sở hữu trí tuệ, tôi- nhà văn Trần Thanh Hà, có quyền nhân thân và quyền sở hữu đối với tiểu thuyết Vũ điệu tử thần.

* Nghĩa là, anh Dũng có quyền can thiệp vào quyết định của chị về vấn đề chuyển tiểu thuyết Vũ điệu tử thần sang kịch bản sân khấu hay không?

- Anh Văn Sử xin phép chuyển thể kịch bản sân khấu từ tiểu thuyết của tôi - chứ không phải từ kịch bản điện ảnh của anh Dũng. Tôi đọc bài phỏng vấn anh Dũng trên báo, anh Dũng có nói rằng nếu anh Văn Sử chuyển thể kịch bản thì phải đổi tên tác phẩm “Vũ điệu tử thần” và tên nhân vật. Tên tác phẩm, đồng ý, đó là tên của anh Dũng. Nhưng đối với nhân vật thì không phải thế, nhiều nhân vật trong tiểu thuyết không hề có trong kịch bản phim, và tính cách nhân vật trong tiểu thuyết, nó là sản phẩm của tôi - người viết tiểu thuyết.

* Vậy, chị có thể tự ước lượng xem “ý tưởng” từ kịch bản điện ảnh của anh Dũng chiếm dung lượng bao nhiêu phần trăm trong cuốn tiểu thuyết Vũ điệu tử thần?

- Ý tưởng của anh Dũng trong kịch bản rất hay. Nhưng khi tôi viết sách, thì tiểu thuyết đã có những mục đích và câu chuyện khác với kịch bản phim. Chẳng hạn, mục đích của tiểu thuyết là hành vi con người - điều mà kịch bản của anh Dũng không nhắm đến. Hay, các quan hệ trong tiểu thuyết là không có trong kịch bản, chẳng hạn quan hệ tình yêu - huyết thống giữa các nhân vật, rồi câu chuyện lạm dụng trẻ vị thành niên… Nhân đây tôi cũng nói thêm rằng, tôi đang viết cuốn tiểu thuyết thứ hai, vẫn với hình thức tiểu thuyết trinh thám. Vấn đề tôi đặt ra là con người đa nhân cách. Trong tiểu thuyết Vũ điệu tử thần, tôi đã dành nhiều thiện cảm cho nhân vật Sang, nhưng ở cuốn thứ hai, tôi sẽ khai tử anh ta.

* Vậy, chị sẽ quyết định thế nào về việc để anh Văn Sử chuyển thể Vũ điệu tử thần sang kịch bản sân khấu?

- Như đã nói, tôi chưa có một thỏa thuận chính thức nào với anh Văn Sử. Đến nay tôi vẫn chưa hề gặp anh Văn Sử. Tôi chỉ đồng ý nếu thấy rõ việc đó tốt hơn cho cuốn sách của tôi. Nói thật, tôi không có nhu cầu phải chuyển thể hay gì khác với tác phẩm của mình!

* Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện này!

theo Cúc Đường (TT&amVH)


=================;