Thứ Sáu, 18 tháng 6, 2021

" ... Tôi chọn TỰ DO ... THI SĨ "/ Nguyễn Khoa Điềm ( tựa bài của Bt) -- trích Blog Lê Thiếu Nhơn

 

NGUYỄN KHOA ĐIỀM đã chọn tự do thi sĩ


 

Nguyễn Khoa Điềm luôn cố gắng làm cho văn hóa nghệ thuật nói chung và thơ nói riêng không bị chính trị hóa một cách tầm thường, khiên cưỡng, thấp kém, không để chúng dễ dàng bị tùy tiện vu vạ. Ông hiểu rõ và kiên quyết bảo vệ một nền văn học nghệ thuật đích thực, một thứ thơ đích thực, vì đất nước, vì nhân dân

 

NHÀ THƠ NGUYỄN KHOA ĐIỀM: "TÔI CHỌN TỰ DO THI SI"

 

NGUYỄN THẾ KHOA

 

1.

Là dòng dõi hoàng tộc, chút ngoại của Minh Mạng, vị vua liêm chính, vì nước vì dân bậc nhất triều Nguyễn, cháu nội Đạm Phương nữ sử, nữ nhà văn, nhà báo tiên phong đấu tranh cho dân chủ, nữ quyền đầu thế kỷ 20, con trai của nhà lý luận nghệ thuật vị nhân sinh tiền bối Hải Triều, tư tưởng yêu nước thân dân có lẽ đã thấm sâu trong máu huyết Nguyễn Khoa Điềm từ trong bụng mẹ. Ông từng nói về truyền thống tốt đẹp của gia tộc:

“Ông bà xưa từ xứ Đông xa xôi

Đi bộ, đi thuyền, đi ngựa vào vùng sỏi đá này

Rách rưới và đói khát

Bùn và máu sạm mặt

Ông bà xưa, người làm quan, làm dân, vong gia thất thổ

Dù đói dù no, không ai làm giặc…

Trên vì nước, dưới vì nhà

Chưa một lần khuất mặt”.

(Thăm mộ ông bà)

Cha tham gia kháng chiến chống Pháp và hy sinh ở Thanh Hóa ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Mồ côi cha năm 9 tuổi, từ Huế tập kết ra Bắc năm 1955, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội 1964, Nguyễn Khoa Điềm đã xin về lại miền Nam quê hương chiến đấu theo đúng con đường Nam tiến dựng nước, giữ nước năm xưa của gia tộc và dân tộc. Ông vượt Trường Sơn cùng Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân) đầu năm 1965. Họ chia tay nhau bên bờ sông Xê Pôn, Nguyễn Khoa Điềm rẽ xuống Huế còn Ca Lê Hiến đi tiếp về quê hương Bến Tre. Trong một bài thơ nhắc tới sự kiện này, Nguyễn Khoa Điềm viết:

“Vâng, chúng ta đã chia tay nhau ở Xê pôn

Tôi rẽ theo vĩ tuyến, Hiến đi thẳng theo kinh tuyến

Chúng ta về với quê hương chiến đấu

Bắt tay, chiều nắng vàng cuối năm

Nói rằng gặp lại”.

(Bốn mươi năm gặp lại)

Trước cuộc chia tay giữa hai nhà thơ Ca Lê Hiến và Nguyễn Khoa Điềm gần 3 năm, năm 1962 cũng có một cuộc chia tay giữa hai nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi) và Nguyên Ngọc trên Trường Sơn như thế. Trong cuộc chia tay ấy, Nguyễn Ngọc Tấn đã nói với Nguyên Ngọc rằng ông có một đứa con ở miền Nam, ngày chiến thắng nếu ông không còn Nguyễn Ngọc hãy thay ông tìm con cho ông. Nguyễn Ngọc Tấn và Ca Lê Hiến đều hy sinh trong cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968 tại Sài Gòn. Nguyên Ngọc đã thay Nguyễn Ngọc Tấn tìm được con cho bạn còn Nguyễn Khoa Điềm và Ca Lê Hiến không thể gặp lại nhau như đã hẹn. Nhưng kể từ sau ngày được giải thoát khỏi nhà lao Thừa Phủ trong cuộc Tổng tấn công Mậu Thân tại Huế sau vài năm bị bắt giữ vì tham gia phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên, Nguyễn Khoa Điềm đã bắt đầu làm thơ và công bố hai tập thơ và trường ca được coi là xuất sắc bậc nhất trong thơ chống Mỹ là “Đất ngoại ô” và “Mặt đường khát vọng”, kế tục xứng đáng vị trí của Ca Lê Hiến, trở thành một trong những thơ hàng đầu trong nền thơ vì độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

Dù từng học cùng khóa Đại học Sư phạm Hà Nội với Phạm Tiến Duật và một số nhà thơ có tiếng khác, trước khi có hai tập thơ này, Nguyễn Khoa Điềm chưa bao giờ cho thấy mình có thể làm thơ và có thể làm thơ hay đến vậy. Ông giỏi ngoại ngữ, bộc lộ rất sớm học vấn sâu rộng và năng lực lý luận hơn người thời sinh viên và sau đó là khả năng viết báo sắc sảo khi vào chiến trường Trị Thiên – Huế, nhưng gần như chưa hề làm thơ trước khi bị kẻ thù bắt giam trong nhà lao Thừa Phủ.

Tuy vậy, thật kỳ lạ, sau khi được giải thoát khỏi lao tù, cảm xúc thơ ca như ào ạt bất tận trong Nguyễn Khoa Điềm và chỉ trong vòng 3 năm (1969-1971), ông đã hoàn thành vài chục bài thơ trong “Đất ngoại ô” và 9 chương trong trường ca “Mặt đường khát vọng”. Trong điều kiện ác liệt đói khổ của chiến trường và công việc chính của ông không phải là làm thơ thì số lượng thơ ấy là điều không tưởng. Nhưng không tưởng hơn chính là chất lượng, là sự mới mẻ, sâu lắng, già dặn bất ngờ ở thơ của chàng trai mới qua tuổi 25 này. Có lẽ, những ngày tù ngục đã khiến bản năng thơ tiềm ẩn vụt sáng, làm ông nung nấu một khát vọng thơ cháy bỏng để khi thoát khỏi tù ngục Nguyễn Khoa Điềm đã thăng hoa cùng thơ.

Thế hệ chống Mỹ chúng tôi, những năm 1972 – 1975 ngay tại các chiến trường, đã rất say mê chuyền nhau chép tay những bài thơ như “Đất ngoại ô”, “Nơi Bác từng qua”, “Bếp lửa rừng”, “Con chim thời gian”, “Con gà đất, cây kèn và khẩu súng”, “Khúc hát ru những em bé trên lưng mẹ”, “Tôi lại đi đường này”, “Gửi anh Tường”…trong “Đất ngoại ô” và chương 5 mang tên “Đất nước” trong “Mặt đường khát vọng”. Và thuộc lòng nhiều bài thơ, đoạn thơ của ông như:

“Khu phố ngoại ô

Tấm tã rụng bên dòng sông

Những người dân nghèo về đây

Như vỏ hến chiều chiều tấp lên các bến.

Khu phố ngoại ô

Chân đất, đội áo nối vai

Le te chợ Hôm, chợ Mai

Đầu tắt mặt tối”.

(Đất ngoại ô)

“Côộc

Côộc

Côộc

Những người Tà Ôi da màu than rẫy cũ

Truốt vào lòng tay sần sùi da gỗ bứa

Từng hạt vàng ẩm ướt mồ hôi

Từng hạt vàng in sắc máu bàn tay”

(Con chim thời gian)

“Nhưng lạ lùng thay, nhân dân thông minh

Không hề lừa ta dù ca dao, cổ tích

Ta lớn lên bằng niềm tin rất thật

Biết bao nhiêu hành phúc có trên đời

Dẫu phải khi cay đắng dập vùi

Rằng cô Tấm cũng về làm hoàng hậu

Cây khế chua có đại bàng đến đậu

Chim ăn rồi trả ngon ngọt cho ta

Đất đai cỗi cằn thì người sẽ nở hoa

Hoa của đất, người trồng cây dựng cửa

Khi ta đến gõ lên từng cánh cửa

Thì tin yêu ngay thẳng đón ta vào

Ta nghẹn ngào, Đất Nước Việt Nam ơi!”

(Đất nước – Mặt đường khát vọng)

“Đất ngoại ô” và “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm là sự hòa hợp nhuần nhụy chưa từng có trong thơ chống Mỹ giữa không khí lãng mạn của thơ Bằng Việt, Lưu Quang Vũ ở miền Bắc, cuộc sống chiến đấu bi hùng của quân và dân ta trên Trường Sơn, miền Nam của Phạm Tiến Duật, Thu Bồn, Lê Anh Xuân và hào khí xuống đường bất khuất của thơ Trần Quang Long, Ngô Kha, Trần Vàng Sao…ở Huế và các đô thị miền Nam thời đó.

Người ta nói Nguyễn Khoa Điềm đem đến một thi pháp mới cho thơ chống Mỹ trong hai tác phẩm trên bởi sự kết hợp tuyệt vời đó và cũng bởi sự kết hợp tự nhiên, phóng khoáng giữa cảm hứng hiện đại và cảm hứng lịch sử, giữa cảm và nghĩ, giữa hùng ca và tình ca, giữa chất liệu văn học và chất liệu hiện thực, giữa thơ có vần và thơ không vần. Thi pháp ấy của Nguyễn Khoa Điềm có ảnh hưởng rất lớn lên các nhà thơ thế hệ chống Mỹ và cả sau này. Tuy vậy, phải nói đóng góp lớn nhất của Nguyễn Khoa Điềm trong hai tuyệt phẩm này là sự khẳng định thật cụ thể, thật điềm tĩnh, thật sâu sắc, thật lay động chân lý: đất nước là của nhân dân, nhân dân đã đang và sẽ “làm nên đất nước muôn đời”.

 

2.

Tháng 6/2016, Nguyễn Khoa Điềm có bài thơ mang tên “Tự do” như một tuyên ngôn muộn về thơ của mình:

“Giữa cái thời sống là đeo đuổi

Danh hiệu, bạc tiền, ghế cao, nhà rộng

Tôi chọn tự do

Thi sĩ”

Bài thơ được viết sau đúng 10 năm ông về hưu, hồi hương làm một người dân của Huế, làm nhiều người lầm tưởng đây chỉ là một lựa chọn sau khi đã hưởng đủ mọi vinh hoa của cuộc đời hơn 30 năm hoạn lộ của ông từ năm 1975 đến năm 2006 với các chức vụ Bí thư Thành đoàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Thứ trưởng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin rồi cuối cùng là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương. Nhưng những ai hiểu ông, biết rõ ông đã chọn “tự do thi sĩ” từ khi được giải thoát khỏi nhà lao Thừa Phủ, bắt đầu viết “Đất ngoại ô”, và “Mặt đường khát vọng”. Từ đó trở đi, dù công tác chính trị chuyên nghiệp rồi thành một chính khách lớn trong hàng yếu nhân của đất nước, có những đóng góp không nhỏ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, nhất là góp phần quan trọng cho sự ra đời và thực hiện của Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, một nghị quyết lịch sử về xây dựng và phát triển nền văn hóa VN tiên tiên, đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong suốt thời gian đó, trong khả năng có thể, ông luôn cố gắng làm cho văn hóa nghệ thuật nói chung và thơ nói riêng không bị chính trị hóa một cách tầm thường, khiên cưỡng, thấp kém, không để chúng dễ dàng bị tùy tiện vu vạ. Ông hiểu rõ và kiên quyết bảo vệ một nền văn học nghệ thuật đích thực, một thứ thơ đích thực, vì đất nước, vì nhân dân với trách nhiệm và quyền lực không gì thay thế được.

Nếu không “chọn tự do thi sĩ” một vị thượng thư cộng sản không thể nào dám viết những câu thơ “Đã lâu anh chưa về Huế/Hẹn vào thu, rồi lỡ cả mùa đông/Anh mải miết trên đường hoạn lộ/Ngoảnh về quê hư ảo một vầng trăng” (Viết cuối năm). Trong giới văn nghệ vẫn lưu truyền câu chuyện khi cho in bài thơ này, vị Tổng biên tập một tờ báo, vì muốn bảo vệ ông, đã cho chữa câu thơ “anh mải miết trên đường hoạn lộ” thành “anh xuôi ngược Cửu Long, sông Mã” cho đúng lập trường. Nguyễn Khoa Điềm hiểu vì sao người này làm như vậy nhưng là người luôn muốn gọi sự vật bằng chính tên của nó nên cho in lại bài thơ trên một tờ báo khác theo đúng nguyên bản của mình.

Nếu không “chọn tự do thi sĩ” thì Nguyễn Khoa Điềm không thể viết bài thơ “Sự thật của cuộc ra đi” khi nhạc sĩ Trịnh Cộng Sơn mất, đánh giá rất cao đóng góp của nhạc sĩ thiên tài cho đất nước, cho nhân dân, trong lúc phần lớn ca khúc của nhạc sĩ này còn bị cấm, thậm chí bị coi là "chống Cộng". Đây là một mạo hiểm chính trị lớn ngay trước thềm Đại hội Đảng IX, một đại hội mà Nguyễn Khoa Điềm biết ông là ứng cử viên cho một trong những vị trí lãnh đạo cao nhất.

Bởi thế, công tác chính trị, chính quyền hay vị trí một VIP lớn không che khuất hay làm tha hóa được tư cách thi sĩ trong Nguyễn Khoa Điềm. Khói lửa, tù ngục của chiến tranh đã phát hiện ra tư cách thi sĩ trong ông, làm Nguyễn Khoa Điềm hiểu rõ đất nước, nhân dân cần mình không chỉ với tư cách một cán bộ cách mạng mà còn với tư cách một nhà thơ. Nhà thơ Thanh Thảo từng nhận xét: “Có hai giai đoạn được coi là “bùng nổ” trong thơ Nguyễn Khoa Điềm, đó là giai đoạn từ 1969 tới 1971, và sau hoà bình là giai đoạn từ 1982 đến 1984, mỗi giai đoạn chỉ gói tròn trong 3 năm, nhưng đó là ba năm Nguyễn Khoa Điềm “giải phóng” được năng lượng thơ của mình”. Điều kỳ lạ là đó đều là hai giai đoạn khó khăn, hiểm nghèo nhất của đất nước trong kháng chiến và hòa bình. Kết quả của giai đoạn bùng nổ đầu tiên là “Đất ngoại ô” và “Mặt đường khát vọng”. Kết quả của giai đoạn bùng nổ thứ hai là tập thơ “Ngôi nhà có ngọn lửa ấm” (1986) với hàng loạt bài thơ hay như “Em cây chò của anh”, “Viết từ Đà Nẵng”, “Mẹ và quả”, “Miền quê”, “Chiều Hương Giang”, “Biển trước mặt”, “Nắng Cửa Tùng”, “Đi bên mùa thu”, “Bạn ơi có nhớ”, “Kính tặng Nguyên Hồng”, “Ngôi nhà có ngọn lửa ấm”, “Tặng một người sáng tạo”, Không có quyên mệt mỏi”…được viết trong 3 năm 1982 – 1984. Đây là những bài thơ nồng ấm, nhân hậu, bình tâm, day dứt viết về đất nước, nhân dân về bản thân và gia đình mình trong cuộc sống hòa bình vô cùng khắc nghiệt sau những tháng năm binh lửa. Người đọc không thể quên những câu thơ nhói lòng trong bài thơ vào loại hay nhất về người mẹ VN, “Mẹ và quả”:

“Những mùa quả mẹ tôi hái được

Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng

Những mùa quả lặn rồi lại mọc

Như mặt trời, khi như mặt trăng.

Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên

Còn những bí và bầu thì lớn xuống

Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn

Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi.

Và chúng tôi, một thứ quả trên đời

Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái

Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi

Mình vẫn còn một thứ quả non xanh?”

Cũng như những câu thơ đầy tự hào Nguyễn Khoa Điềm viết từ Huế khi nghe tin nhà văn Nguyễn Hồng mất ở ấp Cầu Đen trên núi rừng Yên Thế. Nhưng câu thơ không thể xứng đáng hơn với nhà văn lớn nhất của người lao khổ Việt Nam, người trọn đời dám sống bằng sự trung thực và lao động từ bàn tay, ngòi bút của mình:

“Ông ngã xuống như một người lao lực trên trái đất

Ngã xuống thớ đất mình vừa lật lên

Tôi tin tưởng

Trên mặt đất này

Mọi điều ác, sự giả trá, sự vô tâm sẽ rơi xuống”

Và niềm tin của nhà thơ xứ Huế về bước đi lên tất yếu của đất nước bất chấp sự bao vây, cấm vận, hai cuộc chiến tranh biên giới độc ác của kẻ thù hay bọn kẻ cắp gian manh còn ẩn nâp đâu đó:

“Dẫu sau những bức tường kia còn nhộn nhạo mưu mô những tên kẻ cắp

Tôi tin giấc mơ lành trong đêm có thể lấy lại được

Miễn là dám bước qua giới hạn của mình”

(Viết từ Đà Nẵng)

 

3.

Trong bài viết cuối thu 2001 nhận xét về hai cuộc bùng nổ thơ trên của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhà thơ Thanh Thảo đã từng nêu câu hỏi: “Liệu Nguyễn Khoa Điềm có giai đoạn bùng nổ thứ ba của thơ mình hay không?”. Và Thanh Thảo đã tự trả lời câu hỏi do mình đặt ra: "Chắc chắn sẽ rất khó, nhưng người đọc vẫn hy vọng”.

Thực tế cho thấy Thanh Thảo vừa đúng vừa không đúng. Thơ Nguyễn Khoa Điềm đã có cuộc bùng nổ lần thư ba nhưng thật tự nhiên, tất yếu, chẳng mấy khó khăn. Ta hãy đọc bài thơ như một lời reo vui của Nguyễn Khoa Điềm ở tuổi 63, viết tháng 5/2006, sau khi được từ giã “nhà trắng” ở Nguyễn Cảnh Chân, Hà Nội về lại ngôi nhà thân thuộc của gia tộc Nguyễn Khoa ở 250 Nguyễn Sinh Cung, Vĩ Dạ, Huế:

“Bây giờ là lúc có thể chia tay điện thoại để bàn, cạc vidit, nắm đấm micrô

Tự do lên mạng với đời sống, ăn ngủ với bụi đường

Một mình một ba lô và xe đạp

Bây giờ gió gọi anh đi

Mặt trời đánh nhịp về tám hướng

Từ giã cà vạt, giày đen, lời trịnh trọng

Anh là một với cánh đồng, cánh hẩu với quán cóc, ăn chịu với cỏ

Hò hát một mình, đọc những gì yêu thích, ghi chép những gì cần ghi chép

Thế giới thật rộng, những ngả đường độ lượng…”

(Bây giờ là lúc)

Và không phải ngẫu nhiên mà bài thơ thật hồn hậu trong trẻo cho thấy niềm vui lớn lao của một sự giải thoát hằng mong mỏi ấy của Nguyễn Khoa Điềm đã được kết bằng các câu thơ thật quyết liệt: “Hãy lộn ngược da anh/và ghi lên đó mật khẩu:- Không lùi bước!”.

Đây là bài thơ đánh dấu giai đoạn bùng nổ thứ ba của thơ Nguyễn Khoa Điềm. Không như hai giai đoạn bùng nổ trước như Thanh Thảo nhận định mỗi giai đoạn chỉ diễn ra trong 3 năm, giai đoạn này kéo dài từ năm 2006 cho mãi đến hiện nay, những mười mấy năm với tập thơ “Cõi lặng” (2007), nhiều bài thơ viết sau 2007 được đưa vào “Tuyển tập thơ Nguyễn Khoa Điềm” (2012), “Nguyễn Khoa Điềm – Thơ tuyển (2013) và không ít thơ giới thiệu trên báo chí và không gian mạng từ năm 2013 đến giờ. Đây là giai đoạn Nguyễn Khoa Điềm được toàn tâm toàn ý sống với “tự do thi sĩ” của mình.

 Nếu Nguyễn Khoa Điềm coi cõi thơ là “cõi lặng” thì đó là nơi “anh soi thấy mặt mình/với nỗi buồn trong sạch”, nơi “không tiếng động nào khác” ngoài “tiếng đập trái tim anh”, đó là lúc ông hạnh phúc thốt lên: “người ơi, tôi yêu người tha thiết/tôi sống với người, chết vì người”, đó là khi ông thấy mình đang “vượt qua ghềnh thác/đến những miền trong xanh” (Cõi lặng). “Tự do thi sĩ” của Nguyễn Khoa Điềm là thế. “Để được là mình/được viết điều mình mong ước”(Tự do) không hề đơn giản mà đầy khó khăn, đầy thách thức. Đó là khi thi sĩ phải “trước hết chính mình/không chiều luỵ mình/ngỏng cổ nghe lời khen tặng”. Đó là khi thi sĩ tự nguyện nhận “tất cả/những ràng buộc trong sạch/giữa con người và con người/con người cùng ngoại vật/không ngã giá/thật bình dị”.

Như chí sĩ mọi thời, một chiến sĩ cầm súng đã tạo nên tư cách thi sĩ của mình qua 10 năm trên chiến trường sinh tử, “đã trộn mình trong đất/đã bơi qua bao dòng sông/lội bao con suối mùa mưa/ăn bao nhiêu rau rừng/hút bao nhiêu ngọn lá khô/quen với cái đói/chống gậy lò dò đi trong cơn sốt/cho dù tù đầy, khảo tra” đã hằng tự nhủ lòng “chỉ có cái chết mới bắt ta nằm xuống” (40 năm gặp lại), đã giữ được sự trung thực, liêm chính trong hơn 40 năm “hoạn lộ” như Nguyễn Khoa Điềm thì “hưu nhàn” không có nghĩa là buông súng, gác but, trở về với tự do cá nhân, với ẩn dật thù tạc mà là được trở về trọn vẹn với tư cách thi sĩ để bước vào một cuộc chiến đấu mới, cuộc chiến đấu vượt qua chính mình, cuộc chiến đấu mà ông ý thức là cuối cùng và có thể là khó khăn nhất. Bởi thế, ông mới phải “lộn ngược da…/và ghi lên đó mật khẩu:- Không lùi bước!”.

Câu mật khẩu gan ruột trên đã giúp Nguyễn Khoa Điềm không vì “buồn chuyện năm châu bốn biển” mà “kẻ sĩ cưỡi trâu vào núi” hay vì chuyện “tìm ra đường thật khó/chọn được Người, khó hơn” (Cáp quang) mà tuyệt vọng. Ông ý thức rõ ”nhiều khi đá dạy ta mềm mỏng/sự tàn nhẫn nhắc ta điều lành/nỗi buồn đánh thức hy vọng” (Hy vọng). Và niềm hy vọng được đánh thức đó cùng sự mẫn huệ của trí tuệ, chín muồi của tài năng, nhân cách, đã làm sự bùng nổ thứ ba trong thơ Nguyễn Khoa Điềm chính là giai đoạn đỉnh cao của thơ ông, khi các bài thơ ngày càng thật, càng hay, càng hiện đại, cô đúc, giản dị mà sâu lắng, quyết liệt, không khoan nhượng mà tràn ngập nỗi niềm, nhiều triết luận mà vẫn ấm áp, gần gũi, vẫn nhiều tin yêu, ngạc nhiên tinh khôi trước những vẻ đẹp của sự sống, con người. Vì niềm tin vào lý tưởng mà mình đã trọn đời dâng hiến về một đất nước độc lập, tự do, dân chủ, công bằng, ông không ngần ngại đặt câu hỏi:

“Bây giờ lá cờ trên cột cờ Đại Nội

Có còn bay trong đêm

Sớm mai còn giữ được màu đỏ?...

Ai sẽ nắm vận mệnh chúng ta

Trong không gian đầy sợ hãi?”

(Đất nước những tháng năm thật buồn)

Và sẵn sàng vạch trần mọi giả trá, bất công, ngang trái, mọi cái xấu, cái ác mà ông nghe thấy, nhìn thấy. Khi trở về với cánh đồng quê hương, ông cay đắng nhận ra bây giờ người ta đã không còn nhớ những người lao động chân chính “khi mồ hôi trở nên quá rẻ/kẻ ranh ma trở nên quá giàu” (Cánh đồng buổi chiều). Còn khi “Nghe in hai nhà khoa học bị tai nạn xe máy” thì ông phẫn nộ lên án “Hung bạo giữa bàn nhậu, trong cửa sau công sở/hung bạo đường phố/hung bạo văn chương, tố giác, nặc danh”. Nguyễn Khoa Điềm cũng sẵn sàng đấu tranh trực diện cho quyền dân chủ của nhân dân, cái quyền thiêng liêng nhất mà cách mạng sẽ đem lại cho nhân dân như Bác Hồ và Đảng ta đã nói. Trong một bài thơ ông khẳng định mạnh mẽ: “Không!sự sợ hãi không cứu được chúng ta/mà chính là sự can đảm/đi tới dân chủ” (Nhân dân).

Trong giai đoạn bùng nổ thứ ba của thơ Nguyễn Khoa Điềm, ông viết khá nhiều về các danh nhân đất nước: Trần Nhân Tông, Nguyễn Du, Võ Văn Kiệt, Tố Hữu, Phùng Quán, Lưu Quang Vũ…Tôi đặc biệt thích hai bài thơ về Trân Nhân Tông và Võ Văn Kiệt, đó là hai bài thơ thật hay về hai con người là niềm tự hào của dân tộc ta. Đến Yên Tử, gặp bức tượng vị vua anh minh nhất triều Trần và Phật hoàng của Thiền phái Trúc Lâm giữa núi rừng quạnh vắng, Nguyễn Khoa Điềm viết đầy lắng đọng:

“Không có tiếng quân reo

Không có lửa

Chỉ có tiếng gậy trúc bà cụ gõ vào đá núi

Người ngồi đó

Dắt ta vào bảy trăm năm

Thăm thẳm như một giọt nước mắt”

Còn với Võ Văn Kiệt, vị Thủ tướng được lòng dân nhất của một đất nước Việt Nam thống nhất thời hiện đại, ngay sau khi Thủ tướng mất, Nguyễn Khoa Điềm đã vĩnh biệt ông bằng những dòng thơ mạnh mẽ:

“Một người giục ta làm lại mình

Cả khi ta cạn kiệt.

Ông yêu mọi cái

Có lẽ, trừ cái chết

Ông dám thách thức bạo ngược bằng nụ cười

Khi không còn gì để tin tưởng, ông tin tưởng chỗ mình đứng…

Ông đến với nhân dân không phải là một cách tạo dáng

Chỉ vì nhân dân cho ông ánh sáng

Chỉ vì ông không muốn mình một kẻ côi cút, già nua…”

Với những dòng thơ tinh chất và không thể minh triết hơn này, Nguyễn Khoa Điềm đã làm bất tử hình ảnh hai “Con người viết hoa” của đất nước trong thơ mình. Nguyễn Khoa Điềm, một nhà thơ chính khách đã “chọn tự do thi sĩ” rất đáng trọng, hiểu đúng hai con ngừoi này, bởi ông cũng là con người có thể lắng nghe được “tiếng gậy trúc” lịch sử “gõ vào đá núi” và đã được “nhân dân cho ánh sáng” để có được hạnh phúc không bao giờ là một kẻ “côi cút, già nua”... ./.

 

 

 

nguồn: Tạp chí Thế giới Di sản số 6/2021


=====================================

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ