' Nhà thơ Nguyễn-Bính-Hồng -Cầu; " Chọn cuộc đời gánh tên cha, [ Nguyễn Bính ] ."/ bài viết: Tiểu Quyên -- nguồn : https://phunuonline.com.vn>
Nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu: Chọn cuộc đời gánh tên cha...
PNO - Ở tuổi ngoài 60, nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu vẫn tiếp tục xuôi ngược tìm kiếm những gì còn lại của cha để viết tiếp cuốn sách về cuộc “hành phương Nam” cách đây hơn nửa thế kỷ của cha mình.
“Hồi con nhỏ, tôi được mẹ dặn đi đâu cũng không được nói là con gái ông Nguyễn Bính, nếu có ai hỏi thì phải bảo cha bỏ theo vợ bé rồi. Có như thế mới bảo đảm được an toàn cho cha mẹ và cả bản thân tôi. Rồi mẹ đưa ra hàng loạt cái tên cho tôi chọn: Minh Thu, Minh Châu, Bé… - không có tên cha để gắn vào tên mình; nhưng tôi một mực chọn cái tên Nguyễn Bính Hồng Cầu. Chọn cuộc đời gắn với tên cha, tôi biết mình phải sống, phấn đấu sao cho xứng đáng với người” - nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu, con gái nhà thơ Nguyễn Bính tâm sự.
Nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu tại nhà lưu niệm mang tên cha bà |
“Hồng Cầu: Như trái đất này rực lửa/ Dù bao giờ dù bất cứ ở đâu!” - là hai câu cuối bài thơ Nhớ kỹ tên con nhé! mà nhà thơ Nguyễn Bính viết tặng con gái vào tháng 11/1959. Ông đã về cõi vĩnh hằng hơn 40 năm, nhưng cuộc đời và di sản thơ của ông vẫn chưa bao giờ bị lãng quên.
Người con gái nối nghiệp thơ cha - nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu đã làm mọi điều nhằm giữ trọn vẹn nhất có thể những gì cha mình để lại. Hơn 20 năm lặn lội khắp nơi thu thập tác phẩm thất lạc trong dân gian của cha, bà vừa cho ra mắt bộ Nguyễn Bính toàn tập ngày 17/9 vừa qua, đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Nguyễn Bính.
Ở tuổi ngoài 60, nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu vẫn tiếp tục xuôi ngược tìm kiếm những gì còn lại của cha để viết tiếp cuốn sách về cuộc “hành phương Nam” cách đây hơn nửa thế kỷ của cha mình.
“Ngay sau buổi ra mắt bộ Nguyễn Bính toàn tập, tôi nhận được tin nhắn của một người ở xã Mỹ Hòa (Vĩnh Long), cho biết vào khoảng năm 1946-1947, cha tôi đã ở nhà người ấy. Tôi lập tức bắt xe về Vĩnh Long. Cuộc đời cha di chuyển nhiều quá, nên giờ cứ nghe nơi nào cha từng đến là tôi đi tìm. Ngoài những nơi rừng thiêng nước độc lực bất tòng tâm, còn lại tôi đều cố gắng đến tận nơi. Nghe chuyện của người dân miền bưng biền xưa mới thấy hình ảnh cha tôi trong lòng dân rất khác cách lâu nay nhiều người vẫn nhìn về ông. Người ta vẫn nói về Nguyễn Bính với thơ, rượu, những mối tình… nhưng tôi lại nghe trong lòng dân là chuyện: “Nguyễn Bính dạy dân làm người. Ông ra đi vẫn để lại trong lòng bao người những bài học về nhân cách” - nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu chia sẻ.
Nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu (trái) trong ngày ra mắt bộ sách Nguyễn Bính toàn tập |
Người mất thì đã nằm lại với trăm năm nhưng hiện không đếm hết những tuyển thơ Nguyễn Bính đã được xuất bản, chưa kể những bản chép tay với thủ bút của ông còn thất lạc và những dị bản lưu truyền trong dân gian… Trong lòng con gái ông, thơ cha mãi như những lời yêu thương tràn đầy: “Tiến lên từng bước vững vàng/ Đừng phụ lòng tin cha mẹ/ Hãy xứng danh người con gái Việt Nam/ Nhớ kỹ tên con nhé Hồng Cầu…”.
Trong đời nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu - dù ở con dốc nào của cuộc đời, bà vẫn thấy mình như cô bé ngày xưa được cha chở che những lần gặp tai nạn, khó khăn, biến cố. Trong những giấc mơ của mình, bà vẫn thấy cha về trong hình hài bướm trắng; vẫn tin cha còn đó bên mình những khi nghe tiếng gió lùa, khi nhìn cây nhang bất chợt cháy đỏ như ngọn lửa hồng cầu…
Nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu nói, nhiều người nghĩ bà đã nương vào cái bóng khổng lồ của cha để sống một đời thơ, mà ít người hiểu bà không hề chọn thơ làm sự nghiệp. “Hồi đó tôi giỏi văn lắm, đi học giữa tiếng bom đạn mà chẳng hiểu vì sao tôi có thể viết đến 45 trang giấy bình thơ của nhà thơ Lưu Trùng Dương. Tôi còn nhớ những câu thơ mở đầu thế này: “Buồm Tổ quốc có hồn ta làm gió/ Sự nghiệp anh hùng ta vinh dự góp bàn tay…”. Mãi sau này đến với nghiệp viết tôi cũng viết văn xuôi. Cuộc đời trôi dạt, long đong, chưa thể nói hết phận mình, còn thời gian đâu mà nghĩ đến thơ nữa”, bà nhớ lại.
Nhưng, thơ vẫn đến như tiếng lòng. Thuở bé lưu lạc, có lúc bà phải vào viện mồ côi vì an toàn của cha mẹ (mẹ bà khi đó là nhà báo Nguyễn Hồng Châu, hoạt động tình báo đơn tuyến ở Sài Gòn, có lúc phải cạo đầu lên núi Bà Đen (Tây Ninh) để tránh tai mắt của kẻ thù - PV).
Lớn hơn một chút, bà trôi dạt ra Thanh Hải (nay là Long Hải, Vũng Tàu) làm sai vặt trong một khu nhà nghỉ. “Có lần cướp ập vào, tôi trốn dưới gầm bàn, tay chân cứng đờ, sợ đến không thể nói thành tiếng. Cướp đi, tôi bị lôi ra đánh vì “sao mày không la? Nuôi chó nó còn biết sủa giữ nhà, mày thì không la được một tiếng” - bà kể.
Chuyện cũ giờ thành chuyện vui, nhưng những năm tháng ấy, cô gái nhỏ chỉ biết gồng mình lên mà sống, mà trưởng thành để tự lập với ý thức lúc nào nguy hiểm cũng rình rập quanh mình.
“Tôi chỉ tiếc là khi còn trẻ, còn sung sức viết thì lại phải lao vào cơm áo gạo tiền, không có thời gian để viết những cuốn sách về cha. Giờ được thong thả để viết thì sức mình đã chẳng còn như xưa. Ngay sau giải phóng, mẹ tôi đã bắt đầu thu thập những tư liệu về cha. Giờ thì bà chỉ còn có thể nghe tôi kể, nghe xong là quên ngay. Điều khiến tôi tạm yên lòng là những gì mình ấp ủ đều đã làm được cho cha rồi” - bà nói.
Nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu trên đường tìm tư liệu về cha mình tại miền Tây |
Ba việc bà đã làm được cho cha là làm lại mộ ông ở Vụ Bản (Nam Định), xây nhà lưu niệm ở Gò Vấp và in được bộ Nguyễn Bính toàn tập. Bộ sách in cả bản gốc lẫn dị bản, nhà lưu niệm thì giữ cả những bản thơ chép tay của nhà thơ Nguyễn Bính lúc sinh thời. Chữ ông rất đẹp.
“Cuộc sống này có lẽ đầy những duyên may và chúng ta rồi sẽ luôn được dẫn dắt đến những điều tốt lành nhất. Suốt hành trình tìm kiếm tư liệu, tác phẩm của cha, tôi thấy mình luôn gặp nhiều may mắn, mà nói theo dân gian là như có quý nhân phù trợ vậy. Ngôi nhà tôi đang sống cũng gần đường Nguyễn Oanh (ông Tư Oanh, từng hoạt động bí mật trong vai trò người phụ trách tuyên truyền của Thành ủy Sài Gòn - Gia Định - PV). Ông Tư Oanh là người đồng hương, đồng đội có thể nói là đã “khai quang điểm nhãn” cho đường thơ cách mạng của cha tôi. Rồi những cuộc gặp tình cờ đưa đẩy tôi tìm đến với bạn bè của cha, những người đã cưu mang ông thời kháng chiến bưng biền… Suy cho cùng, chỉ cần chúng ta còn sống thôi, mọi điều đều sẽ qua hết” - bà tâm sự.
Có một định nghĩa khác về hạnh phúc của đời người là được phụng sự. Mỗi người một lý tưởng, một lựa chọn, một tình yêu để phụng sự. Có lẽ, với nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu, cái tên đã nói lên mục đích phụng sự của cả đời bà. Tên của cha - như một cội nhớ đi theo suốt những năm tháng cuộc đời của
con gái … ./.
Tiểu Quyên
================
được đăng bởi khedo@outlook.com @ 01:21 0 Nhận xét
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ